tranh Hà Cẩm Tâm |
Trời chiều, đèn đường vừa lên, anh ngẩng nhìn qua khung kính. Những dòng người xuôi ngược về trạm xe điện. Ly cà phê khen khét còn vương ở cổ. Cuốn sách dày cộm, nhìn muốn nản. Anh gấp lại, những dòng chữ không muốn đọc của ngày níu lại. Bước xuống phố, gió phất lạnh giữa mặt. Ngày đã đi và đêm tới. Thế giới còn bao ngàn năm nữa, anh tự hỏi vừa bước vừa nhìn mũi chân, mà quá nhiều việc để làm, quá nhiều chuyện để vật vã.
Những ngày này tuyết chưa đến, nhưng da săng buốt lạnh. Gió thủ đô bao giờ cũng như đến sớm trước mùa. Còn phải ghé vào tiệm sách đường M để nhìn một tí. Không để làm gì, nhưng chỉ nhìn thôi. Mỗi đêm, cũng cần nhìn một tí gì mới ngủ được. Chữ. Phải là chữ. Để nhìn như nhìn thế giới.
Cũng mươi phút mới tới đường M. Vẳng tiếng nhạc inh ỏi từ các quán rượu. Anh tự nhắc phải nhớ xuống trạm xe điện trước mười một giờ. Nếu trễ lại đợi xe buýt thì mệt hơn. Một phụ nữ tóc vàng đụng vào vai anh. Hai người cùng mở lời xin lỗi. Khuôn mặt cô ta gầy, thanh tú, như quen thuộc. Mắt xanh chớp tia đèn từ các khung kính tiệm bên đường. Anh tự hỏi cô ta có thấy mắt anh đen. Tiệm sách đông chật người. Anh nhìn vào lưỡng lự. Những dãy sách và người chen nhau. Anh nghĩ đến tiệm sách bên kia đường Wisconsin, phía trên lầu là một phòng triển lãm tranh nho nhỏ. Nghệch ngoạc tranh, lăng quăng chữ, anh đã quen với những tấm treo như quanh năm chưa bán được. Anh đưa chân bước, nhưng tự động đi ngược về rạp xi nê đường M, nơi anh chỉ mới biết khi ở đây chiếu phim về cuộc đời Krishnamurti.
Đêm nay là một phim về bạo lực, có tí khỏa thân. Anh mua vé bước vào. Trên màn ảnh là những dòng chữ đầu phim. Một cặp tình nhân ngồi trước anh. Họ chúi đầu vào nhau. Anh đứng dậy qua hàng ghế bên kia. Tiếng nhạc âm thanh Dolby ầm ầm vào phim. Mắt anh nhíu lại, ngủ như quên.
***
Thành phố Manassas, nơi tôi từng ở, còn một nơi được gìn giữ làm khu lịch sử. Đây là một trận chiến lớn hồi nội chiến Hoa Kỳ. Người ta nói còn những khẩu đại bác từ thế kỷ trước để lại. Tôi chưa bao giờ vào khu này, có lẽ vì sợ. Một bà da đen trên đường Byrd kể lại trong lần tôi gặp bà ở tiệm giặt, về những đoàn quân ma trên cánh đồng lịch sử này. Cũng có mấy ông mục sư, linh mục, da trắng, da đen, từng bày trò cầu nguyện ở đó dăm buổi sáng chủ nhật. Nhưng đều vô ích, bà không giải thích tại sao. Lúc đó, tôi muốn hỏi nhưng không dám, đoàn quân ma kia có mang màu da như khi họ còn trên đời không. Bà dì tôi thì không tin nhưng vẫn sợ nếu khi nào phải lái xe qua bãi chiến trường cũ đó. Tôi bảo, dì yên tâm, ma cũng biết sợ xe hơi, cứ bấm còi cũng đủ. Thằng em con bà dì thì chẳng bận tâm gì. Nó chỉ lo theo đuổi con Heather cũng hết cả ngày.
Những đêm ngồi học, có khi giật mình nghe táo rơi trong vườn, tôi lại nhìn bóng đêm qua khung kính. Cỏ lá sau vườn phần phật dưới gió. Tôi thường để hé cửa sổ cho thoáng khí trời. Và nghĩ tới đoán quân ma không mệt mỏi hơn một thế kỷ của thị trấn. Người phụ nữ da đen lần đó giải thích, ở thế giới bên kia họ vẫn còn đánh nhau. Tôi đã hỏi vì sao. Bà giải thích, phải chờ tới ngày phán xét cuối cùng. Tự nhiên tim tôi nhói lên. Từ hôm đó, mỗi lần nghe táo rơi, tôi đọc ba biến chú Vãng Sanh và nguyện cho thế giới các cõi bình an. Những giây phút đó, tôi không hiểu mình phải làm gì khác.
Và một hôm, tôi nghĩ phải bỏ mảnh đất này. Cô nàng đã hỏi vì sao tôi đi. Tôi đã đáp rất ngay thật, vì táo rơi nhiều quá. Cô nàng ngẩng mặt nhìn tôi ngạc nhiên, nhưng không hỏi thêm. Tôi quay đi, lúc đó chiều rồi.
***
Có lẽ đây là tiệm sách duy nhất mở cửa hai mươi bốn giờ một ngày của thế giới, hắn nói trong khi nắm tay cậu bé, con của N, len lỏi vào. N theo hắn sát bên, Có gì khác lạ không. Không, hắn nói, không gì lạ cả, chỉ trừ giờ mở cửa và trên lầu là một quán cà phê nhỏ. Có sách tiếng Pháp không, N hỏi. Không, hình như có tiếng Spanish thôi. Tiếng Anh thì dĩ nhiên. Cà phê thì hơi đắt, cũng khoảng ba đồng một ly, rượu, bánh nữa. Lúc đó Octavio Paz vừa lãnh giải Nobel. Hắn hỏi, N có muốn đọc thơ tay này không, trong khi kéo tập thơ ra kệ. Thôi, thơ gì nữa, lo gần chết, không còn thì giờ gì cả. Ừ, phải để rảnh rang, hắn nói lơ đãng.
Bấy giờ là mười hai giờ khuya, trên phố Connecticut không còn bao nhiêu xe. Hắn hỏi cậu bé thích quyển nào cứ chọn. Hắn chỉ ước mơ phải chi còn bé... Một lần hắn cũng nói như vậy. N đáp, trong khi ngẩng mặt nhìn hắn, nhưng anh chưa bao giờ lớn được cả kia mà. Chuyện chỉ làm sao sống mà không thấy cả trái tim mình bên kia bờ Thái Bình Dương. Hạnh phúc là những người không có quá khứ. N nói, và cả những người biết quên. Hắn cảm động, suýt ôm N. Khi nhớ lại, hắn tiếc phải chi lúc đó mình hôn N. Hắn chọn vài quyển cho N và cậu bé. Thôi về, hắn nói, trời lạnh lắm rồi. Hắn không biết phải làm gì tiếp, ngoài chuyện phải về nhà.
***
Anh thức dậy lúc bốn giờ sáng. Ngoài khung cửa tuyết rơi lất phất, từng nắm. Màn tuyết phủ cây lá sau vườn, mái nhà bên kia đường trắng xóa. Anh vẫn nằm trong giường, cảm được buổi sớm ngấm vào da thịt, vẫn ấm áp trong chăn nhưng không khí ẩn mật, lắng đọng như những hàng hạt nước đọng rèm hiên.
Anh nhớ khi còn ở Việt Nam, vị thầy đã khuyên là nên dậy sớm. Dậy sớm làm bất cứ gì cũng được, đi bộ lăng quăng, ngồi đọc sách, hít thở khí trời, hay chỉ để dậy sớm thôi. Lúc đó hai thầy trò đang ngồi uống trà khi trời chưa sáng. Anh hỏi tại sao. Thầy bảo, chỉ dậy sớm thôi, không cần phải làm gì cả. Anh vẫn luôn luôn ngờ vực những gì dễ dãi, nhưng dậy sớm lại có vẻ không dễ tí nào. Nhưng anh đã sống và quên hẳn thói quen phân biệt ngày với đêm. Chỉ có mỗi quan tâm là giờ nào việc đó. Anh sợ nghĩ tới thời gian, nhìn đồng hồ, thức ngủ theo kim giờ, chồm dậy, nằm xuống, đứng lên, rửa mặt qua loa và phóng lên xe điện đi như ma đuổi. Ngồi lắc lư trên tàu điện, đọc qua loa vài trang sách. Vào sở cắm cổ làm như điên, không còn gì nghĩ ngợi. Và đêm về, lang thang một tí, ghé vài nơi, vài tiệm, và về. Quanh đây toàn Mỹ. Anh sợ người Việt mình. Có cái gì không ổn trong máu dân mình. Một thời anh sống giữa người Việt, và thấy mình không giống một ai. Ai cũng nhìn nhau dò xét kèn cựa. Cứ phải chi như Mỹ, chẳng nhìn nhau làm gì. Anh vẫn hỏi thế nào là tử tế. Có lẽ, vâng có lẽ, tử tế là thức dậy sớm nhìn ra đời và thấy yêu thương cuộc đời hơn. Anh thấy mọi chuyện trong trần gian không dính gì tới anh. Con người thật tội nghiệp, cả khi đang cười hay khóc. Và anh, thấy mình xa lạ với mọi khái niệm về đất nước, dân tộc, hay đủ thứ gì khi nhỏ tập nhiễm. Chỉ có con người, và máu ở đâu cũng đỏ, và nước mắt nào cũng mặn.
***
Hắn đứng dậy. Tiệm Grand Garden không còn bao nhiêu người. Nàng giành trả tiền. Chi vậy, hắn hỏi. Ừ thì trả cho anh, nàng cười. Hắn nói, trong khi nhìn thẳng vào mắt nàng, phải chi tụi mình ngồi đây tới sáng. Mái tóc ngắn, trông nàng lạ hẳn. Thường khi hắn nhìn, nàng không bao giờ nhìn thẳng lại vào mắt hắn. Hoặc làm gì đó, xoay xoay chìa khóa, hay giả vờ nhìn xuống dòng sông. Giả vờ, ừ, nàng cũng ưa giả vờ lắm.
Hay bây giờ tụi mình ra bờ sông ngồi chơi, hắn nói. Lạnh chết, nàng so vai lại. Không ngồi đây tới sáng, không ra sông nhìn trời, thì làm gì, hắn cười và hỏi, và chợt nghĩ tới cái giường nhưng gạt ngay ý nghĩ đó. Trước giờ hắn cũng ngay cả chưa dám ôm nàng. Như có những sức mạnh vô hình ngăn cản.
Con đường đưa nàng về phải chi dài vô tận, hắn nghĩ ngợi. Trời đêm, lạnh, gió lộng trên cao. Máy sưởi trong xe vẫn quạt hơi ấm phần phật. Hắn hứa luôn nghĩ tới nàng. Nàng không đáp. Hắn đã chân thật trong mọi lời với nàng, tận thâm tâm, không chút gì khác ngoài sự thật.
Nàng bước xuống xe, đưa tay vẫy chào, chúc ngủ ngon. Hắn bấm nhẹ còi chào và đạp ga. Tự nhiên khóe mắt như cay cay.
Bấy giờ đã thật khuya.