Hoài Khanh & Hải Phương |
Bao nhiêu con nước xa nguồn
Thì con sông đó cũng buồn thế thôi.
Hơn nữa, thơ chàng, lục bát của chàng là "Một trời thơ buồn bã vô cùng" (1):
Thôi ngày xưa đã hoang vu
Một thân thể mục rã từ sơ sinh...
Hơn nữa, thơ lục bát của chàng là một trời thơ chiêm bao lênh láng đêm qua đêm kia hay đêm nào nữa ngàn đêm trên đồi vú mọng tinh thể mọc nhánh ra hoa:
Đêm kia ta mộng hoang đàng
Thấy đồi vú mọng em tràn trề hoa.
Đánh hơi dược chút gì còn che giấu nơi tính thể "thấy đồi vú mọng em tràn trề hoa" để thấy Dâng Rừng "một trời thơ buồn bã vô cùng" để thấy buổi ra đi buổi ra về buổi ra khỏi nơi hang ổ là lúc "chỉ còn trong cõi lạc loài nhớ nhau."
Không có bước chân êm ái trên cát biển quê nhà nơi con còng mở dấu nguyên ngôn sóng vỗ về phía dặm trường miên viễn mà chỉ mở phơi ra thênh thang bày biện ra vội vàng một chút gì lóng lánh "hương sắc mong manh."
Bởi vì nó "phơi phới" cho nên nó rất "mong manh rất Hoài Khanh" còn ở lại nơi "Quê Hương Giữa Đỉnh Cao và Hố Thẳm."
Đánh hơi được chút gì còn che giấu nơi tính thể thấy đồi vú mọng chiêm bao là "những điều quỷ nói với ma những điều bướm nói với chim những điều gió nói với sương những điều biển nói với sông nghe ra chết chìm nghe ra đậm niềm yêu thương nghe ra cội nguồn mênh mông" hé mở trong mắt em một thiên thu chưa về một thiên thu chưa có nhưng là một thiên thu vời vợi đợi mong:
Một lần ta thấy thiên thu
Ẩn trong màu mắt mịt mù của em.
Đánh hơi được chút gì còn che giấu nơi tính thể của khoảnh khoắc giây phút lá phục sinh thở gió vào núi xanh lơ không khí bị xé rách thứ khí hậu ẩm lạnh mà xôn xao từ chỗ thiên thai vỡ oà mặt trời trong mắt em để nghe:
một đời nghe gió thổi hoài
nghe mưa rụng mãi nghe dài dặm xa.
Và để nghe trong sâu thẳm của ký ức của hoài niệm của lãng quên êm ái một quê nhà chưa có và cũng để thấy để nhìn để chiêm nghiệm "sắc màu phiêu hốt giọng cười ra ma," cũng chỉ bởi vì một lý do hay cũng không lý do nào xui khiến để:
Như em tuyệt đỉnh cung buồn
Vì chưng nhan sắc dậy bừng chiêm bao!
Ông Lương Minh Đức (2) chủ trương tuyển tập Mây Thu, giới thiệu Tiếng Thơ Miền Trung, phát hành năm 1958, thì Hoài Khanh xuất hiện trên thi đàn như một tác giả "rất ấn tượng." Nhưng phải đợi gần 5 năm sau thi phẩm thứ hai, sau Dâng Rừng 1957, mới được phát hành: Thân Phận, thơ, 1962.
Cũng từ dạo đó cho đến bây giờ mỗi lần được về thành phố quê nhà của tác giả Thân Phận tôi lại thèm ngâm câu lục bát của chàng:
Về Phan Thiết thèm ngâm câu lục bát
Hoài Khanh, Từ Thế Mộng, Thế Viên ơi
Con sông ấy có chở theo "Thân Phận"
Sao thuở "Dâng Rừng" đồi vú mộng ra hoa.
Cũng chính bất đầu từ năm đó, năm 1962, tác phẩm Thân Phận đã chọn lựa thân phận của Hoài Khanh. Cho chàng cái thân phận mà chàng đã chịu và cũng xác định được vị trí chỗ đứng của chàng trong giòng văn học miền Nam.
Cái vũ trụ ngoại giới cời lên cảm trạng nội tâm cào cấu lóe ra từ cái nhìn cuộc đời mà thân phận trao cho chàng. Chàng không có quyền chọn lựa thân phận. Thận phận chọn lựa chàng. Ngay chính "Thân Phận" là tác phẩm của chàng cũng vậy, nó vận vào, vận mãi vào đời sống chàng. Hay chính thân phận trao cho chàng cuộc đời. Cuộc đời chàng sinh ra lú mầm trên nách cây tươi nõn bên bờ sông Cà Ty và giữa hai triền núi Cú và Tà Dôn. Và còn nữa. Và gió núi. Thứ khí hậu nam Trường Sơn nóng ẩm và mưa rừng. Và còn nữa. Và gió biển mang hơi muối mặn thổi hoài thổi hoài không ngớt cái âm điệu ẩm buồn con sóng vỗ. Vỗ hoài thổi hoài một đời nghe sao thân phận réo gọi dâng rừng đi tám hướng mười phương đi mãi:
Tôi lớn lên ven bờ sông Cà Ty
Với giữa hai triền núi Cú và Tà Dôn
Lưu luyến nhìn biển cả gọi hồn đi tám hướng (3)
Cái cảm trạng đó được thấy từ được bao phủ được rực sáng lên với thân phận chàng đẹp lóng lánh cái "phong vận kỳ oan ngã tự cư." (4)
Cha tôi một nơi mẹ tôi một nơi và súng nổ
làm chúng tôi ôm nhau khóc hoài giữa cánh đồng
mà vài tấm tranh không sao che nổi
cơn gió bấc cũng như tôi lớn lên sau này
không sao che nổi buồn đau đớn trên gương mặt rầu rĩ của tôi...(5)
Vị đắng của bất hạnh, hay nói khác hơn là cuộc đời, là của "Quê hương giữa đỉnh cao và hố thẳm," đã trao cho chàng đã trang điểm cho chàng cái khuôn mặt sáng trưng của thân phận lưu đày. Nguyễn Đình Tuyến viết tiếp:" Giữa xã hội hôm nay, Hoài Khanh là hiện thân của kẻ bị lưu đày." (6)
Khuôn mặt thân phận của chàng lại rực rỡ hơn lên để đón nhận "chính từ cõi thế gian này" nơi cư trú giữa cánh đồng gió bấc mùa đông này vòng hoa tặng giữa trùng ngộ mai sau:
Có từ tinh thể gầy hao
Là cơn trùng phục mai sau vĩnh tồn.
Cơn trùng phục mai sau vĩnh tồn là cơn gì? Phải chăng đó là tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày trên chính quê hương của chàng. Một mai sau vĩnh tồn đã dụ dỗ chàng đã khuyến khích chàng sống lây lất và nhiều khi bày biện cho chàng một dạ tiệc nhân sinh cũng không ra gì chỉ là thứ dự phóng bèo bọt từ một tâm thức quá yêu thương cuộc đời này mà thôi. Ngoài ra chỉ có mỗi dạ tiệc ăn gió nghe gió là mãi mãi Hoài Khanh.
Một đời nghe gió thổi hoài.
Viết ở San Jose,
Ghi chú:
* Những câu, chữ viết nghiêng là thơ là chữ của Hoài Khanh.
Thơ ông mộng mơ. Nhưng ngôn ngữ ông dùng không mộng mị.
Chữ nghĩa rất sang trọng.
(1) Nguyễn Đình Tuyến. Những Nhà Thơ Hôm Nay
(Saigon-Đại Nam) trang 112.
(2) Lương Minh Đức. Tuyển tập Mây Thu. Saigon 1958
(3) Nguyễn Đình Tuyến. Sđd. Trang 111.
(4) Nguyễn Du. Đọc Tiểu Thanh Ký. Câu 6.
(5) Nguyễn Đình Tuyến. Sđd. Trang 111.
(6) Nguyễn Đình Tuyến. Sđd. Trang 112.
Tác phẩm của Hoài Khanh:
Đã in:
DÂNG RỪNG, thơ, 1957
THÂN PHẬN, thơ, 1962
LỤC BÁT, thơ, 1968
GIÓ BẤC TRẺ NHỎ ĐÓA HỒNG và DẾ, thơ, 1970
TRÍ NHỚ HOANG VU và KHÓI, tập truyện, 1970
HƯƠNG SẮC MONG MANH, thơ, 2005 (Thư Ấn Quán Hoa Kỳ).
Sẽ in:
PHƯƠNG TRỜI LƯU VIỄN, thơ
QUÊ HƯƠNG GIỮA ĐỈNH CAO và HỐ THẲM, thơ
Hoài Khanh, Từ Thế Mộng, Thế Viên ơi!
Người cầm bút chúng ta không ai quên được những bạn bè xưa của một thuở Sàigòn đầy không khí văn chương, chữ nghĩa. Những bạn bè đó, có kẻ đã không còn nữa, có kẻ sống ngơ ngác trong nỗi khốn cùng, tuyệt vọng. Nhớ bạn văn, từ San Diego Hải Phương gởi về bài thơ sau đây với những ghi chú đặc biệt của anh. Mời quý độc giả cùng đọc với chúng tôi.Về Phan Thiết thèm ngâm câu lục bát
Hoài Khanh, Từ Thế Mộng, Thế Viên ơi
buổi sinh thời các ngươi cùng ta chén rượu
nay xa ngươi ta không rượu cũng môi cay
một thuở, bạn ta ơi, làm thơ ngất trời ngất biển
chiếc cầu gỗ có chở theo thân phận
sóng Cà Ty cồn bãi nhánh rêu bày
Còn nhớ thuở lùa nai về chợ Đũi
Trần Sa Giang múa võ đi quyền
bài Tân Khánh bày ra thế trận
em-bán-bar bèn tặng hai két bia cao
Tạ thi sĩ bèn đọc người yêu tôi khóc
quán bên đường biết ai khóc ai đây
rừng Quế Sơn trăng khuya sầu ở lại đêm rộng rinh thương nữ áo quên cài
Bạn ta ơi, Hoài Khanh, Từ Thế Mộng, Thế Viên ơi!
Hải Phương
- Người Yêu Tôi Khóc, của Thế Viên, xuất bản giữa thập niên
60, giải Văn học Nghệ thuật của Tổng Thống. Thế Viên mới
mất ở bịnh viện Nguyễn Trãi, Sài Gòn tháng 2 năm 1993. Dạy
học ở Phan Bội Châu, Phan Thiết; Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ
Tho; Võ Tánh, Nha Trang. Cựu Đại úy ANQĐ. Tù ở Gia Trung.
- Thân Phận, thi phẩm của Hoài Khanh, xuất bản đầu năm 60.
Hiện ở Sài Gòn. Có in thơ trên Khởi Hành số tháng 5- 1997
- Từ Thế Mộng hiện dạy học ở Phan Thiết. Sắp in thơ (tin của Trịnh Cung).
- Nai, thi phẩm của Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, Bùi Giáng viết
tựa, xuất bản năm 1962.
- Tân Khánh, bộ sách võ của Trần Tuấn
Kiệt (5 cuốn), xuất bản đầu thập niên 70. Hiện đau nặng ở Sài Gòn.
- Sầu ở lại, thi phẩm của Tạ Ký, Quế Sơn (nhà in của chị Bùi
Giáng, ở đường Nguyễn Thiện Thuật Sài Gòn) xuất bản năm
1970, được giải Văn học Nghệ thuật của Tổng thống. Tạ Ký
vượt biên, mất ở trại giam Rạch Giá năm 1980.
- Thế Viên ra mắt tập Người Yêu Tôi Khóc, Sài Gòn. Hách quá!
(thông tin của Hải Phương, khi ở La Village Jolla)