Tại làng kia có một người ăn trộm giỏi. Ông ta có một quy ước “tình làng nghĩa xóm” là đồ ăn thì trộm trong làng còn của ăn của để thì quơ sang những làng khác. Gần hết đời mà ông ta không bị dân làng nhận diện bởi vì quá tài, trong khi gà vịt gia đình ông ta ăn thoải mái, nhà cửa ngày một khang trang, nghe đâu có cả một con trai …làm thơ nữa thì phải và không đứa nào nối nghiệp cha. Ngẫm lại thấy muốn bỏ nghề vì tuổi cũng đã khá cao, làm đạo chích cũng gần hết đời, ông bèn nói thật với người hàng xóm rất nghèo và muốn truyền nghề cho thằng con nhà ấy. Hàng xóm nghe rất ngạc nhiên vì bao lâu sống cạnh đạo chích mà không hề biết. Nhưng suy nghĩ thấy đúng như lời ông ta nói, không làm gì mà sống phong lưu thì chỉ có ăn trộm chứ không thể tham nhũng bởi ông ta đâu có làm quan chức!
Thế là thầy bắt đầu dạy trò. Sau vài bài ăn trộm gà, thằng bé tỏ ra có năng khiếu bẩm sinh về trộm đạo, cha mẹ nó vui vì có gà vịt ăn liền liền, còn thầy thì hưng phấn vì nghề của mình không bị thất truyền. Một tối, thầy dẫn trò đến một nhà giàu nơi mà thầy đã thuộc đường ra lối vào như lòng bàn tay. Ông chỉ cho nó chiếc hòm gian (rương lớn) cao và to như cái divan, có một nắp nhỏ khóa kín, và chỉ cho nó cách tay không mở khoá. “Thông minh nhất nam tử/ Yếu vi thiên hạ kỳ”, thằng bé vào được cái hòm rờ thấy toàn là đồ sứ gia bảo đáng giá vô cùng. Khi trò còn đang say sưa với chiến lợi phẩm thì bỗng đứng ngoài bụi tre tiếng thầy la oang oác “Nhà có trộm, thằng trộm đang ở trong hòm”. Nghe tiếng, người nhà mang đèn vào, thằng nhỏ điên tiết trách ông thầy khốn nạn hại đời nó. Rơi vào cảnh nguy kịch, thằng học trò lấy hết sức bình sinh phóng từ trong hòm ra, đạp mấy người rồi phóng ra đường thoát thân. Trời tối như mực, cả xóm đuổi theo, thằng ăn trộm kẹt quá chui đại vào bụi tre gai, bỗng lại có tiếng la của thầy nó “Thằng trộm ở trong bụi tre!”, làng xóm bao vây lấy nó. Lâm vào cảnh mạt lộ, thằng bé nghiến răng kèn kẹt oán hận lão trộm già thấu trời và đành liều phóng ra mặc dù gai tre xé rách da thịt nó, và nó thoát thân! Về nhà nó trút hết oán hận vào ông thầy không còn lời nào hơn nữa. Thầy chỉ nói “Làm nghề gì cũng phải học sự nguy hiểm và cách thoát thân trước đã!”.
Nghĩ về ông thầy bỗng nhớ đến nhà gì đó bên Tây có nói “Thầy là cần thiết, Thầy cũng là trở ngại”. Trường hợp này, sự trở ngại là trở ngại cho cái tính chủ quan, lo an mà quên lo nguy, chỉ lo vơ của mà không lo học cách thoát thân của tên ăn trộm mới vào nghề! Ông thầy giỏi là ông thầy không có đệ tử, tức là thầy đã giúp cho đệ tử không cần đến mình nữa! Người ăn trộm già quả là siêu sư phụ. Tôi không phải người ăn trộm – trộm tiền trộm danh trộm tình – nhưng day học mấy chục năm tôi thấy rõ những học trò cứ là đệ tử thì học trò ấy là những kẻ dỏm!
Trang Tử có viết: “Khổng tử dường như chưa phải bậc trí nhân. Ông ta làm gì mà nhiều đệ tử thế? Vậy chứ ông không biết rằng có nhiều đệ tử là tạo cho mình nhiều gông xiềng hay sao?” Đệ tử phải thoát khỏi thầy mới chứng tỏ được cái học đã ngấm vào mình, mà thầy cũng phải thoát khỏi đệ tử mới chứng tỏ được lời dạy của mình có hiệu quả, đó mới là thầy hay trò giỏi. Tôi có một anh học trò…không thoát khỏi thầy. Là tôi dạy anh ấy trước 1975, vật đổi sao dời, tôi vẫn là anh phó giáo viên còn anh thành cán bộ bậc khá trong tỉnh. Bữa nọ anh đi cùng vài cán bộ nữa sang trường tôi, gặp lại nhau anh nhìn tôi nói: “Trông anh quen quá, hình như tôi có học anh…”. Hiểu ngay và muốn thầy trò thoát khỏi nhau, tôi thản nhiên nói “Chắc anh lầm, tôi không có học trò nào như anh cả!”. May cho tôi, mấy năm sau thì anh ấy vào tù vì tội ăn trộm công quỹ, chứ không thì có ngày nhà tù đón tôi không chừng!
Không thiếu những đệ tử “thoát khỏi” thầy nhanh gọn chớp nhoáng theo cách anh cán bộ trên, nhưng cũng nhiều học trò cứ mãi cần đến thầy, nô lệ vào lời thầy như chuyện Đức Phật dạy đệ tử sau đây. Ngài nói “Kia là mặt trăng, nhìn theo ngón tay ta chỉ mà thấy. Có nhìn theo ngón tay mới thấy trăng nhưng cứ nhìn ngón tay thì chỉ thấy ngón tay mà trăng ở đâu thì chẳng thấy”
Là nói vậy thôi, cũng có ngoại lệ, nhiều khi đệ tử phải nhìn ngón tay thầy suốt đời vì đó là ngón tay của…chồng- gốc- thầy của mình ! Nhìn vào ngón tay ấy sẽ thấy…chiếc nhẫn! Ngày nào không thấy thì biết “Thầy” đã bán nó rồi, lúc ấy tha hồ mà làm máy bay Thần sấm, Con ma, Cánh cụp cánh xòe gầm rú trên bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm của trận Điện Biên Phủ trên không!
Cao Thoại Châu