Ngày Hạ.
Buồn hiu. Buồn thật buồn
Sáng, mờ
sương khói; trưa mù sương
Một ngày
chờ đợi mưa mai mốt
(Trần Vấn Lệ)
Ô hay, mới đó
mà đã Hạ rồi sao? Mới Tết kia mà. Hèn chi mà ở đây
hổm rày nóng quá. “Cái nóng nung người nóng nóng ghê”
(Nguyễn Khuyến). Thỉnh thoảng có một cơn mưa giông bất
chợt, sầm sập rồi im re. Hơi đất bốc lên ngộp thở!
Thời tiết quá khó chịu. Trái đất nóng lên, con người
nóng lên. Hình như họ chỉ chờ diệt nhau bằng bom
nguyên tử, khắp nơi chạy đua vũ trang rần rần!
Thôi kệ họ.
Bạn nhớ Tình Sầu của Huyền Kiều không? Huyền Kiêu
“Tương biệt dạ” đó: Người xưa lưu luyến ra sao
nhỉ? Có giống như mình lưu luyến chăng?, nhớ không?
Xuân hồng
có chàng tới hỏi:
Em thơ, chị
đẹp em đâu?
Chị tôi hoa
thắm cài đầu,
Đi đuổi
bướm vàng ngoài nội.
Hạ đỏ có
chàng tới hỏi:
Em thơ, chị
đẹp em đâu?
Chị tôi
khăn trắng quàng đầu
Đi giặt tơ
vàng bên suối.
Thu biếc có
chàng đến hỏi:
Em thơ, chị
đẹp em đâu?
Chị tôi tóc
xõa ngang đầu
Đi hát tình
sầu trong núi.
Đông xám có
chàng tới hỏi:
Em thơ, chị
đẹp em đâu?
Chị tôi hoa
phủ đầy đầu
Đã ngủ
trong lòng mộ tối.
Huyền Kiêu
(1938)
Vậy đó. Xuân
hồng, hạ đỏ, thu biếc, đông xám! Mới đó. “Không
hẹn mà đến/ không chờ mà đi/ bốn mùa thay lá thay hoa
thay mãi đời ta… “ (TCS).
Thế nhưng, bốn
mùa mặc kệ bốn mùa, câu hỏi của chàng vẫn là: “Em
thơ, chị đẹp em đâu?”. Bởi chỉ có cái đẹp là
vĩnh cửu. Cho nên “Một nhớ chi thì cũng thấy thương”
phải không?
* Mình mới ghé
Thủ Đức thăm nhà thơ Trần Thiện Hiệp, niên trưởng
bọn mình ở Phan Bội Châu hồi đó nhớ không? Anh nay đã
79 tuổi. Làm thơ tình mướt rượt!
Đời thơ
trăm mối
vụng về
Thực hư
quyện lẫn tỉnh mê hồng trần
Từ khi
nguyệt hạ
phong vân
Yêu em ta rõ
căn phần tiền thân
(như cánh phù vân)
Anh lùn thấp
mà chắc nịch, bắt tay thật chặt như muốn thử công
lực mình. Rồi mời đi xem khắp căn nhà xinh xắn của
anh, có cả một phòng rộng đủ cho vài chục bạn bè
thỉnh thoảng tụ tập uống rượu, ngâm thơ, ca hát...
Sân thượng là một hoa viên khá đẹp để bà xã anh,
chị Lệ Hiền, hằng ngày chăm sóc tưới bón.
Anh chị về
Thủ Đức sống đã hơn mười năm. Thong dong. Tự tại.
Anh đã ra hằng chục tập thơ… Anh sờ sờ cái đầu
hói trọc, nhớ cô con gái Út: hồi bên đó nó hay nhổ
tóc cho tôi (À, cho nên bây giờ mới sói sọi vậy đó!).
Anh khoe họa sĩ
Mặc Trí- con nhà văn Mặc Đỗ - đặc biệt “mê” vẽ
chân dung anh. Có gì đâu! Cứ vẽ một cái đầu sói sọi,
một chùm tóc lòng thòng sau gáy, bộ râu clark gable, cặp
kiếng bự và cái ống pipe…là ra ngay Trần Thiện Hiệp
thôi! Rồi cùng mà cười.
* Một cú nhắn
tin từ Nguyễn Như Mây ở Phan Thiết nói nhà thơ Nguyễn
Bắc Sơn bệnh nặng, bệnh tim, nằm một chỗ, buồn lắm,
có về PT thì nhớ ghé thăm. Mình phone ngay cho Nguyễn
Bắc Sơn. NBS giọng khào khào trả lời rằng bị suy tim
độ 3, hết thuốc chữa rồi, chỉ nằm một chỗ, buồn
hiu… Hỏi, ai nói suy tim độ 3? có đáng tin không? sao
không vào viện Tim?… Độ 4… vẫn phải chữa chứ! -
Ủa, còn độ 4 nữa hả? Vậy là chưa sao hả? Anh có vẻ
mừng rỡ. Tôi hỏi thêm: Có sưng chân không? Có khó thở
không? Có phải nằm đầu cao không?... Ăn uống thế nào?
Còn… lai rai nữa không? NBS có hai câu thơ nổi tiếng
trong giới bạn bè: Con rùa thì có cái mu/ Đời anh thì
có… lu bù vỏ chai! kia mà! Cười. Anh Ngọc nói
chuyện với nhà tôi chút ngheng. Mình dặn chị cho ăn
uống đủ calo, đừng quá cữ kiêng, chỉ giảm mặn,
đừng để suy kiệt, cho ra nắng chơi... Chị “méc”
ảnh hay “hờn mát” lắm! - Ừ, cái đó gọi là “nhõng
nhẽo”. Thi sĩ thì nó vậy!... Thỉnh thoảng tôi sẽ gọi
thăm.
* Bạn nhớ
Hoàng Quốc Bảo không? Nhạc sĩ nổi tiếng với tập
Tịnh Tâm Khúc đó? Mấy năm nay anh đã xuống tóc, xuất
gia, thành tỳ kheo Không Hư. HQB có nhiều bài hát rất
hay từ xưa. Bài Hồ Như (1976) qua tiếng hát Khánh Ly, Vũ
Khanh chẳng hạn:
Đôi lúc ta
buồn hơn bến sông
Đời trôi
qua như tiếng muôn trùng
Đôi lúc ta
buồn hơn cỏ dại
Cuộc tình
xưa khua thức khi mai…
Hoàng Quốc
Bảo, Lữ Kiều, Đỗ Nghê kéo vào một quán café xưa ở
đường Cao Thắng. HQB về Đalat mấy hôm, “meo” nói
bài Mũi Né phổ thơ Đỗ Nghê lâu rồi. Hay lắm. “Những
ngày gần Tết, hát Mũi Né thấm lắm. Nhạc ‘Sến
già nữ’. Cứ chờ xem!”
Chắc kỳ này
về HQB sẽ nhờ… một ca sĩ nào đó hát thử.
Bạn có hứng
thì cứ ôm đàn dạo chút coi sao nhe!
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc