văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Saturday, September 18, 2021

MANG VIÊN LONG ** ngôi nhà mùa Hè

Cánh cổng sắt mở: Tôi bước vào khu nhà, đi trên con đường đất hẹp rợp bóng mát của vườn cây tuy không rậm rạp nhưng cũng che khuất được ánh nắng gay gắt của những ngày hạ đang trùm chụp lên cảnh vật một sức nóng ngột ngạt và những cơn gió cát nồng héo, khô nám da thịt. Vào trong lối đi có bóng mát, lối đi xưa cũ tình nghĩa, khu vườn mấy năm gần gũi như một cõi thiên đường riêng biệt; tôi cảm thấy nhẹ hẫng người, khoan khoái tưởng đã tới rồi một bến nghỉ êm ấm, thấy rồi một giấc mơ đã ám ảnh bao năm.

Khi thấy căn nhà chỉ mở một cánh cửa phía dưới (hai cánh cửa giữa và phía trên đóng im lìm) tôi bỗng dừng lại nhìn thực chậm vào khu vườn, thấy cây cối già cỗi, thưa thớt, và yên lặng quá. Tôi đứng yên, nhìn dò xét từng thân cây, cành lá, cố nhớ lại khung cảnh khu vườn năm trước. Tôi không thể so sánh được với một hình ảnh nào còn giữ trong đầu với sự trống vắng gần như là tàn lụn của khu vườn trước mắt. Có một điều tôi không cần tìm kiếm so sánh là khu vườn bây giờ đã mất đi nhiều màu xanh, nhiều bóng mát, và những tiếng cười. Khu vườn trống và lặng lẽ trong sắc nắng mênh mang. Không có một tiếng cười, lời kêu gọi líu lo hay một bóng dáng lẻ loi nào cạnh những bóng râm thầm lặng kia, mà chỉ có tiếng chim sẻ chuyền cành ríu rít – đó là những tiếng chim hiền từ và yên lặng nhất của mùa hè. Bầy chim sẻ vỗ cánh, bay, chuyền cành, kêu lao xao trên những cành dừa lả tả, những đọt cau cao nhẫn nhục, đám lá mận dày thầm kín nhưng không tạo được một chút cảm tưởng nao nức nơi tôi như cách đây vài phút từ quãng gò giữa đồng nhìn thấy đôi cánh cổng sắt mở rộng. Trong tiếng chim sẻ đoàn tụ, vô tư, hiền hòa đó tôi nghĩ tới sự trở về lẻ loi ngơ ngác của mình, và thấy rằng chưa bao giờ tôi được nghe một tiếng chim buồn bã như thế.


Cả cái không khí bao trùm khu vườn, căn nhà, đã cho tôi linh cảm biết được một điều thực lạ lùng: Gia đình ông Hối đã tản mát (hay chết) từ khi tôi ra đi ? Ý nghĩ đó đã làm bay mất hết những nỗi hân hoan phấn khởi trong lòng tôi, thế vào bằng những nỗi lo sợ viễn vông, có lúc thực kỳ lạ. Tôi không ngớt tưởng tượng ra sự thay đổi của gia đình ông Hối, tiếp nối liên tục và nhập nhằng với từng khúc từng đoạn của dĩ vãng mờ nhạt thấp thoáng tựa những bóng ma vờn lượn đùa giỡn. Dĩ vãng bây giờ trở nên xa lạ dần trong sự nhớ tưởng. Tôi cũng không còn tin được những hình ảnh thoắt hiện trong đầu tôi về cái quá khứ đã sống: Tôi thấy có một điều gì lạ lùng và có vẻ như trong một cơn mộng đã lâu bất chợt nhớ lại. Nó hoàn toàn khác lạ với những gì hiện ra trong mắt tôi, lúc này.


Tôi bước lên mấy bực thềm, khoảng sân măng rộng được quét sạch, trống, yên tĩnh quá đỗi. Mấy chậu kiểng trồng những cây mai Nhật nở hoa vàng, những màu vàng nhạt hẳn trong sắc nắng chói, cũng đượm một màu buồn và lặng lẽ. Tôi nhận ra mấy chậu hoa Uất Kim ngày nào không còn nữa, cả cây hoa Quỳnh mà ông Hối thường săm soi chờ đợi một đêm nào hoa nở, cũng héo tàn đâu mất. Chỉ còn lại những cành Huệ lẹt đẹt ngã rạp trên bờ đất khô. Trước mặt tôi, bên trái, giếng nước, nhà tắm, hàng cau, hàng dừa, cây bưởi vẫn còn đó như một sự chờ đợi cam chịu, một gắng gượng buồn rầu. Hình như nó được phủ lên một thứ mầu sắc chết lặng, thê lương của những cảnh đời xế bóng. Bên mặt, con đường nhỏ dẫn ra phía sau vườn cạnh căn nhà, chìm ngập trong bóng mát hàng keo già, cây me trổ lá non, hai câu sầu đông hoa rụng tím rải rác trên mặt đất. Ngoài bờ rào, phía trước là cánh đồng, con mương ẩn khuất, bên trái và bên mặt khu vườn là mấy căn nhà ẩm thấp khép kín trong sự nghèo khó và cây lá ràu ràu ủ rũ. Trước mắt tôi chỉ có thế, cảnh tượng đơn sơ, trống trải, không mảy may giống một khung cảnh nào trong mơ ước trở về của tôi. Cái náo nức xao xuyến của sự trở về đã chùng thấp, im lặng trong lòng tôi từ lúc chợt nhận ra sự thay đổi của khu vườn, nỗi im vắng ghê rợn của khoảng sân nhà, bóng tối sau cánh cửa mở hờ; tôi cảm thấy tôi đã thất vọng dầu chỉ được gặp Tịch, quây quần bên Thủy và Tiên một đêm trên hiên lầu để hóng gió nồm (hay đợi mặt trăng đỏ rực từ thành phố phía xa). Cây hoa Quỳnh đã mất, ông Hối thực sự rời bỏ chậu hoa mầu nhiệm đó từ bao giờ ? Còn Thủy, những cành Uất Kim mầu hồng trên lọ hoa sứ trắng, và Tiên với xâu chuỗi hoa sầu đông đeo lủng lẳng trước ngực sao nay đã tản mát ở đâu?


Căn nhà tối lờ mờ, tuồng như có một làn gió lạnh thổi luồn qua những cánh cửa buồng hé mở, tôi nghe tiếng tôi gọi, Thủy, Thủy, nhưng không một tiếng động nào vọng lại. Tôi đẩy mạnh một cánh cửa buồng: “Thủy, Thủy ơi…”. Căn buồng dẫn ra phía nhà sau (cũng là chỗ thang lầu) trống trơn, mùi ẩm mốc dạt vào mũi, vệt nắng chiếu xuống từ thang lầu hẹp và cao soi rõ cái vắng lạnh ngột ngạt của một ngôi nhà hoang phế. Tôi nhìn thấy một chiếc chõng tre kê sát chân lầu, mấy tấm áo cũ rách mắc trên vách tường, một ngọn đèn chai nhỏ đặt dưới chân giường sáng đỏ. Phía trong (chỗ ngủ và học của chị em Thủy) cánh cửa sổ mở một nửa ánh sáng xanh nhợt của cây lá hắt vào còn chút bầy biện lúc trước: chiếc bàn học trước cửa sổ, tấm tranh sơn dầu đầu tiên tôi vẽ cành hoa Uất Kim tặng nàng, hai chiếc mắc áo gỗ, tấm ảnh chụp chung ba anh em nàng và tôi trước cổng sắt treo trước vách nơi giường ngủ, và một đôi guốc son cũ dưới chân giường. Cho tới lúc ấy, nhìn căn phòng Thủy, tôi mới cảm thấy gần gũi thân thiết được với ngôi nhà, an ủi đôi phần cho sự trở về của mình.


Tôi bước dần lên những bậc thang lầu hẹp, hi vọng sẽ gặp một người nào đó còn lại (hay Thủy ?) nơi hiên lầu, hay trong gian phòng khách là chỗ tụ họp của bọn Tịch những ngày chủ nhật ở thị xã trở về với một bầy con gái mặc áo sặc sỡ như những cánh bướm trên kệ, trong tủ sách của anh ta. Tôi gọi : “Tịch ơi, Tịch ơi…”, không có Tịch nào ở trên lầu, không có Thủy nào ở chiếc ghế mây sau mái hiên khuất nắng, không có Tiên nào bên cạnh tủ sách chứa bướm của Tịch. Tôi dừng lại trước tủ sách, nhìn lại mấy cánh bướm năm năm trước, những năm Tịch còn say mê bắt bướm và say mê theo đuổi cô giáo có những chiếc áo dài màu lạ lùng như những cánh bướm quí. Nếu tôi ngạc nhiên vì sự mê thích sưu tầm bướm của Tịch bao nhiêu thì tôi coi thường những chuyện tình do anh ta kể lại bấy nhiêu, bởi vì, rất giống với sự mê thích bướm, Tịch đã cho bướm ngửi éther và chích formol, đem phơi ba ngày nắng, không để bay mất một chút phấn, bỏ cả buổi uốn nắn râu chân, cất bướm vào tủ là Tịch xách đèn đêm đêm đi tìm những cánh bướm khác; cuộc săn đuổi tình nhân của anh cũng tương tự như thế. Nghĩa là rất say mê công phu tìm kiếm, nhưng chẳng bao giờ hài lòng hay dừng lại bởi một cánh bướm nào cho dầu anh ta vẫn thường trầm trồ khoe cái đặc sắc của mỗi cánh bướm anh bắt được. Một người thường lấy óc khoa học để suy nghĩ (Tịch là giáo sư toán), nhưng lại ham thích trò chơi sưu tầm bướm thơ mộng đã là điều khiến tôi không hiểu được anh ta cho tới bây giờ. 


Nhìn những cánh bướm lộn xộn trong tủ kính của Tịch, bất giác tôi nhớ tới một cánh bướm bị anh đem ép vào quyển tự điển dày, ví nó như hình ảnh một cô giáo dạy Việt văn có tên một loài hoa kiêu căng, ưa khinh thị những người tìm tới với cô, và nhất là xem nơi chốn cô hiện ở (là quê hương của Tịch) là chỗ đày đọa, đầy ám khí trong tờ xin thuyên chuyển cuối năm tình cờ anh đọc được. Nhớ tới cô giáo nọ là tôi nghĩ ngay tới lời cô viết trong tờ đơn xin thuyên chuyển với một giọng rặt cải lương mà Tịch thường lập lại, để rồi cười ngây ngất kêu là đáng một kiếp: “Thủy thổ bất hợp hay đau yếu, (sang hàng gạch đầu dòng) thân gái dặm trường dung nhan nhan sắc đâu có để mà tiêu hao với tàn tạ ?”. Nhưng rồi cô giáo nọ cũng đã là một cánh bướm lọt vào tay Tịch, nhưng không là cánh bướm được anh ta cho ngửi éther, chích formol, uốn nắn cẩn thận mà chỉ đem ép vào quyển tự điển khô lép xấu xí. Ghét việc chơi bướm của Tịch, tôi yêu việc ép hoa của Thủy: Nhìn nàng lẩn thẩn ngoài vườn khe khẽ cắt những cánh hoa tươi mầu rồi tỉ mỉ trải ép vào những mảnh giấy có khói lưu huỳnh, dịu dàng dán vào những tấm giấy có giấy bóng bao bọc, tôi nghĩ tâm hồn Thủy mới thực là một tâm hồn lãng mạn, hồn nhiên. Suốt những ngày nghỉ, nàng dành hết cho việc tìm hoa, ép hoa, làm việc một cách lặng lẽ và say đắm. Có lần tôi hỏi Thủy ép hoa làm gì nhiều thế, nàng ngẩng lên cười sẽ sàng, rồi nói: “Thủy thương hết các loại ha dầu xấu hay đẹp, không biết sao Thủy thấy quyến luyến và thương chúng quá, anh à”. Từ đó, nếu tôi miễn cưỡng xách đèn theo Tịch đuổi bướm, thì tôi cảm thấy sung sướng, hạnh phúc hơn khi cùng Thủy đi kìm kiếm những cánh hoa góp lại cho nàng đem ép vào giấy. Lâu lắm, chúng tôi dở lại những cánh hoa cũ, cùng nhớ tới những dịp gần gũi xưa, mà nghe lòng tràn ngập xúc cảm mênh mang.


Bây giờ là căn lầu trống, bộ salon cũ kỹ để giữa nhà, phía sau là chiếc bàn thờ lạnh ngắt hương khói, cánh cửa mở ra căn phòng phía sau đóng kỹ. Trên tường, những bức hoành phi, những tấm gương mừng ngày xây căn nhà của ông Hối, khung kính lồng cái bằng “Chứng nhận hành nghề Đông Y Sĩ”, và một chiếc đàn guitar đứt gần hết dây của Tịch. Tôi không nghe được một tiếng động nào ngoại trừ tiếng chim sẻ kêu chim chíp trên mái hiên lầu, thỉnh thoảng có tiếng vỗ cánh bành bạch của đàn bồ câu phía góc sân lầu. Sự hoang vắng của ngôi nhà giữa một thôn xóm khi quạnh không khiến tôi ghê sợ bằng hình bóng dĩ vãng được nhớ tới từng lúc trong đầu. Tôi đặt lưng xuống tấm phản kê gần cửa lớn, gió nồm từ hướng biển thổi ngây ngây, tôi nhắm mắt nghĩ có lẽ tôi đã buồn ngủ quá rồi. Nắng hanh và gió nồm càng khiến cho đôi mắt cay xót, và chiếc đầu tê rần của tôi nhức buốt hơn nữa. Tôi lừ đừ trôi dần vào một giấc ngủ mỏi mệt như một cơn mê thiếp chếnh choáng.

-Cậu, có phải cậu Năm không?

Tôi mở mắt:

-Ai đó ?

-Cậu Năm à ?

-À, bà Dư, cháu Năm đây mà, trưa nay bà đi đâu vậy?

-Trời, cậu Năm…

Bà Năm chảy nước mắt, ngồi phịch xuống phản, chiếc miệng mếu máo rỏ xuống những vệt nước trầu đỏ. Tôi đứng dậy, mở rộng hai cánh cửa căn lầu, thấy nắng vẫn còn vàng chói trên những đọt dừa dưới vườn. Khu nhà yên lặng.


Như thường lệ sau giấc ngủ trưa tôi trở ra đi thơ thẩn quanh hiên lầu một lát dầu không biết đi để làm gì. Cảnh vật phía dưới bao bọc quanh ngôi nhà, bây giờ không còn một chi tiết nào làm tôi chú ý. Phía sân sau, cánh đồng rộng, xóm nhà thấp xa xa, những con đường tre rũ bóng đìu hiu, bầy chim sẻ đu đưa trên những đọt dừa. Bên trái và bên phải là mấy ngôi nhà tranh cũ, ẩn mình trong những cây lá rườm rà, khép kín. Trước mặt, khu vườn quen thuộc thưa thớt, cánh đồng phẳng lì, con mương khô nước, thành phố xa xa được trông thấy bởi hai ngọn tháp cao đỉnh nhà thờ trắng bạc nhọn hoắt như một thỏi kim loại, và quốc lộ có những chiếc xe chạy suốt. Tiên đã có chồng, ba đứa con, đứa con gái lớn tên Trang, đứa con trai kế tên Tý, đứa mới sinh tên Tèo. Năm năm, ba đứa con, vợ thứ của một ông đại úy đi chợ có xe đưa rước ngon lành, trong nhà có kẻ hầu người hạ. Còn Tịch, sau chuyện lôi thôi với một cô gái có con, bỏ nhà đi bặt không thấy trở lại; quên hẳng những cánh bướm còn nằm im lìm trong tủ sách. Sau khi Thủy mất vì buổi sáng sớm súng nổ đột ngột, gia đình ông Hối theo con gái, con Tiên, dời nhà vào Cam Ranh sinh sống. Bà Dư, người u già trên hai chục năm ăn ở trong gia đình ông Hối được ở lại để giữ ngôi nhà, và lo nhang đèn cho chiếc bàn thờ. Năm năm, Tiên có chồng ba con, Tịch tủi hổ bỏ xứ, gia đình ông Hối phân tán, Thủy còn lại với nấm mồ bên kia cánh đồng trước nhà. Năm năm, tôi trở về, căn nhà trống, bà Dư già nua lú lẫn hơn, đàn bồ câu sinh thêm mấy lứa, những cánh hoa Uất Kim tàn lụn , tập vở ép hoa không biết cháy nát nơi nào, những con bướm nằm yên lặng trong tủ kính, hoa sầu đông rụng nhiều nhưng không có bàn tay nào nhặt để kết thành vòng chuỗi. Năm năm, tôi trở lại sống trong ngôi nhà với bà Dư ngày hai buổi quét dọn, thắp hương, nằm dài trên thềm nhà nhắc chuyện con Tiên, con Thủy, thằng Tịch, ông Hối như chuyện đời xửa đời xưa nào.


Đàn bồ câu bỗng vỗ cánh bay lên, rồi sà thấp xuống hiên lầu phía trước. Lúc ông Hối đi, cậu biết không, đàn bồ câu chỉ được sáu con, bây giờ đã trên hai mươi con rồi. Tôi chợt để ý nhìn những con chim bồ câu, lông đen hoặc đà, ngạc nhiên nghĩ sao lại toàn một mầu tối như thế. Không có một con nào có mầu trắng hay xám. Mầu lông sẫm đen, giống như chiếc lồng gỗ cũ mốc, mục nát trên hiên lầu. Mầu lông cũng rất giống những vách tường rêu, những căn phòng tối, khoảng thời gian năm năm mờ mịt của gia đình ông Hối. Bất giác tôi cho rằng, đàn bồ câu, những con chim buồn bã, đã sống trong một căn nhà âm u, bên cạnh một bà già cô độc sầu thảm, và bây giờ có tôi. Tôi trở lại với những buổi chiều rủ một bầy trẻ nhỏ tìm tới thăm mộ Thủy, thắp cho nàng một cây nhang, gửi cho nàng một cánh hoa lạ, thầm thì cùng nàng những lời nhắn nhủ tuyệt vọng nhất của đời sống. Tôi chợt hiểu được rằng tại sao những tấm tranh tôi vẽ trong thời gian ở đây bao giờ cũng có nhiều tảng mầu đen, những bóng tối mờ loãng, hay từng bóng dáng nhập nhòa ám ảnh. Tôi nghĩ, có lẽ chiều nay tôi sẽ vẽ một đàn bồ câu đen, trên nóc hiên nhà rêu đen để tặng cho Thơm, tặng một cuộc sống cũng âm thầm đen tối.


Hai chị em Thơm từ ngõ bước vào nhìn thấy tôi ở hiên lầu, cả hai ngước lên cười, rồi cắm cúi đi. Trên tay thằng Tuấn nó cầm theo chiếc ná cao su. Thơm cắp quyển vở học. Thơm và Tuấn là hai người bạn quí của tôi, tôi có thể dừng vẽ bất cứ lúc nào có mặt Thơm hay Tuấn, để hoặc dạy Thơm học, hoặc cùng Tuấn đi bắn chim quanh vườn. Từ ngày quen được chị em Thơm, được gần gũi trò chuyện, cùng rủ nhau đi dạo xa trong xóm nhà bên kia cánh đồng phía sau (hay tới thăm mộ của Thủy), tôi đỡ thấy bứt rứt bồn chồn với ý định ra đi. Những giấc mơ kinh hãi bưng bít cũng đỡ vây phủ ám ảnh từng giấc ngủ mỗi đêm. Nghe tiếng chị em Thơm cười từ dưới thang lầu, tôi đi vòng trở ra phía sau.

Tiếng Thơm vọng lên :

-Anh Cũng, thằng Tuấn nói rủ anh đi bắn chim, anh đi không?

Tôi cười:

-Đi liền.

Tuấn mừng rỡ:

-Thấy chưa?

Thơm giận :

-Thấy gì ? Anh Cũng, anh không thích dạy em học à ?

Tôi nói:

-Sao lại không? Bộ có chuyện gì nữa?

Thơm giọng còn hờn lẫy:

-Sao anh kêu đi bắn chim ?

-Đi bắn chim cũng thích mà dạy em học cũng thích.

-Bây giờ anh thích cái nào hơn ?

Tiếng Tuấn nhanh nhẩu:

-Đi bắn chim, anh Năm.

Thơm đưa tay bịt miệng em lại, cười chờ đợi.


Tôi nhìn đôi mắt Thơm, đôi mắt sáng ánh chòng chọc nhìn thẳng vào mắt tôi, tia nhìn nửa trìu mến, nửa trách móc nũng nịu. Đôi mắt nhìn lâu, tôi thấy có nét giống Thủy, nhưng không tìm ra ở nét nào rõ ràng. Nhiều lúc tôi cố tìm kiếm vài điểm tương tự nhưng cũng không tìm được. Hình như là ở đôi tròng đen đứng yên mỗi khi ngước nhìn, hay tia ngó thẳng tắp chờ đợi lặng lẽ ? Tôi vẫn thường lẫn lộn đôi mắt Thủy và Thơm trong những lúc nghĩ tới những tấm tranh sắp vẽ, hoặc lúc ngồi nhớ lại nàng. Thơm chỉ bằng tuổi Tiên năm năm trước, mười bảy tuổi, học lớp tám, trễ mất hai năm thi vào đệ thất, có giọng hát tuyệt vời, và một mái tóc óng mượt sung mãn. Tuổi lớn và vóc dáng Thơm so với Tiên năm năm trước xấp xỉ bằng nhau, nhưng những bài hát khiến cô bé trở thành một thiếu nữ dễ sầu mộng, trưởng thành quá lứa tuổi của mình. Chính những bản nhạc tình cờ Thơm hát cho tôi nghe, ngợi ca một cuộc tình hoặc than thở cho những dang dở, muộn màng, với một giọng yếu mềm tha thiết của từng hơi thở xao xuyến từ tâm hồn bén nhạy xúc cảm đã làm tôi ngạc nhiên, rồi dè dặt gần như là sợ hãi. Nhưng Thơm cứ quấn quít bên tôi (như tôi đã không thể sống ở ngôi nhà này mà vắng chị em Thơm) mỗi lúc tạo thêm những gắn bó khó rời xa, hay quên lãng. Thơm đã kêu tôi xin dạy học cho những trường tư thục ở thị xã để cô bé được sống gần tôi như lâu nay. Nàng còn kêu tôi nếu không muốn dạy học, thì ở nhà vẽ, để hai chị em nàng mang xuống phố bán. Như vậy cũng sống được chớ anh, em có nghe người ta nói, bán một tấm tranh, có cả chục ngàn lận cơ. Một tháng, anh chỉ cần vẽ một tấm, cũng dư giả rồi, phải không. 


Những điều Thơm nói nhắc tôi nhớ lại những ước mộng của Thủy năm nào : Nàng cũng kêu tôi ở nhà vẽ, mở phòng tranh mỗi tháng, rồi thì còn bao nhiêu thì giờ cùng nàng đi tìm những cánh hoa lạ. Năm năm qua, tôi vãn là một họa sĩ nghèo, (và hiếm có dịp cầm cọ, cầm dao, cầm những thỏi mầu) chỉ vẽ nên những bức tranh buồn thảm của đời mình. Tấm tranh cành hoa Uất Kim ngày nào còn treo trong phòng Thủy, có lẽ là bức tranh tươi sáng nhất của tôi từ ngày dời khỏi trường mỹ thuật. Bây giờ, bức tranh rực rỡ đó đã còn lại lạnh lẽo trong căn phòng ẩm mốc của Thủy như một sự nhắc nhở âu sầu nhất cho tôi. Tôi không thể ngờ rằng, năm năm sau, tôi nhìn lại tấm tranh với sự sợ hãi. Tôi không dám nhìn lại bức tranh, cũng như không dám cầm lại đôi guốc son dưới chân giường Thủy; tôi chạy trốn kỷ niệm với tâm trạng khốn khổ ray rứt cùng cực. Nhớ Thủy, tôi thương Thơm, chừng như tôi cũng sợ cô bé bỏ đi sớm sủa mau lẹ như Thủy vậy.


Thơm hết nhìn tôi với đôi mắt dỗi hờn, nàng nhìn tôi bằng nụ cười quấn quít. Nàng hỏi: “Sao? Anh thích cái nào hơn hết ?”.

-Thích cả hai.

Nàng bỏ chạy vào trong phòng, Tuấn cười lộ hai chiếc răng gãy, tôi trở vào cười : “Dạy học có lợi hơn đi bắn chim, bắn chim có lợi hơn vẽ tranh nhưng bây giờ trời còn nắng, anh dạy em học, rồi lát xế chiều mới đi với Tuấn được chưa ?”.

Tôi ngồi vào chiếc ghế đối diện Thơm, cố nhìn vào đôi mắt bẽn lẽn giấu giếm nàng, giọng trêu chọc:

-Sao ? Vừa ý chớ ?

Thơm cười :

-Chưa .

-Còn đòi hỏi gì nữa ? Được voi đòi tiên đâu có được, cô ?

-Bây giờ là nửa mùa hè rồi, hết mùa hè anh đi, bà Dư nói lại thế, phải không?

-Đừng có nghe lời bà Dư nhiều, bà ấy lẫm cẫm quá rồi, cả ngày chỉ biết nói tới những con cá thu ảu, cá thu mùa.

-Và chuyện chị Tiên có ba đứa con, đi chợ có xe Jeep đưa rước, đàn bồ câu sinh thêm mấy lứa, những con bướm của anh Tịch…

-Thôi , coi như cho qua chuyện bà Dư đi, đợi lúc nào hết chuyện hãy nhắc lại, nếu nhắc hoài thì cứ còn hoài.

-Anh muốn nói chuyện gì ?

-Chứ em qua đây định nói chuyện gì ?

-Nhờ anh chỉ một bài toán .

-Anh dốt toán, chỉ cái khác đi. Đời anh ghét tính toán nên không học toán.

-Mấy bài luận, giảng văn, Anh văn anh đã chỉ hết còn gì ?

-Hết rồi thì thôi, anh được nghỉ, đi bắn chim nhé ?

-Không được.

-Có lẽ thằng Tuấn đang theo dõi mấy con chim sẻ ở hiên lầu.

-Nó đi bắn cả ngày ngoài nắng nhưng không có một con chim nào để nướng.

-Em muốn ăn thịt chim lắm à ?

-Sao lại không, chim sẻ nướng với lá chanh và tiêu ớt thơm tuyệt lắm.

-Được, để khi nào anh bắt trộm vài con chim bồ câu, bà Dư không bao giờ đếm lại mỗi chiều chiều đâu, đừng có sợ.

-Thịt chim, nhất là chim bồ câu bắt trộm, ăn không ngon gì đâu.

-Cứ nghĩ là anh bắn được, đừng nghĩ anh bắt trộm thì phải ngon hơn chim sẻ chứ.

-Em chịu, nghĩ vậy không được, cho dầu có nghĩ tạm trong vòng vài mươi phút để nuốt xong con chim.

-Em nói nghe có vẻ tu hành quá đi.

-Má em nói lúc nầy cần phải tu hành.

-Bắt vài con chim để thết em một bữa trước ngày anh đi cũng là chuyện tu hành mà.

-Nói vậy thì em không bao giờ muốn ăn thịt bồ câu.

-Sao vậy ?

-Em không muốn anh đi.

-Em muốn sao ?

-Anh ở lại.

-Tới khi nào ?

-Ở luôn.

-Luôn là bao lâu ?

-Suốt đời.


Tôi nghe tiếng thằng Tuấn reo mừng ở phía hiên lầu sau, chưa kịp chạy ra nó đã xách một con chim sẻ còn rỉ máu ở đầu chạy ùa vào nhà. Con chim chết tươi tắn. Tôi thoáng thấy Thơm có vẻ không bằng lòng. Tôi nhìn Tuấn, cười: “Bây giờ tới chiều gắng tìm thêm vài con nữa để chị Thơm nướng với lá chanh và tiêu ớt”. Thơm nhìn con chim sẻ nhỏ choắt, buột miệng nói : “Tuấn, tội nghiệp nó”.

Tuấn vẫn còn giữ nét hớn hở, nhìn tôi :

-Chị đừng có ăn.

-Ừ. Ai thèm ăn mà nói.

-Không ăn thì hai anh em mình ăn, rán đi đi tìm thêm nữa đi, lát nữa anh sẽ dẫn ra phía mấy đám ruộng chín thế nào cũng nhiều.


Tuấn thảy con chim trên mặt bàn, trước mặt Thơm, bỏ chạy ra ngoài. Con chim chết. Nó nằm ngoẻo đầu. Máu đã khô đặc. Thơm giận dỗi đứng dậy, đi tới tủ bướm. Tôi biết rằng con chim Tuấn vừa bắn chết chỉ là một cái cớ để nàng buồn. Lúc nói xong câu “Em không muốn anh đi”, gương mặt nàng đã đổi khác một cách đột ngột. Giọng nói khô cứng, ánh mắt lảng tránh ngơ ngác, tay vẽ vu vơ trên mặt bàn những vòng tròn băn khoăn; tôi nghĩ có lẽ cô bé đã biết buồn và nhớ khi vắng tôi bên đời sống vắng vẻ nàng. Tôi bỗng nhớ lại hết thảy những dịp gần gũi nàng từ buổi chiều ở đầu bờ mương trước nhà, những buổi trưa ở hiên nhà vắng bên bà Dư, từng buổi chiều tới thăm mộ Thủy, những sáng sớm quây quần trên hiên lầu đợi nắng, những bài học dạy cho nàng vào ngày chủ nhật, mấy tấm tranh vẽ lộn xộn những cành hoa Uất Kim và đôi mắt nàng mở lớn như đôi mắt Thủy còn lại trong trí nhớ đã năm năm. Tất cả những hình ảnh rời rạc và nhỏ bé ấy, không ngờ đã là một chất keo đằm thắm, gắn khít hai tâm hồn chúng tôi; tôi cũng cảm thấy dự định ra đi của mình thực ngậm ngùi, chua xót. Giấc mộng hôm nào nàng nói cũng như Thủy đã vẽ vời năm năm trước liệu có thể giữ tôi lại được nơi căn nhà hiu quạnh này chăng ? Hay đó chỉ là những mơ tưởng lạ lùng mà ngôi mộ Thủy mới chính là một đời sống thực tế? 


Những cánh hoa lạ, những ước mơ đẹp, những dự định khiêm tốn của Thủy thoắt mất trong một buổi sáng có súng nổ. Súng nổ trong xóm, và nàng đã chết. Từ đó căn nhà trở nên hoang vắng. Bà Dư còn lại chỉ để thắp hương cho chiêc bàn thờ lạnh lẽo hay quét dọn căn nhà trống trải. Thực tế giản dị, khô khan, và tàn nhẫn như tiếng nổ, nhưng có lẽ mãi mãi nó bám chặt lấy đời người, để thiêu cháy hết những mơ ước như Thủy, như nàng. Như Tiên với xâu chuỗi hoa sầu đông. Như tôi với bức tranh cành hoa Uất Kim. Như Tịch với những cánh bướm loạn sắc. Như ông Hối với cây hoa Quỳnh. Như tất cả. Sống trong sự cô tịch và lẻ loi, tôi nhìn thấy rõ hơn rằng, chẳng qua đời sống cũng vắng vẻ và buồn rầu như căn nhà, đàn bồ câu đen, đôi guốc son, tấm tranh cành hoa Uất Kim, những con bướm trong tủ kính, và ngôi mộ ngập cỏ may của Thủy bên kia cánh đồng. Tôi biết nói sao cho Thơm hiểu được rằng, dầu rất yêu quí nàng, nhưng tôi không thể ở lại trong căn nhà nầy lâu hơn nữa. Một mùa hè.

Tôi nói:

-Thơm, em giận anh cái gì vậy ?

Nàng quay lại, ngước nhìn lên, đôi môi mỉm cười :

-Tại sao anh đi ?

Tôi đã ôm choàng qua hai vai rung động nàng :

-Em biết tại sao không ?

-Không.

-Vì quá yêu em, em có tin không?

Nàng cười khẽ. Đôi môi mím chặt. Đôi mắt nhìn thẳng. Tôi biết nàng nghi ngờ hay không bao giờ hiểu được tôi. Tôi cúi hôn thật lâu lên tóc, vai, má, cổ, môi nàng. Có lẽ những nụ hôn nồng nàn của tôi giúp nàng hiểu được thêm những gì tôi đã nói. Nàng quay phắt lại bỏ hai tay lên vai tôi, nhìn tôi, cười. Vừa lúc đó, khi tôi ôm choàng Thơm bé nhỏ trong đôi tay say đắm, thì thằng Tuấn chạy vào. Nó cầm trên tay một con chim sẻ, và cười lớn: Anh Năm, anh Năm…


Từ phòng tắm nhìn qua ô cửa nhỏ, tôi trông thấy bà Dư từ ngõ nôn nả bước vào, tay bưng chiếc rổ nhỏ, tôi biết bà đi lấy bánh ướt hay bánh bèo ở quán bà Thìn như mọi buổi sáng. Tôi thoáng bắt gặp một ý định quan trọng là không nói cho bà Dư một lý do nào về sự ra đi của tôi vào buổi sáng nay. Từ trước, tôi nghĩ sẽ nói cùng bà rằng tôi hết thời gian nghỉ phép phải ra hội đồng y khoa vào cuối tháng, không thể ở mãi đây, và vì lý do an ninh, nên tôi phải dời khỏi ngôi nhà này trước khi hết mùa hè. Chỉ có những điều cụ thể và giản dị có thể giúp bà hiểu tôi đôi chút, bởi vì, chắc chắn là bà không hề để ý (hay hiểu được) tấm tranh vẽ cành hoa Uất Kim trong phòng Thủy, những cánh bướm của Tịch, hay những cánh hoa sầu đông rụng đầy con đường quanh nhà, ngôi mộ Thủy bên kia cánh đồng, hình ảnh Thơm từng ngày quấn quít bên nỗi ám ảnh khổ sở của tôi. Bà không hề nghĩ được tôi phải dời xa ngôi nhà mùa hè mát mẻ nầy chỉ vì đôi guốc son cũ của Thủy còn dưới chân giường. Tóm lại, nếu tôi có kể hết những lý do thực sự khiến tôi nuôi dưỡng quyết định như một kết luận kỳ quặc, nói dài dòng từ đêm này qua đêm nọ, chắc bà cũng sẽ ngồi im lặng buồn bã xoáy trầu, tới lúc mỏi mệt ngã lăn ra hiên nhà ngủ. Như vậy, tôi sẽ vô tình để lại cho bà nhiều băn khoăn vô ích, trong những ngày tháng lúc cúc sống một mình của bà. Phải, tôi sẽ yên lặng ra đi, tự nhiên và vui vẻ, để bà con nuôi giữ mong ước một ngày nào tôi sẽ quay trở về như hai tháng trước mà dõi mắt ra ngõ đợi chờ. Có những điều chúng ta không thể không nói dối (hay tỏ ra) với tuổi già, mà nghĩ rằng đó là một việc làm tốt. Trường hợp tôi với bà Dư, đối với một tấm lòng tin tưởng và yêu mến, tôi chắc không còn cách nào hơn để bà yên lòng, còn tôi ra đi không mang theo một niềm ân hận nếu chẳng để lại cho bà một lời hứa hẹn vui vẻ nào. Tuổi già, họ cần có ảo tưởng để sống cho đỡ khổ sở. Còn tôi, chắc chắn là không thể giữ lại một ảo tưởng xa xăm nào, để tự làm khổ sở đời mình nữa: Tôi bị buộc quá chặt vào thực tế.


Những gáo nước vừa từ giếng đổ vào bồn tắm mát rượi vỗ về tôi trong nỗi hân hoan gần như là hạnh phúc. Tôi nhớ tới Thơm đêm hôm qua, hình ảnh nàng trên sân lầu bé bỏng và hiền từ như những con chim sẻ chui rúc dưới mái hiên, sự cuồng nhiệt cuộn tròn bừng nóng, nỗi buồn nản tuyệt vọng cùng cực của tôi khi nghe tiếng nàng thì thầm. Quả thực nàng đã cho tôi hiểu được trọn vẹn ý nghĩa cao cả mầu nhiệm cuả tình yêu, trong niềm hoan lạc hiến dâng đời đời mà trước đây dầu có sống lăn lóc hay tưởng tượng tôi cũng không thể hiểu được hết. Tôi nhớ là tôi đã nghĩ không tốt về nàng khi nàng đòi ở lại với tôi, lời cầu xin khẩn thiết và chân thực của nàng khiến tôi nghĩ nàng đã sống chót vót những giây phút bất thường, mù quáng nhất của một đời con gái. Tôi vẫn không tin nàng, cho tới lúc nàng khóc nức nở sau góc hiên lầu. Tôi yêu quí nàng như yêu quí hình ảnh Thủy với những cánh hoa lạ, tấm tranh vẽ cành hoa Uất Kim, đôi guốc son cũ dưới chân giường; Tôi đã đứng thực xa, ngắm thực kỹ, và vẽ thực say mê. Tôi yêu nàng (cũng như Thủy) bằng những thỏi màu sắc, bằng sơn cọ, bằng trí nhớ và kỷ niệm của một tâm hồn biết sắp xếp thứ tự giá trị của mọi vật trong đời sống mình, chớ không bằng đôi mắt hay đôi tay, lời nói hay hành động mờ ám. Tôi không muốn trong đời sống tôi lại có một hình ảnh tội lỗi nào về tình yêu, không đọng một vết đen nào của kỷ niệm. 


Tôi ghê sợ sự lừa dối của trí óc, dĩ nhiên, tôi cũng rất lờm tởm hết thảy những dối gạt thường tình. Vậy mà Thơm đã ở lại bắt tôi phải nghĩ tới cái ước muốn được gần gũi, lòng yêu mến một đứa con có mặt bên đời sống nàng, như cũng là niềm hân hoan sung sướng của tôi.

Nàng đã nói:

-Nếu anh đã nói yêu quí em, thì anh hãy tới cái ước vọng duy nhất của em, trước ngày anh đi xa.

Tôi phân giải:

-Anh không biết có thể nói sao cho em hiểu rằng em thực đã mù quáng và bồng bột khi nghĩ tới một đứa con như một hạnh phúc có thể cầm giữ mãi trên tay. Rồi có ngày, chắc là rất gần, em sẽ thấy lời anh nói là đúng.

-Nếu anh nói dối là để an ủi em thì có thể được, nhưng thực sự là những ý nghĩ chân thành, thì anh chưa hề yêu quí em bao giờ, em nghĩ vậy.

-Em có quyền nghĩ vậy, nhưng anh xin lỗi. Có lẽ anh còn nghĩ tới em quá nhiều điều tuyệt vọng. Em hãy nghĩ là anh rất chân thành.


Tôi nhớ bóng đêm bằn bặt và những cơn gió biển thổi rì rào dưới khu vườn. Bên cạnh tôi, Thơm im lặng như một cái bóng nóng bỏng và tha thiết. Chúng tôi đã trải qua một đêm đắm đuối, sống trong những giờ khắc cuồng nhiệt và thiêng liêng nhất của đời sống; cả tôi và nàng, chúng tôi đều nhìn thấy hình ảnh một đứa con. Đêm tối, gió nồm, sự hoang vắng không cùng của đêm thôn dã và tiếng chim kêu đêm rời rạc trong khoảng không mù mịt đã bao chặt lấy chúng tôi, cuống quít và ngủ thiếp êm đềm. Đôi mắt tôi nhắm lại, khép chặt lại với bầu trời đầy sao lấp lánh trên cao.

Bà Dư hỏi:

-Cậu đưa con Thơm đi học à ?

Tôi nói:

-Không, cháu đi.

Bà ngước nhìn tôi:

-Cậu đi đâu? Có về ăn cơm không?

Tôi cười:

-Cháu đi Sàigòn, không ăn cơm.

Bà bước lại gần chỗ tôi đứng, giọng lắp bắp:

-Cậu đi Sàigòn à ? Đi Sàigòn…

Tôi cười:

-Thôi cháu đi, bà ở lại mạnh giỏi.


Tôi quay ra cửa thực nhanh khi thoáng thấy ở đôi mắt bà đỏ rần lên, hình như đã có một màn nước mắt mờ trong đôi mắt bà dần bé nhỏ lại. Gương mặt bà nhăn nhúm hơn, làn da nhăn nheo rung động, chiếc miệng mở ra nhưng không nói được tiếng nào. Tôi có cảm tưởng rằng người bà yếu xịu, đôi chân lụn dần xuống, và toàn thân bà lay lắc, lảo đảo.

-Cậu, cậu Năm.. còn những thứ này nữa ?

-À, cháu quên, bà gửi cho Thơm giữ giúp cháu, nói sẽ có một ngày nào đó, cháu trở lại.

-Cậu Năm…

-Bà nhớ nói giùm cháu, có lẽ cháu sẽ trở lại, nhưng không biết ngày nào .


MVL