văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, April 24, 2018

TRẦN TUẤN KIỆT ** Tục thờ trâu đất và THẦN CÂU MANG Coi Về Mùa Xuân



Lễ hội phong tục của người Việt từ đời vua Lý Thánh Tông về sau có tục thờ Thần Câu Mang, vị thần mùa Xuân và Trâu Đất là do câu chuyện thần tích kể về Hậu Thổ Nguyên Quân, Bà Cây mà ra.

Tiện đây xin nhắc lại câu chuyện văn hóa và tôn giáo chính thống của người Việt vừa xảy ra cách đây vài ba năm.

Trong buổi hội thảo về văn hóa thế giới, có phái đoàn đại diện cho VN XHCN, họp ở đảo Guam, Thái Bình Dương. Có người hỏi đại diện VN rằng. Về tôn giáo thì tôn giáo chính thống của người Việt là tôn giáo nào. Tại sao người ta lại coi chủ tịch VN như một ông thần?

Người của phái đoàn VN sau khi ấp úng một lúc rồi nóí. Chúng tôi muốn nói với quý vị tôn giáo VN từ ngàn xưa truyền lại có đạo Phật đã lâu đời, đạo Khổng và đạo Lão hòa hiệp tạo thành tôn giáo truyền thống VN gọi là Tam giáo đồng nguyên. Nói đến đây rồi bí luôn không biết tôn giáo chính thống của người Việt là gì.

Đại diện các nước nói:
- Đạo Phật từ Ấn độ truyền sang.
- Đạo Khổng của Trung quốc, Lão cũng thế, đâu phải là tôn giáo chính thống của người Việt.

Cả Bà la môn của Ấn, đạo Hồi từ Trung Đông, đạo Chúa… đều không phải tôn giáo chính thống của người Việt.

Thế rồi đại diện tôn giáo VN ấp úng hồi lâu không sao trả lời được cho đến khi họp xong. câu chuyện như thế được báo VN kể lại dường như đó là tờ Saigon Giải phóng.

Thật ra hỏi đáp với các đại diện tôn giáo không phải khó trả lời cho những người có tâm huyết, có nghiên cứu sâu xa về văn hóa truyền thống VN.

Đầu tiên xin trả lời đơn giản ngay, tôn giáo chính thống của người Việt là Thần đạo. Thời thượng cổ, đời Hùng vương có thờ thần Đồng cổ (thần Trống Đồng). Đó là vị thần chiến thắng của người Việt từ muôn đời. Sử sách về các thần tích kể đi kể lại khá nhiều, ta cũng không phải nhắc đến nữa.

Đây xin nói sơ lược qua về Thần đạo của người Việt để cho một số bạn trẻ thích nghiên cứu về tôn giáo chính thống, về Thần đạo VN biết qua thôi.

Hệ thống đại cương của Thần đạo Việt là:
1- Thiên thần: Thờ vị thần cao đẳng nhầt là ông Trời sinh ra vạn vật vũ trụ và cac vị thần ở Thượng giới.
2- Nhân thần: Các vị thần từ Lạc Long quân, Âu Cơ, vua Hùng Vương và cac1 nhân vật có công ơn với dân tộc như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trương Công Định… ở các miếu đình.
3- Các vị thần trong thần thoại cổ tích như Sơn tinh, Thủy tinh, Phù Đổng Thiên vương, thần Kim Quy, thần Đồng Cổ, thần Bạch Hạc…
4- Các vị thần là vật linh như: Nỏ thần, Chiếu Tà Lơn (chiếc chiếu trải dưới chân thấm máu ông Nguyễn Trung Trực khi bị giặc Tây xử tử được dân chúng đem về thờ), Cây Đàn Tranh của chu mạnh Trinh hoặc Bà Cây mà chúng tôi xin kể ra sau đây
5- Các con thú linh: Bạch Hổ, Bạch Tượng, Nam Hải Đại Vương (cá ông), Chó đá, Trâu đất… Hà nội có đền thờ Cẩu nhi, Kim Ngưu…
6- Các vị thần trong gia đình: Thần Đất, Thần Lửa… Ngoài sân có Bàn Thông Thiên thờ Trời Đất mà ta còn gọi la Tiểu Đình. Trong nhà có bàn thờ Tổ tiên, ông bà…
7- Đền thờ Chiến Sĩ Trận Vong từ xưa đến thời vua Quang Trung Nguyễn Huệ còn cho cất đền chiến sĩ trận vong của nhà Thanh bị chết ở nước ta nữa.
8- Tục thờ Mẫu: Tục thờ thần Nữ rất quan trọng ở VN như Nữ thần mười hai tay ở thôn Ngọc Long, chùa Thớ thờ Thần chứ không thờ Phật; còn Bà chúa Lẫm coi kho, Bà Mẫu Thoải, Bà Mẫu Thượng Ngàn, Kỳ Thạch phu nhân, Bà Đá, Thái Dương phu nhân, Vân Cát nữ thần (Bà Chúa Liễu), nữ thần Dệt (Bà Chóa)…

Ngoài ra còn Thần Khổng Lồ, Ông Bà Tồ Cô, Thần Trụ Trời, Thần Biển… Rải rác khắp các làng xã đều có thần làng, thần Thổ Địacó vua ban sắc chỉ là Thành Hoàng.

Trên con đường Nam Tiến của dân tộc, đến đâu thì có thờ Thần ở đó như Thần đềo Mụ Giạ… Vì thế Thần đạo phát triển theo lịch sử dựng nước từ ngàn xưa đến nay có vô số đền, miếu, lăng tẩm thờ thần linh. Sao lại bảo nước VN không có tôn giáo chính thống?

Trên đây chúng tôi chỉ ghi sơ lược về Thần đạo. Còn vị nào muốn đi sâu hơn xin đọc Thần đạo VN hay Đại Việt Thần đạo do chúng tôi biên soạn và hiện đại hóa trên mười ngàn trang.

Bây giờ xin trở lại câu chuyện mùa Xuân, nói về thờ Thần Câu Mang và thờ Trâu Đất ở nước Nam.
Câu chuyện Hậu Thổ Nguyên Quân, Bà Cây và Thần Câu Mang như sau:

Khoảng năm 1069, vua Lý Thánh Tông đem quân đánh Chiêm Thành. Thuyền đi đến sông Hàn thì mưa to, sóng dữ có nguy cơ bị chìm. Nhà vua lo nghĩ mãi, gục đầu trên án. Trong lúc mơ màng nhà vua thấy xuất hiện một người con gái tuyệt thế giai nhân.
Nàng nói:
- Thần vốn là thần nước Nam, thác sinh vào cây ở chốn non nước đã lâu.
Nhà vua hỏi:
- Nữ thần gặp trẫm có việc gì
- Được gặp nhà vua, thần rất mãn nguyện.
Nhà vua hỏi:
- Trời nổi phong ba, thuyền qua không nổi cửa Hàn. Thần thấy trẫm động binh đánh phương Nam nên quở trách chăng?
- Không phải thế đâu. Trời đất phương Nam đều ở cả nhà vua rồi. Nay quân Chiêm quấy nhiễu biên cương. Nhà vua hãy bình tâm tiến binh mà đánh dẹp. Thần sẽ ra tay diệt loài ma quỷ bên thuyền để vua bình an, quyết thắng mới thôi. Lúc khải hoàn, thần xin bái yết ở đây.
Nữ thần nói xong biến mất. Vua tỉnh dậy đem câu chuyện nữ thần báo mộng kể cho quần thần biết.

Có nhà sư là Huệ Lâm tâu rằng:
- Nữ thần linh hiển, báo với nhà bvua thác vào cây ở chốn may nước. Vậy xin cho tìm ở đám cây cối may ra tìm được.
Vua cho quân đi tìm khắp trên bờ, dưới bãi thì tìm thấy một khúc gỗ rất giống hình người rất trang nghiêm, oai vệ. Nhà vua thấy rất giống nữ hoàng hiện ra trong giấc mộng nên mừng lắm, đặt tên là Hậu Thổ phu nhân, đặt gỗ thần ngay trước mũi thuyền ngự. Từ đó sóng gió yên lặng. Thuyền đi nhẹ như tên.

Nhờ thần linh phù trợ, quân nhà Lý tiến công dữ dội về ca khúc khải hoàn. Trên đường về, thuyền vua qua bến cũ và đậu lại. Nhà vua nhớ ơn nữ thần cho lập đền thờ ở đó. Không ngờ sóng to gió lớn lại nổi lên. Nhà vua sợ hãi hỏi:
- Sao ta lập đền thờ mà lại sóng gió nổi lên?
Sư Huệ Tâm tâu:
- Có lẽ nữ thần muốn theo vua về kinh đôchăng?

Nhà vua nói với Gỗ thần:
- Trẫm vì nghĩ đến công lao của nữ thần định cho lập đền thờ ở đây hàng năn cúng tế. Nếu thần không ưng thì trẫm xin rước về kinh đô thờ. Xin cho trời yên bể lặng để thuyền trẫm được về bình yên.
Vừa dứt lời thì sấm sét vang lòe, phong ba bão táp dừng lại, yên lặng như tờ.
Về đến kinh, vua sai chọn đất lập đền thờ Thần ở làng Yên Lãng, Hà nội. Đền rất thiêng, người dân thường đến chiêm bái và cầu những điều tốt rất ứng nghiệm.

Đến đời Lý Anh Tôn, dân bị hạn hán. Vua lại lập đàn để tế trời, cầu nữ thần làm chủ đàn. Thần liền báo mộng cho vua biết rằng thần Câu Mang là tướng quân bản hộ của thần chuyên việc làm mưa.

Vua Lý rất mừng, hạ lệnh rằng.
- Thần Câu Mang coi về mùa Xuân, được xếp hàng dưới Hậu Thổ phu nhân (Bà Cây). Từ nay về sau, phàm làm lễ mùa Xuân rồi, phải đem con trâu bằng đất đặt dưới đền thờ. Như thế thần Câu Mang là thần mưa, coi mưa đầu Xuân để dân ta có nước ở ruộng gieo mạ vụ đầu năm..

Tục đem trâu bò ra cúng tế thần linh cũng có từ làng xã VN từ ngàn xưa.. Ở các đình miếu có tục tế thần và đem các linh vật như Trâu, Ngựa đắp bằng đất nung lớn để thờ. Hiện giờ đình Bình Trung có thờ thần Mã.

Có một số đình về sau, nhất là đời vua nhà Nguyễn chịu ảnh hưởng quá nhiều tục thờ cúng bên Trung quốc như đạo thờ Nhơn thần, các nghi thức rườm rà tỏ ra trang nghiêm long trọng theo các nghi lễ Tàu đời Tống, đời Thanh không cần thiết nữa..

Vì có tính hòa đồng, cả đến đồng hóa văn hóa thế giới nhất là các nước Đông phương nên người Việt thờ cúng rất nhiều các đền miếu thần linh của các nước bạn như thờ Bà Thiên Hậu của Tàu, Thiên Ý A Na của Chàm.
Vì ý thức dân tộc, vì trở lại cội nguồn văn minh chính thống – người Việt nên sàng lọc lại cái nào chính, cái nào là phụ và hòa hiệp cho thích hợp với việc đa sắc tộc. Duy nhất cần sáng tạo thêm, trở về cội nguồn Thần linh Việt tộc hơn để làm nổi bật lên tinh thần và ý chí dân tộc.

Như đời Hùng vương về sau thờ Thần Chiến thắng là Thần Đồng Cổ (Thần Trống Đồng ờ núi Đồng Cổ), Thần Kim Quy từ đời vua nhà Thục chế nỏ thần để chống giặc Tần. Khi nào có ngoại xâm thì xuất hiện để giúp nước giúp dân về sự an nguy của tổ quốc. Nên đó là thần bảo vệ của dân tộc Việt. Đạo người Việt là đạo thờ Trời Đất, Tổ tiên và thần linh.

Mong rằng với tâm huyết của người mình, Thần đạo VN sẽ được hình thành có hệ thống, có tổ chức, có tư tưởng và cả giáo pháp. Chúng ta cùng nhau sáng lập nên một Ngôi ĐềnThiêng về Thần đạo như các tôn giáo lớn khác để tôn thờ vọng bái và để làm sáng lên đức tin tôn giáo chính thống của dân tộc Việt.

Về việc dựng hình Trầu đất cúng Thần ở các miếu đình có ý nghĩa nhớ đến công lao cực nhọc của nhà nông, của con trâu kéo cày tạo ra thóc lúa , coi như một linh vật vậy. Thần Câu Mang là vị thần mùa Xuân của dân tộc, xuất hiện từ đời các vua nhà Lý truyền tụng đến nay. Văn hóa chính thống có rất nhiều chuyện về Trâu, có điện thờ Trâu thần:

Đền Kim Ngưu ở thôn Tây Hồ, phường Võng Thị nay thuộc quận Ba Đình, Hà nội.

Tương truyền thời thuộc Đường, Cao Biền làm Anh Nam đô hộ phủ thường đi núi sông danh thắng ở nước ta để đặt bùa phép trấn yểm diệt long mạch.

Khi Biền đào sông yểm mạch núi Long Đọi (huyện Duy Tiên, Tình Hà Nam). Sơn thần ở núi ấy hóa thành con trâu tỏa ánh vàng hào quang chói lọi bơi qua sông Đường giang lên phía Bắc , rồi dừng lại ẩn lánh ở vùng Hồ Tây gần thành Đại La (Thăng Long)

Những đêm mùa Xuân đẹp trời, dân địa phương thường thấy trâu vàng hiện lên ở bãi cỏ bên hồ Tây, nhân đó dựng đền thờ là đền Kim Ngưu ngày nay.

Thường thì Trâu thần xuất hiện vào mùa Xuân quang đãng tốt đẹp. Trong nước năm nào được mùa, biển lặng sóng yên, người dân ở thôn xã làng mạc tế trâu dê bò lợn để ăn mừng và cúng thần Câu Mang. Năm nay là năm Sửu, năm phát đạt và thịnh vượng cho tất cả người dân VN, tất cả đều có được phúc lộc dồi dào như hoa cỏ mùa Xuân vậy.

Trần Tuấn Kiệt