văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, September 27, 2021

Nguyên Giác ** Đọc “Tôi học Phật” của Đỗ Hồng Ngọc

Đọc "Tôi học Phật" của Đỗ Hồng Ngọc ảnh 1
                                      Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

GN – Có những người làm gì cũng hay, viết gì cũng hay. Tôi luôn luôn kinh ngạc về những người như vậy. Họ như dường lúc nào cũng chỉ ra một thế giới rất mới, mà người đời thường như tôi có ngó hoài cũng không dễ thấy ra.

Đỗ Hồng Ngọc là một người như thế.

Đỗ Hồng Ngọc là một bác sĩ; dĩ nhiên ai cũng biết, bởi vì anh nổi tiếng hơn rất nhiều bác sĩ khác, và được báo chí phỏng vấn thường xuyên. Nhưng anh cũng nổi tiếng làm thơ hay từ thời sinh viên. Thơ của anh nhiều đề tài, có cả thơ Vu lan, thơ tặng mẹ, thơ tình, thơ tặng em bé sơ sinh, thơ tặng bà bầu, và đủ thứ.

Trong khi tôi đọc, thưởng thức, và thán phục các vần thơ tuyệt vời của anh, nhưng tận cùng thích nhất vẫn là đọc Đỗ Hồng Ngọc viết về kinh Phật. Chính nơi lĩnh vực này, họ Đỗ viết gì cũng hay, viết ngắn cũng hay, viết dài cũng hay, viết về Thiền thở cũng hay, viết về ngũ uẩn giai không của Tâm kinh cũng hay, viết về ưng vô sở trụ của kinh Kim cang cũng hay, viết về kinh Pháp hoa, kinh Duy Ma Cật cũng hay. Và tôi tin, nhiều thế hệ sau sẽ nhớ tới một Đỗ Hồng Ngọc viết về lĩnh vực này, đó là những gì anh đã đọc, đã hiểu, đã sống và đã ghi xuống các trang giấy trọn một pháp giới học Phật của anh.

Nhiều thế hệ tương lai sẽ không nhớ tới một bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, và cũng chẳng thắc mắc chuyên ngành của anh có phải tai mũi họng hay nhi khoa, hay nội khoa. Cũng như chúng ta bây giờ chỉ mơ hồ hình dung về một bác sĩ Lê Đình Thám, nhưng dễ dàng nhớ về một cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đã dịch kinh Lăng nghiêm, Đại thừa Khởi tín luận, v.v… cũng là người đã sáng lập Gia đình Phật Hóa Phổ, tiền thân của Gia đình Phật tử. Vâng, đời sau hẳn là sẽ nhớ tới Đỗ Hồng Ngọc với tuyển tập Tôi học Phật, một tuyển tập đã gom chung nhiều tác phẩm đã in rời trước kia.

Làm thế nào Đỗ Hồng Ngọc viết hay như thế? Phước đức, học lực của một đời hẳn là không đủ. Hẳn phải là nhiều đời. Tôi suy nghĩ về câu hỏi đó, khi đọc Tôi học Phật – phiên bản 2 của Đỗ Hồng Ngọc. Đây là ấn bản họ Đỗ biên tập lại nhân dịp nằm nhà khi cả nước rơi vào mùa dịch, như lời anh giải thích khi qua email:

“Cả gần 3 tháng nay nằm nhà. Tình hình Covid-19 ở Sài Gòn căng thẳng lắm như Hải đã biết. Trong suốt thời gian này, mình chỉ làm một việc là ‘biên tập’ lại toàn bộ cuốn Tôi học Phật, chủ yếu là một cách ôn tập cho bản thân. Nay tương đối hoàn chỉnh bản thảo này, mình in ra một ít để kỷ niệm. Bìa do mình tự ‘dàn dựng’, cảm hứng từ đặc san Liễu Quán (Huế), mang tính ‘lõm bõm’ ‘lãng mạn’ của mình…”

Đỗ Hồng Ngọc giải thích về cơ duyên học Phật sau 6 thập niên loanh quanh: “Khi là sinh viên ở Sài Gòn, tôi cũng đọc Bát-nhã, đọc Suzuki, Krishnamurti…nhưng đọc chỉ để mà đọc. Đến năm tuổi gần 60, sau một cơn bệnh thập tử nhất sinh, tôi thấy mọi sự khác hẳn đi. Tôi đọc Tâm kinh thấy không khó nữa. Như vỡ ra. Và với Tâm kinh, tôi thấy chỉ cần học một chữ thôi. Chữ không. Từ đó mà vô trụ, vô trí, vô đắc…”.

Nếu chúng ta nhìn về không khí học Phật nơi thế giới Tây phương, cụ thể là tại Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc châu… chúng ta có thể thấy 2 khuynh hướng lớn. Thứ nhất, khuynh hướng thế tục hóa Phật giáo, làm cho Phật giáo trở thành một ứng dụng đời thường, biến Phật pháp thành một pháp mindfulness đơn giản để thư giãn, để chữa bệnh, để làm một liệu pháp nơi góc bệnh viện, thậm chí để làm một pháp tỉnh thức bổ túc cho các tôn giáo khác. Thứ hai, khuynh hướng xuất thế gian, học Phật để bước đi trên đường giải thoát của Phật giáo, nơi đây lại chia ra ba tông phái lớn: Nam tông, Bắc tông, Kim Cang thừa (Phật giáo Tây Tạng).Đó là cơ duyên lớn của tác giả họ Đỗ. Vì có những người tụng Tâm kinh cả đời, nhưng không hiểu được. Cũng như có người đọc chú giải Tâm kinh từ nhiều thầy, nhưng lại không vào được. Có người sau nhiều năm không hiểu, lại ngờ vực Tâm kinh. Rồi có những người chọn thái độ kính nhi viễn chi, dặn nhau là nên tìm những gì cho đơn giản, thích nghi với đời sống hơn, nói sai lầm rằng Tâm kinh chỉ là kinh để tụng trong chùa. Hiển nhiên là trăm ngả rẽ. Hẳn là tùy cơ duyên.

Tuyệt vời nơi Đỗ Hồng Ngọc là chúng sinh muốn nghe chuyện gì thì anh nói chuyện đó. Muốn nghe chuyện ứng dụng thế gian, họ Đỗ trở thành một bác sĩ phân tích về sức khỏe thân và tâm. Muốn nghe chuyện giải thoát, họ Đỗ liền trở thành một người kể lại các kinh nghiệm học Phật mà ai cũng có thể học theo và tự chứng ngộ được.

Thí dụ, Đỗ Hồng Ngọc, trong tư cách bác sĩ, đã viết về chữa bệnh: “… Đặc biệt là phương pháp ‘thở Chánh niệm’ – mà Phật đã dạy từ những bài học đầu tiên sau khi giác ngộ – tôi thấy có thể có hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị một số bệnh thời đại, những bệnh dịch không lây, nhưng rất nguy hiểm, gây khổ đau, tàn phế cho nhiều người mà Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) đã luôn cảnh báo trong những năm gần đây, làm giảm chất lượng cuộc sống của con người, chủ yếu do lối sống và môi trường sống đầy căng thẳng, bất an…”.

Như thế rất thực dụng, bất kỳ tín đồ tôn giáo nào cũng có thể áp dụng được. Phương pháp thiền Tỉnh thức dùng trong các trường học, và trong các bệnh viện tại Hoa Kỳ hiện nay cũng dựa nhiều vào pháp thở Chánh niệm. Khi Phật pháp ứng dụng để dùng trong trường học và bệnh viện, tất cả yếu tố tín ngưỡng và tôn giáo đều phải gỡ bỏ.

Nơi mặt ngược lại, khi nói về giải thoát luận, Đỗ Hồng Ngọc đã chỉ ra những cách nhìn để xúc chạm sâu thẳm tới các pháp ấn: vô ngã, vô thường, khổ, không. Chúng ta có thể nhớ rằng, chư Tổ ngày xưa lấy cỗ xe ra để giải thích lý vô ngã, để nói rằng không hề có cái gì gọi là xe nào trong cỗ xe, gọng xe, bánh xe… Và rất hiện đại hóa, Đỗ Hồng Ngọc lấy cái đồng hồ ra để giải thích về lý vô ngã:

“Bị bó rọ, bị thành kiến che khuất, lấp chặt, dần dần ta bị lệ thuộc, bị níu kéo, ta giữ lề, cho ‘xứng với ta’, với vai ta đóng và bản ngã ta sẽ ngày càng to, càng dầy ra, chính là nguồn gốc của khổ đau. Cái gì có ‘ta’ trong đó thì tạo ra khổ đau. Nhà ta, của ta, con ta, người yêu ta và thân ta… Mà cái ta đó, theo cái nhìn Bát-nhã Tâm kinh chỉ là sự kết hợp của những thành tố do duyên mà tụ lại, tương tác, tương sinh, tương hợp, cái này có là do cái kia có, quấn quýt chằng chịt lẫn nhau – như những thành tố tạo nên cái đồng hồ gồm kim, bánh xe, con lắc… và sinh ra tiếng ‘tích tắc’. ‘Tích tắc’ vốn không có, thực không có, do kết hợp các thành tố riêng lẻ mà có. Gỡ bỏ các thành tố ra để tìm lấy tiếng tích tắc (cái ngã) sẽ không thấy đâu nữa! Ráp lại thì có. Cái tiếng tích tắc, không mà có, có mà không, trống rỗng mà tràn đầy là sự vận hành tuyệt diệu của cái đồng hồ. ‘Chân không’ cũng chính là ‘diệu hữu’. Dừng lại ở ‘không’ đơn thuần, như một xóa bỏ, từ chối, hư vô chủ nghĩa là một sai lầm tai hại”.

Có thể tin rằng, những gì tác giả Đỗ Hồng Ngọc viết về học Phật sẽ lưu giữ rất lâu trong nền văn học Phật giáo quê nhà, vì toàn văn tuy rời rạc, nhiều chủ đề, nhưng vẫn xuyên suốt là một tập luận thư để chú giải kinh Phật. Điều rất khác giữa Đỗ Hồng Ngọc và nhiều vị tiền bối là từ chỗ rất lơ mơ trong 6 thập niên, chứ không phải vào chùa học Phật từ thời thơ ấu, cho nên văn phong của anh là một pháp giới xen lẫn của một nhà văn, một nhà thơ, và là một nhà khoa học. Đây cũng là chỗ độc đáo không chỉ của anh, mà là của rất nhiều người từ một thế hệ học Phật cùng thời.

Nơi đó, để Phật hóa cõi nhân gian, một thế hệ học Phật đã từ nhiều cõi nước hẹn nhau bước tới Việt Nam, để học, để tu, để dịch, để dạy và để viết – trong đó có cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, thầy Minh Châu, thầy Nhất Hạnh, thầy Thanh Từ, thầy Tuệ Sỹ, Giáo sư Lê Mạnh Thát, Ni trưởng Trí Hải, Ni trưởng Hải Triều Âm… Và nơi mặt khác, để thi hóa cõi trần gian đầy đau đớn này, để chỉ ra Khổ đế nhằm làm tiền đề cho Đạo đế hiển lộ, một thế hệ các văn nghệ sĩ đã hẹn nhau tới Việt Nam để sống và để viết lên những cõi thơ dị thường, trong đó có Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Đỗ Hồng Ngọc, Thích Tánh Tuệ, Nguyễn Lương Vỵ…

Nói theo Phật giáo Tây Tạng, họ là những bậc tái sinh. Dĩ nhiên, tác giả Đỗ Hồng Ngọc không đồng ý về nhận xét này. Vì họ Đỗ sẽ dẫn ra ngay rằng anh không hề thấy có cái gì gọi là “cái ta, cái của ta” trong thân ngũ uẩn, thì hà huống gì lại nói rằng có một chàng họ Đỗ hẹn tới Việt Nam để làm thơ, để viết văn, để chú giải kinh Phật:

“Trong cái tánh “Không” đó, tất cả là Vô, hay nói khác đi, tất cả là không có! Không có hình thể, sắc tướng; không có cảm thọ – không có tưởng, hành, thức gì cả. Tóm lại, là vô ngã. Không có cái ta thực mà chỉ có cái ta giả tạm, bọt bèo, cái ta đang ăn uống, nói năng, huênh hoang, tự mãn, tự ti, tham lam, sân si, mê đắm… đủ thứ, đủ kiểu. Cái ta giả này làm khổ cái ta thật. Cái ta giả làm Tôn Ngộ Không bị kim cô siết đau muốn chết, còn cái ta thật thì Tôn Ngộ Không đã bay bổng biến ra vô số những Tôn Ngộ Không khác rồi! Mà đã vô sắc (cái thân xác) thì đương nhiên sẽ vô nhãn (mắt), vô nhĩ (tai), tỷ (mũi), thiệt (lưỡi), thân (xúc giác), ý (suy tưởng). Toàn thân đã không có lẽ nào có từng thành phần?”.

Một điểm đặc biệt trong Tôi học Phật của Đỗ Hồng Ngọc, và cũng hiếm thấy nơi các tác giả khác: bạn có thể ngưng ở bất kỳ trang nào, ở bất kỳ dòng chữ nào, để tự nghiệm những lời kinh được chú giải ngay trên thân và tâm của bạn. Bạn hãy đọc rất chậm và hãy nghiệm như thế, nơi từng hơi thở của bạn, nơi từng niệm và nơi từng cảm thọ của bạn. Những dòng chữ Đỗ Hồng Ngọc viết xuống trong sách cũng là từ các thể nghiệm thực chứng của tác giả. Đó là những dòng trực giải kinh Phật rất mực trang nghiêm, nơi đó từng dòng chữ đã trở thành những trận mưa hoa để cúng dường chư Phật. Nơi đó là hạnh phúc, là an lạc và là vô lượng công đức.

(26.09.2021)