văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, April 12, 2018

HỒ TRƯỜNG AN ** Vĩnh Hảo với Tuyển Tập "Giấc Mơ và Huyền Thoại"


Tác phẩm VH đã xuất bản
  
Vĩnh Hảo khi ra hải ngoại đã cho xuất bản 13 tác phẩm gồm có thơ, tâm bút, truyện ngắn và truyện dài. Vào tiết Mạnh Xuân năm Giáp Thân (2004), khi tôi thực hiện quyển biên khảo Bảy Sắc Cầu Vồng, nhà văn nữ Nguyễn thị Thanh Bình có gửi cho tôi tập truyện Thiên Thần Quét Lá  và tuyển tập Giấc Mơ Và Huyền Thoại. Tôi rất tâm đắc hai quyển này.
Vĩnh Hảo có một sở tri (connaissance)  rất phong phú, rất rộng rãi và uyên thâm về Phật Giáo.
Tác giả  xác định khuynh hướng và chủ đích của mình như sau trong bài Tựa:
“Đây không phải là tuyển tập của những truyện dài viết ngắn mà là truyện ngắn viết dài bằng cái hơi ngà ngà chếnh choáng của một kẻ chưa hề say rượu bao giờ, nhưng say men đời qua những giấc mơ và huyền thoại. Say rượu, hay say men đời, có khi do những người khác thúc ép , khích động, cổ võ, và đôi khi dụ dỗ. Say rượu, dù gì cũng dễ chịu hơn vì chỉ có tính cách giai đoạn. Hết men rượu thì tỉnh lại. Nhưng say trong giấc mơ và huyền thoại thì khổ lắm: kéo lê cả đời mình trong những ảo tưởng. Cái đó không đổ lỗi cho ai được. Chỉ có thể coi như một thứ đồng phận, hay một thứ nghiệp dĩ mà con người, ở bất cứ thời gian và nơi chốn nào, phải gánh chịu khi hiện hữu trên đời.
Giấc mơ và Huyền thoại chẳng qua chỉ là kết quả thoát thai từ những chuỗi dài đớn đau cùng khổ của tâm thức con người. Một vài điều viết ra trong tuyển tập có thể làm buồn lòng một số người vì đã nêu bật một cách phũ phàng những mặt trái của sự thật, của thần tượng và những lý tưởng thời thượng. Nhưng dù gì thì đây vẫn là một tập truyện hư cấu. Giả như cớ một sự trùng hợp nào về nhân danh, địa danh, hoàn cảnh riêng, lý tưởng chung, tâm thức riêng, niềm tin chung... thì chẳng qua cũng chỉ là sự trùng hợp hư huyễn trên những điều vô cùng hư huyễn của cuộc đời.
Tác phẩm tự nó không yêu cầu được thừa nhận, cũng không thách thức sự phủ nhận nào; cho nên bạn không cần ra sức bênh vực hoặc loại trừ nó-bởi vì chính nó tự quyết định số phận của nó rồi: giấc mơ và huyền thoại.”
(Tựa, các trang 7, 8)

Giấc mơ và huyền thoại nói vắn tắt là những u minh vọng động dù tốt lành tích cực hay dù ác hiểm tiêu cực đi nữa vẫn kết tập nên một bức màn vọng thức từ vô lượng kiếp che mờ cái Chân Tâm tĩnh lặng và trong sáng của mọi cá thể. Cho nên Chân Tâm trở thành tâm thức, làm cho chúng sinh chìm dắm vào cơn mê trùng trùng phiền não.
Những kẻ trong cõi Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới này, dù ở trong cõi tịnh độ hay ở cõi uế độ đều khó tìm lại cái Chân Tâm tròn sáng, tịch tịnh cũ.
Tác giả khiêm tốn cho rằng tác phẩm của mình tự nó là giấc mơ và huyền thoại rồi tức là tác giả lẫn tác phẩm chưa thoát ra khỏi cơn mê như bao chúng sinh trong cõi hồng trần này rồi. Cho nên anh xin độc giả không cần phải đánh giá cao thấp, không cần khen chê nó nữa. Nhưng, bút giả xin thưa tác giả: chúng ta còn sống trong cõi hành tinh này nói riêng, trong cõi Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới này nói chung tức là những cõi còn chìm đắm trong vòng tương đối. Như thế, mọi cái mà chúng ta có thể nắm bắt qua 5 giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, da thịt luôn cả ý niệm nữa, thì có cái nào chẳng là cái thoát ra khỏi vòng tương đối để giúp chúng ta được phá mê trừ khổ, đạt tới cái Chân Tâm vô thỉ vô chung đâu? Như thế tác giả, tác phẩm luôn cả bút giả, độc giả vẫn sống và sinh hoạt trong vòng tương đối, trong cơn mê trùng trùng chất ngất  cả. Vậy không lẽ tác phẩm do anh viết ra mà không để cho ai đọc sao? Mà hễ đọc sách rồi thì đố ai tránh khỏi cái trí phân biệt, khỏi khen chê, không chấp nhận hay phủ nhận sao?
Song tuyển tập Giấc Mơ và Huyền Thoại  tuy vẫn nằm trong bức màn vọng thức dầy đặc của người viết, rồi được chào đời giữa cõi mộng tưởng điên đảo này; nhưng dù sao nó vẫn là một trong muôn vàn ngón tay chỉ về cơn tỉnh thức rốt ráo. Có vậy nó mới  đưa hành giả nhận diện được những vọng thức kết tinh bằng những giấc mơ và huyền thoại,  nếu chưa phải là ác mộng kinh hoàng hay những huyền thoại hôn ám. Có nhận diện là có giác ngộ. Có giác ngộ là có cơ hội để thoát cơn mê. Viết quyển sách này, tác giả dù biết sách cũng vẫn nằm trong cơn mê, nhưng anh vẫn quyết tâm giúp người mê bắt đầu khởi cuộc đăng trình trên con đường phá mê trừ khổ. Đây là trường hợp đạp gai, không tìm cách nào hơn là lấy gai mà lể (tiếng Bắc gọi là nhể) vậy.

Bây giờ chúng ta hãy đi vào tác phẩm của Vĩnh Hảo. Truyện ngắn đầu tiên dù có cái tựa Điệp Khúc Yêu Em quá đỗi âu yếm đa tình, nhưng quý nữ độc giả sẽ hơi thất vọng khi đọc nó xong. Đây không phải là truyện tình thuần túy. Nó mở rộng cho chúng ta một vấn đề bao la thâm thúy trong cõi tâm linh hơn. Nhưng ý tình và ngôn ngữ của truyện được tác giả chôn giấu dưới mặt chữ.
Truyện kể có một nhân vật tên  Năm cục mịch quê mùa, rất đôn hậu, rất yêu vợ con, ăn ở chí tình với mọi người. Khi qua Mỹ định cư, gã có biệt tài về ngoại ngữ, có biệt tài nhái giọng người khác. Đã nhái được giọng của người khác, gã còn biết giả giọng người khác nữa. Theo tác giả Vĩnh Hảo,  nhái giọng chỉ là lập lại giọng nói đã nghe, còn giả giọng thì dựa vào giọng nói của một người rồi nói ra được những lời mình chưa hề nghe người ấy nói bao giờ (sic). Nhờ đó mà Năm nhái đuợc, giả giọng được mọi giọng các ca sĩ nổi tiếng ở Hoa Kỳ trong các thập niên 60, 70, 80. Từ đó, gã trên thành một siêu sao trong giới trình diễn và trở nên giàu có. Gã giúp đỡ cha mẹ vợ và hai thằng em vợ, giúp đỡ luôn những ngưòi quen biết. Gã vẫn chung tình với vợ.   Nhưng Lộc, vợ của Năm vẫn buồn bã, héo hắt giữa nếp sống nhung lụa, xa hoa. Nàng luôn nhớ lại câu tỏ tình e ngại, ngập ngừng của Năm dưới ánh trăng nơi quê hương vào thuở hoa niên, mở đầu cho cuộc ái tình và hôn nhân giữa Năm và nàng sau này. Dù Năm vẫn yêu nàng, vẫn chưa hề có cuộc liên hệ ngoại hôn, nhưng nàng cảm nhận một cách sâu sắc rằng trong tâm hồn gã có một biến chuyển, dù tế vi đi nữa, đã làm biến dạng giọng nói của gã.

Khi Năm gạn hỏi vợ nguồn cơn nỗi buồn của nàng thì nàng cho chồng biết:
 "-  Cái giọng nói của anh lúc ấy... nó chân tình, ngây ngô trung hậu, dễ thương, hồn nhiên lắm, anh có biết không?
 - Ơ... chỉ vậy thôi sao? Anh đã nói gì há, à anh nói 'tui thương em' rồi sau đó 'anh thương em'... phải không?
- Phải, nhưng cái giọng đó là giọng thật của anh, còn bây giờ, anh chỉ nói với em bằng cái giọng của người khác thôi. Mỗi ngày, mỗi ngày, em cố lắng nghe, để tìm lại cái giọng ngày xưa của anh, nhưng em thấy anh không còn nói bằng cái giọng đó nữa. Giọng anh bây giờ là giọng của người khác. Ôi, anh có biết không, cho dù giọng vàng, giọng bạc, giọng của vua, của tổng thống, của siêu sao màn bạc, của ca sĩ lừng danh... của bất cứ thượng đế, thiên thần, thiên sứ, triết gia, nhà văn, nhà thơ nào đi nữa... thì vẫn là giọng giả thôi, vẫn là giọng của họ thôi. Hàng ngày anh mang những người ấy, hết người này tới người kia về nhà này để sống chung trong căn nhà này. Ôi căn nhà này đầy ắp những thượng khách. Em thật là mệt với những hình bóng của các người lừng danh nổi tiếng. Họ thật xa lạ đối với em, chẳng cho em chút thoải mái nào cả. Em không phủ nhận tất cả những thành công của anh lâu nay là nhờ anh giả được cái giọng của họ y hệt, nhưng đó là giọng trên sân khấu, còn ở đây, trong căn nhà này, trong đời sống hàng ngày bên nhau, em chỉ cần anh, cần cái giọng thật của anh, cái giọng mà hôm nào dưới trăng anh ấp a ấp úng nói lời tỏ tình đầu tiên với em... Em chỉ cần có chừng đó thôi. Em chỉ cần cái giọng một trăm phần trăm của anh, không bắt chước, không giả, không cóp nhặt, không vay mượn của bất cứ ai trên đời . Anh cho em đi, anh hãy tìm lại giọng nói cho em đi. Em van anh, hãy tìm lại cái giọng ấy cho em, đừng đánh mất nó. Anh đánh mất nó thì làm sao em tìm thấy nó được, hu hu..."
(Điệp Khúc Yêu Em, các trang 23, 24)
Vậy, để chiều vợ, Năm bắt đầu lập lại nhiều lần giọng tỏ tình thuở xưa. Nhưng lần nào gã cũng thất bại vì cũng trong ba tiếng 'anh yêu em' xưa cũ,  cái âm sắc vẫn xa lạ và không còn là cái âm sắc trong giọng nói vào cái đêm trăng thuở hoa niên tại miền quê xưa.
- Được rồi, được rồi... để anh nói lại giọng của anh, để anh nói lại...
- Không, giọng đó không phải của anh, của ca sĩ Vũ Linh.
- Để xem, à giọng của anh đây rồi.
- Không, đó là giọng của cựu Trung tướng Nguyễn Minh.
- Từ từ, chịu khó một chút em ơi, đây nè, giọng anh như vầy nè, 'anh thương em'.
- Không phải, giọng đó của ông nghị viên thành phố.
- Anh thương em.
- Không phải, giọng đó của nhà văn Phạm Tôn
- Anh thương em.
- Không, của thi sĩ Bùi Lâm.
- Anh thương em.
- Không phải.
- Anh thương em.
- Không phải.
- Anh thương em.
...
(Điệp Khúc Yêu Em, các trang  24, 25)

Không biết độc giả nào tìm ra được cái ẩn dụ của câu chuyên trong Điệp Khúc Yêu Em hay không? Nhưng bút giả nói ra đây dù không đúng với ý tình của tác giả chôn dưới mặt chữ đi nữa, song câu chuyện này làm cho tôi liên tưởng đến cái Chân Tâm và tâm thức ở cách nhái giọng và giả giọng của gã nghệ sĩ tên Năm kia. Tiếng nói thật sự của gã trong chợ đời không đưa danh vọng gã lên cao không giúp gã hái ra tiền của, đâu được như tiếng nhái giọng và tiếng giả giọng của gã. Người ta hoan hô, chiêm ngưỡng cái giả của gã làm cho âm sắc (timbre) nguyên sơ và chân thật trong giọng nói của gã mất đi. Lộc, vợ gã chỉ muốn nghe, muốn sống với giọng nói nguyên trinh của gã lúc gã e thẹn ngập ngừng tỏ tình với nàng. Đó là tiếng nói phát xuất từ tấm  lòng thành khẩn của gã, phản ảnh nguyên vẹn niềm rung động thiết tha và chân thực của gã. Nàng không thích sống với cái giọng lấy giả  làm chân của chồng trong cuộc sống lứa đôi của nàng.
Giọng nói của mỗi cá nhân có một âm sắc riêng, không có âm sắc nào giống âm sắc nào. Giọng nói thật sự của Năm làm tôi nghĩ đến cái sự thật tuyệt đối, cái Chân Tâm vô thỉ vô chung. Vậy mà âm sắc của kẻ khác (ẩn dụ cho những tấm màn vọng thức) che lấp tiếng nói chân thật nguyên vẹn của Năm (ẩn dụ cho Chân Tâm), biến nó ra nhiều tiếng nói xa lạ với tâm tình của Lộc. Đó là những tiếng nói giả hiệu, lúc thì là giọng của người này, lúc thì là giọng người kia, biến đổi thất thường và không ngừng nghỉ. Cũng vậy, một khi Chân Tâm trở thành  tâm thức rồi thì nó biến hiện đủ mọi hình thức, không thường trụ tịch tịnh như Chân Tâm.
Năm giải nghệ, ngày tối cứ lập ba tiếng 'anh thương em', nhưng gã không làm sao nói lại được giọng nói cũ của mình. Chân Tâm một khi bị che mờ bởi vọng thức và biến thành tâm thức thì khó cho chúng ta tìm lại nó, nếu chúng ta không được hướng dẫn bởi ánh sáng giác ngộ và nếu chúng  ta không trì chí tu tập để xua tan vọng thức.

Truyện thứ hai Đường Lên Núi Linh  cũng là truyện đạo, nhưng mật ngữ mật ý  trong truyện chập chờn hiện rõ hơn. Truyện kể về một ngọn núi không phải đẹp ở sắc thúy màu lam mà là ngọn núi thiêng, nhiều người đến đó, nhưng lại ít có kẻ về. Trong những kẻ trở về đó, có người cho biết rằng mình đến đó nhưng không tìm gặp đường đi lên. Có kẻ bảo đến đó chỉ thấp thoáng bóng nhà sư. Bởi núi đó có một bức màn huyền bí bao bọc nên thiên hạ dệt cho nó biết bao huyền thoại và truyền kỳ và họ gọi nó là núi Linh.
Có hai nhà sư trẻ đến đó gặp một lão tăng, xin được làm đệ tử  của ngài. Lão tăng xưng mình là người giữ cửa.  Đây là câu chuyện giữa thầy trò:
... Người đệ tử lớn tuổi, được coi là sư huynh và được lão tăng đặt cho đạo hiệu là Tuệ Trí, nhíu mày hỏi :
- Bạch thầy, xin hỏi cửa gì ạ.
Vị sư cười nhẹ, nói :
- Cửa Không.
- A, à... cửa Không. Nhưng... cửa Không thì đâu cần gì phải giữ, bạch thầy? Và cái cửa Không sẽ dẫn đến đâu? Có phải là...
- Dĩ nhiên nó dẫn đến 'nơi ấy', vị thầy khoát một cử chỉ mơ hồ hướng về đỉnh núi, nhưng không phải ai muốn vào cũng được. Ta giữ cửa là theo ý nghĩa đó, nghĩa là ta có bí quyết, có chìa khóa cho những ai hội đủ điều kiện vượt qua cửa không này...       
(Đường Lên Núi Linh, các trang 29, 30)
"... Cửa ấy không có cánh. Và nó bắt đầu ngay từ bước chân con chứ chẳng đâu xa. Có điều, không phải bước chân nào cũng cất lên được một cách hài hòa và phù hợp với chiều kích của cánh cửa ấy."
(Đường Lên Núi Linh, trang 30)

Không tức là Chân Không, cái Không tuyệt đối, chứ không phải là cái Không đối đãi với cái Có. Nó vốn vô thỉ vô chung, không có cái đối đãi, không sinh không diệt không đóng không mở.  Trong các kinh Phương Đẳng hay các Kinh Đại Thừa, nó còn có những cái tên như Chân Tâm, Niết Bàn, Giác, Tánh, Tri Kiến Phật, Như Lai Tàng, Bản Lai Diện Mục. Trong triết học, nó có cái tên Sự Thật Đầu Tiên Và Cuối Cùng, Sự Thật Tuyệt Đối, Sự Thật Tối Hậu, Linh Tượng (Esprit, nói theo Platon). Còn Lão Tử gọi là Thái Hư.
Cái Không nó ở sẵn nơi mọi chúng sinh, mọi cá thể thì làm gì  có cửa để mà ra hay vào?  Hễ có cửa thì có đóng có mở, có ra có vào, tức là có đối đãi nhị nguyên. Tinh thần Bát-nhã, cái xương sống, cái then chốt trong các Kinh Đại Thừa rất kỵ cái nhị nguyên, cái đối đãi. Nó còn được gọi là Tinh Thần Bất Nhị. Theo tinh thần nầy thì đóng tức là mở, ra tức là vào, xóa bỏ cái chấp nhị nguyên, xiển dương cái vô phân biệt trí. Vâng, cái Không ở sẵn nơi chúng ta, vì bị vọng thức che mờ nên chúng ta không nhận ra nó. Nhưng nhờ chúng ta tu tập, vọng thức chúng ta tiêu tan đi, lúc ấy chúng ta tìm gặp lại (nói cho đúng hơn, đó là chứng ngộ) cái Không tự tánh, vô thỉ vô chung kia. Cho nên tác giả nhấn mạnh ở câu: Và nó bắt đầu ngay từ bước chân con chứ chẳng ở đâu xa. Đó là tác giả cốt chứng tỏ cho chúng ta cái cửa Không ấy ở sẵn nơi chúng ta vậy.
Tuy nhiên viết một truyện ngắn căn cứ trên Phật pháp, để cho độc giả chưa hề đọc kinh Phương Đẳng Đại Thừa, hay để cho những kẻ tu hành ở bậc sơ cơ, tác giả phải cụ thể hóa cái Không thành một thế giới và ban cho nó một cánh cửa để độc giả dễ nắm bắt ý tình của mình hơn. Thường thì chúng ta gọi chùa là cửa Không thành ra quen miệng, đáng lẽ gọi đó là cái cửa giúp hành giả tu tập để chứng ngộ cái Không đúng hơn.

Sau 3 năm học tập. Tuệ Trí và Tuệ Đức được lệnh thầy xuống núi hành đạo, lập công đức để vào cửa Không. Để thử cái căn tu của hai đệ tử, lão sư hỏi họ cái hiểu đạo của họ ra sao thì Tuệ Đức vốn khù khờ chậm chạp chỉ biết nói rằng:
- Qui y Phật,  quy y Pháp, quy y tăng, lời nói và ý nghĩ luôn phù hợp với Phật, Pháp, Tăng.
Tuệ Trí vốn thông minh lanh lợi, đời nào chấp nhận câu có chữ nghĩa xoàng xĩnh dùng làm kinh nhật tụng của bậc sơ cơ như thế. Cho nên chàng nói hai câu nổ vang hơn:
       Nhìn mây bay, thấy tóc xanh thuở xưa còn buông xõa
       Nghe chim hót, tin tiếng lòng năm cũ mãi âm vang.
Lão sư khen ngợi mỗi người có một căn tính, một sở đắc khác nhau, nhưng đều là thiện xảo, không nên phân phân biệt cao thấp. Cái khác nhau là ở chỗ diệu dụng, diệu quả của phương tiện mà thôi. Ở trường hợp Tuệ Trí, chúng ta có cảm tưởng đương sự sắp đốn ngộ thành Phật tới nơi.  Chúng ta đã thấy gì ở hai câu kệ của thầy? Mây bay và chim hót ở vào thời hiện tại. Tóc xanh và tiếng lòng ở vào thời quá khứ. Nhà sư đưa mây bay vào thuở xưa, đưa chim hót vào năm cũ. Như thế, cặp vận sự mây bay và tóc xanh cùng  cặp vận sự chim hót và tiếng lòng làm hiển lộ quá khứ và hiện tại nhập vào nhau làm một, không có lằn mức giữa quá khứ và hiện tại. Như thế, chúng ta tưởng chừng như thời gian  đối với Tuệ Trí không bị chia chẻ thành quá khứ và hiện tại dưới nhãn quan chứng ngộ của đương sự. Bởi vì đương sự  làm như đã thấy được và đã tin tưởng được mình đã nắm bắt được cái mầu nhiệm của tâm cảnh: từ tâm thức với cái óc phân biệt chuyển qua Chân Tâm đặt trên nền tảng vô phân biệt trí.

Khi hạ sơn nhập thế, Tuệ Trí nhờ điển trai và phong nhã, lại ăn nói có duyên, lại được đa văn và biện tài vô ngại nên nổi danh bậc cao tăng thạc đức trong công việc thuyết pháp. Chàng có nhiều tín đồ, nhiều bậc quý tộc trọng vọng, tiền của vào như nước. Chàng trở nên giàu sang, ngồi trên đỉnh vinh quang cao chót vót. Do đó, chàng chẳng cần chứng nghiệm tâm linh, cứ sáng chế những thuyết mới mẻ với ngôn từ hào nhoáng, diêm dúa và lạ lẫm để quyến rũ và thu phục quần chúng. Chàng cũng  quên về núi Linh gặp thầy cũ và để được đi vào cửa Không. Còn Tuệ Đức không ở chỗ nào nhất định. Chàng đến những ngôi chùa nghèo ở làng quê hẻo lánh, nơi mà Phật pháp suy yếu hoặc chẳng lưu hành để hoằng pháp độ sinh.

Sau đó, Tuệ Đức tìm tới Tuệ Trí để cùng nhau đến núi gặp thầy. Lão sư bèn hỏi công đức, công phu tu tập và chuyện ái dục của cả hai:
"Tuệ Đức cung kính thưa:
- Quy y Phật, quy y Pháp, quy Tăng. Ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh không rời một khoảnh khắc.
Tuệ Trí nghe vậy cũng muốn bật cười lên, nhưng chưa kịp cười thì sư phụ đã hỏi đến mình:
- Tuệ Trí, con nói đi.
Tuệ Trí tự tin thưa:
- Trên đầu sợi tóc mỹ nhân, thấy sự mầu nhiệm linh thiêng của thế giới hoa tạng; ngày đêm ăn ngủ nói cười mà vẫn cùng Phật Tổ sánh vai không rời một bước.
- Sở học cao thâm, ngữ khí trượng phu lắm. Nhưng đối với ái dục thì sao, nói ta nghe, Tuệ Trí ?
- Có vướng cũng không bận, Tuệ Trí tự tin  đáp.
Sư phụ quay qua Tuệ Đức:
- Đối với ái dục con thế nào?
Tuệ Đức thưa:
- Lắng trong không vướng không bận."
(Đường Lên Núi Linh, các trang 43, 44)

Khi lão sư bảo cửa Không đã sẵn mở, yêu cầu hai đệ tử bước vào thì chỉ có Tuệ Đức khù khờ lại được hoát ngộ, đi lên đỉnh núi và biến vào thinh không, rồi từ trên núi lướt xuống, chắp tay bái biệt rồi bay thẳng xuống núi. Còn Tuệ Trí thông thái và tăng-thượng-mạn kia cảm thấy hai chân nặng như đeo đá không sao cất lên nổi. Chàng hỏi lão sư tại sao có sự lạ như thế? Lão sư bày giải:
"- Hoa tạng thế giới của con đâu mà giờ này còn hỏi. Đã cùng với Phật Tổ sánh vai thì cần gì tìm Phật tìm Tổ trên núi ! Kiến tánh thành Phật rồi thì ra vào tự tại, có cánh cửa nào ngăn  ngại được đâu. Cửa Không có bao giờ đóng đâu mà cần phải thầy mở. Kiến tánh rồi tự khắc thấy đường thôi. Tuệ Đức thong dong được là lẽ đó.
Tuệ Trí bây giờ mới thức ngộ, bật khóc. Bao nhiêu danh từ và chương cú  hoa mỹ về Phật, về Thiền, về Hoa Nghiêm, về Bát Nhã, về Lăng Già, về Như Lai Tạng Tính... mà lâu nay chàng từng sử dụng, bây giờ mới thấy chỉ là những cụm từ rỗng tuếch, không dính nhập gì đến thực tại tối hậu."
(Đường Lên Núi Linh, các trang 44, 45)

Tuệ Trí là người đa văn, biện tài vô ngại dù biết nghĩa-thú kinh kệ, nhưng không chịu hành trì, chỉ nhắm vào nhu cầu thời đại và ý thích của quần chúng mà giảng kinh để thu phục đồ chúng, kiếm chác hư danh. Chàng xây nhiều chùa, nghĩ mình đã tạo công đức. Nhưng đó chỉ là làm công quả thôi. Công đức thì còn ở chỗ hành trì, tu tập đúng theo hạnh nguyện của Đức Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát. Trong Thiền sử  Trung Hoa, có vận sự khi Đức Sơ Tổ Bồ-đề Đạt-ma vượt biển từ Ấn Độ sang Trung Hoa nhằm thời kỳ Nam Triều Bắc Triều. Ngài yết kiến vua Lương Võ Đế (Nam Triều) để luận về công đức. Xin cùng đọc quyển Tổ Thiền Tông  của Thích Thanh Từ, do Phật Học Viện Quốc Tế Xuất bản (năm 1981, Phật lịch 2524):
Vua Võ Đế hỏi:
- Trẫm từ lúc lên ngôi đến nay thường cất chùa, chép kinh, độ Tăng ni, không biết bao nhiêu mà kể, vậy có công đức gì chăng?
Ngài đáp:
- Đều không có công đức.
- Tại sao không có công đức?
- Bởi vì những việc ấy là nhơn hữu lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi người cõi trời, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.
- Thế nào là công đức chơn thật?
- Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự không lặng, công đức như thế chẳng do thế gian mà cầu.  
(Tổ Thiền Tông, các trang 159, 160)


Truyện ngắn Đường Lên Núi Linh nầy còn nêu thêm một vấn đề then chốt: Trong Phật giáo, cái đa văn, tức là kiến thức Phật pháp quảng bác, viễn thâm và phong phú chưa chắc giúp hành giả chứng ngộ. Thị giả của Phật là ngài An-nan tôn giả vốn nổi tiếng đa văn nhưng chứng ngộ A-la-hán sau bà Ma-đăng-già. Trước đó, bà này tuy nổi danh  là yêu cơ dâm nữ đã từng say mê diện mạo phương phi của A-nan, và sở tri về Phật pháp của bà chẳng xuất sắc. Nhưng bà giốc lòng tu niệm sau khi được Đức Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni giảng lẽ vô thường của vạn pháp vạn hữu. Bà chứng quả A-la-hán trước ngài A-nan ở công phu hành trì  và quán niệm lẽ vô thường.
Như thế, kẻ đa văn mà không hành trì tu niệm thì chỉ là cái đãy đựng kinh, làm sao chứng ngộ thành Phật hay thành Hiền Thánh Tăng được?
Riêng Tuệ Đức tuy là kẻ độn căn,  chỉ biết quy Tam Bảo một cách thành khẩn. Dù chàng không hiểu rõ cái nghĩa thậm thâm của  câu 'Quy y Phật, quy  Pháp, quy Tăng. Ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh không rời một khoảnh khắc', nhưng chàng giốc tâm hành trì rồi độn căn biến dần thành tuệ căn để chàng kiến tánh thành Phật.
Lão sư đề cập đến trường hợp Tuệ Đức như sau:
"- ... à, con có nhớ những lời đơn sơ của Tuệ Đức không? Quy y Phật, Pháp, Tăng. Tại sao ? Vì quy  Phật là trở về thể tính thanh tịnh, đoạn trừ tất cả những tham dục, cấu bẩn ; quy y Pháp là trở về trí tính vô biên, đoạn trừ hết những si mê, cố chấp và lòng kiêu ngạo ; quy y tăng là trở về tự tính hòa hợp bình đẳng, trừ bỏ những lòng hận thù ganh ghét..."
 (Đường Lên Núi Linh, trang 45)
Thế rồi Tuệ Trí không trở về chùa. Ông ở lại với lão sư để tu hành theo sự hướng dẫn của sư phụ mình.

Bút Ký Của Một Nhà Thơ-Điên  không phải là một truyện ngắn mà là một bài tiểu luận có xen một vài đoạn tùy bút với lối hành văn thấm nhuần thi vị. Chúng ta tạm thời nhận định một điều cơ bản: bài viết có đoạn điên, nhưng vẫn có các đoạn tỉnh. Và kỳ diệu thay, trong điên có tỉnh, trong tỉnh có điên. Đó là lẽ tương đối mà Phật giáo và Lão giáo xiển dương: trong cái Sắc vẫn có cái Không, trong cái Không vẫn có cái Sắc (Phật giáo); trong Dương có Âm, trong Âm  vẫn có Dương (Lão giáo). Tác giả Vĩnh Hảo khởi đầu bằng những đoạn như sau:
"... Hắn đi thật rồi. Một nhà thơ. Một gã điên. Một bàn viết. Một cái gạt tàn. Một cuộc đời. Hắn có điên không nhỉ ? Cái đó khó mà nói được. Có thể đối với cuộc đời, đối với thiên kỷ mới này, hắn điên thật đấy. Không tin à ? Thì thử đọc những gì hắn viết xem. Hắn viết rất tỉnh. Đây là bài tỉnh nhất của hắn. Nhưng không bao giờ được chúng ta chấp nhận.Vậy thì hắn điên thật rồi còn gì ! Nhưng nói cho cùng thì gã điên một cách đáng yêu. Một gã điên rất thơ. Một gã điên không quậy phá, không phiền nhiễu ai. Điên một cách lặng lẽ âm thầm. Hắn vào đời bằng nỗi điên âm thầm rồi từ giã cuộc đời cũng bằng nỗi điên âm thầm ấy..."
(Bút Ký Của Một Nhà Thơ-Điên)

Ba diểm xương sống của bài bút ký nầy là ba điều mà nhà thơ điên kia tán dương: được làm thi sĩ, được điên và được hút thuốc. Ở phần hút thuốc, gã điên nói nhiều gấp năm gấp sáu lần hai phần kia. Cho nên khi mới vào truyện, tác giả trình bày cho độc giả thấy cái  gạt tàn thuốc trên bàn viết của gã.
Trong nghệ thuật viết lách, gã thi sĩ điên kia chê văn xuôi (bút ký, nhật ký, tùy bút, tự truyện, truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài). Gã chỉ suy tôn thơ. Người thơ gắn liền vào người điên theo quan niệm của gã:
"Ôi, hãy tưởng tượng một thế giới thường tình! Nó kinh tởm và dị dạng khủng khiếp biết bao! Làm sao những người điên và những nhà thơ có thể sống trong đó được nhỉ! Người ta không biết rằng khi mọi thứ trên đời đều được sắp xếp gọn ghẽ, ngăn nắp, ổn định, nề nếp ngay hàng thẳng lối, và nhất là an ninh, trật tự... và  heathy!... ờ, ờ, lành mạnh, tức là sức khỏe cá nhân cũng như môi trường sinh thái, và cả tinh thần nữa, đều được chùi rửa, kỳ cọ cho trong sạch, thì thế giới bước vào một cơn khủng hoảng cực kỳ khiếp đảm thần sầu! Một cơn khủng hoảng với sự thác loạn của những cơn điên, mà lại là những cơn điên không thơ mộng..."
(Bút Ký Của Một Nhà Thơ- Điên, trang 51)

Kiểu lý luận này chỉ hợp với một thiểu số người sống buông thả, phóng khoáng, một loại không theo lề thói (non-conformiste) hay thái thậm hơn nữa, đó là loại chống lề thói (anticonformiste). Vì tác giả báo trước cho chúng ta biết gã thi sĩ đó điên. Cho nên chúng ta không lấy làm lạ rằng cách ăn nói, cách nhận xét nhân tình thế thái của gã đa số là cường điệu. Dĩ nhiên là gã nói nhiều điều sai bét, nhưng vẫn có vài điều gây chấn động mạnh vào sự thật bị xã hội và lề thói che giấu hay ngụy trang dưới tầng lớp ảo tưởng dầy bịch và khô cứng. Vài điều gây chấn động mạnh ấy xé rách bức màn ảo tưởng của chúng ta, để chúng ta bắt gặp một sự thật trần trụi lõa lồ.
Còn về thơ thì sao? Dĩ nhiên là gã thơ điên kia phải biện hộ, bênh vực nghệ thuật thi ca và những nhà thơ chớ bộ. Vẫn là những lời lẽ cường điệu chủ quan đối với người không thích thơ thẩn, đối với những người tuy thích thơ nhưng bị chi phối bởi tham vọng tài lợi, hư danh. Nhưng đối với người sống chết với thơ, đam mê  thơ như tình nhân hoặc sùng bái thơ như một tôn giáo thì lời nào của gã cũng lọt, cũng ngấm sâu vào trái tim và tâm hồn họ cả. Lý Bạch thuở Thịnh Đường bên Tàu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê thuở tiền chiến, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, Hoàng Trúc Ly, Nguyễn Đức Sơn, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, Trần thị Tuệ Mai đều là những người chỉ sống chết cho thơ, chắc chắn sẽ cảm ứng và cảm thông những lời của gã thơ điên kia:
"... khi những người điên và những người sắp điên không còn cơ hội để điên nữa, cũng như những nhà thơ và những người đọc thơ không còn cơ hội để thơ nữa, thì thế giớì sẽ hỗn loạn theo chiều hướng thiếu hẳn chất điên và chất thơ. Tình trạng của thế giới hơn năm ngàn năm nay là tình trạng hỗn loạn rất thiên nhiên được điều hướng và dung hòa bởi những nhà thơ, những nhà điên. Khi cái đầu của những nhà thơ và những nhà điên từ từ được tẩy rửa đi chất thơ và chữa lành đi chất điên thì nhân loại cũng từ từ bước vào một kỷ nguyên của sự không-thơ-không-điên! Nhân loại sẽ tự hào, sung sướng với điều họ đang làm để cứu chữa, cứu nguy cho hành tinh này, mà kỳ thực, họ đang tay trong tay đề huề bước vào một cõi chết tàn úa, khô khan, lạnh lùng..."    
(Bút Ký Của Một Nhà Thơ-Điên, các trang 52,  53)

Nếu xét cho cùng, thì gã thi sĩ kia điên vì dị ứng với những con người thường tình chiếm đa số trong xã hội. Nhưng có ai tự hỏi con người được tiếng là lành mạnh có thực sự thức tỉnh hay không khi đương sự còn bị chìm đắm trong cõi đại mộng như cõi Ta-bà này? Mấy ai trở thành người thức tỉnh, được giác ngộ trước cảnh dâu bể vô thường huống chi đạt tới mức chứng ngộ của các bậc Hiền Thánh Tăng? Gã thi sĩ kia điên. Còn chúng ta thì mê vẫn hoàn mê. Cái điên và cái mê đều còn bị kẹt trong giấc mơ và huyền thoại; cái điên kẹt sâu, cái mê kẹt cạn. Đối với gã thi sĩ điên kia, chúng ta có thể tự hào được chăng ngoài vụ chúng ta có được một cuộc sống vật chất trật tự, có nề nếp do xã hội quy định? Như thế chắc gì chúng ta tìm được một cuộc sống có hồn, có ý nghĩa? Như thế chắc gì về phương tiện tâm linh, về phương diện tinh thần mấy ai được hạnh phúc và tự tại như gã?

Bài bút ký nầy có đoạn tiền pháo hậu xung việc cấm hút thuốc lá, món trợ hứng thanh cao đối với  gã thơ-điên. Đoạn này dài nhất, chì chiết nhất, cay đắng nhất nhưng lại hùng biện nhất. Tôi chỉ có thể nêu lên và trích dẫn một vài điểm quan yếu mà thôi.
Gã thi sĩ điên không thể chấp nhận được cái giả thiết hồ đồ của các nhà khoa học cho rằng thuốc lá sẽ là giảm thiểu khả năng tình dục của người đàn ông. Do đó gã  phản pháo lại:
"... Thử tưởng tượng thêm một chút nữa đi: sau khi những lời cảnh cáo trên đưa ra, những người trong bang hội chống thuốc lá hẳn là rất đắc ý, ngồi rung đùi nhấp trà nóng ăn bánh ngọt để chúc mừng nhau, ca tụng nhau... và chính vì không hút thuốc nên vấn đề tình dục của họ rất mạnh, họ cũng sẽ ăn mừng bằng những cuộc hành lạc thâu đêm suốt sáng, vợ hay chồng không đáp ứng được nhu cầu tình dục của họ thì họ lăng quăng lắn quắn đi tìm đối tượng khác, mèo mả gà đồng, loan phụng nem chả... tệ hơn thì dẫn đến những vụ hãm hiếp bậy bạ, hoặc hãm hiếp có sự đồng thuận của nạn nhân, hoặc sách nhiễu tình dục với người cùng sở, khác sở, với người cùng nhà, khác nhà... cho đến cả những bậc mẫu mực đứng đầu trong chính quyền, trong tôn giáo, trong ngành giáo dục vẫn cứ bị mang tiếng mang tai như thường về chuyện tình dục bậy bạ... Sao vậy? Có cái gì thừa mứa bất ổn nơi những thân thể cường tráng không bịnh của những người không hút thuốc chăng? Và quí vị hãy trả lời dùm tôi câu hỏi này: làm sao có thể giải quyết được nạn nhân mãn trong tương lai như quí vị yêu cầu trong khi quí vị rất là hí hửng đưa ra cái 'giả thiết' là thuốc lá làm giảm tình dục? Rồi quý vị còn thòng thêm một câu vừa hăm dọa vừa khích lệ rất ư là dâm đãng: 'Có lẽ từ nay (khi giả thiết này được đưa ra) các đấng  mày râu sẽ giảm đi chuyện hút thuốc rất nhiều bởi vì chẳng ai muốn giảm đi cái chuyện cần thiết...'. Làm như là cuộc sống chỉ có ròng một thứ nhu cầu phàm tục ấy vậy! Rõ là một thứ giả thiết được đưa ra bởi một nhóm phụ nữ, hẳn là vậy, vì quí vị nghĩ rằng đối với đàn ông thì có một thứ họ khoái nhất, muốn dụ dỗ họ thì chỉ cần nhắm vào cái khoái ấy thôi..."
(Bút Ký Của Một Nhà Thơ-Điên, các trang 60, 61, 62)

Bài bút ký này sáng lộng lẫy về tư tưởng đã đành, nhưng cái chất thơ mộng  trong đó cũng dồi dào lênh láng như giòng nước sông xuân sau mùa băng tan tuyết rã. Nó biểu lộ tâm hồn nhạy cảm của tác giả đối với cái đẹp tiềm ẩn trong những cảnh vật tầm thường mà chỉ có những cái nhìn đặc thù mới tìm gặp:
"... Đây này, điếu thuốc này, cách đây trăm năm hay ngàn năm, hay là ở ngay trong hiện tại này, ở những nơi chốn khác nhau, có những người không hề biết nhau, không từng thấy mặt nhau, không từng nghe tiếng nhau, đang cùng đốt lên và phà những làn khói mỏng vào không gian. Một gã tình si đứng lặng bên bờ hồ. Một văn sĩ bên cửa sổ nhìn ra vườn sau. Một thi nhân đứng trên đỉnh núi cao. Một người lính trận lom khom tựa mình vào vách đá. Một kỹ nữ gõ nhịp chân trên hè phố vắng khách. Những người bạn tri âm gặp gỡ nhau. Những người tình quay quắt chờ đợi nhau. Những người tử tù thức sáng đêm trong ngục thất. Những bờ sông. Những quán cà phê vỉa hè. Những công viên với ghế đá bỏ trống. Những sân trường không thấy bóng sinh viên. Những bãi đậu xe vắng ngắt. Những hàng hiên không người qua lại. Những bình minh tráng lệ huy hoàng. Những buổi trưa văng vẳng tiếng còi tàu xa xa. Những màn đêm ôm xiết bao tình sầu. Những buổi chiều màu nắng lặng lẽ rơi xuống cùng nỗi bâng khuâng nhớ nhà. Ôi cái gì thế? Vâng, những nơi chốn, những hoàn cảnh, những tâm tình, những thời gian, đã lần lượt hiện hữu rồi trôi đi cùng khói thuốc. Người ta chỉ thấy cái đẹp của những tác phẩm mỹ thuật mà không thấy cái đẹp lặng lẽ vô danh của những điếu thuốc trên tay của người nghệ sĩ. Không thấy những tàn tro âm thầm rơi xuống. Không thấy những làn khói mỏng lãng đãng bay lên. Khói, tro tan biến đi. Chỉ có nghệ phẩm là ở lại lâu dài với đời. Người thưởng lãm, người ái mộ, làm bạn với nhà nghệ sĩ khi ông ta buông bút xuống. Chỉ có điếu thuốc mới là người người bạn đường của nghệ sĩ trong những phút trầm lắng nhất của tư duy, trong những cơn dật dờ phiêu hốt nhất của mộng tưởng và hoang tưởng..."
      (Bút Ký Của Một Nhà Thơ-Điên, các trang 69, 70)

Gã điên vẫn giữ  vai trò luật sư biện hộ cho điếu thuốc. Nhưng ở đoạn này, độc giả chúng ta có thể tìm lại những phong vị trữ tình và thi vị trong tập tùy bút Phấn Thông Vàng  của Xuân Diệu và trong tập tùy bút Dưới Mái Trăng Non  của nữ sĩ  Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, nhưng ý tình của Vĩnh Hảo mở ra được một chân trời bao la hơn  ý tình trong hai tập tùy bút kia.
Những lời lẽ trong bút ký của gã thơ điên khế hợp với những kẻ không thể đóng khung trong cái thường tình khô cứng sượng chai, với những kẻ cùng đồng tâm và đồng cảnh ngộ như gã. Đây là những lời phản kháng sôi nổi, tích cực có, mà tiêu cực cũng có luôn. Ở trên mặt đất này, những kẻ như gã thi sĩ điên kia tuy ít oi, nhưng vẫn hiện hữu ở mọi thế hệ. Đó là những người không thích ứng với cái thường tình, chỉ muốn trốn vào giấc mơ của mình. Giấc mơ ấy được hình thành bằng thơ, bằng khói thuốc, bằng cơn điên, tức là bằng những chất liệu giúp họ quên đời và giúp họ vẫy vùng bơi lội một cách thống khoái trong cơn lim dim phiêu diễu tuyệt vời. 
"Cuộc đời tương lai mà các bạn nỗ lực gầy dựng nó sẽ như vậy, giống như một trường học tôn giáo hay một bệnh viện tâm thần. Thế giới ngày mai có thể là không còn thuốc lá nữa và đồng thời cũng không còn bất kỳ một nghệ phẩm sáng tạo nào ra đời nữa -  nói vậy không có nghĩa rằng không có thuốc lá thì không sáng tác; mà chỉ có nghĩa rằng, khi những cá nhân bị lùa đi như vịt vào một ao tù có vòng rào vây sẵn, bị đồng hóa đến tận cùng hơi thở, nụ cười và suy tưởng để kết thành một tổng thể từ trên xuống dưới giống nhau, từ trái qua phải đều nhau, từ trước đến sau chẳng khác, thì thực sự là chẳng còn một thứ gì có thể được coi là 'nghệ phẩm'. Chỉ có những sản phẩm được sản xuất bởi những đầu óc toán học nghiêm chỉnh. Thế giới này sẽ không còn chất thơ. Và không còn chất điên. Tôi không muốn chờ đợi thế giới ấy trở thành hiện thực, vì vậy tôi phải lên đường trước. Đi đâu đấy à? Chắc là vào rừng sâu núi thẳm, hay một xó xỉnh xa xôi nào đó, nơi mà 'chút thơ mộng ấy hãy còn, anh về thì cũng vừa tròn trăm năm'."
(Bút Ký Của Một Nhà Thơ-Điên, các trang 74, 75)
  
Lò Đúc cũng là một truyện ngắn ngắn gắn thật chặt vào chủ đề giấc mơ và huyền thoại. Ở đây chúng ta gặp gỡ một nhân vật tên Hàn, vốn là thợ sơn, trúng số 128 triệu Mỹ kim. Hắn  sợ bị cướp giựt giết chóc nên sống âm thầm và khiêm tốn trên tiền rừng bạc biển của mình. Hắn không vợ con (vì sợ khi ly dị vợ phải chia đôi tài sản). Tuy nhiên, ai biết được cái bịnh háo danh của hắn?  Chính hắn cũng không biết rằng theo thói thường của nhân tình thế thái thì hễ ai đã giàu có rồi thì lại nghĩ đến danh vọng. Chữ Phú phải đi kèm với chữ Quý thì cách đọc mới du dương lảnh lót.
Hàn những tưởng cuộc đời cô đơn  trên núi vàng của mình vẫn tiếp tục trôi qua trong lặng lẽ tẻ ngắt, nếu không có tên thầy bói Thất Sơn tử xúc xiểm xúi giục hắn mở cuộc cầu danh. Không hiểu Hàn nghĩ sao mà móc bóp tặng đương sự mấy trăm bạc. Và hai người bàn tán thêm một chập nữa, Hàn ký cho Thất Sơn tử thêm một tấm chi phiếu. Khuynh hướng ham danh và ý thích cầu danh của hắn đã hiện ra lộ liễu.
"- ... Nói ông Hàn nghe kể từ nay, làm theo lời cố vấn của tôi thì ông chắc chắn sẽ bước lên một con đường thênh thang, nổi danh nổi tiếng khắp thế giới. Thật đó, tôi không nói cường điệu đâu. Đấy, đấy, cứ nhìn ngoại tướng của ông cũng đủ thấy rồi. Minh đường sáng rỡ, da mặt hồng bóng lên... Khi cái số tốt nó đến mình muốn tránh cũng không được mà..."
(Lò Đúc, trang 80)

Hàn theo lời dặn của Thất Sơn tử đến viếng chủ nhân một biệt thự tráng lệ nguy nga. Lão tự khoe là đã đào tạo những kẻ nổi danh như: Thần đồng thế kỷ, Đại thiền sư, Con thứ của Thượng Đế, Thanh Đề giáng thế, Đại học giả, Nữ thần của Tình ái, Đại văn hào, Đại nhạc sĩ đời mới, Siêu hoa hậu phương Đông, Chiêm tinh thánh giá, Thần y giáng phàm.
Tật háo danh của Hàn tiếp tục bị khích động. Nhưng hắn thú thật mình học hành lở dở, không có tài cán gì đặc biệt, nhưng muốn có chút tiếng tăm, tuy nhiên vẫn muốn được sống như người thường, cũng có vợ có con, chớ không chịu ép xác như thầy tu. Lão chủ nhân thuyết phục Hàn, hứa hẹn đưa hắn lên tuyệt đỉnh danh vọng và sau đó nhận một số tiền với năm con số zéro, có nghĩa là hàng trăm ngàn Mỹ kim. Lời thuyết phục như sau:
"- Ô hay, nói cậu nghe, ở đời này, những thiên tài thực sự là thiên tài thì chỉ được nổi danh sau khi họ chết: còn khi sống, họ chỉ là những hồn ma vất vưởng, sống với thế giới cô quạnh triền miên do chính họ tạo dựng nên, chẳng ai sờ mó được, chẳng ai bước vào được. Những bậc thiên tài đó thì do Thượng đế tạo dựng. Thượng đế lắt léo lắm, chỉ muốn ba cái chuyện thử thách rườm rà không cần thiết. Còn thiên tài bước ra từ cái lò của tôi đấy hả, nổi danh và được quyền hưởng thụ ngay trong đời này. Có một chút tài thì ta thổi cho thành cái tài vĩ đại không ai bì nổi, không có chút tài nào ta biến cho thành đa tài đa năng. Có tài hay không có tài, đều phải nhờ đến cây đũa thần của ta cả. Có tài mà chẳng biết cách đàu tư cho cái tài của mình thì ai mà biết đến chứ. Ở thời đại này, phải biết tuyên truyền, quảng cáo, cò mồi thuận và nghịch. Không có tuyên truyền quảng cáo, không có đệ tử cò mồi bênh vực và giả đò chống đối, thì chẳng làm sao mà thành thiên tài được cả."
(Lò Đúc, trang 89)

Khi Hàn hỏi lão chủ nhân lò đúc thiên tài, tại sao có những thiên tài giả hiệu do sự tuyên truyền, bịp bợm theo kiểu cò mồi vậy mà vẫn có bậc trí thức học giả chạy theo tôn sùng. Nãy giờ độc giả chúng ta đã thấy cái óc châm biếm và trào lộng của tác giả sắc bén là dường nao. Giờ đây anh tiếp tục buông  thêm vài mũi tên để bắn hàng triệu con chim. Đoạn nói về bọn trí thức u mê ám chướng về phương diện tâm linh là một trong những mũi tên đó:
"-  ... Nói cụ thể, nền giáo dục hiện đại chỉ đào tạo nên những trí thức khoa bảng chuyên ngành, học ngành nào biết ngành đó. Cái đám trí thức trường lớp kia có biết gì về tôn giáo đâu! Cho nên ngoài xã hội, hay trong ngành của chính họ, thì họ là những con người có giá lắm, nhưng xếp hàng vào những cái ghế để nghe giảng về tôn giáo thì họ chỉ là những con số zéro mà thôi. Hà, hà, mười con zéro cộng lại với nhau vẫn là con zéro thôi cậu ạ. Cậu không thấy điều đó sao? Cậu nên biết rằng ở bất cứ ngành nào cũng vậy, diễn giả trình bày vấn đề chuyên môn cho những người cùng ngành thì mới là diễn giả cao cấp, chứ còn diễn thuyết cho những người không biết chi về ngành đó thì chỉ nói những điều cơ bản thôi, có khó khăn chi..."
(Lò Đúc, các trang 95, 96)

Có  những tu sĩ Phật giáo lập ra phái Thiền rồi  tạo cò mồi quyến dụ những nhà trí thức hay các học giả Âu Mỹ đến nghe để tuyên truyền cho thiền phái của mình thêm đông tín đồ có óc vọng ngoại (tin tưởng và quí chuộng người Tây phương bởi mặc cảm tự ti chủng tộc và do căn tánh nô lệ). Do đó mà lũ tín đồ cuồng tín Việt Nam đó tung tiền ra cúng dường cho giáo chủ Thiền phái ấy rất hậu. Lại có nhà sư khoe: 'Bọn Tiến sĩ Tây Âu phải sắp hàng đến học Thiền do tôi dạy'. Chúng ta cũng thừa hiểu rằng dân chúng Âu Mỹ có tật phân tách và tổng hợp mọi việc vì họ nhiễm nặng tinh thần ông Descartes (esprit cartésien). Phân tích hay tổng hợp thuộc về suy luận. Mà Thiền rất kỵ suy luận. Khi đốn ngộ, thiền giả  nhờ trực giác thù thắng và kỳ diệu nên đạt được cái Chân Tâm nhiệm mầu, do kết quả của Thiền định. Ở pháp môn Thiền, càng suy luận (phân tích và tổng hợp), hành giả càng xa cách sự thật tuyệt đối (tức là cái Chân Tâm) vạn dậm. Muốn chứng ngộ, những hành giả ưa suy luận ấy cũng như  ở vào trường hợp lấy cát nấu thành cơm, nhưng than ôi chỉ có gạo mới nấu thành cơm được mà thôi. Gạo là trực giác, cát là suy luận. Bộ óc chúng sinh thì nhỏ tí teo, cái Chân Tâm đốn ngộ thì rộng vô biên, chúng sinh làm sao đo lường bằng suy luận được?  Chúng ta thừa biết người Tây phương càng trí thức bậc cao  bao nhiêu, càng có kiến thức phong phú bao nhiêu thì càng ưa suy luận bấy nhiêu. Cho nên họ khó mà học Thiền. Họ gặp  cái gọi là sở tri chướng  tức là gặp nhiều trở ngại do kiến thức tạo ra hơn, không thể dễ dàng thực tập Thiền như người Đông Nam Á  Châu nói chung, người Phật tử Việt Nam nói riêng. Cho nên dùng bọn trí thức Tây phương u mê làm cò mồi là cái mánh mung rất  phổ thông của các sư sãi Việt Nam ở hải ngoại.
Lão chủ nhân càng hăng say thuyết phục Hàn về cái oai nghi của bậc thiên tài trong khi Hàn áy náy về phong cách tên thợ sơn thất học của mình :
"-  ... Này nhé, tất cả thân chủ của tôi đều có chung chung một kinh nghiệm, một cảm giác là: dù mình chẳng có  gì xứng đáng là thần thánh cả, nhưng khi một số người mê tín theo mình thì tự dưng mình cảm thấy mình là thần thánh thật. Mà khi có được cảm giác ấy rồi, tự dưng hành động, cử chỉ, lời nói của mình trước đám đông bỗng trở nên nghiêm trang, dị thường, tương xứng ngay với vai trò của thần thánh. Chính cảm giác đó vây bọc lấy mình, tạo cho mình cái hào quang thần thánh. Cái hào quang đó tỏa ra rồi đấy hả, nó loang đi khắp nơi, loang trên những tiếng nói, loang trên những hình sắc, loang trên giấy mực, rồi loang vào đầu óc, tạo nên một làn sóng, một phong trào đam mê... Đam mê cái gì cậu biết không? Không phải đam mê ông thần bà thánh mà đam mê chính cái u mê quên mình của mình."
(Lò Đúc, trang 97)

Sau một hồi bàn bạc, lão chủ nhân khuyên Hàn nên chọn ngành sáng tác thơ để ông ta sẽ biến hắn thành thiên tài thần thánh của thi ca dù hắn chẳng biết gì về thơ. Lão chủ nhân bày vẽ cho hắn như sau:
"-  ... chữ nghĩa bây giờ đấy à, có gì đâu, đã chết hết rồi. Nhất là chữ nghĩa trong thơ, nó bị tuốt hồn đi, chỉ để lại cái xác. Gọi là thơ 'xuất hồn' ấy mà. Xuất hồn đi thì còn lại cái xác thôi chứ gì. Thế thì cái xác chết này đặt bên cạnh cái xác chết kia, có gì phải ngại ngùng.
"... Nghĩa là trong đàu cậu nó hiện ra cái chữ chết băm  chết tiệt nào thì cậu viết nó xuống giấy, một chữ một hàng, hai chữ một hàng, ba chữ một hàng hay mấy chục chữ một hàng cũng được cả. Thậm chí trên một trang  giấy, cậu chỉ cần ghi xuống một chữ thôi, một chữ nói lên cái gì cậu đang thèm... chẳng hạn, chữ 'gái' hay chữ 'rượu' rồi thì chính chữ đó cũng là một bài thơ tuyệt tác đấy cậu ạ! Chẳng cần giai điệu tiết tấu chi ráo trọi. Cũng chẳng cần gieo vần. Và dĩ nhiên là không cần luôn cả luật bằng trắc. Thế mới khỏe chứ. Thơ kiểu ấy ai làm cũng được cả..."
(Lò Đúc, trang 99)

Võ Phiến nổi danh lối văn châm biếm sâu sắc. Nhưng ông chỉ châm biếm lớp dân quê dốt nát, dở hơi ở quê hương ông. Còn Vĩnh Hảo thì dùng óc châm biếm để làm nổi bật cái u mê ám chướng của kẻ háo danh tự cổ chí kim trong cõi uế độ Ta-bà nầy. Cái châm biếm của anh mở rộng một vấn đề vô biên và vĩnh cữu mà con người không bao giờ giải quyết nổi.
Từ mấy năm qua, thi ca ở hải ngoại bị phá sản ở mọi mặt: tinh thần, nghệ thuật, thẩm mỹ, ý tình... Họ làm thơ chỉ cần có chữ chớ không cần có ý. Họ cần cái thây ma của chữ được trang điểm diêm dúa và được phục sức lòe loẹt chứ không cần chữ có linh hồn, tức là không cần chữ nghĩa còn sống nhăn, còn tươi rói, còn thấm đượm ý tình. Họ lại đời nào thèm chú trọng tới ý đẹp, tư tưởng thâm thúy trong thơ. Một chữ 'gái' của một thi sĩ cà chớn  mà có thể làm thành một bài thơ tuyệt tác, lại nhờ một phê bình gia có kiến thức thì bé tí teo nhưng to mồm rộng họng tán dương. Rồi đó bọn văn nghệ sĩ  thời thượng  hùa theo sủa mừng tung hê ỏm tỏi. Lại còn có kẻ tán dương bài thơ con nhái di chuyển chỗ này qua chỗ nọ, trồi lên giếng hay lặn xuống giếng, đương sự cho là một siêu phẩm thi ca. Ngôn ngữ đáng sợ thật! Cái lưỡi không xương của kẻ mồm loa mép giải thật mềm mại và uyển chuyển tuyệt vời! Ai muốn nói gì thì nói, cốt khoa trương cái khẩu tài và cái ngụy biện tuyệt luân của mình.
Phàm ở đời, nhà nghệ sĩ không sáng tạo nổi cái mới lạ đâm ra phá phách một cách điên khùng vô trách nhiệm. Một nhà phê có kiến thức trét chưa đầy một lá rau răm, nhưng muốn lôi cuốn sự chú  của bọn thời thượng, bọn có ảo tưởng mình là kẻ trí thức, đương sự cắn bậy sủa càn những cái đẹp chân truyền để tôn vinh những cái không giá trị trong văn chương.

Quỳnh Hoa là một truyện ngắn nói lên tâm hồn thi sĩ  và ý thức về sự vô thường của một anh chàng tên Hưng. Chàng yêu hoa quỳnh cũng như yêu vợ có cái tên Quỳnh Hoa nổi tiếng xinh đẹp khi còn son giá. Nhưng khi có hai con gái tên Thư và Thi với chàng, nàng mất vẻ thanh cảnh, tươi mát ít nhiều. Cho nên tình yêu của chàng đối với vợ  tuy vẫn còn  dựa trên nền tảng thỉ chung, nhưng vẫn làm cho chàng suy nghĩ lẽ vô thường của vạn pháp vạn hữu như sau:
"Hai bé Thư và Thi ngồi làm bài tập cho ngày mai. Hưng nhìn chúng bất chợt lại nẩy lên ý nghĩ rằng chính cái đẹp ngày xưa của Quỳnh Hoa đã hóa thân thành hai đứa con gái. Con người luôn luôn níu kéo và bám víu vào cái gì mình ưa thích để tự đánh lừa rằng mình vẫn tồn tại theo thời gian. Nhưng có cái đẹp nào có thể còn mãi với thời gian? Tất cả đều trôi về quá khứ. Chỉ có tình yêu là hướng về tương lai. Ôi, rõ khùng! Con người một khi khởi lên tình yêu đều có khuynh hướng nghĩ đến một tương lai nào đó. Người ta kéo cái tình yêu đó dài ra theo năm tháng, theo sự mê loạn của chính mình, nhưng sự thực thì không thể có một tình yêu kéo dài. Bi kịch của tình yêu nằm ở chỗ đó. Khơi dậy một thứ tình yêu rồi tô vẽ tính cách dài lâu. Trong ảo tưởng về tính cách dài lâu của nó, sẽ thấy cái đẹp thật ngắn ngủi. Cho nên, nếu yêu người là yêu vì cái đẹp của tâm hồn hay thể xác thì không làm gì có một mối tình chung thủy! Cái đẹp nào cũng trôi đi, cũng thay đổi, tàn tạ theo thời gian cả. Chỉ có cái đẹp hiện tiền, chợt hiện chợt biến, trong khoảnh khắc, làm dậy lên một thứ tình yêu, cũng trong khoảnh khắc. Không có cái đẹp kéo dài. Tất cả đều hiện hữu và mất đi trong khoảnh khắc. Ngay trong khoảnh khắc ấy, nếu bắt được nó thì nó trường tồn miên viễn; không bắt được nó thì khởi sự cho một ảo tưởng kéo dài."
(Quỳnh Hoa, các trang 122, 123)

Cái khoảnh khắc mà ta nắm bắt đuợc đó là một thời điểm mầu nhiệm dành cho thiền giả. Thiền là gì? Nói gọn là sống thực sự, sống tỉnh thức và sống bằng cách thắp sáng hiện hữu trong thời điểm hiện tiền. Người Tây phương gọi đó là ici-maintenant. Nếu diễn dịch ra đó là thời điểm tại-chỗ-này-hiện-giờ. Nó không chia chẻ thành ba thời (như quá khứ, hiện tại, vị lai) hoặc phân ra ba chốn  (như tại đây, bên kia, những nơi khác). Nắm bắt vĩnh viễn cái thời điểm hiện tiền tức là đi vào trạng thái chứng ngộ cái Chân Không Diệu Hữu vậy.
Hưng phải là một Phật tử đã từng tham khảo kinh kệ dài lâu. Sự biến dạng của thân vóc của Quỳnh Hoa làm chàng tư duy những điều lấn sâu vào lãnh vực Phật pháp. Nhưng Hưng lại nhận xét mối tình giữa Quỳnh Hoa và chàng qua lăng kính tâm lý có vẻ quyến rũ hơn vì nó dễ hiểu hơn, gần gũi với tâm tình và khiếu thưởng ngoạn của độc giả hơn:
"... Cũng theo chàng, cái đẹp không phải là cái đối nghịch với cái xấu qua kết quả thẩm định của số đông, mà chính là thực tại của sự vật khi số đông hay từng cá nhân chưa kịp phán xét và thẩm định nó... Cho nên khi Quỳnh Hoa từ một hoa hậu mảnh khảnh trở nên một thiếu phụ đẫy đà, rồi dần dần trở thành người đàn bà hai con nặng ký như hôm nay, Hưng vẫn cứ thấy nàng đẹp và tình yêu nơi chàng vẫn thế, có vẻ chẳng đổi thay gì. Dầu vậy, thoạt khi Hưng cũng đâm nghi ngờ chính mình. Chàng cho rằng có thể chàng chỉ tự dối lòng, tự an ủi mình thôi; cái đẹp  ngày xưa của Quỳnh Hoa không còn nữa, và cái đẹp hiện tại của nàng chỉ là bóng dáng nhập nhòa của bao kỷ niệm chồng chất lên nhau. Thời gian cuốn trôi đi, cuốn phăng bao vẻ đẹp thực tế của hương sắc con người. Không cưỡng chống được sự tàn phá vô tình ấy, con người đành chắt mót những kỷ niệm vui buồn từng chia xẻ với nhau làm thành tố để gìn giữ tô chuốt lại vẻ đẹp ban đầu của người yêu..."
(Quỳnh Hoa, các trang 114, 115)

Hưng muốn tổ chức mời thân hữu đến nhà uống trà ngắm hoa quỳnh nở dưới trăng. Quỳnh Hoa lại đề nghị trước tiệc trà là bữa tiệc thịt nướng. Điều này làm Hưng hơi phật lòng vì có cảm tưởng tiết mục thịt nướng sẽ đưa tạp chất vào cái thú ngắm hoa của mình. Nhưng mục thịt nướng vẫn được tổ chức. Hưng nhận thấy khách tới thưởng hoa đa số là những tục khách thích ăn nhậu và họp bạn cuối tưần, còn khách thích thanh thưởng hoa quỳnh nở dưới trăng rất ít. Ăn thịt nướng xong, có vài kẻ lác đác ra về. Lại thêm có tên bạn, nhỏ hơn Quỳnh Hoa 2 tuổi, trước kia theo ve vãn Quỳnh Hoa. Nhưng khi nàng trở thành vợ của Hưng, hắn vẫn duy trì  giao du với vợ chồng chàng  qua tư cách cậu em nuôi của Quỳnh Hoa. Từ lâu hắn thường dùng những câu ỡm ờ nửa đùa nửa thực để tán tỉnh nàng. Hưng không ưa tên này, chàng giả bộ thản nhiên nhưng trong bụng vẫn ghen ngầm.

Giờ đây, trong buổi họp mặt hắn lại ba hoa chỉ dạy mọi người nấu canh hoa quỳnh. Cái đẹp của hoa trở thành món ăn phàm tục qua cái miệng thạo đời của hắn làm mọi người say sưa theo dõi mà quên nghĩ đến việc thưởng hoa. Hưng tức sôi lên, lôi hắn ra ngoài đường và  tống cổ hắn trước khi vào nhà cùng bằng hữu uống trà thưởng hoa.
Trong truyện ngắn này, Vĩnh Hảo vẫn không bớt phần tâm linh, nhưng anh còn bày tỏ một tâm hồn bén nhạy với cái đẹp và một niềm rung cảm rất nghệ sĩ của Hưng:
"Hoa quỳnh bắt đầu nở. Từng đóa, từng đóa, như hẹn trước với nhau, cùng run rẩy cựa mình dưới ánh trăng mờ nhạt. Trong thoáng chốc, chậu hoa với cành lá xanh mướt uốn éo như bầy rồng đã được điểm bằng những hoa lớn trông như những nàng tiên áo trắng từ cõi nào đáp xuống vườn này. Cuống hoa đỏ, từ các cạnh của những phiến lá mỏng mà túa ra, cong xuống dưới rồi lại vươn lên, nâng những nụ hoa nghiêng chênh chếch về hướng người ngắm -  có vẻ là như vậy; nếu cuống hoa nâng nụ hoa thẳng đứng lên thì người ngắm không làm sao thấy những nhụy hoa lấm tấm vàng và rất cầu kỳ bên trong. Hoa quỳnh lớn mà không thô. Đài các mà không kiêu sa. Thơm dìu dịu chứ không ngào ngạt. Vậy rồi hương thơm cũng tỏa ngát một vùng."
(Quỳnh Hoa, trang 131)

Truyện ngắn Nụ Cười  vẫn là một truyện ngắn luận đề, nhưng không phải là loại luận đề về chính trị, xã hội, phong tục mà là luận đề về tâm linh. Nó mở rộng cho chúng ta một chân trời mênh mông và thâm viễn  hơn.
Có một nhân vật vốn là kẻ thất bại đủ mọi phương diện trong cuộc đời, khuôn mặt đầy dấu ấn của bất bình, bất mãn, bất an, bất hạnh, bất nhẫn, bất tài, bất lực, bất túc, bất toàn, bất đắc chí (sic). Hắn có nhiều tham vọng, mà chẳng làm được gì ra trò, nên sáng chế ra một giáo phái mới. Đó là  giáo phái (secte) chủ trương và truyền bá nụ cười. Giữa lúc  bao tôn giáo tỏ vẻ khắc khổ thì con người phải cười, thì tự dưng niềm vui đến họ và đến người khác. Lý thuyết và chủ trương của hắn chẳng  có gì sâu sắc, chỉ có nét đặc biệt là công kích Phật giáo. Hắn bảo thay vì cho rằng đời là bể khổ rồi bắt mọi ngưòi tu hành, ăn chay, giữ giới luật như đạo Phật chủ trương thì đối với hắn, đời là thế giới của niềm vui, chúng ta phải hưởng thụ, mà muốn hưởng thụ thì hãy cười. Có vậy thế gian sẽ này trở thành thiên đường. Từ đó, hắn ta nổi danh là ông Đạo Cười.  Hàng nghìn người tìm đến ông, chỉ cần nhìn mặt ông là họ cảm thấy khinh an, thư thái, hạnh phúc. Dĩ nhiên là ông được họ dưng tiền, dù ông không phải là tu sĩ và dù ông đã có vợ cái con cột.

Thủy có cô bạn thân tên là Trâm vốn thành thạo hành trạng của ông Đạo Cười. Nàng được Trâm đưa đến viếng cơ sở huy hoàng của ông ta, nơi mà nhiều người đến đó để được thực tập dài hạn cách cười. Nơi đó có phòng ốc, lầu gác dành cho khách phương xa đến nghe ông giảng thuyết. Học tập cười có chia cấp I, cấp II và cấp III. Người chứng nhận trình độ tiếu sinh, tiếu giả  là do ông ta đảm nhiệm. Trâm có vẻ tin tưởng khi kể chuyện. Còn Thủy ngay từ đầu đã có cái trực cảm đây là trò bịp bợm. Rồi cả hai được gặp ông Đạo Cười trên diễn đàn. Ngoài cách ăn mặc lố lăng, quái gỡ, ngoài nhân diện và vóc dáng lùn béo, cục mịch của ông ta, Thủy nhận thấy nụ cười của ông như sau:
"... Đúng là nụ cười không tắt. Hai môi không dày không mỏng. Hai khóe miệng có khuynh hướng đưa lên thành ra lúc nào cũng trông như cười. Có vẻ như là hai môi ông bất động nhưng thực ra thì cũng có mấp máy, giãn ra mím lại chút đỉnh. Người ta luôn thấy hàm răng trắng ngời của ông qua nụ cười không tắt ấy. Nhìn chung thì ông lúc nào cũng cười. Ông hơn người ở chỗ đó. Người ta có ham cười thích cười gì đi nữa thì cũng có lúc muốn nghỉ ngơi, để cho quai hàm, cho các thớ thịt quanh vùng miệng được thư giãn, chứ cười hoài thì cũng mệt lắm chứ. Còn ông đạo thì cứ cười suốt. Cười ngay cả lúc đang nói. Chính Trâm còn nói là ông cười luôn miệng trong lúc đang ngủ nữa kìa. Hừ, cái đó ai mà biết được có thật hay chăng, ngoại trừ bà vợ của ông thôi."
(Nụ Cười, trang 146)

Trâm còn rủ Thủy yết kiến ông Đạo Cười để được ông ta xoa đầu ban phúc, nhưng Thủy từ chối vì nàng thấy nụ cười của ông gượng gạo, thấy những người trong đạo viện ôm nhau hay bắt tay nhau khi gặp gỡ nhau có vẻ giả dối phường tuồng.
Bẵng đi ít lâu, Trâm cho Thủy biết ông Đạo Cười qua đời và cô ta không giấu mình đã từng ăn ở với ông Đạo Cười.  Tài sản ông ta sẽ thuộc về người vợ chính thức của ông ta. Còn cô ta sẽ là người thừa kế của bậc giáo chủ của giáo phái Cười ấy. Nhưng cái điều làm Trâm khó nghĩ là bà chánh thê kia muốn lột mặt nạ ông Đạo Cười. Vì bấy lâu nay, từ khi ông chồng bà lập ra giáo phái Cười, bà chưa từng gặp mặt thật của ông ta.  Ông ta chẳng phải cười vì hạnh phúc thật sự như bọn chạy theo ông tưởng đâu. Nhưng nếu lột mặt nạ ông thì người thừa kế của ông phải gặp nhiều rắc rối. Sau đây là những lời đối thoại giữa Thủy và Trâm :
"-  Bà lớn và ảnh không bao giờ hạp nhau. Họ gây gỗ cãi lộn nhau suốt ngày. Theo lời ảnh kể là vậy. Đó cũng là lý do khiến ảnh tìm kiếm và rồi khai sinh ra cái đạo Cười. Cuộc đời ảnh thất bại mọi thứ, từ tình yêu đến công danh sự nghiệp. Cho nên lúc lập ra đạo Cười, ảnh thực sự mới là một nhân vật. Cuộc đời ảnh đi lên từ đó, nhờ sáng kiến về cái mặt nạ. Ảnh hạnh phúc  khi nấp sau cái mặt nạ đó đến nỗi càng lúc chiếc mặt nạ đối với ảnh không còn là mặt nạ nữa mà là mặt thật. Rời nó đi thì chẳng còn ý nghĩa nào cho cuộc đời ảnh. Ủa, mà mày hỏi tao cái gì vậy? A, tại sao không phải là bà lớn mà lại là tao đứng ra thừa kế tiếu đạo? Là vì bà lớn chẳng bao giờ cười được, mà bà ấy cũng như ảnh, lớn tuổi rồi, đâu có đủ thời giờ luyện tập cười. Còn tao, tao vượt cả ảnh nữa, vì đời tao chẳng gặp chuyện gì đáng phàn nàn, tao lại được huấn luyện cười đúng phương pháp... cho nên tao thành tiếu đạo là phải rồi. Rốt cuộc tao rút được bài học này Thủy à: ở cuộc đời này, chỉ có hai vấn đề then chốt thôi, đó là hạnh phúc và khổ đau; nhưng hạnh phúc thì mong manh, hiếm hoi lắm, còn khổ đau thì bất tận. Cho nên muốn nổi danh thật nhanh, muốn thu nạp nhiều môn đồ ngưỡng mộ một cách dễ dàng, chẳng có con đường nào hiệu quả hơn là tạo ra cái thiên đường hạnh phúc tạm thời, nhưng tức khắc, ngay trong đời sống hiện tại. Một bài học nữa, tao nghĩ là mày nên nhớ lấy để áp dụng cho mày sau này. Đời mày cứ rề rề mãi chẳng tiến bộ gì là vì mày sống thực quá. Mày chẳng làm sao hiểu nổi được là chính cái giả mới là cái thực nhất đó. Cái  giả khi được tập luyện, sẽ trở thành cái thực. Mà trên thực tế, với kỹ thuật tinh xảo, với sự tập luyện đúng mức và có phương pháp, có khi cái giả còn tuyệt hơn cái thực nữa kia.
-  Cám ơn, cám ơn. Xin cho tao được bình yên, Trâm ạ. Nói thật với mày, khi nghe chuyện cái mặt nạ, tao thấy tởm lợm ở trong họng. Tao chỉ mong mày đứng ra làm cái việc giải ảo kia, đánh thức những tiếu đồ cuồng tín u mê kia. Nhưng mày không muốn làm điều đó, mày chỉ muốn nối gót ổng để tiếp tục một vụ lường gạt táo tợn... Ôi Trâm à, mày làm tao thất vọng quá. Tao thấy tội nghiệp mày hết sức. Mày bị mê rồi mày biết không? Thế rồi mày đóng kịch suốt đời? Mà trên thực tế mày có hạnh phúc thực sự bởi nụ cười của mày không?
-  Hạnh phúc à? Có chứ, nhưng không phải ở nụ cười đâu, mà ở cái hào quang danh vọng mà những tiếu đồ khác ngưỡng vọng đặt lên người tao. Mày chẳng thấy kẻ có chí lớn thì chỉ hạnh phúc với danh vọng tột đỉnh chứ đâu bằng niềm vui nhỏ nhoi có đuợc từ những nụ cười, có phải không? Ha, ha."
(Nụ Cười, các trang 160, 161, 162)

Trong cuộc đời này, cái giả lấn lướt, húng hiếp và xóa mờ cái chân không phải là ít. Cái  khôn ngoan xảo trá của con người là biết hứa hẹn, biết vẽ những cái bánh thật đẹp rồi dùng cam ngôn mỹ từ pha trộn với điêu ngôn xảo ngữ để tô điểm lên cái bánh vẽ ấy thêm linh thiêng, rồi khoác lên nó một bức màn sương ảo mộng để treo trước mặt quần chúng, để họ có cảm tuỏng là cái bánh thật, có thể mua bằng ngưỡng mộ, sùng tín và cả một gia tài của mình. Trâm dựa vào thực tế, tức là cái việc chuộng giấc mơ và huyền thoại của con người. Cô ta rất khôn ngoan ở điểm lợi dụng kẻ u mê cuồng tín để kiếm chác danh lợi. Cho nên cô ta hy vọng đứa con của ông đạo và cô ta (bây giờ hãy còn là cái bào thai) sẽ thừa kế cô ta đảm nhận chức giáo chủ của cái giáo phái do ông Đạo Cười sáng lập:
"... Ôi nó sẽ vượt hơn cả cha mẹ nó trên mọi phương diện, vì nó đi vào đời không cần mặt nạ, cũng không cần luyện tập gì cả. Thiên đường đã vẽ ra rồi, niềm tin của mọi người đã lậm sâu rồi, nó mặc nhiên thừa hưởng tât cả, không cần chút cố gắng nào. Tất cả cái giả đều trở thành cái thực một cách tự nhiên. Tất cả cái thực đều không còn đất đứng. tương lai của thế giới, hạnh phúc an vui của thế giới, ở trong bụng tao nè, Thủy ạ..."
(Nụ cười, trang 163)

Đây là một truyện ngắn tiêu biểu nội dung cái tựa của toàn tuyển tập rõ rệt nhất và dễ hiểu nhất đối với độc giả. Họ không cần mằn mò ý tình của tác giả chôn dấu dưới mặt chữ.
Đọc xong truyện ngắn này, chúng ta không khỏi kinh tởm  cái độc hại của các giáo phái trên hoàn vũ. Chẳng hạn như giáo phái L'Ordre du Temple Solaire cho rằng đã gần ngày tận thế nên khuyên nhau tự tử tập thể. Giáo phái Aum bên Nhật cũng nghĩ rằng sắp tận thế nên tên giáo chủ giết người hàng loạt. Rồi nào là giáo phái của David Koresh, giáo phái Thiền Ôm v.v... Ở trong những trường hợp này thì sau bức màn ảo vọng dệt bằng giấc mơ và huyền thoại có ác quỉ, yêu tinh đội lốt người hoành hành. Đạo Cười thì chẳng giết chóc ai. Cái tai hại của giáo phái y ta là bao trùm cuộc đời bằng cái ảo mộng. Cuộc đời vốn là cơn đại mộng. Đạo cười  còn phủ thêm những lớp ảo tưởng nữa cho nên mộng này chồng lên mộng kia, mê nầy trà trộn và kết tập vào mê nọ. Mê và mộng càng lúc càng dầy, càng cao chất ngất.

Thuở Hồng Hoang là một truyện ngắn khoa học giả tưởng mà cũng là lấy ý trong kinh Phật.  Tác giả phác họa cho chúng ta thấy cái thuở hồng hoang tái lập lại trên cõi thế giới Ta-bà này tận 2.000 hoặc 20.000 năm sau. Anh vẫn dựa kinh Phật để trình bày mọi diễn biến vào cái thuở hồng hoang thái cổ của hậu nhân loại, lúc mà tâm địa của nhân loại thanh tịnh, không có óc phân biệt nhiều nên tâm cảnh họ trong sáng và an lành. Nếu ai đó trong chúng ta đã đọc chu kỳ của một thế giới trong một đại kiếp được ghi trong quyển Nhị Khóa Hiệp Giải thì nhận thấy rằng Vĩnh  Hảo lấy ý chứ không bám sát nút theo kinh. Theo quyển này cứ mỗi một đại kiếp, chu kỳ bắt dầu từ giai đoạn Thành tức là giai đoạn bắt đầu thành lập các cõi đại địa, sáu cõi trời ở Dục giới và các cõi trời Sơ Thiền trải qua 20 tiểu kiếp. Một tiểu kiếp gồm mười sáu triệu (16.000.000) năm. Giai đoạn Trụ là giai đoạn trời đất đã thành lập, chúng sanh từ các cõi đến an cư. Giai đoạn nầy gồm 20 tiểu kiếp. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn Hoại, một trận đại hỏa tai từ các đại địa cháy tới các cõi trời Sơ Thiền, trải qua 20 tiểu kiếp. Sau chót là giai đoạn Không. Từ các trời cõi Sơ Thiền trở xuống đại địa không còn chi cả, tất cả đều trống rỗng. Giai đoạn này cũng trải qua 20 tiểu kiếp để rồi trở lại giai đoạn Thành theo chu kỳ luân hồi sinh diệt (tức là Thành, Trụ, Hoại, Không). Hai mươi (20) tiểu kiếp thành một trung kiếp gồm ba trăm hai chục triệu (320.000.000) năm. Bốn trung kiếp hợp lại hành một đại kiếp, gồm một nghìn hai trăm tám chục triệu (1.280.000.000) năm.

Ở đây, tác giả Vĩnh Hảo giản lược hóa số năm của 3 loại kiếp. Câu chuyện mà anh kể cho chúng ta nghe là lùi lại 2.000 hoặc 20.000 năm sau. Theo tác giả thì:
"Hai ngàn năm hay hai chục ngàn năm sau cũng tờ tợ như nhau thôi. Muốn nói hai ngàn cũng được mà muốn nói hai chục ngàn cũng thế. Bởi vì thời gian lúc ấy rút lại chứ không phải như bây giờ. Cách tính thời gian theo kim đồng hồ không còn dùng được nữa mà được ghi bằng những ký hiệu, biến đổi thật nhanh từ bộ não, phát sóng ra ngoài tia mắt, muốn thấy thì lập tức thấy, muốn không thì nó không."
(Thuở Hồng Hoang, trang 165)

Trong mấy trang đầu, tác giả diễn tả hơi rối rắm một chút nên độc giả khó phân biệt đâu là giai đoạn giảm tuổi đời của nhân loại (kiếp giảm từ khi Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đản sinh), đâu là giai đoạn tăng tuổi đời (kiếp tăng từ khi Đức Di Lạc Tôn Phật mai sau sẽ ra đời). Câu truyện khởi đầu từ 200 năm trước giai đoạn xảy ra 2.000 năm sau giai đoạn mà chúng ta đang sống. (Theo cách tính thì: 2.000 năm -   200 năm  = 1.800 năm). Vào thời điểm đó có một nhóm người vào rừng núi xây một thành phố cách biệt với thế giới nhôn nháo đầy những ảo mộng, huyền thoại đưa đến tham vọng và tương tranh ở bên ngoài. Có thể đó là thời Đại hoàng kim của nhân loại trên quả địa cầu còn sót lại trong cái thành phố cách ly kia. Con người có bầu tâm thức thanh tịnh nên tuổi thọ tăng lên từ 180 đến 220 năm. Nhưng ở cái thế giới như các cõi tịnh độ như thế thì cái tuổi 180 và 220 phải nhân lên 100 nếu tính theo số tuổi của chúng ta hiện giờ (180 x 100 = 18.000 tuổi; 220 x 100 = 22.000 tuổi). Con người trong thành phố đó có thể tự sinh trưởng (hóa sinh), không cần ẩm thực. Họ được cắt giảm những bộ phận không cần thiết như trái tim, cơ quan dùng để tiêu, tiểu. Tuy có nam nữ, nhưng sự thụ thai không bằng cách hành dâm của lưỡng thân giao hội khác hẳn ở trên 33 nước trời Đao Lợi xuống cõi Nam Diêm Phù Đề mà trong cõi đó có quả địa cầu của chúng ta. Ông chỉ liếc bà thì bà sau đó sẽ thụ thai giống như ở cõi trời Dạ Ma của Dục giới. Họ có thể thay tế bào cũ bằng tế bào mới. Họ đều thông minh kinh khủng; đó là sự thông minh của sự phong phú dữ kiện nhờ chương trình ghi nhớ tập thể chứ không phải do suy tư (sic). Theo tác giả thì :
"... Trong mỗi ý niệm của họ đều có sự cấu thành và tác động từ những ý niệm đồng thời khác của người chung quanh. Không có cái suy nghĩ độc lập. Ngay cả cái gọi là 'sáng  tạo' cũng không hẳn là sáng tạo độc lập nữa -  nó luôn được hình thành bởi sự phản ứng đối với những ý niệm và tư tưởng sáng tạo khác. Từ ý niệm đi đến hành động của họ, chỉ trải qua một khoảnh khắc rất nhanh. Những gì con ngưới tác tạo lúc ấy đều là những hành động đột biến phát sinh từ những suy nghĩ cũng có tính cách đột biến. Bao nhiêu kiến thức để lại của mấy ngàn năm trước, họ có khả năng thừa hưởng đầy đủ nhưng họ thấy không cần thiết nên cứ mỗi hai năm họ lại cập nhật kiến thức mới, hủy bỏ bớt những kiến thức cũ. Sự cập nhật hóa các kiến thức (bao gồm cả luật lệ xã hội đưong thời) được thực hiện đồng loạt chỉ qua một vài phút, bởi ủy ban đời sống, vào giờ nghỉ ngơi nhất định của mọi người (xin lưu ý, chẳng có ngủ đâu, chỉ nghỉ ngơi để sạt thêm năng lượng cho cơ thể thôi)."
(Thuở Hồng Hoang, các trang 168, 169)
"Ngoài mục đích cách ly với xã hội bất ổn hiện tại, họ có ý hướng tìm cách khôi phục lại một số giá trị truyền thống của tổ tiên mà họ hy vọng là sẽ mang lại một vài ý nghĩa nào đó cho cuộc sống hiện tại. Để thực hiện điều này, họ lén lút tái tạo chiếc máy thời gian (máy này đã bị cấm chế tạo và sử dụng từ 400 năm trước đó vì một số người được đi nghiên cứu quá khứ đã trốn luôn không quay trở lại), đẩy một cặp nam nữ -  nam tên A, nữ tên E -  là hai người trẻ nhất trong nhóm đi lùi vào quá khứ, ghi nhận các dữ kiện quan trọng và yếu tố đặc thù của nền văn hóa tổ tiên."
(Thuở Hồng Hoang, trang 173)
   
Anh A (chúng ta có thể nghĩ đó là Adam) và cô E (có thể là Eva) rời khỏi nhóm của họ suốt 7 tháng đi vòng quanh thế giới, vào quá khứ (có thể  là vào kỷ nguyên mà chúng ta đang sống chăng?); nhưng tính theo thời gian thuở đó thì  60 năm. Khi trở về thành phố cách ly với thế giới bên ngoài kia, họ báo cáo cho hội đồng lãnh đạo và uỷ ban đặc trách nghiên cứu về nguồn gốc tổ tiên (có thể là con người chúng ta trong kiếp Trụ cõi Ta-bà chăng?). Theo anh A và cô E thì con người thuở đó sống quá khổ sở về phương diện ăn ngủ, yêu đương. Họ giết loài động vật để ăn thịt, chế biến những món cầu kỳ, họ phải hùng hục  làm việc và tương tranh tương tàn để  được ăn ngon mặc đẹp, phải ngủ để bồi dưỡng sức khỏe. Họ phải kiếm tiền để cung phụng nhu cầu vật chất. Họ đã háo lợi mà còn ham danh. Cái danh kéo theo những cái chức tước, vị thế, phẩm hàm, giai cấp... Hễ ai động chạm những cái đó của ai khác thì sẽ có xô xát. Và cứ thế mà chuyện  có thể sẽ bị trọng đại hóa ra, sẽ có chiến  tranh. Lại còn có vụ thờ cúng một đấng thần linh do họ tưởng tượng ra để xin ơn che chở, xin việc ban phước tránh họa.  Rắc rối hơn nữa, họ bày ra chuyện tình yêu. Chuyện này rất phổ cập suốt mấy ngàn năm được ghi trong sách báo, phim ảnh. Chuyện yêu đương rắc rối nhất ở chỗ trái tim và bộ phận sinh dục mà con người trong thành phố cách ly không có. Có trái tim là có yêu đương, có hạnh phúc hay đau khổ, nhưng cái đối đãi giữa hạnh phúc và đau khổ ở trong quốc độ của tiền nhân kia còn ở trong vòng tương đối thì chúng cũng tương đối luôn. Có trái tim, có bộ phận sinh dục để lưỡng thân nam nữ giao hội là có khoái lạc, mà cái khoái lạc đó dù họ phải nhọc nhằn tìm kiếm và tốn công tốn sức trong lúc hành sự cũng chỉ trong vòng tương đối nốt.
Rồi có một điều mà anh A  phát giác ra làm khuynh đảo lối suy nghĩ mọi người. Lúc đầu, ông hội đồng kia cho rằng:
"-  Hạnh phúc chúng ta có được hôm nay là thành quả của các mọi quá trình 1,000 năm lọc bỏ dần dần từ thể xác đến tinh thần, những bộ phận thừa thãi, cũng như những cảm giác khổ đau và phiền toái không cần thiết của đời sống con người. Cậu không thấy chính nhờ phấn đấu liên tục trong cách mạng kỹ thuật mà chúng ta có thể đứng ngang hàng với các cư dân của Kim tinh, Mộc tinh, Thủy tinh, Hỏa tinh và Thổ tinh sao chứ!
-  Cho dù là vậy, trên thực tế, chúng ta còn ngụp lặn trong ảo vọng. Hạnh phúc của chúng ta cũng chỉ là ảo vọng mà thôi. Tại sao chúng ta lại chọn đời sống cách ly trong hang núi như thế này nếu hành tinh thật sự có hạnh phúc? Chúng ta chỉ giả vờ chấp nhận ảo giác bình an tạm thời để thay thế những cảm giác thật sự của tiền nhân. Chúng ta đơn giản hóa mọi vấn đề để rồi lại bị xỏ mũi bởi các nguồn ảo giác sôi sục kia..."
(Thuở Hồng Hoang, trang 191) 

Vấn đề phiền toái đó được cô E đề nghị là tìm hạnh phúc trong tình yêu và biểu lộ tình yêu (có thể tác giả muốn nói cùng hòa nhịp tim đập với nhau qua những cái hôn và qua cuộc giao hoan giữa hai thân xác nam nữ). Ông hội đồng và đa số đồng ý, nhưng nhân loại ở thành phố cách ly vào thuở 20.000 năm sau không có quả tim và bộ phận sinh dục thì làm sao thực hành? Anh A đề nghị phải mượn hai cái xác vừa mới chết của tiền nhân trong thời đại nguyên ủy rồi trở lại đây cấy giống từng bộ phận cho người (sic). Vậy là:
"Sau đó là một cuộc họp kéo dài đầy tranh cãi. Ông hội đồng thuyết phục được các thành viên của hội đồng nhưng không thuyết phục được ủy ban nghiên cứu văn hóa của tiền nhân với những đầu óc trơ lì vô cảm -   những đầu óc cứng ngắt với những tưởng hạnh phúc đã hóa thạch..."
(Thuở Hồng Hoang, trang 195)
Tuy nhiên, anh A và cô E vẫn lên máy thời gian để trở về quá khứ nghiên cứu thêm một lần nữa. Thế là:
"Với vài dụng cụ thần thông của thời đại được mang theo, hai cô cậu không phải chỉ mượn xác tiền nhân rồi trở lại ngay mà họ đã sinh sống với nhau trong quá khứ đến ba đời thay xác; cứ tái sinh để yêu nhau từ thuở dậy thì đến tuổi trung niên rồi lại đổi xác. Như vậy họ trải qua khoảng 200 năm sống trong quá khứ rồi mới quyết định giữ lấy hai thân xác tráng kiện và khỏe mạnh nhất để trở về thời hiện đại.
Khi họ trở về thì cả hành tinh đã tan tành hoang vắng, khói lửa mịt mùng. Nhờ ông hội đồng cố gắng bảo vệ máy thời gian đến hơi thở cuối cùng nên họ trở lại được."
 (Thuở Hồng Hoang, trang 196)
"Cả hai chấp nhận mình thành kẻ ăn lông ở lổ tuy  họ có thể tạo dựng một thế giới huy hoàng cực kỳ thần thông trở lại, nhưng họ không cần. Và:
... Họ chỉ cần một khung cảnh hồng hoang và hai trái tim hồng hoang. Với hai trái tim ấy, họ dựng lại đời mới. Họ đan tay nhau, dìu nhau đi mãi giữa trời đất mênh mông ngút ngàn khói lửa. Và trong nỗi quạnh vắng buồn tênh khi chiều xuống, họ cảm thấy cần nhau, ôm lấy nhau, lắng nghe nhịp đập lạ thường của hai trái tim vừa tìm được trong tương lai của một quá khứ lịch sử hoang tàn."
(Thuở Hồng Hoang, các trang 197, 198)

Vận sự anh A và cô E trở về chốn cũ gặp cảnh hoang tàn lại gợi cho chúng ta tư tưởng Tâm và Cảnh tương ưng; Chánh Báo tạo ra Y  Báo. Dân chúng trong thành phố cách ly ấy với tâm thức trơ lì vô cảm (tức là Tâm và Chánh Báo gần như của người máy) vì bị loại những bộ phận không cần thiết trong cơ thể. Nó tương ưng với hành tinh và thành phố cách ly ấy (tức là Cảnh và Y Báo). Nhưng khi anh A và cô E đã đem về những chuyện yêu đương, cảm xúc và khoái lạc của tiền nhân thì được đa số người trong hội đồng hưởng ứng theo. Tâm và Chánh Báo của họ đã thay đổi thì hành tinh và thành phố cách ly (Cảnh và Y Báo) phải tan tành, không còn lý do gì để mà tồn tại.
Nhân loại trong thành phố cách ly  là những kẻ vô cảm,  gần giống như những kẻ tu thiền theo ngoại đạo (ngoài đạo Phật). Những kẻ tu thiền này vốn làm cho cảm xúc chai sượng và tê liệt. Họ chỉ đạt cái không vô ký  chứ không phải đạt cái Chân Không thiêng liêng mầu nhiệm ở ngay nơi cái gọi là Diệu Hữu (tức là cái Có Kỳ Diệu, kết quả sự chứng ngộ thù thắng trên con đường tu tập của hành giả). Bên Phật giáo, Chân Không ở kẻ chứng ngộ không khác Diệu Hữu. Nhưng Phật pháp trong các kinh Đại Thừa còn đi xa hơn và cho rằng: Chân Không chính là Diệu Hữu vậy. Nó tịch tĩnh mà sống động tuyệt vời, chớ không phải như cái không  vô ký chỉ trống không một cách lạnh ngắt, lại còn câm điếc và ù lì như gỗ  đá vì không có sự sống mầu nhiệm.
Truyện ngắn Thuở Hồng Hoang là câu truyện khoa học giả tưởng, nhưng tự căn bản nó đặt trên giáo lý nhà Phật. Đây là một tác phẩm văn chương ưu việt vì nó đi sâu vào cõi huyền nhiệm của tư tưởng mà trước kia Hồ Hữu Tường, Vũ Khắc Khoan và Nguyễn Mạnh Côn đã mở đường, nhưng chưa thắp sáng. Vĩnh Hảo đã làm công việc thứ hai, sau công việc mở đường của họ. Và có lẽ đây là truyện ngắn thứ ba, sau hai truyện ngắn Đường Lên Núi LinhBút Ký Của Một Nhà Thơ-Điên mà có lẽ anh đắc ý nhất.

Truyện ngắn Một Chuyến Tàu chỉ có hai vận sự của nhân vật tên Văn: Sau năm 1975, chàng vào Sài Gòn không giấy tờ hợp lệ, nhưng được một cô gái tên Tâm làm việc trong toa bán thức ăn che chở. Tác giả không cho chúng ta biết chàng từ một tỉnh nào hay một địa danh nào trong chuyến xuôi Nam. Nhưng vì tác giả ở Nha Trang, lại nữa truyện ngắn nầy có thể (tôi xin nhấn mạnh có thể) là tác phẩm tự truyện của tác giả nên chúng ta có thể nghĩ rằng đó là thành phố Nha Trang. Trên tàu, chàng quen biết với nhà văn nữ  Đông Phương, trước năm 1975  nổi tiếng nhờ quyển tiểu thuyết 'Nụ Hôn Học Trò.' Khi vào tới Sài Gòn thì Tâm lẫn Đông Phương cùng với chuyến tàu trở thành kỷ niệm đáng nhớ của Văn rồi.
Thật sự, Tâm và Văn trước đó không quen nhau. Tác giả viết:
"Vì Văn là một công dân không có bất cứ giấy tờ nào hợp lệ của mình trên đất nước của anh cả. Cho nên các bạn Văn mới nhờ Tâm bảo vệ anh bằng cách cho lên tàu hỏa, có ai hỏi đến thì Tâm sẽ lên tiếng bênh vực, nhìn nhận anh là người  nhà, hoặc tìm cách đút lót sao đó với các nhân viên công lực để được êm chuyện. Bởi vì trong tình hình lúc đó, nếu có công an ở cấp nào, địa phương nào, hỏi đến giấy tờ thì Văn sẽ gặp rắc rối, và có thể sẽ bị vào tù."
(Một Chuyến Tàu, các trang 199, 200)

Nếu kể tình tiết ra thì cốt truyện chẳng có gì đặc sắc ngoài chuyện công an lục soát túi vải của bà Đông Phương, chuyện họ đi vào toa bán thức ăn hạch hỏi Tâm rằng Văn là ai? Tâm bảo đó là anh họ của nàng. Vậy là êm chuyện để Văn được chuyện trò với bà Đông Phương. Nhưng truyện ngắn này rất thành công ở phần diễn tả, thấm nhuần chất thơ để trở thành một bài thơ bằng văn xuôi. Thiếu nữ tên Tâm được mô tả một cách thơ mộng thống khoái như sau:
"Tâm là một cô gái vừa lai Pháp vừa lai Ấn (từ đời ông bà nội và ngoại) và dĩ nhiên là lai Việt Nam. Thế nên cô có nước da ngăm vừa phải. Và phải công nhận rằng Tâm đẹp. Ừ thì Văn không có trách nhiệm phải ngắm hay mô tả một thiếu nữ chỉ mới quen hờ trên con đường xuôi Nam của mình; nhưng Văn không thể chối cãi hay che giấu được nhận xét của mình rằng Tâm đẹp. Đôi mắt của Tâm lớn long lanh với đôi ngươi xanh trong của màu biển Nha Trang mùa hạ, lấp lánh giữa hàng lông mi cong, dày -  đúng là đôi mắt lai. Mũi Tâm thẳng, cao, hai cánh mũi đày đặn, đầu mũi hơi cong -  cũng là sản phẩm nước ngoài. Đôi môi lại cũng là một tuyệt tác của hóa công với hai bờ môi đầy đặn, môi dưới dày hơn môi trên một chút xíu, vừa đủ để giữ kín hàm răng trắng đều bên trong. Tâm ít nói, không biết vì do tánh tình hay do vì có Văn đối diện.
Chỉ nghe Tâm trả lời đôi ba chữ với khách hàng cần thiết, còn ngoài ra, cô ngậm tăm.
Thỉnh thoảng Tâm mới liếc nhìn Văn, mỉm cười (chắc là để nói lên sự yên tâm của cô là Văn hãy còn ngồi đó, chưa bị bắt). Đôi môi trầm lặng đó hơi nhếch lên ở cuối hai khóe vẽ nên cái đẹp vừa gợi cảm vừa huyền bí của người đàn bà Ả Rập hay Ai Cập thời xa xưa. Dù ghét Tâm vì lý do nào đó thì cũng không có lý do gì để chê cô xấu. Khuôn mặt cô không có nét gì của Việt Nam. Tâm chỉ có điệu bộ e ấp vụng về của một thôn nữ Việt Nam mà thôi."
(Một Chuyến Tàu, các trang 201, 202)

Vì ngồi cùng toa bán thức ăn với nhau nên Văn gặp nữ sĩ Đông Phương, vốn là vợ một hoàng thân, nếu kể về vai vế thì ông ta là chú hay bác của Văn. Văn cũng thuộc hoàng tộc. Chuyến tàu nối liền tâm hồn một phụ nữ cầm bút và một tu sĩ yêu văn chương.  Khi xe hỏa tới ga chót là ga Bình Triệu, thì trời hãy còn tối, chưa có xe lam đưa về Sài Gòn. Cả hai rủ nhau đi uống cà phê và ngồi chờ sáng. Sau đó cả hai chia tay. Đông Phương đi xe lam, còn  Văn đi xe thồ. Câu chuyện gặp gỡ giữa Tâm và Văn, giữa Đông Phương và chàng tầm  thường quá đỗi. Nhưng cả hai vẫn ghi dấu ấn tươi thắm như nét son rực rỡ vào ký ức Văn. Những cái tầm thường đó phải có một mãnh lực tâm lý hay tinh thần gì đó để trở thành một kỷ niệm đẹp đối với Văn, để chàng nhớ mãi. Có thể trong toa có hai người đàn bà trội hơn các phụ nữ khác: một cô Tâm tiên nga có trái tim nhân ái, một nhà văn nữ cao sang thanh thoát đã nổi tiếng văn tài một thời. Còn bên ngoài là cảnh núi non hùng vĩ của dãy Trường Sơn miền Trung lùi lại sau lưng con tàu khi nó vùn vụt lao về phương Nam. Cảnh vật ngoài khung cửa của toa xe gieo cho Văn những ý nghĩ thấm nhuần một nhân sinh quan đặc thù như sau:
"Vì thuận hướng nhìn với cánh cửa sổ rộng lớn phía đối diện. Văn chỉ có hể nhìn ngắm phong cảnh qua khung cửa sổ phía sau lưng tâm. Rừng núi trùng điệp lướt nhanh qua khung cửa sổ ấy cho anh cảm giác vui mắt, không biết mỏi mệt. Nhưng thói quen so sánh và phân biệt một lúc nào đó, lại chen vào, khiến Văn thấy những cảnh tượng đẹp đẽ nên thơ vụt qua ấy như sự vụt trôi của thời gian. Phải, thời gian thường được người ta mượn sự trôi lướt của không gian qua cửa sổ để mô tả sự lướt nhanh của nó.
Nay nó trôi rõ ràng trước mắt anh; trôi phía sau lưng thiếu nữ khỏe mạnh và trẻ đẹp kia như một cái phông để làm nổi bật thêm tính cách bất định vô thường của con người và vạn hữu giữa cuộc đời."
(Một Chuyến Tàu, các trang 202, 203)

Trước khi tôi viết bài nhận định này, nhà văn Đặng Phùng Quân đã bảo tôi: 'Đọc xong các tác phẩm của Vĩnh Hảo, ông sẽ thấy đương sự viết hay lắm, bởi ông thích văn chương thấm nhuần Phật pháp'. 
Quả thật y như rằng! Đặng Phùng Quân nói không ngoa. Văn chương ở hải ngoại chúng ta có vài loại cổ thụ gốc to. Nhưng chẳng có được bao nhiêu nhà văn tư tưởng (triết học, tâm linh),  trong đó có Vĩnh Hảo qua đa số tác phẩm. Có vài nhà văn viết truyện thấp thoáng tinh thần Lão Trang. Nhưng tiếc cho họ thay, họ không để triết lý hai ông này hòa tan vào dung dịch văn chương của họ; nó lợn cợn kết tủa trong dung dịch ấy quá nhiều, khác hẳn nước hòa với sữa, nước hòa với rượu.

Trong khi đa số nhà văn trẻ tuổi ở hải ngoại ồn ào gào thét  xây dựng một thứ văn chương mới thuần tính chất sáng tạo, thì Vĩnh Hảo điềm tĩnh để quan sát cho mình con  đường nào phải đi. Anh ung dung tự tại theo phong cách một kẻ quan sát kỹ lưỡng và chu đáo. Anh không bị lôi cuốn  bởi làn sóng thời thuợng, không chạy sa đà theo cái ảo vọng canh tân về phương diện văn chương. Tác phẩm của đa số cây bút trẻ ở hải ngoại từ thập niên 90 trở về sau ngập lụt máu me, tinh khí, ác mộng và những lời gào thét hung hăng. Nhưng máu me, tinh  khí, ác mộng cũng có thể tạo thành công cho thiểu số nhà văn viết bằng tâm tình chân thành như Túy Hồng, Trùng Dương, Thụy Vũ, Thanh Tâm Tuyền, Duy Thanh thuở trước cùng Hàn Song Tường, Nguyễn thị Thanh Bình, Lê thị Thấm Vân, Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng ở hải ngoại. Ngoài ra, những chất liệu ấy vẫn chưa đào cho tác phẩm  của đa số nhà văn trẻ ưa gióng trống  dọng chuông, những tình cảm hời hợt kia một chiều sâu nào đáng kể, ngoài công việc  phủ trên mặt văn chương của họ  một lớp màu mè riêu cua rất đỏm dáng. Lớp màu mè  ấy biểu dương tinh thần phá phách ngạo mạn. Bởi thế, họ chỉ nổi danh ở chiến dịch quảng cáo và tạo huyền thoại hoặc dựa vào lực lượng chính trị. Tiếng gào thét  của họ cũng chỉ vang dội trong cái thế giới thời thượng rỗng tuếch của họ.
Vĩnh Hảo thì khác hẳn. Anh tiếp tục nối gót theo những cây bút đã từng vang bóng và đã từng đi trước anh trong công việc xây dựng loại tiểu thuyết tư tưởng đặt trên nền tảng tâm linh. Và vượt hơn họ, anh đưa đạo Phật vào tác phẩm của mình rất tế nhị và khéo léo. Như thế, tuyển tập Giấc Mơ Và Huyền Thoại là một tác phẩm văn chương có giá trị đáng kể. Văn chương ở hải ngoại từ 1975 cho tới bây giờ chỉ có Nhất Hạnh, Nghiêm Xuân Hồng, Mai Thảo, Vĩnh Hảo cùng ba nhà thơ nữ Thân thị Ngọc Quế, Như Chi, Đặng thị Quế Phượng, kẻ văn xuôi, người văn vần mới có thể đưa  Kinh Đại Thừa vào văn chương một cách uyển chuyển và bằng phương tiện thiện xảo mà thôi.

Hồ Trường An
(trích BẨY SẮC CẦU VỒNG)