văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, April 18, 2018

VIÊN LINH ** Tản Mạn Về Chữ Nghĩa

hành trình của đá @ Thanh Trí

1. 
Ðã lâu lắm không nghe thấy hay không trông thấy một tác phẩm thơ văn nào gây sôi nổi trong dư luận, không hiểu vì sao? Chỉ biết trước hết là không nghe không thấy.
Tại vì các tác giả (nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo…) không một ai còn in sách nữa? Hay họ vẫn viết mà không in thành sách, không in ra giấy, mà viết rồi đem lên trời? Lên mạng lưới không gian?

Trong cuộc sống ở đâu người viết bài này không biết, song ở nơi đây, ở Little Saigon “thủ đô văn nghệ tị nạn” như khoảng mươi mười năm, hay hai ba mươi năm trước báo chí nói đến, không hề thấy một sinh hoạt văn chương tập thể nào tạo được một tiếng vang.
Nhưng có phải lỗi ở các nhà văn nhà thơ, các tác giả, hay nguyên do là ở những chỗ khác? Ở các ông chủ bút, không có một ông chủ bút lớn nào làm chủ được ngọn bút của mình, biết nghề của mình, và do đó, không có một tờ báo nào làm được cái vai trò ta thường nghe nói: “hướng dẫn dư luận?” Hay lỗi ở các tờ báo, nơi phản ảnh dư luận: không có cơ quan ngôn luận nào gây được một dư luận trong sinh hoạt văn hóa (xin miễn nói đến sinh hoạt của các ngành khác)?

Từ lâu lắm người viết bài này từng biết chỉ khi nào có một giải thưởng văn chương, hay một đối tác xứng đáng (như từ đối tượng hay môi trường), thì mới có thi đua, xúc động, sáng tác. Mà cả chục năm nay không có một giải văn chương nào!
Còn nhớ thời 20 năm ở miền Nam Việt Nam, năm nào cũng cứ đến khoảng cuối năm là trong quán xá văn nghệ người ta gặp nhau, đề tài được bàn tán là các giải thưởng văn nghệ. Như các câu hỏi năm nay ai sẽ được giải Thanh Tâm? Ai có hy vọng lãnh 400 ngàn giải Văn Chương Toàn Quốc?…
Nhưng trước hết, sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại còn không, hay đã chết rồi? Ở hải ngoại bây giờ còn các độc giả Việt Ngữ không? Hay các độc giả Việt Ngữ đã lãng đãng cả rồi? Câu hỏi liên hệ là còn tờ báo Việt Ngữ nào hướng dẫn được dư luận không, hay làm gì còn dư luận nữa mà hướng dẫn?

Liên hệ hồi xưa giữa người viết-người đọc gắn bó là thế, báo nào cũng có “hộp thư tòa soạn,” nay đọc báo không hề thấy hộp thư tòa soạn đâu, thế là vì sao, tại sao? (Câu hỏi có nghĩa là độc giả không phản ứng trước tác phẩm hay độc giả có phản ứng mà báo chí không tường thuật, hay không biết đến…)
Ðoạn trên nói đến các nhà văn, các chủ bút, là con người, song nếu lỗi không ở con người, thì vì sao có sự trầm đọng ấy? Vì độc giả, độc giả cũng là con người, vậy con người độc giả vẫn còn, nhưng họ không đọc báo giấy nữa, mà đọc báo không gian.

Ðó có phải là nguyên do khiến cho sinh hoạt người viết-người đọc không còn nữa, vì người đọc báo mạng và người viết báo mạng không có cái gắn bó đầm ấm như thuở xa xưa nữa? Ðiều này hình như có thể là một trong những nguyên do: sự tha hóa bao la và mênh mông, không còn gắn bó gì nữa.

Và trước hết: quên chữ tị nạn đi. Bốn mươi năm rồi sau 30 Tháng Tư, 1975, tị nạn không còn ý nghĩa gì nữa. Người đọc, người viết bây giờ nếu còn một liên hệ nào, thì đó là ở nội dung nội tại của các bài viết và ngoại cảnh của cộng đồng của người đọc: Người viết bây giờ và người đọc bây giờ ở những chân trời xa lạ cách biệt. Một thời kỳ đã qua. Nhiều giai đoạn đã chấm dứt.
“Ta là ai giữa mùa thay đổi ấy?” (thơ Thế Lữ). Vậy vấn đề đặt ra là phải tìm câu trả lời để tìm lối giải quyết. Ai tìm?
– Chính các tác giả phải tìm câu trả lời? Tại tác phẩm của mình? Tại độc giả không có?
– Các nhà xuất bản phải tìm câu trả lời? Trước hết, nhà xuất bản là những ông bà nào, nghề xuất bản có thích hợp tương xứng không? Người in sách có nhằm đúng đối tượng độc giả là người đọc không?
– Vấn đề sản xuất và vấn đề phát hành. Ai sản xuất? Ai phát hành?

2. 
Tần Thủy Hoàng đã có lý khi nghe theo ý kiến của thừa tướng Lý Tư ra lệnh nổi lửa đốt sách.
“Tần Thủy Hoàng (n.d.) là con của Trang Tương Vương nước Tần. Trang Tương Vương làm con tin của Tần ở nước Triệu, lấy người thiếp của Lã Bất Vi (lúc bấy giờ đã mang thai). Sau người thiếp này sinh ra Thủy Hoàng ở Hàm Ðan, đặt tên là Chính họ Triệu. Vậy thật ra Thủy Hoàng là con của Lã Bất Vi. Trang Tương Vương mất, ông được lập làm Tần Vương, lúc đó mới 13 tuổi (247 Trước Công Nguyên). Lã Bất Vi được làm thừa tướng.

Thủy Hoàng là người có hùng tài, thôn tính sáu nước, thống nhất thiên hạ, phía Bắc đuổi Hung Nô ra khỏi nước, phía Nam thâu Mân, Việt, tứ phương quy phục, cương thổ mở rộng. Phế bỏ chế độ phong kiến, lập ra quận huyện, xây trường thành, thống nhất đo lường, pháp luật, chữ viết, các trục xe đều dài bằng nhau (trước kia xe trận trục dài ngắn khác nhau, và mỗi nước làm đường vừa đủ cho xe của mình chạy, xe nước khác trục dài hơn, không dùng được).

Theo đề nghị của Lý Tư cho đốt tất cả sách sử, trừ sách sử của nhà Tần. Ai cất giấu “Kinh Thư, Kinh Thi” hoặc sách của Bách-Giả chư tử thì phải đem nộp cho các quan địa phương để được đốt đi (phần thư). Ai trái lệnh, hoặc dám bàn với nhau về “Kinh Thư, Kinh Thi” hoặc các sách đạo Nho, thì bị đem ra chém giữa chợ.
Lệnh ban ra, trong 30 ngày mà chưa thi hành, thì viên quan chịu trách nhiệm bị khắc vào mặt, cho đi xây cất Trường Thành. Riêng các sách thuốc, bói, trồng cây thì được giữ lại. Tự cho mình có công bao trùm cả Tam Hoàng, đức thì vượt cả Ngũ Ðế, vì vậy tự xưng là Hoàng Ðế. Bỏ thụy danh, cho mình là Thủy Hoàng Ðế, các đời sau cứ theo số mà tính: Nhị Thế, Tam Thế…

Không những đốt sách Nho, ông còn cho lệnh chôn sống các nho sĩ nào tỏ ý chống đối. Sợ thiên hạ làm phản, ông ra lệnh cho các nước phải nộp binh khí tại Hàm Dương rồi đúc thành chuông. Phái bọn Từ Phúc đi tìm thuốc trường sinh, tốn công quỹ rất nhiều mà chẳng được kết quả gì là lẽ dĩ nhiên. Trong một cuộc tuần tra, ông mắc bệnh và tạ thế ở Sa Khâu, ở ngôi vị được 37 năm.

“Thai nghén trong khi ở nước người 
Nhờ tay họ Lã khéo tìm moi.
Ðem vàng muôn lạng buôn vua chúa 
Vận óc đa mưu chuyển thế thời
Sáu nước gồm thâu chung một mối
Ngôi vua chiếm đoạt, chép muôn đời
Ngăn hổ, chôn sĩ lưu truyền mãi
Nhưng diệt Tần xong, ai đoạt ngôi?
Thái Cuồng” (Từ điển BS Hoàng Xuân Chỉnh)

3. 
Trên đây là hai đoạn ghi chép nhằm bày tỏ cùng bạn đọc về một thời khắc bất định trước trang giấy trắng. Không phải lúc nào ngồi trước bàn viết người ta cũng viết ra được những điều ưng ý. Mà cho dù văn hay chữ tốt đến đâu, chữ nghĩa cũng có định mệnh của nó, nhất là trong một cuộc hỏa thiêu từ một tâm trí cực đoan, hay dẫu từ một ngọn lửa vô tình.

VIÊN LINH