văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, April 23, 2018

CUNG TÍCH BIỀN ** lời quê góp nhặt [tường trình tháng tư]


“Quê nhà, nơi tôi đang sống, nhiều khi gặp những điều bất công, oan ức, dân chúng thường phải câm lặng. Khi quá sức chịu đựng, họ ra Lời kêu oan. Nhà đương quyền, trên hiện thực toàn trị, duy một chiều độc đảng, thường không lưu ý, để giải quyết tận tình cho kẻ bị oan. Cách tốt nhất của họ là đàn áp, bắt bớ, cho vào tù.
Bấy giờ dân chúng có một phản ứng khá quyết liệt nhưng rất ngậm ngùi. Đám đông cùng khiêng một chiếc quan tài bên trong có xác nạn nhân, hoặc một cái gọi là quan–tài-gió [bên trong không có xác người] đến đặt trước cơ quan công quyền. Chiếc quan tài này, xác Chết này, sẽ thay cho những người còn Sống. Nó cất lên Tiếng Nói”.

1
Chị Trăng cư trú nơi một làng quê, miền nam Trung bộ. Dân chúng nghèo khó. Phần lớn đất đai khô cằn. Chồng chị, anh Ngày, là một thợ lặn chuyên nghiệp, làm việc cho một công ty nước ngoài. Anh luôn xa nhà.
Cha mẹ để lại một khu đất vườn. Chị trồng rau quả, tới ngày thu nhặt, quảy gánh ra khu chợ quê cách đó vài cây số bán lấy chút tiền, phụ thêm phần lương ít ỏi chồng gởi về, để nuôi con.
Năm nay thì chịu thôi. Nắng suốt chín tháng liền, đến những loài cây trời sinh ra để chịu nắng hạn cũng khô queo. Một rừng xương cốt, vươn ra những cành nhánh chờ cháy trên bãi hoang.
Ngày này tháng nọ, một lòng trời rỗng trống, vô tâm. Nơi cao xanh, có khi, một cõi mờ mờ bóng khói, như muốn trút xuống một cơn mưa. Nhưng trời luôn bí đái. Tầng tầng mây xám ấy chẳng bao giờ bể ra, đổ xuống.

Nhà máy, nơi anh Ngày đang làm việc, là một vùng đất đai rộng lớn được nhà đương quyền cho người nước ngoài thuê trọn những bảy mươi năm, với tấm lòng kính ngưỡng tình huynh đệ. Trong hơn hai phần ba thế kỷ ấy, ngoại nhân sẽ có toàn quyền tự quản lý, tự do quy hoạch đất đai, là khu kinh tế, tự lập bản doanh cơ sở công nghiệp, hoàn toàn tùy nghi. Là vùng nhượng địa, xem như đất riêng của mình, bọn ngoại nhân tự do tạo ra tô giới, ngay cổng ra vào đề bảng hẳn hoi: “Cấm người Việt Nam đi vào”.

2
Vào một ngày tháng Tư, chị Trăng nhận được một tin dữ. Thông báo chồng chị, anh Ngày, đã qua đời nhanh chóng, sau một đợt lặn xuống vùng bờ biển, với nhiệm vụ quan sát môi trường như thường lệ. Một tuần sau khi anh Ngày qua đời, dọc dài bờ biển có hằng nghìn xác cá chết trôi tấp vào bờ. Bờ biển tràn ngập xác cá kéo dài dần ra, đến vài trăm cây số.
Những cái chết có nghi ngờ vì ngộ độc, xem như “bất đắc kỳ tử” luôn phải được khám nghiệm, để tìm ra nguyên nhân, phải được công bố rõ ràng, minh bạch, với gia đình nạn nhân, và dân chúng. Nhưng chính quyền không làm như vậy. Lại đưa ra những giải thích khá mập mờ, lấp liếm. Một thợ lặn chuyên nghiệp, tình trạng sức khỏe rất tốt, bơi ở độ sâu chỉ vài chục mét, mà đưa ra lý do “Anh Ngày bị chết vì… áp suất nước khi bơi lặn”, như lời giải thích của nhà đương quyền là không đáng tin.
Trong lúc dân chúng hoang mang chưa hiểu vì sao cá chết từng nghìn trên bãi, một quan chức cấp cao – đương nhiên là chưa bị bệnh tâm thần — đã tuyên bố một câu như vầy:
“Không có chuyện cá chết do chất độc hóa học thải ra từ các nhà máy trên bờ. Chúng ta nên cẩn trọng trước những tin đồn xuyên tạc sự việc. Cá chết chỉ do chúng bị…sặc nước. Một lý do khác là do cá bị… chuột rút, kiểu bị co bắp thịt nơi các vận động viên bóng đá khi chạy quá nhiều trên sân cỏ, nên chúng, tập thể cá đấy, mất …khả năng bơi. Trong điều kiện này, xem như cá không …biết bơi. Nói chung, sự cố này chỉ là vấn đề trong nội bộ cá chúng nó mà thôi”
Nhiều người cho rằng lời giải thích của nhà đương quyền khá tiếu lâm, ngớ ngẩn, thật ra không phải vậy, họ khôn ngoan bằng trời. Thông thường, cách trả lời qua loa trướt qướt, giả ngây qua ải, cũng nằm trong chủ trương chính sách, tạm thời đối phó, đánh lạc hướng dư luận.
Có khi người ta bực mình, lo chửi bới cái thằng ngu, quên chuyện cá chết.

Trước đây hơn vài thập niên, khi linh đình khánh thành một cây cầu đúc bê tông, dân chúng mới hay trên mặt cầu, có nhịp cầu này cao hơn nhịp kia gần một tấc tây. Khi báo chí phóng vấn chuyện lạ lùng này, một quan chức của bộ giao thông vận tải đã trả lời:
“Cũng bình thường thôi. Nếu nó có độ chênh thì ta hãy chờ, không cần thiết phải chỉnh sửa. Nhịp cầu lỡ cao, theo thời gian, rồi sẽ dần lún xuống, và sẽ bằng nhịp cầu đã lỡ thấp. Ấy gọi là thời gian ‘bù lún’, trong ngành xây dựng”.
Nếu các anh chị là những người đang ở nước Nhật hay nước Mỹ, khi nghe những lời giải thích xanh dờn tím ngắt như thế, ắt sẽ choáng, nhưng chúng tôi thì đã quá quen thuộc. Trong những chịu đựng của chúng tôi, có một loại chịu đựng khá mệt mỏi là phải thường trực đương đầu với những sự ngu xuẩn của kẻ cai trị mình.
Sống với cái ngu, mù mờ hơn với cái ác; trả thù cái ác, ai trả thù cái ngu; chống cái ác e rõ ràng hơn chống cái ngu.

3
Bọn người thuộc hạng già cả, xụi lơ mốc thếch chúng tôi, sống ngáp ngáp qua ngày, chẳng còn sức đâu mà đi tìm ngõ ngách để phăng ra “ Cái sự thật”. Nhưng thế hệ trẻ hơn, họ không thể chịu cái nhục “Sống Mãi Trong Sự Nghiệp Bùn Lầy của Chúng”, họ đi tìm ánh sáng. Phải bằng một ngả đường riêng, thật khó khăn, có khi bị tù đày, vu oan, chết chóc, để mang lại vinh dự cho cái đang chảy nồng nàn trong châu thân của tuổi trẻ, đó chính là Máu.
Về cái chết của anh Ngày. Hơn một tuần sau, bọn trẻ ngoài thị trấn vào mạng, tin tức bao la, đủ sắc màu nhân gian, bọn chúng mới biết rõ phần nào sự tình, “Anh Nhật bị tử nạn khi lặn biển, vì nhiễm phải một chất hóa học cực độc từ một nhà máy thải ra”.
Phải loan tin này một cách cẩn trọng. Đến những người có uy tín tí chút, khi truyền tải tiếp bản tin. Đối tượng đầu tiên là các ông già bà cả. Quý vị này, luôn khó ngủ về đêm, sớm mai này thức dậy cánh tay sao hơi tê tê, ông tiểu đường bà cao máu, đi đứng hít thở rất ư chậm chạp, nhưng tâm sự thì luôn dài hơi, lẫn dài dòng. Ông nội ta đó, bà ngoại ta kìa, rất rảnh rỗi, chỗ bàn cờ tướng, bãi cỏ công viên, giờ tập dưỡng sinh, bàn luận, loan truyền tin tức đó đây.
Không phải già cả, giàu kinh nghiệm là bình thản được đâu. Có người ngã một cái rầm khi bất ngờ nghe một tin sét đánh.
Các bậc cao tuổi, trưởng thượng của hôm nay chẳng còn ai ăn trầu như dân chúng vào thời các cụ Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính, thuở xưa. Nên khi than vãn với nhau về cái chết oan đau của anh Ngày, hai khóe miệng các cụ không còn bị trệu trạo trào ra một thứ nước bã trầu đỏ hoét, thoạt nhìn như mồm già đang ứa máu. Nhưng đôi mắt các cụ thì buồn lắm, một nỗi buồn bất lực trước thời thế, có khi nỗi buồn vàng tênh của một con người một đời đã từng hy sinh hết trọi một tuổi trẻ cho cái hệ quả vừa tàn ác, vừa xem giá trị lẫn mạng sống con người như chim chuột, để bảo vệ cái guồng máy đang thối rữa hôm nay.

4
Trong khi hậu nóng bức của áp lực, theo dõi, bắt bớ tra tấn, những ai luôn vào mạng, phát biểu ý kiến chân thành, can cường chống lại điều sai trái, lý thuyết hoặc hành động, điều là những cái gai trước mắt chính quyền, bị liệt vào sổ đen. Danh sách đen thui này là dài dặc. Bị nhà nước cho ngồi tù dài lâu; bị bắt tạm giam chờ ra tòa, hoặc giam luôn nhiều năm chẳng ra tòa; bị theo dõi sít sao, an ninh canh chừng từ cửa nhà, ngay quán ăn, tiệm cà phê; những thành phần này cả nước cộng lại có non triệu người.
Cái dây thừng cột vô chỗ cần cổ, một khuya khoắt được ai đó kéo lên xà nhà, nó nặng lắm một kiếp người, đâu có là “Cái hạc bay lên vút tận trời” như tâm khí thanh thoát của thi sĩ Tản Đà.
Bị bắt vô đồn, là toi mạng. Hộc máu mồm, bể xương sườn, dập lá lách. Mớ khác, hơi bị nhiều, do công an công bố là họ tự…thắt cổ.
Đất nước ra ngõ gặp anh hùng, nhà thơ nhiều nhiều hơn số cây trụ điện, nhân dân ta còn được tiếng là giàu tinh thần tự giác. Ai nấy mỗi khi được công an “mời” lên cơ quan làm việc, dù không hề phạm tội, cũng mau mau sáng tạo ra ngay một cái lỗi “mình mắc phải”. Rồi, với lòng đầy hối hận về điều sai quấy, ai nấy kịch liệt tự xử. Nhanh chóng tự giải quyết, bằng cách đập đầu vào tường gạch cho dập xương lòi óc. Xông lên giựt dùi cui, gậy sắt của công an tự đập vào thân mình cho bể tim dập phổi. Để cho gọn sạch, mau chóng khỏi phiền hà kẻ khác thuốc thang, là đút đầu “dzô dzây” thọng lọng, tự treo mình. Nếu đồn công an “thiếu dây thừng cung cấp”, ta tự thắt cổ bằng dây thắt lưng, có khi bằng dây giày, dây…thun.
“Sự cố” này không hề là hy hữu. Năm ba hôm lại một tin giật gân, trên mặt báo đường hoàng, “Một ai đó làm hao tổn một sợi dây thừng”, trong đồn công an.

5
Hôm chiếc quan tài người thợ lặn về tới làng, trời rất nắng và gió đang rất xa. Những bờ tre cong khô. Quanh chiếc áo quan, mỗi mắt người một hạt trai. Mỗi thân người mồ hôi đầm nhão như con lươn vừa trong vũng bùn chui ra. Giữa đám đông tiễn đưa, thẫn thờ và rối trí, bỗng có một người mộng mị hô hoán:
– Không có cái xác Nhật thợ lặn trong quan tài này đâu?
– Nói nhảm!
– Người ta hủy mẹ nó rồi, phi tang mà.
– Sao mà biết?
– Nắp áo quan không có tấm kiếng để người thân quen nhìn thấy cái xác ở trỏng.
– Vậy thì khui nắp áo quan ra mà nhận diện.
Có lời can ngăn:
– Chao ôi một cái lương thiện bị chết oan, nay phải xem cho tường tận cái lương thiện đã thối hoắc bên trong quan tài hay sao!

6
Đám tang có mấy thầy chùa. Có gõ mõ. Lời kinh tụng. Bi ai chuyên nghiệp. Bầu trời rất trong. Một trong vắt thờ ơ và rát bỏng.
Lúc đám tang di chuyển chậm buồn, bỗng một người tưng tửng, như bị say nắng, nói xàm:
– Lạy Chúa tôi! Hãy làm sống lại một linh-hồn-chết-biển.
– Đúng rồi. Hãy khiêng cái quan tài tội tình này tới nhà Thầy-Hoặc đi.
– Thầy-Hoặc?
– Ờ, Thầy-Hoặc!
– Đúng quá đi chớ. Nắm tro tàn của Thầy-Hoặc có thể làm tươi xanh cái linh hồn bị tẩm độc này.
Đám tang bỗng quẹo sang một ngả đường khác. Ngược chiều đến nghĩa trang. Họ sẽ cùng tới một ngôi đền.

7
Trong huyền ngữ nhân gian đất nước tôi, đã có một sự trùng tên giữa hai cha con ngay trong một nhà, nhà họ Huyễn.
Rất không đáng tin, nhưng điều quỷ ám này đã là khuôn vàng thước ngọc trong tâm não mọi người, từ hơn thế kỷ nay.
Rằng:
Người có tên Hoặc, chào đời vào thập niên cuối của thế kỷ 19, thời vua Thành Thái, là con trai của Phó bảng Huyễn. Huyễn chào đời dưới triều vua Tự Đức nhà Nguyễn.
Người mang tên Thầy-Hoặc, là con trai của Hoặc. Vậy, Thầy-Hoặc là cháu nội phó bảng Huyễn.
Tương truyền Thầy-Hoặc sinh vào mùa thu, năm 1945, trong một hang núi, kết quả của một mối tình đầy bí ẩn, giữa Hoặc và một sơn nữ xinh đẹp. Về sau, sơn nữ bị giết khi hãy còn thanh xuân. Nàng phải chết để Hoặc, người tình của nàng, vào Ngôi”.

Trong nền Quốc học của chúng ta có một thời Nho học. Buổi ấy, Huyễn, cha của Hoặc, tức ông nội Thầy-Hoặc, thi đỗ phó bảng. Huyễn được triều đình Huế bổ làm quan tri huyện.
Là quan lớn, nhưng Huyễn nghiện rượu nặng. Hôm tra vấn một nông dân bị vu tội ăn cắp, Huyễn đang cơn say rượu đánh chết nạn nhân. Lại mang tội giết người. Bị triều đinh Huế bãi quan, đuổi về vườn. Về sau, tri huyện Huyễn trôi dạt về Phương Nam. Cuối đời, nhắm mắt ở vùng Đồng Tháp Mười.

8
Câu chuyện về Hoặc. Mẹ chết sớm, cha tri huyện bị mất chức đang tha hương cầu thực, Hoặc rất bơ vơ, nên đánh liều, tìm cách xuống một con tàu của đế quốc Pháp Lang Sa, chỗ vòm sông Bến Nghé, “Đành Ra Cửa Biển”.
/Cũng liều một trận ra khơi
Loanh quanh thế giới biết đời hơn thua
Bấy giờ khoảng đầu thế kỷ hai mươi, Hoặc ẩn mình, tự hiểu sức học của mình chẳng đáng bao nhiêu, nghễ ngỗng chưa ra ngỗng nghề gì ngoài làn khói bếp lơ mơ trên sàn tàu, trong vai một chú phụ bếp.
Sau khi “Ra cửa biển”, Hoặc bỗng trở nên thông đạt, tiếp cận văn mình nhơn loại, biết rõ dân tình nội địa trong ngục tối nô lệ, dân tộc đang rất cần một vị Cha già. Thế thời đã biến Hoặc trở nên một nhân vật đầy bí ẩn, trong cuộc lênh đênh ba đào lục địa.
Ba mươi năm sau, khi trở lại quê cha đất tổ, trước tiên, Hoặc, chàng phụ bếp thuở nọ, vào một hang núi vùng biên giới Hoa-Việt, để thực hiện mưu đồ. Hồi này Hoặc gầy lắm, như một người phải bịnh lao phổi, chỉ đôi mắt sáng, trán rộng. Đôi mắt sáng có sức trấn áp, vừng trán rộng của một con người nhiều quyền biến. Giữa khói núi u hàn, trong mù khơi của sơ khai lịch sử một dân tộc đang chờ mong thoát xích xiềng tám mươi năm nô lệ dưới gót giày đế quốc Pháp, đang chờ đợi một minh quân xuất thế. Hoặc nhìn ra vận hội, lòng dân đã một, nên khôn khéo đón đầu thời cuộc. Với nhiều độc chiêu mà lương tâm con người tối kỵ, nhiều quỷ kế ngoài đạo lý, Hoặc đã thành công theo ý nguyện.
Chàng đã vào Ngôi.

9
Chẳng thể giấu mãi cái cốt tinh. Dần dà, Hoặc đã bày lộ nguyên hình, một phối lập đáng ta thán do mệnh trời xui khiến.
Hoặc, một nhân vật xuất chúng, đa mưu túc kế, nhưng cái mưu ấy hại người, cái kế ấy lừa người. Nếu Hoặc một mình, chỉ mỗi mình chịu phận. Nhưng Hoặc đã Vào Ngôi, là biến ra đại họa cho một giống nòi”.
Một cái nhìn khác, gọn hơn:
“Hoăc, là một kết hợp nhuần nhuyễn, mang tính lịch sử, tầm quốc tế, giữa một bọn Thần-thánh-dở-hơi và các đấng Quỷ-dữ-thứ-thiệt”.
Có một đất nước, từ đây, và/là mãi mãi, đã oan khiên chập chùng. Từ mãi mãi tháng ngày về sau, được nhân rộng thành tập đoàn chồn cáo, luôn bồi đắp qua nhiều thế hệ, là đánh lận con đen.

Chẳng ai ra khỏi cuộc Trăm Năm. Hoặc phải chết. Thật là quái nhơn, mỗi thằng/con người sau khi qua đời “không thể nào để lại hai xác chết”. Nhưng Hoặc đã lưu lại những …hai.
Một Xác Này được ướp lạnh trong hang, để bầy đàn khói hương tưởng niệm. Một Xác Kia lây lất chốn dương gian, làm Cò Mồi cho hậu thế noi gương.

10
Bọn điên tà thế gian luôn đi tìm những Tin Mừng từ quỷ dữ để ký gởi hồn linh. Đã đồng loạt tìm đến Thầy-Hoặc. Đường xa, sông rộng suối đèo. Ban ngày trời mù tối, mây đen kịt. Ban đêm lại trăng sáng rỡ, ma đi, quỷ hát. Âm dương lộn sòng.
Thầy-Hoặc, theo tin đồn huyền mị bấy nay, nguyên là con nàng sơn nữ xinh đẹp, chào đời Mùa Thu trong hang núi, sống sót sau khi mẹ mình bị giết, không được công khai nhìn nhận người Cha ấy chính là cha của mình, lại một đời ẩn ẩn hiện hiện, thay họ nhiều tên, Thấy ấy nay cũng là một huyền thoại.
Cái Xác thứ hai, dương gian ấy, tuy là dòng chính, nhưng mơ hoặc, bồng bềnh thực-hư. Khi đeo mặt nạ ắt thánh hiền, lột mặt nạ, là chính danh chồn cáo, như Cha của mình.
Theo ma thuyết Độc tôn Độc trị, Thầy-Hoặc chữa bịnh cho bá tánh chỉ là, mỗi thứ một bản, Nhơn Dân nhật báo chẳng hạn, hoặc chữ nghĩa được xem như kinh văn, tư tưởng của loài Chồn Cáo, đốt cháy thành than. Trong mớ ấy có thừa tư tưởng. Một ly nước lã.
Đã bảo rằng bà con ai nấy đã mất trọi niềm tin. Thôi thì nên cùng nhau tin đại một giống gì chính mình đã biết rõ nó đúng/chỉ/chính/là một hão huyền, là phi lý. Yên chí, bị lừa mẹ nó rồi. Hẳn là sẽ an tâm hơn cái đêm đêm nằm gác tay lên trán, phân vân, bị hay chưa bị.
Vẫn những sớm mai ngơ ngác nhìn chuồn chuồn bay, vẫn những đôi mắt nheo nheo nhìn hun hút chờ mong cơn mưa theo cánh chuồn báo hiệu, ngay sớm mai này, khi đám sâu rầy còn lẫn trong sương độc, không hề đục, đã có hàng trăm người từ tứ phương đổ về xếp hàng trước cổng, hoặc ngồi rũ rượi trong vườn nhà Thầy-Hoặc, để chờ đợi tới lượt mình được cứu rỗi.

Những cái mồm méo. Một bầy con mắt trắng toát. Con bệnh có thật, hai chân tê liệt ngồi xe lăn, ung thư thời kỳ cuối, hai quả thận tiêu dênh cần lọc thận cấp kỳ; đến những bệnh lênh đênh sầu đau vì cầm nhầm lý tưởng, rất ư mơ màng cục bướu chánh trị ác tính; đến những điên tàn sinh hoạt tạp lục thế nhơn, như không lao phổi nhưng thường xuyên hộc máu vì can gián vợ nhà không nghe lời. Tin đồn lan nhanh, tất thảy, hễ tới nhà Thầy-Hoặc, là bá bịnh lành ngay tại chỗ.
– Đồ ngạ quỷ lừa mị, gieo hoang.
– Không phải đâu, chuyện có thật mà. Nhựt trình trên Sàigòn có chạy tin Thầy-Hoặc ban phép lành cho nhơn dân đàng hoàng.
– Lạ lẫm như heo có sừng.

11
Thầy-Hoặc bước tới trước mặt một gã thanh niên đang ngồi nhìn trừng trừng. Cái sáng quái dị ấy đã đốt tiêu tan cả hai con ngươi đen huyền. Đúng là thần hồn của “Bờ lưng con cừu đã bị gọt trụi lông”.
Một bàn tay sờ đầu gã trai trẻ, tay kia Thầy-Hoặc ngửa ra cho bá tánh nhìn. Giữa lòng bàn tay có một mớ nhớt trông kinh tởm màu xám đục, từa tựa mớ đờm từ cổ họng khạc ra, pha với ít bột than tư tưởng. Theo tín điều, dù kinh sách bị đem gói bánh mì, chùi đ-í-t, cả khi bị cháy thành than, tư tưởng trong ấy luôn vẫn còn, vẫn mãi mãi đậm đà bản sắc. Thầy-Hoặc đảo mắt nhìn mọi người rồi phán. Giọng nói như được “phát âm” từ sọ người, tanh lạnh, háo hức một âm sắc hoang đường:
“Nhìn này, Thầy đã lọc bộ não mất phương hướng, chẳng được quy hoạch tư tưởng, của thằng mắt trắng này rồi. Đây, sản phẩm gây điên. Nó nhầy nhụa như phận người”.

12
Bước tới một gã trai trẻ khác, Thầy nhủ thầm, Thời buổi gì bọn trẻ nít khùng điên ráo. Gã tâm thần cúi mặt, nhìn nghiêng. Bây giờ thằng này lai tỉnh được phần nào, nhưng còn rất sợ thầy. Thầy-Hoặc hỏi:
– Nào, bớt điên tàn rồi, thần hồn đã vào đúng quy hoạch rồi, phấn khởi nào, gắng bổ sung thêm một mớ tỉnh táo cho bộ não, nào, bây giờ ta hỏi nhà ngươi.
Thầy-Hoặc định dạng lại cái cần cổ cho chắc ăn, giọng nói đúng khí sắc âm binh, rồi phán:
– Nào, Ta hỏi Nhà Ngươi, bản đồ nước Việt Nam ta có hình chữ gì?
– Dạ thưa, hình chữ Y.
– Nói lại nghe coi?
– Dạ, hình thằng người một chân đứng thẳng ron, duy một chân thôi nhé, ốm o lẫn cứng đơ chính nó. Dạ, luôn chính nó, dạ đúng, luôn đưa cao hai tay như cái gọng ná, đỡ lấy một cái gì!
– Cái gì?
– Dạ, cái hy vọng khốn cùng.
Thầy-Hoặc cười lớn:
– Vậy là Nhà Ngươi hết điên tà rồi. Tỉnh táo rất mực kỳ nhông kỳ đà.
Thằng trụi lông bèn “còm-mên”, qua lời:
– Dạ đúng. Nhưng cái bọn hình chữ Y nó đang toàn triệt điên. Chúng đang nhất mực đi theo nước bọt Cò Mồi.

13
Ngụy thuyết đã khai mở. Huyễn Hoặc đã ầm vang. Phép thuật luôn có trong nước lã Cò Mồi. Thần dược là tro tàn. Truyền dịch tro tàn vào máu người. Nhỏ nước tàn tro vào mắt người. Hòa tro tàn vào lời ca thanh xuân. Nuốt. Úm ba la huynh đệ, nuốt. Nuốt tro tàn. Nào, nuốt tàn khô.
Sử lịch có thừa tro tàn.
Lời Cha đã nám tàn khô.
Quan tài Người Thợ Lặn được đông đảo dân chúng khiêng đi tiếp. Đêm Tháng Năm. Hàm oan dài dặc. Một mặt đất chập chùng những uẩn khúc.

Người ta đặt chiếc quan tài của Người Thợ Lặn trước cửa Lăng Cái Xác thứ Nhất, nơi biểu trưng quyền lực cao nhất.

CUNG TÍCH BIỀN