văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, September 17, 2021

Phan Lạc Tiếp * Hà Thúc Sinh



           Anh Hà thúc Sinh là một người đa tài : viết văn, làm thơ, làm nhạc, viết kịch. Là tác giả cuốn Đại Học Máu, lừng lẫy một thời, được đón nhận nồng nhiệt cả trong thị trường chữ nghĩa cũng như trong văn đàn. Trong mỗi trang sách đều tiết ra vẻ cao ngạo, diễu cợt, buồn cười, khiến ngườì đọc đều thấy cái nghịch lý rằng sự thất trận thật là kỳ cục, và kẻ thắng thật không có gì đáng thắng. Ngày ra mắt cuốn sách này, nhìn cuốn sách đồ sộ gần một ngàn trang, so với tấm thân mỏng manh dựa trên đôi nạng gỗ, nhạc sỹ Pham Duy đã cười đùa : “ Sinh à, em có thể chết được rồi.” Nhưng không, trong những ngày khởi đầu cuộc sống nơi hải ngoại, anh đã toát mồ hôi kiếm sống, nuôi một đàn con nhỏ. Anh chẳng quản ngại việc gì. Có thời mấy cha con làm nghề bỏ báo. Trong nỗi nhọc nhằn ấy, anh đã đùa vui, ghi lại trong mấy câu Ném Báo :


                                 Thế sự vo tròn ném cái vù

                                 Từng chiều báo bỏ sáu mươi nhà

                                 Người xưa quẳng gánh rồi vui sống

                                                                                   Mình mấy năm liền quẳng vẫn lo.

                              

            Trong hoàn cảng ấy anh vẫn miệt mài sáng tác và tích cực tham gia những công tác đấu tranh. Vì anh không thể quên những ngày dài quằn quại trong các trại tù cộng Sản. Anh đã sản xuất nhiều nhạc khúc đấu tranh, và vẫn tiếp tục viết truyện, làm thơ, viết kịch và có mặt trong hầu hết các sinh hoạt của cộng đồng, nhằm vạch trần tội ác của cộng sản Việt Nam trước lịch sử. Ở lãnh vực nào anh cũng có những công trình được công luận tán thưởng. Bởi dưới mọi thể loại, người thưởng ngoạn đều tìm thấy trong sáng tác của anh một tấm lòng tha thiết với quê hương, với đồng bào. Anh làm hối hả, như chạy đua với thời gian, với số  phận. Để có một cái nhìn chu đáo về những đóng góp của anh, chúng ta cần có thì giờ và thẩm đinh chu đáo hơn. Với tôi, trong cảm quan nghệ thuật tức thì, tôi bị ám ảnh về cuốn Chị Em của anh mạnh mẽ nhất. Cuốn sách thật mỏng, kể cả  bià chỉ có 132 trang, khổ 5”1/4 và 8”. Bià màu đen, chỉ có tên sách, tên tác giả mà không có hình vẽ gì hết, hiện lên trong một màu đen đặc. Đen như cảnh một đêm nào đó không trăng sao giữa biển, trời giao thoa không gianh giới, đầy hãi hùng, tuyệt vọng của Thuyền Nhân trên đường đi tìm ánh sáng của Tự Do năm nào.

  

            Bề ngoài cuốn sách là như thế, nhưng mở ra, trên 100 trang sách mỏng manh, nhưng đó là cả một thách đố và nỗi kinh hoàng. Thách đố, bởi Hà thúc Sinh đã bước chung một khung trời cùng một văn hào lừng lẫy Hoa Kỳ, E. Hemingway  trong tác phẩm nổi danh là cuốn Ngư Ông bà Biển Cả (The Old man and The Sea ). Anh đã cùng lấy biển khơi làm môi trường của cuốn tuyện. Và cụ thể hơn nữa, anh cũng đã khép mình vào sự ngặt nghèo của sinh hoạt như tác giả lẩy   lừng kia, truyện chỉ có 2 nhân vật. Cái giống nhau là thế, nhưng cái khác nhau thì thật cực kỳ. Ngư Ông ra biển để thoả lòng tự ái, ông không muốn  là một người già. Ông còn hữu ích và tấm lòng ông, ông vẫn còn thừa can trường trước  những thách đố, nguy nan của sóng gió, của biển khơi. Ông ra biển, và biệt tăm. Trong khỏng gian trống vắng mịt mù của biển và của nỗi trông chờ của người trong đất liền, ông câu được một con cá lớn. Con cá lớn quá ông không thể kéo  lên thuyền được. Con cá bỗng trở nên cái mồi khổng lồ cho đàn cá mập. Chúng    nhâu đến rỉa mồi. Con cá ông câu được nhẹ dần, cuối cùng con cá ấy chỉ còn lại  là một bộ xương ở cuối đường dây, nhẹ thênh. Với bộ xương cá khổng lồ ấy, ông trở về bến cũ. Ông gặp người bạn nhỏ, ông hỏi nó. Trong những ngày ông ra khơi, ở trong bờ người ta có đi kiếm ông không. Chú nhỏ nói. Có chứ. Cả máy bay và tàu thuyền bổ đi tìm mà không thấy ông đâu. Báo chí theo dõi và đăng tin đầy ra đây này. Lão ngư ông mỉm cười, nằm bên chồng báo có những bài, những tin tức vô vọng  nói về ông. Ông đã trở về và thoả mãn với cuộc phiêu lưu, đùa cợt với hiểm nghèo. Cuốn sách nhỏ này được đón nhận nồng nhiệt trên  thị trường chữ nghĩa và được trao tặng giải văn học cao quý, giải Nobel về văn chương, như một lễ đăng quang cho lòng can trường hiếm quý của xã hội tây phương. Đăng quang cho một trò tiêu khiển, cho tự ái cá nhân, trò chơi ấy có hay không cũng chẳng chết ai. Hầu như cả thế giới đểu biết, và ca

ngợi thật lẫy lừng.


            Còn cuốn Chị Em của Hà thúc Sinh thì sao. Cũng chỉ có hai nhân vật. Đó là hai chị em trên con tàu đi vượt biển tìm Tự Do.  Gặp bão, thuyền đắm. Tất cả mọi người trên thuyền chết hết. Trong cơn hoảng loạn, hai chị em trôi dạt vào một hòn đảo hoang. Hòn đảo nhỏ nhoi, không biết thuộc quốc gia nào trong Thái Bình Dương. Trong cảnh hoang sơ, thiếu thốn ấy, hai chị em phải vận dụng mọi khả năng để sinh tồn. Tìm nước mà

uống. Tìm cây trái mà ăn. Gia tài của cải của hai chị em chỉ còn một mảnh vải nhỏ thay nhau che thân. Nhưng thời gian

không ngưng lại. Trên hòn đảo hoang vu này, hai chị em đã sống như hai người tiền sử. Họ ăn uống, trú ngụ ra sao, nhiều cảnh huống thật bi ai, trào nước mắt. Sức khỏe của hai người mổi ngày mỗi thêm suy kiệt. Bịnh tình khởi phát. Những hôm  thuỷ triều xuống thấp, cái cột buồn của chiếc ghe vượt biển ngày nào nhô lên. Trực, tên người con trai, nhớ đến những gói nylong ở những khoang thuyền. Có thể trong đó còn có những viên thuốc chưa nát, và cũng có thể còn  có    những bịch thức ăn khô, và cũng có thể còn những mảnh áo quần cũ chưa tan rách hết. Cái gì cũng quý, cũng cần. Trực, người con trai quyết định sẽ bơi ra con thuyển cũ, lục tìm những gì còn sót lại. Anh hẹn người chị sáng mai sẽ về  khi trăng lặn, nước lên. Trong nỗi chờ đợi và hy vọng ấy, đêm đã hết, mặt trời đã lên, và thuỷ triều cũng đã dâng đầy. Người chị, người đàn bà cô độc trên hòn đảo hoang ấy đã đi ra triền cát, nhìn ra khơi. Cái cột  buồm của con thuyền cũ đã chìm trong lòng biển sâu. Tất cả đều vắng lặng. Chị nhìn quanh. Tất cả đều vắng lặng. Bốn phương chỉ có tiếng gió hoà trong tiếng biến dạt rào. Chị hoàn toàn tuyệt vọng. Chị nhìn xuống triền cát. Miếng vải nhỏ che thân của người em nằm đó. “ Gia tài” cuối cùng người em đề lại cho người chị là đây. Lan, tên người con gái. “ Nàng không còn nước mắt để khóc. Nàng quỳ lên. Quay mặt ra biển, hai tay chắp trước ngực và khép chặt hai mắt. Một lát nàng mở ra, qua đôi môi run rẩy, nàng khan giọng thầm thì :


…”Trực ơi, em ơi, em của chị ơi"...…”


            Đó là lời than khóc của một thuyển nhân Việt Nam trong vô củng tuyệt vọng. Tiếng kêu ấy không tới được đất liền, không được ai biết đến. Không ai nghe  thấy được. Nỗi tuyệt vọng này khác hẳn với hoàn cảnh của Ngư Ông khi từ biển khơi trở về đã được in đậm trên những hàng tin tức và câu truyện giả tưởng ấy đã được lửng lẫy vinh danh. Trong khi hoàn cảnh bi thương của Thuyển Nhân Việt Nam thì đã từng bị loài người quên lãng. Một đằng là câu tuyện giả tưởng. Một đằng là truyện của hàng triệu những câu chuyện như thế, và còn bi thảm hơn thế thực sự đã và còn liên tiếp xẩy ra trên Biển Đông. Một đằng là sản phẩm   của một xã hội dư thừa đi tìm cái hào hùng trong sự dong chơi. Còn một đằng là thảm nạn của một giai đoan cam go, bi thảm, hậu quả cuả một cuộc thư hùng khốc liệt giữa Thế Giới Tư Do và Cộng Sản đã diễn ra trên đất nước Việt Nam.    Dân tộc Việt Nam đã phải gánh chịu bao nhiêu là tang thương, chia lìa đau khổ mà làn sóng Thuyền Nhân là hệ quả cuả cuộc chiến này.


            Đó là một vấn nạn cực kỳ khốc liệt của nhân loại ở cuối thế kỷ 20. Và trước hết là nỗi đau xé ruột của những người cùng chung giòng máu, cùng chia nhau những ngày gian khổ chiến tranh, cũng như chia nhau những tủi nhục của ngày 30 tháng 4, và những ngày gian lao tù tội, những nguy nan, khốn khổ trên đường đi tìm Tư Do. Sau đó là những chiến dịch Vớt Người Biển Đông, là những đóng góp của ngưòi đi trước kêu cứu, hỗ trợ cho người đi sau, là “lá rách đùm lá tả tơi”. Trong tinh thần ấy Phong Trào Hưng Ca ra đời, do Hà thúc Sinh đứng ra thành lập, quy tụ những tiếng hát với bát ngát những tấm lòng thương sót những  người đang nguy nan trên đầu ngọn sóng. Bản nhạc Thà Chết Trên Biển Đông của Hà thúc Sinh đã được thai nghén và vang lên, khởi đi từ San Diego, từ căn nhà thuê nhỏ bé 2 buồng ngủ cho hai vợ chỏng và 5 đứa con. Tiếp theo có những người như Nguyệt Ánh, Nguyễn hữu Nghĩa, Phan ni Tấn, Việt Dũng và  bao nhiêu bằng hữu nữa cùng góp tiếng. Bản hùng ca ấy mỗi ngày mỗi bùng lên, vang toả gần như khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, lan tới các châu lục khác ở Úc, ớ Canada, ờ Pháp… Những tiếng hát ấy lúc đầu để nói lên nỗi kinh hoàng của    ngưòi vuợt biển, để quy tụ, để gây quỹ Vớt Người Biển Đông. Sau đó tại Geneve, trong những ngày cuối của thảm nạn này, trước buổi họp quốc tế về Thuyền Nhân, những tiếng hát ấy còn bùng lên như nhũng tiếng kêu khẩp thiêt “  Là Thuyền Nhân chúng tôi không muốn trở về đất cũ”. Tiếng kêu thương hùng vỹ ấy đã có hàng triệu người nghe, bay cả về quê nhà qua các đài phát thanh quốc tế, nhưng khởi đầu là từ tấm lòng của con người mảnh khảnh, tựa mình trên đôi nạng gỗ, anh Hà thúc Sinh, người bạn cùng màu áo trắng của tôi.


            Bây giờ, năm 2010, thảm nạn này đã qua, đã đi vào lịch sử. Những thế hệ con em chúng ta nơi đất mới đã và đang là những ngôi sao lấp lánh của sự thành công, làm vui sướng cho các bậc cha anh, cũng như làm rạng danh cho ngưởi Việt trên các vùng đất của quê hương mới. Người Việt Nam ở đâu, hầu như cũng có những tấm gương của sự hiếu học và thành công, như một món quà đáp lại tấm lòng hào hiệp bao dung của những ai đã giúp đỡ mình. Trong hoàn cảnh đó, anh Hà thúc Sinh, ngày nào mướt mồi hôi trong sinh kế để nuôi dạy một đàn con, lớn thi chưa quá 15, nhỏ thì còn phải cầm bình sữa. Nay tất cả đều đã xong đại học. Chị Hà thúc Sinh cho biết :“Khi các cháu lớn cả, tôi đã đi học lại kiếm một cái nghề để dưỡng già”.  Và cậu con út theo chân mẹ, cũng học xong dược, đi làm, ra ở riêng. Thế là cả hai mẹ con cùng là Tiến Sỹ dược khoa. Và người bạn tôi, một thời gian nan như thế, nay anh nói :”  Cuộc sống ào ạt trôi đi, dù không muốn, tóc đã bạc”. Và anh đã viết :


                             Thế sự quanh ta một trận cười

                             Trần gian cũng chỉ dưới chân thôi

                             Phút vui mấy nét đùa nghiên bút

                             Tàn mộng trăm năm để tiếng đời. 

                                           ( Thơ tặng Lão Tử, Hà thúc Sinh)


                        Vâng, anh bạn tôi đã “đùa nghiên bút” nhưng trong đùa vui ấy tôi đã thấy tràn ngập một tấm lòng. Và từ những âm vang của tấm lòng ấy đã có bao nhiêu tấm lòng khác cùng hoà reo làm nên cả một phong

                        trào, giúp cho việc nghiã. Thảm nạn Thuyền Nhân đã hết, nhưng Hưng Ca vẫn còn và vẫn không ngừng sinh hoạt. Nhưng anh bạn tôi thì như một người Huớng Đạo, thấy việc phải thì làm. Làm xong thì buông. Anh không còn sinh hoạt trong Hưng Ca nữa. Trở lại với những con chữ, với tuổi trời, anh hàng ngày làm bạn với cỏ cây, với Lảo Đam, với Trang Tử mà từ những ngày còn rất trẻ anh đã muốn “Dạo Núi Mình Ta”. ( Tên tập thơ của anh từ những năm trước 1975). Tôi khép mắt lại, nhớ lại những ngày cùng nhau vận động, cứu vớt Thuyền Nhân, tiếng hát của anh em Hưng Ca bỗng như oà vỡ trong không gian

 vắng lặng của lòng tôi :

                  

                       “ Thà chết trên Biển Đông

                         Một ngày cũng hào hùng

                         Em căng buồm thách thức biển gầm…”