Cụ Thông bà vốn là chị của bà cụ Bắc. Cụ có hai cô con gái đồng trang lứa với Thắm. Cụ Thông ông khi di cư vào Nam mang theo chứng bịnh suyễn. Khi gia đình cụ thiên cư về vùng Cái Sắn thì cụ ông chết vì cái bịnh dị ứng đó. Người nhà chở cụ ra Trạm Y Tế quận mà vẫn cứu sống cụ không kịp.
Nhận thấy mình ngoài em gái và cháu gái ra thì chẳng còn ai thân thích, cụ bà đem hai cô con gái là cô Hồng và cô Lam về Vĩnh Long để gần gũi em gái và cháu gái của mình. Nhưng cụ không chịu ở xóm Bánh Phồng đâu. Cụ mua một ngôi nhà ở xóm Thiềng Đức vì theo cụ nhận xét thì ở đây nhà cửa đông đúc, lại gần cầu sắt bắc qua bên kia thành phố. Tuy cụ nói vậy, nhưng cụ Bắc thừa biết chị của cụ sợ thằng rể trời đánh Chín Giảo Kim của cụ ve vãn hoặc tòm tem cô Hồng lẫn cô Lam. Đời nào cụ chị chịu nói ra điều mình phòng ngừa. Cũng vậy, cụ em không bao giờ bày tỏ điều mình hiểu biết. Nhưng hai cụ thầm hiểu như nhau rằng tên chồng lựu đạn của Thắm tên là Huỳnh văn Khanh, nhưng lại có cái hổn danh là Chín Giảo Kim không phải là hạng nguời thẳng thắn và đứng đắn đối với phụ nữ như Đức Quan Thánh Quân hay ông Liễu Hạ Huệ thời xửa thời xưa bên Tàu đâu. Thà hai gia đình ở khác xóm nhau thì hai cụ mới tránh được hậu hoạn lãng nhách có thể xãy ra, có thể giữ phẩm tiết cho cô Hồng và cô Lam.
Cụ Thông bà mới có 65 tuổi mà tóc trắng như bông lau, thân khô héo võ vàng như thân cây sậy. Môi cụ mỏng lét, khi cụ cười trở nên nhăn nhở, lộ tất cả vẻ nghiệt ngã cay cú. Sắc mặt cụ hầm hừ, cái nhìn dò xét. Cụ thường đay nghiến Chín Giảo Kim trước mặt con gái:
- Chúng mày còn khờ dại, làm thế nào mà biết được cái tên tiểu tặc phải gió của bọn đàn ông? Đúng là cây gậy ăn mày, bạ đâu thọc đấy, các con nỡm ạ. Tao thừa biết tên Chín Giảo Kim kia có cái nhìn rất gian, nụ cười rất lẳng, cái miệng rất tếu, cái lưỡi rất uyển chuyển. Thứ đàn ông mà đĩ mồm dẻo miệng như nó thì tránh sao khỏi có đĩ tính? Chị em chúng mày vốn mềm lòng lỏng dạ; nó chỉ hót líu lo vài câu là cả hai tụt quần tốc váy nạp l... cho nó để nó đéo tả tơi ngay. Tao còn lạ gì bọn đàn ông! Thằng bố chồn cáo hổ báo yêu tinh của chúng mày ngày xưa ưa phá trinh con gái nhà nguời. Tao chỉ sợ chúng mày trả ác quả cho thằng bố chết tiệt chết toi, thằng bố diều moi quạ mổ kia.
Cụ Thông bà thường nói bóng nói gió cho cụ Bắc hiểu rằng cụ muốn gả hai cô con gái rượu của cụ cho người có chút ít chữ nghĩa như các thầy giáo dạy ở trường tiểu học Thiềng Đức, hoặc như thầy Trưởng Chi Bưu Điện, hay thầy Trưởng Chi Y Tế ở các quận lỵ nhỏ bé cũng được.
Cho nên, cụ Thông bà dạy con rất kỹ. Cụ cấm Hồng và Lam ăn mặc chải chuốc, cấm cười lớn tiếng, cấm uốn tóc, cấm chà lết quế xảm cái đít trên ghế nhà hàng xóm. Bà bảo em gái:
- Cô Hảo ( Hảo là tên của chồng cụ Bắc) xem đấy, cô Hai Phụng Tường và cô Ba Phụng Thoại chẳng những có ăn học mà còn ăn nói hoa mỹ, hạnh kiểm chặt chẽ hơn người nên họ mới lấy chồng tử tế như thế. Chồng cô Hai bây giờ là Trưởng Ty Thông Tin, còn chồng cô Ba là Trưởng Toán Công Dân Vụ. Hai ông ấy đều là công chức, có phải không nào?
Cụ Bắc gật đầu xác nhận. Nghiệt một nỗi chị của cụ giống bà Tư Hơn, bà bạn thân thiết của cụ ở cái tật hay mắng chửi và hay rủa sả con cái những câu tục tằn thì bậc cha có tư cách làm sao có can đảm cưới cô Hồng hoặc cô Lam cho con trai của họ? Chị cụ dạy con bằng những lời gai góc, bằng những câu chửi tổn thương, bằng thái độ ầm ỉ như dậy giặc. Hồi còn độc thân, miệng lưỡi chị cụ nổi tiếng là hổn dữ, lại còn ưa ăn nói trây trúa và tục tĩu. Bởi đó mà ngày xưa mãi tới 32 tuổi, chị cụ mới lấy được một người đàn ông tuổi ngoại tứ tuần và trải qua hai đời vợ tức là cụ Thông ông đó. Ông chồng lại có số đào hoa, dù lớn tuổi mà vẫn được mấy con dâm phụ non nheo nhẻo say mê. Và dù bà vợ có nhan sắc mặn mòi, nhưng ông ta vẫn thích cắm lên đầu vợ vô số cặp sừng cong vút như sừng con trâu pháo.
Giờ đây, ngày nào nhà cụ Thông bà cũng vang tiếng ó ré của cụ. Truớc khi giáo huấn hai cô thục nữ, cụ bà giáo đầu bằng hai câu châm ngôn bất hủ:
- Bởi tao mang nghiệp dầy đức mỏng mới đẻ con đần độn như chị em chúng mày. Các cụ ta thường bảo rằng: Đẻ con khôn mát l.. rười rượi/ Đẻ con dại, thảm bại cả l...
Cụ kêu hai con mình bằng những hổn danh thập phần kiều diễm: hai con nỡm, hai con chết chìm chết cháy, hai con mắc quái mắc yêu, hai con Thị Mầu đi cầu không chùi đít, hai con uống máu l... Ngữ vựng của bà về cách chửi rủa thì dồi dào bừa bãi như cỏ hoang, lênh láng tràn ngập như nước trong ao vào những ngày mưa dầm.
Nhà cụ Thông bà ở đối diện dãy phố ông thầy thuốc Khương Hữu Long, sau dãy cây còng lớn cỡ vòng ôm, tàn tỏa rợp bóng râm. Nhà thuộc loại một căn hai chái, vách ván bổ kho, mái lợp ngói, nền lót gạch tàu. Khuôn viên của cụ gồm nửa mẫu đất, nhưng có hai cái ao choáng ở phía sau. Được cái là ao lưu thông với giòng rạch ở Xóm Rẫy. Đó là nhờ hai khe nước nhỏ chui lòn qua lớp hàng rào xương rồng và hàng rào tre gai vây xung quanh nhà bằng hai ống cống. Do đó mà cụ có thể xài nước ao để giặt giũ, vo gạo, rửa rau hoặc múc nước vào các lu khạp ảng bồn, rồi lóng phèn để xài cho các công việc bếp núc khác.
Cụ Thông bà vốn thực tế, nghĩ tới cái ăn ngay khi cụ mới dọn về đây: cụ thả rau muống xanh lẫn rau muống tía trong ao lớn. Còn ao nhỏ kia, cụ thả rau nhút. Xung quanh mỗi ao, ở chỗ xâm xấp nước, cụ trồng rau om, rau cần.
Trong khuôn viên chỉ có cây khế chua, vài cây chuối hột. Trước nhà lại có cây da xà. Ngoài ra là lùm bụi hoang dại cùng cỏ ống, cỏ chỉ, cỏ mần chầu tràn lan khắp khuôn viên. Nhưng đối với cụ, đó là những thứ cây hữu dụng cả. Lá chuối hột xum xuê và rườm rà, cụ có thể rọc từng phiến bán cho thím Chín Lực gói bánh tét và bánh ú, và bán cho chị Năm Ổi gói mắm ruốc và ba khía khi chị ta đem hai thứ nầy ra bày bán ở chợ Cầu Lầu. Khế thì dành nấu bún ốc hoặc làm mức nguyên trái, được nhuộm nước cốt cỏ mần chầu nên đượm màu xanh thắm như ngọc thạch hoàng gia. Cây da xà tỏa vùng bóng râm lớn, dùng để che nắng trong sân. Dưới đôi tay cần mẫn của cụ, cỏ và cây hoang dại bị bứng sạch để dành chỗ cho lũ ổi xá lỵ còn tơ, những khóm chuối sứ, chuối cau, chuối già hương và những cây mận chiết nhánh. Ngoài ra, cụ còn trồng những khóm bông trang, những cây điệp ta, những luống trồng bông huệ, những luống trồng bông hoàng điệp, toàn là những thứ hoa dành để bán cho các thiện nam tín nữ cúng Phật. Cụ cũng không quên trồng kinh giới để ăn cặp với bún ốc, trồng thìa là để xối mỡ ăn cặp với chả cả, trồng cà pháo để muối trái, và để làm món cà pháo dầm mắm tôm.
Một hôm nọ, Chín Giảo Kim vưng lịnh mẹ vợ đến biếu cụ Thông bà hai con cá duồng để cụ Thông bà có thể nấu ngót với rau cần và cà chua rồi chan lên bún. Vừa buớc qua khỏi cổng do cô Lam mở, Chín Giảo Kim ta chợt thấy một vùng cây kiểng, bông hoa cùng các luống rau tươi hơn hớn dưới ánh nắng trong suốt và vàng tơ của tháng chạp. Cô Hồng mặc chiếc áo túi bằng nhiễu màu tím than, quần vải xăng-đầm đen, đầu đội nón bài thơ trắng nõn. Cô đứng gần vạt đất trồng rau, húng, tía tô, kinh giới, tần ô, thìa là... Sau lưng cô là cây điệp ta trổ hoa đỏ và những bụi bông trang cao cỡ sãy tay, nào là trang trắng, trang vàng, nào là trang hường, trang đỏ và có cả trang tím nữa... Nụ cười của cô trong vành nón lá như sáng lên, hài hòa với thân thể khỏe mạnh và màu da hồng hào của cô. Chín ta chợt hiểu đây công trình tạo dựng do những bàn tay cần mẫn của mẹ con cụ Thông. Từ một vùng hoang dại, họ sửa sang thành một vùng hoa cỏ, rau dưa ngoạn mục. Và có thể, sở đất sẽ đem lại cho họ một vài lợi tức nho nhỏ song song với cái đẹp của khuôn viên. Chàng cảm thấy yêu cái lẽ sống mãnh liệt cùng cách sống đẹp của họ mà quên đi thể chất nồng nàn của cô Hồng cùng cái đẹp dịu dàng và trong sáng của cô Lam.
Cô Lam và cô Hồng đã có nghề may quần áo phụ nữ và quần áo trẻ em. Cả hai nhờ may khéo nên chẳng bao lâu có nhiều mối tìm tới đặt may. Còn cụ Thông bà gói giò thủ và chả lụa, rồi đem bỏ mối ở ngoài chợ. Bề sanh sống của họ tạm gọi là bảo đảm.
Năm đó, cô Hồng đã 20 tuổi, còn cô Lam được 18. Như vậy tuy là vai chị mà họ kém tuổi hơn cô Thắm. Cô chị kém 2, cô em kém 4. Cô Hồng đẹp lẳng, mặt hơi vuông chữ Điền, mắt ướt, môi tươi, nụ cười đĩ ngầm, thân vóc cao lớn và nồng nàn , khỏe mạnh. Cô Lam với vóc vạc vừa tầm, mặt trái soan, mắt xếch và sáng oai nghiêm, nụ cười đoan trang thùy mị, khuôn mặt hiền hậu nhưng tiềm ẩn vẻ can truờng, nhẫn nại. Họ không vấn tóc trần như phụ nữ Bắc Kỳ mà cũng không búi tóc thành cái bí bo sau ót như phụ nữ Nam Kỳ. Dù không uốn tóc, nhưng họ biết cách ăn diện: họ cột tóc theo kiểu đuôi ngựa hoặc đánh bính hình con rít rồi thả trước ngực. Trông họ tân thời lắm, dù họ không xài tới son phấn mà chỉ tỉa cặp mày cho sắc nét.
Ba mẹ con cụ Thông bà giữ đạo Thiên Chúa. Hai cô con gái đều gia nhập vào ban đồng ca của nhà thờ Vĩnh Long. Cả hai có giọng khỏe và ngân vang. Ngoài việc hát thánh ca, cô Lam không hề hát loại nhạc cải cách đương thời. Cô chỉ hát bản Ave Maria hoặc bản Santa Lucia bằng lời Việt cho ban văn nghệ nhà thờ khi họ tổ chức một buổi trình diễn văn nghệ cốt gây ngân quỹ giúp viện mồ côi, giúp trường mù hay cho cuộc cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung. Còn cô Hồng cãi lời mẹ, nhứt định gia nhập vào ban Văn Nghệ của Phòng Thông Tin Vĩnh Long. Cụ bà chửi rùm beng:
- Văn nghệ Phòng Thông Tin cái mả mày đấy à? Động đĩ trá hình đấy, con đĩ chồn chín đuôi ạ. Mày liệu hồn mà theo bọn gái đú đỡn trong ban văn nghệ ấy, cái bọn dâm không ra dâm, trinh chẳng phải trinh, tao thấy thế nào ấy!
Cô Hồng hùng hổ:
- Con cóc cần các cô ấy, con chỉ cần thầy Hán Sơn cưới con.
Cụ Thông bà liền ngưng chửi, lõ mắt ngó con gái:
- Có thật không đấy? Thầy ta đã tỏ thái độ gì đối với mày? Thầy ta đã ướm lời mày cách nào? Mày mà bịa chuyện thì chết với tao.
Cô Hồng nghinh mặt, cười hí hởn:
- Thầy ta đòi đưa cụ bà thân sinh đến đây viếng nhà cho biết
Thím Hai Xuân tán thành:
- Cô Hồng khéo lựa bạn trăm năm đó, thưa cụ. Cháu nghe nói thầy Mai
Hán Sơn là giáo sư âm nhạc và huấn luyện viên thể thao của trường Tống Phước Hiệp. Thầy có giọng tốt, lại đẹp trai, khoẻ mạnh. Trong ban Văn Nghe Phòng Thông Tin, thầy giữ các tiết mục đơn ca, đồng ca, hài kịch... đều hoàn hảo. Nữ sinh chạy theo thầy rần rần. Mấy ả chịu chơi trong tỉnh sẵn sàng cho thầy... chơi chịu.
Thấy chị vui, cô Lam cũng khôi hài:
- Nhưng rồi ra, chị Hồng lại có hy vọng chiếm được trái tim thầy và hy vọng được thầy rước về nhà làm Hán Sơn phu nhân.
Cô Hồng không giấu giếm tình cảm của mình:
- Chỉ nghĩ khi mình cho in trên danh thiếp hàng chữ Madame François Xavier Mai Hán Sơn là chị sướng run, sướng đến rụng rời. Chị em mình hát trội hơn các nữ ca sĩ tài tử địa phương vì giọng chúng mình lảnh lót, chúng mình lại còn biết ngân nga như ca sĩ đài Phát Thanh Sài Gòn.
Từ khi hai cô Hồng và Lam theo mẹ về đất Vãng thì các xóm trong xã Long Đức Đông đều xôn xao. Cái đẹp của họ chưa thể gây sóng gió bằng giọng hát và nghệ thuật trình diễn của họ. Thuở đó, trường Trung học không nhiều, cho nên nữ sinh trung học được giới bình dân quý trọng. Nghe nói hai chị em họ chỉ học xong lớp nhứt và thi đậu bằng Cơ Thủy ngoài Bắc mà thôi, chớ chưa học tới bực trung học ban Thành Chung hay ban Đệ nhứt cấp. Vậy mà cái dáng dấp nữ sinh cùng phong thái cao sang đài các và giọng hát đẹp của họ chẳng những làm cho các nam sinh của các trường tư thục ao ước mà giới công chức, tư chức bực trung phải ngây ngất say sưa nữa.
Cô Thắm lúc đầu sợ thằng chồng thợ mộc đẹp trai, có biệt tài ca Vọng Cổ du dương của mình dòm hành, tơ tưởng hai cô chị nhà bác của mình. Tới chừng cô Hồng chê dân ưa ca Vọng Cổ là dân nhà quê, tới chừng dân tân học xun xoe xung quanh cả hai thì cô yên lòng lắm. Vậy là hình ảnh thằng chồng bảnh trai, lại có số đào hoa của cô chẳng có đặc điểm nào dưới mắt của hai cô chị tân thời kia.
Riêng bà Tư Hơn thì nơm nớp lo sợ hai thằng con trai uống máu què (sic) của mình vớ nhằm con vợ Bắc. Đang thân thích với bà cụ Bắc, đang thích ăn các món Bắc như bánh cuốn, phở, bún thang, bún ốc.., bà quay mặt 180 độ liền:
- Xời ơi, tui trầy vi tróc vảy đẻ con trai rồi để cho tụi nó thả đuôi chuột vọc hũ mắm tôm hay sao? Rước thứ dâu Bắc kỳ về nhà để tụi nó cho mình ăn mắm tôm, ăn tương đậu nành đều đều hay sao? Gái Bắc khi xổ ngọt thì lời lọt tận xương, còn khi họ phun nọc vào mình thì mình chỉ có nước nhức tê nhức bại, nếu không thì cũng bải hoải tứ chi chớ không chơi đâu. Đâu phải ả Bắc Kỳ hoặc mụ Bắc Kỳ nào cũng mềm mỏng dễ thương như cụ Bắc, cũng biết điều như vợ thằng Chín Giảo Kim?
Hai cậu con trai bà Tư Hên là Phi Long và Phi Phụng được người chú ở Sài Gòn cho ăn học tại trường tư thục Lê Bá Cang. Nhưng Phi Long chỉ học tới năm thứ hai, còn Phi Phụng chỉ học tới năm thứ ba ban Thành Chung rồi bỏ học. Anh thì đi học sửa xe hơi và xe gắn máy, còn em thì học ngành điện; cho nên cả hai kiếm bộn tiền. Bởi đó, bà Tư Hơn có thể hãnh diện rằng con mình có văn hóa tạm đủ để lấy le với chòm xóm, lại có nghề chắc chắn trong tay. Bởi vậy bà ra mặt kén dâu. Thuở trước khi thấy hai chàng Phi ve vãn hai cô Phụng Tường và Phụng Thoại, bà sợ nơm nớp mình sẽ bị hai thằng uống máu què kia bắt mình thỉnh hai cây văn hóa về thờ cúng vì hai cô Phụng học tới năm thứ tư, dù có thi rớt bằng Thành Chung, nhưng vẫn học trên hai chàng một hai bực. Lại nữa, hai cô Phụng lớn hai chàng Phi vài tuổi, có vẻ khôn ngoan hơn. Giờ đây, bà sợ hai thằng con trai kia xáp cục với hai cô gái Bắc lạ hoắc lạ huơ kia. Cô Lam và cô Hồng lại có bóng sắc tuy không trội hơn bóng sắc của những thiếu nữ đẹp nức tiếng trong tỉnh, nhưng cũng đủ nịch ái chúng, biến chúng thành kẻ chỉ biết thờ phụng vợ như tiên thánh mà coi rẻ mẹ như bọt bèo, cặn bã.
Hình như do oan trái đâu từ bao kiếp truớc, cụ Thông bà và bà Tư Hơn vừa gặp nhau là không ưa nhau. Cả hai cùng chung cách ăn nói thô tục như nhau. Nhưng trong thâm tâm, cụ Thông cho mình là tục sâu sắc theo kiểu mấy cụ đồ xưa làm thơ châm biếm thế thái nhơn tình, còn bà Tư Hơn dưới mắt cụ là thứ tục bừa bãi, bộc tuệch, bạ đâu tục đó. Riêng bà Tư Hơn cho rằng mình tục ngọt tục trơn, chẳng cào sướt tự ái ai, còn mụ già Bắc Kỳ sâu hiểm kia là thứ tục có ngạnh có mắc như lưỡi câu, chỉ làm cho thiên hạ đau thốn tim gan vì tự ái bị mụ quào rách te tua như cái nùi giẻ. Rõ ràng đây là trường hợp đồng bịnh tương đố, chớ không phải trường hợp đồng bịnh tương lân.
Nhưng cái ghét của bà Tư Hơn đậm đà nhứt là ở chỗ mẹ con cụ Thông bà ưa giao du với thím Hai Xuân và cô Năm Kim Nga. Thím Hai Xuân là con nhà bác của Chín Giảo Kim, còn cô Năm là em chồng thím. Cô ta ở trong một căn của dãy phố Trung Thành, cách nhà vợ chồng thím 50 thước. Vào mùa ốc từ tháng năm cho tới cuối tháng tám âm lịch, hễ đi ngang qua nhà thím Hai Xuân là bà Tư Hơn bắt gặp mẹ con cụ Thông bà và chị em thím Hai Xuân ngồi ăn ốc, cười nói véo von với thím. Tiệc ốc thường dọn duới bóng cây trứng cá trong sân. Nhà chú Hai Xuân chỉ có cái rào bện kẽm gai nên khách bộ hành ngoài con lộ trải đá xanh trước cổng có thể nhìn rõ cái sân trần trụi của chú. Ốc miền nước ngọt vùng Tiền Giang có nhiều thứ: ốc lác và ốc bươu đem luộc để chấm nước mắm gừng, ốc gạo luộc để chấm nước mắm chanh, ốc dừa và ốc đắng luộc để chấm mắm sả, ốc len xào nước cốt dừa. Ngoài ra ốc gạo còn được cuốn với dừa nạo, thịt phay, rau thơm trong lớp bánh tráng nhúng nước để làm món gỏi cuốn ốc gạo. Mẹ con cụ Thông bà mê tơi các món ốc. Có hôm dù không được cụ đãi ốc, thím Hai Xuân cùng cô Năm Kim Nga cũng mua ốc đem qua tặng gia chủ để cùng ăn với gia chủ. Cụ Thông bà dạy thím Hai và cô Năm nấu món bún ốc nên tình lối xóm thắt chặt thêm.
Bà Tư Hơn biết quá rõ hành trạng dâm đãng táo tợn của cô Năm Kim Nga.
Bà chì chiết với bà cụ Bắc:
- Cái con đĩ chuột cống chuột xạ đó nếu không phải là con Hạ Cơ, thì cũng con Tuyên Khương, hoặc con Văn Khương hay con Võ Chiếu đầu thai chớ chẳng sai. Bạ trai nào, nó cũng chổng đít cho hắn đục lỗ, gặp tên mổ nào nó cũng nằm ngửa cho đương sự xỏ kim. Nó mắc bịnh cuồng dâm đó đa cụ. Hễ vắng đờn ông chừng một đêm là nó ngứa ngáy, không chịu nổi. Vậy mà nó ưa đi chùa làm công quả, miệng niệm Phật dẻo quẹo mới là chướng chớ! Thành tâm mộ đạo gì nó! Miệng tuy niệm A-di-đà Phật/Thấy sãi xinh, tay trật quần ra. Chỉ trong một buổi tối, nó dám cho thằng Chín Giảo Kim và hai thằng con trai tui thụt súng cối, thụt ô-buýt vào cái hang ổ mắc dịch của nó cho tới nghiêng trời lệch đất. Có động trời không cụ?
Từ lâu, Thắm đã biết cô Năm Kim Nga đã từng tằng tịu với hầu hết trai vùng nầy trong đó có Chín Giảo Kim, trước khi tên chồng khí gió lăn đùng kia cưới cô làm vợ. Cho nên cô khinh ghét cô Năm ra mặt. Eo ơi, y thị đã cụp lạc với tên oan gia lòng dơi dạ chuột của tôi. Rồi đây, biết đâu y thị sẽ tái diễn cảnh dâm bôn thêm nhiều lần nữa. Cho nên Thắm vuốt đuôi lươn:
- Thế ư, cụ Tư? Thế thì hỏng quá!
Hăng chí, bà Tư Hơn tuôn ào ào giọng thổ:
- Mợ Chín chưa biết đâu, con đĩ xà bần hổ lốn đó còn thầm thụt với thằng Chệt Pạt Yục Tàng (Bạch Ngọc Đường) ở cùng dãy phố với nó. Đêm đêm, nó mở cửa cho Chệt ta qua đạp mái tưng bừng tở bở, giường kêu cót két như cóc nghiến răng.
Pạt Yục Tàng làm nghề cán mì, cán bột gói hoành thánh để đếm cho những gánh mì, cho các tiệm nước trong thành phố. Nghe nói hắn có nhiều tiền. Hắn lớn con, trắng trẻo, khôi ngô. Nhờ bửa cũi, gánh nước, nhồi bột, cán bột mà hắn có vóc mình lực lưỡng, nạc nhiều, mỡ ít, bụng thon. Tuy nhiên, Thắm vẫn chì chiết:
- Cô ta ăn nằm với trai Việt chưa thỏa mãn hay sao mà còn tòm tem qua tên
Chiệc? Xấu hổ quá đi thôi!
Bà Tư Hơn tuy ngồi bán các món quà ở Xóm Chuồng Gà, nhưng mấy mụ khách hàng thèo lẻo thường đến ăn và thông tin cho bà biết đủ mọi chuyện khắp làng trên xóm dưới, cho nên chuyện phòng the của cô Năm, bà biết khá bộn.
Việc bà Tư Hơn rải muối độc và trồng nấm độc lên cuộc đời cô Năm Kim Nga vẫn được các mụ thèo lẻo rót lai láng vào tai cô, cô chỉ cười hề hề bảo chị dâu:
- Bà Tư Hơn nói xấu em là việc của bả. Còn việc cho hai thằng con của bả
chết chung một lỗ là chuyện giải trí dài dài của em. Bả coi chừng ông chồng dê xồm của bả. Có ngày em thiếm xực luôn ổng, cho bả tức trào máu què chơi. Hà! Hà! Hà!
Thím Hai Xuân vốn có bụng thương mến cô em chồng của mình, nhưng thím không quên nhiếc móc:
- Mầy mà chưa lấy chồng, anh Hai mầy và tao phải chịu đội quần khắp thiên hạ. Còn bực cha mẹ và đờn bà ở vùng nầy phập phồng, chằng biết lúc nào chồng của họ bị mầy rinh đi mất, chẳng biết lúc nào đầu họ sẽ bị mầy cắm sừng! Thôi em cưng, em gắng tu bỉ, cứ thả trôi thả nổi hoài e có ngày cưng dến bịnh tiêm la, bịnh lậu mủ... đa em.
Cô Năm Kim Nga là gái chịu chơi; khách chơi cho cô tiền thì cô nhận, bằng không thì cô cho chơi miễn phí hoặc cho chơi... chịu. Không bao giờ cô tính sổ với người đờn ông nào đã ăn nằm với cô một cách nghiệt ngã. Nghe nói cô làm nghề áp-phe, buôn bán hột xoàn cẩm thạch lai rai. Cô mập mạp, vóc vạc vừa tầm, khuôn mặt đĩ lộ, nụ cười dễ dãi và tươi tắn, sóng mắt sáng ướt, tròng mắt đưa đẩy loang loáng. Cô ăn mặc chải chuốc, tóc bới cái bí bo sau ót có bao lưới và giắt trâm. Thường ngày, cô trang điểm nửa chợ nửa quê, tuy quê bảy chợ ba mà cô vẫn đẹp mặn mòi. Cô đeo xâu chuỗi cẩm thạch, đôi bông tai cẩm thạch, đôi kim hoàn xâm hình rồng đoanh, cặp cà rá nạm ngọc lựu, chiếc trâm cài chéo áo cẩn hột hổ phách và san hô. Nhưng khi đi làm áp-phe, cô cuốn tóc tay rế, mặc áo nhung trơn, đeo nguyên sưu bộ hột xoàn chấp chới. Ở cô, cái gì cũng óng ả, mướt rượt. Cô cặp xách với ai cũng kín đáo. Cô không nói tục, không nói trây với người ngoài, nhưng cô khoái nghe chuyện tiếu lâm, nghe rồi cười hềnh hệch một cách thống khoái, nhưng không bình phẩm. Cô rất dễ thương. Ai nói xấu cô sau lưng cô, lời nói xấu kia có khi tới tai cô, cô vẫn cười híp mắt, rồi tròng mắt đưa đẩy loang loáng, trông thiệt dễ thương!
Thầy Mai Hán Sơn cứ chà lết nhà cụ Thông bà thêm một tháng nữa , rồi mới dắt mẹ mình là bà Biện Mai văn Giang đến dạm hỏi cô Hồng cho thầy. Hỏi ra, bà Biện Giang là em con nhà cô của bà Tư Hơn. Dù bà Tư Hơn hết lòng khuyên chị mình đừng cưới cô Hồng cho thầy Hán Sơn, nhưng bà Biện Giang ngáp dài :
- Dì ơi, thời buổi nầy tụi trẻ kỳ cục lắm, tụi nó ưng con nào thì mình nên cưới con đó cho tụi nó, bất chấp con lủng hay con lành. Nên thì tụi nó nhờ. Hư thì tụi nó rán cắn răng mà chịu. Nếu mình ép duyên tụi nó, rủi mai sau gặp cảnh cơm không lành canh không ngọt, tụi nó sẽ đổ thừa mình, điếc tai điếc đít lắm!
Vậy là đám hỏi tiến hành rùm rụp. Cô Hồng đem chia trầu cau và bánh trái cho họ hàng và chòm xóm thân thiết. Mỗi lần qua thăm hôn thê của mình, thầy Mai Hán Sơn cũng đèo theo thầy Trần Thanh Thoại, giáo sư môn Pháp văn của trường Long Hồ, bạn chơi bóng rỗ rất thân của thầy . Thầy Thoại có vóc vạc trung bình, thân mình cân đối và liền lạc. Đã vậy thầy đẹp trai theo kiểu thư sinh thời cổ bên Tàu: mắt sáng, mày thanh, mũi thả giọt mật, môi đào, răng lựu, da mặt mỏng và trắng hồng.
Bà Tư Hơn, một hôm nọ đến thăm bà Biện Giang, bảo thầy Hán Sơn :
- Dì không hiểu tại sao cháu lại lấy vợ Bắc Kỳ ? Tụi Bắc Kỳ không biết nấu cơm, mà cũng không biết ăn cơm.
Thầy Hán Sơn lấy làm lạ:
- Thưa dì, sao lạ vậy? Chẳng hay họ nấu món gì và ăn món gì?
- Họ chỉ biết thổi cơm và xơi cơm thôi, cháu à.
Rồi bà kể xấu gia đình cụ Thông bà, toàn là những điều do bà tưởng tượng. Những điều tưởng tượng đó dựa lên cuộc sống phóng dật lăng loàn của cô Năm Kim Nga. Bà Biện Giang và thầy Hán Sơn cứ gật đầu chấm câu để làm vui lòng bà. Họ thừa biết dù mẹ con bà cụ Thông có giao thiệp với cô Năm Kim Nga, nhưng không bao giờ họ qua chơi nhà cô Năm; lại nữa cô Hồng lẫn cô Lam không bao giờ đi chung với cô ta khi có dịp đi chợ hay đi thăm viếng ai.
Không hiểu sao những lời vu khống ấy lọt đến ai cụ Thông bà. Cụ đâu có thể nhịn bà Tư Hơn một cách dễ dàng.
Cụ tìm cách trả đũa mụ già độc miệng kia. Nhưng cụ không dám nói với ai, ngay cả cô Năm Kim Nga và thím Hai Xuân, mà chỉ dám tâm sự với em và cháu gái:
- Cái mụ già Tư Hơn khốn nạn kia cứ tưởng đâu hai thằng con giai của mụ quý báu lắm đấy. Hai thằng ấy tuy làm nghề có nhiều tiền, nhưng chúng nó hời hợt, cười nói oang oang, người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm, trông thế nào ấy! Người Nam thô lổ, ăn nói tao nhã bằng người Bắc chúng mình thế nào được? Cô Hảo xem đấy, hoa sơn chi thì họ gọi là hoa dành dành; còn hoa bạch ngọc thì họ gọi là hoa lài trâu; nhà bưu điện thì họ gọi là nhà giây thép; tòa hành chánh thì họ gọi là tòa bố. Ngôn ngữ gì mà thô tháp, thô bạo, thô tục, chẳng ra sao cả. Nghe nói loại kim hoàng thảo thì họ gọi là cỏ chó đẻ. Còn lá mơ tam thể, họ gọi là lá thúi địt nữa đấy!
Cô Thắm mỉm cười:
- Thưa bác, thế mà tại sao người Nam kêu lá cúc mốc là lá nguyệt bạch? Bác thử nghĩ xem, tiếng nguyệt bạch và tiếng cúc mốc thì tiếng nào hoa mỹ hơn, hở bác?
Cụ Thông bà nguýt cô cháu gái của mình thật bén. Ai mà chẳng biết, tên chồng Chín Giảo Kim của Thắm là người Nam? Hèn chi nó chẳng binh tiếng Nam và người Nam chầm chập? Đã vậy cô Hồng còn bồi thêm:
- Mẹ ạ, tiếng Nam cũng hay lắm cơ, đã phong phú ý tình mà còn thấm thía cảm xúc. Giọng Nam nếu không ngọt thì làm sao hai nghệ sĩ Út Trà Ôn và Huỳnh Thái, kẻ Nam người Bắc ca Vọng Cổ làm say lòng khách mộ điệu Bắc Kỳ hở mẹ?
Bà cụ Bắc bảo chị:
- Bác nhớ chứ, ngày xưa gánh cải lương Trần Đắt từ trong Nam ra trình diễn ở Hà Nội, có đêm nào mà bác chẳng đến xem? Bác cũng đã từng khen lấy khen để với em rằng Cải luơng Sè-Goòng hay hơn chèo cổ Bắc Kỳ vạn bội đấy chứ. Bác còn suýt soa ông Năm Châu, bà Phùng Há mỗi khi cất giọng lên ca là bác muốn tan thành khói thành mây...
Cụ Thông bả rên:
- Thế này là thế nào? Mụ em của tôi thì chả nói làm gì vì đương sự trước sau vẫn có lòng ngay dạ thẳng. Còn đứa gái lớn chết tiệt này khi chưa si tình thày Mai Hán Sơn thì nó chê ai mà hát Vọng Cổ là quê mùa, bây giờ nó lại lật lộng nói khác một cách tỉnh bơ!
Cô Lam bảo mẹ:
- Mẹ ơi, nếu duyên giời dong duổi, con được lấy chồng Bắc, nhưng lũ con của con mai sau trên đất nước Nam Kỳ nay sẽ nói tiếng Nam với người ngoài một cách rành rẽ, còn khi trở về nhà thì chúng chỉ nói tiếng Bắc ba sồn bốn sựt với bố mẹ chúng mà thôi.
Cụ Thông bà giáng cho cô Lam một cái nhìn sấm sét. Tuy nhận thấy cô thứ nữ của mình nói nhằm lẽ, nhưng cụ vẫn ghét cô vì cô chêm vào câu nói bốn tiếng ba sồn bốn sựt nghe chối tai lắm lắm! Cụ thừa biết hiện giờ cô Lam đang để ý thầy Trần Thanh Thoại. Mỗi khi thầy tháp tùng thầy Hán Sơn qua thăm, thế nào cô Lam cũng diện chiếc áo bà ba mới bằng nylon hay bằng demi nylon in hoa hòe hoa sói choáng lộn. Nhưng để dằn cho màu sắc bớt hỗn, bớt gắt, cô mặc chiếc quân sa teng tuyết nhung đen. Áo thì chẳng nói chi nhiều tấm lòng háo hức và phấn khởi của cô. Độc đáo nhứt là cặp mắt cô khi cô được hầu chuyện với chị và ông anh rể tương lai của mình cùng thầy Thanh Thoại. Trời, cặp mắt sao mà sáng ngời ngời, reo vui một cách lạ lẫm! Khi cô đuợc hai chàng tân học yêu cầu hát bài Sérénata của Enrico Tosselli mà Phạm Duy phổ lời Việt và ban cho nó cái tựa là Chiều Tà thì cặp mắt đó ướt rượt, nói lên rất nhiều tấm lòng sôi nổi của cô. Riêng thầy Thanh Thoại, mỗi khi bắt chuyện với cô là mặt thầy đỏ rạo đỏ rực, đỏ hực đỏ hừng, cặp mắt thầy đắm đuối, rèm mi thầy chớp lia chớp lịa, coi thuốc chuột quá! Đến khi nghe cô hát, mặt thầy đực ra một cách dễ thương, thộn ra một cách thơ mộng. Thôi rồi, anh ả đang ở vào tình trang tình trong như đã, mặt ngoài còn e mất rồi!
Thầy Thanh Thoại cũng là dân di cư. Tía thầy là ông Phán Trần Thanh Lương hiện làm việc ở Tòa Hành Chánh. Còn thầy nhờ có bằng Thành Chung nên dạy Pháp Văn bực Đệ nhứt cấp ở trường Tư thục Lam Sơn. Ông Phán đông con, có tới chín đứa lận. Vợ ông mập mạp, mặt lúc nào cũng đỏ ké. Hai đứa con gái đầu lòng đã lấy chồng ở Vũng Tàu. Hai thằng con kế đi lính Bảo An, giờ đã trở thành hai ông Trung úy. Kế đó là thầy Thanh Thoại, Còn cô em gái kế của thầy theo ở với người dì trên Sài Gòn; cô ta dạy lớp nhứt ở trường Tiểu Học Cầu Kho. Còn bốn đứa con chót đều là gái cả. Năm ngoái, bà Phán Lương báo tin cho chồng và thằng con trai thứ ba hay rằng bà có triệu chứng mang bầu lần thứ mười. Chàng Thanh Thoại bảo:
- Mẹ ơi, sau khi sinh nở xong, xin mẹ kiêng đi.
Bà Phán Lương quắc mắt rồi dảy đành đạch, miệng bù lu bù loa:
- Mày nên bảo thằng bố phải gió của mày kiêng, chứ bà nhất định... không kiêng. Thằng bố của mày kinh khiếp lắm nên bà kiêng thế nào được, hả giời?
Bà gào, bà rống, bà lôi ra một ngàn lẻ một nỗi khổ tâm trong cuộc đời làm vợ và làm mẹ của mình để kể tội chồng con. Bà luôn lập đi lập lại câu: Bà kiêng thế nào được, hả giời? làm các cô con gái chót cười chúm chím, mặt đỏ rạo rực. May là kỳ đó bà hư thai. Chồng bà hy vọng từ đây bà bặt đường sanh nở luôn cho ông dễ thở.
Ông bà Phán Lương khi mới dọn về đây mướn một căn phố lầu đường Đồng Khánh, ngó xéo xéo qua dãy tiệm hớt tóc. Tối tối, mấy anh hớt tóc vầy cuộc đờn ca bài bản cải lương om sòm nên bà Phán Lương òn ỉ chồng dọn về Cầu Đào, gần Chùa Bảy Phủ thờ Đức Quan Thánh Đế Quân. Ông mua ngôi nhà lợp ngói móc, có vòm cổng trồng cây huỳnh anh trổ lai rai hoa vàng đan lộn với cây bông giấy thường trổ hoa tím đỏ.Từ Cầu Đào đi thẳng bon một vạch chưa đầy 10 phút là tới Xóm Thiềng Đức, nào có xa xôi, lâu lắc gì. Nhưng thầy Thanh Thoại vì nhút nhát không dám đến viếng cô Lam. Thầy phải đợi thầy Mai Hán Sơn từ dãy phố bà Thông Vịnh, gần đất Thánh Tây, cỡi mô-tô qua để cùng đề huề đến trồng cây si tại nhà nhị kiều ca hát Tân nhạc rựa ràng như các nữ ca sĩ đài phát thanh kia.
Một hôm, cụ Thông bà đãi bún ốc cho hai chàng giáo sư trẻ tuổi, có mời thím Hai Xuân và cô Năm Kim Nga qua ăn. Vừa chạm mặt hai chàng, cô Năm cười chúm chím, mắt long lanh tinh quái. Ôi, tưởng ai xa lạ, hai ông tướng nầy đã có vài ba lần tìm đến cô, không phải lần lượt chết chung một lỗ của cô, mà cùng cô giao hoan tập thể để đổi món ăn chơi hấp dẫn hơn. Khám phá được điều hoan lạc lạ lẫm, về sau họ cứ bày trò tập thể. Trong phút hành lạc với cô, họ còn hôn nhau giao hữu trên trán. Hỏi ra họ đã đi theo vết Đào Viên kết nghĩa thời Tam Quốc. Thầy Mai Hán Sơn ra công dạy thầy Trần Thanh Thoại môn võ Thiếu Lâm. Đáng lẽ thầy Thanh Thoại kêu thầy Hán Sơn bằng sư phụ cho đúng phép tắc, đúng lễ nghĩa. Nhưng thầy Hán Sơn vì không muốn chịu leo lên bực ông già và cũng không muốn ai biết mình có võ nghệ nên chỉ nhận thầy Thoại làm nghĩa đệ mà thôi.
Riêng cô Năm Kim Nga, cô cũng cảm nhận cái kiểu làm tình mới lạ kia sao mà kích thích thể xác nhạy cảm của cô một cách gay gắt và thập phần tuyệt diệu. Đó là vào buổi tối đầu tiên trong căn nhà của chị cô gần gò đất cao có xây mã thương gia Tào kê Giang, giữa cánh đồng loáng nước. Chị cô đã thiên cư về Rạch Giá, theo chồng mới. Bà ta có nhờ cô trông coi nhà và tìm cách bán nhà, hứa cho cô huê hồng. Trong lúc dọ giá và tìm người mua, cô dùng ngôi nhà đó làm nơi hành lạc cho mình. Và lần đầu tiên, cô đưa hai chàng Hán Sơn và Thanh Thoại đến đó, mưa tháng bảy rào rào như trút nước lên mái ngói, lên cánh đồng xung quanh. Bàn ghế đã dọn đi gần hết, chỉ chừa cái bàn nhỏ bên cửa sổ bằng cây thao lao, chiếc vạt tre và chiếc divan nhỏ.
Mưa cứ tuôn tầm tã, hết đám nầy tới đám khác. Giữa hai cơn mưa, gió lộng hành trên những cây me keo, cây bằng lăng và cây mù u, cây mộc lan xung quanh nhà. Chưa bao giờ cô Năm no phỉ khoái lạc bằng cuộc ân ái đêm đó. Tấm thân cường tráng và dáng dấp hùng tráng của Mai Hán Sơn tương `phản với thân thể tươi non và cân đối cùng khuôn mặt trong sáng tuyệt vời của Trần Thanh Thoại làm cô thập phần hứng khởi. Cả hai thành khẩn quăng mình vào cuộc chơi. Họ trân quý cô, xem cô như một nữ thần nhục thể. Họ liếm láp hai chỗ bài tiết của cô mà không nhờm gớm. Họ quăng mình một cách say đắm vào cơn săn tìm khoái lạc. Rồi cả ba, khi ngưng cuộc làm tình, cứ tỉ tê tâm sự với nhau gần suốt đêm. Cô pha cà phê sữa và hâm soong bánh canh nấu với cá lóc cùng giò heo đã làm sẵn để đãi họ cho họ mau lợi sức.
Chiếc đèn Hoa Kỳ đặt trên bàn cây thao lao luôn cháy sáng. Vào cuối canh tư, cô phải châm thêm dầu vào bình đèn. Còn hai chàng tuấn mã lương câu đó đúng là trên răng dưới thùng xăng, xài chỉ bốn hiệp trong một đêm thì làm sao xăng cạn vơi được? Và đó cũng là lần đầu tiên, cô Năm Kim Nga làm tình với hai chàng trí thức tỉnh lẻ. Chèn ơi, một khi họ lăn xả vào cuộc săn đuổi tình dục thì mọi mức độ kiến thức chẳng can dự vào cơn khoái cảm gay gắt mù lòa làm chín nhừ thân xác của họ. Họ hành xử theo một phản ứng như nhau: sống hoàn toàn theo bản năng con thú đực. Cơn sướng khoái tột độ làm cho Trần Thanh Thoại khóc nhễu nhão và làm cho Mai Hán Sơn thở hổn hển và rên hừ hừ. Cô thừa biết khóc nhễu nhão, thở hổn hển hay rên hừ hừ của họ không phải chỉ là cái phản ứng suông trơn của cơn lạc thú, mà còn là cái ý thức tăng cường khoái lạc của họ. Họ giống như bao người đàn ông hồn nhiên hay thô lỗ khác đã từng ăn nằm với cô: trong cuộc giao hoan, tuy buông thả theo bản năng, nhưng họ vẫn không quên rên rỉ hoặc khóc lóc để họ được thăng hoa vào thiên đường cảm giác gay gắt và nồng đậm hơn. Nói rõ hơn: đó là các phương pháp leo lên tuyệt đỉnh của nhục cảm bằng một ý thức trong sáng và tỉnh táo tuyệt vời.
Cụ Bắc, từ khi thầy Mai Hán Sơn đã dạm hỏi cô Hồng rồi, liền khuyên chị:
- Bác ạ, nay mai cháu Hồng sẽ về làm vợ giáo sư Hán Sơn, tức là trở thành cháu dâu cụ Tư Hơn rồi. Bấy lâu nay, bác và cụ ấy cứ hiềm khích nhau. Cụ ấy cứ bịa nhiều chuyện bất lợi cho hai đứa cháu gái cưng của em luôn. May mà cụ Biện Giang biết suy đi nghĩ lại nên mới cho phép con giai mình kết hôn với cháu Hồng. Còn giáosư Thanh Thoại đang gấp ghé cháu Lam. Nếu cụ Tư Hơn cứ tiếp tục phun nọc tới tấp vào gia đình bác, em e rằng hai cụ Phán Lương sẽ cản trở không cho giáo sư Thanh Thoại tiến tới cuộc hôn nhân với cháu Lam. Vậy bác và cháu Hồng nên xử nhũng với cụ Tư Hơn là thượng sách. Có thế, cháu Lam sẽ được duyên ưa phận đẹp mai sau.
Cụ Thông bà có vẻ tư lự rồi thở dài sườn sượt.
Sau khi thầy Thanh Thoại ăn hỏi cô Lam, vào một buổi sáng lành lạnh, cụ Thông bà vào Xóm Chuồng Gà để viếng hàng bánh cuốn của em mình. Tại đây, cụ gặp cô Năm Kim Nga. Cô ăn mặc nhã đạm: áo nhiễu tím, quần mỹ a đen dệt bông cúc bông mai. Tóc cô vừa uốn gọn, phơi chiếc gáy trắng mịn.
Hôm đó nhằm Chúa nhựt. Trường tiểu học Thiềng Đức đóng cửa nên cửa hàng thưa thớt. Tuy nhiên, bà Tư Hơn vẫn bán quà cho bợm nhậu như khô mực và khô cá gộc nướng, trứng vịt lộn và trứng vịt ung luộc, me cùng cốc, ổi chấm mắm ruốc, ốc lác và ốc bươu luộc. Mà lạ dữ kìa, giữa mớ bánh ú, bánh tét, bánh ích, bánh dừa còn có cốm dẹp ngào đường và trộn dừa nạo được đựng trong chiếc thau nhôm sáng loáng.
Cô Năm hớn hở bảo cụ Thông bà:
- Cụ bà ơi, ăn bánh cuốn xong, cháu mời cụ dùng thử cốm dẹp ngào đường của bác Tư để cụ thưởng thức món quà độc đáo của bác.
Cụ Thông Bà gởi về mụ già đối thủ một cái nhìn thân thiện và một nụ cười cầu tài; cụ ngọt giọng:
- Gì chứ cốm dẹp trộn đuờng của cụ Tư thì ngon phải biết! Vậy xin cụ bán
cho tôi ba gói. Còn cháu Năm thì sao đây? Ăn bánh cuốn xong, cháu dùng quà đặc biệt của cụ Tư tráng miệng chứ?
Cô Năm Kim Nga cười một cách nịnh bợ:
- Cụ ơi, cháu tới đây cốt ăn cốm dẹp ngào đường của bác Tư đó thôi.
Cụ Bắc bảo:
- Cô Năm ạ, hôm qua cụ Tư có cho tôi một gói bột gạo. Còn bác Thông lại cho khá nhiều chả quế. Hôm nay tôi làm bánh cuốn Thanh Trì đãi cụ và đãi chị tôi. Sẵn tiện, tôi xin mời cô Năm luôn. Tôi đã rán đậu hủ thật ròn để ăn cặp với bánh cuốn rồi đấy!
Hôm đó, sẵn ngon miệng, cô Năm Kim Nga ăn thêm trứng vịt lộn cho bà Tư Hơn vui lòng. Khi cùng về xóm Thiềng Đức, cụ Thông bà hỏi cô Năm Kim Nga tại sao hôm nay cô tỏ vẻ thân thiện với bà Tư Hơn? Cô Năm cười buồn:
- Cụ Bắc khuyên cháu đó đa. Cái miệng độc dữ của bà Tư Hơn, đố ai kình địch nổi? Chọc bả ghét, mình chỉ bị thiệt hại nặng nề. Đánh lớn thua lớn, đánh nhỏ thua nhỏ, thua dài dài , cụ ơi!
Trong vòng hai tuần, bà cụ Thông và cô Năm Kim Nga cứ tìm đến bà Tư Hơn để ăn quà. Cho nên cả ba dần dần bắt chuyện với nhau cởi mở hơn. Lại nữa, Hồng còn biếu bà chả cốm và bánh cốm, kêu bà bằng dì và xưng cháu ngọt xớt. Tuy biết mẹ con cụ Thông bà muốn lấy lòng mình; nhưng bà vốn yếu đuối trước quà cáp và lời nịnh nọt của mẹ con cụ. Do đó, bà ngần ngại gì mà chẳng gọi cô Hồng bằng vợ thằng Hai Sơn và xưng dì với cô? Chu choa ơi, cách xưng hô ngọt sao mà ngọt lìm lịm! Thỉnh thoảng, mua được tôm càng hay cá bống trứng, bà đích thân đem tới nhà cụ Thông bà để tặng mẹ con cụ.
Có lần qua Thiềng Đức thăm vị hôn thê, Mai Hán Sơn tình gặp cô Năm Kim Nga đem gấm lụa qua hai chị em Hồng và Lam để may áo dài. Cô Năm Kim Nga ỏn ẻn bảo chàng:
- Thầy Hán Sơn à, tui đặt may một lượt ba cái áo dài. Cái bằng mousseline màu xanh rắc bông mận trắng dành đi ăn cưới cô Hồng. Cái áo gấm đen in lông công mặt nguyệt dành dự tiệc cưới cô Lam. Còn cái áo xường xám bằng gấm đỏ dệt bông tròn thêu long phụng bằng kim tuyến chen ngân tuyến là áo cưới của tui.
Mai Hán Sơn làm thinh, mắt đăm chiêu, mặt buồn chẳng ra buồn, vui chẳng ra vui. Cụ Thông bà dặn cô Năm:
- Tôi xin chúc mừng cháu sắp gá duyên với ông hàng xóm cán mì và bột
gói hoành thánh. Mà này, áo dành đi dự tiệc cưới nên may cổ đứng, đừng may cổ hở như kiểu áo bà Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Áo do bà ta sáng chế ra bị dân quê gọi là áo cổ khoét l... trâu đấy!
Chợt thấy bóng cô Thắm cùng cô Lam hái bông huệ bên hè, cô Năm Kim Nga cất giọng thẽo thợt:
- Cô Hồng nè, khi tui mặc áo dài cổ cao có chít ben , ai cũng nói tui giống Thẩm Thúy Hằng. Mới hôm qua tui mặc áo xường xám, ai cũng trầm trồ tui giống nữ minh tinh Lý Lệ Hoa ở Hương Cảng. Số là ông Trưởng phòng Thông Tin tỉnh nhà muốn thành lập ban kịch tố Cộng. Ổng hứa đào tạo tui thành nữ diễn viên chánh. Tui phân vân không biết lấy nghệ danh là Thẩm Thúy Nga hay Lý Lệ Nga đây? Cô có ý kiến gì khôn
Cô Hồng chỉ cười cười, không nói không rằng. Bên hè, cô Thắm trề môi dài thòn, mắt nguýt lia lịa về phía cô gái chịu chơi.
Sáng hôm sau, tình cờ thầy Hán Sơn cùng thầy Thanh Thoại dùng điểm tâm tại tiệm Đồng Hính, nổi tiếng các món hấp như xíu mại, há cảo, bánh bao, bánh ướt Triều Châu, bánh ướt Quảng Đông, ngoài các món mì, hủ tíu, hoành thánh, xủi cảo... Chợt thấy cô Năm Kim Nga mặc áo xường xám bằng hàng mỏng nền xanh rắc hoa ti-gôn trắng, đi giày cao gót, xách bóp da láng ở ngoài xăm xăm bước vào. Cả hai mời cô cùng điểm tâm với họ. Cô Năm ngồi bên cạnh thầy Thanh Thoại, phía dưới tấm gương vẽ hình Tiên Nữ Tán Hoa treo trên vách. Cô vui vẻ, chìa bàn tay trắng mềm với năm ngón sơn móng đỏ như da trái ớt sừng trâu cho hai anh em cột chèo tương lai bắt. Cô líu lo:
- Cám ơn hai anh. Em đã ăn cơm tấm bì gần Miễu Quốc Công rồi. Hôm nay em đến đây tìm bà chủ tiệm để bán cặp vòng cẩm thạch, chớ không định ăn uống gì hết.Thầy Hán Sơn hỏi:
- Nghe nói em sắp lấy chồng Khách Trú, có đúng không, em cưng?
Cô Năm Kim Nga lộ vẻ nghĩ ngợi xa xăm, rồi nở nụ cuời ngỏn ngoẻn trên cặp môi tô son màu hồng đào ngọt lịm:
- Đúng y chang đó, hai anh à! Em lăng loàn, phóng dật nhiều quá rồi. Tới tuổi 31 nầy, em nên trụ là vừa.
Thầy Thanh Thoại ngồi trơ một đống, chẳng biết nói gì hơn, chỉ biết ngó cô gái chịu chơi bắng cái nhìn ngây ngô, khờ khạo vì thèm muốn. Thầy Hán Sơn đề nghị:
- Tụi anh sắp cưới vợ. Em cũng sắp lấy chồng. Tại sao tụi mình không tìm một dịp chót để chơi trò một bà Táo cùng hai ông Táo giao hội, hả em?
Cô Năm Kim Nga ngún nguẩy:
- Thú thiệt với hai anh, trót nửa năm nay, em đụng độ với thằng Chệt Pạt Yục Tàng, em mới nhận thấy nó không thô lỗ như em hằng tưởng. Nó có cái bửu bối ... rùng rợn lắm, lại sành việc gối chăn, biết đủ ngón nghề do Đức Huỳnh Đế cùng hai ả Tố Nữ, Huyền Nữ chỉ vẽ để cho hậu thế làm chuyện giao hoan khoái lạc. Về cái chuyện ... đó đó, bốn người đờn ông nhập lại không bằng nó đâu. Hồi nào em tác quái tác yêu, dập dìu ong bướm, nhưng em không áy náy với lương tâm. Giờ đây, em đã thề nguyền sẽ ăn đời ở kiếp với nó, lẽ nào em cặm sừng nó cho đành hay sao? Hơn nữa, em đang có thai; nó đã hì hục ra công đúc cốt thì lẽ nào em để cho người đàn ông khác thảnh thơi tráng men lên con của nó hay sao? Tội chết đa! Con người dù có lòng rác dạ rơm cách mấy cũng phải biết liêm sĩ chớ bộ !
Giảng đạo thánh hiền tới đây, cô nheo mắt nguýt hai chàng mô phạm, rồi bựt ra cười hăng hắc. Cô nhấn mạnh từng tiếng:
- Càn khôn vũ trụ ơi, ông bà ông vãi ơi, thằng Chệt đó...kinh khủng lắm, ác ôn côn đồ thổ phỉ lắm! Hì! Hì! Hì! Cho nên con dâm phụ Lý Lệ Nga nầy từ đây thề bỏ thói đi ngang về tắt, đoạn tuyệt chuyện bắt kép dê trai. Hì! Hì! Hì!
Cô kêu ly cà-phê đá, rồi mở gói Cotab, lấy một điếu thuốc ngậm trên môi. Thanh Thoại bật lửa châm điếu cho cô. Cô lim dim phà khói, mơ màng:
- Mấy anh nên coi chừng bà Tư Hơn. Lóng rày bả thân thiện với cô Hồng và cô Lam lắm đó. Hễ bả biết em còn tò tí với hai anh, bả sẽ rủ mấy mụ Chằng ăn trăn quấn, mấy bà sư tử Hà Đông xách dao bằm nhuyễn em rồi chiên thành chả quế, chả cá thu. Còn hai cô kia thay gì dùng giọng ngọt như mía Gò Mây hát cho hai anh nghe, họ sẽ dùng giọng khế giọng chanh để cằn nhằn hai kẻ ngoại tình cả năm chưa chán, huống hồ suốt tháng chưa nguôi hay sao?
Hồ Trường An