văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, September 2, 2021

HOÀNG LONG HẢI ** Afghanistan, nhìn lại từ đầu

 

            Khoảng năm 100 trước Công Nguyên, khi vua Vũ Đế nhà Hán mở rộng thế lực về phía cực tây Trung Hoa thì “Con đường lụa” hay còn gọi là “Con đường hồ tiêu” (SilkRoute hay SpiceRoute) hình thành, bằng cách nối những con đường đã có sẵn, từ Bắc kinh (Trung Hoa) về phía tây nước nầy, xuyên qua vùng sa mạc ở Nội Mông và Ngoại Mông, vượt cao nguyên Karakoram và Taklamakan ở Tân Cương, qua phía bắc Ấn Độ, qua các nước Trung Á rồi tới Afghanistan để qua Trung Đông (Iran, Iraq), các hải cảng lớn trên bờ biển phía nam Địa Trung Hải như Syri và Alxandri của Ai Cập. Tại các hải cảng nầy, hàng hóa sẽ được chuyển qua Ý và châu Âu. Hoặc hàng từ châu Âu đi ngược lại con đường ấy.

            Con đường lụa dài khoảng 7 ngàn cây số, vượt qua nhiều địa hình trắc trở, khó khăn và khí hậu khắc nghiệt. Nhưng những món hàng chuyên chở trên con đường nầy, như lụa và hồ tiêu của Trung Hoa đem bán cho châu Âu và vàng, bạc, châu báu từ châu Âu bán cho Trung Hoa là những món lợi lớn nên rất hấp dẫn các thương nhân thời ấy.

            “Con đường lụa” thịnh suy tùy thời kỳ. Sau khi nhà Hán suy tàn, con đường nầy không còn dùng được nữa vì rất nhiều giặc cướp. Đến cuối đời Tống, con đường lụa lại thịnh lên rồi tàn lụi rất nhanh. Chỉ đời nhà Nguyên, vì các vua là người Mông Cổ. Các ông vua nầy cũng đem quân qua tới châu Âu, việc buôn bán trên “Con đường lụa” lại thịnh lên. Do đó, một người Ý tên là Marco Polo, theo bọn thương nhân mà qua Trung Hoa. Ông nầy làm quan ở Trung Hoa đời nhà Nguyên những 20 năm, rồi trở về châu Âu theo đường biển (đi qua Việt Nam). Về tới châu Âu, Marco Polo xuất bản cuốn du ký giới thiệu nước Trung Hoa với châu Âu. Bấy giờ người châu Âu mới biết rõ thêm về nền văn minh Trung Hoa, mà trước đó, có lẽ cũng qua “Con đường lụa” mà người châu Âu học thêm về thuốc súng, hỏa tiển, giấy, la bàn do người Tầu khám phá trước đó.

             Như trên đã nói, “Con đường lụa”, trước khi tiến vào vùng Trung Đông đã đi qua Afghanisan, bằng hai nhánh. Vị trí vùng nầy là huyết mạch của “Con đường lụa”, buộc phải đi qua đây để vào Trung Đông.

            Chỉ kể cuốn sách của Marco Polo mà thôi, cũng cho người ta thấy vai trò văn hóa của “Con đường lụa”. Trong khi mang hàng hóa buôn bán Đông Tây, “Con đường lụa” cũng đóng vai trò giao lưu văn hóa của các dân tộc trên con đường nầy.

            Dĩ nhiên, tôn giáo cũng theo con đường nầy, - cùng với thế lực của các đế quốc -, như đế quốc La Mã, Ottoman, nên tôn giáo đã phát triển thêm rộng ra: Đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo Phật… Đạo Hồi, đạo Phật qua tới Mông Cổ và Afghanistan. Vì vậy, một thời đạo Phật rất thịnh ở Afghanistan.

 

            Vị trí Afghanistan là gạch nối giữa vùng Trung Á và Trung Đông. Từ Trung Á, đi về hướng Pakistan là vào vùng Nam Á. Cũng từ Trung Á, đi về hướng Afghanistan là vào Trung Đông. Trong lịch sử, văn minh Lưỡng Hà (sông Euphrate và sông Tigre - vùng Iraq) là cái nôi văn minh của nhân loại. Xa hơn nữa, tới Ai Cập, ai cũng biết nước nầy có một nền văn minh vĩ đại với các kim tự tháp, v.v… Quanh Địa Trung Hải là văn minh Địa Trung Hải. Xem thế, người thấy tính cách quan trọng trong sự giao tiếp của các nền văn minh của nhân loại. Cũng vì vị trí đó, Afghanistan có khi được coi là thuộc Trung Á, có khi thuộc Trung Đông.

            Cũng vì tính cách đó, lịch sử Afghanistan, trước khi hình thành quốc gia Afghanistan hồi giữa thế kỷ thứ 18 rất phức tạp.

            Tại vùng nầy, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những cổ vật cho thấy cách nay 50 ngàn năm, con người đã xuất hiện và sinh hoạt ở vùng nầy rồi.

            Như đã nói, Afghanistan là ngã tư đường của văn minh Ấn Âu, nơi sinh sống của nhiều sắc tộc. Đây cũng là nơi một thời mang lịch sử của Đế Quốc Ba-Tư, Đế Quốc Parthia… Đây cũng là nơi sinh sản một tôn giáo rất sớm của nhân loại, trước CN gần 2 ngàn năm. Đó là Đạo Thờ Thần Lửa (Bái Hỏa Giáo). Alexandre Đại Đế xâm lược Afghanistan và các nước lân cận và đã phát triển văn minh Hy-La ở đây. Cũng có môt thời gian dài, vùng đông-bắc Afghanistan bị sát nhập vào Ấn Độ, nên Phật giáo được truyền bá ở đây nữa. Hồi thế kỷ thứ nhứt sau CN, Afghanistan là trung tâm đế chế của người Kushan.

            Trong một thời gian dài khoảng hơn 1 ngàn năm, vùng nầy là nơi tranh chấp của nhiều đế chế. Tuy nhiên, quan trọng nhất là ở thế kỷ thứ 13, quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn đã tàn phá Afghanistan.

            Người ta không lạ gì khi thấy sau khi quân Mỹ đánh đuổi quân Taliban hồi năm 2001, người dân Afghanistan đem bán rất nhiều cổ vật để kiếm sống. Nó chứng tỏ nhiều nền văn minh cổ xưa của nhân loại đã phát triển ở xứ nầy. Và qua đó, người ta cũng hiểu thêm, tại sao Afghnistan là một nước Hồi giáo mà lại có hai tượng Phật rất lớn, bị Taliban ra lệnh phá hủy, khiến nhiều nước cũng như Liên Hiệp Quốc lên tiếng phản đối.

            Quốc gia Afghanistan chỉ  mới “tượng hình” hồi đầu thế kỷ thứ 18 khi Khan Hotak, một người thuộc bộ tộc Pashtun đánh bại người Ba Tư, là người chủ trương cải đạo Hồi của người Sunny sang Shi’a. Khan Hotak chiếm giữ vùng Kandahar. Con trai của Khan Hotak là Mahmud Hotaki lên nối ngôi, tấn công vào Iran rồi tự xưng là vua Ba-Tư. Cuối cùng Hotaki bị Nader Shah lật đổ.

Năm 1738, Nader Shah và quân đội của ông, gồm bốn ngàn người Pashtun chinh phạt vùng Kandahar, Kabul. Sau khi Nader Shah qua đời, người Afghan đã tụ tập tại Kandahar chọn Ahmad Shah làm vua.

Ahmad Shah thường được coi là người sáng lập nước Afghanistan hiện đại.

Ahmad Shah mở rộng lãnh thổ, truyền ngôi lại cho con là Timur Shah. Timur dời đô về Kabul.

Cùng trong phong trào chiếm thuộc địa của các nước châu Âu, Anh đem quân chiếm Afghanistan vào thế kỷ 19. Vua Amanullah Khan lên ngôi năm 1919, giành được quyền độc lập hoàn toàn trong lãnh vực ngoại giao từ tay người Anh.

Việc phân chia ranh giới quốc gia giữa Afghanistan và Ấn Độ thuộc Anh cũ (nay là Pakistan) tạo ra sự căng thẳng giữa hai quốc gia nầy.

Khi vua Zahir Shah cầm quyền (từ 1933 đến 1973), tình hình Afghanistan được ổn định. Tuy nhiên nhà vua đã bị em rể là Daouid Khan cướp ngôi. Nhà vua bị lưu đày qua Ý. Sau khi quân Mỹ chiếm đóng Afghnistan 2001, vua Zahir Shah được mời trở về nước. Vì tình hình đã thay đổi, và người Mỹ quyết tâm ủng hộ Hamid Karzai lên cầm quyền nên vua Shah không giữ một vị trí quan trọng nào, mặc dù, tuy đã già ông cũng còn muốn giúp nước. Ông có mặt và ủng hộ Hamid Karzai trong lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống của ông nầy. Vì bệnh, cựu hoàng Shah được đưa qua chửa trị ở Ấn Độ. Ông qua đời hồi tháng 7 năm 2007 tại Kabul.

Daouid Khan, người cướp ngôi của vua Zahir Shah cùng với gia đình bị giết sau khi Cộng Sản lên cầm quyền ở Afghanistan.

Trong chiến tranh lạnh, Liên Xô bị bao vây, hạm đội Hắc Hải của Liên Xô, muốn đi chuyển từ Hắc Hải ra Đại Tây Dương không thể tránh khỏi sự kiểm soát của phe tư bản ở eo biển Istambul thuộc Thổ Nhĩ Kỳ (phe Mỹ) và eo biển Gibraltar, ở bán đảo Tây Ban Nha.

Vì vậy, Liên Xô, muốn mở con đường bộ đi xuống vịnh Ba-Tư thì phải chiếm lĩnh Afghanistan. Thực ra, việc làm nầy cũng chỉ lập lại mưu đồ của Nga Hoàng ngày xưa nhưng chưa thực hiện được mà thôi.

Do Liên Xô đạo diễn, một cuộc cách mạng do đảng Dân Chủ Nhân Dân thực hiện đã xảy ra ở Afghanistan. Đây là một đảng Mác-xít do Liên Xô đẻ ra. Sau khi lật đổ chính quyền, đảng Cộng Sản Afghanistan thành lập nước Cộng Hòa Dân Chủ Afghanistan.

Vốn là một vùng đất từng có nhiều phân ly, được kết hợp một cách phức tạp nên ngay trong nội bộ đảng Cộng Sản Afghanistan cũng chia nhiều phe phái chống đối nhau kịch liệt. Tuy vẫn dùng chính sách cai trị tàn ác và đẫm máu như các nước Cộng Sản khác, việc cai trị của Cộng Sản ở đây cũng không thể nào ổn định được, cuối cùng, năm 1979, Liên Xô phải đem hơn 150 ngàn quân, cùng 100 ngàn quân của chính phủ Cộng Sản Afghanistan do Babrac Karman làm tổng bí thư, lo tiểu trừ các lực lượng chống Cộng ở đây.

Việc nầy được xem như là một cái bẫy sập của Brzezinski, cố vấn của tổng thống Jimmy Carter. Người Mỹ, qua chính quyền Pakistan, đã ngấm ngầm yễm trợ nhiều mặt cho Mujahideen. Mujahideen là lực lượng chống chính phủ Cộng Sản Afghanistan và quân đội Liên Xô.

Mujahideen gồm những người Hồi giáo chống Cọng sản vô thần.

Cuộc chiến tranh nầy khiến hơn 5 triệu người Afghanistan bỏ quê hương chạy loạn qua Pakistan, Iran và nhiều nước khác.

Sau 10 năm đem quân vào Afghanistan mà không đạt được thắng lợi, với hơn 15 ngàn binh sĩ bị giết và vì áp lực quốc tế ngày càng nặng, năm 1988, Liên Xô rút quân đội về nước, chính phủ thân Cộng ở đây sụp đổ theo. (1)

            Hình như Hoa Kỳ đã “bỏ quên” Afghanistan trong vòng 10 năm, sau khi Liên Xô rút quân về, những phần tử tinh hoa của đất nước đã tìm mọi cách trốn ra ngoại quốc. Cuối cùng, Afghanistan chỉ còn lại những phần tử Mujahideen hiếu chiến và chia rẻ, chia  ra từng phe phái chống đối lẫn nhau.

            Vốn dĩ đất nước nầy gồm nhiều phần sa mac và núi non hiểm trở, sự đa dạng trong sắc tộc và  ngôn ngữ khiến dân tộc nầy khó có thể thống nhứt được, nhiều phe phái chống đối lẫn nhau, các lãnh chúa địa phương lại nổi lên tranh giành quyền lực. Nhóm dân đông nhứt là người Pashtun, ít hơn là các nhóm dân Tajik, Hazara….

Nhóm Taliban thuộc chủng tộc Pashtun chiếm được 95% lãnh thổ, chiếm Kabul năm 1996. Chống lại Taliban chỉ còn nhóm gọi là “Liên Minh Bắc Afghan.”

            Chính quyền Taliban áp dụng chính sách cai trị hà khắc, và trở thành nơi nương thân cho bọn khủng bố Al Qaeda của bin Laden. Thủ lãnh Taliban là Mullah Omar là con rể (và nhận tài trợ) của bin Laden. Trong bảy năm cầm quyền của Taliban, đa số dân cư nước này phải sống trong tình trạng hạn chế đến cùng cực các quyền tự do và sự vi phạm vào quyền sống của họ. Phụ nữ bị cấm làm việc, trẻ em gái không được đi học. Những người chống đối bị trừng phạt ngay lập tức. Những người Cộng sản bị tiêu diệt một cách có hệ thống và trộm cắp bị trừng phạt bằng cách chặt chân chặt tay. Tuy nhiên, tới năm 2001 Taliban đã hầu như tiêu diệt được việc trồng cây thuốc phiện tại Afghanistan.

            Ngày 11 tháng 9/ 2001, sau khi cuộc khủng bố diễn ra ở Hoa Kỳ do Al Qaeda chủ trương chưa đầy 24 giờ đồng hồ, toàn bộ nước Afghanistan, chính quyền Taliban và Al Qaeda đốt pháo bông tổ chức mừng thắng lợi.

            Nước Mỹ, với gần 30 cơ quan tình báo không biết trước việc khủng bố sẽ xảy ra?

            Trong 8 năm cầm quyền của Bill Clinton, thì ở Afghanistan, bọn khủng bố Al Qaeda đã thành lập các trại huấn luyện, tổ chức các nhóm khủng bố, chuẩn bị tấn công nước Mỹ mà tổng thông Bill Clinton không biết gì hết? Hay tổng thống có biết mà không quan tâm, hay không cho nó là quan trọng, hay cố ý làm lơ? Thế rồi, William Bush ngồi ghế tổng thống chưa nóng chỗ, đã kinh hồn hoảng vía vì cuộc tấn công của Al Qaeda vào tòa tháp đôi, vào Ngũ Giác Đài?    

Thế rồi tổng thống Bush tung ra chiến dịch “Tự Do Bền Vững” Taliban và AlQaeda bị đánh bật ra khỏi Afghanistan một cách mau lẹ, dễ dàng. Tora Bora là vùng người ta nghi bọn thua trận sẽ chạy trốn ở đó. Nếu có như thế thì bọn chúng cũng chẳng sẽ được an toàn vì một người đàn bà Việt Nam, (1) tác giả loại bom áp nhiệt (Thermobaric Bomb) đã ngăn chận không cho chúng vào ẩn núp ở pháo đài thiên nhiên kiên cố đó.

Tháng 12 năm 2001, các lãnh tụ của các nhóm đối lập ở Afghanistan gặp nhau ở Bonn, (Đức) để thành lập một chính phủ mới cho quốc gia nầy. Ông Hamid Karzai, một người thân Mỹ, gốc thuộc bộ tộc Pashtun lên cầm quyền. Tiếp đó là các cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội. Hiến pháp được ban hành. Phụ nữ được hưởng các quyền bầu cử, ứng cử như ở các nước tiến bộ.

Công cuộc khôi phục và xây dựng của Afghanistan gặp rất nhiều khó khăn vì sự nghèo đói, thiếu thốn của dân chúng. Các cơ sở giáo dục và y tế đều bị tàn phá và bỏ bê qua một thời gian lâu dài. Kinh tế khó khăn, nông nghiệp khôi phục chậm khiến dân chúng nhiều người đổ xô trồng cây anh túc - loại cây làm thuốc phiện - để kiếm sống. Thuốc phiện chiếm hơn 1 phần 3 tổng sản lượng quốc gia.

Do tình trạng đó, bọn Taliban càng ngày càng phục hồi, chiếm cứ thêm nhiều vùng. Vã lại, sau chiến tranh Irăq, chính phủ Bush tập trung vào chiến trường nầy, việc hỗ trợ cho chính phủ Afghanistan càng ngày càng giảm sút làm cho chính quyền của tổng thống Hamid Karzai thêm yếu đi.

Bây giờ, chính sách của tổng thống Obama tập trung vào Afghanistan hơn vào Iraq. Sau khi nhậm chức, tổng thống Obama liền cho điều 17 ngàn quân từ Iraq sang Afghanistan và mới đẩy, tăng cường thêm 4 ngàn quân nữa. Tổng thống Obama cũng đưa ra một chiến lược mới, nhằm tấn công Taliban trên nhiều mặt khác nhau.

Truớc hết, để  lực lượng Taliban yếu đi, Mỹ sẽ đối thoại với các phần tử Taliban “không cực đoan”, kêu gọi về hợp tác với chính phủ Kabul và chia cho họ một ít quyền hành. Chính sách đó, bày tỏ sự khôn ngoan và uyển chuyển của tổng thống Mỹ.

Kinh nghiệm cho thấy Liên Xô đã sa lầy ở Afghanistan, chịu thua trận và rút quân. Từ kinh nghiệm đó, người ta có thể rút ra một số nhận định như sau:

Chiến tranh ở Afghanistan là chiến tranh du kích, không thuộc sở trường của quân đội các nước phát triển. Người lính Mỹ được huấn luyện để tham gia những cuộc chiến tranh qui ước, trận địa với xe tăng, đại pháo, hải yễm, không yễm...  Họ có thể chiến thắng dễ dàng và mau lẹ trên các mặt trận lớn, nhưng lại rất khó xoay xở trong các loại chiến tranh du kích, rình rập, bất ngờ, rất khó phản ứng kịp thời.

Hơn thế nữa, kiểu chiến tranh khủng bố liều mạng hiện nay như ở Iraq và Afghanidtan là một hình thái chiến tranh du kích đạt tới đỉnh cao của nó. Du kích quân là những trai gái còn trẻ, có sức khỏe để có thể lội suối băng đèo tham gia trận chiến. Chiến tranh khủng bố phức tạp và bất ngờ hơn. Trẻ con, ông già bà lão, cũng có thể mang vài ba ký lô thuốc nổ, có thể tự cho nổ hoặc được kích nổ từ xa, khiến người lính hay viên chức chính quyền không thể đề phòng, ngăn chận được. Người ta cũng khó phân biệt ai là lính, ai là dân. Lính là dân, mà dân cũng là lính.

Du kích là một hình thái chiến tranh thích hợp với nông thôn, sình lầy và núi non hiểm trở. Do đó, người ta cần có những loại vũ khí, khí tài, xe cộ thích hợp với loại địa hình chiến tranh nầy.

Afghanistan là một vùng lãnh thổ gồm nhiều núi non, phần nhiều là núi đá và sa mạc, có khí hậu lục địa, thiếu nước ngọt. Quân du kích di chuyển bằng ngựa, mau lẹ và tiện lợi, trong khi các loại cơ giới cần có đường sá hoặc địa thế thích hợp, rất khó xoay chuyển trong vùng địa lý như thế nầy.

Trong tình hình hiện tại, chính phủ Afghanistan có một quân đội với 80 ngàn người là quá ít, Cảnh Sát cũng có một lực lượng tương đương và hiện đang phát triển thêm, bên cạnh binh lính Mỹ và NATO có một lợi thế đặc biệt là xử dụng trực thăng. Phương cách tấn công bằng trực thăng và trực thăng vận rất hữu ích và bất ngờ. Tuy nhiên, trực thăng cũng thường là mục tiêu rất dễ bắn trúng của các loại súng phòng không và hỏa tiễn.

Tôn giáo đã bị bọn Taliban lợi dụng và tuyên truyền tối đa. Sự kỳ thị tôn giáo ở Trung Đông có tính truyền thống, trước hết là giữa những người Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Lòng thù hận tôn giáo nầy bắt nguồn từ các cuộc Thập Tự Chinh hàng mấy trăm năm trước, và được nuôi dưỡng bằng xung đột tôn giáo, chính sách cai trị bóc lột của người Tây phương với các thuộc địa. Các nước Trung Đông ở ngay trên các mỏ vàng đen, nhưng các nước Tây phương, đặc biệt là Mỹ đã khai thác và hưởng lợi tối đa trên nguồn lợi thiên nhiên nầy.

Thêm vào đó, sự hình thành một nước Do Thái, tạo sự xung đột với người Palestine là một vấn đề giai dẵng không thể giải quyết được kéo dài hơn nửa thế kỷ nay. Qua đó, người Hồi giáo luôn luôn đứng về phía người Palestine cùng tôn giáo với họ.

Bọn quá khích Hồi giáo lợi dụng những người cuồng tín tôn giáo để khuyến khích, dụ dỗ họ chết vì đạo, tự tử vì đạo để được ân thưởng của đấng tối cao. Phần thưởng mơ hồ đó lại rất hấp dẫn những người nghèo khổ và cuồng tín.

            Chiến tranh du kích là hình thái của loại chiến tranh nhân dân, có nghĩa là mọi người đều tham gia trận chiến. Do đó, cuộc chiến tranh nầy không có trận địa, giới tuyến. Cũng từ tình cảm chủng tộc, dân tộc và tôn giáo, tình báo nhân dân rất dễ phát triển có lợi cho phía người đồng chủng, cùng một đất nước, lịch sử hơn là binh lính viễn chinh. Trong cuộc chiến tranh nầy, các phương tiện tình báo chiến thuật, chiến lược hiện đại rất ít tác dụng.

            Nguồn cung cấp vũ khí, tài chánh và người cho lực lượng du kích là yếu tố sinh tử. Người thường được tuyển mộ ngay tại địa phương. Tuy nhiên, nhiều phong trào du kích bị thất bại là vì lý do đặc biệt của nó. Ví dụ: Cộng Sản Singapor sở dĩ bị tiêu diệt dễ dàng là vì Singapor là một thành phố, du kích không thể lập các căn cứ địa, và nguồn tiếp tế phía ngoài không thực hiện được. Du kích Mã Lai, tuy có địa thế thuận lợi là nhờ rừng rậm, nhưng cũngvì không có đường tiếp tế từ ngoài vào nên du kích Mã Lai cũng không phát triển, đến khi Trung Cộng bắt tay với Mỹ thì hai lãnh tụ du kích Mã Lai là Trần Bình (gốc Tầu) và Rashid (gốc Mã Lai) phải xin hợp tác với chính phủ Mã Lai. Vì ở giữa đảo, không đường tiếp tế nên du kích Huk ở Phi luật Tân cũng chung số phận.

            Ở Việt Nam, và ở miền Nam Việt Nam, Trung Cộng và Liên Xô là những nguồn tiếp tế lớn của Việt Cộng, lại thêm Campuchia làm hành lang cho quân Việt Cộng Bắc Việt tiếp tế và xâm nhập, nên quân đội miền Nam không thể chống cự lâu dài với quân Việt Cộng.

Trong tình hình Afghanistan hiện nay, nguồn tiếp liệu vũ khí đạn dược cho lực lượng Taliban là từ đâu tới?

 Nguồn tiếp tế đó phải là từ các nước chung quanh Afghanistan. Phía đông nam của Afghanistan là một vùng biên giới rất dài với Pakistan, gần 2,500 Km. Phía tây là Iran. Phía bắc là các nước Trung Á, lãnh địa cũ của Liên Xô như Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan và một khu vực nhỏ cực đông có chung biên giới với Trung Quốc.

Hiện nay, Taliban đang ẩn núp vùng biên giới Afghanistan và Pakistan. Đây là vùng núi non hiểm trở, phần đông là các bộ lạc với những lãnh chúa nhiều quyền uy, che chở cho Taliban vì quyền lợi. Vùng biên giới mà lằn ranh không định rõ nên dễ bị nhầm lẫn. Trước đây, mặc dù tổng thống Pakistan đã nhận hàng tỷ mỹ kim của Mỹ, nhưng tính hình không tiến triển chút nào. Trong khi đó, các viên chức quân sự Pakistan cũng bao che cho Taliban. Theo Robert Burns, phái viên hãng AP thì “Các quan chức quân sự Mỹ đã chỉ ra bằng chứng mới cho thấy quân đội Pakistan, vốn có những quan hệ từ lâu với phong trào Taliban, đã cố tình làm ngơ cho những cuộc xâm nhập của tổ chức nầy.” Burns cũng nói thêm: “Một sĩ quan tình báo quân sự Mỹ đã nói với các phóng viên, số lượng những cuộc tấn công của bọn phiến loạn đã tăng 300 phần trăm từ tháng 9 năm 2006, khi chính phủ Pakistan đưa thỏa thuận hòa bình với các lãnh đạo bộ tộc vào thực hiện ở vùng miền bắc Waziristan, dọc theo biên giới phía đông của Afghanistan.”

            Nên nhớ rằng Al Qaeda không thiếu tiền để mua chuộc lãnh chúa các bộ tộc vùng nầy cũng như các quan chức quân sự có trách nhiệm trên vùng biên giới giữa hai nước.

            Tình hình căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran cũng không thuận tiện cho việc Iran ngăn chận hoạt động của Taliban trên vùng biên giới phía tây, mặc dù, ngay từ đầu, Iran đã không ủng hộ Taliban và rất ngại nguồn ma túy từ Afghanistan đổ vào Iran.

            Trên phía bắc, mặc dù các quốc gia Trung Á không còn ở trong liên bang Xô Viết cũ, nhưng nếu như mối quan hệ giữa các nước nầy với Nga còn sâu đậm thì họ sẽ đứng về phía Nga khi có mâu thuẫn với Mỹ. Tuy Nga không ủng hộ Taliban nhưng liệu Nga có thể quên mối hận Mỹ đã ủng hộ cho phe Mujahuideen đánh bại Nga trong cuộc chiến tranh trước?

            Afghanistan là một quốc gia lạc hậu, mọi thứ đều không hoặc chưa phát triển như hệ thống giao thông, đường bộ, đường xe lửa, v.v… Hệ thống giao thông lạc hậu thì thương nghiệp khó phát triển, làm sao đời sống được nâng cao? Dân tộc Afghanistan thuộc vùng văn hóa chăn nuôi: dê, bò sữa, nhiều hơn nông nghiệp. Đất đai phần nhiều là sa mạc và núi non hiểm trở nên lúa mì được trồng rất ít. Afghnistan có những trường đại học khá cổ, nhưng trong thời kỳ Taliban cai trị, việc giáo dục là không cần thiết nên nó càng ngày càng lụn bại. Ngành y tế cũng rất lạc hậu, khi Taliban cai trị, hạn chế tiếp xúc với tây phuơng nên nước nầy thiếu nhiều cơ sở y tế hiện đại. Các địa phương, các vùng xa xôi núi non hiểm trở, thiếu vắng các y tế cơ sở và y tá.

            Hiện nay, việc giáo dục và y tế đang được chấn chỉnh, xây dựng, phát triển, nhưng những công việc đó cần có thời gian và nhân sự có đủ khả năng.

 

            Đây là một cuộc chiến tranh nhân dân, với dân số 32 triệu người, rộng gấp đôi lãnh thổ Việt Nam, 647 ngàn Km2, yếu tố nhân dân là rất quan trọng, sinh tử. Phe nào nắm được dân, được dân chúng ủng hộ thì có hy vọng thắng lợi.

            Trước hết, việc an ninh của người dân là ưu tiên. Một người dân thường, khi đứng về phe nầy hoặc phe kia là vì muốn bảo vệ tính mạng của họ. Trong những vùng tranh chấp, ban ngày, phe địch rút lui, núp lén đâu đó, trong các hang động, mật khu chẳng hạn. Đêm tối, chúng sẽ bung ra hoạt động. Trước hết chúng khủng bố, giết chóc, trừng trị những người nào hợp tác với chính quyền. Do đó, người dân sợ hãi, nằm im, thúc thủ.

            Thứ nữa, bọn lãnh đạo, chỉ huy du kích thường che dấu bộ mặt độc ác của chúng dưới những bình phong tốt đẹp, giả dối mà người dân rất dễ bị lầm lạc. Chẳng hạn, bọn Taliban khích động tinh thần tôn giáo của người theo đạo Hồi, khuyến khích lòng cuồng tín, cũng như sự mâu thuẫn giữa người Tây phương, người theo đạo Thiên Chúa với người Hồi; giữa người Do Thái, quốc gia Do Thái, xung đột với Palestine mà người Palestine theo Hồi giáo. Điều đó, khá giống với Việt Cộng ngày trước núp dưới chiêu bài dân tộc, tinh thần chống Pháp thực dân đô hộ Việt Nam gần 100 năm.

            Đặc biệt, đối với người dân Afghanistan ở những vùng xa xôi hẻo lánh, tinh thần bộ tộc còn mạnh. Họ giữ lòng trung thành với lãnh chúa hơn là ủng hộ chính phủ dân chủ trung ương. Họ vâng lời các lãnh chúa hơn là chấp hành luật pháp chính phủ. Đó là những trở ngại rất lớn khiến nhiều khi chính phủ trung ương, Kabul cũng như Islamabad đành chịu bó tay. Vì vậy, chính phủ trung ương phải dàn hòa và bắt tay với các lãnh chúa địa phương.

 

            Cuộc chiến tranh người Mỹ phải đối đầu hiện nay là một cuộc chiến tranh toàn diện, có nghĩa là ngoải lãnh vực quân sự, an ninh, còn có các lãnh vực kinh tế (công nông nghiệp, chăn nuôi, giao thông, thương mại,v.v…) giáo dục và y tế…

            Như cách nói ngày trước ở Việt Nam, phải tát nước và bắt con cá (du kích).

            Các nước trong thế giới tư bản, dĩ nhiên, có rất nhiều chuyên gia về chiến tranh chống du kích. Nổi tiếng nhứt là Sir Robert Thomson, người Anh, đã từng giúp chính phủ Mã Lai và Philippine diệt trừ du kích ở các nước nầy.

Hiện nay, những chuyên viên chống du kích không thiếu gì ở các đại học Mỹ. Tuy nhiên, không giống như Sir Robert Thomson ngày trước, chưa thấy ai ra mặt để tham gia trưc tiếp và tại chỗ để góp phần diệt trừ Taliban ở Afghanistan. Ấy là chưa kể, người Mỹ có nhiều hạng khác nhau. Nhiều người Mỹ rất hãnh tiến. Nếu họ là cấp chỉ huy các cuộc chiến tranh, như kiểu Rumsfeld hoặc Dick Cheney ở Iraq thì việc thu phục nhân tâm khó lắm. Thu phục nhân tâm là yếu tố bắt buộc trong cuộc chiến tranh nhân dân.

            Cuộc chiến tranh nầy không hy vọng chấm dứt sớm được. Nếu ngăn chận được các nguồn tiếp liệu từ các nước chung quanh đưa vào cho Afghanistan như Pakistan, Iran, các nước Nam Á thì cũng phải năm ba năm mới thành công hoàn toàn. Còn nếu các nước chung quanh còn muốn “đá giò lái” Hoa Kỳ, hoặc vừa ăn tiền vừa “đá giò lái” như Pakistan đã làm thì 5 năm, 10 năm nữa, hết vài ba đời tổng thống Mỹ, tình hình xem ra cũng chưa xong. Điều đó, làm cho chúng ta nhớ, vì nguồn tiếp liệu và hành lang xâm nhập từ bên ngoài, tháng 3 năm 1970, quân Mỹ, sau đó là quân đội Việt Nam Cộng Hòa tấn công vào Campuchia, lật đổ chế độ Sihanouk.

            Một điều đáng trách cứ. Chính các nước Tây Âu, với chính sách thực dân, từng bóc lột và hưởng nhiều quyền lợi ở Afghnistan và nhiều nước ở Trung Đông, nhắm bộ không tích cực lắm trong việc góp tay với Mỹ để tiêu diệt Taliban. “Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”, ngoài một mình nước Mỹ.

 

hoànglonghải

 

            (1) Tháng 12 năm 1978, Việt Cộng vượt biên giới tấn công Kampuchia. Ngày 7 tháng 1 năm 1979, Việt Cộng chiếm thủ dô Phnom pênh. Tháng 2 năm nầy (sau Việt Cọng 1 tháng), Liên Xô đem quân vào Á Phủ Hãn. Năm 1988, Liên Xô rút quân khỏi Á Phủ Hãn thì năm sau, 1799, Việt Cộng rút quân khỏi Kampuchia. Thầy trò tấn thối rất hòa nhịp.

(2) Dương Nguyệt Ánh (1960 – ) là một phụ nữ người Mỹ gốc Việt với vai trò lớn trong Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Bà sinh ở Việt Nam, cùng gia đình tỵ nạn sang Mỹ năm 1975 khi chính thể Việt Nam Cộng hoà sụp đổ.

Dương Nguyệt Ánh tốt nghiệp Đại học Maryland ngành kỹ sư hóa học, khoa học điện toánquốc gia hành chính. Sau đó bà làm việc cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ với chức Tổng giám đốc Khoa học và Kỹ thuật của Trung tâm Vũ khí Hải quân Hoa Kỳ (Naval Surface Warfare Center) tại Maryland, tiểu ban chất nổ với nhiều giải thưởng. Bà từng là người đại diện cho Hoa Kỳ trong Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bà cũng là tác giả của bom áp nhiệt (thermobaric bomb).

Bà nhận giải Dr. Arthur Bisson Award for Naval Technology Achievement vào năm 2000, giải Civilian Meritorious Medal năm 2001 và giải Service to America Medal for National Security năm 2007.

Dương Nguyệt Ánh có lập trường chống Cộng sản rõ rệt và thường phát biểu quan điểm chống đối của bà đối với chính quyền Cộng Sản Việt Nam.

Dương Nguyệt Ánh là dòng dõi cụ nghè Vân Đình Dương Khuê, là cháu ruột của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

(theo Wikipedia)