Tranh Hồ Hữu Thủ |
Suốt cả ngày dọn dẹp khu vườn căn nhà mới dọn về mệt đừ, ăn cơm tối xong, vợ chồng Hưng quyết định đi ngủ sớm.
Thói quen của Hưng mấy chục năm nay là trước khi ngủ anh sè sẹ luồn tay vào quần vợ nựng cô bé một tí rồi bàn tay lần lên vùng bụng dưới xoa nhẹ nhẹ, đến rốn, dùng ngón út ngoáy nhẹ một vòng và ấp bàn tay lên bầu vú cho vừa đủ ấm xong mới se phơn phớt đầu vú cho hơi cương lên. Hưng rút tay ra, kéo bàn tay vợ ấp lên chỗ xương chấn thủy mình. “Như vậy anh mới yên tâm ngủ ngon”, Hưng vẫn nói với tôi như vậy và khi nào tiếng ngáy của Hưng vang lên tôi có thể rút tay về. Đêm nay “thủ tục” đã xong, tôi chờ nghe nhưng điệu hò “kéo gỗ đêm khuya” trỗi lên. Tôi rút tay, trở mình.
Tiếng Hưng tỉnh queo:
“Em còn thức à?”
“Sắp ngủ. Sao anh?”
“Anh đang viết truyện. “
“Cả ngày mệt, ngủ sớm mai còn đi làm.”
“Để mai quên mất”
“Thì anh tiếp tục viết đi. Em ngủ nhé.”
“Anh viết xong rồi. Em muốn nghe không?”
.....
“Em nhớ giùm anh nhé.”
“Anh kể đi, em nhớ giùm cho.”
“Mà đây là truyện thật.”
“Vậy mà nói mới viết.”
“Thì cũng phải sắp xếp, thêm tí muối tí đường.”
“Bột ngọt nữa.”
“Ừ. Em còn nhớ anh Phan không? Anh mới ở Hòa Lan về. Đi vacation một tháng.”
“Em nhớ, sướng nhĩ? Em cũng thích đi Âu châu một chuyến.”
“Qua đó anh gặp cô bạn có mẹ vừa ở Việt Nam sang thăm. Cô con gái ở Hòa Lan đã lâu. Cô đi làm từ sáng đến chiều mới về.”
“Như vậy chắc cụ buồn lắm.”
Cụ chưa thấy được nỗi buồn đó. Cụ đã thấy nỗi buồn khác. Một hôm có chiếc xe thực phẩm đậu lại trước nhà. Họ đều mang găng tay trắng và mặc đồng phục. Họ nói với bà những gì bà không hiểu. Họ mở tủ lạnh, lôi hết thịt bò, thịt heo, gà vịt, trái cây, rau đậu các thứ cho vào thùng, đậy nắp niêm phong cẩn thận đem ra xe. Rồi họ khiêng một thùng màu khác vào. Họ mở ra và chất vào lại cũng các loại thịt, trái cây, rau. Xong việc, họ chào từ giã bà thân thiện.
Buổi chiều cô con gái đi làm về. Bà kể lại mọi chuyện rồi hỏi:
“Thịt thà còn tươi rói vậy mà họ đem đi đâu vậy con?”
Cô con gái giải thích đó là nhân viên tiếp phẩm đến cung cấp thức ăn mới.
“Dạ, họ đem đi đổ bỏ đó má.”
...?
“Dạ, đồ ăn đó quá hạn, ăn có hại cho sức khỏe má à”.
Nghe xong, bà mẹ ôm mặt khóc nức nở. Cô con gái hoảng hốt ôm mẹ:
“Má ơi! Sao vậy má? Con có làm gì mà buồn không?”
Bà mải khóc, nhè nhẹ lắc đầu.
Qua cơn xúc động, bà mẹ cúi xuống lấy gấu quần chùi nước mắt. Bà nhìn cô con gái, giọng còn mếu máo:
“Má thương đám cháu nội ngoại của má ở Việt Nam. Ở bển... tụi nó sống lội rạch bắt cua, bắt ốc, ra đồng bắt cóc nhái... Không có mà ăn.”
Bà gục đầu xuống gối tiếp tục khóc.
“Thằng Đức, con Ly, con Lan! Các cháu của bà ơi! Cháu ơi!”
Cô con gái ôm chặt mẹ, kề má vào mái tóc nhuốm sương.
Mắt cô nhìn sững chiếc tủ lạnh, dường như cô thấy trong đó chứa cua đồng, cóc, nhái. Cô bỗng siết chặt vai mẹ:
“Má ơi! Má!”
Nước mắt cô chảy ràn rụa. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Một hồi lâu bà mẹ nói:
“Phải chi má đem mấy thứ đồ quá hạn đó về bển được, cho mấy cháu nó ăn”.
Hưng ngừng kể quay sang vợ. Chị nằm nghiêng quay mặt vào tường. Hai vai chị rung rung. Hưng choàng tay ôm vợ.
KINH DƯƠNG VƯƠNG