Bia mộ 132 tử sĩ. (Hình: Tố Thuận) |
Chết không phải là đã tắt hơi thở
Sống đôi khi cũng có nghĩa chết mòn.
(Chúc Thư)
Trong
một cuộc phỏng vấn với một sĩ quan VNCH đã trải qua
những giờ phút kinh hoàng trên bãi biển An Dương vào
ngày 26 Tháng Ba, 1975, khi một lữ đoàn Thủy Quân Lục
Chiến bị kẹt lại trên bờ biển, trước mặt là biển
cả chỉ có một chiếc tàu nhỏ hải quân vào đón thương
binh, sau lưng là quân thù và đạn pháo, phần lớn những
người lính thất trận đã bị “chết cạn” trên bờ
biển tại đây hay bị bắt làm tù binh, tôi đã đặt câu
hỏi với người lính còn sống sót đến hôm nay, là điều
gì khiến cho ông suy nghĩ nhất, sau ba mươi tám năm dài
trôi qua?
Ðiều
ông nói có thể khi mới nghe qua, chúng ta ngạc nhiên,
nhưng nghĩ lại nghe thật giản dị, nhưng không khỏi xót
xa:“Ðiều
ân hận của tôi là đã không được chết!”
Tôi nghĩ rằng câu nói của ông, người lính già, trong giờ phút nhắc lại chuyện cả một quân đội tan rã, bao nhiêu người đã nằm lại trên những con đường lui binh, trên những bờ biển tuyệt vọng của miền Nam, là một câu nói phát xuất từ đáy lòng, không khoa trương hay đại ngôn chút nào, bởi sự sống có trăm nghìn lần khó khăn hơn sự chết!
Tôi nghĩ rằng câu nói của ông, người lính già, trong giờ phút nhắc lại chuyện cả một quân đội tan rã, bao nhiêu người đã nằm lại trên những con đường lui binh, trên những bờ biển tuyệt vọng của miền Nam, là một câu nói phát xuất từ đáy lòng, không khoa trương hay đại ngôn chút nào, bởi sự sống có trăm nghìn lần khó khăn hơn sự chết!
Bản
năng sinh tồn của mọi loài là cố bám lấy sự sống.
Chúng ta cũng không trách ai những ngày hỗn loạn, tìm
được một chỗ trên trực thăng hay ra đi với toàn bộ
gia đình an toàn trên một chiến hạm ra khơi trong khi xe
tăng của địch quân đã vào đến Sài Gòn. Khi những con
tàu rời bến Khánh Hội, khi những chiếc trực thăng đã
bốc lên cao giữa một thủ đô đang hứng chịu những
quả đạn pháo kích cùng với cảnh hỗn loạn của một
giờ thất thủ, ở những nơi nào đó, có những người
lính đang tuân thủ lệnh chỉ huy giữ đất một phút
không rời, hay thất vọng đành quàng vai ôm nhau, chia
chung cái chết.
Ba
mươi tám năm sau, những người còn sống sót, bằng cách
này hay cách khác, lần lượt ra khỏi đất nước, đã
thật sự còn sống không hay cũng như đã chết. Có những
vị tướng đã chết lẫm liệt, cho những ông tướng
khác sống cuộc đời tầm thường trên đất khách, ngày
hai buổi sáng chiều và chết quạnh quẽ, hay thậm chí
còn quay về bợ đỡ kẻ thù.
Có
những người lính đã chết trong những giờ cuối cùng
để cho chiến hữu họ được sống, qua ngày đoạn
tháng, trở về trên những con đường tắm máu ngày xưa,
nhưng đầu óc trống rỗng, ngu ngơ như những người mất
trí nhớ. Có những người còn thân thể còn lành lặn
nhưng tâm thần tê liệt, trở lại rong chơi giữa số
phận nghiệt ngã của đồng đội què cụt quanh mình.
Trở
lại câu trả lời của người lính già, ông nói ngày
xưa, nếu nằm lại với anh em trên bãi biển, cái chết
đến một cách thật dễ dàng, nhưng cái sống bao nhiêu
năm nay quả là khó, vì không biết sống thế nào cho đáng
sống, cho khỏi hổ thẹn với chính mình, nhất là khi
nghĩ đến những người đã chết ngay trước mặt mình,
đã chết ngay sau lưng khi mình đã may mắn được ra đi.
Sống
phải chăng không dễ, vì sự sống còn mang nặng nghĩa vụ
với những người đã chết.
Chúng
tôi xin nhắc lại một câu chuyện cũ. Ngày 21 Tháng Sáu,
1945, khi quân đội Nhật không giữ được Okinawa, tại bộ
tư lệnh của đơn vị tại Mabumi, Tướng Mitsuri Ushijima
đã viết thư trình lên Thiên Hoàng Hiro Hito báo cáo về
tình hình chiến sự tại Okinawa và tạ tội không giữ
được đảo, trước khi tiến hành việc mổ bụng tự
sát, ông đã nói với Ðại Tá Hiromichi Yahara:
“Ðại
Tá Yahara, ông cũng như tôi lẽ ra phải tự sát. Nhưng tôi
ra lệnh cho ông ở lại. Nếu ông chết, sau này còn ai có
thẩm quyền để kể lại về trận chiến Okinawa này. Mặc
dù sống sau khi thua trận là nhục nhã, nhưng đây là lệnh
từ cấp chỉ huy của ông!”
Yahara
do đó là sĩ quan cao cấp bên phía Nhật sống sót sau trận
đánh và về sau ông đã cho xuất bản cuốn sách mang tựa
đề “Trận Ðánh Vì Okinawa.” Như vậy, sống còn phải
chăng cũng là một nghĩa vụ?
Lòng
dũng cảm không chỉ dành cho những vị anh hùng đã tự
sát. Sống cũng cần lòng dũng cảm. Từ ba mươi tám năm
nay có những người sống trong sợ hãi, tê cứng tứ chi
và đầu óc. Họ sợ khi trở về Việt Nam bị công an làm
khó dễ, họ sợ con cái của họ còn ở bên kia sẽ bị
liên lụy, họ sợ sẽ không được trở về để thăm
viếng người thân, nếu ở bên này họ có một cử chỉ
hay lời nói nào chống lại hay gây bất lợi cho chế độ
trong nước. Toàn là những cái sợ cho lợi lộc của bản
thân. Chúng tôi cũng xin nói thêm đây không phải là một
người dân bình thường, tình cờ một đêm nọ, có mặt
trên bãi biển, là điểm hẹn của những người vượt
biển, nên bị lùa xuống ghe, bất đắc dĩ phải bỏ nước
ra đi, mà họ là những người quyết định chọn cái
chết để tìm con đường sống, hay đã đánh đổi bằng
những năm tháng tù đày khốn khổ nơi chốn rừng thiêng
nước độc. Họ cũng không phải là những người lính
vô danh, những người này có hoạt động trong các hội
đoàn, có tên tuổi, có chức vị.
Một
lần tôi có hẹn phỏng vấn với một cán bộ xây dựng
nông thôn trên một chương trình truyền hình về quá
trình hoạt động của đơn vị ông trước năm 1975. Trước
giờ thu hình, tôi gọi điện thoại cho ông, ở đầu dây
bên kia, vợ ông trả lời “ông không có nhà.” Tôi ngỡ
rằng ông đang trên đường đến đài truyền hình, nhưng
khi tôi xưng danh tánh, bà vợ cho tôi biết “ông đã đi
xa – out of town!” Trời đất! Mới hôm qua đây, ông “ừ
è” với tôi, mà chỉ trong thời gian, chưa đến 24 tiếng
đồng hồ, ông đã trốn chạy một buổi phỏng vấn,
cũng là trốn chạy cái dĩ vãng mà ông thường tự cho là
hào hùng ngày xưa, chỉ vì một nỗi sợ hãi nào đó, mà
bản thân ông không đủ can đảm nói thật với tôi là
ông sợ.
Một
người nữa đang sống, bề ngoài có vẻ hào hùng nhưng
còn sợ hãi. Ðây là một cựu sĩ quan có chức vụ trong
một hội đoàn cựu quân nhân, và vào dịp Tháng Tư năm
nay, tôi muốn mời ông lên một chương trình nói về
những ngày “lui binh.” Ðến giờ thu hình, không thấy
ông đến, sốt ruột, tôi gọi cho ông. Ông trả lời vắn
tắt, trong khi đèn đuốc, sân quay, chuyên viên và cả tôi
đang chờ ông: “Tôi bận, không đến được!”
Ông biết truyền thông đi xa, có khi về tận bên kia, cẩn thận ẩn mình đi là tốt. Có điều tôi không hiểu sao ông lại dấn thân đi làm việc cộng đồng, trong khi lòng ông đầy sự sợ hãi. Ông muốn về Việt Nam chăng, hay là ông còn mẹ, còn em mà ông lấy cớ muốn bảo vệ họ, sự sợ hãi lớn lao đến dường ấy hay sao? Bây giờ mà cái bóng ma cộng sản còn lởn vởn bao trùm lên đời sống của ông, một người đã cao bay xa chạy, trong khi tuổi trẻ ở trong nước, những người dân bị phản bội, sống giữa kìm kẹp tù đày, vẫn không hề biết sợ hãi là gì!
Tướng McArthur nói: “Old soldiers never die; they just fade away – Người lính già không chết; họ chỉ phai nhạt dần đi.” Chết đã đành, sống mà phai nhạt, mờ dần trong quên lãng như cỏ cây, thì còn gì buồn hơn nữa!
Chết
và sống, điều gì khó hơn?
© Huy Phương