Cái
quên làm cho tôi khó chịu và xấu hổ nhất là quên tên
bạn bè đang đứng trước mặt mình. Rõ ràng chúng tôi
biết nhau quá nhiều, có khi đã sống với nhau qua một
thời gian mài đũng quần trên ghế nhà trường, trong đơn
vị quân đội hay lăn lóc với nhau trong trại tù. Giá như
mà sơ giao thì còn có thể giả lả: “Xin lỗi ông, lâu
ngày quá tôi quên mất tên ông,” đằng này quá thân
tình, thú thật không biết phải xử trí làm sao, không lẽ
cứ “mày mày tao tao” hay “anh anh tôi tôi” mà không
gọi được cái tên cho thân mật.
Ðược
nhớ lại cái tên mà reo lên một tiếng mừng rỡ, thân
tình thì đẹp đẽ, vui sướng biết bao nhiêu. Nói chuyện
này ra, cũng có nhiều bạn bè đồng cảnh ngộ đem lòng
thương hại, thông cảm với với mình và nếu có người
giúp mình trong tình huống khó khăn này, thì chỉ có bà
vợ. Nếu có vợ đi bên cạnh thì đành quay sang hỏi nhỏ
tên người này. Có khi đang ở ngoài phố, phải điện
thoại về nhà hỏi có còn nhớ tên cái ông này, bà nọ,
hồi đó, ở đâu tên gì không?
Rõ ràng
là đến tuổi này, trí nhớ coi bộ bắt đầu trục trặc,
khó có thể phục hồi như người ta có thể phục hồi
bu-gi xe gắn máy. Chuyện nhỏ như cái chìa khóa xe, vào
nhà không nhớ vứt ở đâu, cái bill điện đến ngày quá
hạn trả, lúc lấy ở thùng thư vào thuận tay không biết
bỏ nơi nào, mặc dầu ngay cửa ra vào đã có tấm gỗ
gắn mấy chùm chìa khóa, hay cái ngăn đựng bill. Chuyện
lớn như ngày sinh nhật mẹ vợ, ngày giỗ ông già, hứa
cuối tuần này đưa vợ đi công việc. Chuyện lớn hay
nhỏ đều phải nhờ cậy đến bộ nhớ của “một nửa
kia” của mình là bà vợ nhà, người thân tín đang ở
bên cạnh. Các bạn cũng biết đàn bà có khả năng nhớ
rất lâu, mà nhớ rất dai, họ có thể dễ dàng giúp bạn
trong những trường hợp như thế, nhưng phải khéo léo mà
sử dụng đừng bấm nhầm nút mà toi mạng.
Bây giờ
đôi khi lái xe ra khỏi nhà, lên freeway rồi mới chợt
hỏi, mình đi đâu đây? Ðịnh thần một hồi mới nhớ
ra công việc phải làm, nơi mình phải tới. Có khi quên
cái cell phone ở nhà, cũng có lúc quên cả ví đựng bằng
lái xe, giấy tờ. Buồn lắm, nếu một ngày kia ở chỗ
làm việc ra, hay đi đâu đó mà không còn nhớ cả con
đường về nhà, thì giờ này làm sao nhớ nỗi “con
đường xưa em đi.” Thì ra, lú lẫn, quên trước quên
sau cũng là một cái bệnh. Có những cụ già không còn
nhận ra con cháu, không nhận ra đêm ngày, không nhận ra
mình đã dùng bữa chưa. Ôi tuổi già u ơ như một đứa
trẻ nít. Ngay cả người đầu gối tay ấp của mình gần
hết cuộc đời cũng không còn nhớ mà lẩn thẩn hỏi:“Ai
đây!” Người bị bệnh lú lẫn Alzheimer's thường quên
những điều trong hiện tại mà còn nhớ lại những điều
rất xa trong quá khứ, rồi dần dần, trí óc như có một
đám mây mù che kín. Tưởng như những khuôn mặt thân
yêu, những khổ đau, hạnh phúc ở đời “fade out” như
một đoạn phim rồi tan biến hẳn.
Hạnh
phúc thay có những điều chúng ta đã quên được như
nhiều điều bất hạnh trong quá khứ, nhưng cũng khổ đau
cho chúng ta, nếu giờ đây không còn nhớ những gì chúng
ta đã từng muốn nhớ mãi. Bi quan thì người ta cho rằng
được quên tất cả là một điều hạnh phúc, nhưng nếu
chúng ta còn thấy cuộc đời đẹp mà không còn nhớ gì
thì cũng tội nghiệp. Hình như những người bị bệnh
lãng quên, không cảm thấy buồn mà cũng không thấy vui,
cũng không để lộ cảm xúc trên nét mặt, như những
triết gia, những nhà tu đã đạt tới ý nghĩa của cuộc
đời này, vốn tất cả đều là huyễn ảo, không có
thực.
Có
nhiều điều chúng ta tưởng mình đã quên, nhưng không?
Nó được dìm sâu vào trong tiềm thức, nếu tiềm thức
có đáy sâu thì nó ở dưới đó, rồi một ngày kia,
trong giấc mơ nó hiện ra. Ðó là những ngày xưa thơ ấu,
con đường làng, khuôn mặt của những người thân yêu
trong ngày tháng cũ mà trong những lúc bình thường, có
muốn nhớ lại cũng không làm sao nhớ nỗi. Có những
chuyện muốn quên đi mà không làm sao quên được. Ba mươi
lăm năm rồi, nhiều đêm tôi vẫn còn thấy ác mộng,
những ngày trong trại tù tuyệt vọng không có ngày về.
Có
những biến cố xảy ra trong cuộc đời mà người ta khó
có thể quên. Bạn nghĩ gì khi có những cuộc vượt biên
hãi hùng đầy máu và nước mắt, mà sự kêu gào khóc
than không với được đến Trời, những nỗi đau khổ
nghẹn ngào như xuống đến tận cùng Ðịa Ngục. Và cuối
cùng, chúng ta đã sống sót để có được ngày hôm nay.
Bạn nghĩ gì với những ngày đói khát giữa biển cả
mênh mông, trong tình trạng tuyệt vọng phải ăn thịt
đồng loại để sống còn, những đêm cầu nguyện để
có được một những giọt nước mưa từ trời cao để
có thể thấm vào đôi môi khô héo vì nắng cháy giữa
biển Ðông. Và cuối cùng chúng ta đã sống sót đến
đây, ăn uống dư thừa, đôi khi phải sợ cả thực phẩm,
phải kiêng khem. Bạn còn nhớ những ngày chúng ta bỏ
nước ra đi trong đêm cuối cùng của cuộc chiến, ở
ngoài trận tuyến súng vẫn còn nổ, và người anh em
chúng ta đang còn ngã xuống, chưa bao giờ tháo chạy hay
biết đầu hàng. Bạn có bao giờ nhớ lại ngày đứng
trước hàng quân, nhận lấy tấm huy chương và vòng hoa
chiến thắng giữa tiếng kèn khai quân hiệu, trong nhà
Vĩnh Biệt, anh em chúng ta, thi thể không còn nguyên vẹn,
chưa được chôn cất. Niên trưởng là người tướng
lãnh cầm quân, có còn nhớ gì không? Mỗi lần thêm một
ngôi sao trên cổ áo thì trong nghĩa trang dài thêm những
hàng bia mộ, và những vòng khăn tang đã được quấn lên
đầu bao nhiêu mẹ góa, con mồ côi.
Có
những điều mới được nói ra hôm qua đây, nay đã trở
thành xa lạ, chẳng những như người ta chưa hề nói, mà
còn hành động trái ngược hoàn toàn lại những điều
đã nói.
Có thể
trong cuộc đời có nhiều điều phải quên để mà sống,
nhưng cũng có nhiều điều quên có thể trở thành những
điều ô nhục không bao giờ rửa sạch, nhiều điều quên
của người sống có thể cho linh hồn bao nhiêu người
chết oan khuất không được siêu thoát.
“Anh
nói với em như rìu chém xuống đá
Như rạ chém
xuống đấtNhư mật rót vào tai
Bây chừ anh đã nghe ai
Xiêu lòng lạc dạ, chẳng đoái hoài đến em.”
Ðây không phải là quên, mà là phản bội.
Xin tạ lỗi cùng người yêu dấu, bằng hữu xa gần, trong cuộc đời này có nhiều điều muốn quên đi để sống mà quên không được, cũng có nhiều điều rất muốn nhớ mà nhớ mãi không ra.
Huy Phương