văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, March 12, 2013

Viên Linh * Tuyển tập 90 năm thơ Việt?

Một số bìa sách tuyển tập thơ Việt Nam. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Khi nói tới 90 năm thơ Việt Nam, sẽ có câu hỏi tại sao lại có thời kỳ ấy, xin thưa đó là thời kỳ khởi sự từ khi nhà thơ Tản Ðà cho in bài thơ lục bát Thề Non Nước trong cuốn truyện mang cùng nhan đề, năm 1922.*


Ðó là bài thơ lúc nào cũng mới, theo ý kiến của người viết bài này, bài thơ chưa bao giờ cũ, dù hiện diện đã xấp xỉ một thế kỷ. Từ đó tới nay, thi ca Việt Nam từ thời kỳ lệ thuộc Pháp, tới 1945 khi vua Bảo Ðại ra tuyên cáo Việt Nam độc lập - vừa lúc Nhật hất Pháp ra khỏi chính quyền - xảy ra cuộc kháng chiến 9 năm, rồi đất nước chia đôi 20 năm, và hàng triệu người Việt trong truyền thống quốc gia ấy, di tản ra nước ngoài và sinh sống ở hải ngoại từ 1975 đến nay, gần 40 năm nữa, dòng thơ Việt về Non Nước Việt vẫn tiếp tục. Vào những ngày đầu năm mới Quí Tỵ, Tháng Hai 2013, một dự án Tuyển Tập Thơ Việt đang được bàn thảo, dự trù sẽ hoàn tất trong vòng hai năm. Như thế ta sẽ có những bài thơ chọn lọc của 90 năm thơ Việt trong một bộ sách lớn. Cũng sẽ có câu hỏi: Từ xưa tới nay đã có ai làm được một tuyển tập thơ Việt Nam bao gồm một thời kỳ dài như thế chưa? Hay đó chỉ là mơ mộng?
Hãy kiểm điểm, chúng ta sẽ có câu trả lời.
Sách viết về thơ có khá nhiều, song vừa trích vừa phê bình, lại là thứ phê bình phán xét mà người phán xét không đề ra một phương pháp nào, không xuất thân từ một ngành văn chương ngôn ngữ nào, lại cũng không là thi sĩ không làm thơ, lại mang thi pháp, chữ nghĩa ra khen chê các thi sĩ, như kiểu Vũ Ngọc Phan ca ngợi Nguyễn Giang (tác giả câu thơ “Ðường không tịch mịch cỏ hoa rêu”), hay Hoài Thanh-Hoài Chân qua Thi Nhân Việt Nam, loại bỏ Ðinh Hùng để ca ngợi những Mộng Huyền, Lưu Kỳ Linh, (mươi mười năm sau ai biết đến những Giang, Huyền, Linh - chứng tỏ sự chọn lựa đã sai lầm, đương nhiên nó không tồn tại nổi với thời gian). Rồi ở trong nước trước kia cũng như bây giờ, có những cuốn tuyển tập thơ mà soạn giả không có chút quá khứ nào đáng kể về thơ, chưa từng làm được một bài thơ khiến cho độc giả nhớ đến, mà viết sách phê bình thơ, soạn sưu tập thơ, những trường hợp đó có thể là có một số giá trị về tìm tòi, phát giác riêng lẻ. Một tuyển tập do đó không nên theo chủ đề, chỉ nhằm mục đích sưu tập những bài thơ điển hình của các thi sĩ, cố gắng qui tụ càng nhiều tên tuổi càng nhiều khuynh hướng càng tốt, đặng đời sau có một kho tàng thi ca phong phú, người thưởng ngoạn nhìn vào, đọc đến, có thể hình dung ra thời đại tác giả, đó là điều thật đáng mơ ước.
Kiểm điểm chung các sách bàn về thơ trong quá khứ, ta thấy như sau:
-Nhà Văn Hiện Ðại, Vũ Ngọc Phan, quyển nhì về thơ viết về 4 người, quyển ba viết về 10 người. Biên soạn khoảng 1941, xuất bản 1942.
-Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh-Hoài Chân, 1942. Viết về 26 người.
-Thi Nhân Việt Nam Hiện Ðại, Phạm Thanh, Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1959. Viết về 58 người.
-Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, cuốn 3, “Thơ và các nhà làm thơ sau 1932,”
phân tích kỹ thuật Thơ Mới, Phạm Thế Ngũ, Sài Gòn, 1965.
-Kim Văn Tân Tuyển, Phạm Thế Ngũ, Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1966. Phần thơ có 20 người trước và sau 1932.
-Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng, Sống Mới, Sài Gòn, 1967, hơn 30 người.
-Những Hàng Châu Ngọc trong Thi Ca Hiện Ðại (1933-1965), Huy Trâm, Sáng XB, Sài Gòn, 1969. In nguyên văn thơ của hàng chục thi sĩ, trích dẫn tới trăm người.
-Những Nhà Thơ Hôm Nay, Nguyễn Ðình Tuyến, Sài Gòn, 1967, viết về 36 người. Cuốn này có ghi chú là “Tự Ðiển Tuyển Hợp,” thi sĩ có thơ được chọn được in lần lượt từ trang đầu sách tới trang cuối sách theo thứ tự chữ cái ABC.
-Văn Học Miền Nam, thơ, Võ Phiến, Văn Nghệ xuất bản, Calif., 1999. Có 32 người.
Có thể còn một vài công trình nữa, song không có một tổng tập vĩ đại nào - trừ một cuốn, cuốn duy nhất - dầy tới 1156 trang, đó là Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại (1880-1965), tác giả Trần Tuấn Kiệt, do Khai Trí xuất bản năm 1967 ở Sài Gòn.
Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại (1880-1965), như nhan đề và niên đại, bao gồm thơ Việt xuất hiện trong thời gian 85 năm, cuốn sách dầy nhất và tuyển chọn nhiều thơ nhất, của một số lượng thi nhân nhiều nhất. Sách có bìa cứng, khổ lớn, mỗi thi sĩ có thơ tuyển chọn đều được tác giả, nhà thơ Trần Tuấn Kiệt, viết phẩm bình trong khoảng một trang. Theo sự hiểu biết của tôi, trong các sách vừa kể, tác giả là những nhà giáo, nhà phê bình, người thưởng ngoạn, chỉ có hai nhà soạn sách là thi sĩ chân chính, đó là Huy Trâm và Trần Tuấn Kiệt. Thi sĩ họ Trần người Sa Ðéc, sinh năm 1939, như thế khi cuốn sách ra đời, 1967, anh mới 28 tuổi. Chắc chắn anh là soạn giả tổng tập thi ca Việt Nam trẻ tuổi nhất. Tổng tập thi ca của anh đã được soạn trong quan điểm nào? Xin trích dẫn vài đoạn trong bài Tựa của Trần Tuấn Kiệt, viết trong năm 1967, tương tự như suy nghĩ của chúng tôi bây giờ, và mong rằng các thi sĩ Việt Nam khi đọc những dòng này, sẽ liên lạc và cho chúng tôi ý kiến về một cuốn “Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại” mới và sắp thực hiện:
“Sách Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại” in ra để bù đắp vào sự thiếu thốn một quyển sách về Thơ ngày nay. Việc làm của chúng tôi trước nhất như thế, sau nữa chúng tôi nhận thấy, gần một trăm năm thi ca, trải qua nhiều thời kỳ, tiếng Thơ Việt có nhiều sự xoay chiều đổi hướng, trên địa hạt tư tưởng và nghệ thuật. [...]Trong quyển này chúng tôi đứng về phía người thưởng ngoạn khi sưu tầm thơ. Khi cảm thông được với nguồn rung cảm chân thành và đặc biệt, từ người từng nổi danh trên thi đàn hay người mới xuất hiện hôm nay, hoặc chúng tôi nhận thấy bóng dáng họ sẽ rực rỡ ở ngày mai, chúng tôi đều ghi tiếng thơ họ vào sách này. Nhưng điều mà chúng tôi đặt trên sự làm việc này, là tuyển chọn thật đầy đủ [các thi sĩ] gần một trăm năm thi ca, gần một thế kỷ gian lao đã qua trên bước đường Thơ Việt, một thứ ngôn ngữ thơ làm nền tảng cho Lịch Sử Việt bền vững. Sức sống mãnh liệt bốc lên trong từng lời thơ, những suy niệm, những chân trời mộng tưởng mà người thơ đã thực hiện được cho Nền Văn Học Việt Nam.”
Quí bạn đọc hưởng ứng hay muốn có thêm tin tức, liên lạc với tác giả.

Viên Linh

* Bài thơ Thề Non Nước trong truyện ngắn cùng tên, in trong Tản Ðà Tùng Văn, tr. 47, theo Vũ Ngọc Phan là đoạn Vân Anh làm thơ vịnh tranh sơn thủy. (Nhà Văn Hiện Ðại, quyển nhì, NXB Vĩnh Thịnh, Hà Nội, 1951, trang 198).