văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, April 8, 2018

CAO MỴ NHÂN ** Tự Đánh Rớt Mình


Có lẽ nào ở cuối cái Fwy 91 ấy, có một khu nhà vườn in hệt những ngôi nhà vườn ở Huế ngày xưa, và chủ ngôi nhà này, là một thanh niên lai Mỹ Việt đang bước vào tuổi trung niên, mẹ anh ta đặt tên cho anh ta là Sâm, từ những ngày còn ở VN. 
Bà mẹ Việt của anh vốn sinh trưởng ở quận Duy Xuyên, tên Hường, ngày tôi lập gia đình ở Đà Nẵng, bà đã có chồng trước tôi vài năm, nhưng không có nghĩa là bà lớn hơn tôi, may ra thì 2 đứa bằng tuổi nhau.
Chồng bà Hường là một người trong họ nhà ông xã tôi. Chưa hết tuổi đi lính, nên ông ta xin được vô ngành cảnh sát, để không phải đi tác chiến. 
Ngoài thì giờ làm việc ở Ty Cảnh Sát, ông ấy đi tới đi lui quanh đường Độc Lập, đại lộ chính của thành phố Đà Nẵng.

Cặp ấy có 2 đứa con thì rã đám, bà Hường theo người cùng làng đi bán " bar " để kiếm tiền nhiều hơn làm vợ một cảnh sát viên hào hoa phong nhã, tiền lương chỉ đủ xài cho 2 thú vui riêng của ông ta là uống bia lon và hút thuốc lá đầu lọc, sản phẩm được chuồi ra từ P/X trong quân đội Hoa Kỳ, vào thập niên 60 thế kỷ trước. 
Do thế bà Hường có một đứa bé lai Mỹ trắng.
Chính đứa bé này, là quý nhân giúp  cho gia đình bà tới Mỹ theo diện con lai, năm 1990, năm đó cậu  ta 20 tuổi, năm nay thì 48 tuổi . 
Ngó Sâm, ra hẳn một " sir " Mỹ trắng. Với 28 năm sống ở quê cha, học hành tới bến, cậu đang làm việc cho sở di trú Hoa Kỳ . 

Từ ngày nhận quốc tịch USA, tất cả những trớ trêu chiến tranh VN, cậu chẳng cần u hoài. Nếu không có 20 năm sống lay lắt bên quê mẹ, nói được tiếng mẹ đẻ ra, thì quả là Sâm nhìn quê hương VN như một đất trích. 
Từ ngày vừa nêu trên, cậu đã là Sam chi đó, không phải Kiều Văn Sâm như trong khai sinh VN nữa. 
Tuy vậy Sam cũng quen mấy người bạn đồng lứa con nhà HO/VN, vì ở quê xưa, là dân cùng xóm vậy thôi . 
Tôi kể hơi dài về nhân thân Sam như mấy hôm nay người ta nói Sam là con lai ông Mỹ già kia, mà nào có được hưởng chút tiếng tăm hay của cải gì nơi ông Mỹ ấy . 
Sam nhận trợ cấp hồi mới từ VN qua đây, được mượn tiền để đi học, may mà học được tới nơi tới chốn, đi làm vv...chứ cứ vất vưởng như hồi còn kẹt ở VN, thì có lẽ suốt đời thầm lặng ôm nỗi buồn không tên, không tuổi cho tới chết. 

Tôi vừa nhìn thấy chữ " end freeway ", thì cũng bắt kịp chiếc xe lái quặt vào trong sân một ngôi nhà vườn bơ thờ hoa lá...
Mẹ cậu Sam đã chờ chúng tôi ở tam cấp cửa ra vào. Bà mặc đầm, trông trẻ hơn tuổi đến cả chục năm, cười nói hơi ồn ào: 
" Sao bà qua đây mà vẫn cứ như ở VN vậy ? " 
Tôi ngơ ngác: " Là sao hả bà, tôi không hiểu ?" 
Mẹ Sam lấy tay kéo kéo cái áo thung mầu tím của bạn cho tôi, quần cũng mầu tím nhưng lạt hơn tím áo . 
Ý nói sao tôi không mặc đầm giống bà...
Ô sao bà không nhớ tôi đã " suốt đời mặc đầm " thời gian trước 30-4 -1975 đó à ? 

Tôi phục vụ trong Quân Đội VNCH, chẳng những mặc đầm lính, mà còn mặc đầm civil nữa chớ.
Ấy chưa kể còn mặc đầm Hướng Đạo VN kìa. 
Thành với tôi, bộ đồ quần áo tím "ton sur ton " này, là đẹp lắm rồi, vả lại đi thăm bạn bè thường chứ có đại yến, tiểu yến gì cho cam. 
Tôi hỏi thăm 2 cháu con ông chồng VN của bà. Bà cười thú vị : " dễ sợ lắm, cả 2 đứa đều có chồng Mỹ, chị em nó rủ nhau đưa chồng Mỹ về VN chào ông bà cố, rồi còn đi du lịch VN cho biết đó biết đây nữa."
" Chưa về lại đây mô " 
Rời VN, chúng còn đi Thái Lan coi voi, coi rắn nữa cơ, tôi nghĩ ở đời không tính trước được đâu, ngày xưa bà, là tôi đấy, đã từng đưa phái đoàn bà trung tướng Lễ vô làng tôi ở Duy Xuyên cứu trợ nạn lụt . 
Bà thấy làng ông trung tướng Lễ quê tôi nghèo dễ sợ chưa? 
Cha mẹ tôi, bà Hường, cũng là một nhà nghèo ở Duy Xuyên, có khi nào nghĩ được bọn tôi như vầy không hà? 

Bà nói gì thì nói, quả tình tôi chán cái mớ đời đi,vì có một chút họ hàng xa bên ông xã, ghé thăm bà cho có tình, có nghĩa quê hương, bản quán thôi, hình như tôi vô cảm với quý vị này. 
Tôi tự hỏi có phải cái gốc họ nghèo khổ, giờ được dịp phất lên, hay tại tôi không thật lòng thương mến họ. 
Có lẽ cả 2 lý do đều không phải.
 Vậy thì chỉ tại đi tìm cái chân thiện mỹ ở đời, sự việc phải được lọc qua một lớp vỏ dày văn hoá, mới san bằng tư duy chung chung được.
Chao ôi, có là bể khổ không? 
Tôi hỏi trống không: " Ai trồng loại hoa hồng tỉ muội này vậy ? 
Tới lượt mẹ Sam ngơ ngác: " Có ai đâu, thằng Sam nó rước ở home depot về đấy. 
Nghe mẹ nó nhắc tên Sam, nó vội chạy ra vườn xem chúng tôi định nhờ nó gì chăng. 
Biết chuyện hoa hồng tỉ muội trồng trong vườn, Sam cười: "loại hoa hồng nhỏ này, có rất nhiều trong nghĩa địa Rose Hill, những người Nhật đầu tiên gởi xác ở quê người, đã nhớ nhung nước Nhật, nên trồng hoa hồng nhỏ để thay thế hoa anh đào, cho đỡ bâng khuâng, trầm cảm..."

Mới chỉ nghe thế thôi, tôi đã thấy mình như người bị bỏ rơi, không bám vào chỗ nào ở nơi này được. 
Ngày từ Saigon ra Đà Nẵng nhận nhiệm sở mới, hình như tôi cũng lênh đênh như hôm nay, đến một xứ lạ. 
Phải có cái gì, điều gì lôi kéo mình, cho mình bám chặt vào, như là cha con chồng vợ vv...ruột thịt, hoạ may mới đứng vững được ...không thì dễ bị suôi tay, tự đánh rớt mình xuống vực sâu thôi. 
Sam nghe tôi nói về những ràng buộc thiêng liêng, cậu bé bỗng thở một hơi dài: " chính cháu có bố mẹ ở đây, nhưng không có những rung động thật sự , chắc phải có một tình yêu  để an ủi, vuốt ve tình cảm cháu, e mới đứng vững được ..."
Có lẽ thế thực cháu ạ ... tôi lơ đãng trả lời Sam, đứa con lai ít nhiều bị đặt giữa hai mảng  vườn văn hoá khác biệt . 

          
 CAO MỴ NHÂN