Sau khi mãn tang chồng
tôi ngỏ lời cầu hôn lần thứ hai với chị. Thay vì từ
chối hay ư hừ, hay một cái tát như trời giáng mười
sáu năm về trước, thì lần này chị quay mặt đi, hai
vai rung lên như thể một thân cây bị lay lắt, vật vã
đến nao lòng. Tôi bước ra khỏi cổng, bỏ mặc thân cây
run rẩy, cong oặt chỉ mang theo cái nhìn sững sờ của
chị. Cái nhìn đẹp và sáng như lưỡi dao nhọn.
Chị biết là tôi yêu chị đến
cuồng dại và chị cũng yêu tôi. Nhưng để lấy tôi thì
chị không thể. “Em nhỏ tuổi hơn chị”. “Em không
cần”. “Mai mốt chị sẽ già trước em, em sẽ chán
chị”. “Không đời nào”. Chị sẽ sàng với bộ mặt
u buồn khiến chị càng đẹp rực rỡ trong mắt tôi, cuốn
tôi chìm xuống tận đáy sông.
Và tôi lang thang. Lang thang cùng
trời cuối đất những tưởng quên được chị. Nhưng
cái tát trên má tôi rõ ràng là nụ hôn cháy bỏng chị
dành riêng cho tôi. Tôi cất giữ như một bảo vật. Thỉnh
thoảng tôi lại giở ra trong những giấc mơ khắc khoải,
cảm thấy nồng nàn, bỏng rát và ấm áp đến lạ kỳ.
Tôi bị bắt lính, chị theo tôi.
Tôi ra chiến trường, chị sát bên cạnh. Vào trại lao
cải, chị thấp thoáng ngoài vòng rào… Chị luôn theo tôi
trong từng giấc mơ.
Mãn tù lao cải, tôi bổ nhào đến
nhà chị giữa lúc hạnh phúc chị bị gãy đôi. Đợi hết
tuần chay tôi mang bó huệ trắng cắm lên bàn thờ anh Lê,
lâm râm cầu khấn, rằng tôi sẽ thay anh bảo vệ mẹ con
chị Bông đến tận cuối đời. Tấm ảnh dính chặt sau
khung kính nhìn thẳng vào mặt tôi với nụ cười độ
lượng. Một cảm giác ấm áp len vào tận cùng thân thể.
Chị nhỏ nhẹ: “Cảm ơn em. Giờ em tính chuyện làm ăn
gia đình là vừa”. Tôi ngó chị: “Nếu không lấy được
chị, em sẽ không lấy ai cả”. Chị thong thả đứng
lên, thong thả rút thẻ nhang thắp lên bàn thờ anh Lê,
rồi quì xuống gõ lốc cốc vào chiếc mõ bằng trái gạo
già, nâu thẫm. Ước chi là điều lành. Tiếng mõ lốc
cốc kéo dài xô tôi ra tận bãi vàng. Gió rít quanh đồi
ướt mưa. Cái lạnh quấn như tấm mền dày bao lấy cơ
thể mệt nhoài cả ngày dưới hầm sâu. Tôi hùng hục
cùng với hàng trăm con người trên bãi đá, giơ cuốc bổ
xuống lớp đất cứng hơn sắt. Cứ mỗi nhát cuốc,
chừng như nhìn thấy từ đáy sâu kia cơ man là vàng lấp
lánh. Dưới đáy sâu là hình bóng chị lung linh. Tôi rướn
người lên, bổ xuống. Xách từng xô đổ lên. Tôi phải
kiếm thật nhiều để chị không già, để chị long lanh
như hạt sương mai, bổ nghiêng về phía tôi. Những buổi
chiều xuống thấp, mây quấn thành cột quanh ngọn đồi
và trong căn lều bạt, tôi thấy bóng chị như bay như
lượn trên tầng mây trắng lốp. Đêm hâm hấp nóng, từ
xốp mây trắng nõn chị vẹt ra đến bên tôi, ấp bàn
tay lên má tôi như một nụ hôn nồng nàn của người
trinh nữ khiến tôi bật khóc trong đêm lạnh buốt xương.
Tôi biết chị yêu tôi nhưng lại không thể lấy tôi. Nếu
không yêu, sao những năm bên lò gạch, chị đã lặn lội
lên tận núi với giỏ quà toàn thuốc chống sốt rét,
kêu lên “em ốm quá”? Cái khoảng cách lừng chừng ấy
khiến tôi đào căn hầm rộng hơn, sâu hơn để cuối
cùng tới mùa mưa nước trắng rừng đành phải quay về
với tám phân vàng. Tám phân vàng trong bốn tháng nơi cùng
cốc thâm sơn tôi mang về đặt lên bàn thờ anh Lê . Đứa
con trai chị giờ đã lớn. Nhìn thấy tôi lâm râm trước
bàn thờ, nó hỏi: “Cái hộp gì vậy chú?”. “Quà cúng
ba cháu”. “Chú không chờ mẹ cháu về?”. “Mẹ cháu
không chờ chú đâu, ngoan nhé”. Vầng mây trắng bay
nghiêng đâu đó. Tôi ngơ ngác ngó quanh khu vườn rộng,
bước bộ trên con đường gập gềnh như cuộc đời gập
gềnh của tôi. Những bước chân giống cơn giận lẩy
trẻ con và mặt đường thì chẳng khác nào chiếc rổ
rách. Gió lào xào như tiếng thở dài.
Thân cây cong oằn ấy, giờ bật
đứng như chưa hề có trận bão ập qua. Chị vén mớ tóc
ra sau. Những ngón thon búp trắng muốt giữa suối tóc đen
nhánh. Bước qua tuổi năm mươi, chị vẫn còn giữ những
đường cong gợn thời con gái. Tôi trân trối nhìn ngọn
tóc và những ngón tay, nhìn vào bộ ngực côi cút của
chị và ánh mắt rười rượi..
Bất ngờ chị Bông đề nghị:
-Chị em mình lên chùa đi.
-Để chi? – Tôi hỏi.
-Cúng Phật.
-Cúng Phật? – Tôi hỏi lại.
Con đường trước nhà chị không
còn gập gềnh, không như cái rổ rách trước kia. Hàng
cây sao, bằng lăng tím che kín bóng. Tôi đèo chị trên
chiếc xe máy khụt khịt như người bị sổ mũi, chạy
chậm. Tôi nghe mùi da thịt chị miết vào khứu giác. Mạch
máu chạy dồn dập như bầy ngựa đua. Qua ngả tư, thay
vì quẹo trái tôi cho xe chạy thẳng ra hướng biển. Chị
bấu vai tôi:
-Em quên đường rồi sao?
-Không.
-Sao lại ra biển?
-Ra biển để em nghe mùi nước
mắt.
Chị bấu chặt hơn và tôi tưởng
tượng cái bấu tay bắt đầu một nụ hôn, những nụ
hôn dài.
-Đừng có lãng mạn, em có biết…
-Biết, em biết rất rõ. Đó là
những giọt nước mắt tích tụ hàng ngàn triệu năm.
Tôi nghe tiếng thở sượt ấm
sau gáy. Chị buông tay ra và bất ngờ tôi quành xe lại.
Chính tôi cũng bất ngờ về hành động này. Có lẽ, tôi
nghĩ cái mùi nước mắt ấy cũng không thể mặn thêm hay
nhạt hơn tí chút. Phỏng có ích gì khi lòng đã cay xè?
Chùa Hảo Sơn giữa khu đồng
trống. Cổng tam quan vòi vọi phía trên. Chị Bông thong
thả bước lên từng bậc cấp, thong thả đến mong manh.
Gió nam cồ siết quanh chị, lất phất trên chỏm cây bồ
đề bành gốc, tua tủa rễ như một ông già ngàn năm
tuổi ngó lửng cuộc đời trước mặt, mặc cho râu xoãi
dài, bỡn cợt với tháng ngày lướt qua, đâm sâu xuống
lòng đất.
Lên đến bậc cuối cùng, chị
ngoái lại, ngoắc tôi bước lên. Chị vòi vọi cao, vòi
vọi lộng lẫy. Gió nam cồ hất bay món tóc chị ra sau
như thể sắp đu dính vào cội bồ đề.
-Em vào đi.
-Không chị vào lễ Phật một
mình.
-Sao vậy?
Tiếng nói như rớt từ thinh
không, xao vào đầu óc tôi.
-Phật chỉ có nụ cười từ bi
và những lời răng dạy. Em không thể bước qua cửa
thiền khi lòng không thanh thản. Chị vào lễ Phật và
tiếp tục… - tôi bỏ lửng câu nói.
Chị Bông quay đi, bước hẳn vào
bên trong.
Gió lất phất mang theo hơi nóng
trên rặng Trường Sơn dồn về. Cái nóng làm tê cuống
lòng người, làm khô dòn tấm áo phong phanh tôi mặc trên
người. Chị khuất sâu vào bên trong. Tôi lần từng bước
lên cổng tam quan, ngồi lên bậc đá cuối cùng. Phía dưới
là cánh đồng xanh dờn, xa hơn là phố xá bẹt dính sát
mặt đất. Những con người nhỏ bé xuôi ngược. Bầy
người nhỏ bé ấy đang hối hả tìm cuộc sống cho riêng
mình. Còn tôi? Tôi như chiếc rổ bung vành đang nhấn
xuống nước đồng sâu vớt chút rong rêu. Vậy mà không
thể tìm thấy cọng rong nhỏ nào. Những chiếc nan gãy
mục vểnh lên hay chúc nghiêng, trống hoang hoác là ba mươi
năm cố gắng vá lấp để thấy trống trơn, để thấy
vô cùng chẳng với chụp được.
Gió lặng yên được một lúc
rồi bỗng chúc xuống, hất tung những cọng rác khô trên
bậc đá. Không gian đã sững lại bổng ồn ào. Gió ràn
rạt miết lên tường thành nối cổng tam quan, cuốn cong
những cành bồ đề rồi ngưng bặt, như chưa hề có gió
thổi ngang qua.
Bóng nắng đổ nghiêng qua tàng
lá rậm, che phủ bậc thềm đá chỗ tôi ngồi, nên khi
chị Bông bước ra, đứng về phía chiều nắng nghiêng
tôi không thấy bóng chị phủ lấp lên người tôi, nhưng
tôi nghe hơi thở chị thật gần.
Chị vén áo ngồi xuống bên
cạnh.
-Chị lễ Phật và xin xăm.
-Xin xăm – Tôi hỏi lại, lòng
hoang mang tột cùng.
Chị bổng bật khóc. Hai vai rung
lên. Tôi sửng sốt, nhích ra nhìn chị. Chị không còn là
người đàn bà mạnh mẽ mỗi khi từ chối lời cầu hôn
của tôi. Chị trở nên người phụ nữ nhỏ bé, yếu
đuối. Tôi giữ đôi vai mỏng manh như hồi nhỏ tôi giữ,
tay kia rút cây gai nhọn dưới gan bàn chân chị, nhưng cái
đau của hai lần cách xa có vẻ như không giống nhau. Lần
này, nỗi đau sâu kín, gặm mòn tâm trí chị hơn mà tôi
không hiểu vì nguyên do gì.
Một lúc sau, tôi dè dặt lên
tiếng:
-Chị làm sao vậy?
Cả người chị rung lên dữ dội
hơn.
Cả hai im lặng cho đến khi nắng
vắt chéo qua đầu.
-Chị không phản bội anh Lê,
nhưng chị phản bội em.
-Em không hiểu chị định nói
gì?
-Đúng chị là người không ra
gì. Chị đã phản bội em. Chị là con người đốn mạt,
nhưng chị không thể làm khác được – nói và chị lại
ngã lên vai tôi nức nở.
Nắng quét những quả trứng mỏng
tang trên tầng lá cao, rụng lả tả trước mặt hai người.
Đợi chị bình tĩnh lại, tôi gỡ tay chị và ấp lại
trong đôi tay mình. Lúc này tôi trở thành con người lớn
hơn chị, bắt đầu dỗ dành chị giống hệt hồi nhỏ
chị dỗ dành tôi bị lũ trẻ con hàng xóm ức hiếp.
-Em nghe chị nói. Chị cứ nói
hết ra.
-Ngàn lần chị xin lỗi em.
-Sao phải xin lỗi? Nếu cần xoa
dịu sự tổn thương do em gây ra thì em xin lỗi chị mới
phải.
-Không. Em bình tỉnh nghe chị
nói.
-Em nghe đây.
Chị sững người giây lát, rồi
sụt sịt:
-Ông Thâu cầu hôn chị. Ông goá
vợ cách đây tám năm.
-Và chị…
-Nhận lời.
Tôi cười lớn, cười đến tim
bóp thắt, nước mắt ràn rụa và gió lăn lông lốc trên
những ruộng mạ xanh dưới kia. Gió rượt đuổi như giỡn
như ca hát, bảng lảng một điệp khúc yêu thương đến
héo hắt tận đáy lòng.
-Vậy mà em tưởng chuyện gì ghê
gớm lắm!
-E…eemm…
-Chị ngỡ em phản đối, ngỡ em
sẽ buồn? Không trái lại.
Chị Bổng oà khóc khi nghe tôi
nói hết câu và xô tôi ra.
-Thà em đay nghiến chị, nguyền
rủa chị… có lẽ còn dễ chịu hơn cái gật đầu vô
cảm kia. Em biết là chị không thể kéo xuống mười lăm
tuổi để bằng em, không thể nhìn những cặp mắt xói
miết chung quanh. Vâng, chị yêu em. Yêu em còn hơn ngàn lần
em yêu chị. Nhưng để là vợ chồng thì không thể. Sau
lần chị ôm em vào lòng dỗ dành vì đám trẻ con trong
xóm ví em, chị đã linh cảm điều này sẽ có ngày xảy
ra. Nhưng chị bất lực. Chị chỉ là người đàn bà bình
thường như bao nhiêu người khác.
-Em đưa mẹ con chị vào Lộc
Ninh, Bù Đốp… vượt biên qua Lào, qua Thái… Chúng ta sẽ
sống hạnh phúc.
-Không. Em điên rồi.
-Chị nhận lời lấy ông Thâu
thì không điên chắc. Em biết chị nhận lời lấy ông ta
chỉ vì chỗ dựa, cái học vị tiến sĩ ấy sẽ… mà
chị thì không hề yêu.
-Em còn nhớ hồi lên trại thăm,
em nói “đời người như khúc sông, chỗ đến thì không
chịu dừng mà rẽ ngoặc sang hướng khác”. Hồi đó em
nói vậy là ý gì? Còn giờ này sao em lại không chấp
nhận khúc sông rẽ ngoặc?
-Sông của chị giờ là con sông
gãy, sông lấp bỡi những tảng đá muôn thuở đè lên
một cách khủng khiếp. Chị không dám né những tảng đá
đó, lúc nào cũng nhìn thấy chúng lù lù trước mặt.
-Nhưng có nhất thiết khi yêu
nhau thì phải sống chung với nhau không?
-Hoang tưởng.
-Đúng. Hoang tưởng, chỉ vì chị
cũng yêu em đến điên cuồng.
Chị Bông nói và đứng lên, bước
thật chậm xuống từng bậc đá. Chị đi như không hề
chạm chân lên mặt thềm. Chị đang bay về nơi khác, nơi
có vầng trăng bị xé rách giữa trận nam cồ, tơi tả,
méo mó đến dị hợm. Chị thả trôi về khúc sông xa,
chị đầm mình trong vùng mắt bão, gió cuốn tung chị tơi
tả trong tôi.
Tôi ngồi yên nhìn chị. Ngồi mà
ngắm nhìn dáng mỏng khói sương từ từ tan biến vào
khoảng trống đến vô cùng tận. Hạnh phúc cuối cùng
của chị là niềm hoang tưởng hay sự hoang tưởng là
niềm hạnh phúc? Tôi nào có nhận ra khi chị bất ngờ
quay lên. Vẫn từng bước thong thả, từng gót chân thong
thả và nhẹ nhàng đặt lên phiến đá mòn lĩn như chiếc
lá rơi xuống, nằm đấy từ muôn đời kiếp.
Chị Bông đứng cách một với
tay, không bước tiếp, ngước nhìn với cặp mắt lạ
lùng tôi chưa hề chạm phải: hừng hực như ngọn lửa
cháy rừng rồi chuyển sang giá lạnh như tảng băng trôi.
Hình như không phải chị nhìn tôi mà dành riêng cho kẻ
vô hình nào đó vảng vất đâu đây, môi mấp máy như
muốn nói điều gì đó mà không thành lời. Chỉ cách một
vói tay nhưng có vẻ như chúng tôi đang ở hai thế giới
khác nhau, ở hai đầu cánh cung bị đứt dây. Môi chị
lại mấp máy như mời như gọi, xoè chớm như nụ hoa hàm
tiếu. Tôi hiểu tất cả, lao xuống. Chị ôm tôi, nước
mắt ướt vai trong tiếng thì thào ngây dại “chị yêu
em, tha lỗi cho chị”. Chị hôn tôi bằng nước mắt mặn
chát, vị mặn của niềm hạnh phúc đắng cay nhưng sao
tôi thấy không như dư vị của nụ hôn bằng cái tát
ngày nào?
Bóng nắng rớt nghiêng. Chúng tôi
như hai pho tượng trước cổng tam quan. Chỉ có cội bồ
đề và những chòm rễ đâm xuống đất là gần chỗ tôi
và chị Bông đứng, sắp té nghiêng dưới bóng nắng.
NLY