Năm nay ông Nhưn Giáp cảm thấy mình mỏi mệt và yếu sức lắm rồi, nên bàn với vợ:
– Chắc là tôi khó thể theo nghề thương hồ nữa. Vợ chồng mình hãy còn một ít vốn liếng, nên thu xếp về Đạo Thạnh. Bà nên mua một con heo nọc đi bỏ giống kiếm ăn qua ngày. Còn tui trở lại nghề thiến heo, chắc cũng không đến nỗi chết đói đâu.
Bà Nhưn Giáp nghiến răng:
– Tui đã thề với má tui là không bao giờ tui trở về Đạo Thạnh. Nay ông ứng bà hành gì mà ông lại có ý nghĩ kỳ cục đó? Thà tụi mình tấp vào xứ khỉ ho cò gáy nào đó để “trụ” còn hơn là quay về cái xứ Đạo Thạnh bạc bẽo đó?
Bà nguýt chồng rồi lần ra trước mũi ghe mở khạp gạo xúc gạo nấu cơm. Chiều nay ghe chở than củi của hai vợ chồng đã đến chợ Cái Răng thuộc tỉnh Cần Thơ. Họ mua than ở U Minh Thượng lần hồi về đây. Bà vốn thực tế. Ngoài việc chở than bà còn mua thuốc cao đơn hườn tán, bán dọc đường. Đã gần hai mươi năm qua, hai vợ chồng sống nghề thương hồ. Họ mua đi bán lại đủ thứ loại hàng hoá: lúa than, mắm, lá chầm, đồ gốm, mía… Hai mươi năm trước, cả hai sống bằng nghề buôn theo gót du canh, theo nghĩa là đoàn người khẩn hoang đến từ địa danh hoang vu này đến địa danh khỉ ho cò gáy khác. Đoàn người khẩn hoang kia đốn tràm, đốt sậy làm rẫy, làm ruộng, lập vườn,… Cuộc đất vừa hình thành có khách trú tới mở tiệm tạp hoá, tiệm trà, tiệm trồng răng vàng, tiệm bán đồ sắt…
Đạo Thạnh là một làng nằm gần Ngã Ba Trung Lương thuộc tỉnh Mỹ Tho, nổi tiếng về mận hồng đào, một loại mận màu hường lợt nhưng không ngọt bằng mận da người. Đạo Thạnh cách ga xe lửa Trung Lương một cây số, cách châu thành tỉnh Mỹ Tho bốn cây số. Cách đây ba mươi năm, có lần bà Nhơn Giáp theo về Đạo Thạnh. Chỉ về quê cũ một lần thôi mà tâm tư bà còn ê ẩm cho tới bây giờ.
Số là bà Tám Liệu, má của bà Nhơn Giáp vốn là người làng Đạo Thạnh hồi mười sáu tuổi theo cô Hai Ngọc Loan, con bà Thông Đàn về Vĩnh Long vì cô Loan lấy chồng xa, cần có người tớ gái tâm phúc để đỡ đần tay chân và bậu bạn sớm hôm. Chồng cô Loan là thầy Ba Phương, con ông Hương Cả Thành mới hai mươi tuổi mà đã có tương lai sáng sủa. Thầy làm thông ngôn cho quan Chánh Chủ Tỉnh người Pháp ở Vĩnh Long, được ông giúp đỡ để tiến thân vào làm trong Soái Phủ Nam Kỳ. Sau mười bảy năm ở đợ, Tám Liệu không nghe cô Loan lúc đó đã trở thành bà Phủ Phương, tính chuyện lứa đôi cho mình. Tám Liệu dan díu với Hai Báu, làm thợ rèn trong làng, có chửa, bị chủ đánh đập rồi đuổi đi. Tám Liệu sống nghèo khổ với Hai Báu ở trong lò rèn bên sông Cổ Chiên; mãi đến khi con Tý (tức bà Nhưn Giáp bây giờ) lên mười tuổi bà tính về thăm Đạo Thạnh một chuyến. Hai Báu can vợ:
– Đi xa làm ăn có khá giả thì khi về thăm quê, xóm giềng cũ mới trọng vọng mình. Má nó bỏ xứ suốt 27 năm rồi, người thân thuộc lớp chết, lớp tứ tán đến nơi khác, còn ai đâu mà về thăm? Lại nữa, má nó về Đạo Thạnh chẳng có một phân vàng nào đeo, chẳng có quần hàng áo lụa để diện thì về đó ai mà thèm chứa?
Bà Tám Liệu không nghe dắt con gái lên đò máy về Đạo Thạnh. Bà chỉ có bộ đồ vải xiêm đen bóng lớp hồ gọi là tươm tất. Tai bà đeo bông chuỗi hỗ phách, cườm tay đeo chiếc huyền. Cô con gái mặc chiếc áo vải in bông đã cũ, quẩn vải ú. Đúng như lời Hai Báu tiên đoán. Dân làng Đạo Thạnh hầu hết không ai nhìn ra bà Tám Liệu. Có vài chỗ bà con xa lạ lại thấy bà ăn mặc lôi thôi tỏ ra lợt lạt không thèm mời ăn trầu uống nước chứ đừng nói là mời ăn cơm. Buồn tủi quá, bà Tám Liệu mua bánh bò, bánh ích và nhang đèn tìm đến mồ mả cha mẹ cúng vái rồi dắt con ra ga xe lửa Trung Lương ngủ đỡ một đêm, để sáng sớm cả hai đến Ngã Ba Trung Lương đón xe đò về Vĩnh Long.
Cô Tý lớn lên được cha mẹ gả cho một anh kép hát bội tên Giáp cũng xuất thân từ Đạo Thạnh. Kép Giáp mặt mũi khôi ngô, nhưng đến tuổi 30 thì hư tiếng, phải làm kẻ nhắc tuồng cho đào kép, mà người trong nghề gọi là Nhưn… Nhưn Giáp đêm đêm đứng ở cánh gà nhắc tuồng cho đào kép mãi đâm chán nên bỏ đi làm nghề thương hồ khá hơn…
Ba mươi năm thấm thoát trôi qua.
Giờ đây chiều xuống êm đềm. Bên kia sông, sát bến nước là chỗ phơi lưới cá, có chiến vó vừa cất lên. Sau chỗ phơi lưới cá là chiếc lò gạch nóc tròn, màu gạch đỏ rực trong ánh hoàng hôn. Bà Nhưn Giáp đợi cơm sôi, sẵn mẻ than nướng mấy con khô sặc sửa soạn dọn mâm nhậu cho chồng.
Cũng đã từ lâu khi thấy cảnh vợ chồng không con không cái mà cứ trôi nổi bình bồng trên chiếc ghe thương hồ hoài, bà cũng tự hỏi, rồi đây cả hai chết dọc đường thì thi thể tìm đâu ra miếng đất an táng? Bà cũng tự giận mình, hồi 40 tuổi mà không chịu nuôi một đứa con để cậy nhờ lúc tuổi già bóng xế.
Ông Nhưn Giáp hiện giờ có một người em gái tên là cô Ba Ất, đi tu từ nhỏ, có lập một cái am nhỏ ở làng Lộc Hoà tỉnh Vĩnh Long. Vợ chồng ông Nhưn Giáp hễ làm có tiền, sắm vàng rồi gửi cho em, tính đến nay cũng súc tích được mười bảy lượng vàng rồi. Ông bà không dám lận tiền trong mình vì trên bước đường thương hồ dẫy đầy trộm cướp. Sư bà Diệu Pháp, pháp danh của Ba Ất đã bao phen khuyên anh chị nên “trụ” lại bất cứ một địa danh nào thích hợp, rồi cất nhà rồi lần hồi buôn bán, sắm vườn, có cơ ngơi vững chắc để gởi nắm xương tàn về sau. Ông Nhưn Giáp sực nhớ đến chuyện lũ voi rừng già, dù có kiệt quệ thế mấy, mà khi gần chết cũng tìm về cho được chốn bỏ thây của đồng loại mình để xương cố và cặp ngà của mình được gần xương cốt và cặp ngà của đồng loại.
Dù sao ở Đạo Thạnh ông Nhưn Giáp cũng còn một mảnh vườn hai sào đất, giáp với vườn làng (tức là vườn thuộc về ban Hương Chức Hội Tề), ở đó có phần mộ cha mẹ ông. Bấy lâu hai sào đất đó, ông cho đứt một đứa em bà con nhà chú để hắn trồng cây đinh hương cân bán cho tiệm thuốc bắc cùng trông khoai từ, khoai môn, khoai sọ.
Tuy ghét làng Đạo Thạnh, tuy thấy chồng lẩn thẩn chưa chi mà tính việc hậu sự, nhưng bà Nhưn Giáp cũng cảm thấy kiếp sống thương hồ phải chấm dứt trong vòng năm tới. Gặp trời lạnh, trời ẩm ướt các khớp xương bà đau nhức, lòng ngực như chứa sa mù đặc sệt khiến cho hơi thở của bà khò khè.
Ông Nhưn Giáp ngồi trước mũi nghe nhậu một mình cho tới lúc bóng trăng trồi lên khỏi ngọn bần ven sông Bassac ba sào. Trong khoang ghe, bà Nhưn Giáp thắp ngọn đèn dầu mỡ cá, rồi lấy chiếc tượng sành đổ vào đó một ít cơm nóng và rưới một muỗng nước cá kho sền sệt. Vậy là xong bữa ăn tối. Cơm xong, bà giăng mùng đi ngủ sớm, trong lúc ông lấy cây đờn cò kéo ò e những bản Xuân Nữ, Tây Thi, Văn Thiên Trường…
Trong mùng, bà Nhưn Giáp chạnh nghĩ tới những đoạn đời tha phương cầu thực: những gánh hát nhỏ di chuyển bằng ghe, những kẻ du canh, những khách thương hồ. Có một hôm nọ, cách đây bốn năm ông Nhưn Giáp bán trúng kỳ dưa hấu lời năm mươi phần trăm số vốn, nên đưa vợ đi ăn ở một tiệm cơm Tàu tại chợ Vang Xáng, thuộc huyện Hoả Lựu, tỉnh Rạch Giá. Đây cũng có thể gọi là cao lâu, vì nó có căn gác rộng, mái lợp ngói móc, trần gỗ.
Ông mặc bộ bà ba vải xiêm đen, vai quàng khăn rằn tất cả đều mới tinh. Bà mặc chiếc áo xuyến trắng, quần lãnh trơn, tóc chải láng, đeo một vài món nữ trang bằng vàng pha đồng, đi guốc sơn đen mới. Cả hai mạnh dạn bước lên lầu, gọi phổ ky đem món ăn lại. Bên cạnh bàn hai ông bà đã có một chiếc bàn sắp sẵn một vài dĩa thức ăn, cơm canh cùng nhạo rượu và 4 ly uống rượu.
Hai vợ chồng ông Nhưn Giáp bồi hồi nhìn nhau. Cả hai đều biết người đàn bà đó đang làm đám giỗ cho người thân; nhưng vì chưa về nhà kịp (hoặc vì không có nhà) nên đành cúng kiếng ở tiệm ăn. Cảnh tượng gợi lên kiếp người bèo bọt, cái số phận cô độc của một vài người đã từng quen biết với cặp vợ chồng không con này.Giữa bàn là một bát nhang, có cắm sẵn nén nhang huyền đàn tuôn khói nghi ngút. Một người đàn bà tuổi ngoại tứ tuần, ốm tong teo, lưỡng quyền nhô lên cao đang khấn lạy, nước mắt tuôn lai láng. Sau khi rót rượu ra cúng, bà ta còn khóc thêm chặp nữa và thu mình trong góc căn lầu… chờ nhang cháy hết, cầm đũa ăn cơm.
Vốn tò mò, bà Nhưn Giáp muốn hỏi người đàn bà rằng: “Cô giỗ ai đó?” Nhưng ông chồng vừa thoáng thấy vẻ tò mò của vợ, vội vàng nắm áo kéo bà lại. Theo ông, chuyện muốn biết người được giỗ cúng là ai không cần thiết. Bà vợ ông có thể đoán ngược, đoán xuôi mà vẫn thấm thía cuộc đời bèo bọt như thường. Quả vậy, hôm đó trở về ghe, bà Nhưn Giáp khóc cả buổi. Ông cũng không biết phải khuyên can, an ủi bà cách nào? Từ lâu, cảnh già không con, cuộc sống bềnh bồng làm cho vợ chồng bao phen suy nghĩ, và càng lúc nó trở thành một ám ảnh không nguôi, một ám ảnh vằng vặc. Thế mà cả hai không ai dám nói ra. Vì cả hai vẫn còn có ảo tưởng mình khoẻ mạnh, nếu không đeo đuổi nghề thương hồ thì biết làm nghề gì hơn? Nhưng giờ đây cảnh cúng giỗ dọc đường xuôi ngược nhắc nhở họ nên “trụ” lại, và vô tình nó làm cho hai vợ chồng cảm thấy mình yếu đi nhiều, sức khoẻ không còn vững vàng như hồi năm ngoái.
Rồi đó một hôm ghe chở lúa của cặp vợ chông thương hồ kia phải ghé nhà thờ Cái Răng, vì hôm đó bà ngã bịnh ban cua lưỡi trắng. Vị linh mục nhân từ khuyên ông đưa vợ đi nhà thương ở Cần Thơ điều trị. Chừng bà bình phục, ông vẫn neo thuyền dưới bến nước nhà thờ. Dù là đạo Phật nhưng vì mến linh mục, ông Nhưn Giáp vẫn dự lễ Chúa Nhật vẫn mang hoa huệ dâng Đức Mẹ, và vì hiếu kỳ ông chú tâm nghe lời Cha giảng Kinh. Và đau khổ cho ông biết bao, bao nhiêu lời giảng đạo bay vuột qua khỏi trí óc của ông, chỉ trừ một câu: Chồn cáo có hang, chim có tổ, con người không có chỗ gối đầu.
Ông Nhưn Giáp bao phen rùng mình khi nghĩ tới cái quê hương vĩnh viễn của con người. Sống gửi thác về… Nếu về dưới âm phủ địa ngục thì buồn quá để rồi lại sống gởi trên trần gian bao nhiêu lượt nữa? Đi về rồi lại đi về. Vậy thì cõi âm phủ đâu phải là quê hương vĩnh viễn của con người? Nếu nó vĩnh viễn thì đâu có vụ đi đi về về, đâu còn cái vụ “sống gửi thác về?” Lại nữa cõi âm là cõi của kẻ bị trừng phạt, cõi u tối đầy tiếng rên than. Vậy thì quê hương đau khổ đến vậy sao?
Cô Ba Ất, em của ông Nhưn Giáp vốn sinh trưởng ở Đạo Thạnh, sau theo cha mẹ về Cầu Dài, một ngoại ô của tỉnh Vĩnh Long cách thành phố con rạch Long Hồ. Vậy mà, có lần theo cha mẹ đi Lộc Hoà mua bán, khi đi ngang doi đất có có cây gừa, cây đa, cô bỗng bảo:
– Hồi đó tui ở đây.
Bà mẹ mắng:
– Đồ khùng, mày ở hồi nào tới giờ theo vợ chồng tao ở hai nơi là Đạo Thạnh và Cầu Dài… Mày ở hồi nào?
Cô Ba Ất rơi nước mắt:
– Tui là con gái ông Hương Cả Bình. Hồi đó tui tên Hoà.
Cha mẹ ông Nhưn Giáp kinh hoảng và ngạc nhiên tột độ. Cả hai dọ hỏi thì mới biết Lộc Hoà có gia đình ông Hương Cả Bình. Ông này có cô con gái út tên Hoà, chết hồi 18 tuổi.
Cô Út khẳng định:
– Tự dưng qua đây, tui nhớ lại quê nhà hồi kiếp trước.
Và cô than thở:
– Ba má nghĩ coi, kiếp trước tui có một quê hương, kiếp này tui có hai ba quê hương. Con người không có chỗ “trụ” vũng chắc, muốn ở yên không được, cứ trôi nổi hoài. Thôi xin ba má tha tội bất hiếu cho tui, tui muốn ở đây tu hành. Vì ở đây có am sư cô Diệu Mãn.
Dầu có ráo nước miếng khuyên lơn, nhưng vì thấy con gái quyết chí xuất gia nên đành để cô Ba Ất đến am Thanh Liêm tu hành.
Tối nay, trong cơn gió sông hiu hiu, dưới ánh trăng bạc nhược lọc qua lớp sa mù ẩm đục, tự dưng ông Nhưn Giáp nhớ lại ánh đèn dầu chong dưới mái am. Cô Ba Ất giờ đây trở thành sư bà Diệu Pháp, tu hai pháp môn Thiền Tông và Tịnh Độ – Thiền Tịnh Song Tu. Tết năm ngoái, vợ chồng ông có về Lộc Hoà thăm sư bà. Mỗi khi nhìn vầng trán cao sáng sủa đôi mắt hiền lành của em, ông Nhưn Giáp ôn lại chuyện tiên kiếp của sư bà. Ông không tin rằng em mình bịa đặt. Làm sao ai có thể cắt nghĩa cái hiện tượng nhớ lại kiếp trước của em ông? Tai mắt con người có giới hạn, làm sao thấy xa và nghe xa trên cõi trần, huống hồ gì tới chuyện tiền kiếp? Nhưng nhà ông Hương Cả Bình ở Lộc Hoà còn đó. Sự thác sanh của cô Hoà vẫn có thiệt. Làm sao một kẻ chưa từng đi Lộc Hoà bao giờ như em gái ông lại biết được? Lại nữa, em gái ông khi đến nhà ông Hương Cả Bình còn chỉ cho người đào ở gần hông nhà, dưới đám cây bồ công anh, gặp một cái chén da rạn, một cái dĩa quả tử mà hồi xưa cô Hoà đã chôn lén.
Quê hương bao kiếp trước. Quê hương kiếp này. Quê hương bao kiếp sau. Đó là chỉ nói quê hương trên cõi trần. Lại còn quê hương vào lúc “thác về” tức là cõi âm phủ. Thì ra con người có quê hương thật sự bao giờ đâu! Phải đi đi về về suốt qua hai cảnh giới. Hồi còn mạnh khoẻ, còn hăng hái bán buôn, còn say mê cảnh sông hồ, chưa bao giờ ông nghĩ tới chuyện sống chết luân hồi. Nhưng, lúc sức lực cạn vơi, và sau bao năm xuôi ngược trên sóng nước, tự dưng trong cõi sâu thẳm của tâm linh ông bỗng loé ra một tia sáng bạc nhược, nhưng cũng đủ cho ông biết rằng: Ngay trên cõi tạm này là cõi trần gian, có mấy ai suốt đời ở một nơi cố định? Dù vui hay khổ về chuyện xê dịch, nhưng đến lúc già yếu, ai cũng phải tìm cho ra một chỗ “trụ”. Chuyện đầu thai, chuyện luân hồi, dù chưa có ứng nghiệm, dù tin hay không tin, nhưng ông đủ thấu hiểu rằng con người sinh ra đời chẳng phải là một tình nguyện, mà con người như một mảy lông ném vào cơn vận chuyển không ngừng nghỉ.
“Chồn cáo có hang chim có tổ, con người không có chỗ gối đầu?” Đã bao lần, ông Nhưn Giáp lặp lại câu đó để rồi ngậm ngùi thương xót cho kẻ chết dọc đường, để rồi thương cho lũ voi khi gần chết cố gượng sức lết về hang động của tổ tiên, đồng loại để gửi ngà gửi xương.
Sau khi bán than cho các vựa than ở Cái Răng, ở chợ Cần Thơ, ông bà Nhưn Giáp lần hồi về đến chợ Vĩnh Long. Dọc đường họ bán thuốc cao đơn hườn tán, bán dây chuyền, kim hát máy, bán cuốn bài ca và các tuồng thu tranh trong dĩa nhạc, bán luôn cả dĩa nhựa.
Ông nói với bà:
– Kỳ này, vợ chồng mình mò mẫm đi Lái Thiêu mua lu hũ, chén sành, liễng kiếng để bán dạo khắp vùng Tiền Giang. Mình bán hết chuyến chót thì năm cùng tháng tận, rồi về Lộc Hoà ăn Tết với sư bà. Ra giêng mình phải dọ hỏi ruộng đất, hoặc chỗ nào có thể “trụ” để sanh sống… trên bờ thì mua.
Bà vợ nói:
– Ông có cái tật… lên bờ nhớ sông, xuống sông nhớ bờ thì còn nước non gì. Tui còn nhớ lần ông về Lộc Hoà thăm sư bà. Ông nói rằng ông là cá, lên bờ phát ngộp thở như cá mắc cạn.
Về đến chợ Vình Long mà không có hàng hoá thuộc loại thổ sản thì cũng ngặt cho bà. Nhưng bà biết ông thích gặp các tay thương hồ để mặc sức mà đàm đạo chuyện sông hồ, chuyện anh hùng bốn bể, từ chuyện trên nguồn có kẻ đốn củi hầm than tới chuyện ngoài vàm khơi có kẻ chài cá.
Đã ghé bến chợ, bà Nhưn Giáp đi viếng chợ, một một con cá chẻm, một con cá bông để làm món nhậu cho chồng. Khi về tới ghe, bà đã thấy ông chồng đang quạt than nướng khô cá gộc, khô cá thiều. Mùi khô thơm ngát bay toả khắp dãy ghe đậu từ phía bến nước chợ cá tới bến Chú Cụt. Cạnh ghe thương hồ của vợ chồng bà là ghe chở khô mắm Cà Mau. Chủ ghe giữ phần đà công (lái ghe) còn đứa cháu giữ chân trạo phu. Ghe mắm đã bán hết cho vựa bà Tám Phuông bên kia bến chợ, tức là về phía bến Cầu Dài, gần dãi trạm lá chầm. Nhưng còn khô cá sưởu, khô cá lăng sình thì chủ ghe bán lẻ ở tại chợ cá Vĩnh Long.
Bà Nhưn Giáp vừa thấy ông Bảy Tịnh chủ ghe mắm và khô đang lui cui luộc trứng vịt lộn, trứng ung thì biết chốc nữa đây sẽ có cuộc nhậu nhẹt… Ngoài ông Bảy Tịnh còn có ông Ba Chất chủ ghe lươn, ông Năm Bảnh chủ ghe đồ gốm… Thế cũng đủ cho tiệc rượu thêm xôm tụ. Các tuý tửu phiên vương kia có thể nhâm nhi cả lít rượu đế. Bà Nhưn Giáp xưa kia vốn không ưa không ghét chuyện nhậu nhẹt của chồng. Nhưng từ một năm nay, bà thích dỏng tai nghe ké chuyện kể của các tay thương hồ. Bà càng lúc càng muốn chia sẻ tâm sự với họ, nên bà thường tham dự tiệc nhậu, để có dịp hỏi han họ chuyện nọ chuyện kia.
Chiều tối. Thành phố lên đèn. Vì bên sông đầy rác rến, lại gần cầu tiêu chợ, nên ai muốn tắm rửa thì chèo ghe đến khúc sông để tắm gội nấu cơm và xách nước đổ vào hũ, vào khạp, lóng phèn cho nước trong để dành xài. Bà Nhưn Giáp lôi trong rổ những trái cốc, những trái khế, những trái me xanh, rồi gọt vỏ cốc, và rửa khế, me cho sạch, bày tất cả lên dĩa. Trái cây chua chấm mắm ruốc giã tỏi ớt cũng là món nhắm độc đáo rồi. Bà xào nấu hai món nhậu bằng cá chẽm và cá bông rồi dọn vào mâm lớn cho chồng.
Ông Nhưn Giáp hướng về phía chiếc ghe mũi lá chầm, trên đó có chị đàn bà ngoài bốn mươi mặt mày tiều tuỵ, mắt sâu hoắm, tóc tai biếng chải.
– Nè thím Sáu Ách, thím kêu chồng thím qua ghe tui nhậu một phen.
Vợ Sáu Ách hỏi:
– Tụi nhậu ké được không anh Nhưn?
– Có mụ vợ tui, thím tháp tùng qua nhậu cho vui.
Vợ Sáu Ách nói:
– Để tụi này chèo ghe qua bên An Thành tắm rồi lựa trái bần về ăn kèm với mắm cá sặc chắc là ngon.
Chị ta réo bà bán vôi bột đậu ghe ké bên ghe mình, mượn cục xà bông sả đi tắm gội cho thơm tho. Bà Nhưn Giáp nghĩ thầm:
– Con này biết… chuyện. Vợ chồng nó không tắm xà bông sả thì ai mà dám ngồi gần.
Bà vừa chùi nồi, soong vừa cười chúm chím khi nhớ lại cái hôm đầu tiên gặp vợ chồng Sáu Ách. Sáng hôm đầu tiên ngồi tại chợ Vĩnh Long bán khô, bà Nhưn Giáp bỗng chột bụng, mắc đi cầu. Bà liền nhờ bà bán mắm ruốc kế bên coi chừng sạp khô giùm mình và đi lẹ về phía cầu tiêu công cộng cất dựa bến chợ. Vừa xổ bụng xong, thì bà nghe có tiếng cằn nhằn của người đàn bà ngồi dưới sàn cầu tiêu.
– Hôm nay, vừa ra ngõ là mình gặp một chị đàn bà chửa nên mình xui tận mạng. Nãy có ba ông, một bà vào đây tiêu chảy thì mình còn kiếm chác được gì đâu.
Thì ra chị đàn bà chuyện nghề đi vớt phân thiên hạ, vò tròn bằng bụm tay, phơi khô rồi bán cho mấy người Tiều (Triều Châu) chuyên nghề làm rẫy.
Đêm đó trằn trọc mãi trong khoang ghe, bà Nhưn Giáp bỗng nghe ở ghe đậu cách ghe bà ba bốn chiếc ghe có tiếng than khóc. Bà rủ ông chui ra ngồi đầu ghe nghe ngóng. Trên trời trăng sáng vằng vặc. Thành phố vào nửa khuya hãy còn ồn ào. Nhưng tiếng ồn ào ở xa văng vẳng mơ hồ vì ngược theo chiều gió chướng thổi lao xao. Tiếng than khóc vì thuận chiều gió, đến tai đôi vợ chồng già rõ mồn một:
Người đàn bà bỗng ngừng khóc đổi qua giọng the thé:
– Hồi đó tui bảo anh đi tập hát cải lương. Anh nghe lời ông bầu gánh Rương Đen, đi theo nghề hát bội. Giờ đây hát bội hết thời, không ai thèm coi. Gánh Rương Đen rã tại chợ Lách, may mà tui còn chút đỉnh tiền mua chiếc ghe để về đây vớt phân thiên hạ. Vớt ba cái thứ thúi tha hoài, rồi chẳng biết ngày nào về quê quán đây? Năm cùng tháng tận rồi mà mình chưa mua được chai rượu, con vịt để dành ăn Tết.
Tiếng người đàn ông lè nhè:
– Tao biểu mày nín. Số tao là số bần cùng, dẫu có đi theo cải lương, thì với cái giọng thùng thiết bể chắc gì tao được làm kép chánh đâu. Nghề hát bội là nghề ông cha tao, nuôi các cô, các chú, các anh chị em tao đã hai đời rồi; có lẽ nào tao phụ nó? Bộ mày tưởng hễ ai đi hát cải lương rồi cũng ngang hàng với Bảy Nhiêu, Năm Châu, Tư Út hết hay sao? Có nhiều gánh cải lương đi hát ở miễu đình, gặp lúc trời mưa thưa khách thì sáng hôm sau họ đi bắt cóc nấu cháo.
– Thịt cóc coi vậy mà thơm tho, nói cho anh biết.
– Ấy, mình vớt cứt sanh nhai chớ có ăn cứt đâu nà. Dầu sao đi nữa, mình cũng đắp đổi qua ngày nhờ nghề vớt hạ tiện này. Mày chê nó thì mày ngu như ăn cứt.
Vốn là nghệ sĩ, ông Nhưn Giáp cảm xúc lắm. Vào thập niên 30, các gánh cải lương thuộc loại trung ban khi lưu diễn thì dùng ghe chài. Còn các gánh hát bội, gánh tiểu ban chuyên lưu diễn ở làng, ở quận, thì dĩ nhiên lấy sông nước làm đường di chuyển, lấy rạch con, kinh nhỏ để vào tận các làng hẻo lánh. Hồi xưa ông Nhưn Giáp đi gánh hát Rương Vàng, chuyên diễn tại các miễu, các đình nằm dọc trên rạch Long Hồ, trên sông Cổ Chiên. Gánh Rương Đen rã ba phen. Ông bầu phải trở về nghề làm ruộng rẫy để rồi có đủ tiền, ông hội đào kép cũ dựng lại gánh. Ông bầu cũng là một kép lão đóng vai Tỷ Can trong vở Mổ Tim Tỷ Can hay thần sầu. Đã trót lâm đời nghệ sĩ, đã mắc nợ tổ nghiệp, ai mà rứt khỏi nghiệp cầm ca dễ dàng?
Sáng hôm sau, vợ chồng ông Nhưn Giáp tìm ghe người vớt cứt. Hỏi ra đó là Sáu Ách, em của Hai Canh, mà Hai Canh là bạn chí thân của ông Nhưn Giáp khi cả hai cùng thay phiên đóng các vai chính trên sân khấu Rương Đen. Không ngần ngại, ông Nhưn Giáp lấy năm chục đồng trao cho Sáu Ách, mời hai vợ chồng qua ghe mình dùng cơm, viết một bức thư cho sư bà Diệu Pháp, nhờ sư bà tìm cách giúp đỡ vợ chồng Sáu Ách khi họ về Lộc Hoà.
Khi các bợm nhậu bày tiệc thì bóng trăng tròn trịa đã nằm vắt vẻo trên dãy cây đen thẫm bên kia cù lao An Thành. Riêng cậu Hai Chí Thành, cháu ông Bảy Tịnh không biết nhậu. Cậu vốn ăn chay trường, nhưng cũng đến mâm chậu trái cây chua chấm muối ớt để hóng chuyện sông hồ. Vợ chồng Sáu Ách được tắm gội bằng xà bông sả, họ mặc nguyên bộ quần áo bằng vải ú còn mới thơm mùi long não.
Mấy hôm rày, ông Năm Bảnh thèm thịt chó, nhưng ông Ba Chất không chịu bảo rằng:
– Con chó vốn là loài thú vật gần gũi với con người, lại hết lòng trung tín với người. Mình ăn thịt nó hoá ra mình ăn thịt thủ hạ mình hay sao? Thủ hạ của mình có khi còn phản phúc nữa là… Còn con chó trước sao sau vậy?
Ông Nhưn Giáp có vẻ yêu mến nể nang cậu Hai Chí Thành lắm. Khuôn mặt của cậu hiền, cậu tươi cười nhưng không có hậu ý gì. Thần thái của cậu sáng rỡ. Hết màn trái cây chua, cậu xin ly nước trà ngồi nhâm nhi hầu chuyện các bậc “trưởng thượng”. Bà Nhưn Giáp đem dĩa bánh xôi vị mời cậu, và nhấn đi nhấn lại đây là món bánh chay.
Các bợm nhậu hết nói về huyền thoại, về truyền kỳ các cuộc đất mà họ đi qua, rồi đề cập cách sinh hoạt các dân vùng khai hoang khẩn đất, về thổ sản. Mới đó mà đã hết một lít rượu ngâm hoài sơn, thục địa và cam thảo. Bà Nhưn Giáp lấy thêm bốn chai rượu nếp than màu nâu đỏ, đặc sền sệt khi rót ra thơm ngào ngạt. Từ ba mươi năm qua, cuộc sống thương hồ đã làm cho tâm hồn bà phong phú, kiến thức bà dồi dào, nhưng giờ đây ám ảnh về chỗ “trụ” đã có một chỗ đứng trong tâm hồn bà, càng ngày càng lớn rộng, càng vững bền. Vợ chồng Sáu Ách sau khi vớt phân thiên hạ, có thể tắm gội bằng xà bông sả là mùi xú khí bay đi, nhưng giấc mộng trở về quê của họ làm sao mà tắt mất? Ông Nhưn Giáp có thể mượn rượu tiêu sầu giải muộn, nhưng khi men rượu thoảng qua, ám ảnh về chỗ “trụ”càng vằng vặc, càng sáng ngời… Còn bà, bà cũng mệt rồi, cần một “chỗ gối đầu” để nghỉ ngơi.
Ông Ba Chất đang lúc ngà ngà vụt tâm sự:
– Bà con biết tại sao tui không ăn thịt chó không? Hồi đó tui sanh đẻ tại Tân Hiệp, thuộc tỉnh Mỹ Tho. Tía tui làm nghề thuốc nam, chuyên nghề sửa những người trặc chân, nghề cắt giác. Tía má tui sanh đầu đuôi có hai anh em tui. Anh lớn tui tên là Hai Chơn. Rồi một ngày nọ, có một người đàn ông xứ Quảng Nam từ Tân An thả xuống, bán quế, kỳ nam, thuốc dán (tức là loại thuốc cao). Ông ta ăn nói vui vẻ tính tình bãi buôi. Tía tui hợp ý với ông ta kết làm anh em, ổng nhỏ hơn tía tui một tuổi làm nghĩa đệ. Dè đâu ông này tán tận lương tâm thấy má tui có bóng sắc nên lén tía tui ve vãn má tui. Má tui cũng mê cái mã khôi ngô của ông Quảng Nam, xiêu lòng. Lúc đó, tía tui mắc chứng bệnh phù thủng, không hiểu sao biết được tự sự. Phẫn uất quá, vào lúc sáu giờ sáng, tía tui lết ra đường rầy xe lửa Mỹ Tho – Sài Gòn cho xe lửa cán nát thây. Má tui sau một năm để tang cho tía tui, chánh thức sống chung với ông Quảng Nam. Ổng bắt hai anh em chúng tui đi chăn trâu mướn cho ông Hương Sư Kỉnh ở xóm Tre, cách xóm tôi hai cây số. Thiệt tình, hai anh em tui lúc mới mồ côi cha, còn nhỏ quá đâu hiểu chuyện thương tâm của tía tui. Lại nữa, trẻ con trong xóm hễ vừa mới lớn lên là đi chăn trâu, ở đợ. Hai anh em tui được vợ chồng ông Hương Sư thương tình, cho ở ngoài chòi khá rộng, cất giữa ruộng, có chõng tre, mùng mền, có nồi niêu. Anh tui có nuôi một con chó Vá. Hai anh em tui coi nó như đứa em út trong nhà. Vì mồ côi, nên hai anh em tui thương yêu, trìu mến nhau lắm. Không hiểu ai đó học lại chuyện tự vận của tía tui cho anh tui nghe. Bắt đầu từ đó, ảnh tư lự, buồn bực lắm nên thường đến chùa Kim Quang luôn. Đêm nọ, hai anh em lạnh quá vì vào tiết lập Đông, cả hai ômg chặt nhau ngủ mà không đủ ấm. Ảnh đốt mẻ lửa ở chiếc cà ràng, rồi than thở:
– Ba à, mày thấy chuyện nhà mình thảm thiết lắm không? Lớn lên mày cũng đừng thèm cưới vợ, sanh con làm gì? Đừng có nghĩ nối dòng, nối giống làm chi? Dòng mình là dòng nghèo nàn, làm nghề lặt vặt, hoặc đi làm mướn ở đợ, có gì vẻ vang đâu mà nối? Mà mày cũng đừng oán hận gì ông tía ghẻ tụi mình. Chẳng qua tại kiếp trước, tía tụi mình có làm gì oan trái với ổng, nên kiếp này ổng báo oán.
Rồi một hôm nọ, anh tui tìm về nhà mẹ và tía ghẻ, bảo rằng thôi không làm mướn. Tía ghẻ tụi tui đánh ảnh thiếu điều nứt đít. Ảnh khóc:
– Xin chú đừng giận con tội nghiệp. Con về đây để có chết được thấy mặt má con.
Con chó theo ảnh, chồm lên táp vào cánh tay tía ghẻ tụi tui rồi chạy mất. Má tui liền can gián và lấy muối xức vào vết roi cho anh tui. Đêm đó anh tui nổi cơn nóng lạnh. Sáng ra mình mẩy ảnh đầy mụt đỏ. Ảnh bị trái giống và chết vì bệnh oan nghiệt này. Tía ghẻ tui toan đi thưa làng nước, để đem xác ảnh thiêu ra tro. Má tui khóc, năn nỉ ổng, vào nửa đêm bó chiếu thây ảnh rồi chôn gần chòi tui. Tội nghiệp con chó Vá, cứ mỗi chiều nó ra mộ ảnh nằm rạp, rồi cất mỏ tru lên từng hồi thảm thiết. Mấy cây ổi quanh chòi, cây nào do anh tôi trồng, tôi cắt miếng vải trắng, gọi là để tang cho ảnh. Con Vá chỉ nằm dưới những tàn cây mang mụn vải trắng. Rồi đó, liên tiếp ba ngày tui bị sốt rét, nóng mê man, nằm lì trong chòi. Nhờ ông Hương Sư thương tình, mời thầy thuốc nên tôi mới gượng ngồi dậy. Kỳ đó tui đau ban trắng, uống mỗi ngày hai gói cảm mạo phát tán. Con chó Vá cứ quanh quẩn theo tui. Lúc đó, vào mùa Vu Lan, mưa tháng bảy cứ dầm dề. Suốt ba ngày, tui không thấy con Vá. Đến khi mưa tạnh, thằng Ân, tên hầu trà nước của ông Hương Sư đến thăm tôi, và cho tôi biết con Vá đã chết, xác nó nằm úp trên mộ anh tui. Chuyện vẫn chưa hết đâu. Sáu tháng sau, ông tía ghẻ tui phát điên vì nọc chó, cứ rống, cứ tru và như ngộp thở, le lưỡi thở hào hển. Ổng chết. Đó là điều tui rất khổ tâm vì cái cảnh goá bụa của má tui, cảnh côi cút của lũ em khác cha, sau hai năm cư tang cho ông tía ghẻ thứ nhất. Bà sống lận đận với cái nghề mua thúng bán bưng ở ga xe lửa Trung Lương, ở chợ Bến Chùa. Tôi bỏ nhà làng ra đi, để khỏi thấy mấy đứa em tôi bị ông tía ghẻ thứ hai hành hạ. Ông này vốn ghiền rượu, hễ say sưa là ổng đánh má tôi và các em tôi còn hơn kẻ thù. Năm năm sau má tôi qua đời. Các em tôi được người chú đem về Thủ Thừa dạy. Tôi về xóm cũ, chỉ thấy nền nhà cỏ mọc. Sau đó, tôi ở chơi với bà con lối xóm một tháng, thăm mộ tía má tôi, mộ tía ghẻ, và mộ anh tôi, cùng mộ con chó có nghĩa, bồi đắp các ngôi mộ cho tử tế, rồi đi Thủ Thừa thăm các em. Từ đó trên hai mươi năm, tôi vẫn sống đời chợ gạo sông nước, chưa có dịp nào về nơi cố quán cả.
Bóng trăng giờ đây đã lưng chừng trời. Ngoài vàm, một chiếc ghe giương buồm chạy về phía Bắc Mỹ Thuận. Ông Năm Bảnh buồn rầu nói:
– Tui bỏ quê chừng hai mươi năm, trở về thăm quê thì lớp người sanh trước tui rủ nhau thăm ông bà tổ tiên. Điều đó chẳng nói làm chi. Còn những người đồng hành với tui thì cũng đi tứ tán theo kiểu tha phương cầu thực; mà nếu kẻ còn ở lại thì họ cũng già cả lẩn lộ. Tụi nhỏ mới tấn lên, nhìn tui một cách tò mò, ghẻ lạnh. Quê của mình mà làm mình buồn tủi còn hơn quê người. Cảnh vật thay đổi làm mình như lạc lõng ở rừng, ở hóc Bà Tó…
Nãy giờ, cậu Ba Chí Thành yên lặng ngồi nghe các bậc “trưởng thượng” đàm đạo. Cậu chỉ cười hiền, ánh mắt sáng ướt, môi cười chúm chím. Ông Nhưn Giáp liền gợi chuyện với cậu:
– Sao chú Ba? Nãy giờ, cháu chưa kể chuyện về quê quán của cháu cho các chú, các bác cháu ở đây biết. Quê cháu ở đâu?
Cậu Ba Chí Thành nhỏ nhẹ thưa:
– Thưa các bác, các chú, bác Bảy của cháu chắc cũng đã kể qua cho các bác, các chú quê quán của hai bác cháu rồi. Quê cháu ở làng Mỹ An cách tỉnh Vĩnh Long mười lăm cây số. Cháu mồ côi cha mẹ hồi sáu tuổi. Bác Bảy cháu đi buôn, nên gởi cháu cho sư bà Diệu Đức ở chùa Sơn Thắng nuôi dưỡng. Sư bà dạy cháu học kinh kệ, và cho học chữ ở nhà trường. Khi 15 tuổi, cháu rời Vĩnh Long, đi lưu học ở Mỹ Tho, tới năm thứ hai chương trình Pháp. Vì thấy sư bà yếu quá, cháu trở về chùa phụng dưỡng sư bà. Thiệt sự, sư bà là kế mẫu của má cháu, nhưng cháu thương bà còn hơn là bà ngoại ruột. Trước khi viên tịch, sư bà muốn cháu đi đây đó để kinh qua thế sự, trước khi trở về chùa tu lại. Mấy năm nay, cháu theo bác Bảy đi thương hồ, có lẽ năm tới cháu trở về chùa, thọ giới sa-di…
Bà Nhưn Giáp nói:
– Vậy thì cậu còn có chỗ trụ; đó là chùa Sơn Thắng chớ gì?
Cậu Ba Chí Thành vẫn giữ giọng ôn nhu:
– Dạ thưa bác Nhưn gái, chùa ở đâu đối với cháu cũng vậy, cũng vừa là nơi tạm, mà cũng vừa là quê hương. Quê hương chỉ là điều mê vọng, chỗ nào ở cõi Ta Bà này cũng chỉ là mê vọng, như vậy thì chỗ nào cũng là quê hương cả. Quê hương thiệt sự có chăng là do ở tâm mình mà thôi.
Ba Chất giả bộ cung kính, xá dài cậu Ba Chí Thành:
– A di đà Phật. Chí Thành Bồ Tát nói cao xa quá tui không hiểu gì hết trọi á. Còn tui chỗ nào có bán rượu là quê hương của tui.
Cậu Ba Chí Thành cười vui vẻ, chớ không cãi cho ra lẽ.
Đêm đó, sau khi tiệc rượu dẹp đi, ai về ghe nấy, ông bà Nhưn Giáp vẫn trằn trọc. Ông thì nhớ lại lời kể của ông Ba Chất mà thương cảm cho kẻ bỏ làng nước để trốn tránh cái tuổi thơ đầy nước mắt của mình và ông thương luôn con chó nằm chết bên mộ chủ. Ông cũng đã xa quê, bỏ lại cái chòi lá xiêu vẹo bên ven ao cuối xóm, bỏ luôn con chó cái và bốn con chó con mới đẻ đầy tháng. May phước con chó cái dắt con đến nhà một bà điền chủ nhơn đức, được bà nuôi luôn. Vậy mà, mười lăm năm sau, tình cờ đi ngang quê cũ, ông có ghé lại thăm, bà con lối xóm kể lại rằng chiều chiều khi bóng hoàng hôn nhuộm vàng một nửa mảnh cái ao, con chó cái dắt con đến chỗ nền chòi xưa, cất tiếng tru lên thẳm thiết. Từ đó, mỗi chiều, khi ghe đậu ở một bên sông nào, ông Nhưn Giáp cũng lắng tai nghe tiếng cho tru để hoài niệm loài nghĩa thú kia. Nhưng đồng thời tiếng chó tru lại thúc giục ông tìm cho mình một quê hương. Tiếng thúc giục đó có khi lẩn vào tiếng gà gáy lẻ tẻ ở một thôn xóm vào buổi trưa lặng ngắt; tiếng gà trưa gợi nên cảnh sống nơi thôn ổ trù mật, có tình lân lý, có kỷ niệm trong lễ thánh hội đình.
Còn bà, bà cũng không ngủ vì bứt rứt. Bấy lâu nay đành rằng bà thích chỗ trụ, nhưng nhứt định chỗ trụ không phải làng Đạo Thạnh bên đường rầy xe lửa, gần Ngã Ba Trung Lương. Bà cũng không thích nuôi heo nọc vì bà nhờm gớm cái mùi hôi hám của nó. Ông bà kể như tuyệt tự, có lẽ một dạo ông làm nghề thiến heo, làm tuyệt tự nhiều con heo nên lãnh cái quả xấu ngày nay vậy. Ai đời, ông Nhưn Giáp muốn vợ mình gây giống cho heo, còn ông thì làm tuyệt giống loài heo bằng nghề thiến heo, xây dựng làm chi rồi phá vỡ, ngẫm nghĩ có kỳ cục hết chỗ nói hay không?
Ông Bảy Tịnh nhứt quyết cùng vợ chồng ông Nhưn Giáp vượt sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông để xuôi về miền Đông, đến Lái Thiêu mua đồ gốm và liễng kiếng. Liễng kiếng là một thứ liễng làm bằng gương, trên mắt gương dài họ vẽ từng câu chữ nho, có trang trí chung quanh rìa bằng hoa lá, chim bướm, dơi, rồng phụng, tiên cô, tiên ông.
Vào một buổi trưa, hai chiếc ghe tới một bãi hẫm, phía trên bãi hẫm là một vùng cây trầm thuỷ như cây bần, cây đước, cây mắm, và trên nữa là rừng tre, đan chằng chịt dây mây, dây choại, dây cóc kèng…
Nước lớn dồn đầy sông. Sông quá lớn. Đứng bên này bờ sông nhìn qua bên kia, ông Nhưn Giáp chỉ thấy một vệt cây đen thẫm chìm trong hơi nước mù xanh. Gió thổi lồng lộng. Sóng dữ chồm lên từng lượn lớn như vồng khoai tràn vào bãi hẫm rồi rút đi để lại bọt trắng lẫn bọt vàng ngàu vướn víu trên đám lác, đám lục bình.
Ông Bảy Tịnh hỏi ông Nhưn Giáp:
– Nè anh Nhưn, đây là đâu?
Ông Nhưn giáp nói:
– Đây là một khúc quẹo trên con sông Hàm Luông.
Trời ơi, chưa có vượt qua sông lớn lần nào nên hôm nay ông sợ hãi vu vơ. Từ rừng tre, tiếng gà gáy vang. Bình thường tiếng gà trong những thôn ổ tịch mịch vào buổi trưa làm cho ông bồi hồi cảm khái. Còn tiếng gà gáy ở đây sao mà rợn óc. Gà gáy từng chập, không dứt. Và trong cơn gió rào rào từ giữa sông, từ vàm biển đưa lại, có những tiếng rít như tiếng roi mây hươi lên vun vút.
Ông Bảy Tịnh hỏi:
– Mình có nên vượt sông không?
Ông Nhưn Giáp nhìn lên bầu trời không một gợn mây rồi bảo:
– Hôm nay tốt trời, tuy có gió, nhưng không có giông. Ở sông lớn thì gió lúc nào cũng lồng lộng, không bao giờ thoang thoảng như ở kinh rạch. Thôi thì mình vượt sông cho sớm, để rút ngắn hành trình.
Ông Nhưn Giáp điều khiển lái, bà Nhưn Giáp chèo ở trước mũi. Nhưng ghe bên kia thì cậu Ba Chí Thành không làm trạo phu nữa mà giành làm đà công. Gặp sông dài sóng dữ nầy thì phải điều khiển bánh lái một cách dẻo dai mới được.
Hai chiếc ghe mạnh dạn ra giữa dòng. Nhưng lúc đầu thì sóng gối đầu từ giữa sông tràn từng lượn vào bờ, nên ghe có thể nương theo từng lượn một cách nhẹ nhàng . Nhưng tới gần giữa sông, ông Nhưn Giáp hét lên:
– Trời ơi! Sóng lưỡi búa, sóng bạc đầu kìa.
Bà Nhưn Giáp rụng rời. Sóng không di chuyển từng lượn nữa. Chúng trồi lên hụp xuống một chỗ. Ghe không thể gối đầu để tránh cơn úp chụp của sóng nữa. Sóng chồm lên như phủ nhoà chiếc ghe. Ông Nhưn Giáp nghiến răng chèo lướt phăng lên đầu ngọn sóng. Bên kia ông Bảy Tịnh hét lên người cháu:
– Chèo mạnh lên, hễ lướt qua vũng sóng bạc đầu là sẽ tới chỗ sóng gối đầu.
Bà Nhưn Giáp chỉ còn biết niệm Phật, và với một bản năng mù mờ, bà ngước nhìn về phía cậu Ba Chí Thành mà không hiểu tại sao? Có lẽ trong tiềm thức bà, hình ảnh trầm tĩnh dịu dàng của cậu đã đem cho bà niềm thanh thản, an lạc vô bờ bến, nên giữa lúc nguy biến như vậy, bà muốn bấu víu vào cậu để quên bớt cơn kinh hoàng. Quả nhiên cậu Ba Chí Thành không hề đổi sắc mặt. Hai mái chèo của cậu vẫn quạt vun vút để ghe vượt lên hai đầu ngọn sóng lớn như gò cát rồi hạ xuống chỗ trũng của ngọn sóng gối đầu, và từ chỗ trũng sâu thăm thẳm ghe cậu gối đầu ngọn sóng thứ ba và được sóng đưa nhẹ lên cao.
Bên này lúc đầu vì không được bình tĩnh, ông Nhưn Giáp bị ba lượn sóng bạc đầu úp lên ghe và phân nửa chiếc ghe ngập nước. Trong lúc đó cậu Ba Chí Thành gọi lớn:
– Bác Nhưn hãy chèo theo cháu, vùng sóng gối đầu không xa, chèo nhanh lên bác.
Tiếng gọi của cậu lanh lảnh và không bị gió quạt đi. Nó làm cho ông Nhưn Giáp cảm thấy đôi tay mình thêm sức mạnh không thể ngờ. Đôi mái chèo ông đẩy mạnh nối theo đuôi ghe cậu, rớt giữa thung lũng sông và kịp gối đầu lên ngọn sóng cao, ghe không cần đẩy mái chèo mà tự động lên cao xa vùng sóng bạc đầu ác hiểm.
Dù gió rít ghê rợn, nhưng hai chiếc ghe êm đềm thoăn thoắt theo từng lượn sóng đưa vào bờ.
Khi biết mình thoát hiểm, bà Nhưn Giáp gác chèo ngồi trước mũi khóc hu hu. Cậu Ba Chí Thành vẫn cười điềm đạm bảo ông Bảy Tịnh:
– Thưa bác, mình nên neo ghe nghỉ mệt rồi nấu cơm. Tối nay nếu có gió xuôi mình trương buồm cũng không muộn.
Ông Nhưn Giáp như mất hết nội lực, nói xuôi:
– Tối ni là mười ba âm lịch, trăng bắt đầu tròn rồi đó.
Hai chiếc ghe đậu sát bên nhau cạnh một bãi hẫm mọc đầy cây trầm thuỷ như cây vạt sành, cây bần. Trong lúc bà Nhưn Giáp lẩm bẩm khấn vái tạ ơn Trời Phật thì cậu Ba Chí Thành nhúm lửa nấu nước. Ông Bảy Tịnh thở hào hển, rồi khoe với ông Nhưn Giáp:
– Thằng cháu tui thì lúc nào cũng bình tĩnh, coi cái chết như không.
Bà Nhưn Giáp hỏi cậu Ba Chí Thành:
– Bộ cháu không sợ hay sao? Hoặc là cháu gượng làm tỉnh để cho tụi tui đừng mất tinh thần?
Cậu Ba Chí Thành:
– Cháu không sợ – Giọng cậu đều đều và êm nhẹ – Sống hay chết cũng là mê vọng cả, y như giấc chiêm bao.
Ông Bảy Tịnh cười hề hề, lòng tràn ngập thương mến thằng cháu tài giỏi. Ông nói:
– Ừ, sống gửi thác về.
Ông Nhưn Giáp cằn nhằn:
– Về âm phủ thì buồn quá. Nếu nói âm phủ là cái quê quán thiệt sự của mình thì tui không ham rồi đa.
Cậu Ba Chí Thành vẫn cười hiền:
– Thưa đâu phải vậy, cõi trần, cõi âm phủ cũng chỉ là giấc mê mà thôi. Sống ở âm phủ mà lòng mình không khiếp sợ, không đau khổ thì âm phủ còn đâu là âm phủ nữa. Theo cháu, quê hương ở chính cái tâm mình.
Bà Nhưn Giáp tuy không hiểu thủng những gì cậu Ba Chí Thành nói, nhưng bà cảm thấy từ khuôn mặt, từ lời nói, từ dáng điệu, cử chỉ của cậu như toát ra một niềm an lạc, dịu mát nên bà rợn ngợp, nao nao nên không muốn hỏi han lôi thôi gì nữa. Ông Nhưn Giáp cũng như vợ, nhưng hơn vợ ở chỗ là ông như chập chờn nắm bắt được cái ý nghĩa của câu nói của cậu Ba Chí Thành, tuy bắt hụt, nhưng lòng ông như trải rộng ra êm đềm…
Bỗng một chiếc ghe chở lúa thong thả bơi ngang qua. Đà công là một người đàn ông ngoài bốn mươi tuổi, mình mẩy hơi gầy hơi khô, nhưng bắp thịt rắn chắc nổi cuồn cuộn. Người đàn bà chèo trước mũi là một chị đàn bà cũng trạc tứ tuần, da bánh ích, nhưng mặt mũi sáng rỡ, miệng nhai trầu chóc chách, mắt ướt lẳng lơ.
Đà công hỏi lớn:
– Bà con vừa vượt qua sông, phải không?
Ông Bảy Tịnh nói:
– Một lần vượt qua khúc sông nầy là tụi tui như chết đi sống lại.
Chị đàn bà hỏi:
– Trước khi qua sông, bà con có cúng kiếng gì chưa?
Bà Nhưn Giáp nói:
– Tụi tui nào có biết cúng ai? Đây là đâu vậy?
Chị đàn bà chắc lưỡi:
– Muốn qua sông mà bà con gan quá, không cúng kiếng Cậu, hèn chi cậu giận cũng phải. Nhưng mà phước đức của bà con ở đây lớn lắm nên ghe mới không chìm. Nhưng chắc chắn bà con phải một phen hồn phi phách tán.
Ghe lúa ngừng lại. Người đà công nói:
– Các bác và chú em đây xuôi về Mỹ Tho phải không?
Ông Nhưn Giáp gật đầu xác nhận. Người đàn ông biểu vợ cắm sào rồi sửa soạn cơm nước. Chiều dần xuống. Sóng gió vẫn cuồng nộ giữa sông. Chị vợ nói:
– Các bác và chú em cho tụi nầy vầy đoàn với. Hễ tối nay, gió đổi chiều là mình trương buồm cho ghe chạy đua, và mình kể chuyện tào lao cho đỡ buồn.
Ghe lúa chật chội, ông Bảy Tịnh mời vợ chồng chú lái lúa qua chiếc ghe lườn có mui của mình. Ba ghe cùng hùa đem gạo nấu cơm chung trong cái nồi đồng lớn của bà Nhưn Giáp. Canh, cá kho, thịt kho dọn chung nên mâm cơm có vẻ ê hề lắm. Ông Bảy Tịnh lấy chai rượu đế ra rót năm ly. Cậu Ba Chí Thành dùng cơm chay và uống trà. Bà Nhưn Giáp hỏi chú lái lúa:
– Đây là đâu vậy, chú?
Chú lái lúa trợn mắt:
– Trời ơi, bác không biết hay sao? Đây là khúc sông Dinh Cậu. Ai mà nghe nói tới hai tiếng “Dinh Cậu” mà lại chẳng sợ ớn xương sống? Người ta đồn rằng Cậu đây là con trưởng nam của Hà Bá cai quản sông Hàm Luông. Ở đây, khách thương hồ lập miễu thờ Cậu. Miễu tuy nhỏ nhưng đẹp đẽ, cất theo lối thượng thực hạ hư như kiểu nhà sàn, nóc có chạm cặp rồng tranh trái châu, phía trong cũng chạm tứ linh, sơn son thếp vàng hực hỡ. Miễu tuy nhỏ nhưng làm dinh thự cho Cậu. Khách thương hồ nếu muốn vượt sông thì phải lên dinh cúng cho Cậu cặp gà ta và lên nhang đèn khấn vái Cậu thì cậu mới phù hộ vượt qua sông. Còn nếu thiếu sót thì Cậu nhận ghe cho chìm. Bởi đó, ở rừng tre chung quanh “dinh”, gà thả đầy lỉnh nghỉnh. Lâu ngày, từ gà nhà chúng biến thành gà rừng. Gà rừng thì gáy bất kể sớm tối. Chúng sợ chồn cáo nên làm tổ trên nhánh tre nữa là khác.
Người vợ nói:
– Dưới đáy khúc sông nầy, ghe chìm lểnh nghểnh còn hơn bến chợ Cầu Ông Lãnh ở Thầy Gòn. Trước kia, khi muốn nhận chìm ghe ai, Cậu cho cặp ngỗng trắng ở thuỷ phủ trồi lên. Nhưng tầu xà lang của Tây cậy có súng nên tụi Tây đâu thèm sợ cậu, sợ ngỗng. Vừa thấy cặp ngỗng trồi lên là tụi nó bắn chết, máu ngỗng lan rộng cả một khúc sông. Tuy vậy mà Cậu vẫn linh, ai khi dễ cậu là đố qua khỏi sông mà bình yên cho được?
Cậu Ba Chí Thành lắc đầu cười, nhưng không cãi cọ hoặc bàn tán ngang dọc gì hết. Vừa thấy cái lắc đầu nhẹ của cậu, ông Nhưn Giáp chợt hiểu thủng lời nói lúc nãy của cậu mà ông không hiểu tại sao mình lại hội được ý của cậu qua cái lắc đầu kín đáo kia. Trước hết ông không tin huyền thoại ác ôn của khúc sông này. Mà nếu Cậu có thật chăng nữa cũng là thứ tà thần, tham của hối lộ khách thương hồ. Sắc mặc thanh thản của cậu Ba Chí Thành như thầm bảo cho ông biết rằng: vào tuổi già bóng xế, bởi ông lo sợ thiếu quê hương, thiếu “chỗ trụ” để gửi nắm xương tàn nên ông lo lắng, ông bất an. Thiệt sự, đâu phải chỉ tìm được “chỗ trụ”, “chỗ gối đầu”, mà ông sẽ được an ổn hưởng cái tuổi già nhàn nhã? Về Đạo Thạnh rủi ông gặp tai ương, gặp chuyện bực mình thì cái “chỗ trụ”, “chỗ gối đầu” kia có khác gì âm phủ đâu. Mới hồi xế đây, nếu cuộc vượt sông thất bại, ghe ông chìm đáy nước, vợ chồng ông chết trôi và bên kia cõi chết, vợ chồng ông còn uất ức cái tai ương thì khổ biết bao. Nhưng nếu vợ chồng ông bình thản đón nhận tai nạn, và nếu trong cõi chết cố tâm của cả hai vẫn tiêu dao, bình thản, thì cõi chết còn hạnh phúc hơn “chỗ trụ”, “chỗ gối đầu” muôn vạn lần.
“Quê hương ở tâm!” Trời ơi, câu nói đó dễ hiểu mà khó, khó hiểu mà dễ. Ông Nhưn Giáp cũng biết rằng mình chưa đủ cái lợi căn để nhận diện cái quê hương ở nơi cái Tâm. Làm sao ông có cái tâm bình thản, vững mạnh như cậu Ba Chí Thành. Bởi đó ông cần phải có “chỗ trụ”, “chỗ gối đầu”. Nhưng mà “chỗ trụ”, “chỗ gối đầu” đâu cần phải là Đạo Thạnh nơi có mồ mả tổ tiên ông, nơi đã từng chôn nhau cắt rún của ông. Ông đã hiểu rằng “chỗ trụ”, “chỗ gối đầu” sẽ là bất kỳ ở đâu, có thể là cái am của sư bà Diệu Pháp, chớ chẳng thu hẹp ở Đạo Thạnh, miễn là nơi đó ông tu tập để tìm được cái tâm an lạc.
Đêm đó, gió đổi chiều, trăng sáng vằng vặc. Ba chiếc ghe cùng trương buồm chạy trên dòng nước lao xao sóng vỗ và lấp loáng ánh trăng.
Ngồi giữ lái, ông Nhưn Giáp chưa bao giờ cảm thấy tâm hồn yên tĩnh và bát ngát như giờ phút nầy. Ông cất tiếng hát. Bà Nhưn Giáp cũng cảm thấy bớt lo sợ về viễn ảnh chỗ trụ. Bà chưa tìm được “cái quê hương ở nơi tâm” như cậu Ba Chí Thành bảo. Nhưng nghe ông hát nho nhỏ dưới ánh trăng, bà cảm thấy một cách rõ rệt mà không sao giải thích được là từ đây ông đã qua một giai đoạn sống mới mẻ, không còn nghĩ tới Đạo Thạnh nữa. Tiếng hát của ông khàn đặc, run rẩy, yếu ớt vì tuổi già, không phải là để làm sống lại thời kỳ ông đi lưu diễn gánh “Rương Vàng” đâu. Nó là tiếng vang của tâm hồn ông trước giai đoạn mới của cuộc đời. Bà cảm thấy mình sẽ nương tựa vào chồng để tìm ra cho được “Quê hương ở tâm”, để khỏi nhọc công tìm kiếm “chỗ trụ”, “chỗ gối đầu” ở Đạo Thạnh hay bất cứ ở đâu.
Bên kia ghe lúa, chị vợ nhúm bếp nấu nước pha trà. Trăng sáng vằng vặc dễ làm thao thức lòng người. Làm sao mọi người có thể ngủ trong lúc trăng đẹp trăng trong như vầy? Ghe đi sâu vào khúc sông mà sóng bớt gào thét, và gió chỉ thổi lao rao. Chị vợ lái lúa chõ miệng qua ghe ông Bảy Tịnh năn nỉ cậu Ba Chí Thành:
– Hát huê tình, hát vọng cổ chơi, cậu em.
Cậu Ba nói:
– Tôi không biết hát huê tình. Nhưng tôi cũng đang muốn hát một bài kệ…
Chị vợ lái lúa cười:
– Trên trăng dưới nước cảnh hữu tình như vầy mà hát một bài kệ thì… mà thôi, miễn là cậu hát rồi cậu thưởng thức theo cái đạo tâm của cậu, còn tui thưởng thức theo cái trần tâm của tui. Cậu em hát bài… mặc kệ đi cậu.
Rồi chị ỏn ẻn hỏi chồng:
– Mình, em nói vậy mà có nhằm lẽ, không mình?
– Nhằm lẽ lắm.
– Nhằm lẽ mà hữu tình nữa, hén mình?
– Ừ.
Bà Nhưn Giáp bực cười mắng thầm: “Con này ngựa quá!”
Nhưng lòng bà chẳng có gợn một chút ác cảm nào đối với chị ta. Bà lẳng lặng chờ cậu Ba Chí Thành hát.
Cậu Ba cất giọng lúc đầu hơi e ấp, sau giọng trở nên dạn dĩ và rõ ràng:
Trời đất liếc hề ôi mênh mang
Chống gậy thả rong hề ra chốn ngoại phương
Hoặc đến đỉnh cao hề núi thẳm
Hoặc vào nước sâu hề đại dương
Đói ăn cơm hề do muôn nơi góp lại
Mệt giấc ngủ hề chỗ chẳng quê hương
Hưng thời thổi hề sáo không lỗ
Lặng sẽ đốt hề giải thoát hương (*)
(*) Dịch bài “Phóng Cuồng Ca” của Tuệ Trung Thượng – Sĩ Trần Quốc Tảng.