văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, April 29, 2013

Dương Nghiễm Mậu * Từ Hải Ngoại Truyện

dưới mắt Đinh Cường

Từ lâu người dân Hàng Châu đã được nghe nói về một đám giặc nổi lên ở vùng Sơn Đông, đa phần là dân chài lưới nghèo khổ, dần dần đám giặc mỗi lúc một đông, nhiều nơi dân chúng nổi lên giết quan quân mà theo giặc, thanh thế của chúng làm triều đình lo ngại và danh tiếng tên đầu đảng Từ Hải được nhiều người nhắc đến.

Vì xuất thân làm nghề chài lưới, quen với sông nước biển khơi nên đám giặc cứ men theo bờ biển mà tiến xuống phương Nam. Chẳng mấy chốc quân Từ Hải vượt qua sông Dương Tử chiếm Châu Thường, Vô Tích. Từ Hải đóng bản doanh ở Đại Hoàng cho nhiều cánh quân nhỏ tiến chiếm những phủ huyện chung quanh mở rộng vùng kiểm soát hướng tiến sát thủ phủ Hàng Châu. Trước thế giặc mỗi lúc một mạnh, triều đình sai Tổng đốc Hồ Tôn Hiến lãnh đại quân xuống trấn giữ Hàng Châu và tiễu trừ giặc cướp.

Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến tìm hiểu tình hình thấy thế giặc đang mạnh, dân chúng như đang ngóng chờ loạn lạc vì bất bình quan lại ức hiếp bóc lột. Trong khi đó nhìn vào đám quân dưới trướng, Hồ Tôn Hiến không khỏi e ngại: một đội ngũ ô hợp, ít trải qua chinh chiến, thiếu tập luyện, quân số đông nhưng không chắc chắn có thể thắng được giặc. Hồ Tôn Hiến cho dàn quân phòng bị ở những nơi hiểm yếu rồi sai một tên tướng trẻ mang một đội quân tiến sâu vào vùng lãnh địa mà quân Từ Hải đang chiếm giữ nhắm thăm dò sức giặc. Đoàn quân ra đi mới được hơn một ngày thì gặp quân của Từ Hải chặn đánh, quân triều đình chưa giao chiến đã tan rã, một phần buông vũ khí đầu hàng mong được sống sót, phần còn lại cố gắng chạy tháo thân nhưng phần lớn đều bị giết. Phải mấy ngày sau trận chiến mới có năm bảy tàn quân lê lết về được Hàng Châu báo tin cho Hồ Tôn Hiến. Dân chúng Hàng Châu nghe tin quân triều đình bị đánh tan tác thì nhộn nhạo hẳn lên, nhiều người đã thu gom của cải chuẩn bị tìm đường bỏ chạy một khi giặc tới. Hồ Tôn Hiến vội họp bàn với thuộc hạ về kế sách chống giặc. Tướng Tiểu Kích đứng lên nói:
- Xin Tổng Đốc ra lệnh tấn công tổng lực, chỉ có vậy mới yên lòng dân, với quân số lớn, chắc chắn quân ta sẽ chiến thắng. Tiểu tướng xin xung phong đi đầu.
- Không nên nóng vội
- Một viên tướng già cắt lời
- Lúc này giặc đang mạnh, quân ta vừa thất trận, trước nhất chúng ta phải chỉnh đốn lại hàng ngũ, canh phòng cẩn mật, chờ cho giặc khinh thường, lúc đó ta tiến quân cũng không muộn.
- Tại sao ta không chiêu hàng trước đã?
- Có nhiều tiếng cười ồ
- Một viên tướng già dưới trướng Hồ Tôn Hiến tên là Hổ Kiết Gia nói tiếp
- Trước hết chiêu hàng là một cách hoãn binh, vừa tỏ sức mạnh, trong khi chiêu hàng ta hứa phong cho Từ Hải chức to, ban nhiều ơn huệ, biết đâu giặc không ngả lòng mà quy thuận. Như thế ta không tốn một viên đạn mà dẹp yên được giặc, công của chúng ta đối với triều đình lớn biết chừng nào.
Tổng đốc họ Hồ nghe nói thì gật gù, đám bộ hạ chụm đầu vào nhau bàn tán, Hồ Tôn Hiến nhìn Hổ Kiết Gia nói:
- Vậy Hổ tướng quân có dám sang trại Từ Hải mà dụ giặc hàng không?
- Xin tuân lệnh.
Hồ Tôn Hiến vui mừng ra lệnh chọn ngay mười tên lính khỏe mạnh, không mang vũ khí, theo Hổ Kiết Gia ngay lập tức lên đường sang trại giặc.
Từ Hải đắc chí sau khi đánh tan đạo quân của triều đình liền tiến quân tủa ra các vùng phụ cận mở rộng tầm kiểm soát, khoa trương thanh thế nhắm uy hiếp tinh thần quân triều đình đang trấn giữ Hàng Châu. Một hôm giữa lúc Từ Hải đang duyệt quân chợt có lính tiền trạm phi ngựa về báo: có một toán người ngựa đang tiến tới doanh trại. Từ ra lệnh: hãy bắt trói dẫn chúng về tiền sảnh. Lúc sau quân hầu dẫn vào một toán chỉ có mười người, cùng một ông già, tất cả quỳ gối hướng vào đại sảnh. Từ Hải bước ra rút thanh gươm dài đeo bên mình dí mũi nhọn lên trán ông già và nói:
- Ngươi là ai mà dám cả gan tiến vào doanh trại của ta. Bọn bây được lệnh do thám cho tên Hồ Tôn Hiến phải không?
- Bẩm Tướng Quân, tiện dân tên là Hổ Kiết Gia vốn sinh ra ở đất này và sống dưới sự che chở của Tướng Quân. Nhân được biết Tổng đốc họ Hồ có ý muốn mời Tướng Quân về cộng tác nhưng vì oai phong của Tướng Quân, đám tùy tướng của Tổng Đốc không ai dám nhận lãnh sứ mạng tới đây để đề đạt cùng Tướng Quân điều đó. Ai cũng sợ mắc khinh xuất mà phạm lỗi khiến ra đi mà không còn đầu để trở về. Là con dân của Tướng Quân, lại được biết Hồ Tổng đốc là người rất kính trọng Tướng Quân nên tiện dân không sợ chết mà tới đây để trình bày cùng Tướng Quân ngu ý của mình: chiến tranh chém giết không phải là điều tốt. Tướng Quân cùng các nghĩa sỹ vùng lên là để trừ cái xấu, cứu dân lành khốn khổ ra khỏi lầm than. Tướng Quân có vui gì khi binh sĩ hai bên chém giết nhau? Có hân hoan nhìn dân đen la khóc trong cảnh nhà tan cửa nát, người thân vong mạng? Chắc hẳn là không, vậy tại sao Tướng Quân không về hợp tác với Hồ Tổng đốc? Lại nữa về phần cá nhân, Tướng Quân có chắc mũi tên hòn đạn có mắt để tránh Tướng Quân? Cái chết không ai nói trước được. Tướng Quân không nghĩ tới vợ con gia đình sao?
Hổ Kiết Gia ngừng nói. Từ Hải vẻ tư lự bỏ mũi gươm ra khỏi đầu lão già rồi ra lệnh cho đám người đang quỳ trước mặt được bình thân.
- Vậy ra nhà ngươi là kẻ tới đây dụ ta quy thuận triều đình?
Từ Hải cười vang:
- Ta đang một mình một cõi, trên là trời, dưới là đất, vậy mà ngươi lại dùng những lời hoa mỹ để dụ ta cúi mình bước vào chốn triều trung giữa đám vua quan hôi hám là thế nào? Quân sỹ đâu, hãy mang chúng ra ngoài chém đầu, chỉ bớt lại đứa khỏe mạnh nhất để nó mang thủ cấp đồng bọn về.
Đám cận vệ dạ vang, Hổ Kiết Gia và đám tùy tùng kinh hãi quỳ mọp xuống đất vái lạy xin tha mạng. Chợt từ trong đại sảnh vợ Từ Hải bước ra, cầm tay chồng:
- Họ có tội gì mà giết? Hổ Kiết Gia tới đây là vì lòng nhân trong người hắn, hắn không muốn thấy cảnh đầu rơi máu chảy, lại thấy triều đình muốn hòa chứ không muốn chiến. Giết họ chỉ có hại cho uy đức bấy lâu nay của Tướng quân. Hòa hay chiến là quyết định của Tướng quân. Lại nữa muốn chiêu hòa thì triều đình phải cho quan chức tới thương thảo chứ đâu phải chỉ qua lời một tiện dân mà được. Tha cho họ về là tỏ cái đức hiếu sinh của Tướng quân và mở lối cho con đường hòa hiếu nếu Hồ Tôn Hiến thực lòng cầu hòa. Thiếp xin tướng quân hãy tha chết cho họ.
Từ Hải quay lại nhìn vợ cười khà khà đắc ý:
- Lời của vợ ta nói rất hay, ta tha chết cho bọn bay. Bọn bay về nói rõ cho tên họ Hồ rằng muốn ta khom lưng mà về quy thuận hãy đợi lúc ta bại trận cùng đường. Còn bây giờ hãy đợi đấy, mấy ngày nữa ta sẽ đem quân vào Hàng Châu hỏi tội bọn tham quan ô lại, thiêu sạch trà đình tửu điếm, nhà thổ…
Từ Hải quay vào sau khi bảo quân lính đưa mấy người bị bắt xuống nhà nghỉ đãi đằng rượu thịt rồi thả cho về.
Hổ Kiết Gia từ doanh trại Từ Hải về đến Hàng Châu đi thẳng tới dinh Hồ Tôn Hiến trình tấu sự việc. Tổng Đốc nghe xong im lặng một lúc mới nói:
- Thật khó mà chiêu dụ được tên giặc này. Phải lo chống trả thôi.
Hổ Kiết Gia nói:
- Từ Hải nghe lời vợ không chém đầu bọn tôi.
Vợ hắn còn nói: mở lối cho con đường hòa hiếu. Ta chỉ mới thăm dò chứ đâu đã thương thảo gì với hắn. Vấn đề bây giờ là tìm người có thể đi thương thảo. Ta phải làm sao cho hắn thấy cái lợi khi chịu tuân phục. Bọn nó làm giặc chỉ vì đói khổ, bị đàn áp bóc lột chứ làm giặc thì sung sướng gì. Như chúng ta đây thì có ai lại dại gì mà đi làm giặc?
Hồ Tôn Hiến nét mặt căng thẳng, đám bầy tôi dưới trướng lặng im không ai dám bàn tán. Tổng Đốc họ Hồ nói:
- Những điều Hổ Kiết Gia nói đáng để chúng ta suy nghĩ. Thái độ không cự tuyệt đủ để chúng ta thăm dò xem Từ Hải muốn gì? Dụ được Từ Hải tuân phục là điều đáng làm. Vậy ai là người có thể nhận trọng trách này?
Trung quân họ Khổng đứng bật dậy
- Tiểu tướng xin đi.
Hồ Tôn Hiến mừng rỡ sai chuẩn bị những vật phẩm quý để cho Trung quân họ Khổng mang sang tặng Từ Hải gồm: vàng bạc, lụa là gấm vóc, châu báu. Đặc biệt còn phái qua một người hầu gái giỏi vốn hầu hạ phu nhân họ Hồ sang hầu hạ vợ Từ Hải. Trước khi lên đường Tổng Đốc họ Hồ còn căn dặn Trung Quân:
- Ở nơi thương thảo với giặc cũng giống như khi đối mặt nơi chiến trường, tướng cầm quân phải tùy cơ ứng biến. Từ Hải là tay thiện chiến lại có mưu lược nhưng dù nhiều năm trận mạc vẫn chưa thấy lộ ý đồ thực hiện mộng bá vương, trước sau vẫn chỉ là một đám giặc, như thế ta có thể dùng cái lợi, cái danh để chiêu dụ. Mặt khác con người tất có tình cảm, Từ Hải sống với Thúy Kiều, đời sống vợ chồng không thể nay đây mai đó ở giữa nơi cát bụi, ta phải làm sao cho nó thấy nếu quy hàng thì vợ phú chồng vinh sống an bình hạnh phúc, đường đường một bậc quan gia để trở về quê hương bản quán, mở mày mở mặt với gia đình, họ tộc. Nghe Hổ Kiết Gia nói về hành xử của Thúy Kiều, ta nghĩ đó là một nhân tố giúp ta chiêu dụ được Từ Hải. Người đàn bà chỉ nhìn thấy cái trước mắt, họ không muốn phải sống giữa cảnh đầu rơi máu chảy, phải xa cách cha mẹ anh em, nên hơn ai hết nàng sẽ là người chủ hòa và tất nhiên tác động tới Từ Hải.
Trung quân vâng lệnh cùng đoàn tùy tùng lên đường mang theo tặng phẩm thẳng tới doanh trại Từ Hải. Chưa tới nơi Khổng Trung Quân đã bị lính chặn lại và phi báo về bản doanh cho Từ Hải biết. Từ Hải nói:
- Chắc là chúng cử người sang chiêu dụ ta hàng đây.
Từ Hải cho quân giàn kín trước doanh trại, gươm đao như rừng rồi ra lệnh cho Khổng Trung quân vào. Chưa kịp xưng tên thi lễ Trung quân đã giật mình run sợ vì tiếng gươm đập xuống thư án cùng tiếng quát của Từ Hải:
- Mày tới đây làm thuyết khách phải không?
Trung quân vội vàng quỳ xuống thi lễ:
- Bẩm tâu Tướng Quân, Hồ Tổng Đốc sai tiểu tướng tới đây trước hết là để tỏ lòng ngưỡng mộ Tướng Quân dù chưa có dịp diện kiến nhưng oai đức lừng lẫy của Tướng Quân thì muôn người như một đều khâm phục, vì thế Hồ Tổng Đốc sai tiện hạ dâng lên Tướng Quân một chút lễ mọn xin Tướng Quân nhận cho.
Từ Hải nói:
- Chưa quen biết mà đã tặng lễ vật nhiều như thế này là ý làm sao?
- Hồ Tổng Đốc là người trọng kẻ nghĩa khí và muốn cùng Tướng Quân giao hiếu, đó là bước đầu. Sau là xin Tướng Quân nghĩ tới việc hợp tác với triều đình từ bỏ con đường đối đầu để không còn cảnh thịt rơi máu chảy, giúp người dân an cư lạc nghiệp.
Từ Hải giữ yên nét mặt:
- Hợp tác là đầu hàng chứ gì? Nay ta đang sống ngoài vòng cương tỏa, tự tung tự tác, sao có thể tự trói mình mà vào luồn ra cúi nơi cửa quyền? Ta lại vốn là tên thuyền chài đóng khố nay lại nhận sắc vua phong tước, mang cân đai bố tử vào ngồi cùng đám văn võ bá quan, như thế bọn chúng sao chịu nổi và chắc chắn sẽ mưu hại ta trong cảnh thân cô thế cô.
- Tiện hạ xin thưa cùng Tướng Quân thế này. Những suy nghĩ của Tướng Quân rất thực tế. Nhưng nếu triều đình chỉ muốn Tướng Quân không tấn công vào Hàng Châu, giúp triều đình ngăn chặn những đám giặc cướp đang nổi lên, vỗ yên trăm họ cùng với Tổng Đốc hưởng vinh hoa phú quý thì Đại Vương nghĩ sao?
Từ Hải im lặng một lúc rồi nói:
- Những gợi ý của Khổng Trung quân rất hay nhưng Tổng Đốc có đoan quyết như thế không? Chỉ nói suông với nhau như thế này thì không được. Phải có minh văn và ta phải có bàn luận, vậy Trung quân hãy trở về nói rõ điều chúng ta đã trao đổi với nhau cùng Hồ Tổng Đốc. Ta sẽ phúc đáp sau khi nhận đươc minh văn.
Khổng Trung quân liền cùng đoàn tùy tùng thi lễ rồi lên đường trở lại thủ phủ Hàng Châu. Riêng Từ Hải quay vào trong, Thúy Kiều đang ngồi ở đó. Từ Hải nói:
- Chắc phu nhân đã nghe rõ câu chuyện, ý phu nhân thế nào?
- Thiếp nghĩ chúng ta không thể làm giặc mãi được. Tuy nhiên mọi điều là ở Tướng quân thấy được cái hay cái dở để quyết định. Hết chinh chiến chúng ta được sống bên nhau nhiều hơn. Sẽ được đoàn tụ với gia đình, chỉ nghĩ đến điều này thiếp đã thấy vui.
Khổng Trung quân về tới Hàng Châu, Hồ Tôn Hiến vội cho triệu tập thuộc hạ thân cận dưới trướng họp bàn. Sau khi nghe Trung quân tường trình mọi việc và những điều Từ Hải muốn triều đình cam kết khi hắn về tuân phục. Hồ Tôn Hiến nghiêm nét mặt nói:
- Không được, nói là quy thuận nhưng vẫn là anh hùng một cõi, về sau trở mặt thì sao? Việc này phải đình lại để xem xét và tâu lên triều đình đã.
Không khí buổi họp bàn trở nên căng thẳng. Nhiều ý kiến khác nhau là hòa hay chiến, từ đó lộ ra một sự thật: đa phần đều lo sợ sức mạnh của quân giặc.
Trung quân với giọng mạnh mẽ:
- Ta đã thương thảo cùng giặc, nay nó đồng ý quy thuận ta lại không cho. Điều này chắc làm cho Từ Hải tức giận vì việc chiêu dụ chỉ là để lung lạc tinh thần đối phương chứ không thực tình. Với lực lượng lớn mạnh và tinh thần hăng say liều mạng của giặc liệu ta có giữ được Hàng Châu hay không?
Câu hỏi đặt ra làm cho cuộc họp rơi vào không khí căng thẳng. Một người ngồi gần Hồ Tôn Hiến đứng lên – đó là Tiết Dũng, một viên tướng già ở dưới trướng họ Hồ từ lâu:
- Tiểu tướng xin dâng một kế sách: ta dụ cho cọp ra khỏi hang rồi giết đi là xong.
- Nói thì dễ nhưng thực hiện như thế nào?
Tiết Dũng lên tiếng:
- Đây là kế sách của tôi – Tiết Dũng nói tiếp – Ta viết minh văn nêu rõ những điều chúng ta cam kết rồi để Trung quân mang sang thương thảo một lần nữa, làm cho chúng tưởng ta thiết tha với việc hòa hiếu. Nếu giặc đồng ý sẽ định ngày mang quân sang đón giặc quy hàng. Lúc ấy ta loan tin này một cách rộng rãi cho dân chúng và quân giặc để tạo không khí tin cậy. Trước ngày lễ quy thuận ta cho chở sang trại giặc thật nhiều rượu ngon, thịt béo để giặc khao quân. Ta bố trí lại quân, rút đi vài đơn vị đóng gần trại giặc. Tất cả là để cho giặc tin vào minh ước mà không đề phòng. Trong khi đó chúng ta bố trí một đơn vị nhỏ tinh nhuệ dàn chào chờ khi Từ Hải tới thì nổi trống chiêng như chào đón nhưng thực chất là mệnh lệnh sát thủ, cùng lúc quân ở tiền tuyến cũng tiến công ra uy ngăn chặnkhông cho giặc tiếp cứu. Tiểu tướng thiển nghĩ nếu không bắt sống được Từ Hải thì cũng giết được nó. Chủ tướng đã chết tất nhiên quân giặc tan rã.
Hồ Tôn Hiến vui mừng reo lên:
- Thật là diệu kế.
Liền đó Hồ Tôn Hiến cắt đặt công việc cho từng người, từng đơn vị thực hiện kế sách của Tiết Dũng.
Từ Hải sau khi đưa yêu sách cho Hồ Tôn Hiến ngồi chờ phúc đáp với vẻ bồn chồn nôn nóng, tư tưởng cầu an như đã chế ngự con người trước đây chỉ biết dọc ngang vùng vẫy. Bỗng có tin báo: Khổng Trung quân cùng đoàn tùy tùng tới. Từ Hải ra nghênh đón với vẻ vui mừng, sau khi mọi người cùng nhau thi lễ, Khổng Trung quân trình cho Từ Hải tờ minh văn. Thấy Từ Hải đã đọc xong, Trung quân liền nói:
- Như vậy còn có điều gì mà Tướng quân chưa hài lòng?
Từ Hải cười lớn:
- Chỉ cần một điều cho ta chọn lựa: muốn làm quan thì vào triều đình, nếu muốn cầm quân trấn nhậm ở nơi hiểm yếu triều đình cũng thuận. Ta vốn sống tự do đã quen, nay được làm lá chắn cho vùng trận địa thì còn gì bằng. Điều này thuận ý ta mà cũng rất lợi cho triều đình: giặc nghe tới tên Từ Hải là đã tan hàng chứ cần gì đợi giao tranh.
Từ Hải cười vang vẻ đắc trí và lập tức sai quân dọn tiệc khoản đãi Khổng Trung quân và đoàn tùy tùng trước khi đoàn trở về thủ phủ Hàng Châu. Liền sau đóTừ Hải họp bộ hạ báo tin việc tuân phục triều đình và sửa soạn hội khao quân vào ngày làm lễ quy thuận. Quân lính reo hò nhảy múa. Quân thám báo của Từ Hải phái đi xem tình hình quân địch trở về báo cho Từ Hải về việc một đội quân của triều đình đã rút đi, dân chúng trong thủ phủ Hàng Châu được lệnh treo đèn kết hoa mở hội ăn mừng hòa bình. Từ Hải nghe tường trình càng thêm yên tâm, không nghĩ tới những bất trắc có thể xẩy ra để phòng bị mà còn giao khoán việc quân cho thuộc cấp còn mình thì mải mê bên vợ với rượu ngon, đàn hát, chẳng hay biết gì về cái bẫy đang giăng ra chờ đợi.


Tại thủ phủ Hàng Châu, cáo thị của quan Tổng đốc kêu gọi dân chúng tham gia làm sạch đường xá, trang trí nhà cửa để chào mừng ngày Từ Hải mang quân về quy thuận triều đình, trong dịp này tù nhân sẽ được ân xá, triều đình mở kho lương thực phát chẩn cho người nghèo. Dân chúng bu lại trước những tấm cáo thị bàn tán râm ran với vẻ hào hứng khác thường. Có kẻ nói: vậy là không phải chạy loạn nữa, thoát cảnh giặc pha nhà cháy. Có người nói: khó tin, Từ Hải mới đây kéo quân xuống Lâm Truy cho vợ báo ân trả oán vang động cả một góc trời, đi tới đâu thắng tới đó, bao nhiêu quan chức quyền thế và bọn nhà giàu toi mạng, sao bỗng nhiên hạ khí giới quy hàng, khó tin. Có người giọng khôi hài: chắc làm giặc mãi cũng chán nên đổi sang làm quan, thời nay làm quan cũng là làm giặc thôi. Có người nói: chuyện này chắc có mưu mẹo gì đây cũng không chừng. Có kẻ nói: chán quá, tưởng có đổi đời, hôm nay vẫn như ngày hôm qua thôi. Có người giọng tức giận: cái thằng Từ Hải chết tiệt này sao không làm giặc nữa cho mình được nhờ. Người nói thế này người nói thế khác nhưng rõ ràng trên khuôn mặt họ bớt đi vẻ lo âu của những ngày trước đó.
Ngày lễ quy thuận của Từ Hải đã đến. Lễ đài được dựng lên. Lá cờ vàng có bốn chữ “Đại Thiên Chiêu Phủ” đã tung bay trên kỳ đài. Vào nửa đêm trước khi bước sang ngày Từ Hải đem quân về hàng, Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến cho triệu khẩn Khổng Trung quân tới bản doanh nhận lệnh. Khổng Trung quân tức tốc vào ngay bản doanh trình diện. Hồ Tổng đốc đang ngồi một mình thấy mặt Trung quân, họ Hồ đứng ngay dậy và nói:
- Ta đã nghĩ lại và không thi hành kế sách của Tiết Dũng nữa. Tướng quân hãy rút ngay đội quân đã bố trí ra khỏi lễ đài.
Trung quân há hốc mồm đầy kinh ngạc:
- Đã ra lệnh giết nay lại ra lệnh thôi. Tiện hạ thật không hiểu nổi.
- Từ Hải xin tuân phục, ta đã viết minh văn, nay ta phục binh chém được đầu nó thì ta mất lòng dân. Sau này làm sao chúng ta chiêu dụ được những đám giặc khác? Giết hắn vô tình ta đã phong anh hùng cho nó. Có khi giết được Từ Hải này lại mọc Từ Hải khác, như vậy lợi bất cập hại. Tại sao ta lại không dùng giặc lớn giết giặc nhỏ? Trung quân hãy cầm cờ lệnh này đi bố trí lại các đơn vị cho lễ quy hàng của Từ Hải vào ngày mai.
Trung quân nhận cờ lệnh vội vàng đi ngay vì thấy thời gian không còn nhiều.
Sáng hôm sau cả thủ phủ Hàng Châu tràn sắc cờ hoa, tiếng chiêng trống rộn rã, nhiều người dân kéo tới chung quanh khu lễ đài chờ coi Từ Hải mang quân về quy hàng. Người ta thấy từ xa Từ Hải cưỡi ngựa đi tới, hai bên có tùy tướng. Theo sau là một đoàn quân. Tiếng kèn đồng vang lên, Từ Hải dừng lại, một tiểu tướng của triều đình bước tới thi lễ, Từ Hải xuống ngựa, cởi bỏ giáp trụ, khí giới cá nhân rồi theo sự hướng dẫn bước tới lễ đài nơi Hồ Tổng Đốc đã đứng đợi. Tiếng chiêng trống vang trời, Từ Hải và Hồ Tôn Hiến giao bái rồi cùng nhau tiến hành lễ giao kết và vọng bái Hoàng Đế. Nghi lễ đã xong, Hồ Tôn Hiến dẫn Từ Hải vào trong đại sảnh dự đại tiệc. Hồ Tổng Đốc sai quân hầu rót hai chén rượu đầy cho mình và cho Từ Hải, hai tay nâng chén rượu lên cao rồi nói lớn:
- Hoàng Đế vạn tuế, vạn vạn tuế, thống nhất sơn hà, muôn năm trường trị.
Tiếng hô vang dội tưởng có thể sụp đổ cả sảnh đường. Từ Hải vòng tay hơi cúi mình trước Tổng đốc họ Hồ và nói:
- Thật là đại phúc cho Từ Hải này được Tổng đốc mở cho con đường sống. Kẻ hèn này nguyện mang hết sức bình sinh ra lập công trạng để đền đáp ơn cứu sinh của Tổng đốc.
Hồ Tôn Hiến hơi cúi mình nói:
- Nhờ sự sáng suốt, lòng nhân ái với nhân dân của Tướng quân mà chúng ta mới có ngày hôm nay, xin cạn chén chúc mừng ngày chúng ta được sống chung dưới một mái nhà.
Sau đại tiệc, Hồ Tôn Hiến họp với bộ hạ dưới trướng thấy ai cũng hoan hỷ về thành công dụ được Từ Hải quy hàng. Riêng Từ Hải trở về doanh trại xuống lệnh cho quân lính tiếp tục vui chơi, còn phần mình thì hết bình rượu này tới bình rượu khác với Thúy Kiều trong vòng tay, tiếng đàn tiếng hát vây bọc, hình như chưa có chiến thắng nào trong quá khứ đưa đến cho Từ Hải sự hân hoan như tiệc rượu ngày quy hàng. Có phải vì từ nay không còn chinh chiến?
Việc Từ Hải quy hàng cất đi một gánh nặng trước mắt đối với Hồ Tôn Hiến. Nhưng với số quân giặc đông đảo vốn thiện chiến áp sát thủ phủ Hàng Châu là một mối lo của Hồ Tôn Hiến. Ngay từ những ngày đầu họ Hồ đã cho quân thám sát đám hàng quân phòng bất trắc và toan tính việc bố trí lại quân của Từ Hải. Nhưng để yên lòng giặc nên Hồ Tôn Hiến đã không có ngay bất cứ một hành động nào có thể gây nghi ngờ cho Từ Hải trong những ngày hòa bình đầu tiên.
Hồ Tôn Hiến đãi ngộ Từ Hải với một vẻ ân cần nhưng vẫn xa cách. Khi tham dự vào sinh hoạt nơi cửa quyền Từ Hải không thể hòa nhập được với các quan chức, thiếu hẳn những kết thân và trong giao tiếp có hàm chứa sự nghi kỵ. Ngôi dinh thự, tiêu chuẩn của một chức sắc cấp cao của vợ chồng Từ Hải cũng chỉ có những thuộc cấp lui tới. Thúy Kiều khi bước chân vào ngôi dinh thự nàng thấy như một giấc mơ, nàng háo hức với những thay đổi. Nàng tự hỏi: có phải cuộc sống trôi nổi nay đây mai đó cùng với vó ngụa giang hồ không biết tới ngày mai nay đã là quá khứ? Nàng có một niềm an ủi nhỏ bên mình đó là Lôi Mộc, người lính già đã đi theo Từ Hải từ Việt Đông, và A Hoàn ở lầu xanh mà nàng đã mang theo khi về sống với Từ Hải. Những ngày vui của cuộc sống mới không kéo dài, Thúy Kiều dần dần cảm thấy nhịp sống bình yên nhưng sao tẻ nhạt. Nhiều lúc nỗi nhớ nhà lại dâng lên.
Sau những ngày nghỉ ngơi Từ Hải họp bộ hạ, khi điểm mặt thuộc cấp nắm các cánh quân chính Từ Hải ngạc nhiên không thấy tướng Châu Bá, một chỉ huy trận mạc can đảm và tài giỏi. Từ Hải ra lệnh cho quân cận vệ hỏa tốc đi triệu. Lúc sau quân cận vệ về báo: doanh trại bỏ trống, không một bóng người. Từ Hải đầy vẻ kinh ngạc. Một tiểu tướng đứng dậy nói:
- Hồi quá nửa đêm hôm qua quân tuần tiễu đơn vị của tiểu tướng có thông báo: đơn vị bạn đang đổi địa điểm đóng quân. Tiểu tướng có ra khỏi trại định hỏi nhưng nghĩ lại thấy việc binh là cơ mật nên thôi. Trước khi đoàn quân rời doanh trại đèn đuốc đã được tắt hết, các toán quân nhỏ rời đi trong trật tự và im lặng, chỉ trong chốc lát đoàn quân đã mất hút trong đêm tối.
Từ Hải hỏi:
- Bọn nó đi về hướng nào?
- Họ đi theo hướng đông nam, nếu đi thẳng sẽ tới vùng biên địa hiểm trở Châu Thai. Vậy đoàn quân ấy di chuyển không có lệnh của Tướng quân?
Từ Hải không trả lời và lập tức ra lệnh cho một toán kỵ binh theo dấu vết của đoàn quân bỏ trốn đuổi theo. Sau đó Từ Hải ra lệnh cho chỉ huy các đơn vị trở về doanh trại, chỉnh đốn quân chờ tổng thao dượt. Tới cuối ngày toán kỵ binh trở về mang theo hai binh sỹ què chân của đơn vị đã trốn. Hai binh sỹ được dẫn tới trước mặt Từ Hải. Từ Hải quát lớn:
- Bọn nó đi đâu hai đứa biết không?
- Bẩm Tướng quân, nghe nói đi kết nghĩa với quân ở Châu Thai, đường xa, hai chúng con thì què nên họ bỏ lại dọc đường.
- Tại sao bỏ đi?
- Dạ dạ vì ở đây suốt ngày chỉ tập võ, chạy nhảy ăn ngủ, chẳng có đánh đấm gì cả làm cuồng chân cuồng tay. Các huynh đệ đi cả mình ở lại với ai?
Từ Hải đứng yên nhìn bầu trời thở dài. Một đơn vị bỏ đi, rồi hai đơn vị và khi quân lính bỏ đi hết thì điều gì sẽ đến? Từ Hải bần thần nhìn hai chiến binh từng phục vụ trong đoàn quân của mình đang ngồi bệt dưới đất, mặt cúi gằm, thân hình tiều tụy, quần áo rách rưới bẩn thỉu, chân què không đứng lên được. Từ Hải thấy mủi lòng và nghĩ tới những ngày tháng đã qua trong cuộc trường chinh: bao nhiêu con người đã đến với mình, đã gian khổ cùng mình, có người đã chết vì mình, và chợt một câu thơ cổ mà ai đó đã đọc cho nghe vang lên trong trí nhớ Từ Hải: nhất tướng công thành vạn cốt khô. Một lúc sau Từ ra lệnh cho đám cận vệ lo chăm sóc cho hai chiến binh. Từ Hải lặng lẽ cầm lấy bình rượu bước ra ngoài vừa đi vừa uống.
Từ sáng sớm binh lính đã chỉnh tề hàng ngũ. Từ Hải lên ngựa cùng các tùy tướng lần lượt đi kiểm tra từng đơn vị một. Việc biến mất đoàn quân tinh nhuệ dưới quyền tiểu tướng Châu Bá làm Từ Hải lo âu. Nay kiểm tra thực tế Từ Hải còn nhận ra sự thiếu hụt quân số trong các đơn vị và nguy hiểm hơn nữa quân lính tỏ ra mệt mỏi không còn bừng bừng tinh thần chiến đấu như những ngày tháng cũ. Khi họp các tướng dưới quyền, một tùy tướng nói:
- Những ngày qua trong quân có nhiều binh lính đã bỏ trốn, có kẻ bị bắt lại hỏi nguyên nhân trốn đi thì đứa nào cũng nói: nhớ nhà muốn về thăm gia đình. Vì nhàn rỗi còn sinh ra cờ bạc, rượu chè, gây lộn.
Bỗng có lính canh chạy vào phi báo có Hồ Tổng đốc tới. Từ Hải vừa bước ra thì Hồ Tôn Hiến cũng đang xuống ngựa ngoài sân trại. Hai người thi lễ rồi cùng bước vào đại sảnh nơi đang có mặt những thuộc cấp của Từ Hải. Hồ Tôn Hiến nói:
- Được tin Tướng quân thao dượt binh mã nên tới, ai ngờ còn được gặp mặt các tướng tài ở đây.
Sau khi chào hỏi mọi người an tọa, Từ Hải nói:
- Sau khi kiểm tra các đơn vị, anh em chúng tôi thấy có vài vấn đề phải trao đổi, như sinh hoạt và quân kỷ.
- Đúng rồi, trong lúc nghỉ ngơi thường nảy sinh tình trạng vô kỷ luật điều này khắc phục cũng dễ, ngoài ra còn có vấn đề nào khác không?
- Một số quân sỹ đã xin được trở về nhà, không cho đi cũng trốn trại, lệnh cấm quân đã được thi hành, hình phạt nặng đã được ban bố.
Hồ Tôn Hiến hơi mỉm cười đưa tay khoác khoác nói:
- Ồ thế thì không nên, phải nhìn rõ vấn đề. Quân lính sau nhiều năm chinh chiến muốn về nhà là nguyện vọng chính đáng, nay ta dùng kỷ luật giữ lại e họ bất mãn và mất tinh thần chiến đấu. Binh sỹ dưới trướng của Tướng quân nay cũng là quân của triều đình. Việc chỉnh đốn binh mã của Tướng quân là rất cần thiết. Ở cương vị Tổng đốc tôi tự thấy có thiếu sót: các chiến binh về với triều đình chưa được tưởng thưởng. Tôi đề xuất với Tướng quân thế này: tưởng thưởng cho những ai tình nguyện ở lại trong quân ngũ, giúp lương thực, phương tiện cho những ai muốn trở về nhà, điều này phù hơp với chính sách an dân của triều đình. Bước sau đó là kiện toàn các đơn vị, việc thiếu quân số sẽ được bổ xung từ những đơn vị khác hoặc mở hội tuyển quân mới. Tướng quân thấy thế nào?
Từ Hải ngẩn người đứng nghe bỗng giật mình với câu hỏi của Hồ Tôn Hiến. Từ Hải vòng tay đầu hơi cúi xuống:
- Đa tạ Tổng đốc, thuộc cấp sẽ thực hiện ngay những đề xuất của Tổng đốc.
Sau một hồi trò chuyện Hồ Tôn Hiến lên ngựa ra về với vẻ mặt tươi vui khác thường. Khổng Trung quân đi sát bên hỏi:
- Tiểu tướng chưa từng thấy khi nào Tổng đốc vui như ngày hôm nay?
- Cả một gánh lo âu đè nặng trên vai đã được cất bỏ. Giặc Từ Hải thực tế đã tự tan rã, như thế không vui sao được!
Hồ Tôn Hiến vừa nói vừa gật gù, thả lỏng cương ngựa trở về dinh.


Sau khi đề xuất của Hồ Tôn Hiến được Từ Hải cho thực hiện số quân cũ không còn bao nhiêu, nó đã tan loãng vào quân của triều đình và những tân binh mới được tuyển bổ xung. Binh lính dưới quyền Từ Hải nay không còn là những nghĩa sỹ trừ gian diệt bạo, lấy của người giàu chia cho người nghèo, nay họ là những binh sỹ bảo vệ triều đình, chống những ai nổi dậy đe dọa uy quyền của triều đình. Không phải tất cả những cựu binh của Từ Hải được giải ngũ đều trở về nhà mà một số túa vào Hàng Châu kiếm ăn bằng nhiều cách: kẻ khỏe mạnh có võ nghệ được các cao lâu, tửu điếm, nhà chứa thuê canh gác, kẻ thì làm phu phen, kẻ đi ăn trộm ăn cắp. Và có cả những kẻ lê lết ăn xin trên đường. Một số khác đi nhập bọn với những đám giặc mới nổi lên.
Quân số đã đủ, hàng ngũ đã ổn định là lúc Hồ Tôn Hiến cho Từ Hải bố trí lại các địa điểm đóng quân. Các đơn vị tiền phương được đưa đến những nơi hiểm yếu, đơn vị chỉ huy của Từ Hải đóng ở trung tâm nhưng lùi lại phía sau, tất cả đều ở xa thủ phủ Hàng Châu, khiến cho Từ Hải thường xuyên phải xa nhà và Thúy Kiều thì một mình một bóng. Từ Hải muốn vợ ở gần mình nhưng phân vân chưa quyết. Những đe dọa đã xuất hiện ở phía trước, nhiều ổ giặc đang lớn mạnh, có ổ giặc đã mở rộng vùng kiểm soát làm dân chúng phải bỏ chạy. Thủ phủ Hàng Châu cũng không yên ổn với làn sóng người nghèo từ các vùng nông thôn chạy lên kiếm sống vì mất mùa, vì trộm cướp, vì quan lại địa phương bóc lột áp bức. Không có nghề, để sống họ làm phu phen, bán hàng rong, nhiều cô gái bị dụ vào các nhà thổ, tăng thêm đội quân ăn cắp, cướp giật, ăn xin, có kẻ cạo trọc đầu vào chùa kiếm ăn.
Một buổi sáng trong khi Thúy Kiều đang ở trong phòng thì một lính gác vào báo có khách xin gặp, Thúy Kiều ngạc nhiên tự hỏi ai vậy? Tìm gặp mình hay gặp chồng? Người lạ hay người quen? Thúy Kiều ra lệnh mời khách vào. Nàng bước ra cửa nhìn thấy ba người đang bước qua cổng vào sân. Đi trước là một phụ nữ, đi sau có người đàn ông mặc áo nâu vác trên vai một hòm gỗ nhỏ, người thanh niên đi sau xách một chiếc giỏ đan bằng tre, Thúy Kiều bước ra hiên, ba người khách đứng lại, người đàn bà cúi lạy, hai người đi sau cũng làm theo. Thúy Kiều cúi đầu chào lại hỏi:
- Bà là ai? Gặp tôi có việc gì?
Người đàn bà tươi cười, hai bàn tay mở ra trước mặt với vẻ hớn hở:
- Phu nhân không nhận ra con sao? Con từng hầu hạ phu nhân ở nhà bà Hoạn Thư.
Thúy Kiều sững người khi nghe hai tiếng Hoạn Thư và trong trí nhớ bỗng hiện ra những ngày hoảng loạn khi bị bắt cóc đưa tới một tòa dinh thự, nàng cố nhớ lại những người chung quanh, nàng không thể nhớ được bất cứ một khuôn mặt nào trừ người đàn bà cay độc mà sau đó nàng đã ra lệnh cho quân lính hành hạ. Thúy Kiều ra dấu cho người đàn bà bước vào nhà. Thúy Kiều ngồi xuống ghế lấy lại bình tĩnh. Người đàn bà bước qua cửa ngồi xệp ngay xuống nền gạch, bảo hai người đi theo để thùng gỗ và chiếc giỏ trước mặt Thúy Kiều rồi ra ngoài, người đàn bà nói:
- Phu nhân không nhớ con nhưng con nhớ Phu nhân. Từ đó đến nay đã lâu mà thấy phu nhân không hề đổi khác. Con xin chúc mừng phu nhân.
- Bà nói ngay đi: bà tới gặp tôi có việc gì?
- Con vâng lệnh Hoạn Tiểu Thư mang tặng phẩm tới đây trước hết để chúc mừng Phu nhân nay đã là một phu nhân có phẩm trật trong triều đình và sau là để tạ ơn Phu nhân ngày xưa đã tha chết cho mình. Hiện nay Thúc Lang cũng đã ra làm quan ở Lâm Truy, Tiểu thư nói rất mong có dịp được đón tiếp Phu nhân.
Thúy Kiều đầu óc rối loạn sau khi nghe người đàn bà nói. Sao lại chúc mừng rồi tặng phẩm. Thấy Thúy Kiều im lặng lắng nghe, người đàn bà kể tiếp:
- Sau hồi hoạn nạn bà Hoạn cho xây một am thờ Phật, hàng ngày đọc kinh. Một hôm có người ở Hàng Châu xuống kể chuyện Tướng quân Từ Hải đã tuân phục triều đình, nghe vậy bà Hoạn hỏi tin tức của phu nhân, người ấy còn nói: bây giờ Tướng quân đã thuộc hàng nhất phẩm triều đình và phu nhân đang sống trong một dinh thự lớn có lính gác, có kẻ hầu người hạ, câu chuyện hình như làm bà Hoạn có phần nghĩ ngợi. Ít lâu sau Thúc Lang ra làm quan. Thúc Lang mới đầu không chịu bảo: đi buôn có tiền nhiều là đủ sung sướng rồi, làm quan vắt họng dân lấy tiền tiêu bất nhân lắm, còn thanh liêm thì vừa nghèo vừa dễ đi tù. Bà Hoạn bảo: mình có thế lực của cha chỉ cần lót một ít vàng đủ để chàng làm quan lớn. Mình không cần vắt tiền nhỏ của dân, mình dùng thế lực để đi buôn, thu lợi lớn ta chia bớt cho bọn ở trên cùng bọn ở dưới, như thế còn đứa nào dám động vào ta. Làm quan là để đi buôn mau giàu thôi. Có tiền bạc mua gì cũng được, nghe thiếp, mình muốn bao nhiêu nàng hầu thiếp cũng chiều, nay thiếp đi tu không cần chồng nữa.
Thúy Kiều đứng lên khỏi ghế:
- Thôi tôi không muốn nghe những chuyện trần ai của chị nữa. Chị cũng mang ngay những quà tặng này đi, tôi không nhận.
Người đàn bà khóc rống lên, vừa chắp tay lạy vừa kêu than:
- Trăm lạy Phu nhân, xin Phu nhân nhận cho nếu không con sẽ bị đuổi ra khỏi nhà họ Hoạn biết làm gì mà sống, lạy Phu nhân con xin đi.
Người đàn bà tất tưởi đứng lên đi giật lùi hết hiên nhà rồi mới quay người để đi ra phía cổng. Thúy Kiều bước ra hiên đứng nhìn theo. Bỗng người đàn bà dừng lại quay nhìn vào hiên, tần ngần một lúc rồi chạy nhanh tới bên nàng Kiều và nói với giọng nhỏ đi:
- Con thương Phu nhân đã từng đau khổ nên con phải nói điều này với Phu nhân: bà Hoạn trong khi thuyết phục chồng ra làm quan còn nói: thiếp biết chàng vẫn còn thương nhớ Thúy Kiều, cứ đợi đấy, thiếp sẽ cho khiêng vàng lên thủ đô tìm cách làm cho Từ Hải nếu chưa phơi thây nơi chiến địa mà còn sống thì cũng thân bại danh liệt và lúc đó thiếp đưa Thúy Kiều về hầu hạ chàng. Hãy tin thiếp đi, có tiền mua gì cũng được – người đàn bà ngừng lại một chút – xin Phu nhân hãy giữ mình.
Hết lời, người đà bà chạy nhanh ra khỏi cổng dinh. Thúy Kiều trở vào phòng vật mình xuống giường mà khóc. Có thể tin vào những lời của người đàn bà kia không? Kiều cảm thấy như một tấm lưới tối đen đang chụp xuống vây phủ lấy nàng.
Những ngày đêm lo âu không có Từ Hải ở bên càng làm cho Thúy Kiều heo hắt. Cả một chuỗi những ngày tháng cũ trở về trong trí nhớ: lúc rời Bắc Kinh ra đi khởi đầu những đau khổ, những vùi dập bởi những kẻ xa lạ, ngày nào ẩn mình nơi cửa Phật và Từ Hải như thần cứu mạng mang nàng ra khỏi những ngày tháng đen tối. Nhưng thực tế đã không như nàng mơ tưởng, Từ Hải đã không thể rời khỏi cuộc đời chinh chiến và những bất trắc lúc nào cũng đang chờ đợi ở phía trước. Làm sao để thoát ra? Làm sao để sống? Không có câu trả lời và nàng nghĩ tới gia đình. Cha mẹ anh em mình bây giờ ra sao?
Giữa lúc Thúy Kiều đang buồn nản bỗng quân tiền trạm báo tin: Từ Tướng quân đang trên đường trở về. Một niềm vui ào đến khi nghe tiếng vó ngựa dừng lại, Thúy Kiều chạy ra hiên, Từ Hải vào sân, bước lên hiên cầm lấy tay vợ.
Trong những giây phút đầm ấm bên nhau Thúy Kiều không nhắc đến quà tặng từ Lâm Truy đưa tới, nàng nói lại nhiều lần một câu ngắn ngủi và tầm thường: thiếp chỉ mong lúc nào cũng ở bên chàng. Rời khỏi doanh trại quấn quýt bên vợ Từ Hải thấy thời gian trôi quá nhanh. Một buổi chiều đang đi dạo trong vườn chợt có một tùy tướng đi tới trình tờ lệnh của Hồ Tổng đốc: giặc tấn công vào cánh quân tiền phương. Tướng quân hãy trở lại mặt trận ngay. Từ Hải cùng đoàn tùy tướng lập tức lên đường ngay trong đêm. Lúc chia tay Thúy Kiều nghẹn ngào chỉ nói được một câu ngắn ngủi: Tướng quân hãy bảo trọng.
Vừa tới mặt trận Từ Hải đã phải chứng kiến ngay cảnh những thương binh đang được đưa về phía sau. Vào bộ chỉ huy, Từ Hải được báo cáo về tình hình, một tiểu tướng cho biết: giặc có tính toán trong trận đánh vừa qua vào cánh quân phía nam: chúng lặng lẽ tiến quân hai mặt áp sát quân ta rồi mới nổi trống tấn công bất ngờ, quân ta không kịp chống trả và bỏ chạy, giặc không đuổi theo mà rút đi mất dạng nhanh chóng. Ở phía bắc chúng cho một đoàn kỵ binh tiến sát vào đơn vị của ta, chúng chỉ chạy qua la thét dương oai mà không tấn công rồi quay đầu rút về phía sau, hình như chủ yếu chúng muốn lung lạc tinh thần quân ta và thăm dò trận địa. Từ Hải lắng nghe rồi hỏi ý các tùy tướng, người nói phải chủ động tiến công, người nói hãy giữ vững trận tuyến.
Từ tuyến đầu báo tin khẩn cấp: giặc đã tiến nhanh vào sâu phía bắc và đang tiến lên giao chiến ở mạn nam. Cùng lúc một đạo quân hùng hậu đang tiến thẳng vào giữa mặt trận. Từ Hải ra lệnh tiến quân nghênh giặc. Tổng lực quân triều đình tiến lên không mấy chốc đã chạm mặt quân giặc dàn ngang phía trước. Từ Hải ra dấu cho đoàn quân tiên phong dừng lại rồi đứng lên lưng ngựa quan sát phía trước, Từ Hải giật mình vì lực lượng đông đảo của giặc, phía trên cùng là một tên cưỡi ngựa có dáng vẻ một tên chỉ huy, ngay phía sau vượt lên cao có một lá cờ lớn màu vàng trên có viết hai chữ ĐẠI NGHĨA tung bay trong gió. Từ Hải từ phía sau phóng ngựa lên phía trước đối mặt với địch quân. Bỗng từ phía giặc tiếng trống trận vang lên, đoàn quân cất bước như bức tường thành di động. Từ Hải cố gắng giữ chắc cương ngựa. Bỗng tướng giặc dơ tay lên cao, tiếng trống ngừng bặt, quân lính đứng yên. Từ Hải thúc ngựa vượt lên đứng đối diện với tên tướng giặc:
- Mày có biết ta là ai không mà giám mang quân tới đây đối địch?
Tướng giặc cười lớn vẻ ngạo mạn:
- Xin chào Minh Sơn tướng quân.
Từ Hải cầm thanh đao chỉ vào mặt tên tướng trẻ:
- Có phải xưa kia mày từng theo ta chinh chiến?
- Phải, xưa kia tôi ở dưới trướng của Từ Minh Sơn.
- Vậy sao nay lại làm giặc?
- Tôi đi theo con đường ngày xưa của Minh Sơn.
- Con đường nào?
- Con đường làm giặc. Từ Hải thừ người im lặng, không gian câm nín, hình như gió đã ngừng thổi, những kẻ thù địch nhau đều bất động. Từ Hải la lớn:
- Mày muốn làm giặc suốt đời sao?
- Tôi không đi làm giặc để rồi làm nô tài. Kẻ cầm quyền dùng bạo lực để thống trị và bóc lột dân đen. Bọn nó dùng rượu ngon thịt béo để mua rẻ lương tâm những kẻ chống đối và biến họ thành những nô tài. Họ chấp nhận làm nô tài chỉ vì miếng đỉnh chung. Từ Hải hãy đừng làm nô tài nữa, hãy trở lại làm giặc đi.
- Nhà ngươi không thể suốt đời làm giặc, hãy theo ta về quy thuận triều đình. Ta bảo đảm: nếu nhà ngươi tuân phục sẽ được phong tước, sẽ có cuộc sống sung sướng, hãy đi theo con đường ta đã lựa chọn.
- Không, không bao giờ ta đi theo con đường của nhà ngươi. Minh Sơn đã bị chặt đầu từ khi nhận làm nô tài cho Hồ Tôn Hiến. Từ Hải chết mà không có cơ hội như những kẻ bị chặt đầu khác mà trước khi đầu lìa khỏi cổ còn có thể gào lên cho những kẻ bu quanh nghe một câu nói truyền thống của kẻ bị hành hình: hai mươi năm sau sẽ có một tay anh hùng hảo hớn … Lời cuối cùng của ta: Muốn sống thì hãy trở lại làm giặc.
Từ Hải nhìn đám giặc cuồng nhiệt trước mặt đang hô vang: giết nó đi, giết nó đi. Đoàn quân của triều đình xao động. Tiếng trống trận vang dội, tên tướng trẻ xông lên miệng la lớn:
- Tao hóa kiếp cho mày
Nhanh như chớp viên tướng trẻ đã xông lên, quay ngang ngọn thương đâm vào ngực Từ Hải. Quá bất ngờ khiến Từ Hải trở tay không kịp ngã lăn xuống ngựa không một tiếng kêu. Quân triều đình thấy Từ Hải bị hạ thì tan vỡ trong hoảng loạn cố gắng trống trả và tìm đường thoát thân. Quân giặc thừa thế xông lên như thác lũ, Từ Hải nát thây dưới hàng hàng lớp lớp những gót chân người ngựa dày xéo vượt lên phía trước.
Tin quân giặc đang tiến vào Hàng Châu theo gót ngựa phi đến nhanh tới dân chúng. Nỗi kinh hoàng ập xuống, những nét mặt thất thần, những bước chạy cuống quýt, những tiếng la thất thanh và chẳng mấy chốc náo động mỗi lúc một tăng, mọi người tất bật vội vàng thu xếp và tìm đường bỏ chạy. Ngọn lửa đã vươn cao tứ phía, tiếng kêu cứu hình như không còn ai nghe. Tiếng gọi nhau, tiếng la khóc, tiếng ngựa hí như khuấy động những đám khói đen trên bầu trời Hàng Châu.
Nghe tin dữ Thúy Kiều bàng hoàng đi ra đi vào.
Người lính già Lôi Mộc chạy vào báo:
- Quân giặc đang tiến tới, quân triều đình đã tan vỡ, không có tin tức gì của Từ Tướng quân, chúng ta phải rời khỏi Hàng Châu ngay.
Thúy Kiều như người mất hồn chỉ còn biết làm theo người lính hầu trung thành Lôi Mộc với sự giúp đỡ của A Hoàn: cải trang làm một thường dân, bôi nhem mặt, một cái khăn lớn trùm lên đầu và không quên lấy đi tư trang và vàng bạc bỏ vào trong một cái bị đeo lên vai. Ra khỏi dinh được một quãng Thúy Kiều gặp một đám đông hò hét đi ngược lại, họ xông vào ngôi dinh thự nàng vừa bước ra khỏi và ngay sau đó thấy ngọn lửa đã bốc lên ngùn ngụt. Thúy Kiều một tay giữ chặt lấy tay A Hoàn, tay kia bám vào vai Lôi Mộc cố gắng bước theo đám người tháo chạy ra khỏi cửa thành Hàng Châu đang bốc cháy.
* Ở dưới câu truyện này trong sách TRƯỜNG DẠ KÝ của HOÀI ĐIỆP NHÂN có ghi những dòng sau đây: Trong thời gian ở Kinh đô ta vào thư ốc đọc sách thấy có tập Sưu Tặc Ký đã rách nát không có tên tác giả. Tập sách cả ngàn trang chỉ viết về những kẻ làm giặc. Ta thấy Từ Hải Ngoại Truyện không giống những truyện ta đã đọc trong những sách khác nên chép lấy không thêm bớt gì. Nhân vật Từ Hải có mặt trong nhiều sách truyện khác nhau, có truyện mấy trăm trang, có truyện chỉ vài trang. Từ Hải chỉ có một nhưng ở mỗi cuốn sách lại là một Từ Hải khác. Trong sách Sưu Tặc Ký ngoài Từ Hải còn có nhiều tên giặc khác đều nổi lên ở Sơn Đông men theo bờ biển tới tận Nam Bình, những đám giặc này đều xuất thân từ dân chài lưới. Điều này khiến ta thực hiện một chuyến nhàn du vùng đất giặc.
Từ đầu chuyến đi tới đâu ta cũng gặp người già cả để hỏi về tung tích những anh hùng hảo hán trong vùng, cụ thể như Tướng quân Từ Hải. Sau câu hỏi ai cũng lắc đầu và bảo: chả có anh hùng hảo hán nào ở đây cả. Khi gặp những nơi thờ tự ta đều ghé lại chỉ thấy các am thờ các vị thần như thần Đất, thần Sấm, thần Mưa, thần Gió… Có am thờ một con chó đá. Không thấy có nơi nào thờ nhân thần hay thánh nhân. Đặc biệt ở ven biển Hoàng Vị có một ngôi miếu thờ Cá Ông nằm trên một gò đất cao, trong miếu có xác một bộ xương cá để trong chiếc hòm dài. Một bô lão cho biết: miếu thờ có từ xa xưa, theo các cụ truyền lại thì Cá Ông rất nhân đức đã từng cứu những thuyền gặp nạn ngoài khơi đưa vào bờ. Sau này gặp những Cá Ông chết giạt vào bãi biển người dân đều làm lễ mai táng ở sau miếu. Hàng năm dân chúng còn mở hội cúng Cá Ông để cầu yên cho nghề biển. Ta đi khắp nơi không thấy có lăng mộ và nghĩa địa nên thắc mắc. Một cụ già chỉ ra biển: chúng tôi sống nhờ biển nên chết về biển. Những kẻ đi xa chết ở đâu thì nằm ở đó không được đưa về. Trong chuyến đi ta có thấy dấu vết một ngôi nhà đã đổ nát nhưng còn một tấm bia ghi ba chữ Văn Thánh Miếu. Theo như lời kể: xưa kia có một người sinh ra ở đây tới khi trưởng thành bỏ quê ra đi sau đó trở về dựng ngôi nhà này và làm thầy dạy chữ cho trẻ nhỏ. Mới đầu có dăm mười đứa, sau dần chẳng còn đứa nào vì chúng phải đi theo bố mẹ kiếm ăn. Ông thầy bỏ đi, ngôi nhà hoang phế sụp đổ và gió mưa hủy hoại còn chăng mấy tảng đá cũng đang mòn dần theo thời gian.
Trước phế tích của ngôi Văn Thánh Miếu ta chợt nhớ tới một giai thoại kể chuyện Khổng Tử trên đường du thuyết qua các nước. Một hôm thầy Khổng ngồi xe đi trên đường thì thấy một bô lão bước tới vái chào, thầy Khổng cho dừng xe lại, trong chốc lát cả một đám đông trẻ con gầy còm nhếch nhác vây quanh. Ông lão nói: nghe thiên hạ nói ngài có nhiều chữ nên tới xin một ít. Khổng Tử liền mở cái hòm gỗ lấy ra một cuốn sách trao tận tay cụ già. Cụ già cầm lấy ngắm nghía rồi lật những trang sách nhìn trên nhìn dưới rồi gấp lại đưa trả thầy Khổng và nói: tôi không biết dùng cái này để làm gì. Có tiếng cười khả ố vang lên từ phía một người trung niên ở trần, đóng khố: sách chẳng có giá trị gì đối với những người không có cơm ăn và mù chữ. Ông hãy bước chân xuống ruộng đi cày, trồng lúa rồi lấy thóc mà cho họ thì có ích hơn. Chuyện chỉ kể tới đó không cho biết hành xử của thầy Khổng ra sao.
Trong Sưu Tặc Ký những kẻ nổi lên làm giặc thường xuất thân là dân thuyền chài, kẻ cày ruộng, người chăn trâu, kẻ đốn củi. Tuyệt nhiên không thấy có kẻ nào từng đậu tiến sỹ, trạng nguyên. Không tên giặc nào có làm thơ làm phú, hoặc từng làm quan, làm thầy giáo mà đi làm giặc. Những kẻ biết chữ bất mãn với triều đình không chọn con đường làm giặc nên không thấy nói đến trong Sưu Tặc Ký. Ở những sách khác có viết về những kẻ có chữ bất mãn thường chọn cách viết sớ tâu lên: khi thì đòi chém tham quan ô lại, khi kêu ca sưu cao thuế nặng khiến dân đen chết đói, khi kêu oan cho lương dân bị chết chém… Những lá sớ lâm ly thảm thiết này thường không được nghe. Có kẻ dâng sớ nhiều lần nhưng không thấy cởi bỏ áo mũ trở lại làm phó thường dân mà vẫn ung dung tại vị hưởng bổng lộc của triều đình. Một đôi kẻ chấp bút có chút tự trọng thì chọn con đường ở ẩn, không chọn con đường làm giặc nên không có tên trong Sưu Tặc Ký. Trong Sưu Tặc Ký cũng không có truyện nào nói về trường hợp những tên giặc sau đó đã xưng đế hiệu.
Từ những trang sách tới thực tế của chuyến đi làm ta hoài nghi những ghi chép của người xưa. Cả một vùng đất giặc mà không tìm ra được tung tích một anh hùng hảo hán nào, thế là làm sao? Nhưng nghĩ lại thấy ta vô lý. Tác giả Sưu Tặc Ký đã viết Từ Hải Ngoại Truyện chứ đâu phải Từ Hải Chính Truyện. Nhiều sách truyện đã để cho Từ Hải chết đứng giữa trận tiền và phải đợi cho Thúy Kiều kêu khóc thảm thiết xác chết mới chịu ngã xuống. Một anh hùng phải có cái chết anh hùng. Anh hùng phải chết giữa trận tiền bởi gươm đao, chết chém giữa chợ bởi quân đao phủ chứ không thể để anh hùng chết trên giường ngủ. Trong ngoại truyện Từ Hải đã bỏ con đường làm giặc mà tuân phục triều đình sau đó bị giặc giết. Cuối cùng Từ Hải đã chết nhưng chết một cách khác, không phải cách chết đứng giữa trận tiền. Nhiều sách tạo ra những anh hùng như mô tả một kẻ tự biến mình thành cây đuốc sống, lấy thân mình bịt họng súng thần công, ôm bom lao vào quân giặc mà chết. Hầu hết những anh hùng trong sách đó chẳng bao giờ người ta có thể tìm ra tung tích.
Suốt một chuyến đi dài tới vùng đất giặc cuối cùng chỉ có mỗi chuyện bộ xương Cá Ông trong ngôi miếu thờ là đáng ghi lại mà thôi.

Dương Nghiễm Mậu