văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, March 22, 2013

Viên Linh * Thanh Tâm Tuyền và 'Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay'


Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền sinh năm 1936, khi mới 23 tuổi đã nổi tiếng về một bài tham luận giá trị, đó là bài “Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay,” đăng trên tạp chí Sáng Tạo số 31, ra vào tháng 9.1959 tại Sài gòn. 
 
Với nhà thơ này, người tôi đã gặp hàng ngày trong nhiều năm, vì cùng làm trong một tờ báo, là nhật báo Tiền Tuyến của Cục Tâm Lý Chiến, cho tới khi ông qua đời đột ngột vào tháng 3.2006, tôi nhận ra rằng ở nơi ông, nhiều chuyện xảy ra rất sớm: đậu tú tài nhất năm 16 tuổi ở Hà Nội, vào Sài gòn sớm nhất để làm việc trong Tổng Ủy Di Cư  để sửa soạn việc đón tiếp những người di cư bắt đầu sau tháng 7.1954,  xuất bản tập thơ tự do “Tôi Không Còn Cô Độc” sớm nhất năm 1955, (lúc 19 tuổi) và chết sớm nhất trong số các nhà thơ tự do trong bộ Biên Tập Sáng Tạo, tháng 3.2006, khi mới 70 tuổi.
 
Chưa kể đến sáng tác, văn phong lý luận của T3 (ký hiệu của Thanh Tâm Tuyền) lúc nào cũng đầy tính xung đột. Trong các cuộc “thảo luận bàn tròn” của Sáng Tạo, giọng điệu của ông gây gổ, có thể xảy ra bạo động, song may mắn là anh em có mặt không ai nổi giận đến mức phải thanh toán vấn đề một cách khác hơn là ngôn ngữ. Khi thương nhớ ai thao-thiết, người ta muốn gọi thầm tên người yêu dấu, ông nhớ chính ông và viết ra giấy: “Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ: Thanh Tâm Tuyền.”  Trong bài “Nỗi Buồn,” ông viết về một “sự thực đơn giản” - “Mọi người đều biết cái sự thực đơn giản này: người ta có thể viết những bài có vần điệu nhưng người ta không hề biết làm thơ.”  Nói như thế, làm cho nhiều người vốn đương nhiên nghĩ họ là thi sĩ vì đã có ít ra một tập thơ xuất bản, nay bị định nghĩa khác đi, một định nghĩa làm triệt tiêu danh hiệu thi sĩ của họ, hẳn là mất vui. Không ai ngạc nhiên khi tờ tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong thời đó (1955, 56 trở đi) gọi Thơ Tự Do là thơ hũ nút, và dùng nhiều giọng điệu đả kích nhóm Sáng Tạo, và tác giả “Tôi Không Còn Cô Độc.” Thực ra, đoạn văn mở đầu trong bài “Nỗi Buồn Trong Thơ” có phần xác đáng của nó, nếu đừng bận tâm về cách mệnh danh và phê phán người khác của Thanh Tâm Tuyền là “nghèo nàn, giả tạo, nông cạn, tầm thường.” 

Ông viết:

1.“Thơ luật nhịp điệu được qui định rõ ràng bằng sự phối hợp các thanh bằng trắc trong tám câu”
2. “Thơ mới có biến hóa hơn nhưng rút gọn lại trong phạm vi bốn câu một”
3. “Nếu làm thơ tám chữ hay lục bát thì chu kỳ âm điệu chỉ còn là hai câu thôi.”

Ba câu 1,2,3 trên đây là do người viết bài này ngắt ra, thực tế đó chỉ là một câu của Thanh Tâm Tuyền. Với từng ấy chữ, ông tóm gọn và muốn xác định bản chất âm thanh của rất nhiều thể thơ đã và đang thịnh hành trên Thi Đàn Việt Nam cho tới lúc đó (1959) cả một thế kỷ, nếu không nói là hàng trăm năm, bởi vì thơ luật (các loại thơ luật, ngũ ngôn, thất ngôn, Đường luật (Từ Tản Đà ngược quá khứ tới Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Lê Thánh Tôn, v.v...) các thể thơ mới (Tiền Chiến, mọi loại, qua thơ của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, v.v...) và  những nhà thơ nổi danh nhờ tám chữ và lục bát (Thế Lữ, Phạm Huy Thông, Huy Cận, Nguyễn Bính). Viết như thế, tuy có đúng, song quá đơn giản, kiểu xếp loại để giải quyết cả bó. Nhưng khi đọc xa hơn, sâu hơn, người ta sẽ hiểu T3 hơn, anh nói đến nhịp điệu “nghịch thanh,” “nhịp điệu hình ảnh,” và “nhịp điệu của ý thức.” Điều này hoàn toàn đúng. Thơ không phải chỉ cần nhịp điệu âm thanh bằng trắc, thơ cần mọi thứ nhịp điệu. Nhiều bài thơ là ý thức biểu diễn bằng thi ca. Và tác giả Tôi Không Còn Cô Độc đi đến kết luận rằng sự khác biệt của Thơ Hôm Nay (tức thơ tự do) với thơ mới (thơ tiền chiến) không chỉ là sự khác biệt của hình thức, mà là sự khác biệt từ “căn bản nghệ thuật.” Điều này không sai, bởi vì dù anh có làm thơ theo thể thơ gì đi nữa, ý thức nghệ thuật nơi anh sẽ xác định người thi sĩ của anh.

Trong những tờ báo do tôi điều hành về mặt bài vở, ba nhà văn Thanh Tâm Tuyền , Mai Thảo và Võ Phiến đều có mục thường xuyên, dù đó là báo tuần (Khởi Hành, 1969-1973) hay Thời Tập (hàng tháng, rồi bán nguyệt san, 1973-1975). Mỗi nhà văn này có một lớp độc giả riêng, độc giả của Thanh Tâm Tuyền thường không phải là độc giả của Võ Phiến, và chỉ thích thêm được vài người lân cận như Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ chẳng hạn. Trong bản sắc tự tại, Thanh Tâm Tuyền khác biệt hẳn mọi người ở sự quyết liệt, gần Vũ Khắc Khoan hơn cả. Anh cũng gần Nguyễn Sỹ Tế, một nhà văn, nhà lý luận văn triết tích cực, và Nguyễn Sỹ Tế đứng trong ban chủ trương Sáng Tạo từ ngày đầu, mà ít người lưu ý. Nguyễn Sỹ Tế thường được anh em Sáng Tạo mời nói lời khai mạc, lời mở đầu, trong các cuộc thảo luận văn học của nhóm.  Thanh Tâm Tuyền viết như hành động, mạnh mẽ quyết liệt, nét bút bic của anh thường làm rách tờ giấy, một khi muốn xóa bỏ chữ gì, anh gạch cả chục lần ngang dọc kín mít, không ai còn đọc được cái chữ bị xóa là chữ gì. Trên trang bản thảo của T3, những chỗ bị xóa nằm nổi bật như một đàn sâu róm đang bò ra khỏi tờ giấy nhăn nheo từng chỗ, cong khỏi mặt phẳng. Viết, đối với anh, là một hành động sinh tử. Anh cũng không nể nang cả bạn hữu, một khi phải nói. Lúc tôi chủ trương tạp chí Thời Tập, mời anh giữ một mục nhất định, anh từ chối nhiều lần, mặc dù hai năm trước đó, anh viết truyện dài từng kỳ cho tờ Khởi Hành một cách vui vẻ. Anh chỉ đổi ý khi tôi nói, tôi sẽ trả nhuận bút cho anh 500 đồng một trang pelure viết tay. Viết tay? 500 đồng một trang? Tôi xác nhận nhưng nói thêm: 500 đồng một trang viết tay nhưng anh dành cho tôi xuất bản thành sách lần đầu, khi xuất bản đương nhiên anh sẽ hưởng 10% trên giá bán cuốn sách. Từ đó, tờ Thời Tập có mục Âm Bản. Lời đề tặng ở dưới đề mục làm kinh ngạc nhiều người; anh tặng người bạn thân của anh: “Tặng Mai Thảo, óng ánh hư ngụy.”

Tôi không ngạc nhiên vì hiểu được sự việc và con người xung quanh vào thời gian ấy. Đó là những con người văn học, ráo rốt và sau cùng. “Cái còn lại chính là văn chương” như họ từng nói. Những người ấy, của một lớp và chung một chiếu, một tầng, họ không xét đoán đạo đức lẫn nhau. Người văn nghệ không có tư cách gì để xét đoán nhân cách của người khác, mà chỉ đối đãi nhau qua văn chương; nói đến nhân cách trong văn chương là phi văn chương. Óng ánh hư ngụy ở đây là chỉ nói đến văn chương mà thôi. Và khi phê phán văn chương, dù sát phạt đến đâu, không hại gì đến tình bằng hữu văn nghệ, nếu là người cùng một chiếu như giữa Mai Thảo với Thanh Tâm Tuyền.

Để nhớ Thanh Tâm Tuyền vào ngày giỗ thứ 7 của anh, mời bạn đọc thưởng thức một bài thơ có vần, “chu kỳ âm điệu chỉ còn là hai câu thôi,” như chính tác giả viết, một bài lục bát hiếm hoi của vua thơ tự do: Thanh Tâm Tuyền.
xuân ca
Trót nghe nửa tiếng cười đùa
Xóm hoa mưa đổ hương xưa nghẹn ngào
Thuở buồn ai đẹp phương nao
Cúi đầu trinh khóc xôn xao trêu người
Yêu nhau không dám ngó trời
Trời xanh mây trắng xuân đời bỏ hoang
Hoa mai nở đón mắt nàng
Mà môi trống lạnh muôn vàn cách xa
Hôm nay muốn gió thành hoa
Muốn mây thành tóc lòng ta rũ cười
Bao giờ trọn vẹn cuộc đời
Ta ôm mây trắng cho trời mãi xanh.
(Trích trong sách Những Hàng Châu Ngọc của Huy Trâm, 1967)
Viết vào ngày giỗ thứ bảy của cây bút cơ hữu Tiền Tuyến. 

 
Viên Linh