Lắng tai nghe động tĩnh từ phòng ngủ có cánh cửa hơi he hé, Kamilla xếp vội bộ áo mưa vô ba lô đi vườn trẻ của em trai mới bốn tuổi, Jørgen. May mà tối hôm qua xem dự báo thời tiết trên TV, thấy sẽ có thể mưa ngày mai nên Kamilla vội xếp gọn gàng, đặt bộ áo mưa ngay lối vào cho dễ nhớ để sáng nay thấy mà đem đi. Kamilla biết, nếu trong ba lô của Jørgen không có bộ áo mưa hôm nay là mấy cô giáo vườn trẻ sẽ bực mình, sẽ lo lắng, sẽ hỏi tới hỏi lui, và sẽ hỏi về mẹ.
Thở dài, nghiêng người nhìn vào phòng khách, Kamilla gọi nhỏ:
– Đi, Jørgen.
Cậu bé đang ngồi xem chương trình truyền hình thiếu nhi buổi sáng, ngồi xếp bằng, cách TV không quá một mét. Say mê, Jørgen không quay đầu nhìn chị, không trả lời mặc dù em nghe tiếng chị thúc đi, tiếng thúc đi quen thuộc mỗi sáng.
– Đi lẹ Jørgen. Chị trễ học.
Im lặng
– Lẹ đi Jørgen!
– Chút xíu nữa.
– Không chút xíu gì hết, lẹ, ra chị mang giày cho.
Im lặng.
Nhón từng bước chân, Kamilla đi nhanh vô phòng khách, vói lấy cái TV-remode nằm trên sô pha, bấm nút of. Ngón tay trỏ để lên đôi môi hồng bóng hơi chu chu, ra dấu im lặng, Kamilla kéo tay em, giúp em đứng dậy. Đã quen cảnh này, mắt liếc nhìn về phía cánh cửa phòng ngủ hơi hé mở, Jørgen nương theo tay chị kéo, cũng nhón bàn chân trắng hồng trên nền gỗ màu nâu lợt bóng. Kamilla luồn mấy ngón tay vào mớ tóc nâu ẩn chút đo đỏ có những lọn quăn quăn, gãi gãi đầu em. Jørgen thích lắm, đầu dựa vào người Kamilla, đưa ngón tay cái lên miệng, mút.
Đặt em lên ghế đẩu, khụy chân, cúi người, tay vuốt vuốt bàn chân mụm mẫm, mang cho em đôi vớ len, Kamilla thì thầm:
– Em giỏi, chiều chị lại vườn trẻ đón em rồi hai chị em mình đi chợ, rồi chị mua cho em cây kem trái banh nghen, cây kem có viên kẹo chanh ở giữa đó, ngon lắm. Em giỏi nghen. Chị mang giày cho em nghen. Đôi giày bata ngầu ghê đi nè. Mình đi lẹ nghen, tám giờ rưỡi rồi. Chị sợ bị trễ học. Mẹ ngủ. Em giỏi nghen.
– Dạ… mẹ ngủ.
***
Tiếng lục đục phía góc bếp làm Thảo thức dậy. Thảo quay nhìn về nơi có ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn treo lòng thòng từ mái nóc nhà thấp. Nhìn dáng người lui cui bên lu nước gần cái bếp có mấy cục than hơi ửng đỏ, yên lòng, Thảo lật tấm mền nỉ màu nâu xậm có in hình mấy cành bông đỏ cam và lá xanh xanh tô điểm, rón rén ngồi dậy. Dụi mắt, cúi đầu tìm kiếm đôi dép mủ màu xanh lợt mà Thảo đã xếp ngay ngắn dưới gầm giường tối hôm qua. Ánh đèn mờ quá, chiếc dép nằm ở chân giường, chiếc dép nằm lẫn trong những chiếc khác chiếc ngổn ngang xấp ngửa. Thảo chưa kịp xỏ chân vô dép thì người đàn bà quay lưng lại, nói, giọng thì thào:
Tiếng lục đục phía góc bếp làm Thảo thức dậy. Thảo quay nhìn về nơi có ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn treo lòng thòng từ mái nóc nhà thấp. Nhìn dáng người lui cui bên lu nước gần cái bếp có mấy cục than hơi ửng đỏ, yên lòng, Thảo lật tấm mền nỉ màu nâu xậm có in hình mấy cành bông đỏ cam và lá xanh xanh tô điểm, rón rén ngồi dậy. Dụi mắt, cúi đầu tìm kiếm đôi dép mủ màu xanh lợt mà Thảo đã xếp ngay ngắn dưới gầm giường tối hôm qua. Ánh đèn mờ quá, chiếc dép nằm ở chân giường, chiếc dép nằm lẫn trong những chiếc khác chiếc ngổn ngang xấp ngửa. Thảo chưa kịp xỏ chân vô dép thì người đàn bà quay lưng lại, nói, giọng thì thào:
– Ngủ đi con, còn sớm mà.
– Ngoại luộc khoai xong chưa? Ngoại luộc đậu phọng xong chưa?
– Chưa, còn sớm, ngoại bắt nước đây, ngủ đi con.
– Bữa nay con đi học được không ngoại?
– Hôm qua giờ coi bộ em chơi, để ngoại đem em theo ngoại, con đi học rồi về lẹ đặng cho em về nhà chơi. Dang nắng dang nôi cả ngày ngoài đường biểu làm sao mạnh được. Thôi kệ, ráng! Mong sau đừng mưa là được. Ngủ đi con.
– Con để cái nón ở nhà, ngoại bắt Tí Em đội nghen ngoại.
– Con đội đi, để ngoại cho em đội cái nón lá này của ngoại cũng được. Trưa học về nắng lắm.
– Không được, thằng Tí Em này khôn lắm, điệu lắm, nhất định nó không chịu đội nón của ngoại đâu. Học về, con đi dọc dọc lề đường, đi xát nhà người ta, không sợ nắng đâu ngoại. Mình ráng để dành tiền mua cho Tí Em cái nón vải nghen ngoại.
– Ờ… ngủ đi con.
– Hôm qua còn đậu phọng luộc hả ngoại? Để con lột vỏ, kho nước mắm đường tiêu trưa nay ăn nghen ngoại.
– Ờ… học về nhớ ghé chợ mua bó rau muống. Nhà còn dầu chiên, con dập tỏi chiên rau, có chút rau chút cải cho em ăn.
– Dạ. Nước sôi kìa ngoại, để con bỏ mấy trái bắp luộc chung luôn. Kệ, èo uột nhưng chắc ngọt lắm đây, bắp đầu mùa mà, Tí Anh, Tí Em khoái lắm. Hôm qua con phụ ông Ba Cụt khiêng mấy bao bắp xuống xe lam, ông cho cả rổ, đủ người hai trái sáng nay đó ngoại.
***
Như đa số các vườn trẻ, dọc theo hai bức tường dài năm mét là hai băng ghế thấp phía dưới. Hai dãy tủ rộng dài bốn mươi centimet treo cao vừa đủ tầm tay người lớn nhưng nếu là trẻ em thì phải đứng trên băng ghế mới vói tới, cả thảy hai mươi bốn cái tủ với bảng tên bên ngoài. Dưới mỗi cái tủ là ba cái móc áo, mỗi cái móc áo nhìn như ngón tay cong lại, sẵn sàng chịu đựng sức nặng của quần áo mưa, ba lô, bộ áo liền quần mùa đông. Chiều rộng hơn ba mét của căn phòng vừa đủ chỗ cho cánh cửa dẫn vào căn phòng rộng ấm áp bên trong và hai cánh cửa cầu tiêu.
Không nhìn nhưng Kamilla cảm nhận ánh mắt cô Hilde đang đứng dựa vào ngạch cửa trò chuyện cùng mẹ của Alex và thỉnh thoảng phóng về mình. Kamilla biết, biết là cô Hilde chỉ chờ hai mẹ con Alex đi về là cô sẽ kiếm chuyện hỏi này hỏi nọ. Muốn tránh, muốn dẫn Jørgen về trước nhưng kẹt nổi là vừa mặc cái áo khoát mùa xuân thì Jørgen đòi đi tiểu.
Tiếng kéo nước từ cầu tiêu phía bên phải, tiếp theo đó là tiếng Jørgen vọng ra:
– Xong rồi.
Đang nói chuyện, cô Hilde xoay về phía cầu tiêu, giọng hơi diễu:
– Xong rồi thì sao nữa?
Tiếng Jørgen:
– Em nói với Kamilla.
– Ô… em còn đang ở vườn trẻ mà. Nào, bây giờ bắt đầu nghen. Em kéo quần lên được chứ? Xong! Em kéo khóa quần lên được chứ? Kéo từ từ thôi! Xong! Em cài nút quần được chứ? Xong! Em cài dây nịt được chứ? Xong hết! Đó, thấy chưa, em giỏi lắm mà…
Tiếng Alex cười to. Trong cầu tiêu im bặt. Mẹ của Alex kéo tay con đi như để tránh cho Jørgen phút mắc cỡ khi ra khỏi toalett. Kamilla cười hùa, cười nho nhỏ. Vừa ra khỏi cầu tiêu, Jørgen chạy lại Kamilla đang ngồi chờ trên băng ghế, dúi đầu vào chị, dấu mặt, dơ ngón tay cái lên miệng, mút. Mặc áo khoát cho em, Kamilla mong sao cô Hilde nói câu từ giả quen thuộc mỗi ngày. Nhưng không, giọng cô Hilde hơi thấp:
– Hôm nay mẹ làm ca chiều?
– Dạ.
– Hãng Ringnes làm ba ca phải không? Tuần rồi mẹ em cũng làm ca chiều?
– Dạ.
– Lạ vậy! Phải đổi ca chớ.
– Dạ… hãng cần người.
– Mẹ làm thêm ca đêm?
– Dạ… lâu lâu một lần.
– Rồi ai lo cơm nước cho hai em?
– Mẹ làm cơm sẵn.
– Hai em ở nhà một mình suốt đêm?
– Dạ không, có dì Målfrid lại ngủ chung.
– Mỗi đêm? Dì Målfrid không có con sao? Không có gia đình sao?
– Ơ… không… ơ… dì ở… ơ… một mình.
– Em nhớ nhắc mẹ đưa Jørgen đến vườn trẻ buổi sáng để cô nói chuyện với mẹ.
– Dạ.
– Em không thể thay mẹ đưa đón Jørgen hoài được. Cô phải nói chuyện với mẹ em.
– Dạ.
Sợ bị hỏi tiếp, Kamillla xoay người ngồi xụp xuống nền gạnh bông, cài nút áo khoát cho em. Bằng cách này, Kamilla chấm dứt lời hỏi han. Cô Hilde lắc đầu lộ vẻ bất lực, nói:
– Cám ơn cho ngày hôm nay, Jørgen! Chào tạm biệt! Ngày mai mình gặp lại nghen Jørgen.
Cài cẩn thận móc cửa gỗ của vườn trẻ, Kamilla quay nhanh người vì sợ chạm phải ánh mắt lo âu với nhìn theo của cô Hilde bám vào lưng hai chị em từ nãy giờ. Kamilla hiểu là các cô giáo ở vười trẻ đã bắt đầu đánh dấu hỏi về những lời giải thích của mình về mẹ. Nhưng biết làm sao đây! Thở dài. Nắm bàn tay em mụn mĩm, Kamilla kéo em đi lên quãng đường dốc hướng về phía chiếc cầu sắt.
Cái hờn tủi trong cầu tiêu khi nãy chưa tan trong lòng Jørgen, nhắm đã qua khỏi ánh mắt của các cô giáo vười trẻ, em trì tay chị, không chịu đi. Dừng lại, Kamilla cúi nhìn em. Đưa ngón tay cái lên miệng, Jørgen dựa đầu vào chị, một dấu hiệu tìm nơi nương tựa của một đứa bé luôn luôn cảm thấy thiếu một điều gì đó. Cảm động, Kamilla ngồi thụp xuống, biểu:
– Chị làm ngựa nha! Mình chạy một hơi là tới siêu thị. Mình ghé vô mua một cây kẹo mút nghen. Chị một cây, em một cây, nhưng mình không được ăn kẹo bây giờ, phải ăn cơm chiều trước, chờ đến chương trình truyền hình thiếu nhi mới được ăn kẹo nghen… hi… hí… hí…
***
Sức nóng tháng tư xuyên qua mái tole, bao trùm căn nhà một phòng rộng ba mét dài năm mét đang hâm hấp chịu đựng từ khi mặt trời qua khỏi chóp cây điệp tây phía trước nhà ông Tám Đế. Không quan tâm đến sức nóng hầm hầm bao quanh, Thảo ngồi bệt trên nền xi măng, đầu cúi nghiêng nghiêng, tay viết lia lịa lên quyển tập nằm vừa đủ bề rộng chiếc ghế nhựa thấp màu nâu. Ngưng tay, Thảo lướt mắt đọc hàng chữ trong quyển sách nằm trên nền xi măng, ngòi viết lại tiếp tục. Ráng tập trung tư tưởng để viết cho xong bài văn vì Thảo chỉ mượn được quyển sách Việt Văn của Phương Thanh buổi trưa này thôi, nhưng Thảo vẫn lắng tai nghe chừng hơi thở của Tí Em đang nằm im thiêm thiếp trên cái giường mét tư kế bên.
Tí Em lại trở bịnh. Gần năm tuổi mà ốm tong, nhỏ xíu như đứa bé ba tuổi con nhà bình dân, Tí Em nằm trên giường lúc mê lúc tỉnh. Nghe tiếng em cựa mình, để cẩn thận cây viết trên quyển tập đang viết dở, Thảo vội lết lại gần giường, hỏi:
– Tí Em uống nước đậu nành rang nghen, chị có pha đường cho ngọt ngọt, ngon lắm, thơm lắm.
– Dạ.
Tiếng thì thào hơi khàn khàn vì lớp đờm nơi cổ.
Hồi sáng, nấu một ấm nước lớn, Thảo bỏ chén đậu nành vừa mới rang vô ấm nước, trút hết bịch đường một ngàn mua bên nhà dì Tám, quậy đều, để yên, chờ nguội. Thảo cẩn thận chế hỗn hợp nước đậu nành rang đã ngã sang màu nâu vàng vô chai coca cola nhựa trắng trong đã lột mất nhãn hiệu. Vặn nút chai thật chặt, Thảo cột một đầu dây nylon màu xanh quanh cổ chai, đầu dây kia cột vào viên gạch. Đặt viên gạch xuống nền xi măng, Thảo thả cái chai nước đậu nành rang vô lu nước lạnh. Bằng cách này, Thảo có chai nước lạnh cho Tí Em uống cả ngày, uống nước lạnh cho mau giảm nhiệt.
Những chiều Tí Em chơi khỏe, Thảo tranh thủ chạy ra chợ phụ dọn hàng đường đậu bột mè dùm dì Tám. Dì nghèo, dì trả công cho Thảo bằng gói đường bịch bột, bằng mấy con cá khô dư mọn, bằng chén mắm hem còn sót lại. Đậu mọt đậu teo, dì Tám để dành cho Thảo, dăm ba bữa được một núm tay. Dì Tám chỉ Thảo rang đậu ngâm lấy nước cho Tí Em uống vừa giảm nhiệt vừa có chút bổ dưỡng mỗi lần Tí Em trở bịnh.
***
Trên giường nệm êm, dựa vào chị, miệng mút cầm chừng ngón tay cái, mắt hơi lim nhim nhưng Jørgen vẫn ráng chờ nghe chị đọc đến chỗ thằng Albert Årberg làm cơm chiều với ba nó. Lắng nghe động tĩnh, biết em đã ngủ say, Kamilla bước xuống giường. Cúi hôn lên vầng trán phẳng, Kamilla kéo nhè nhẹ tấm mền được bọc bằng lớp vải mịn màu xanh dương dậm có hình ngôi sao vàng lợt lên phủ kín tận cổ, chỉ chừa gương mặt trắng hồng đang ngon giấc. Ngón tay cái đã rời khỏi miệng. Hơi thở nhẹ thanh thảng.
Tắt đèn, Kamilla đóng cửa phòng Jørgen, thở dài khi thấy mẹ vẫn còn ngồi trong nhà bếp. Không muốn để mẹ chú ý, Kamilla đi thẳng vô phòng tắm, làm vệ sinh cá nhân buổi tối. Nhìn gương mặt mình trong tấm gương lớn, nghĩ đến câu nói của Jørgen khi nãy: “Ba của Albert Åberg giỏi há Kamilla? Em muốn có ba.”, Kamilla ráng nuốt cục nghẹn bỗng trồi lên trong cổ họng, hít thật mạnh để xóa tan cảm giác nồng cay trong sóng mũi và chớp chớp hàng mi để ngăn chận dòng nước mắt chực trào ra.
Kamilla vừa có sinh nhật sáu tuổi, mẹ sanh Jørgen được một tháng thì ba đòi ly dị để dọn đến một thành phố khác, nơi có người đàn bà sắp sanh cho ba một đứa con. Từ khi ba không còn về nhà mỗi chiều thì không hiểu sao, cứ mỗi tối sau chương trình thiếu nhi là em Jørgen bắt đầu khóc. Tối nào cũng khóc. Em khóc dai dẳng, khóc nức từng cơn, khóc không biết mệt. Mẹ phải bồng Jøren đi tới đi lui, đổi em Jørgen từ vai phải sang vai trái, từ ẵm nằm đến ẵm đứng, em Jørgen vẫn khóc, khóc nức, khóc liên tục. Mẹ khóc theo. Mẹ chửi ba. Mẹ chửi ông bà nội. Có hôm đóng cửa dặn Kamilla ngồi im một chỗ coi TV, mẹ gói kín em Jørgen trong cái bao mền lông cừu trắng tinh, đặt em vô xe, mẹ đẩy xe em Jørgen đi trong đêm tối lạnh căng căng. Chờ mẹ lâu quá, người ta bắn nhau trên TV, Kamilla dấu mặt trong cái gối ôm, ngủ gục trước TV. Mẹ trở về khi em Jørgen thôi khóc, trong căn nhà rộng vắng tiếng cười.
Một tối, đang xem TV trong khi tiếng khóc của em Jørgen ưng ức cả tiếng đồng hồ, Kamilla đói bụng, đòi mẹ làm thức ăn tối. Mẹ hét, tiếng hét lấn át tiếng em Jørgen khóc. Mẹ mắng Kamilla hư. Mẹ chưởi Kamilla không hiểu nỗi khổ nhọc vì phải cưu mang hai đứa con nhỏ một mình. Mẹ dằn em Jørgen xuống sô pha. Em Jøren khóc to thêm. Mẹ vô bếp làm thức ăn cho Kamilla. Em Jørgen khóc thét từng cơn. Kamilla lại sô pha, định ẵm em lên. Loay quay vụng về, hai chị em té lăn. Mẹ chạy ra phòng khách. Mẹ bế em Jørgen lên. Mẹ mắng Kamilla.
Từ đó, mỗi khi đói, nhìn gương mặt mẹ, Kamilla biết khi nào thì mình nên tự vô bếp, tự cắt bánh mì, tự thoa bơ, tự thoa một lớp chocolate, tự rót ly sữa, ngồi trước TV vừa ăn vừa xem. Không bao lâu thì em Jørgen thôi khóc đêm nhưng gương mặt mẹ bỗng dưng lạnh băng. Có những lúc thấy mẹ không quay người khi tiếng em Jørgen cựa mình thức dậy, Kamilla chạy vào phòng em, bế em, chơi với em. Dần dần, Kamilla hiểu tiếng khóc của em Jørgen là dấu hiệu đòi phải được thay tả, hay muốn bú từ một trong sáu bình sữa âm ấm mẹ đã pha sẵn mỗi ngày trong thùng bình thủy hình tròn lớn như trái bí rợ, hay phải được bế, được chơi cùng…
Mẹ không ngủ được nên mẹ phải uống rượu cho dễ ngủ. Mẹ buồn nên mẹ phải có rượu để giải khoây. Lúc đầu mẹ chỉ uống rượu tối thứ sáu và thứ bảy. Từ từ, thêm một ngày trong tuần, thêm vài ngày trong tuần, mỗi ngày. Càng uống rượu, mẹ càng im lìm. Càng uống rượu, mẹ càng để mặc đứa con gái bảy tuổi lo cho thằng em một tuổi. Mẹ dặn Kamilla không được kể cho các cô giáo vườn trẻ, cho ba, cho hàng xóm rằng mẹ uống rượu, ngay cả ông bà ngoại ở tận miền tây nên hai ba tháng mới đến thăm.
Cứ hai tuần, ba đón hai chị em Kamilla về nhà ba chơi. Người đàn bà của ba tử tế nuông chiều hai chị em Kamilla khi có mặt ba. Nhưng ba phải đi làm nhiều, làm cả tối cuối tuần để vừa cấp dưỡng cho cái gia đình mới, vừa cấp dưỡng cho hai chị em Kamilla. Những khi ba vắng nhà, gương mặt người đàn bà của ba đổi hồng tươi thành đen xám, giọng nói đổi từ đường ngọt thành muối thành chanh. Người đàn bà của ba nói xấu mẹ từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Bà mắng mỏ hai chị em từ cách ăn đến cách chơi. Bà không cho hai chị em Kamilla đến gần em bé vừa sanh, bà sợ hai chị em sanh lòng ganh tỵ mà làm hại đứa bé.
Ba mắng Kamilla độc miệng khi Kamilla kể cho ba nghe. Ba than Kamilla bị ảnh hưởng của mẹ. Còn bé quá, không đủ sức chống đỡ, uất ức, Kamilla không chịu đi theo những ngày cuối tuần ba được phép đón hai chị em. Kamilla không theo ba thì em Jørgen cũng không theo được.
Không còn ở chung nhau nữa, ba mẹ lại gây nhau nhiều hơn, gây qua điện thoại, gây trước mặt hai con, gây ở văn phòng Cố Vấn Gia Đình… Mẹ không muốn hai chị em đi thăm ba thường xuyên nên mẹ bênh vực, hỗ trợ ý tưởng không muốn thăm ba của Kamilla. Mẹ thù ba. Mẹ hận người đàn bà đang sống với ba. Mẹ cấm ông bà nội đến thăm hai cháu. Mẹ tuyệt giao với gia đình bên nội. Ba giận dữ. Ba nản lòng. Ba bỏ cuộc. Người đàn bà của ba cố dấu niềm vui. Lòng hận thù của mẹ được vuốt ve. Những giọt nước mắt được Kamilla cố ngăn, cục nghẹn nơi ngực được Kamilla cố nuốt ngược mỗi lần ai đó nhắc đến ba. Hình ảnh ba mờ dần trong tâm em Jørgen.
***
Thảo thương Tí Em lắm. Mẹ sanh Tí Em khi Thảo mới sáu tuổi và Tí Anh được ba tuổi. Tí Em thiếu tháng, cái đầu nhỏ thua trái cam, da nhăn nhún khô xám, tay chân cong cong que củi, hầu như không bao giờ cử động. Mẹ bịnh liên miên trong mấy tháng cưu mang Tí Em và khi sanh thì mất máu nhiều quá nhưng mẹ không thể nằm lâu ở nhà thương vì ba không có tiền. Nằm ở nhà thương được hai ngày, chân mẹ yếu, người mẹ lả, ánh mắt mẹ lờ đờ, ba phải cõng mẹ từ ngoài đầu con hẻm vừa chật vừa quanh co không chiếc xích lô nào vô được. Dì Năm Hiển, dì Hạnh ở cùng con hẻm, rảnh được phút nào là chạy qua thay nhau trông chừng mẹ vì ba phải đi làm công cho người ta. Lương tuần vừa đủ trả nợ nhà thương, vừa đủ đông đầy hủ gạo, tiêu đường mắm muối. Nghỉ một ngày là đói một ngày. Sáng sớm ba nấu nồi cháu có chút rau chút cá cho bốn mẹ con. Ba vớt một tô nước cháo lỏng để dành cho Tí Em. Con bé Thảo sáu tuổi pha đường vô nước cháo, thay mẹ cho em bú. Con bé Thảo sáu tuổi đỡ mẹ ngồi dậy, đút cháo cho mẹ. Thằng Tí Anh ba tuổi, không biết vòi vĩnh, chạy lăng xăng làm chuyện này chuyện kia theo lời chị sai biểu.
Ba nhắn người ra Quảng Ngãi kêu ngoại. Ngoại tất tưởi vay tiền đi tàu lửa vào Nam. Ngoại còn đang ngơ ngáo giữa dòng người, ngoại còn đang loay hoay hỏi đường đón xe lamt ở ga Hòa Hưng thì mẹ tắt thở. Mẹ đi nhẹ nhàng lắm, nhẹ như bước chân ba rón rén cài cửa đi làm mỗi buổi sáng sớm. Mẹ không nói một tiếng nào với Thảo và Tí Anh. Hai chị em thức dậy khi cái bụng cào cào muốn ăn và tiếng Tí Em ngoa ngoe đòi bú. Cho Tí Em bú, hai chị em mỗi người một tô cháo có mấy con tôm khô làm chất ngọt và nước mắm làm ngon miệng con trẻ. Chờ hoài không thấy mẹ kêu, con bé sáu tuổi ham chơi với em, không nghĩ, không thắc mắc chi cả.
Con bé sáu tuổi và thằng em ba tuổi ngơ ngơ ngác ngác khi một người đàn bà coi bộ già lằm rồi, vừa bước chân vô nhà là hỏi tên mẹ mình rồi ôm hai chị em, tiếng nói hòa nước mắt:
– Cái Thảo, cu Tí đây mà. Ngoại đây con. Bây không nhìn ra ngoại hở? Ờ, mà cái hồi ba mẹ bây đưa tụi bây ra thăm ngoại, con Thảo mới ba tuổi, cu Tí còn bú mẹ. Mà mẹ bây đâu? Em đâu?
Hai đứa bé hoảng sợ, rống khóc theo tiếng bà ngoại vừa khóc vừa rú:
– Ôi Trời… con tôi… con tôi sao thế này… con ơi là con… sao con không chờ mẹ…
Từ đó, ba lầm lũi sáng sớm đi, âm thầm chiều tối về. Từ đó, hai chị em có bữa cơm chắc bụng, Tí Em ngủ ngon giấc theo tiếng bà ngoại ru à ơi trưa chiều. Chưa được nửa năm, bốn bà cháu chờ ba buổi tối, chờ ba ngày hôm sau, chờ ba một tuần… Ba không bao giờ về nữa.
Xin được chỗ ngồi khiêm nhường ngoài đầu hẻm nhỏ nối với một con hẻm lớn, và số vốn nhỏ nhoi vay được của dì Năm Hiển chỉ đủ cho bà ngoại luộc khoai từ, khoai mì, khoai lang, khoai sọ… bày trên cái sàng có đường kính độ hai gang tay, bán sáng sớm, bán chiều tối. Bốn bà cháu chia nhau bữa cơm trắng có dĩa cá kho keo, có tô canh rau xanh lờn vờn tóp mỡ thơm.
Nhưng hai lá phổi của Tí Em yếu quá. Chút hơi lạnh là em ho, ho kéo đờm. Chút trở trời là hai lá phổi hành em nóng sốt, sốt mê mang. Ngoại dành dụm tiền đưa em đi bác sĩ. Toa thuốc bác sĩ cho dài quá. Toa thuốc bác sĩ biểu phải uống liên tục cả năm. Lời bác sĩ khuyên phải ăn uống tẩm bổ, tránh dầm mưa dầm nắng. Nghe thì nghe vậy. Biết thì biết vậy. Nhưng làm sao bây giờ? Cất toa thuốc trong túi áo cánh, lận lời bác sĩ khuyên vào lưng quần, ngoại nhắm mắt nuôi cháu và chỉ biết cầu Trời đừng trở nắng trở mưa bất chợt.
***
– Chiều nay câu lạc bộ thiếu nhi Haugerud có tổ chức disco, tụi mình đi chung không?
Giọng Krister náo nức, mắt nhìn lướt qua đám bạn sáu đứa đang ngồi vẽ quanh cái bàn vuông rộng, ánh mắt đậu lâu trên gương mặt Kamilla hồng sáng. Cả bàn nhao nháo:
– Ghé nhà tao!
– Ờ, nhà thằng Krister gần đó.
– Đem theo mấy dĩa CD Mc Music.
– Khỏi cần, chắc câu lạc bộ có dĩa đó.
– Tao có dĩa mới nhất của Blackstreet.
– OK… đem theo luôn đi.
– Mấy giờ?
– Sáu giờ rưỡi.
– Sớm vậy?
– Chơi trước cho vui.
– Kamilla, đi chứ?
Vén mái tóc vàng óng qua vành tai… ngước mắt nhìn nhanh về phía Krister… ngưng cọ vẽ… cúi đầu để mái tóc phủ che một phần gương mặt… cái cọ vẽ đưa tới đưa lui một cách vô thức… giọng hững hờ:
– Để coi.
Cả nhóm bỗng dưng im lặng, những đôi mắt trao đổi nhanh. Tiếng thày Morten yêu cầu học sinh dọn dẹp trước giờ ra chơi phá tan những dấu chấm than vừa tô đậm trong đầu năm cô cậu học trò lớp 5A trường Haugen, một trường tiểu học nằm phía ngoài thủ đô Oslo. Dấu chấm than được vẽ lên trong đầu những người bạn cùng lớp vì hai chữ “để coi” là cách trả lời thường xuyên trên môi người bạn gái khả ái ít nói này. Ai cũng hiểu nghĩa cặp chữ “để coi”.
Vừa mở cửa, mùi thức ăn thốc vào mũi làm Kamilla tháo nhanh dây giày, bỏ cái ba lô ngay lối vào, chạy vào bếp, reo nho nhỏ:
– Mẹ làm mì Ý hả mẹ? Làm nhiều nhiều nha mẹ để… Kamilla im bặt.
– Ờ. Con coi ăn một hủ yaourt cho đỡ đói rồi làm bài. Chút bốn giờ con đi đón em, mình ăn chiều chung luôn.
– Dạ.
Cố dấu nỗi vui rộn ràng dâng ngấm ngầm làm sóng mũi ngây ngây nồng, những niềm vui hiếm hoi đến bất chợt, Kamilla mở tủ lạnh rót cho mình một ly nước cam tươi Florida màu vàng thẫm, chọn hủ yaourt dâu xanh, vào phòng mình. Không thể nào làm bài được… ánh mắt Krister… lời bàn bạc náo nức cho tối disco sẽ có ở câu lạc bộ thiếu nhi… giọng mẹ ngọt ngào… mùi nước sốt cà có thịt bầm chiên thơm… cái quần ống xòe màu hồng nhạt, cái áo sát cánh cũng màu hồng nhạt của bà ngoại tặng từ hôm sinh nhật chưa có dịp mặc… Kamilla lăn ra giường êm, thiếp dần.
Như những bữa ăn có đủ ba mẹ con, bao giờ Jørgen cũng ngồi đầu bàn, Kamilla và mẹ ngồi hai bên. Đẩy cái dĩa bàn ra phía trước, giọng Jørgen nũng nịu:
– No rồi.
– Ăn cho hết đi em, giỏi chị cho tráng miệng.
– Tráng miệng gi?
Đưa mắt nhìn mẹ, Kamilla chờ.
– Mẹ mới mua hộp kem Mousse có lớp chocolate, mẹ để trong tủ đá.
– U… m… ngon chưa. Ăn thêm nghen Jørgen.
– Mẹ…
Kamilla ngập ngừng, tiếp:
– Tối nay câu lạc bộ thiếu nhi… có mở disco từ bảy giờ đến tám giờ, mẹ cho con đi lúc sáu giờ rưỡi nha mẹ.
– Ờ… mẹ đi làm ca tối lúc mười một giờ. Con phải về ngay.
– Dạ! Mẹ ăn tráng miệng không? Con lấy cho mẹ luôn… lẹ lẹ Jørgen… chị phải sửa soạn.
– Để đó mẹ dẹp cho.
Vui mừng, quên hết, Kamilla chạy ào vô phòng tắm, đánh răng, ngắm nghía mái tóc vàng lóng lánh thả dài vừa qua khỏi vai hơi cong ngược ra ngoài… lục tìm cái băng đô màu hồng… không… cái băng đô màu trắng… chứ không thôi nhiều màu hồng quá… quần hồng… áo hồng… vậy là giày trắng… gọi điện thoại báo cho nhỏ Erna… thôi đừng… cho tụi nó ngạc nhiên chơi… chắc Krister ngạc nhiên lắm đây…
Bước chân như nhảy nhót chợt đứng lại ở lối đi từ phòng tắm dẫn đến ba phòng ngủ nằm kế nhau khi Kamilla liếc nhìn về bộ sa-long da màu đỏ rượu chát trong phòng khách. Jørgen ngồi trong lòng ghế bành rộng, hai chân xếp bằng, đang mãi mê theo dõi chương trình Sesam Sesam, ngón tay cái trong miệng thỉnh thoảng mút. Màu rượu vàng nâu nhạt long lanh trong chiếc ly tròn như nửa quả trứng ngỗng, thấp chân, đứng bên cạnh chai cognac màu nâu có dòng chữ trắng. Mẹ ngồi đó, đọc báo. Như con nai vàng đang nhảy nhót vui chơi trong đám cỏ non xanh tươi chợt vểnh tai lắng nghe tiếng chân cọp đói đi lần tới, tim Kamilla nhói đau.
Chạy ào vô phòng, gieo mình lên giường, dùi mặt trong gối, Kamilla ráng giữ tiếng nấc nhưng nước mắt thì cứ ròng ròng không muốn ngưng. Giận dử, Kamilla bật ngồi dậy… nhưng rồi xìu xuống nhanh. Em biết! Em biết… chỉ châm ngòi vào đống lá khô nâu là ngọn lửa bùng lớn. Mẹ bắt đầu lôi những chuyện từ bao năm trước để chửi ba, mắng người đàn bà đã có hai mặt con với ba, trách ông bà nội bỏ bê cháu… Em biết! Nếu em lẳng lặng đi chơi, em Jørgen sẽ gục ngủ trong lòng chiếc ghế bành rộng thỉnh thoảng nức lên mút nhanh ngón tay cái vì gọi hoài mà không có chị Kamilla đến dỗ, bụng trống rỗng và màn ảnh TV vô tình tiếp tục chương trình dành cho người lớn. Em biết! Mẹ sẽ rót thêm nửa ly, rồi nửa ly, rồi nửa ly, rồi nằm dài ra sô pha. Và ngày mai, ánh mắt cô giáo vườn trẻ đậu lâu trên gáy mình. Cô giáo sẽ tìm cơ hội trống người để hỏi về mẹ.
Cứ thế, diễn đi diễn lại, một vài lần trong tuần và rồi sáng mai Kamilla phải gọi điện thoại đến hãng để báo mẹ nghỉ bệnh. Càng tệ hơn nếu những cuối tuần có thêm người đàn ông lạ cùng chia chai martin màu trắng nét chữ xanh, cười dỡn, ói mửa… ngủ lại. Kamilla dấu tất cả. Không ai biết mẹ đã giảm giờ làm việc 50% theo giấy báo bệnh của bác sĩ. Hàng xóm không ai thắc mắc vì sao Kamilla thường xuyên đi chợ và đưa đón em Jørgen. Nhà trường, vườn trẻ cằn nhằn vì mẹ Kamilla thường vắng mặt trong tối hội họp, ít khi đến họp thường năm… nhưng không tìm hiểu thêm. Bạn bè trong lớp đã quá quen những lời từ chối khi mời Kamilla dự tiệc sinh nhật hay rủ về nhà chơi sau giờ học. Bạn bè không còn quan tâm vì sao Kamilla không bao giờ rủ bạn về nhà hay tổ chức tiệc sinh nhật. Ông bà nội không được đưa cháu về chơi, đành phải tự an ủi bằng những món quà đắt tiền gởi cho cháu dịp sinh nhật, Giáng Sinh. Ông bà ngoại bắt đầu đoán ra hoàn cảnh bít bùng của con gái nhưng Kamilla khôn khéo bênh vực, bao che mẹ. Báo chí, TV kết án chính quyền làm ngơ cho chủ nhân các nước chậm tiến dùng trẻ em dưới mười hai tuổi phải làm việc trong các hãng xưởng. Nhưng báo chí, TV không biết rằng em Kamilla là người mẹ nhỏ của em Jørgen, Kamilla là người chăm sóc mẹ những khi mẹ ”quá ly”. Kamilla sợ nhân viên Văn Phòng Bảo Vệ Trẻ Em đưa hai chị em cho người khác nuôi, mỗi người một nơi, không được lo cho em Jørgen yếu đuối luôn nương vào chị vì mẹ căn dặn, mẹ dọa, mẹ hứa sẽ không bao giờ bước chân vô tiệm rượu.
***
Thảo đến tuổi đi học, ngoại lao đao vượt qua từng vấn nạn tiền nong. Mỗi năm ít nhất phải có một bộ đồng phục gồm váy xanh đậm và cái áo cổ lá sen màu trắng, lệ phí mỗi học kỳ, sách giáo khoa, tập vở, bảo hiểm trường, bảo quản trường… trăm ngàn thứ, mai thứ này, mốt thứ kia. Bà ngoại luộc thêm thúng đậu phụng, ráng ngồi bán cho hết sàng khoai rổ đậu, về đến nhà là mọi người giăng mùng sửa soạn đi ngủ. Tí Anh ở nhà trông em. Những hôm Tí Em khỏe, hai anh em ra đầu hẻm chơi quanh quẩn bên thúng đậu sàng khoai với hy vọng được ngoại mua cho chén chè có nhiều nước dừa béo ngậy.
Lo cho hai em ăn sáng, Thảo đi học. Ngồi trong lớp, chạy ngoài sân trường giờ ra chơi, lòng bé Thảo không mấy phút được yên lâu. Thảo thắc mắc không biết Tí Anh có dẫn Tí Em ra nắng chơi lâu. Thảo bâng khuâng sao Tí Em gần ba tuổi rồi mà đi chưa vững. Thảo lo lắng vì tiếng ho Tí Em hơi khàn khàn hồi sáng sớm. Thảo sờ sợ khi bầu trời vần vần chuyển mưa, sợ ngoại đem cái rổ còn khoai luộc, đậu phọng luộc về chiều nay, lấy vốn đâu mà mua khoai mua đậu cho ngày mốt. Con bé Thảo bảy tám tuổi lo nghĩ băn khuăn khi nhảy cò cò trong sân trường. Con bé Thảo tám chín tuổi vui mừng khi vừa nghĩ ra được món dừa kho keo mặn mặn beo béo sẽ làm cho hai em ăn chiều nay thì tiếng đồng thanh của cả lớp đọc theo cây thước cô giáo chỉ trên bảng cắt ngang gương mặt tươi vui của Tí anh Tí Em trong đầu…
Những hôm Tí Em lên cơn sốt, ho xù xụ, ho có lớp đờm làm nghẹn hơi thở, lớp đờm làm hơi thở kéo khè khè, thường lắm, mỗi tháng vài ba lần, mỗi lần năm ba ngày, thế là Thảo phải nghỉ học ở nhà trông em. Cũng may là trường cho Tí Anh học lớp buổi chiều. Nhưng buổi sáng trong lớp học, đầu óc con bé Thảo quanh quẩn trong căn nhà một phòng mái tôn hừng hực, đôi mắt dõi trông chừng vì con bé Thảo biết Tí Anh khờ lắm, Tí Anh ham chơi lắm, Tí Em không nghe lời anh, Tí Em theo anh ra chơi ngoài nắng…
– Con mua chi mà nhiều khoai lang quá vậy? Bán làm sao hết? Mà sao nhiều củ èo èo quá, làm sao luộc bán?
– Con tính rồi ngoại. Lợi lắm ngoại. Con mua nguyên bao khoai, rẻ hơn mua ký.
– Nhưng…
– Mình lựa mấy củ khoai tốt tốt mình luộc bán. Mấy củ èo èo sùng sượng, con gọt bỏ, con cắt bỏ chỗ sùng sượng, con xắt phơi khô, xắt to bằng ngón tay con nè ngoại. Ngoại cho con tiền thêm, con mua dừa nạo. Sáng sớm con hấp khoai khô, đem lên trường bán. Một gói một ngàn, khoai khô hấp nóng trộn dừa nạo, rải chút muối mè, ngon lắm ngoại.
– Nhưng con phải đi học. Ngoại…
– Không sao đâu ngoại. Con lên trường sớm hơn, con bán cho tụi bạn con. Nếu bán không hết buổi sáng sớm thì con sẽ hỏi nhờ dì Hạnh bán nước sinh tố giữ dùm con. Ra chơi con chạy ra bán tiếp, lúc ra về con bán tiếp. Bạn con thương con, bạn con mua dùm con. Mình kiếm thêm được đó ngoại.
– Bữa nào em bịnh thì sao?
– Thì nghỉ bán. Hay là mình làm thêm một thau nhỏ cho ngoại bán.
– Không được.
– Dạ… không được… người ta cho mình chỉ đủ chỗ để được cái thúng… mình bày thêm người ta ghét… người đuổi thì khổ.
– Hay là để ngoại xin bà chủ nhà trước, cho thì mình bán thêm. Ngoại thấy món khoai lang khô hấp trộn dừa nạo ngon lắm đó.
– Vậy là mình phải mua hai cái thau mới, hai cái khăn mới đắp lên trên, nhìn sạch sẽ thì người ta thích mua.
– Ờ… mua thau mới… cha mày… bày thêm… mấy ngàn một cái thau… rồi khăn mới… mấy ngàn nữa… tiền đâu đây?
– Dạ… chắc bốn năm ngàn gì đó… cả khăn nữa chắc cở chục ngàn.
– Chục ngàn đồng… vậy là hai chục ngàn đồng… cha mày… tiền đâu…
– Hay là con thử bán trước. Từ từ có lời, mình để dành, mình có thêm vốn, mình mua thêm thau, khăn cho ngoại bán.
– Cha mày… bày đặt… chưa bắt đầu mà tính đủ chuyện… ờ… mà ráng coi sao… bán món này không cần bỏ vốn nhiều… bán không hết đem về cho em ăn… cha mày… khôn lõi!
Sách vở thiếu trước hụt sau, lệ phí học kỳ hẹn lên hẹn xuống, ngày học ngày nghỉ, cô giáo thương tình lắm mới được ở lại lớp, chứ không thôi là bị đuổi từ lâu. Lớp hai ở lại, lớp ba ở lại, tụi bạn cùng tuổi lên cấp hai mà Thảo vẫn còn đang ì ạch ở lớp năm. Nản lắm! Nhưng ngoại bắt học. Thảo cũng muốn học nữa bởi Thảo biết mình học không thua gì tụi bạn, Thảo biết tại vì phải nghỉ học hoài nên theo không kịp bài. Thảo biết vì không theo học được các lớp luyện thêm nên học kỳ nào cũng lạch đạch hạng ba mươi, bốn mươi.
Bác sĩ biểu là em Tí Em bị suyển nặng, phải hít thuốc ngày bốn lần để ngừa cơn suyển. Vị chi mỗi tháng phải hít một ống thuốc màu nâu, mấy trăm ngàn đồng Mỗi khi cơn suyển kéo đến làm ngực Tí Em như bị thắt chặt, lớp đờm trong phổi dầy đặc, khí quản nở ra khiến không khí không vô mà cũng không ra được, Tí Em phải hít ống thuốc màu xanh, loại thuốc mắc tiền hơn. Những tháng mưa nhiều và lạnh, cơn suyển đến thường hơn.
***
Cô giáo hướng dẫn lớp 5A, bà hiệu trưởng, cô y tá trường, cô giáo xã hội, đại diện văn phòng Bảo Vệ Trẻ Em, nhà tâm lý giáo dục và mẹ của Kamilla; bảy người ngồi quanh cái bàn hình bầu dục trong phòng họp có cửa kính lớn nhìn ra khoảng rừng thông nhỏ nằm sát trường. Sau phần giới thiệu, bà hiệu trưởng mở đầu:
– Mặc dù quí vị thừa biết nhưng tôi cũng nhấn mạnh để bà Hagen, mẹ em Kamilla hiểu là tất cả những gì được bàn thảo trong căn phòng này hoàn toàn bảo mật. Và cũng xin thưa với bà Hagen, mục đích buổi họp này là tìm hiều, thảo luận để mong đưa đến những giải pháp hầu giúp đỡ em Kamilla và gia đình chứ không phải là một phiên toà xét xử gia đình bà. Xin mời cô Aud Vestby, cô giáo hướng dẫn lớp 5A.
Tay cầm cây viết, tay lật mở quyển sổ dầy khổ A5 trước mặt, nhìn chừng những hàng chữ được ghi chép li ti vì không muốn bỏ mất một chi tiết nào trong những điều mình đã chuẩn bị trình bày trong buổi họp này, cô bắt đầu:
– Tôi rất vui khi chúng ta thu xếp được buổi họp đầy đủ các ban ngành như vầy chỉ sau hai tuần báo động. Là giáo viên hướng dẫn lớp em Kamilla trong hai năm liên tiếp nhưng tôi lấy làm tiếc là không có cơ hội tìm hiểu em sâu hơn vì nhìn chung em là một học sinh ngoan, có trách nhiệm với sự học của mình, áo quần tươm tất, thức ăn trưa mang theo đầy đủ. Nhưng dần dần, có những đặc điểm làm tôi lưu ý đến mỗi khi em biểu lộ sự già dặn hơn tuổi.
– Cô có thể cho biết thêm chi tiết về sự già dặn hơn tuổi của em Kamilla.
– Đó là tinh thần trách nhiệm hiếm có ở lứa tuổi ham chơi này. Vì không thường làm kịp bài vở về nhà, em xin phép được ở trong lớp vào giờ ra chơi để tranh thủ làm bài. Trong những bài văn ngắn tự do, em thường có những nhận xét, những nghĩ suy, những cách kết thúc hay giải quyết vấn đề như một người trưởng thành. Những đề nghị của em khi được hỏi tới, rất thực tế chứ không vì cho sự ham vui thường có ở tuổi này, cho vừa ý bạn bè hay bốc đồng. Tôi tiếp tục?
– Xin mời!
– Một đặc điểm nữa là em không bao giờ kể về gia đình mình trong giờ chuyện trò đầu tuần hay sau các kỳ nghỉ lễ, trong khi các em khác nôn nao giơ tay chờ được phép. Tôi chỉ nêu những gì tôi đã ghi chú. Phần nhận xét và phán đoán để đi đến một giải pháp là thẩm quyền của quí vị, những người có kiến thức sâu rộng về đề tài này.
– Xin được nghe tiếp.
– Trong khoảng vài tháng gần đây, em Kamilla thường đi học trễ và bị đau bụng. Lúc đầu tôi không quan tâm nhưng khi thấy em bị đau bụng thường xuyên, tôi đã giới thiệu em lên văn phòng y tá trường. Xin chị y tá cho biết ghi chú của chị.
– Cám ơn! Xem kỹ sổ sách, tôi thấy em chỉ đến văn phòng của tôi một lần và được ghi chú là có triệu chứng khó tiêu, đã gởi giấy yêu cầu ba mẹ đưa em đi bác sĩ. Đến khi chị Aud hỏi tôi về chứng đau bụng thường xuyên của em Kamilla, tôi liên lạc với bác sĩ gia đình Hagen thì được biết là mẹ em chưa bao giờ đưa em đến để khám về chứng đau bụng này…
– Kamilla không cho tôi biết gì về điều này cả và tôi cũng không thấy Kamilla bị đau bụng ở nhà.
– Vâng, chúng tôi ghi chú điều này. Xin cô Aud tiếp tục.
– Cám ơn! Mỗi lần được chia nhóm để hợp tác biên khảo một đề tài nào đó, các em trong lớp phản đối khi có Kamilla trong nhóm. Các em than phiền là Kamilla hầu như không bao giờ đến họp. Cố ý theo dõi, tôi được biết Kamilla hầu như không đến dự sinh nhật nhà bạn, không bao giờ tổ chức sinh nhật ở nhà.
– Kamilla không muốn.
– Xin bà để cô Aud trình bày cho xong rồi chúng ta sẽ có ý kiến sau.
– Kamilla không bao giờ tham dự các buổi tiệc do câu lạc bộ thiếu nhi vùng này tổ chức. Theo tôi nhật xét, em Kamilla không phải là nạn nhân của những ác-ý-bỏ-rơi thỉnh thoảng xẩy ra trong trường học. Em là một đứa trẻ cứng mạnh khi nói về mặt tâm thần. Em được bạn bè thương mến. Nhưng con nít là con nít. Rủ đi chơi một vài lần mà không được là quên ngay, không rủ nữa. Mời sinh nhật mà không đi, không được mời sinh nhật “trả lại” là tên người này không nằm trên danh sách mời về sau. Trong giờ đàm thảo mùa xuân dành riêng cho mỗi học sinh, cách đây ba tuần, tôi “quay” em Kamilla về những liên hệ hiếm khi của em với bạn bè trong lớp. Em tìm cách giải thích, biện hộ. Nhưng nửa chừng, em bật khóc. Em kể rằng em thương em Jørgen tính tình yếu đuối, em Jørgen không muốn rời chị, em sợ em Jørgen phải ngồi nhà một mình vì mẹ phải ngủ để có sức đi làm…
– Tôi thường làm ca đêm, cuối tuần…
– Chúng tôi cố gắng hiểu hoàn cảnh người-mẹ-nuôi-con-một-mình của bà. Xin cô Aud tiếp tục.
– Cám ơn. Em không muốn bạn bè đến chơi vì em không muốn bạn bè biết về mẹ mình…
– Tôi…
– Xin bà! Xin mời cô Aud.
– Một điều tôi để ý nữa là những truyện em Kamilla thường mượn ở thư viện nhà trường là những truyện lấy gia đình làm hậu cảnh. Chính vì những điều đã nêu, tôi muốn có buổi họp này để các cơ quan có thẩm quyền phán đoán và tìm một giải pháp.
– Xin bà Hagen cho ý kiến về những nhận xét của cô hướng dẫn lớp 5A.
Bà Hagen nhìn ra cửa sổ, sức sinh động trên đôi mắt hơi đục không còn bao nhiêu. Im lặng thật lâu, quay nhìn mọi người, gương mặt có vẻ thách thức nhưng giọng lại khàn khàn nhừa nhựa:
– Kamilla không dự sinh nhật hay tiệc tùng, không mời bạn bè đến nhà là vì tính cháu khép kín không muốn giao thiệp. Kamilla thương em nên Jørgen quyến chị, không muốn rời chị, đó là điều tự nhiên thôi. Kamilla không thích kể về mình, về gia đinh thì đó chỉ là cá tính đặc biệt của em, không ai dạy em điều này. Tôi là mẹ, Kamilla không săn sóc tôi. Ở nhà, Kamilla không bao giờ đau bụng. Gia đình chúng tôi không có nhu cầu cần sự giúp đỡ của các cơ quan công quyền. Tôi không hiểu tại sao phải có buổi họp này.
– Xin mời nhà tâm lý giáo dục.
– Trước hết, tôi có lời ngợi khen cô Aud đã báo động với nhà trường kịp thời và nhà trường thu xếp nhanh chóng để có được buổi họp này. Tôi cũng đã đọc qua những ghi chú của vườn trẻ Eplebakken, nơi chăm sóc em Jørgen. Em Kamilla thường bị đau bụng ở trường mà không bị đau ở nhà, nguyên nhân có thể vì em có quá nhiều lo âu ở nhà. Em không muốn dự sinh nhật bạn bè vì em hiểu ý nghĩa của sự cho và nhận, em không nhận vì em biết mình không có gì để cho. Nghĩ đến đây, tim tôi thắt đau. Mười tuổi! Em Kamilla đã đánh mất tuổi thơ. Sự già dặn quá tuổi của em Kamilla là do sự tôi luyện qua nhiều năm, từ khi em còn rất nhỏ, có thể từ bốn hay năm tuổi. Khả năng ứng biến, sức chịu đựng đã tôi luyện em thành người có trách nhiệm. Một trách nhiệm quá nặng cho một đứa trẻ. Em đóng vai trò người mẹ cho Jørgen mà ngay cả chính em cũng không nhận ra. Với em, đó chỉ lả điều đương nhiên. Một người mẹ chưa đầy mười tuổi! Thưa bà Hagen, chúng ta phải làm việc với nhau rất nhiều. Chúng ta phải trả lại tuổi thơ cho em Kamilla. Cùng với nhà trường, tôi sẽ liên lạc với văn phòng xã hội, Bảo Vệ Thiếu Nhi, Cố Vấn Gia Đình… để tìm một giải pháp giúp đỡ gia đình bà. Chúng tôi cần thiện chí hợp tác của bà. Chúng ta phải trả lại tuổi thơ cho em Kamilla.
***
– Bà Hai, chủ tiệm giày An Thịnh bên Bà Chiểu trả lương sáu trăm ngàn đồng một tháng đó ngoại.
– Con còn nhỏ mà bán được gì.
– Dạ, bà Hai nói con dọn dẹp, dọn hàng, làm hộp, tập bán từ từ. Chừng con quen chuyện thì bà Hai cho con bán. Bà Hai nói hôm bà đi chợ Văn Thánh thăm dì Tám, bà thấy con giỏi, chịu khó phụ dì Tám nên bà có lòng thương. Dì Tám nói dùm thêm cho con đó ngoại.
– Làm cả ngày vậy rồi làm sao đi học? Từ sáng sớm cho tới chiều tối hả con?
– Con nghỉ học cho đến chừng nào bà ngoại hết bịnh thì con xin đi học lớp đêm.
– Đường xá xa xôi.
– Bà Hai cho tiền đi xe buýt nữa ngoại.
– Làm từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối rồi còn đi học đêm thì sức đâu mà chịu nổi.
– Dạ… chứ ngoại coi; Tí Em phải hít thuốc mỗi ngày bốn cử, bịnh là phải hít thêm thuốc xanh, mà em bịnh hầu như mỗi tháng, đây rồi tới mùa lạnh là Tí Em còn bịnh thường hơn. Bây giờ ngoại bịnh không bán buôn gì được, hai tuần nửa vô trường, con lên học cấp hai là phải đóng đủ thứ tiền, Tí Anh cũng phải đóng tiền, mua sách vở… Ban ngày con đi làm, ngoại ở nhà, không phải dang nắng dang nôi, coi chừng Tí Em. Con sẽ xin mượn bà Hai vài trăm để đóng tiền trường và mua sách vở cho Tí Anh. Từ từ mình kiếm thêm vốn cho ngoại tìm chỗ bán trong mát. Con được bà Hai thương cho làm là phước lắm ngoại.
– Ờ… mười một tuổi đầu… Tính vậy cũng được đi, hôm nào Tí Em khỏe, ngoại lãnh vé số bán thêm.
Thảo xếp đặt công chuyện nhà trước khi ra đường đón chuyến xe buýt dưới bầu trời chưa tan sương, chiều chạng vạng đi làm về ghé mua cho hai em bịch khoai chiên, tối rờ thăm chừng trán Tí Em trước khi nhét kỹ lại mép mùng. Trưa nghỉ ngơi nửa tiếng, Thảo dệt nhiều ước mơ, trong đó có nụ cười Tí Anh và Tí Em, có bóng dáng bà ngoại đi chợ về giỏ đầy thức ăn. Thảo đâu biết rằng bà ngoại dấu không cho đứa cháu biết những cơn đau thắt phần trên bụng đến bất chợt, đau quằn lưng, đau đổ mồ hôi trán. Cơn đau quặn càng ngày càng thường hơn. Đường gân máu trong phân càng ngày càng nhiều. Bà khóc thầm cho đứa con gái mới mười một tuổi đầu đã có hai đứa con để chăm lo. Bà thương cho đứa con gái đã đánh mất tuổi thơ từ lâu mà không hề biết.
Võ Thị Điềm Đạm