văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, January 30, 2013

Trần Hoài Thư * Những giọt mồ hôi lóng lánh kim cương


Ông biết kể từ bây giờ, ông trở về đảm nhiệm vai trò chàng trong cánh cửa, thiếp ngoài chân mây…Ông biết kể từ lúc này, bà sẽ đổ mồ hôi tủi cực giữa một thế giới mà truớc đây không một người phụ nữ Việt Nam nào có thể ngờ đến. Những ngón tay mềm mại xa xưa bây giờ đã thành chai sạn. Ở cái thế giới đó, họ trở thành những người lính không đội ngũ.

VÀO NHỮNG BUỔI SÁNG SỚM, KHI BÊN NGOÀI trời vẫn còn tối đen, bà trở dậy. Ông nằm trên lầu, nghe tiếng động vang lên từ nhà bếp, biết vợ đang sữa soạn cơm nước mang theo cho buổi ăn trưa. Ông biết rõ những món ăn quen thuộc mà bà vẫn hay làm. Một bình thermos cơm nóng và một món ăn dản dị. Rồi sau đó, bà sẽ ra xe và lao ra cõi đêm về sáng. Ông nằm mà nghe lòng dấy lên nỗi bất an. Đáng lẽ việc này phải dành cho ông. Một gã đàn ông. Một chũ gia đình.  Nhưng bây giờ, là bà đã chiếm chỗ ấy. Bà mang tấm thân đàn bà yếu đuối để gánh vác chuyện cơm áo thay cho ông. Trong khi ông thì bất lực.  Bởi vậy, lương tâm không cho phép ông  can đảm nằm nán lại trên  giường để tận hưởng một buổi sáng dậy muộn. Ông rời khỏi chăn, bước xuống lầu. Vợ ông không hề hay biết. Ông im lặng đến đàng sau bà, hai bàn tay bóp lấy bờ vai vợ. Bà kêu lên nho nhỏ: Chà hôm nay sao tốt với tôi vậy cà. Ông trả lời thật ngọt: “Tốt với em từ lâu, đâu phải hôm nay”. “Trước đây ông có bao giờ săn sóc tôi như thế này đâu?” “Thì tốt cách khác.” “Cách khác là cách nào ?” “Thì em tự hiểu”. Ông lại xoa bóp bờ vai bà.  Ông cảm thấy niềm yêu dấu như theo hơi thở. Ông nghe lòng thương cảm dấy lên. Ông muốn tạ tình, bằng cách xoa thêm, bóp thêm. Ôi đôi bờ vai thon mềm của một thời, đã theo ông gánh lấy bao nhiêu chập chùng khổ nạn, không ngờ qua xứ này lại tiếp tục gánh thêm những lao lung. Ông muốn kể là ông ước được có cái thi tài để làm một bài thơ ca tụng bà, để bà xứng đáng là con cháu đích tôn của bà Tú Xương. Nhưng ông không dám. Bà sẽ nói ông ca cải lương.
Thôi thì đành, chỉ cần gởi tấm lòng vào những ngón xương xẩu này.
Mà cũng không được. Bà la lên hốt hoảng:
“Chết, đến giờ rồi. Tôi còn phải đi làm. Chứ đứng đây à?”
Thế rồi bà hấp tấp mang lại chiếc áo công nhân, mở cửa và lao ra ngoài cõi đêm về sáng. Sau đó tiếng máy xe rồ, hai ngọn đèn bật sáng. Ông biết kể từ bây giờ, ông trở về đảm nhiệm vai trò chàng trong cánh cửa, thiếp ngoài chân mây…Ông biết kể từ lúc này, bà sẽ đổ mồ hôi tủi cực giữa một thế giới mà truớc đây không một người phụ nữ Việt Nam nào có thể ngờ đến. Những ngón tay mềm mại xa xưa bây giờ đã thành chai sạn. Ở cái thế giới đó, họ trở thành những người lính không đội ngũ.
Cứ thế, năm ngày trong tuần bà bỏ ông ở nhà thui thủi một mình. Ở hãng, vào những lúc nghỉ ngơi, bà hay quen gọi về. Bà nói buồn quá, gọi chơi. Có lúc bà vui, kể lại những chuyện giữa đường. Có khi bà khóc kể lại chuyện buồn, chuyện tủi. Ông đóng vai cố vấn. Nhiều khi tức dùm bà, ông kêu bà nghỉ, về nhà hai đứa cùng rau ăn rau, mắm ăn mắm. Hay là bán nhà, xin hưu non, qua một quốc gia thứ ba mà nương tựa tuổi già. khoẻ ru. Đủ rồi, ông nói. Lúc này sống nay chết mai, không hưởng thụ thì uổng. Nhưng bà vẫn chép miệng: ” Tui không muốn xa con đâu. Tại buồn mới than thở với ông cho bớt buồn, chứ làm sao mà bỏ job được. Cực thì cũng phải gắng. Ông đã thất nghiệp rồi…”
Một bửa, bà gọi về. Tin vui. Bà được phần thưởng là công nhân xuất sắc nhất trong mười năm và hãng tặng một  vé hai người đi cruise. Bà vui nói: “Kể ra hãng cũng tốt với em. ” Ông đùa: “Vậy thì tại sao em lại cứ đòi nghỉ ?” “Tại nhiều khi giận. Mình thì làm bá thở, còn kẻ khác thì ngồi dủa móng tay” ” Bây giờ còn giận hết ? ” “Hết giận rồi”. Ông chọc bà: ” Mình xem lần này như lần đi hưởng tuần trăng mật. Mình cứơi nhau trong thời chiến, lúc thành phố bị giới nghiêm nên chẳng biết trăng mật là gì” Đầu dây có tiếng hứ. “Bày đặt. Già mà ham”.
Ông cảm thấy vui với niềm vui với vợ. Ông hiểu bà không phải mừng vì nhận được phần thưởng quá xa xỉ, nhưng do ở việc cấp trên đã hiểu được giá trị của nỗi cực khổ của bà. Vai trò của bà là vai trò cực và nặng nhất trong nhóm. Bà hay nhắc đến những đống phụ tùng như núi chờ bà sau khi bà đi phép trở về.  Có lẽ ngoài bà ra, không ai có thể thay thế để giải quyết những đơn đặt hàng được gởi tới tấp cho kịp thời gian. Mồ hôi và nước mắt của bà đã đổ xuống quá nhiều  để  cố giữ gìn một công ăn việc làm và quyền lợi bảo hiểm sức khoẻ cho gia đình. Cho ông được thảnh thơi ở nhà. Cho những bill không bao giờ thương hại. Cho những lần đám cưới đám hỏi mừng sinh nhật hay thân nhân ở quê nhà. Nỗi khổ bời bời ấy có lẽ chỉ có mỗi một mình ông hiểu. bởi vì ông là kẻ duy nhất để bà chia xẻ. Bà kể lại trong nước mắt, còn ông thì chỉ biết ngậm câm. Kêu vợ ở nhà hay dục vợ nghỉ việc ư. Ở xứ Mỹ này xung quanh là nỗi dưng dưng lạnh lùng thì lấy ai mà nương tựa. Hay là ông xách đơn đi kiếm việc ư ? Bao nhiêu đơn đều bị bác, bị ngâm vì tuổi tác. Làm lao động chân tay thì người ta chê, còn làm lao động trí óc thì làm sao bì được đám trẻ hay những tay Ấn độ cáo già ? Ông thương vợ nhưng đành bất lực, không thể làm gì hơn.
Bây giờ,  có lẽ đây là một cơ hội để bà quên đi nỗi cực nhọc. Ông tưởng tượng đến những ngày con tàu lênh đênh trên biển xanh, hay những thành phố lạ, những nơi mà TV đã quảng cáo với hải đảo và bóng dừa và cát trắng. Đã lâu lắm, dù muốn ông bà cũng chẳng có cơ hội đi du lịch. Bây giờ được cơ hội mà lại miễn phí, thì làm sao không vui được. Phải không bà ?
Nhưng đến giờ nghỉ trưa, bà lại gọi về. Bà nói bà đã từ chối phần thưởng. Thay vào đó, bà xin được thế  bằng một tuần lễ để được nghỉ ở nhà. “Tội nghiệp, vợ thằng Tín cũng sắp sanh rồi. Nó cần mình bên cạnh. Em quyết định rồi”