Sáng nay tưởng không thể nào dậy nổi, vì nỗi buồn suốt một năm qua, nặng quá, cứ nằm trong chăn ấm, nghe thời gian tích tắc rơi giữa khoảng không trước mặt, mà nản chi lạ .
Đã tự nhủ là, đừng bao giờ mang nỗi lo, nỗi buồn của mình, gán cho người khác, rồi bắt lỗi người ta không hưởng ứng sự mang nặng của mình, tức là không chia sẻ.
Trạng thái lười dậy hay thèm ngủ đã gần như quen thuộc với đa số những nhân vật thuộc 2 giới : sướng quá hay khổ quá vậy.
Song tôi lại không thuộc 2 giới nêu trên. Tôi cứ tà tà độc hành trên những con đường xa tít tắp, đi mãi chưa tới .
Và đón nhận những tình cờ bất chợt đến với cá nhân tôi.
Thật quả, tôi chả mong muốn gì thêm nếp sống bình thường, tầm xoàng của mình.
Hôm nay, buổi sáng cuối xuân, bầu trời trong sáng hơn mấy tuần qua, muốn được nghe tiếng anh, dù trong cảm giác mơ hồ.
Nhưng không gian đã như rộng rãi hơn, biển mây trắng nõn, mở ra bát ngát…trước mặt.
Chưa đầy tuần lễ, mà có tới mấy vị quen xa, gần, về tây phương cực lạc, nơi ấy chắc ánh sáng lung linh rực rỡ như đèn hoa kết toàn kim nhũ…
Tôi không thích ngó cảnh sắc ” không thật ” ấy, nó mang hình ảnh một ngày đám, mà người trong cuộc, không nhìn thấy được, vì phải đóng cho xong vai trò của một kiếp người, ở yên cùng đèn nến, hương hoa vv…
Thử trở mình xem đã muốn dậy chưa ?
Tôi thường thức sớm chờ lúc âm dương chuyển dịch, là cuối giờ dần, đầu giờ mẹo, tức 5 giờ sáng, để cơm nước cho con trai đi làm sớm, sở ở cách nhà hơn 1 tiếng đồng hồ.
Sau đó tôi mở cửa sổ lớn trong phòng tôi, quay về hướng nam, cảm giác như nhung nhớ lắm.
Cũng giờ này, tôi có một không gian và thời gian riêng trong khoảnh khắc nhất định, là chỉ còn tôi giữa căn nhà vắng, nên không hiu quạnh nằm mơ mộng, thì làm gì đây ?
Dọn dẹp nhà cửa, tất nhiên, nhưng dọn dẹp có giờ của dọn dẹp, cũng như ăn uống, nghỉ ngơi vv… cũng có giờ của ăn uống, nghỉ ngơi rồi.
Do đó tôi phải dùng cái thời khoá biểu ngầm trong ngày của tôi, thành tôi mới kết chặt với cái mền trong hệ thống mền dày, mỏng của tôi tuỳ theo 4 mùa ở miền ôn đới này.
Hôm qua đứa cháu đích tôn nghỉ cuối tuần, về thăm nhà, cháu học nội trú ở trường đại học gần nhà nhất .
Cháu bảo với bố mẹ nó, là con trai và con dâu của tôi, nó sẽ đi chơi với bạn thân hồi học trung học.
Đó là một cậu bé, con đầu lòng của một gia đình người Hispanic. Gia đình này đông con như các gia đình VN xưa.
Có nghĩa là cả nhà gần 10 người sống nơi chung cư nghèo, bố làm nghề thổi kèn khi có dịp ai mượn, bán đồ qua loa ở chợ trời vùng tôi cư ngụ. Mẹ cậu phải ở nhà để coi đàn con, gia đình sinh sống bằng tiền trợ cấp.
Mấy năm trước từ trường học về, William hay vô nhà chúng tôi, sau mỗi buổi trưa, con dâu tôi mua thức ăn cho cháu tôi và đứa bạn nó.
Từ khi mãn khoá, 2 thiếu niên đó 2 nơi, cháu tôi học ” văn hoá ” bình thường, còn William vô trường nhạc thuộc Los Angeles. Hỏi ra thì William cũng theo ngành…kèn, như vậy là cái nghiệp của nhà cậu ta rồi.
Tôi thấy cháu tôi và bạn nó đi bộ tới cái Mall gần nhà, một giờ sau chúng đã về nhà lại, tôi hỏi lên chợ ngắm chơi thôi hả, không mua gì, không ăn uống gì à ?
Cháu tôi lắc đầu. William lấy 1 lon Coca với 1 quả chuối xanh, rồi lẳng lặng ra đường.
Không hỏi, tôi cũng thấy rõ sự bình yên và nỗi trống vắng của 2 cậu sinh viên này.
Tôi không ngạc nhiên, nhưng thấy tội cho những cậu bé mang vẻ thiên thần ấy.
Tôi nói với cháu tôi là: ” lần sau cháu về, bà sẽ cho 50 dollars cháu mời William đi ăn sáng ở cái tiệm Mỹ bình dân kia kìa .
Ý tôi muốn cháu tôi duy trì tình bạn thủa thiếu niên, bởi vì tình bạn hay tình cảm thời niên thiếu sẽ bàng bạc dần dần, rồi mất hẳn.
Trong cuốn ” Con Người Cô Độc ” của nhà văn Lỗ Tấn , ông bảo nếu chúng ta không nuôi dưỡng tình cảm, tình bạn từ thủa bé thơ, tức là không gần gũi nhau, thân mật với nhau, thì mỗi chúng ta là một người cô độc đi suốt hành trình cuộc đời.
Cháu tôi ngẩn ngơ, cậu ta lắc đầu, hình như ai cũng có nhiều việc để làm, sao phải băn khoăn về một người bạn chứ.
Chưa kể còn rất nhiều người bạn khác nữa …
Chẳng lẽ lại phải ” thân thiết ” kiểu bà nói, thì trời ơi, tụi con còn làm được gì đây ?
Bỗng có tiếng chim hót ở vườn sau, tiếng chim trong suốt như tiếng nước reo nơi một dòng suối nhỏ…
Tôi tung mền ngồi dậy,rồi xếp mền, rồi bước ra cửa ngoài vườn sau nhà.
Một dãy chim sẻ đậu ở dây điện thoại trên cao, chúng cứ ríu rít hót chào nắng mới .
Ô loài chim bé nhỏ mà còn biết gọi bạn về chung vui, huống hồ loài người đã được trời phú cho bao nhiêu ưu thế diễn đạt bằng những ngôn ngữ tuyệt vời, mà sao không xử dụng, lại vô ngôn, tịnh khẩu làm chi nhỉ ?
Như vậy làm người phức tạp quá, mặt khác, bao nhiêu ngôn ngữ cũng chưa đủ, chưa diễn đạt hết, đến nỗi phải xử dụng thêm những tiếng nổ, để hỗ trợ cho ý nghĩa muốn diễn tả thế nào cơ.
Đó là nguyên uỷ của chiến tranh.
Anh đã từng vào sinh ra tử ngày xưa, tiểng nổ đã xoáy mòn tâm tư khách tang bồng rồi, thành bây giờ anh muốn xài ngôn ngữ của chim thôi, tức là đơn âm, đơn điệu được rồi .
Thêm một lần nữa tôi thất bại với tư tưởng đằm thắm của ông nhà văn họ Lỗ xa xưa.
Thôi thì hằng ngày nghe chim hót, nhớ anh được rồi…
CAO MỴ NHÂN