Khoảng đến đầu năm 1972, tôi vẫn chưa diện kiến Trần Văn Sơn, để cùng uống một chung rượu nồng, mặc dù thỉnh thoảng có ngâm nga thơ Sơn đăng rải rác vài tập san văn nghệ ở Miền Nam. Lúc đó, anh em văn nghệ thân quen nhau, bất tri diện kiến, nhưng cũng ghi nhớ và nể phục tài năng nhau chỉ cần vài tác phẩm tâm huyết. Cái hay của người làm văn nghệ ngày xưa là thế, mà gặp được nhau là xem như tri kỷ ngàn đời. Giai đoạn này, bằng hữu văn nghệ, tuổi chỉ trên dưới ba mươi, trước thế sự đảo điên của lịch sử, có bạn nổi danh như Nguyễn Bắc Sơn, Trần Hoài
Thư, Nguyễn Cát Đông, Lâm Hảo Dũng, Hà Thúc Sinh, Trần Phù Thế... dĩ nhiên còn rất nhiều anh em, kể cả nhà thơ Trần Văn Sơn.
Giai đoạn này, tạp chí Khai Phá cũng có chút thành danh với chiếu hoa văn nghệ, nhưng để thuận lợi hơn cho bằng hữu thân tình, đang rảirác khắp hướng quê hương, đành phải hóa chuyển sang nhà xuất bản Khai Phá. Mục đích để giới thiệu rộng rãi và khắc ghi dấu ấn rõ ràng, uy mảnh cho từng tác phẩm anh em với đời. Những tháng giữa năm 1972, tôi mới trực tiếp diện kiến với Trần Văn Sơn, khoảng hai lần, do các nhà thơ Thụy Miên, Nguyễn Lê La Sơn, và
sau đó là Phạm Nhã Dự, Trần Phù Thế, tháp tùng đến, giới thiệu và bàn chuyện văn chương, in ấn. Cuối tháng 7/1972 nhà thơ Thụy Miên khốc liệt với tai nạn ở Sóc Trăng, bằng hữu còn quá đau lòng và hoang mang cực độ, nên tôi quên lãng chuyện Trần Văn Sơn và những bàn tính của thi tập đầu tay Vườn Dĩ Vãng ra đời.
Cuối năm 1972, tình cờ tản bộ qua cầu chữ Y sang đường Cao Đạt (Quận 5), chỉ cách tệ xá một khoảng ngắn, chợt thấy Lưu Nhữ Thụy đang mày mò in typo bìa cho thi tập Vườn Dĩ Vãng của Trần Văn Sơn. Thì ra, Trần Văn Sơn giao Lưu Nhữ Thụy ấn hành tập thơ. Nhà in Cao Đạt, chỉ có một máy dập typo, ngoài ra là in lụa, nên tôi lấy tập bản thảo Vườn Dĩ Vãng (đã có phép BTT/PHNT) đọc lại, thơ thật hay, và bay sang nhà in Chính Nguyên (Quận 10) nhờ nhà thơ Nghiễm Vy ấn hành.
Lúc này, thi phẩm Vườn Dĩ Vãng là tác phẩm thứ 6 của NXB Khai Phá đã được giới thiệu với độc giả, sau tác phẩm của Lâm Chương, Nguyễn Thành Xuân, Hà Thúc Sinh và tôi. Với tài hoa và kỹ thuật điêu luyện, Trần Văn Sơn thành công nhiều ở tập thơ đầu tay. Đọc thơ Trần Văn Sơn, ngoài cái bát ngát của chút Phạm Cao Hoàng, lãng tử của Nguyễn Bắc Sơn, lướt thướt say tình của Phạm Trích Tiên,
Sơn còn có riêng một phong thái sâu lắng, hoài niệm như cánh hoa dã quỳ nở thầm giữa thương yêu hoang dại và bất tận.
Trần Văn Sơn được bằng hữu thích nhất bài thơ Ôm Một Mặt Trời Say, cũng như nhà thơ Phạm Nhã Dự với bài Buổi Chiều Ở Nghĩa Trang Cà Đú, giữa cái “sống trăm tuổi cũng không ngoài ba chục, chết ba mươi mà vẫn sống ngàn năm (thơ TVS)”, có lẽ Trần Văn Sơn và cả Phạm Nhã Dự đều xúc động tận cùng sinh ly tử biệt với bạn bè, Tô Đình Sự.
Khóc bạn, nhà thơ Phạm Nhã Dự, quá đau đớn nên dòng thơ bi thống như gào thét với không trung, với tử sinh, với bằng hữu, muốn đụt núi mà tìm quên tri kỷ (thơ PND), thì với Trần Văn Sơn khóc bạn là một cách bước thầm trên từng trang thánh hiền, bởi “đời chán vạn thằng nửa người nửa ngợm, bán bạn bè mua chuộc miếng đỉnh chung (thơ
TVS)”, nghĩ bằng hữu nghĩ mình thì cùng cạn một chung rượu đầy mà thảnh thơi cùng cây cỏ.
Thơ Trần Văn Sơn có không khí lãng bạt, hào sảng và ngông nghênh. Dĩ nhiên, anh còn nhiều bài thơ hay khác như Khi Xa Bình Tuy, nhưng dấu ấn anh có được như Ôm Một Mặt Trời Say, thì anh em thường ngâm nga trong các tiệc rượu hội ngộ thân quen.
Sau Vườn Dĩ Vãng, Trần Văn Sơn không có dịp giới thiệu thêm các tác phẩm khác, vì sau năm 1975, bằng hữu văn nghệ ly tán, phiêu bạt người một phương trời. Lúc này, anh còn nhiều đầu sách chưa ấn hành như thi phẩm Trường Sơn Hành, tập truyện Chim Bay Về Núi và truyện dài Viên Sỏi. Sự thiệt thòi đó đâu phải chỉ có ở Trần Văn Sơn, mà là khổ nạn chung cho cả văn học Miền Nam.
Thời gian gần đây, mười năm trở lại, thỉnh thoảng Trần Văn Sơn vào Sài Gòn, và ghé thăm, có lúc anh du hành độc ẩm với tôi, lúc có phu nhân quang gánh ruổi rong theo nhà thơ. Trần Văn Sơn muốn để lại cho quê hương Phan Thiết - Hàm Tân của anh chút gì của trái tim, anh dọ hỏi để in một tập trường ca về di tích tôn giáo địa phương, nơi anh sinh
trưởng. Dĩ nhiên, làm sao mà ấn hành được đây, hỡi người bạn hiền nhiều tâm huyết! Bạn đã chọn xứ người, âm phong và tuyết lạnh. Bên nầy đại dương, loáng thoáng lại nghe tin Trần Văn Sơn in thơ, với bao nhiêu sự tiếp tay
thân tình của các nhà thơ Hà Thúc Sinh – Phạm Nhã Dự - Trần Phù Thế, Lê Phi Ô - Lê Hùng... tôi tưởng tượng đang ngồi với các bạn, chìa tay đốt thêm một ngọn lửa, như thơ anh đã viết: “Những người xưa sống dậy khắc tên, trên vánh đá lịch sử”