văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, March 22, 2013

Phạm Tín An Ninh * Nha Trang - chuyện cũ


Xa quê nhà đã lâu. Mỗi lần đi đến một địa danh xa lạ nào đó, nhất là những dịp lái xe chạy dọc theo một bờ biển đẹp, lòng tôi lại nôn nao cái cảm giác như đang trên đường ngược về quê cũ - Nha Trang. Thành phố đã chôn giấu giùm tôi bao hang động tuổi thơ, dấu tích của những mối tình học trò một thời vụng dại, mà sau cơn sóng tháng tư năm nào bất ngờ ập xuống, ngỡ tất cả đã biến mất, có còn chăng cũng chỉ là chút sương khói mơ hồ trong lòng một người lưu lạc.
Ngày xưa, khi còn là cậu bé học trò, tôi từng nghĩ trên thế gian này có lẽ không nơi nào thơ mộng, hiền hòa và dễ thương bằng Nha Trang của tôi. Với tôi, nơi ấy còn là xứ thần tiên nữa. Bởi khi buồn, chỉ cần đạp xe dọc theo con đường Duy Tân lộng gió, nhìn biển trời mênh mông, nghe tiếng sóng rì rào, là cảm thấy lòng mình như vừa được vuốt ve, âu yếm. Ngôi trường Võ Tánh trên đường Bá Đa Lộc cũng nằm gần biển, nên cả một thời đi học, nhờ mỗi ngày được vỗ về bằng âm thanh rạt rào của biển và tình mến yêu của thầy, của bạn, mà tôi đã quên đi nỗi buồn tuổi thơ bất hạnh, ngước mặt hăm hở nhìn bầu trời xanh bao la với bao khát khao, ước vọng.
Như những thằng học trò đến tuổi biết mơ mộng khác, tôi cũng có vài mối tình ngây ngô vụng dại. Chỉ nghe mấy thằng bạn đùa nghịch gán ghép mình với cô bạn nào trong lớp, là về nhà vội vã tập tành ghép vần làm những bài thơ với lời lẽ si tình như một gã từng trải yêu đương. Sau này, mỗi lần nghe bài hát Phượng Hồng, phổ từ thơ của ông Đỗ Trung Quân nào đó, tôi lại thấy lòng lâng lâng cảm xúc, ngỡ như đang trở về tuổi 14,15, với những “bài thơ cứ còn hoài trong vở, giữa giờ chơi mang đến lại mang về”. Tôi nghĩ, có lẽ cũng như tôi, nhiều chàng học trò ngày xưa vẫn còn đang cất giữ những bài thơ đầu đời ấy trong ký ức. Bây giờ tuổi già, đem ra đọc lại chắc chắn sẽ nở nụ cười ngượng nghịu với một chút bâng khuâng man mác trong lòng.
Người ta cũng ca ngợi Nha Trang như là thành phố của tình yêu. Bởi Nha Trang không chỉ có đất trời thơ mộng mà còn sản sinh và đón nhận nâng niu bao nhiêu cô con gái đẹp từ các xứ Huế, Bắc Kỳ, trôi dạt đến đây. Đất lành chim đậu. Và có một thời, các cô nữ sinh Nha Trang đã làm khốn khổ trái tim của biêt bao SVSQ Hải Quân, Không Quân, những chàng trai say mộng hải hồ, lướt gió tung mây. Tiếc là Nha Trang đã không cho tôi mối tình lãng mạn say đắm nào để có tròn cảm xúc khi nghe ca khúc Nha Trang Ngày Về của ông nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng vài mối tình học trò ngây ngô ngày ấy cũng đã để lại trong tôi bao kỷ niệm khó quên.

Năm 1963, tôi đang học năm cuối trung học thì bao nhiêu biến cố xảy ra, dồn dập: Những cuộc xuống đường, biểu tình, bãi khóa để chống chính phủ Ngô Đình Diệm. Trước cổng trường luôn có cảnh sát và lính gác. Nhiều học sinh bị bắt. Nghe nói có vài người nhảy núi. Một số giáo sư trẻ bị động viên, rời trường vào lính. Không khí ngột ngạt, căn thẳng.
Đúng vào thời điểm này, thành phố Nha Trang xuất hiện một người đàn bà điên. Trông bà trọng tuổi, lúc nào cũng ăn mặc sạch sẽ chỉnh tề với chiếc áo dài nhung đen. Trên cổ đeo nhiều vòng vàng. Có người bảo là vàng giả, nhưng có người lại bảo vàng thật, vì gia đình bà giàu có, con cái học hành tử tế. Gần như ngày nào người ta cũng thấy bà xuất hiện ngoài phố, chấp hai tay sau lưng đi bộ dọc theo con đường Phan Bội Châu - Độc Lập, vừa đi vừa nói những điều không ai hiểu được. Đặc biệt bà luôn ghé lại và ở khá lâu trong nhà sách Nguyễn Lê và Ty Thông Tin. Ở đây có treo tấm ảnh chân dung của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Hai địa điểm này tôi thường có mặt. Lần nào cũng thấy bà đưa tay chỉ vào tấm ảnh mà chửi. Không ai biết là bà có ân oán gì với ông Diệm, vì khi chửi bà cũng không gọi tên và kể lể người trong tấm ảnh có tội tình gì. Có người biết chuyện, bảo là bà chẳng hề dính dáng gì tới chuyện chính trị hay cá nhân cụ Diệm, mà dường như bị ông chồng đào hoa phụ tình. Bà hận lắm. Thấy tấm ảnh cụ Diệm mà cứ tưởng là chồng bà. Oan và tội nghiệp cho cụ. Chắc chắn đến khi bị bọn phản tướng sát hại, cụ cũng không hề biết đã từng bị một người đàn bà chửi oan mình như thế..
Có lẽ đã chứng kiến nhiều lần, nên dần dà chẳng còn mấy ai quan tâm đến bà. Ngoại trừ tôi. Không biết mặt mũi của tôi có được cái hồng phúc giống cụ Ngô hay ông chồng đào hoa của bà ít nhiều gì không, nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy tôi, ngay cả những khi đi chung, lẫn lộn trong đám bạn bè, bà vẫn tìm đến chỉ mặt tôi mà chửi. Sau này, vừa thấy bà là tôi vội vàng bỏ chạy, nhưng bà vẫn rượt theo và cố la lớn mấy lời nguyền rủa từ phía sau lưng. Biết bà điên và nghĩ trước đây cũng là một người giàu có tử tế, nên tôi cũng thấy thương hại, tội nghiệp cho bà. Nhưng mỗi lần bị chửi bới vô cớ trước đám đông, nhất là khi có đám con gái, tôi ngượng ngùng, lại thấy sợ và oán bà. Có thể nói bà là nỗi ám ảnh của tôi lúc ấy. Đôi khi trong giấc mơ, thấy bà rượt theo mình, mặt mày hung dữ như mấy bà phù thủy trong tranh phiếm họa. Thức dậy, tôi thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng toát mồ hôi. Tôi đâm ra “hận” bà vì sau đó, tôi đành phải bỏ cái thú vào nhà sách Nguyễn Lê vờ mua sách, nhưng chỉ cốt để ngắm cô con gái mới lớn của bà chủ, có đôi mắt to với đôi mội mọng đỏ, đẹp như thiên thần và mấy cô bán sách khá xinh, cũng như không dám bước vào Ty Thông Tin đọc mấy tập Thế Giới Tự Do mà ông thầy sử địa gốc biện lý, giáo sư Nguyễn Hữu Thứ, thường ra những câu hỏi từ các đề tài trong đó, và cũng để được nghe giọng nói Bắc Kỳ rất dễ thương của bà chị quản thủ thư viện, ca sĩ Hoàng Yến (lúc ấy đang mặc áo bầu).

Sau đó, chỉ thỉnh thoảng tôi mới thấy bà, nhưng dường như cơn điên trong bà ngày một tệ hơn. Trông bà già và ốm đi nhiều lắm. Có lần chứng kiến một đám con nít đi theo trêu chọc để bà múa may la hét lung tung, tôi động lòng dừng xe lại la rầy và khuyên bảo các em không được quấy rầy bà. Thấy tôi, bà vội vàng chạy tới. Không biết lúc ấy bà có còn nhớ tôi không, và có thay đổi thái độ vì tôi vừa mới giúp bà, nhưng tôi vẫn ám ảnh những lần bị bà xỉ vã trước đây, nên vội vã đạp xe đi. Bất giác tôi nhớ đến mẹ tôi. Mẹ mất khi tôi mới ba tuổi. Tôi chưa hề biết cảm giác của một đứa con có mẹ. Nếu có một người mẹ điên như bà, để tôi lo lắng, chăm nom, biết đâu tuổi thơ của tôi sẽ hạnh phúc hơn. Ngẫm nghĩ, tôi càng thấy tội nghiệp và thương bà, ân hận vì trước đây từng nghĩ bởi vì bà mà thành phố Nha Trang đã mất đi một chút yên lành, đẹp đẽ đối với riêng tôi.


Những năm đi học, tôi ở nhà ông chú, một tiệm buôn nằm ngay ngã ba Trần Quý Cáp - Quốc Lộ 1, gần Ty Thông Tin. Ông chú tôi làm nghề thầu khoán, nên những ngày cuối tuần nhà thường có khách. Để tránh bớt không khí ồn ào và bị sai vặt, tôi thường viện cớ đến nhà thằng bạn cùng lớp học bài, nhưng thực ra là chỉ để chơi đùa và đàn địch hát ca. Điều đặc biệt quyến rũ tôi hơn là cô em gái có răng khểnh rất dễ thương của nó, học sau bọn tôi hai lớp, bên trường Nữ Trung Học.  Hai đứa -cô bé và tôi - thường đóng vai Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết, bắt chước giọng, hát mấy bài song ca cho thằng bạn tôi, anh cô bé, tập dạo đàn theo.
Nhà ở khu Rộc Rau Muống, phía dưới một con hẻm lớn từ đường Trần Quý Cáp. Ngôi nhà bề thế nằm kín đáo dưới mấy tàng cây bàng phủ bóng. Mẹ nó mất sớm, nên ba nó thường vắng nhà. Nghe nói ông sống với bà tình nhân trẻ ở đâu đó, vì không muốn đưa bà về đây để phải phiền muộn cảnh mẹ ghẻ con chồng. Ông cưng con, thuê một chị giúp việc từ trên Thành về ở đây luôn. Chị rất siêng năng, vui vẻ làm hết mọi việc trong nhà. Ngôi nhà rộng rãi trở nên thừa thải nên ba nó cho thuê nguyên cả dãy nhà sau gồm khá nhiều phòng ốc. Nhà trước và khu nhà sau được ngăn ra bằng một hàng rào song sắt. Điều đặc biệt là cái giếng nước nằm ngay giữa hàng rào, để hai nhà có thể dùng chung.
Một hôm, thằng bạn nháy mắt cho tôi biết một tin vui: Gia đình vừa mới dọn tới gồm mấy anh em mà có đến ba cô con gái, cô nào cũng xinh. Ban đầu, tôi tỏ ra thờ ơ trước cái tin với cái vẻ hí hửng đó của thằng bạn thân, để chứng tỏ ta đang “ăn cây nào rào cây nấy”. Khi ấy tôi còn ngu ngơ chưa biết cô em gái của nó đang là cánh “hoa biển” của một anh chàng SVSQ Hải Quân bô trai nào đó. Cho đến một hôm bất ngờ đụng đầu trên dốc con hẻm, khi thấy hai người ôm nhau từ giã, tôi mới hụt hẫng, biết canh bạc này chưa kịp bắt đầu mà mình đã trắng tay. May mà lúc ấy tôi chưa kịp tỏ tình và cũng chưa biết si tình, nên chưa “chết ở trong lòng một ít”, chỉ thấy ngượng ngùng bâng khuâng một chút. Không được làm người tình, tôi bèn quay sang làm anh cô bé, để lâu lâu còn được nghe nũng nịu và nhất là được vỗ về chút tự ái của người thua cuộc.
Sau khi “con tim đã vui trở lại”, tôi bắt đầu (và ra mặt) nhòm ngó khu nhà phía sau. Cái giếng mà trước đây gần như thứ bảy và chủ nhật nào, sau khi tắm biển về, tôi và thằng bạn đều ra tắm lại, thích thú đùa nghịch, đổ cho nhau những gầu nước trên đầu, bây giờ ngại người ta nhìn thấy hai “bộ xương cách trí”, nên đành tắm vội trong phòng tắm. Nhưng cái giếng ấy lại trở nên vô cùng quan trọng đối với bọn tôi. Là chỗ có thể nhìn thấy “mục tiêu” rõ ràng nhất, khi các cô nàng ra xách nước, giặt áo quần trên thềm giếng. Cô em thằng bạn, sợ bọn tôi phá đám mối tình đầu, nên bây giờ trở thành bà mai, con chim xanh đắc lực của hai ông anh. Bọn tôi dần dà biết được tên, tuổi, trường lớp của ba cô nàng. Đặc biệt hơn là hoa nào đang có chủ và hoa nào đang trong tình trạng đợi chờ. Cô chị thường đi vắng vào ngày cuối tuần bởi tình yêu đang thời kỳ mặn nồng, ở nhà thường chỉ còn lại hai cô em. Hai thằng tôi bò qua thành giếng sang nhà hàng xóm. Thằng bạn thì mang theo cây guitar đàn cho cô chị hát, còn tôi thì vờ hỏi cô em chuyện học hành, dịch hộ những bài Pháp văn, giải nghĩa vài điển tích trong Cung Oán Ngâm Khúc, lâu lâu tặng một bài thơ tình con cóc. Dần dà tôi lọt mắt xanh cô em út Quỳnh Chi(*), học đệ ngũ bên trường Nữ, rất hiền lành dễ thương. Cũng chỉ là tình yêu học trò, ngây thơ trong sáng. Thỉnh thoảng để giúp vui, tôi đem chuyên bị bà điên rượt kể cho hai chị em nghe. Có khi tôi còn nhại tướng đi và giọng hét của bà. Hai cô nhìn nhau sợ sệt.
Cuối năm đệ nhất, khi chuẩn bị kỳ thi Tú Tài 2 thì tôi bất ngờ lâm bệnh. Một buổi sáng chủ nhật, thức dậy, thấy người hơi sốt, khó chịu. Tưởng chỉ cảm cúm, uống vài viên thuốc aspirin là khỏi. Không ngờ đến trưa cơn sốt lên cao, người nóng như lửa đốt, đến nỗi không thể cử động, nói năng gì được. Ông chú vội vàng chở tôi đến bác sĩ. Bác sĩ trực hôm ấy là bà Chung Thị Luông, có phòng mạch ở đường Công Quán, gần rạp ciné Minh Châu. Nghe nói bà chích cho hai mũi thuốc thì tôi tỉnh lại. Tôi nhớ lúc vừa mở mắt ra, đang còn mơ màng, tôi đã thấy bà bác sĩ đẹp quá chừng. Biết danh bà từ lâu nhưng đó là lần đầu tiên tôi mới trông thấy bà. Và dường như sắc đẹp của bà bác sĩ đã giúp cho những thằng bệnh nhân trẻ con mới lớn như tôi mau tỉnh táo hơn là thuốc. Sau đó bà đề nghị chú tôi nên đưa tôi đến bệnh viện tư của bác sĩ Thạch nằm trên đường Trần Quý Cáp để điều trị. Tôi đã nằm ở đây hơn một tháng và đành phải bỏ thi kỳ ấy.
Một hôm, Quỳnh Chi đến thăm khi tôi đang lên cơn sốt, nằm mê man. Không biết cô bé đến từ lúc nào. Tỉnh dậy tôi thấy cô đã ngồi bên cạnh. Sau khi phụ cô ý tá dìu tôi ngồi dậy, cho uống một ly nước cam vắt, cô bé nắm lấy tay tôi, nhìn thật lâu vào mắt tôi, rồi buồn bã nói nhỏ lời từ giã. Tôi mệt quá chưa kịp nói lời gì thì nàng đã bước ra cửa. Tôi cố gắng đưa bàn tay lên vẫy, nhưng không thấy nàng quay nhìn lại. Chỉ còn nghe tiếng chân bước vội xuống những bậc tam cấp.
Và đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp Quỳnh Chi..
Sau khi lành bệnh, tôi đến thăm anh em thằng bạn dưới Rộc Rau Muống. Vừa mở cửa, cô em  buồn bã cho biết là mấy chị em Quỳnh Chi đã dọn đi nơi khác, vì có bà mẹ điên, trên cổ mang đầy vòng vàng, không biết vì sao tìm được nơi mấy cô con gái ở, đến la hét, khóc than cả một buổi. Và đây cũng không phải là lần đầu các cô dọn nhà với lý do như thế!
Tôi giật mình, nhớ lại bà cụ điên thường rượt theo tôi ở nhà sách Nguyễn Lê và Ty Thông Tin. Bất ngờ và xúc động, nước mắt tôi trào ra. Tội nghiệp cho bà và cho cả mấy cô con gái xinh xắn, thùy mị và học hành chăm chỉ của bà, trong đó có cô con gái út Quỳnh Chi. Tôi cảm thấy ngượng ngùng như vừa phạm tội, vì đã mấy lần thản nhiên kể chuyện không mấy đẹp về bà trước chị em Quỳnh Chi. Và cũng có thể, vì mấy lần rượt đuổi theo tôi, mà bà đã khám phá ra căn nhà trọ của mấy cô con gái ở cuối con hẻm khá kín đáo này.
Sau đó, tôi vào Sài gòn học tiếp vài năm thì đi lính. Cuộc chiến ngày một khốc liệt, kéo tôi theo như cơn lốc xoáy. Thời gian trong lính, mỗi năm tôi chỉ về thăm Nha Trang một đôi lần bất chợt. Đầu tháng 4/75 Nha Trang đổi chủ sau cơn hồng thủy. Gia đình tan tác. Cha tôi và tôi vào tù. Chỉ một năm sau cha tôi chết, còn tôi thì bị lưu đày hơn tám năm từ nam ra bắc. Ngày trở về, Nha Trang nghèo nàn xơ xác và buồn thảm như còn phủ màu tang. Đi trên con đường Phan Bội Châu - Độc Lâp cũ , giờ đã đổi tên, bỗng dưng tôi nhớ tới người đàn bà điên ngày trước. Tôi tưởng tượng đang có rất nhiều người đàn bà điên khác, mất chồng, mất cha, mất con, mất nhà cửa sau cuộc đổi đời oan khiên bi thảm. Họ đã bị đuổi ra khỏi thành phố này hay gia đình không dám để họ chạy ra ngoài vì sợ phải rước thêm phiền lụy. Bất giác tôi rùng mình có cảm giác mọi thứ trở thành xa lạ. Thành phố này không còn là Nha Trang của tôi ngày trước nữa. Mấy tháng sau, tôi cùng vợ con xuống biển ra đi, lẵng lặng giã từ Nha Trang giữa một đêm mưa tầm tã . Dường như ông trời cũng đang sụt sùi trước cuôc chia ly.
Sau này, và cho mãi đến bây giờ, tôi không có cơ hội nào gặp lại bà cụ điên và mấy chị em Quỳnh Chi. Bà cụ thì chắc đã qua đời từ lâu rồi, còn mấy chị em Quỳnh Chi không biết trôi dạt về đâu, sau bao nhiêu thăng trầm dâu bể. Cầu mong cho tất cả đều may mắn vượt qua dông bão để có cuộc sống an bình. Riêng Quỳnh Chi, một cô gái xinh xắn, thùy mị, hiền lành, xứng đáng để có một gia đình hạnh phúc. Xin nguyện cầu bà cụ được an nghĩ nơi cõi thiên đường thênh thang nào đó, chẳng còn gì để phải bận lòng ở chốn trần thế đảo điên. Và xin tất cả, hãy cho tôi được nói một lời xin lỗi- dù rất muộn màng.
Hai anh em thằng bạn thân thiết của tôi cũng không còn ở trong ngôi nhà dưới Rộc Rau Muống. Thằng bạn vào lính sau tôi một năm và đã chết ở trận Pleime, chỉ sau bốn tháng rời khỏi quân trường Thủ Đức. Cô em gái xinh đẹp của nó, sau này không lấy chàng SVSQ Hải quân ngày xưa, mà làm vợ một đồng nghiệp. Giáng Sinh năm 70, nhân theo đơn vị tham dự một chuyến hành quân bất ngờ, giữ an ninh cho một khóa Võ Bị làm lễ ra trường, tôi có dịp gặp hai vợ chồng. Cả hai đều dạy học tại Đà Lạt, đẹp đẽ hiền lành, sống rất hạnh phúc. Sau 75, vì anh chồng gốc sĩ quan biệt phái, nên cả hai đều không được “lưu dung”, phải về tá túc nhà cha mẹ chồng ở Sài gòn, buôn bán chợ trời kiếm sống. Năm 81, vợ chồng và hai đứa con mất tích trên đường vượt biển từ Rạch Giá. Tôi rất đau đớn khi biết tin này, lúc vừa mới ra tù. Nhiều lúc tôi trách ông trời, sao nỡ bất công với những con người quá hiền hậu dễ thương.
Nha Trang đã cho tôi nhiều niềm vui nhưng cũng đã để lại trong tôi bao nỗi buồn, những vết đau như vậy đó. Không biết Nha Trang bây giờ có còn đẹp và thơ mộng như ngày xưa? Vừa rồi tôi có đọc ở đâu đó, người ta xếp Nha Trang là một trong mười thành phố du lịch tồi tệ nhất thế giới. Tôi đau lòng lắm. Nhưng cho dù có đẹp đẽ, lộng lẫy hay “hoành tráng” đến đâu đi nữa, Nha Trang cũng chỉ còn trong tôi như cổ tích, một nơi chốn thần tiên cho tôi cùng đám bạn bè thơ dại, những thằng học trò của một thời quá đỗi dễ thương mà giờ đây phần đông đã chết trong chiến tranh, tù ngục, vài thằng sống sót thì cũng tản mác khắp muôn phương.

Phạm Tín An Ninh