tranh Đằng Giao |
Bài viết về chất thơ trong triết học của
Trần Văn Nam đã có trong sách (TRONG DÒNG CẢM THỨC VĂN
HỌC MIỀN NAM, xuất bản năm 2006), đã đăng trên phụ
trang “Quán Văn” của nhật-báo “Người Việt” (ra
ngày 26.07.2006), đã lên trên các mạng điện tử
“nguyentrongtao.info” (trong ngày 14.05.2010) và mạng
“chimvietcanhnam free” (tháng 12 năm 2011). Nhưng thơ sáng
tác áp dụng chỉ có một ít bài trên báo mạng
(chimvietcanhnam), 2 bài trên sách in (THƠ TỰ DO MIỀN NAM,
Thư Ấn Quán xuất bản năm 2008), một hay hai bài trên
tuần-báo (Saigon Times ; Saigon Nhỏ), mười bài trên nguyệt
san (Tạp chí Khởi Hành, số mùa Xuân 2008). Nay, mạng
“vuontaongovhnt.blogspot.com” đã đồng ý cho phổ biến
rộng qua điện-tử gần toàn bộ những bài thơ sáng tác
áp dụng chất thơ trong triết học (tức các văn ảnh
“thơ và triết học” theo thể loại Thơ văn xuôi):
Thơ và Triết Học hay là Văn ảnh trong “Tập
Thơ Ðộc Nhất” và “Tập Thơ Bổ Khuyết” của Trần
Văn Nam, phát hành hạn chế, đã in tại Sài Gòn năm 1963
Vết trâu xanh
Theo Sách Cổ thì ngày xưa ở
bên Trung Hoa có một triết nhân thường ngồi một mình
dưới chiếc cổng đền đổ nát có màu xanh lung linh của
con trăng lưỡi liềm thời khuyết sử.
Rồi một ngày kia khắp trong
nước từ Hoàng Ðế đến cả thần dân không một ai
biết ngài đã lưu lạc ở góc biển chân trời nào.
Có người kể đã gặp ngài
một lần đang cưỡi con trâu xanh đi lần trên sa mạc
Trung Á trong một buổi hoàng hôn xa mờ miền vạn dặm.
Và hình như ngài có ghé nghỉ
đêm ở một quán khách chênh vênh trên miền du hành bao
la để ngày hôm sau trước khi tiếp tục ra đi đã trao
tặng chủ quán một quyển sách nói về sự khôn ngoan của
loài người...
Ngài đã là một thể hiện
của con đường tìm đạo mà ngài đã bỏ ra một đời
trầm ngâm giữa núi sông thảo mộc.
Ngài đã tự xóa không còn ai
biết nữa trong dĩ vãng ngàn năm mà trên cuộc hành trình
xa xôi gió sa mạc cũng đã thổi mờ dấu chân đi của
con trâu xanh thời quá khứ hoang đường...
Tiểu Sử của Lão Tử cũng
chính là văn ảnh diễn tả tư tưởng Lão Tử: “Ðạo
khả Ðạo phi thường Ðạo, Danh khả Danh phi thường
Danh”
***
Ngôi nhà xứ sở
Khi người không tìm được
tâm tình xứ sở trong chữ nghĩa âm vang tiếng thì thầm
thư viện.
Khi người không nghe được
hồn thiêng dân tộc khi ngồi quán kinh kỳ nhạc trổi
lênh đênh.
Thì xin người hãy trở về
dừng chân trên một bờ dốc kinh đào thật cao rồi nhìn
đáy chân trời mịt mùng những thôn làng cuối bãi.
Người hãy lắng nghe tiếng
động chiều vàng xéo dài qua vùng trời yên lặng đón
hoàng hôn.
Bao lâu còn những trẻ mục
đồng dẫn trâu trên quốc lộ dài in hình lên mây ngàn
đỏ sẫm,
Bấy lâu người vẫn còn nghe
tiếng hát muôn đời của thực thể quê hương...
Heidegger nói: "Ngôn Từ Là
Nhà Ở Của Ẩn Thể" (“Le langage est la maison de
l’être”), vì ngôn từ ấp ủ ẩn thể siêu hình. Xin
lấy hồn thiêng sông nước đồng ruộng làm một ví dụ
về ẩn thể.
***
Con sông daì qua kinh thành
cũ...
Chiều hôm qua cũng như chiều
nay có một người đàn ông mặc đồ nỉ xám ra bến tàu
nhìn hằng giờ trên dòng sông vẫn miên man trôi về nơi
vô tận.
Ðốm lửa lòe lên qua điếu
thuốc nằm trễ dài trên đôi môi mím chặt vẻ u hoài
của nét mặt trầm ngâm.
Dăm cầu tàu quạnh quẽ nhớ
nhung dài theo cuộc hành trình sáng hôm qua đã ra miền
trùng dương cao rộng.
Những con tàu còn lại đây
nằm im lìm trong hơi nước hay sương mù của cơn mưa vừa
tạnh giữa chiều nay.
Dòng sông đã trôi qua miền
bình nguyên bao la để đêm đêm về đây bên kinh thành
vẫn huy hoàng trong điệu nhạc Valse muôn đời kỳ ảo.
Sao người mãi u buồn nhìn
dòng nước thời gian đi từ nguồn quá khứ sang hiện tại
là nơi đây để ngày mai về miền biển cả ngàn khơi.
Người ơi! Thực ra dòng nước
vô tri ngàn năm vẫn chỉ là hiện tại không bao giờ có
dĩ vãng cũng không về với nghìn sự sau ảo tưởng.
Chính vì người đang mơ màng
một cuộc hành trình xa xăm bỏ lại nơi kinh thành quen
thuộc mà u hoài trên bến nước thời gian...
Hiện-Tượng-Luận của Husserl đào sâu về Ý thức: "Ý Thức Là Ý Thức Về Một Ðiều Gì”, vì vậy chỉ có Hiện tại là cụ thể xác thực, còn Quá khứ hay Tương lai đều hư vô đối với Ý-Thức (Ý-hướng-tính).
Hiện-Tượng-Luận của Husserl đào sâu về Ý thức: "Ý Thức Là Ý Thức Về Một Ðiều Gì”, vì vậy chỉ có Hiện tại là cụ thể xác thực, còn Quá khứ hay Tương lai đều hư vô đối với Ý-Thức (Ý-hướng-tính).
***
Người tình tiên tri của
thi sĩ Ðinh Hùng
Thật lạ lùng khi thi nhân có
sẵn trong tâm trí chân dung người tình của mình là một
thiếu nữ đẹp như trăng chưa từng quen biết.
Ðẹp như trăng quả là mơ hồ
cũng như mắt xanh của bóng dừa hoang dại rất khác với
tiêu chuẩn màu sắc ca ngợi đôi mắt ở thế gian này.
Chưa gặp nàng lần nào mà thi
nhân xác nhận đã có hò hẹn lâu rồi chắc ở một nơi
nào đó ngoài không gian thời gian nên không phải là cuộc
hò hẹn từ tiền kiếp mà là do tiên cảm tiên tri.
Khuôn mẫu định hình người
tình đã có sẵn nên khi gặp một người thật trong đời
có lẽ thi sĩ đã gán cái khuôn mẫu đó cho nàng.
Ý nghĩ người đẹp trong tâm
trí và hiện tượng xác thân gặp nhau thành một cuộc
trùng phùng chính xác làm mãn nguyện thi nhân để se duyên
cho họ thành một đôi tình nhân hạnh phúc dắt nhau đi
vào rừng xanh vớt cánh rong vàng bên suối.
Lấy bài thơ "Mộng Dưới
Hoa" của Ðinh Hùng làm văn ảnh diễn tả khái niệm
nhận thức trong triết lý KANT: "Biết được hiện
tượng là do những khuôn mẫu có sẵn trong tâm trí đóng
khung vào vật giới ở ngoài”.
***
Khi mọi sự đều trơ trụi
Dòng nhựa vẫn âm thầm chảy
lên ngọn trong thân cây sần sùi khi mùa đông trụi lá.
Vài loài động vật bắt đầu
cuộc sống tiềm sinh dưới bùn khô hạn hán để đợi
chờ năm tới có trận mưa đầu mùa.
Nếu cuộc đời khô cạn ý
nghĩa cho Tổ Quốc cho quê hương thì ta là đám mây trôi
đi trôi tới dật dờ một kiếp đời vô định.
Nếu cuộc đời chấm dứt ý
nghĩa cho gia đình cho họ hàng thân thuộc thì ta là hòn
đảo cô đơn nghe độc điệu ngày đêm một loại nhạc
thủy triều.
Nếu cuộc đời không có kỷ
niệm không hồi tưởng quá khứ thì ta hụt hẫng như
giây phút bàng hoàng vô thời gian của một phi hành gia
lúc bị cuốn vào rún trời xoáy thành hố thẳm.
Nếu cuộc đời không liên hệ
gì với kẻ khác với môi sinh thì ta là một sa mạc chết
không gió vãng lai không mù mưa thăm viếng.
Nếu cuộc đời tiêu hủy mọi
lý tưởng thì ta là cây cỏ đồng hoang vận hành cho hết
một đời hay sâu bọ tối tăm vận hành cho hết một
kiếp.
Không phải vậy đâu! Vì ta
là tiềm sinh là dòng nhựa tồn vong là con người sống ở
đời và với kẻ khác.
Ta không là chiếc rễ cây bị
lột trần hết mọi ý nghĩa mà trở thành nhầy nhụa như
một hiện diện thừa thãi đáng buồn nôn.
Văn ảnh diễn tả ngược lại
ý tưởng "Sự Buồn Nôn" và "Ðịa Ngục Là
Những Kẻ Khác" của Sartre.
***
Người sống ở đời như
thi sĩ
Quê hương chúng ta khi thanh
bình trở lại sẽ có những đứa con thân yêu từ hải
ngoại trở về trên con đường làng xưa dẫn vào thôn ổ
muôn năm vẫn một đàn cò trắng bay về sau lũy tre xanh.
Họ sẽ ra đi bỏ lại xứ
người bao nhiêu sự nghiệp sau công trình mười năm đại
học ngồi co ro tuyết trắng qua những đường xe lửa
điện ngầm.
Trên con tàu hồi hương họ sẽ
thấy lại rặng cây hoang nằm dài duyên hải giơ lá cành
vẫy gọi biển xa khơi.
Quê ta đất rộng còn nhiều
nhưng chưa có những bàn chân khai phá đi về cuối trời
góc biển với cát ngàn năm gió thổi phù trầm.
Họ sẽ về để đổi một
dòng một con sông cho chảy qua vùng trời hạn hán hay vạch
một đường xa lộ đi vào núi thẳm hang xanh.
Khi đã xong công việc rồi họ
lại ra đi mở mang một nơi nào hoang vu khác trên đất
nước có ngàn thông bóng dừa nghe như đời đời còn hát
điệu biển Ðông.
Từ ngữ “Thi Ca”trong triết lý Heidegger được hiểu như “Sáng tác” hoặc “vén mở” (có ý nghĩa siêu-hình làm xuất hiện ẩn-thể). Heidegger khai triển nghĩa siêu hình này từ ý thơ tạo nghiệp ở đời thấy như rất cụ-thể của Holderlin (Plein de mérites, mais en pòete, l'homme habite sur cette terre: Mặc dầu đầy sự nghiệp, nhưng mà người sống ở đời như thi sĩ)
Từ ngữ “Thi Ca”trong triết lý Heidegger được hiểu như “Sáng tác” hoặc “vén mở” (có ý nghĩa siêu-hình làm xuất hiện ẩn-thể). Heidegger khai triển nghĩa siêu hình này từ ý thơ tạo nghiệp ở đời thấy như rất cụ-thể của Holderlin (Plein de mérites, mais en pòete, l'homme habite sur cette terre: Mặc dầu đầy sự nghiệp, nhưng mà người sống ở đời như thi sĩ)
***
Hồn những con đường
Chúng tôi còn những con đường
ngoại ô của người đàn bà gánh nước nửa đêm bỏ
lại phía sau từng vũng chuyện buồn đi về xóm vắng đìu
hiu đèn vàng.
Chúng tôi còn nghe tiếng nói
lam lũ một đời qua hình ảnh người phu xích lô đạp xe
đường khuya bóng dáng ngã dài xuống bến trăng xanh.
Nếu người từ phương xa đến
đây tìm hiểu đất nước này thì xin tiếp xúc làm quen
chứ đừng thả dài trên đại lộ phồn hoa khi hoàng hôn
đỏ rực công trường.
Bởi vì bề mặt kinh thành
không phải là hồn dân tộc chúng tôi mà chỉ là những
hình khối mấp mô dựng lên bầu trời, và cùng lắm thì
chỉ nghe được tâm sự não nùng của người ca sĩ sầu
tình hát khúc buồn tênh.
Người phải đi qua những ngõ
tối mưa khuya lầy lội có tiếng hát ru con ngậm ngùi tan
vào bóng tối trầm tư nửa đêm gỗ đá thì thầm.
Hay lắng nghe phần Vô ngôn
chuyên chở trên lời thơ của người thi nhân lãng tử
đêm đêm lướt qua phố phường như một vì sao lạc rồi
đi mất dần về ngõ khói âm vang..
Ý niệm Chân Lý trong Triết Lý
Heidegger chủ trì sự làm quen, tiếp xúc thân thuộc; Chân
lý không thể đạt tới bằng trí hiểu. Như những con
đường mòn trong rừng chỉ quen thân đối với người
tiều phu.
***
Thi sĩ và khoảnh khắc phù
du
Thi nhân một hôm xuôi dòng
trường giang trôi chảy đi qua bao nhiêu bãi cát vàng bỏ
lại bao nhiêu cồn dâu xanh về nơi cửa sông hoang vu nước
vào trăm ngả.
Hai bên bờ làng mạc xa xăm
nằm ngủ kỹ trong sương mù từ buổi mai đến xế chiều
lắng nghe dư âm đồng vọng của đoàn người áo nâu đi
họp chợ đầu hôm trở về.
Con sông dài thì bao giờ cũng
chuyên chở tình cờ một cành củi khẳng khiu theo đám
bèo giạt trôi qua từng hàng không biết đến khi nào trở
lại.
Cành củi trôi sông kia đã rời
bến ra đi từ một quá khứ nào hôm qua rồi từng phút
từng giây tiến vào khu vực hư vô của tương lai phía
trước xa mờ.
Nhưng thi sĩ đã lập được
kỳ công để tồn tại vì người không phải là sự vật
vô tri sự vật im lìm trôi vào thời gian vô tận.
Bởi vậy củi một cành khô
trên dòng trường giang lớp lớp đã nhập hồn thi sĩ mà
hóa thân vào bài thơ sông dài bất hủ để vượt thoát
sự hủy diệt của một khoảnh khắc phù du...
Lấy bài thơ "Tràng Giang"
của Huy Cận làm văn ảnh diễn tả ý niệm "Mọi sự
đều biến dịch, ta không bao giờ tắm được hai lần
trên một dòng sông" của Heraclite.
***
Cái bóng ở ngoài ta
Lúc bấy giờ trời vừa xế
chiều, người là một khối lù lù vô thức ngồi bất
động bên một triền núi nhìn ra ngoài kia có hay không
một màu xanh phẳng lì của mặt biển.
Ánh nắng hoàng hôn chưa hiện
thực nhưng chiếu rọi cái khối vô thức ấy lên vách đá
thành một hình thù hư ảo mà từ đó người tạo ra sự
tồn tại của mình.
Cái bóng đó là do người muốn
đặt ra ngoài mình vì tự ý đến ngồi đây nhờ ánh
nắng chiếu dọi tạo thành nên không giống sự thụ động
ngoài ý muốn của các tù nhân do một đống lửa chiếu
từ phía sau in hình họ lung linh vào hang đá mà một triết
gia thời cổ nào đó đã nói tới.
Hình tượng khối vô thức ấy
in lên vách đá mỗi lúc một mờ dần, thu nhỏ dần,
chứng tỏ tạo vật đang vận chuyển ở trong vòng thời
gian và cái thu mình ngồi đó chiếm lấy một chỗ không
gian chứng tỏ người là hiện tượng vật giới.
Ý thức mình là thời gian và
vật giới nên bây giờ người đã biết mình là ai biết
mình đang hiện hữu trong cuộc đời.
Phản tỉnh đi ra rồi trở về
nên cái khối vô thức cùng cái bóng ở ngoài đứng lên
nhập lại thành một người thực sự, và kéo cao cổ áo
đi vào thành phố cũng vừa mới lên đèn đây đó...
Văn ảnh diễn tả cụ thể ý
tưởng trừu tượng rất “duy tâm chủ quan” của Fichte
(Triết gia Ðức 1762- 1814): Ta tự đặt ra ngoài một
cái-không-ta (Phi ngã, Le non-moi) để từ đó quay lại phản
tỉnh ý thức mình là mình; nhờ biện chứng sáng tạo đi
ra trở vào đó nên nó làm thế giới thành thực hữu -
The conscious mind creates both the objects and the knowledge by
which the objects become known. (Bài mới sáng tác năm 2002)
***
Ði trên bình nguyên nước
Phù Nam
Vị trí thuận lợi khi ngồi
trên một xe đò lớn, dọc dài một tỉnh lộ tái thiết
trên bờ đê đắp cao; và thời gian cũng thuận lợi khi
cơn mưa vừa tạnh buổi xế chiều làm bầu trời quang
đãng.
Chuyến xe đang trên tuyến
đường Rạch Giá- Sài Gòn, chạy song hành với con kinh
đào Cái Sắn thông nước đến bờ Hậu Giang tại Bắc
Vàm Cống.
Xe vừa ra khỏi Rạch Giá mười
lăm cây số, khách nhìn về phía trái qua bên kia con kinh
đào đầy nước, qua những cánh đồng mênh mông tỉnh An
Giang, bóng núi Sập của dãy Ba Thê hiện ra dưới tầm
mắt, một đỉnh chơ vơ đột khởi chân trời.
Chữ viết của những trang sử
đời nhà Lương bên Tàu ghi lại cách nay một ngàn năm
trăm năm đã có nói một nước Phù Nam với thủ đô Óc
Eo trong địa bàn dãy núi Ba Thê; bình nguyên An Giang- Kiên
Giang còn đây mà chủng tộc nào một thời đã ở?
Mấy lớp vỏ sò hầu hến
thuộc sinh vật biển hiện hữu ở lưng chừng những vách
núi đá vôi tại Hà Tiên là ngôn ngữ địa chất; ngôn
ngữ đánh dấu lại mực nước biển dâng cao thời đầu
Công Nguyên, xác định Óc Eo bây giờ nằm sâu trên đất
liền mà ngày xưa đã trời xanh hải cảng.
Tiếng lặn hụp của bầy trâu
len vô số kể từ Ba Thê đi về miệt Bảy Núi trong mùa
nước lụt vang vọng từ cuốn sách của nhà văn Sơn Nam
đã là ngôn ngữ văn học, khẳng định vương quốc Phù
Nam thuộc vùng trũng thấp có thể tiềm tàng cả một đô
thị bị bùn đất chôn vùi.
Những đồng tiền La Mã, tượng
thần Vishnu và Shiva của Ấn Ðộ, các dòng chữ Phạn
trên bia đá, vài đồ gốm từ các xứ Á Ðông, đôi mảnh
nữ trang bằng vàng của Ba Tư; đó là ngôn ngữ khảo cổ
khai quật tại Óc Eo, làm rập rình trước mắt ta những
đội thương thuyền ghé bến, lưu tồn những nét nhân
văn.
Ngôn ngữ sử học, ngôn ngữ
địa chất, ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ khảo cổ; những
dấu hiệu có hệ thống đó có phải đã giúp ta hiện
thực hóa một phiếm định, hay chỉ trưng ra bằng chứng
một thực thể tồn tại từ hai ngàn năm trước.
Ngồi xe qua bình nguyên Phù Nam
cổ, chỉ biết Óc Eo tồn tại vì chất thơ âm vang sóng
nước thời nào bến cảng, và bằng phẳng chân mây đột
khởi một đỉnh núi đền đài.
Thơ Và Triết Học/ Văn ảnh
diễn tả khái niệm về “Ngôn Ngữ Tổng Quát” của
FERDINAND DE SAUSSURE: Ngôn ngữ gồm lời nói, chữ viết và
tất cả những dấu hiệu nào quy thành hệ thống; mỗi
ký hiệu đều liên hệ xa gần với những ký hiệu khác
làm nên những cơ cấu; và không có chúng thì ta không
nhận ra được thực tại. Như vậy CƠ CẤU LUẬN như gần
với thuyết Duy Tâm Chủ Quan (Subjective idealism): Thực tại
được thực-hữu-hóa do tâm trí. Ở đây, tâm trí là
những dấu hiệu được con người hệ thống hóa – The
relationships betwen the elements of the code give the product of a
system signification. Codes (or signs) are arbitrary and without them
we cannot apprehend reality. (Bài mới sáng tác năm 2002)
TRẦN VĂN NAM