Phê
bình tổng quát nhứt có lẽ là Linh Mục Sảng Đình
Nguyễn văn Thích. Ông dẫn chứng ngay trong câu mở đầu
của truyện Kiều, và cho rằng đó là truyện phong tình
(“Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh”) thì
không nên cho học trò học (1).
Đi sâu hơn thì có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Kẻ
thì cho truyện Kiều là dâm thư, kẻ thì cho truyện Kiều
là hay, có đủ triết lý Nho, Phật, Lão thâm sâu mà Kiều
là người hiếu nghĩa đủ đường, (“Người sao hiếu
nghĩa đủ đường” - Kiều), vậy phải nên dạy cho
học trò học. Về phần văn chương bình dân, ta thấy có
câu:
Đàn
ông chớ kể Phan Trần,
Đàn
bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều. (2)
Điều
rõ ràng nhứt thì Kiều là người đa tình, ít ai nói nàng
Kiều là người đa dâm. Trong Bài Tựa Truyện Kiều Chu
Mạnh Trinh (3) viết: “Ta cũng nòi tình, thương người
đồng điệu, mượn chùm phương thảo, hú vía thuyền
quyên” (4). Nòi tình Chu Mạnh Trinh nói ở đây là nòi
đa tình vậy.
Nói
Kiều đa dâm thì nhiều người không đồng ý, nhưng nói
Kiều đa tình thì khó ai phủ nhận. Bàn về vấn đề
nầy, trong Truyện Thúy Kiều, Trần Trọng Kim viết: “Nàng
có nặng về đường tình ái thật, nhưng cái tình ấy mà
trong sạch thì có điều gì là dở. Những việc Kiều làm
khi yêu Kim Trọng như hẹn hò vườn Thúy, cắt tóc thề
bồi hay “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”, đối
với xã hội cũ, việc làm ấy của Kiều thì quá quắt
lắm nhưng so với ngày nay thì cũng thường tình”.
Phê bình việc nầy, Dương Quảng Hàm trong cuốn Việt Nam
Văn Học Sử Yếu cho rằng:
“Theo
lễ tục xưa, con gái phải đợi mệnh của cha mẹ đặt
đâu ngồi đấy, để quyền cho cha mẹ kén chọn gả bán.
Thế mà Thúy Kiều tự ý sang nhà Kim Trọng trước khi nói
với cha mẹ, đó là một điều các cụ cho là trái với
lễ tục cổ....
“......
việc làm của Thúy Kiều kể cũng không đáng trách, vì
tuy nàng có thề thốt với Kim Trọng nhưng vẫn giữ được
sự trong sạch và vẫn đinh ninh dành quyền quyết định
cho cha mẹ:
Thói
nhà băng tuyết chất hằng phỉ phong
Dù
khi lá thắm chỉ hồng
Nên
chăng thì cũng tại lòng mẹ cha”
(Câu
332-334)
Dù
đa tình nhưng trong khi yêu đương thì Kiều rất đứng
đắn. Chẳng hạn như khi Kim Trọng tỏ vẻ xàm xỡ thì
Kiều sửa lưng ngay:
Ra
tuồng trên Bộc trong dâu
Thì
con người ấy ai cầu làm chi.
Việc
trai gái hẹn hò nhau bên bờ sông Bộc là việc dâm bôn,
Kiều cũng biết ngăn ngừa giảng giải cho Kim Trọng rõ,
Kiều biết gìn giữ cho bản thân thì ai gọi Kiều là
người hư.
Ngày
xưa cũng như ngày nay, người xưa thì nói chung chung, người
nay thì phân tích theo tâm lý học. Xưa, Nguyễn Công Trứ
thì cho rằng:
Đoạn
trường cho đáng kiếp tà dâm,
Đố
đem chữ hiếu mà lầm được ai.
Ngày
nay, có người - có cả ông Nguyễn Bách Khoa trong đó nữa
chăng? - quả quyết rằng Kiều mượn cớ bán mình chuộc
cha để theo Mã Giám Sinh cho thỏa cái tính dâm của nàng.
Thật sự đó là một nhận xét không những phiến diện
mà còn hồ đồ. Ngoại trừ việc yêu Kim Trọng mà qua
mặt cha mẹ thề non hẹn biển, từ đó về sau, chẳng có
thể trách cứ việc làm nào của Kiều được. Ngay như
việc khuyên Từ Hải ra hàng, Kiều tự chê mình “Giết
chồng mà lại lấy chồng” (Kiều) nhưng thật ra vì
lòng thương cha nhớ mẹ nên Kiều xui Từ Hải ra hàng,
theo ông Doãn Quốc Sĩ (5), người ta nên thông cảm cho
Kiều làm việc nông nổi ấy. Dương Quảng Hàm cho đó là
hành động vì lòng nhân.
Trách
cứ Kiều, có lẽ bài thơ sau đây phê phán một đau đớn
nhứt:
“Tiếng
sấm ân tình bốn mặt ran
Tướng
quân chi tiếc cánh hoa tàn
Đôi
làn nước mắt đôi làn sóng
Nửa
đám ma chồng, nửa tiệc quan
Tổng
đốc ví thương người bạc mệnh
Tiền
Đường chưa chắc mả hồng nhan
Trơ
trơ nắm đất bờ sông nọ
Hồn
có nghe chăng mấy giọng đàn.
Hồ
Tôn Hiến mở tiệc khao quân, bắt Kiều đàn cho Hồ nghe.
Kiều đau đớn lắm. Dù tiếng đàn của Kiều như tiếng
khóc:
Ve
ngâm vượn hót nào tày
Khiến
cho Hồ cũng nhăn mày rơi châu
thì
cũng khó biện minh cho Kiều hành động ôm cầm nầy. Việc
chê trách ấy không phải là cổ hủ đâu. Ngày nay, dù có
văn minh đến thế nào đi nữa, một người đàn bà có
chồng, nhân khi chồng đi vắng (trường hợp Kiều thì
chồng mới chết, cỏ chưa xanh mồ) mà ôm đàn “liên
hoan” với một người đàn ông khác, kẻ thù của chồng,
cũng như người kỹ nữ già đàn ca với Bạch Cư Dị,
(6) một đêm thu trên bến Tầm Dương cũng khó có ai chấp
thuận được. Người xưa thề bồi “Trăm năm thề
chẳng ôm cầm thuyền ai” thì ngày nay, há không giữ
lòng chung thủy, giữ cho nhau chút nghĩa tình chồng vợ
hay sao?
Tuy
nhiên, việc làm nầy của Kiều không phải là dâm. Dâm
là chuyện ăn nằm trai gái. Suốt trong cả truyện Kiều
chẳng tìm ra được câu nào nói rằng Kiều ưa chuyện ăn
nằm với đàn ông cả. Điều nầy rất dễ hiểu vì khi
viết truyện Kiều, chủ ý của Nguyễn Du không phải là
viết chuyện khiêu dâm để câu độc giả, hoặc viết có
tính dâm theo thời thượng như các nhà văn ngày nay. Chủ
yếu Nguyễn Du khi viết truyện Kiều là muốn dựa vào
câu chuyện của Thanh Tâm Tài Nhân để gởi gắm tâm sự
đớn đau của mình. Bàn về điểm nầy, cũng trong cuốn
sách nói trên, Trần Trọng Kim viết: “Bạch diện với
hồng nhan đã chịu chung một số kiếp, thì quyển truyện
Kiều có phải là chỉ để than người bạc mệnh mà
thôi, hay là để cho tác giả nhân đó mà tự than
mình nữa? Tưởng tiên sinh cũng nghĩ:
“Lời
rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Cho
nên than người bạc mệnh, tức là than thân mình. Vậy
lấy Kiều mà xét tâm sự Tố như tiên sinh thì tưởng
không lầm được.”
Không
lý Nguyễn Du là người có tư tưởng tam giáo sâu xa, một
người có lòng nhân hậu, biết đau xót trước cảnh đời
đổi thay ly loạn, vật đổi sao dời mà lại đi ca ngợi
một kẻ tà dâm. Nàng Kiều dù là người phải chịu cảnh
“thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” thì cũng chỉ
vì thân phận của người đàn bà trong cảnh giặc giã
chứ đâu phải nàng Kiều muốn như vậy. Kiều không phải
là người tà dâm và chắc chắn Nguyền Du không muốn vẽ
nên một nàng Kiều tà dâm để gởi tâm sự vào mình vào
nhân vật ấy. Nguyễn Công Trứ dù có viết “Đoạn
trường cho đáng kiếp tà dâm” thì như đã nói, chỉ là
một sự phán xét hồ đồ.
Vã
lại, dâm hay không dâm, điều ấy là sai chăng? Người
xưa cũng cho rằng dâm là không có gì sai quấy:
Ai
dám nói chữ dâm là chữ bậy
Nếu
không dâm sao nảy ra hiền.
Dâm là việc tạo hóa thường tình. Loài vật đã vậy mà
loài người cũng vậy. Dâm là ưa sự khoái lạc giữa hai
người khác phái mà mục đích của tạo hóa là để lưu
truyền giống nòi. Nếu không có cái dâm khoái lạc đó
thì thiên nhiên vũ trụ ngày nay chắc đã tiêu ma tất cả
rồi.
Ngay
như nàng Kiều, lấy chồng, ăn ngủ với chồng thì đó
là lẽ tự nhiên của tạo hóa. Dù trong lòng có đau đớn
như thế nào đi nữa, Kiều tin là Mã Giám Sinh mua Kiều
về làm vợ thì Kiều chịu thất thân với Mã là làm cái
công việc, cái bổn phận của người vợ đối với
chồng, đâu có gì là sai. Vậy mà Nguyễn Bách Khoa, rồi
sau nầy có nhiều nhà văn Cộng Sản hùa theo, cũng như
Hoàng Phủ Ngọc Tường khi dạy ở Quốc Học và vài giáo
sư Việt Văn ở Huế trước 1975 muốn chứng tỏ ta đây
là người tiến bộ, đứng trên quan điểm duy vật biện
chứng cho rằng Kiều vì là con nhà giàu có, ăn không ngồi
rồi lại đọc sách truyện nhảm nhí sinh ra có tánh dâm
mà chịu (hay ưa) bán mình cho Mã Giám Sinh thì đó là một
nhận xét hết sức sai lạc, dù có ngụy trang bằng thuyết
tính dục của Freud hay bất cứ thuyết nào. Nhận xét của
những người nầy đúng ra chỉ là nhận xét của Tú Bà
“Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao?” Tú Bà sai Mã Giám
Sinh đi mua gái về để giả danh hầu hạ, dạy nghề ăn
chơi. Chính Mã là tay gạt tình, cũng như Sở Khanh sau nầy
vậy. Kẻ trước người sau cùng một lũ lưu manh như
nhau. Còn khi Kiều lấy Thúc Sinh, làm vợ Từ Hải thì
Kiều nhận đó là vai trò người vợ. Việc ăn chơi trong
thanh lâu là việc Kiều không những bị ép mà còn bị Sở
Khanh lường gạt, bị Tú Bà đánh đập buộc Kiều phải
làm. Kiều đã từng tự vẫn vì điều nhục nhã nầy.
Thậm chí, sau 15 năm lưu lạc, Kiều sum họp với gia đình,
mặc dù mối tình của chàng Kim đối với Kiều vẫn còn
mặn nồng, mặc dù Thúy Vân muốn nhượng chồng lại cho
chị, thì Kiều vẫn gìn giữ Chữ trinh còn một chút nầy.
Nói
chung, Kiều là “..... thục nữ chí cao”
“Phải
người tối mận sớm đào như ai”
Dương
Quảng Hàm cũng không nhứt trí cho rằng Kiều là người
tà dâm. Ông viết: “Xem thế thì biết Thúy Kiều là
một người giàu về tình ái nhưng không phải là con
người đam mê tình dục, thực đúng như lời vãi Giác
Duyên đã phán đoán trong câu 2682:
Mắc
điều tình ái, khỏi điều tà dâm
Phương
chi khi Thúy Kiều, sau mười lăm năm lưu lạc, lại gặp
tình nhân, nàng tự cho thân mình ô uế, không còn xứng
đáng với người yêu xưa, nên dù Kim Trọng nài ép cũng
nhứt định xin đổi tình vợ chồng thành tình bè bạn
để giữ lấy tấm lòng trong sạch, lấy chữ trinh trong
tâm hồn thay cho chữ trinh về thân thể đã mất. Xem thế
thì biết Thúy Kiều là một người đàn bà có tính tình
cao thượng”. (VNVHSY trang 383)
Bàn
về chữ dâm trong Kiều, Trần Trọng Kim viết: “Cứ như
thiển kiến của chúng tôi, thì nàng Kiều không phải là
người tà dâm; xem như khi tái hồi với Kim Trọng mà
khăng khăng giữ một niềm không chịu đem cánh hoa tàn mà
đãi người tình chung thì thật là nàng biết trọng sự
trinh tiết lắm.”
Then
chốt vấn đề là Chính Dâm hay Tà Dâm.
Như
tôi đưa ra những ví dụ như trên, việc vợ chồng ăn
nằm với nhau là chuyện thường tình, là một phần tự
nhiên trong cuộc sống lứa đôi. Việc đó, trước hết
là để sinh con đẻ cái, như hầu hết mọi người khi
lấy nhau ai cũng muốn có con, - ngoại trừ những trường
hợp đặc biệt - thì hành động ân ái với nhau đó gọi
là chính dâm. Việc nầy phù hợp với lẽ tạo hóa, đạo
vợ chồng, không có gì sai trái cả. Trong luật pháp cũng
vậy, nếu người chồng muốn ân ái mà người vợ không
muốn thì kết tội chồng về việc khác chứ không thể
kết tội hiếp dâm được.
Ngoại
trừ trường hợp nầy, tất cả những trường hợp khác
thì dù ít dù nhiều cũng bị đánh giá là bậy, là tà
dâm. Về khoản nầy, người ta dùng nhiều chữ lắm: dâm
tặc, dâm bôn, dâm đảng, dâm dục, tà dâm, hiếp dâm,
bạo dâm, khẩu dâm, ý dâm, v.v... tất cả đều là sai
cả, dù luật pháp không bỏ tù thì cũng bị người đời
chê cười, dư luận lên án.
Truyện
Kiều trong chương trình giáo dục
Trước
1945, từ khi có chương trình trung học Pháp Việt, (dành
cho Trung kỳ và Bắc kỳ - Nam Kỳ thuộc địa học chương
trình Pháp) thì truyện Kiều được đưa vào giáo khoa ở
năm thứ nhì ban Trung học Việt Nam (theo Dương Quảng Hàm
- Sách nói trên). Việc dạy truyện Kiều ở cấp trung học
kéo dài cho tới khi miền Nam sụp đổ (1975).
Khi
dạy truyện Kiều, có ba vấn đề then chốt thầy giáo
cần giảng giải cho học sinh:
Một
là Triết lý (Tam giáo),
Hai
là Luân lý (Trung hiếu tiết nghĩa, v.v... ) và
Ba
là Văn chương truyện Kiều.
Từ
khi có chủ nghĩa Cọng Sản truyền bá vào nước ta thì
bỗng có nhiều tác giả đứng trên lập trường Duy Vật
Biện Chứng mà phê phán. Đứng đầu là Trương Tửu (Đệ
Tứ Cọng Sản, sau theo Việt Minh). Ông nầy lấy bút hiệu
khác nữa là Nguyễn Bách Khoa (NBK) viết hai cuốn sách:
Thứ nhất là cuốn “Nguyễn Du và Truyện Kiều”, cuốn
thứ hai là “Văn Chương Truyện Kiều”. Luận điệu duy
vật của NBK bị giáo sư Tử Vi Lang đã kích phê bình
trên Văn Nghệ Tiền Phong (những số đầu tiên - 1956, rất
tiếc là không thấy in lại thành sách.
Sau
khi Cọng Sản cai trị miền Bắc (1954) và toàn cõi Việt
Nam (1975), truyện Kiều không còn được dạy ở trung học
mà đưa lên đại học. Ngoài lập trường duy vật biện
chứng, họ còn đứng trên lập trường đấu tranh giai
cấp để phê phán truyện Kiều và Nguyễn Du. Gia đình
Viên ngoại “gia tư nghỉ cũng thường thường bậc
trung”, sống bằng sự bóc lột giai cấp lao động, tức
không phải là bần nông hay cố nông, không phải là giai
cấp cơ bản của chủ nghĩa Cọng Sản. Dĩ nhiên, Cọng
Sản không đánh giá gia đình Viên ngoại là tốt. Con trai
như Vương Quan có học hành, thi đậu và ra làm quan, tức
là thuộc từng lớp phong kiến quan liêu. Con gái như hai
chị em Kiều thì “êm đềm trướng rũ màn che”, tức
là không lao động, lại còn biết đánh đàn, do ảnh
hưởng sách vở phong kiến ủy mị, bóc lột hưởng thụ
nên mới soạn ra “Một thiên bạc mệnh lại càng não
nhân”, có nghĩa là Kiều cũng thuộc loại nghệ sĩ nhạc
vàng là một thứ âm nhạc Cộng Sản cấm ngặt. Do đó,
về mặt tâm lý xã hội, truyện Kiều chỉ là một thứ
để nghiên cứu, phê phán con người, xã hội, chẳng có
giá trị gì để học tập cả.
Vậy
thì về mặt luân lý của Kiều có cái gì hay?
Người
ta khen Kiều là khen ở luân lý mà luân lý đó là gì?
Nếu
cho rằng Kiều là kẻ tà dâm thì nàng Kiều không có luân
lý. Về vấn đề nầy, Trần Trọng Kim nhận định: “Có
nhiều người chê là truyện (Kiều) tà dâm, nhảm nhí.
Những người ấy, một là hạng tính nông nổi, không
chịu mất công mà suy nghĩ cho ra lẽ phải trái, một hạng
là kẻ giả đạo đức, chỉ ưa luân lý ở cửa miệng.
Hạng nầy có lẽ nhiều lắm mà lại hay chê bai hơn
cả...”
“...
... nàng Kiều trước sau biết nặng về lời nước non,
biết lấy hiếu làm trinh, biết nhân, biết nghĩa thì tại
sao lại cho là không có luân lý được?”
Trong
truyện Kiều, Nguyễn Du mượn lời Tam Hợp Đạo Cô để
khen Kiều: “Người sao hiếu nghĩa đủ đường”.
Dương Quảng Hàm trong sách đã dẫn ở trên nhận định
rằng “... nàng bán mình chuộc tội cho cha, hy sinh chữ
tình để theo trọn chữ hiếu...” Thúy Kiều treo cho
ta cái gương một người biết trọng phẩm giá (“Đến
điều sống nhục sao bằng thác trong”), biết giữ
thủy chung (trung)... ... ... Việc Kiều khuyên Từ Hải
ra hàng để cứu nhân dân, là một việc nhân”.
Nhìn
chung, theo các nhận định trên thì Kiều là người có
Hiếu, Trung, Nhân, Nghĩa.
Cọng
Sản phủ nhận tất cả những điểm nầy!
Chỉ
ngay trên quan điểm duy vật biện chứng thôi, Cọng Sản
cho rằng Kiều là người “Ăn xổi ở thì” (“Phải
điều ăn xổi ở thì” - Kiều), ăn không ngồi rồi,
sống sung sướng, hưởng thụ trên sự bóc lột người
khác thì sinh ra cái tính dâm. Do đó, việc Kiều bán mình
chuộc cha, tuyệt tình với Kim Trọng bắt nguồn sâu xa từ
trong cái tính dâm đó. Hiếu hay trung chỉ là cái cớ để
Kiều che đậy tính dâm của nàng, cội rễ là từ tính
dâm đó cả. Đó là kết quả tất nhiên của những người
“ngồi mát ăn bát vàng”, những người thuộc gia cấp
thống trị, sống bằng sự “bóc lột nhân dân lao động”.
Hơn
thế nữa, từ khi Trung Cọng cai trị lục địa Trung Hoa,
viện trợ lớn lao cho Cọng Sản Bắc Việt như súng đạn,
lương thực, kinh tế và tài chánh, đưa cố vấn qua nắm
giữ những chức vụ then chốt, đưa binh lính qua Việt
Nam chiến đấu, theo Nayan Chana trong Brother Enemy có khi tổng
số cố vấn và binh lính Tàu đỏ, kể cả nhân công xây
dựng đường sá, lên tới hơn nửa triệu thì Hồ Chí
Minh phải thực hiện ý muốn của Mao Tạch Đông. Theo Vũ
Thư Hiên trong sách “Đêm Giữa Ban Ngày” của ông, mặc
dù Hồ Chí Minh chưa muốn nhưng do yêu cầu của Mao, Hồ
đã phải phát động “Cải Cách Ruộng Đất” từ 1953.
Sau đó, cũng do tư tưởng Mao chỉ đạo, Hồ Chí Minh phát
động “Đấu Tranh Giai Cấp” trong mọi ngành nghề ở
miền Bắc, khiến hàng vạn người bị giết và tù đày.
Đến khi Mao phát động cái gọi là Cách Mạng Văn Hóa,
thì miền Bắc Cộng Sản cũng không thể đi chệch đường.
Việt
Nam, ngay từ thời Triệu Đà đã là một phần lãnh thổ
của Trung Hoa. Sau đó, trong suốt một ngàn năm Bắc thuộc,
học thuật, tư tưởng, tôn giáo và nông nghiệp cũng theo
đường lối của Tàu cả. Thậm chí sau khi giành được
độc lập rồi (939), thì tổ chức cai trị, quan chế, thi
cử, giáo dục cũng theo đường lối của Tàu. Do đó,
luân lý của Kiều cũng là luân lý của xã hội ta, lấy
Nho Giáo của Khổng Tử làm căn bản. Tam cương, ngũ
thường, hiếu trung nhân nghĩa cũng từ đạo Nho mà ra.
Điều đó không có gì lạ và cũng không có gì đáng
trách bởi vì đạo Nho chính là tinh hoa của văn hóa Trung
Hoa. Những tư tưởng của Khổng Tử cũng như những trước
tác của ông như Tứ thư, Ngũ Kinh, v.v... hay đẹp đến
nỗi ngày nay, người Tây phương đang nghiên cứu và áp
dụng trong phương pháp giáo dục mới của họ. Người
Trung Hoa và Việt Nam cũng như dân tộc ở các nước chịu
ảnh hưởng văn minh Trung Hoa kính cẩn gọi Khổng Tử là
bậc Vạn thế Sư biểu (Vị thầy của mười ngàn đời).
Với người Tây phương, ... theo sử gia lừng danh của Hoa
Kỳ Will Durant (1885-1981) trong cuốn The Age of Voltaire của
ông thì triết gia Francois Marie Arouet Voltaire (1694-1778) của
nước Pháp đã vô cùng ngưỡng mộ hiền triết họ Khổng
và đã có công truyền bá nền văn minh Khổng Học vào
giới trí thức Pháp quốc thời đó. (Khổng Phu Tử dưới
nhãn quan Âu Mỹ - giáo sư Đàm Trung Pháp)... Leibniz cũng
nhận xét thêm rằng về khoa học thì Trung Hoa thua Âu
Châu, nhưng Trung Hoa đã vượt hẵn mọi nơi về phương
diện an dân do vườn hoa Khổng Giáo đem lại. (sách trên
đd)... Trong lịch sử cận đại Hoa Kỳ, có lẽ cố Ngoại
trưởng John Foster Dulles (1888-1859) là người Mỹ đầu
tiên chính thức tỏ lòng ái mộ Khổng Phu Tử. Ông Dulles
giữa thập niên 1950 đã khẳng định rằng một trong
những mục tiêu ngoại giao của Hoa Kỳ là phải bảo toàn
nền văn hóa Trung Hoa mà tinh túy là Khổng Giáo. Lúc đó,
ông cũng nói lên manh tâm của chế độ Cọng Sản Mao
Trạch Đông muốn hủy diệt Khổng Giáo và thay vào đó
bằng giáo điều Mác-Lê (Sđd).
Cách
đây 2 ngàn 5 trăm năm, Khổng Tử đã dạy một câu hết
sức thâm thúy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”
mà ngày nay, các nhà hoạt động trong ngành giáo dục Mỹ
vừa khâm phục, vừa kinh ngạc. Mãi đến thế kỷ thứ
18, nước Pháp mới bừng lên sáng chói (French Enlightment)
với những tư tưởng tiến bộ như bình đẳng, bác ái,
tự do thì ngay hồi sinh thời, Khổng Tử dạy rằng hễ
điều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì
mình đừng làm cho người khác (Kỷ sở bất dục vật
thi ư nhân).
Nhân
ái là từ trong tư tưởng nầy đấy: Ví dụ nếu ta không
muốn ai gây đau khổ cho ta thì có thể nào ta lại gây
đau khổ cho người khác?
Bình
đẵng cũng từ trong câu ấy: Ta không gây phiền lụy đau
khổ cho người khác tức là tôn trọng người khác. Đó
không phải là coi họ cũng như mình hay sao?
Tự
do cũng là đây: Không gây khó khăn cho người khác, không
gây phiền lụy, đau khổ cho người khác có phải là
không xúc phạm đến tự do của họ hay sao?
Từ
những nhận định như trên, các nhà thông thái Âu Mỹ
không khỏi giật mình vì chính tư tưởng trên của Khổng
Phu Tử đã góp phần làm cho xã hội an lạc.
Trong
cách mạng văn hóa Trung Hoa, Khổng Tử là đối tượng bị
đánh đổ. Am miếu, đền thờ của Khổng Phu Tử bị đập
phá, triệt hạ, tượng Khổng Phu Tử bị quẳng ra đường
và sách vở Khổng Tử bị đem đốt. - miền Bắc Việt
Nam chẳng còn đền miếu, văn thánh nào tồn tại. Tất
cả đều bị Cọng Sản phá hủy, san bằng vì cho đó là
tàn tích phong kiến.
Ngày
nay, người ta không cần phải hiếu với cha mẹ, vợ
chồng không cần phải trung nghĩa, anh em không cần phải
thuận thảo. Câu nằm lòng nhan nhãn trong trường học bây
giờ là “Trung với đảng, Hiếu với dân”. Theo Cọng
Sản thì trung với đảng vì đảng đem lại ấm no hạnh
phúc cho nhân dân (!), (Thật ra, dạy trung với đảng vì
sợ bị chống đối, lật đổ), hiếu với dân vì dân
làm ra sản phẩm, làm nên cơm gạo cho ta ăn, mặc. Không
cần phải hiếu với cha mẹ vì nếu không có nhân dân
thì cha mẹ lấy đâu cơm gạo nuôi ta?
Vấn
đề không chỉ là cha mẹ. Nếu muốn tiến lên xã hội
Xã Hội Chủ Nghĩa, tiến lên thế giới đại đồng thì
phải đánh đổ tất cả những gì còn là cục bộ. Gia
đình là cục bộ, tổ quốc là cục bộ mà gia đình là
cục bộ cản trở lớn nhất của con đường tiến lên
Cọng Sản. Cho nên gia đình là mục tiêu cần đánh phá
trước nhứt. Chúng nó chưa đánh đổ dân tộc vì còn
cần chiêu bài dân tộc để chống tư bản đế quốc.
Một khi đã chiến thắng đế quốc tư bản rồi thì cái
vỏ bọc ấy cũng bị tiêu diệt nốt, chỉ là Cọng Sản,
là thế giới đại đồng mà thôi.
Nếu
nàng Kiều có lòng nhân thì Kiều nên góp phần với Từ
Hải để đánh phá chế độ phong kiến bóc lột, cớ sao
lại khuyên Từ Hải ra hàng. Khuyên Từ Hải ra hàng tức
Kiều là công cụ phục vụ cho chế độ bóc lột đó,
cái chế độ gia đình Kiều hưởng nhiều đặc lợi. Bản
chất bóc lột của Kiều vẫn không thay đổi dù Kiều đã
phải trãi qua nhiều gian khổ. Chữ nhân của Kiều như
Dương Quảng Hàm nhận xét chỉ là sản phẩm của giai
cấp phong kiến thống trị bóc lột, nó không có tính
tích cực và triệt để của chủ nghĩa Mác-Lênin. Xây
dựng một xã hội Cọng Sản không có người bóc lột
người là chế độ nhân đạo nhứt!
Tất
cả những lý luận như trên rõ ràng vừa là không tưởng
vừa là ngụy biện. Hậu quả của những tư tưởng rồ
dại đó là những cuộc chiến tranh triền miên giữa dân
tộc nầy và dân tộc khác hay cuộc nội chiến ở nước
ta kéo dài 30 năm vậy, với hàng triệu người bị chết
oan, văn hóa đạo đức suy đồi trầm trọng.
Cũng
nên nhắc lại rằng nhà cầm quyền Việt Nam Cọng Hòa có
nhiều sơ hở trong việc giáo dục rất đáng trách. Những
lập luận không tưởng và ngụy biện như tôi nói ở
trên được rao giảng một cách tự do trong vùng quốc gia
hay miền Nam Việt Nam sau hiệp định Genève 1954. Tôn Thất
Dương Kỵ khi dạy sử ở trường Khải Định (sau nầy
là trường Quốc học) đã xử dụng rặc một lối ngụy
biện như thế, một lập trường duy vật khi dạy học
trò cũng như viết sách, như trong cuốn “Việt Sử Khảo
Lược” của ông. Nối gót y có Hoàng Phủ Ngọc Tường
khi làm giáo sư ở trường nầy, cũng như nhiều giáo sư
khác tự cho mình là tiến bộ, là có tư tưởng cao xa,
phóng khoáng, xử dụng ngụy biện và đứng trên lập
trường duy vật biện chứng, tưởng rằng làm như thế
là khác người, hơn người. Nguy hiểm hơn, lối giáo dục
như thế đã đẻ ra một đám “học trò mù” - hiện
đang sinh sống ở Mỹ - mà cứ tưởng mình là tiến bộ,
không ít bọn chúng hiện ở trong nước cũng như hải
ngoại đang làm văn, làm thơ, làm nhạc, viết báo, quay
lưng phản phúc, chủ trương hợp lưu, trao đổi văn hóa
mà thực chất là làm tay sai cho Cọng Sản để kiếm chút
hư danh./
Worcester/Mass
hoànglonghải
Chú thích:
(1)
Năm 1956, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Du, Hội Văn
Hóa Thành Phố Huế tổ chức một buổi diễn thuyết.
Trong dịp nầy, Linh Mục Sảng đình Nguyễn Văn Thích nêu
ý kiến cho rằng không nên cho học sinh học truyện Kiều.
Ông không gọi Kiều là dâm thư nhưng cho rằng đó là
truyện phong tình, dẫn chứng bằng câu thơ trong đoạn mở
đầu truyện Kiều “Phong tình cổ lục còn truyền sử
xanh”.
(2)
Kiều bị chê như đã nói ở trên còn truyện Phan Trần
(Họ Phan và họ Trần) thì trong truyện nầy có đoạn
Phan sinh tưởng nhớ người yêu sinh ra bệnh tương tư, si
tình đến nỗi toan tự vẫn. Đàn ông như thế là nhu
nhược, chẳng ra khí phách anh hùng gì cả.
(3)
Các nhà phê bình văn học đánh giá Chu Mạnh Trinh là ông
tổ của văn chương lãng mạn Việt Nam.
(4)
“Giả thử ngay khi trước Liêu Dương cách trở, duyên
chàng Kim đừng dở việc ma chay, quan lại công bằng, án
Viên ngoại tỏ ngay tình oan uổng; thì đâu đến nỗi son
phấn mấy năm lưu lạc, đem thân cho thiên hạ mua cười;
mà chắc rằng biên thùy một cõi nghênh ngang, ai xui được
anh hùng cởi giáp. Thì sao còn tỏ được là người thục
nữ mà đủ đường hiếu nghĩa, tay đàn bà mà lại có
cơ quyền. Thế mới biết người khôn thì hay gặp gian
truân, chuyện đời khéo lắm trò quanh quẩn”.
(Phần
đầu Bài Tựa Truyện Kiều do Chu Mạnh Trinh viết bằng
Hán văn, Đoàn Quỳ dịch ra văn Nôm)
(5)
Bài của ông Doãn Quốc Sĩ đăng trên Bách Khoa.
(6)
Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị. Bạch Cư Dị làm quan bị
biếm ra đất Tầm Dương. Một đêm thu tiễn bạn ra bến
sông, gặp một kỹ nữ tuổi đã già, người chồng buôn
bán đường xa, để nàng cô quạnh trên bến sông. Người
kỹ nữ đàn cho BCD nghe và hai người cùng khóc cho số
phận hẩm hiu của mình. Tác phẩm nầy có ảnh hưởng
lớn trong văn chương Việt Nam, cổ cũng như hiện đại.