văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, April 5, 2018

VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG ** Lê Văn Trung, Bi Khúc Một Đời Thơ


Lê Văn Trung
Kể từ lúc rời xa phố cổ Hội An đến nay đã hơn nửa thế kỷ, không có dịp gặp nhau. Trung khoác áo nhà giáo, tôi khoác áo nhà binh. Sau tháng 4 năm 1975, tôi cởi áo lính khoác áo tù… và cũng như những người bạn khác, những tưởng bạn tôi vẫn đứng trên bục giảng và yên bề gia thất, nào ngờ lại bất hạnh!

Tháng 8 năm 1900, tôi rời Đà Lạt đi Mỹ. Tá túc ở Sài Gòn chỉ thời gian ngắn, còn thọ tang thân mẫu rồi ra đi nên ít gặp lại bằng hữu.

Chỉ nghe phong phanh Trung cũng khoác áo tù như tôi và sau đó bị  đày đi vùng kinh tế mới ở Phương Lâm, Đồng Nai. Sau khi đổi đời, lũ chúng tôi, mỗi đứa rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, và trong tận cùng bi thảm của cuộc đời, có cái mất, cái còn. Albert Schweitzer cho rằng "Bi kịch cuộc đời là những gì chết đi bên trong một người khi anh ta còn sống" thì bi kịch của cuộc đời nhà thơ Lê Văn Trung gởi cho tha nhân qua hàng trăm bài thơ trải dài bốn thập niên. “Lũ chúng ta, lạc loài dăm bẩy đứa. Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”, hai câu thơ trong bài Phương Xa của Vũ Hoàng Chương là hình ảnh chúng tôi vào thuở đó.
“Thương ta thương nỗi đời lưu lạc
Lưu đày trên chính đất quê hương
Bạn bè dăm đứa còn hay mất
Một kiếp mười phương vạn nẻo đường”
(LVT - Lênh Đênh Qua Những Phận Người, 1985)

Sau vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, Phùng Quán bị đày đi “cải tạo lao động” nhiều nơi. Hai câu thơ của Phùng Quán: “Có những phút ngã lòng. Tôi vịn câu thơ và đứng dậy…”. Lê Văn Trung cũng vậy, trong những lần trò chuyện với bạn bè ở Little Saigon, cùng cảm nghĩ, nếu LVT có được cuộc sống cuối đời cũng nhờ làm thơ mà đứng dậy. Với tâm hồn nhà giáo đã ảnh hưởng phần nào trong tâm tư tình cảm nhà thơ để mở rộng vòng tay đón nhận hình bóng đã xé nát cõi lòng.
Ra đi với hai bàn tay trắng, sống trên mảnh đất tự do, có cơ hội làm lại cuộc đời, nhưng với tôi, trót thích làm báo nên đành “phóng lao theo lao” tạm ổn để con cái học hành. Năm tháng trong nước, lý lịch như tảng đá lớn đè trên đầu con cái không ngóc đầu trên bước đường học vấn, nơi xứ người mới là môi trường tiến thân cho đến khi thành đạt.

Tháng 9 năm 2001, (Trần Hoài Thư và tôi cùng ở trong Ban Biên Tập SVSQ của nguyệt san Thủ Đức giữa thập niên 60), ra đời tạp chí Thư Quán Bản Thảo và lập ra Thư Ấn Quán để tự xuất bản sách, trong đó có số tác phẩm bạn bè ở quê nhà. Khi rời quân trường Thủ Đức, THT là nhà giáo, cận thị nặng lại phục vụ tại Đại Đội Thám Kích 405 của Sư Đoàn 22 BB ở Quy Nhơn, trở thành nhà thơ bạt mạng gặp Lê Văn Trung. Sau khi ra tù, THT vượt biên và định cư ở Mỹ với hoài bảo muốn làm sống lại văn học miền Nam VN nên chịu khó sưu tầm là liên lạc với anh em cầm bút bị bỏ quên ở quê nhà. TQBN số 34, tháng 12-2008, qua bài viết của Phạm Văn Nhàn nói về Lê Văn Trung:
“Anh bạn Trần Hoài Thư đề nghị với tôi số 34 kỳ này làm số chủ đề về nhà thơ Lê Văn Trung. Tôi không do dự chi cả, và nói ngay với anh Thư: đồng ý…

Trong bài viết của nhà thơ Phạm Cao Hoàng về Lê Văn Trung, hai anh (PCH và LVT) lo cho chúng tôi là phải; vì chiến trường Bình Định như thế nào chắc ai cũng biết. Và, với LVT, lúc nào cũng trầm ngâm, ít nói. Cùng lắm là chỉ nói vài câu với giọng rặt Quảng Nam (Đà Nẵng). Ngoài ra Trung rất chững chạc và đứng đắn trong lối ăn mặc với cái nhìn của tôi về một người thầy trong tương lai. Lúc ấy, quen anh, khi anh còn là một giáo sinh Sư Phạm cùng khóa với Phạm Cao Hoàng. Quen nhau như thề nào, lúc nào, ở đâu thật khó nhớ cái mốc thời gian năm ấy. Nhưng lạ, cái tình bạn thân nhau chưa một lần "xích mích" và biết "tôn trọng" nhau, giữ mãi cho đến hôm nay, dù có "luân lạc" trong cuộc sống sau tháng tư năm 1975.

Năm 1969 tôi rời khỏi Bình Định. Phạm Cao Hoàng và Lê Văn Trung cũng ra trường mỗi người đi mỗi nơi. Tôi nhớ: Phạm Cao Hoàng về Bình Thuận. Lê Văn Trung về Quảng Ngãi. Trần Hoài Thư sau đó cũng rời khỏi Bình Định về Ban Mê Thuột và vào Nam. Căn nhà, có quá nhiều kỷ niệm ở cuối đường Nguyễn Thái Học, khu sáu năm nào, cũng chẳng biết ra sao. Nhà của chủ trả lại cho chủ. Chỉ còn những kỷ niệm khó quên của một thời gian khó quên của tuổi trẻ chúng tôi, còn giữ lại…

… Năm 1969, Qui Nhơn tôi không trở lại cho mãi đến hôm nay. Nhưng những chuyến xe lam chạy quanh thành phố mà nhà thơ Phạm Cao Hoàng viết lại làm tôi nhớ từng gương mặt của các bạn. Giờ hầu như, qua Thư Quán Bản Thảo anh em cũ đã họp mặt gần đầy đủ.
Dù từ năm ấy, các bạn của tôi đã thuyên chuyển đi các nơi khác (Trong bài viết của Phạm Cao Hoàng). Nhưng, vào năm 1972, tôi về Huế thăm nhà, lại gặp Lê Văn Trung. Anh không còn dạy học ở Quảng Ngãi nữa, anh đổi về Huế. Tôi đến thăm anh với chị Hiệp cùng đứa con gái đầu lòng còn nằm trong nôi. Một bữa nhậu nhỏ nhưng thật ấm cúng không còn ngày nào lạng bạt ở Qui Nhơn, do chị Hiệp sửa soạn trên căn phòng của lầu 2 mà anh chi thuê, trên dãy lầu của nhà thờ Phú Cam. Buổi chiều, Huế lạnh. Trước dãy hành lang của dãy lầu hai, những hàng cây trứng cá vẫn đứng im trong cái lạnh của Huế, và tôi cũng chia tay anh để trở lại đơn vị từ ngày đó.

Mãi cho đến cuối năm 1982 - sau khi ra khỏi trại cải tạo - tôi về Huế thăm nhà. Mượn chiếc xe đạp cà tang của đứa em, đạp lên hướng nhà thờ Phú Cam, tìm đến dãy lầu mà anh chị đã thuê năm 1972 - hy vọng anh chị còn sống nơi đó - Dựng xe nơi gốc cây trứng cá già, nhìn lên dãy lầu mà tôi còn nhớ, ngơ ngác tìm kiếm. Một ông thợ hớt tóc đang hớt tóc, thấy dáng điệu ngơ ngác như muốn tìm kiếm ai, ông hỏi tôi:
- Ông tìm ai trên đó?
- Tôi tìm anh chị Lê Văn Trung.
Nghe tôi nói giọng Nam, ông biết tôi ở xa đến. Ông ta kéo tôi ra gần gốc cây trứng cá, nói nhỏ:
- Ông không biết gì sao?
- Không.
- Ảnh đi tù rồi. Ông đi đi, đừng đứng nơi đây nữa.
- Còn vợ anh ấy đâu, cho tôi gặp?
- Đã dọn vào Long Khánh hết rồi.
Nói xong, ông ta đi ngay. Tôi đạp xe về nhà. Trên đường, lòng buồn quá đỗi. Hình như thời buổi ấy, ai nghe nói đi tù... cũng sợ!...

… Cuộc đời của anh có quá nhiều nỗi khổ. Khổ từ trong trại cải tạo không nói làm gì. Khổ ngoài đời kiếm sống để nuôi vợ, nuôi con mới quan trọng. Lao tâm. Khổ trí. Nhìn anh qua những tấm hình mà bạn bè gởi qua cho tôi. Tôi ngỡ ngàng. Không phải một Lê Văn Trung ngày nào khi chúng tôi còn ở Qui Nhơn. Một Lê Văn Trung chững chạc, thì hôm nay bệ rạc thế sao? Ngẫm mà buồn!
Rồi tôi có nghe người bạn thân nói lại, cũng vì lao lực, lao tâm quá nhiều nơi vùng "kinh tế mới" Đồng Nai. Anh ngã bệnh nặng. Tưởng rằng không thể gượng dậy nỗi. Đọc: Thời Gian Nhìn Lại anh viết tặng chị Hiệp (vợ anh). Đọc những câu thơ như anh đã trút hết vào đó những gì 60 năm anh đã có cái hình hài này: 
“Sáu mươi năm những bọt bèo vô nghĩa
Câu thơ nào em viết xuống đời anh
Xin đủ ấm một góc chiều mộ địa
Anh nằm nghe lá úa rụng bên mình...”

Từ năm 1972 cho đến hôm nay, tôi không gặp anh và chị. Nhưng trên TQBT lúc nào cũng có những bài của anh. Đọc thơ anh, tôi nghĩ đã có anh bên cạnh rồi. Nhất là tập thơ thứ hai của anh. Tập Tịnh Khúc, dù anh viết tay, chưa có đủ điều kiện để cho đứa con tinh thần của anh ra chào đời. Nhưng qua điện thư anh gởi cho chúng tôi. Khi nào "Tịnh Khúc" ra đời, tôi sẽ gởi ra tặng hai anh (Tôi và THT). Một câu nói đầy tình nghĩa của bạn bè năm xưa, vẫn còn nhớ đến nhau. Mà mỗi khi rảnh rỗi, ngồi một mình suy ngẫm. Biết khi nào tôi về để gặp các bạn đây? Sao người ta cứ đi về hoài, dễ quá! Còn tôi thì vẫn lặn hụp trong mù sương”
(Phạm Văn Nhàn)

Trước năm 1975 thơ Lê Văn Trung đã xuất hiện trên Bách Khoa, Văn, Ý Thức, Thời Tập… Sau năm 1975, ngoài thơ, với bút hiệu Lê Hoài Nam qua các truyện ngắn được đăng trên Thư Quán Bản Thảo và Khởi Hành của Viên Linh. Tôi phụ trách tờ Tân Văn nên chọn một số thơ, văn của bạn cho tờ báo.
Có lẽ năm 2006. Lê Văn Trung thoát cảnh “bỉ cực” nên ấn hành tập thơ Cát Bụi Phận Người với 62 bài thơ. Ngay tựa đề thi phẩm cũng nói lên niềm đau và thân phận bi thương của tác giả.

Ta Cho Nhau Cái Sau Cùng
tặng Hiệp
“ta đi trăm núi ngàn sông
để chia nhau cái khốn cùng đời nhau
để cho nhau cái cơ cầu
cho nhau cả những tình sâu nghĩa đầy
có em trong cuộc đời này
là ta có đủ vơi đầy nông sâu
sá gì đâu cuộc bể dâu
ai không lận đận qua cầu tang thương
cụ Nguyễn Du khóc đoạn trường
ba trăm năm …
ta khóc buồn ngàn năm
hãy vì nhau dẫu mất còn
gởi cho nhau chút phai tàn hỡi em
để sau bao thác bao ghềnh
bao nhiêu lừa lọc đảo điên phận người
ta dành một chút tình vui
tiếng đàn tan hợp ngậm ngùi Kiều xưa”.
(Trên Tàu Bắc Nam 15.02.2002)

Hai câu thơ cuối của bài thơ nầy, chỉ có bạn bè thân của LVT mới cảm nhận “tan hợp” của nhà thơ khi rơi vào hoàn cảnh khốn cùng! Ngày xưa thi hào Nguyễn Du (1766–1820) đặt tên cho tác phẩm là Đoạn Trường Tân Thanh vì “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” mà thi hào Pháp Alfred de Musset (1810-1887) cũng cùng quan điểm “Khúc đoạn trường là những khúc ca hay nhất”. Sau khi thi hào Nguyễn Du mất, trong Quốc Văn Tùng Ký gọi là Kim Vân Kiều, Truyện Kiều, câu nói của Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn, chúng ta còn…” trở thành phổ thông cho tác phẩm nầy.

Sau tập thơ Cát Bụi Phận Người đã in ở trong nước, thi tập Tịnh Khúc gồm 130 khúc viết năm 2008 (tôi có nhận được file Microsoft word nhưng không thấy ấn hành). Trong thi phẩm Tịnh Khúc của Lê Văn Trung chia làm ba phần (phần một với 34 bài, phần hai với 19 bài và phần ba với 24 bài) thời gian ở Đà Nẵng, Hội An, Cù Lao Chàm vào năm 2008. Hầu hết theo lối thơ tự do từ một chữ, hai chữ, ba chữ… nhiều chữ, từ vài dòng đến nhiều dòng, mang chất thiền và triết lý, có số bài khi đọc với âm lục bát.
Như đã đề cập về Thư Ấn Quán, Trần Hoài Thư nhiệt tình hỗ trợ các tác giả ở quê nhà nên trong thời gian hiền thê của anh lâm trọng bệnh, ngồi xe lăn, anh vừa làm trỏn bổn phận người chồng già chăm sóc tận tình cho vợ vừa lo ấn hành tác phẩm của bạn bè vì vậy Thư Ấn Quán đã xuất bản hai thi phẩm của Lê Văn Trung: Bi Khúc ấn hành năm 2010, gồm 74 bài mà theo lời tác giả: “Là một xâu chuổi gồm nhiều bài thơ ngắn được đánh số ngẫu nhiên như một bài thơ dài. Tác giả khởi viết từ đầu năm 2008 và tạm dừng vào tháng 7.2009…” và Thú Hoang Đường, gồm 92 bài thơ, ấn hành tháng 1 năm 2018.

Qua vài trăm bài thơ, có thể nói Lê Văn Trung là một trong những nhà thơ (trong nước và hải ngoại – chỉ dành cho “những người muôn năm cũ”) sáng tác nhiều nhất. Khách quan nhận định, thơ Lê Văn Trung rất hay qua các thể thơ lục bát, bảy chữ, tám chữ… đọc lên cảm thấy bùi ngùi, xúc động. Quá khứ và hiện tại thoáng hiện với “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” trong Cung Oán Ngâm Khúc của tác giả Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều. 
Đơn cử vài bài thơ của Lê Văn Trung với bi kịch cuộc đời, đoạn trường, niềm đau, thân phận “ba chìm bảy nổi”…
Bài thơ Nghìn Năm Lụy Phiền trang trải tâm trạng bi đát như tiếng lòng thổn thức:
“bao năm ngậm ngải tìm trầm
chưa qua hết cuộc phong trần hỡi em
đời như giọt rượu buồn tênh
tìm nhau cuối bãi đầu ghềnh lìa nhau
tìm nhau tự cõi ban đầu
tìm nhau khuất nẻo bạc đầu thanh xuân
tìm cho tàn cuộc phù vân
lạc nhau mấy cõi điêu tàn còn nghe
đoạn trường ai hát đâu đây
lời bi thương đứt bốn dây hồ cầm
tìm nhau bờ bến mù tăm
mười lăm năm giữa nghìn năm lụy phiền
(Đà Nẵng 2002)

Với thể thơ lục bát, có lẽ hay nhất trong thi phẩm nầy vì thể hiện cả ý và lời rất sâu sắc.
“tôi che cho kín nỗi buồn
làm sao dấu hết long đong phận người
thà như khóm lục bình trôi
nghe con sáo hót ngậm ngùi ngàn năm”.
(Làm Sao Che Kín Nỗi Buồn)
“đoạn trường ai hát đâu đây
lời bi thương đứt bốn dây hồ cầm
tìm nhau bờ bến mù tăm
mười lăm năm giữa nghìn năm lụy phiền”
(Nghìn Năm Lụy Phiền)

Trong cuốn L’Étranger của Albert Camus nói lên triết lý về cuộc đời vô nghĩa, và câu nói bất hủ của ông “Cái tôi thật đáng ghét” thì LVT với cái tôi đáng thương trong cõi ta bà vô minh:
Cuộc Tìm Kiếm Vô Minh
“tôi tìm tôi trọn một đời
cái tôi tro bụi luân hồi nhân sinh
đến từ sâu thẳm vô minh
trở về từ cỏi vô hình vô ngôn
hạt mưa rơi tự đầu nguồn
như tôi hạt bụi rơi buồn ngàn năm
sắc màu nào của trần gian

mà không phai nhạt lụi tàn cùng tôi
ra đi từ cõi con người
ta về cùng với đất trời hư không”.
*
Năm 1987, sau mười hai năm, tôi mởi trở lại Sài Gòn, tá túc nhà người bạn cùng khóa, xót xa trước cảnh cũ và phận mình, chỉ gặp bạn bè “khố rách áo ôm”, ai đã ở trong lao tù thì cũng số phận như Tô Thùy Yên trong mười năm:
“Ở đây, địa ngục chín tầng sâu, 
Cả giống nòi câm lặng gục đầu, 
Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt, 
Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau”

Phan Xuân Sinh chép bài thơ Ta Về của Tô Thùy Yên. Khi đọc, lặng người bởi nói lên tâm trạng của hàng vạn người tù khi trở về chốn xưa:
“… Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay
… Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa người ơi
… Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu
Con gẫm lại đời con thất bát
… Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm
… Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh…”.

Bài thơ Đợi Chờ Đến Cuối Cuộc Tang Thương của Lê Văn Trung dài hơn bài Ta Về, cũng mười năm lao tù và sống vất vưởng, quá bi thương, tan nát cõi lòng, từng câu thơ đã nói hết, không còn chữ nghĩa nào để nói thêm:
“Ta về ghé lại gian nhà cũ
Ngõ vắng, dây bìm chen lối vào
Nền gạch xám khô, tường mốc thẫm
Cây khế tàn bông rụng đớn đau

Cánh cửa mười năm còn để mở
Đìu hiu như mỏi cuộc mong chờ
Ta bước ngại ngần, xiêu bóng đổ
Run run thềm tối nhện giăng mờ

Con mực ốm già không nhớ nổi
Gầm gừ chẵng tỏ dấu thân quen
Ta gẫm đời ta chừng bao tuổi
Mịt mù như đã mấy trăm năm

Ta gọi mà không thành tiếng gọi
Lời ta chìm nghẹn ở trong lòng
(Ai cướp đời ta cả tiếng nói)
Ta về đây vườn trống nhà không

… Ta về như đứa con lưu lạc
Nửa đời áo rách vá tang thương
Trăm nẻo ngược xuôi không ngõ thoát
Ta đành như kẻ mất quê hương

Đâu lũ chim sâu mùa nhãn chín
Buồng cau con sẻ ríu ran xưa
Ta nhìn chỉ thấy màu mây bạc
Hiu hắt đùn quanh ngọn núi mờ

Muốn hỏi mà nghe lòng se quặn
Bạn bè, thân quyến, vợ con đâu?
Cơn gió độc nào xô đuổi tới
Trăm năm đành lạc mất đời nhau

… Ta về như cánh chim bay lạc
Đậu xuống vườn xưa lạnh tiếng kêu
Ai bắt đời chim quên giọng hót
Lời chim rịn máu đỏ mây chiều

… Ta sẽ gom thâu từng vỏ đạn
Từng mảnh bom cuối rạch đầu ngòi
Từng mảnh xương người, manh vải mục
Từng dòng uất nghẹn cháy khôn nguôi

Ấy thế mà khi ta trở về
Vườn xưa quạnh quẽ, xác mai gầy
Cúi hôn mặt đất còn đau buốt
Ngọn gió oan hờn thổi sắt se

Bóng ta đổ xuống bên hiên vắng
Như bóng ma về khóc đớn đau
Thôi hãy vì nhau mà gắng đợi
Một ngày thăm thẳm của mai sau…”

Mười năm trước về lại chốn xưa như vậy, rồi hai mươi năm sau vẫn chìm đắm trong cảnh khốn cùng:
“ba mươi năm những mịt mù
những vây hãm những ngục tù trần gian
gởi xương máu lại bên ngàn
tôi về như kẻ ngụy hàng oan khiên”
Trong lúc bi phẩn, thường mượn rượu để giải sầu, trong thi phẩm Say của Vũ Hoàng Chương năm 1940, trong đó hai câu: “Có ai say để quên sầu? Lòng ta lảo đảo càng sâu vết buồn” cho thấy khi chuyếnh choáng hơi men, khơi dậy bao niềm đau, bài thơ Chén Rượu Hoàng Hôn của Lê Văn Trung cũng mượn chén rượu để chia sẻ:
“Thà ví đời ta như cây cỏ
Sống giữa đất trời như cỏ cây
Hề ta chỉ là tên hàn sỹ
Lòng ta là một ly rượu đầy

Ta rót mời em vài chén rượu
Hãy uống cùng ta dăm nỗi buồn
Tay gõ vào mây mà lệ ướt
Tay ôm tràn gió mà mưa tuôn

Có nghĩ vì nhau mà nâng chén
Có nghĩ gì nhau mà uống say
Thiên hạ đã bao mùa ly loạn
Ta với em chừ tay trắng tay…”

Nguồn thơ của Lê Văn Trung trong bốn thập niên qua khi đổi đời là cả đoạn trường, bi khúc… của thương đau, của bơ vơ, lạc lõng. Thỉnh thoảng mới bắt gặp vài bài thơ khi tìm niềm vui “chén tạc chén thù” với bằng hữu. 
Viết về nhà thơ Lê Văn Trung, chợt nhớ đến nhà văn Lê Văn Trương. Lúc bạn ta còn khoác áo thư sinh thì Lê Văn Trương mất tại một căn nhà hẹp ở hẻm Bùi Viện, Sài Gòn. Cả hai, kẻ Bắc người Trung, chẳng họ hàng gì với nhau. Đoạn cuối cuộc đời với nhiều oan trái. Lê Văn Trương bị hàm oan vì có người trùng tên với một người dám đả kích bà Ngô Đình Nhu... Tuy minh oan nhưng bị đài phát thanh sa thải, cảnh nhà hết sức quẫn bách, sách in ra không bán được, sống trong cảnh nghèo đói và bệnh tật, qua đời lúc 58 tuổi. Thương con người tài hoa, nhà văn viết sách nhanh nhất, viết dễ dàng như viết thư tình, vài chục quyển sách như vài chục nhân tình… cuối đời lại bị tình phụ, trắng tay!

Cũng nhờ facebook tạo được nhịp cầu, Lê Văn Trung đã bước vào tuổi thất thập, trông cũng còn phông độ, người xưa cho rằng “cổ lai hy”, nhờ “vịn câu thơ mà đứng dậy” để tuổi già có Sinh Nhật Thơ:
“… Tôi về trải hết lòng nhung lụa
Rượu nồng xin cạn cuộc tình vui
Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió
Ôi chiều hồng ươm chiều chưa mưa
Em về, thơm đóa tình xanh cũ
Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ”.

Với thói quen “Ban ngày cứ mãi rong chơi. Tối lặn mặt trời, đổ gạo ra xay”, khi viết về tác giả nào, ngồi trước PC “nhớ nhà châm điếu thuốc” (Hồ Dzếnh), nghe vài khúc nhạc cổ điển, phác họa chân dung, hết điếu thứ ba mới gõ trên PC keyboard. Tôi thích câu thơ của TTT “Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ. Thanh Tâm Tuyền, Thanh Tâm Tuyền” nên một số bài viết để tên tác giả và vài chữ mang nội dung. Còn đảm trách tờ nguyệt san nên cũng “trả nợ tình xa” qua các bài viết như: Phan Nhự Thức, đời người đời bạn (số tháng 12 năm 2017), Nhật Ngân & bản quyền ca khúc… (số tháng 1/2018), Nguyễn Văn Đông & một thoáng xuân phai (số tháng 2/2018), Hà Huyền Chi, người dệt thơ trên hoa dù (số tháng 3/2018) và Thanh Tâm Tuyền, giữa lòng cuộc đời (số tháng 4/2018)… có post vào fb của tôi. Và, lần nầy với bạn ta Lê Văn Trung, bi khúc một đời thơ.

Trước đây Phùng Quán chỉ “ngã lòng” còn “lũ chúng tôi” sau nầy ngã quỵ, ngã sấp, ngã dập mặt dập mày, ngã xuống vực thẳm, ngã đến bất tỉnh, ngã một cách thảm thương… ngã cho đáng đời “đầu thai nhầm thế kỷ” (Vũ Hoàng Chương).
Khi viết những dòng nầy, nhà thơ Hà Huyền Chi vừa gởi cho tôi mấy câu thơ:
“Mỗi lần té ngã ta khôn lớn 
Lại đứng vùng lên chẳng ngại ngùng 
Ði tiếp lộ trình ta đã chọn 
Dẫu người chung bước chẳng chung lòng”.
Mạng phép HHC, gởi tặng bạn, nếu nhà giáo Lê Văn Trung không té ngã thì làm sao có những bài thơ hay tuyệt vời đến thế.

Viết cho ngày sinh nhật Lê Văn Trung
Vương Trùng Dương