Đầu tháng 4 này ở Việt Nam, chuyện sôi nổi, gay gắt, đáng sợ và cũng đáng thương nhất là chuyện xăng dầu tăng giá đột ngột với mức cao nhất từ trước tới nay.
Từ ông nhà giàu tới anh nghèo “rớt mùng tơi” đều vào cuộc, không biết nên gọi là “cuộc” gì cho đúng. Bởi có người thì than vãn chỉ biết kêu “khổ,” có ông lý luận dài dòng nhẹ nhàng vì sợ bị tóm bởi một lý do vớ vẩn nào đó. Nhưng cũng có ông “trên răng, dưới quần xà lỏn,” vợ bỏ đi lấy Tàu, anh ta làm phu hồ nuôi con, nhưng công ty xây dựng đang đói dài nên làm mỗi tuần có 4 ngày, còn mỗi cái xe gắn máy cà tàng, ngày hai buổi chạy hộc tốc 15 cây số đến chỗ làm, mỗi ngày phải chi thêm cả chục ngàn tiền xăng, anh ta chẳng còn gì để mất nên vào “cuộc chửi,” dù biết chửi cũng chẳng ai nghe, chửi cho đỡ tức thôi. Nhưng càng chửi càng tức vì anh chị bán xăng có biết “thông cảm” bao giờ đâu. Có ông ngược hẳn lại, chán đời quá cứ câm như hến, trơ ra như đá vì chịu đựng quen rồi, hơn thế, có nói cũng bằng không, nên anh ta “ngậm một mối căm hờn trong cũi sắt,” lầm lỳ như gặp ai cũng muốn gây sự. Đó là vài nét điển hình về những “khuôn mặt méo” sau khi xăng tăng giá.
Anh nào cũng bị “xăng tặc” móc túi
Xăng tăng, anh nào than cứ than, anh nào chửi cứ chửi, nhưng có anh nào dám nghỉ đi làm, nghỉ đi học để tiết kiệm xăng đâu. Có chăng tiết kiệm phần ăn của gia đình mình là dễ nhất. Tiết kiệm mọi thứ mua sắm, cái bát mẻ đành để dùng, khỏi mua cái mới, có mua cũng mua cái bát, cái ly bằng nhựa cho khỏi vỡ, còn nó có độc hại hay không, chưa chết ngay đâu mà lo. Tối đến thắp điện chừng hai tiếng rồi cả nhà đi ngủ, đứng có ti vi, ca nhạc gì cho tốn, muốn xem thì coi ké nhà hàng xóm hay ra đứng đường trước mấy quán cà phê... Ngay cả mấy anh dùng xe đạp cũng tiết kiệm bởi mọi thứ đều tăng giá, từ ly cà phê cho tới tô bún riêu, cho đến anh thợ cắt tóc đầu ngõ cũng tăng giá từ 25 đồng lên 30 đồng, chẳng ai phải giải thích lý do. Không một thứ hàng nào không bị anh “xăng tặc” móc túi. Thế nên dư luận nóng hừng hực, nhưng lần này những tiếng than thở rền rĩ, căm phẫn nhiều hơn cái mà người ta gọi là “dư luận.” Cứ như cái nồi súp de chực bùng nổ mà... chẳng bao giờ nổ được, nó chỉ phình ra như cái bụng con ễnh ương rồi tóp lại như hàng chục thứ chuyện phẫn nộ khác. Đấy là đặc tính hay “thuộc tính” của thời đại ngày nay ở Việt Nam.
Dư luận hay cuộc chiến không tiếng súng
Câu chuyện xăng tăng, cụ thể là từ 8g tối 28-3 vừa qua, giá xăng dầu trên cả nước xăng được tăng với mức cao nhất, trong đó RON 92 được phép đưa từ 23,150 đồng hiện tại lên 24,580 đồng một lít, phá kỷ lục 23,800 đồng được lập hồi tháng 4/2012. ($1.00 USD = 20,852 đồng VN). RON 92 là loại xăng thông dụng nhất, người dân nào cũng thường dùng, tăng 1.430 đồng một lít. Như thế, trong vòng 1 tuần lễ dè sẻn, chỉ đổ 10 lít xăng mất 240,580 đồng, một tháng gấp 4 lần là 962,320 đồng, dân lao động làm gì ra số tiền đó?
Cho nên người ta than thở, kêu rên, oán than hay... chửi bới là chuyện dễ hiểu. Nếu nhìn vào tất cả các trang báo hàng ngày hàng tuần, nơi mà người dân được phép “xì hơi” một tí thì tất cả “ý kiến đóng góp” đó đều hăng hái như ra chiến trường. Mà thật ra cái chiến trường không tiếng súng đó đã ngấm ngầm hình thành từ lâu, giữa một bên là những anh tay không, chỉ có cái miệng vừa cần phải ăn vừa cần được nói; một bên là những thứ luật lệ, những chính sách không giống ai có đầy đủ tiền và súng. Đó là một sự thật rõ ràng, người dân được bày tỏ “nỗi lòng” chân thật nhất. Tất nhiên là có hạn chế đến một mức nào đó nên gọi là chỗ “xì hơi” cho cái nồi súp de bớt nóng.
Cú tát vào mặt người tiêu dùng
- Bạn BĐ trên tờ Báo Mới.com viết: “Vụ tăng giá này của Bộ Tài chính - Công thương chẳng khác nào một cú tát vào mặt người tiêu dùng, những gương mặt vốn đang mòn mỏi trông chờ một quyết định hạ giá. Nền kinh tế đang kiệt quệ, bao nhiêu doanh nghiệp đang ngắc ngoải, giờ bồi thêm cú tát này, oải quá.”
- Bạn hãy nghe câu vè dân gian “tức cảnh sinh tình” sau đây, bạn Trần Hùng vừa sáng tác: “Trong tay sẵn có hàng, tiền; Mặc lòng đổi trắng thay đen sá gì ! Dân đen nào biết chi chi; Oằn lưng , bóp bụng cũng vì giá xăng !!!”
- Bạn Chí Phèo ví Việt Nam như làng Vũ Đại: “Chí Phèo tôi thì không còn tin ai cả! Cố gắng kiếm tiền bằng lao động chân chính. Sống tiết kiệm tối đa! Không la kêu chi nữa đâu cũng vào đấy hết rồi! Chỉ lo cho mong cho mình đừng bệnh tật, còn ăn uống qua ngày là quý! Chán cái Làng Vũ Đại này rồi!”
- Bài thơ về giá xăng tăng đã được truyền tay nhau trên mạng xã hội Facebook:
“Xăng tăng rồi.../ Anh còn đón em không?/ Hay là thôi, mình đi xe bus./ Bỏ ăn rau và thôi ăn thịt./ Uống nước mình chờ/ Ngày ấy... tăng lương...”
Trên nhiều trang mạng VN, bạn sẽ thấy đầy rẫy những clip, những bài hát “nhái” đủ kiểu, những bức tranh khôi hài mỉa mai phản ánh chân thực thái độ của các tầng lớp nhân dân về “cuộc chiến không tiếng súng” này.
Những lý do tăng giá xăng
Theo ông Vũ Đức Đam, Bộ Trưởng, Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ trả lời báo chí:Lý do chính khiến liên Bộ Tài chính - Công Thương cùng thống nhất điều chỉnh giá xăng dầu là vì hiện tại giá xăng dầu của chúng ta đang bán thấp hơn so với giá cơ sở. Nếu tiếp tục như vậy, quỹ bình ổn giá sẽ hết, không còn công cụ để bình ổn giá xăng được nữa. Nếu muốn tiếp tục bình ổn thì phải lấy ngân sách bù vào, nhưng từ lâu chúng ta đã xác định không thể bao cấp mãi giá các mặt hàng thiết yếu mà phải xây dựng giá xăng dầu dần tiến tới giá thị trường. Ông Đạm cũng nhấn mạnh đáng lẽ phải tăng giá xăng dầu từ tháng trước nhưng chính phủ chưa đồng ý. Đến nay, trước tình hình quỹ bình ổn giá đã sử dụng hết khả năng, mặc dù giá xăng dầu thế giới có đi xuống nhưng giá bán xăng dầu vẫn thấp hơn, nên cần điều chỉnh.
Lý do thứ hai, ông Đạm nói, “Tôi thấy có một lý do là giá xăng dầu thấp hơn các nước có cùng biên giới, nhưng đó chỉ là một dẫn chiếu để thấy giá bán xăng dầu tại Việt Nam đang thấp hơn giá cơ sở và thấp hơn các nước, không phải lý do chính tăng giá xăng dầu. Đương nhiên, khi giá thấp hơn các nước thì tình trạng buôn lậu xăng dầu sẽ tăng và cơ quan chức năng sẽ phải tích cực chống buôn lậu.”
Còn việc tăng giá bất ngờ, theo bà Vũ Thị Mai, Thứ Trưởng Bộ Tài Chính giải thích, “Việc tăng giá xăng dầu không được thông báo trước vì các quy định về điều chỉnh tăng giảm giá xăng dầu, tài liệu các doanh nghiệp đăng ký, tài liệu các cơ quan trao đổi với nhau đều được coi là tài liệu mật, không được phổ biến để tránh gây rúng động thị trường dẫn đến tình trạng gom hàng, đầu cơ, khan hiếm ảo.”
Ba lý do dân không phục
Bạn Hùng Nguyễn viết trên báo Dân Trí:
- Thứ nhất, nói giá xăng dầu hiện có giảm nhưng vẫn ở mức cao:Không công bố minh bạch, rõ ràng làm sao biết cao hay thấp, lời hay lỗ, giá bao nhiêu là hợp lý và chấp nhận được?
- Thứ hai, nói do quỹ bình ổn giá đã hết: Quỹ bình ổn có bao nhiêu, ai sử dụng, sử dụng như thế nào, đã sử dụng bao nhiêu và có tương thích với thực tế hay không?
- Thứ ba, nói giá trong nước hiện đang thấp hơn giá của các nước có chung biên giới: Điều kiện và hoàn cảnh kinh tế, xã hội, thu ngân sách, chính sách thuế, các khoản thu của nhà nước và đóng góp của nhân dân mỗi nước... khác nhau, sao phải lấy ra so sánh (người dân và doanh nghiệp ta phải đóng hàng trăm thứ thuế, nên ngân sách của VN rất khác so với các quốc gia khác). Hay tại vì cơ quan Hải quan (thuộc Bộ Tài chính) không kiểm soát nổi, không ngăn chặn được (tệ buôn lậu xăng dầu) nên đẩy cái khó sang đổ hết lên đầu dân?
Rồi tới đây giá cả tiêu dùng sẽ tăng theo, dân ngày càng khổ, doanh nghiệp “chết” nhiều hơn, ngân sách thâm hụt nhiều hơn rồi các khoản phí, thuế sẽ “sinh sản” nhiều hơn theo cấp số nhân và đồng loạt từ cácbộ, ngành, địa phương.
- Một chủ doanh nghiệp than thở, “Theo tôi, giá xăng dầu tăng đã giáng đòn chí tử vào nhiều doanh nghiệp, nhất là những ngành như: cao su, nhựa, may mặc... Các đơn vị này vốn đã cạnh tranh không lại hàng Trung Quốc ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, nay càng đuối sức hơn trong nỗ lực chinh phục người tiêu dùng hãy chọn hàng của họ với mức giá cao hơn trước.”
Điều hành theo kiểu “cổ lỗ sĩ” của VN
Các chuyên gia kinh tế ngay trong nước nhận định về cách làm trong điều hành về xăng dầu của VN vừa qua, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A nói:
“Tôi không thể nói được gì về cách làm trong điều hành về xăng dầu của ta vừa qua. Vấn đề không phải là khó về kỹ thuật nhưng lại khó về quyền lợi, lợi ích.”
Chả có nước nào mà Chính phủ lại phải mang tai tiếng về giá xăng dầu bằng Việt Nam. Kiểu “cổ lỗ sĩ” đã ăn sâu vào suy nghĩ của những người điều hành thị trường xăng dầu, dường như lợi ích của doanh nghiệp (DN) và cả những người quản lý nó đang quá lớn, nên khó mà thay đổi được cách điều hành.
Giá xăng của chúng ta hiện khoảng 24,000 đồng/lít, tức trên $1 USD/lít, mà 1 galon bằng hơn 4 lít, như vậy giá xăng của ta đã đắt hơn cả ở bên Mỹ rồi! Thực ra, chúng ta đang dùng cái gọi là “thị trường” để can thiệp vào giá xăng dầu mà thôi. Người dân tưởng là bất ngờ nhưng các DN và đại lý kinh doanh xăng dầu đã trữ được nhiều chục vạn lít xăng dầu rồi, và chỉ một loáng tăng giá, họ đã thu nhiều chục tỷ đồng.
- Để thị trường xăng dầu mang tính cạnh tranh, chỉ cần vài DN lớn nhập khẩu với hàng trăm cửa hàng trực thuộc vài DN lớn như thế. Cứ để giá xăng dầu lên xuống theo thị trường, chỉ cần DN quản lý tốt. DN nào nhập hàng rẻ hơn thì bán rẻ hơn.
Nhà nước chỉ kiểm tra có sự thông đồng ở DN hay không. Nhà nước sẽ chỉ can thiệp ở đúng việc của mình thôi, còn để DN tự cạnh tranh, DN nào giỏi thì sống, kém thì chết. DN nào lỗ thì có DN khác mua cả DN đó... Với cơ chế như thế buộc DN phải đưa ra sáng kiến, quản lý tốt để tự cạnh tranh, vươn lên... Nhưng hiện nay chúng ta lại không làm như vậy mà vẫn để Petrolimex gần như độc quyền về kinh doanh xăng dầu.”
Xăng dầu lãi hàng chục tỷ một ngày từ tiền túi của người dân
Giá xăng dầu thế giới liên tiếp giảm mạnh, trong khi giá trong nước vẫn chưa được điều chỉnh giảm, tỷ lệ trích quỹ bình ổn cũng giữ nguyên giúp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang được hưởng lãi lớn. Chỉ tính riêng phần chênh lệch từ khoản tiền trích quỹ bình ổn giá xăng dầu đã giúp doanh nghiệp đồi mối kiếm lời hàng chục tỉ đồng mỗi ngày.
Nhận xét về thực tế trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nó thể hiện cơ quan quản lý giá đang kém nhạy bén, không kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xăng dầu kiếm lợi lớn trong khi nền kinh tế thiệt hại nặng. Ông phân tích:
“Dù dùng quỹ nào, nguồn của người dân đóng góp hay nhà nước hỗ trợ nhưng giá đã giảm vẫn để trích quỹ như cũ là không được, trong khi nguồn quỹ đã cạn kiệt vẫn phải chi, doanh nghiệp khó khăn do chi phí đầu vào lớn, người tiêu dùng sức mua cạn kiệt nhưng khi có cơ hội ta lại không giảm giá, mà vẫn bán giá như vậy để móc hầu bao của dân là việc điều hành không tốt.”
Những ngày qua dù giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, nhưng giá trong nước vẫn chưa có điều chỉnh, thậm chí, từ 26-2 tới nay Bộ Tài Chính cho doanh nghiệp trích từ Quỹ bình ổn ở mức 2,000 đồng/lít xăng, 800 đồng/lít với dầu DO và 1,150 đồng/lít với dầu hỏa.Tính tới nay giá cơ sở bình quân 30 ngày của xăng A92 đã giảm mạnh, mức lỗ của doanh nghiệp đầu mối đã giảm xuống từ khoảng 2,000 đồng/lít nay chỉ còn khoảng 1,000 đồng/lít, với mức trích quỹ như trên doanh nghiệp đang bỏ túi 1,000 đồng/lít xăng từ quỹ. Còn giá dầu DO hiện đã tương đương nhau, doanh nghiệp không lỗ, nhưng vẫn được trích 800 đồng/lít từ quỹ bình ổn giá. Với dầu hỏa, doanh nghiệp chỉ còn lỗ khoảng 300 đồng/lít, nhưng vẫn được trích 1.150 đồng/lít từ quỹ bình ổn giá, tính ra doanh nghiệp được hưởng hơn 800 đồng/lít.
Có lợi ích nhóm trong kinh doanh xăng dầu
Một chuyên gia về lĩnh vực xăng dầu cho rằng, chỉ cần làm phép tính đơn giản cũng có thể thấy các DN xăng dầu đầu mối đang thu được lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi ngày. “Nếu tính bình quân theo lượng xăng dầu được nhập trong năm 2013 là 13 triệu tấn, trong đó 60% mặt hàng xăng, với lượng bán ra trung bình khoảng trên 2 triệu lít xăng một ngày, các DN đang ung dung hàng chục tỷ đồng lợi nhuận một ngày. Vấn đề chính đối với thị trường xăng dầu hiện nay là phải siết lại quy định về trích thù lao, hoa hồng cho đại lý của DN, điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức.”
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bình nhận định: “Việc giá xăng tăng nhanh, giảm chậm có dấu hiệu quyền lợi cục bộ, nhóm lợi ích. (Nói rõ ra là lợi ích dành cho một số người như DN sân sau của một bộ ngành nào đó, DN người nhà quan, đại gia con cưng của nhà nước. Theo ông Bình, cần có sự minh bạch hơn trong điều hành giá xăng dầu hoặc thị trường hóa có sự kiểm soát của Nhà nước đối với xăng dầu. Mỗi khi tăng giá, người dân muốn biết doanh nghiệp đang tồn bao nhiêu lít với mức giá nào, cất trữ ở đâu, bài toán chi phí khi bán với giá cũ và sau khi tăng giá...”
Hiện nay người dân chẳng biết đằng nào mà mò. Đến nỗi nhiều người dân quê bị ám ảnh sau khi xăng tăng giá, đã nháo nhào mua xăng để tích trữ. Đồng thời cũng lại lo giá điện cứ ba tháng tăng một lần, chả biết bao giờ mới hết tăng. Dân tình hồi này bị bệnh tim mạch nhiều là vì thế.
Mất lòng tin ngày càng trầm trọng
Bãn -> Bạn đọc đã thấy sự điều hành chính sách xăng dầu hiện nay của các nhà làm kinh tế vĩ mô như thế nào. Cuối cùng người dân nhăn răng ra chịu. Đúng như một bạn đọc đã viết trên báo Dân Trí:
“Qua đó cho thấy hậu quả gây mất lòng tin ngày càng trầm trọng hơn của nhân dân với những “quyết sách kiểu Việt Nam,” “chỉ có ở Việt Nam,” “chẳng giống ai”... và luôn là “lợi mình, hại người.”
Nỗi cay đắng đó đang lan tỏa cùng giá cả tất cả mọi loại hàng hóa, mọi nhu cầu tại VN đang ngày càng thấm đòn, giá tăng từng ngày.
Ngoài ra nhiều DN vận tải càng thêm lo lắng với viễn cảnh Quốc Lộ 1 sẽ dày đặc trạm thu phí BOT . Luật sư Thái Văn Chung - Tổng Thư Ký Hiệp Hội Vận Tải Hàng Hóa TP Sài Gòn - cho biết, “Xe chở hàng hóa từ cảng Cát Lái (Sài Gòn) đi Cần Thơ phải chịu phí cầu đường chiếm đến 19% giá cước. Hàng loạt chi phí khác như lãi suất vay, dầu, vỏ xe... đang quá cao khiến DN không có lợi nhuận. Nhiều DN đã phải bán xe do thua lỗ.”
Quốc lộ 1 là tuyến huyết mạch Bắc - Nam hiện không đảm bảo vận chuyển hàng hóa, nếu thiết lập tới 21 trạm thu phí đến năm 2020, chưa kể trạm thu tại tuyến cao tốc, thì sẽ tăng chi phí gấp 3 lần hiện nay, chưa kể mức phí sẽ tăng từ 2 đến 3.5 lần. Ông Chung nhận định, “Chi phí vận tải ở nước ta đang nằm trong top đầu của khu vực.” Xã hội hóa đầu tư đường thì cũng đừng để thu phí đè lên đầu người dân.
Ông Ngân Hàng Nhà Nước láu cá?
Trong khi đó ông Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN ) đã khôn ngoan hạ lãi suất đầu vào trước đó vài ngày. Lấy cớ rằng lạm phát không tăng nên lại một lần nữa giảm lãi suất huy động từ 8% xuống 7.5%. Chắc chắn ông Thống Đốc NHNN chức cao quyền trọng đã biết trước cái sự tăng giá xăng này nên “chạy trước.” Nếu để đến khi tăng giá xăng rồi mới hạ lãi suất thì không thể nói lạm phát không tăng. Mọi thứ giá cả đang tăng như “ngựa phi đường xa” như vậy thì chẳng có gì bảo đảm lạm phát không tăng. Bao nhiêu phần trăm chưa thể tính trong lúc này. Nếu lên đến 7% hay 8% thì người dân chẳng dại gì đem tiền gửi ngân hàng. NHNN đang bắt bí người gửi tiết kiệm vì khó tìm ra một “kênh” nào kinh doanh có lời trong giai đoạn này, người dân đành gửi ngân hàng cho khỏi lỗ vì tiền mất giá và có thể có đồng ra đồng vào. Nhưng bị NHNN ép quá, người ta phải tìm đường thoát. Họ sẽ liều cho DN nào cần vốn vay để lấy lời nhiều hơn. Tuy cho vay kiểu này có thể mất trắng. Lại hình thành một kiểu tín dụng đen. Nhưng đã đến nước này thì họ cũng phải liều thôi. Họ sẽ khôn ngoan hơn với tín dụng đen. Có thể có một ngày nào đó, bất ngờ người dân tấp nập đến rút tiền thì sao nhỉ? Chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Láu cá không qua được mắt dân đâu.
Trên báo Thanh Niên, bình luận viên Nguyên Khanh cho rằng lãi suất đang đi ngược. “Mặt bằng LS không hợp lý, không áp trần cho vay nhưng lại áp trần huy động, để mức chênh lệch giữa đầu vào - đầu ra quá cao.... có thể thấy, rất nhiều yếu tố “đi ngược” trong điều hành chính sách lãi suất hiện nay.”
Còn khá nhiều những chuyện “đi ngược không giống ai,” xin để kỳ sau bàn tiếp đến những vụ lỉnh kỉnh này.