văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, April 22, 2013

Kinh Dương Vương * Chuyến Xe


Lương Trường Thọ
Chiếc xe đò hiệu "Vạn Phúc" khởi hành ở bến Đà Nẵng một cách hối hả để kịp giờ về đến Huế, nhưng lúc sắp qua cầu Nam Ô lại bị trục trặc máy, chiếc xe đang chạy ngon trớn bỗng giật lên mấy cái rồi tắt hẳn. Còn trớn, anh tài lái cho xe cặp sát lề, rồi xuống dở nắp đầu máy lên xem xét.
Cầu để bảng đỏ.
Hành khách trên xe có vẻ nôn nóng, vì chuyến xe đã khởi hành chậm nửa giờ. Người ta mong đến Huế đừng chiều quá để còn đón xe ra các vùng ngoại ô. Mỗi người, bằng một lối riêng, bày tỏ sự khó chịu phải đi nhằm "một chiếc xe mắc dịch". Những người nóng nảy than phiền nặng lời. Vài người điềm tĩnh hơn, gác khuỷu tay trên thành cửa, giữ im lặng ngó mông ra ngoài hoặc phe phẩy tờ báo xua đuổi cơn nóng hầm hập trong xe.
- Tiền thì lên cho dữ mà xe cộ để hư lên hỏng xuống rứa đó.

Một chị đàn bà có mang, búi tóc cao, mặc chiếc áo dài màu tím nhạt, đã cũ, hở những chiếc cúc áo ở bên hông, lên tiếng phàn nàn, nét mặt chị cau có chanh chua. Chị ta là bạn hàng đi buôn trên đường Huế - Đà Nẵng.
- Bữa trước mới hai trăm rưỡi, chị quay sang nói với bà cụ ngồi kế bên, nghe rục rịch xăng lên giá tăng liền ba trăm.
Bà cụ trả lời, không tán đồng ý kiến của chị ta, bà cho rằng tăng giá xe như vậy kể thì cũng hợp lý:
- Xăng đang từ mười hai đồng, tăng lên hai mươi đồng. Thì cũng phải để cho họ tăng tiền thêm kiếm sống với chứ?

Chị bạn hàng cụt hứng, không được biểu đồng tình, chỉ còn biết quay đi thở dài. Một ông cụ già ngồi bên chị bị lây cũng thở dài, còn dài hơn chị bán hàng, nhưng không ai biết ông cụ thở dài vì cớ gì. Anh tài xế lom khom, chồm người lên sờ mó khắp các bộ phận trong bộ máy như thầy thuốc xem xét thân thể con bệnh. Một lúc lại lên xe "đề"; nhưng máy vẫn không nổ. Nắng tháng Năm đổ lửa, mồ hôi trán anh nhỏ giọt xuống trên những ống sắt còn nóng kêu xèo xèo, anh dùng tay áo quệt lấy quệt để mà mồ hôi cứ tuôn ra.

Ở đầu cầu, gã lính Mỹ đi tới đi lui, vai mang súng, miệng nhai kẹo cao su nhóp nhép, vừa đưa mắt lơ đễnh nhìn anh tài làm việc vừa quay tròn khúc dùi cui ngắn đen bóng bằng ngón tay trỏ, xỏ trong một vòng dây. Gã đi trong cái thế thân hình gã ngất ngư từ sau ra trước và ngược lại.
Bảng trắng đã hiện ra mà anh tài vẫn còn đang loay hoay, chưa tìm ra chứng bệnh của chiếc xe.
- Bảng trắng rồi kìa, bác tài ơi!

Hành khách đồng loạt thúc giục. Có giọng cao the thé của một bà cụ người Bắc, ngồi sau lưng tôi.
Những chiếc xe đậu phía sau nối đuôi tuần tự vượt lên qua cầu làm cho hành khách trên xe càng thêm nóng ruột.
- Xe với cộ chi mô mà chán ghê, chị bạn hàng áo tím lại lên tiếng phàn nàn. Điệu này tối chưa về tới Huế, làm răng đón xe ra Hải Lăng!
Một vài người không chịu được hơi nóng hầm trong xe, mở cửa xuống cho mát, nhân tiện tìm một chỗ vắng đi tiểu.

Kể ra đi nhằm một chiếc xe hỏng máy cũng bực mình. Đoàn xe đậu phía sau đã vượt lên qua cầu hết. Chiếc bảng đỏ lại hiện ra. Đám hành khách lại xì xào tỏ dấu chán nản. Anh tài xế mặt đỏ bừng, chửi thề lầm bầm. Tôi xuống xe đến đứng bên anh, nhìn vào cái máy. Anh ngửng lên, thấy ánh mắt và nét mặt tôi dễ chịu, anh liền phân trần:
- Chiếc xe răng bỗng dưng dở chứng rứa đó Thiếu úy. Thật là đồ quỷ sứ. Mấy chuyến trước mô có rứa, xe tui chạy ngon lành lắm chớ, "đề" cái là nổ liền, chạy một mạch chớ có mô như bữa ni.
- Cứ thong thả mà sửa, thà chậm một chút mà chắc ăn, khỏi cà rịch cà tang.
Tôi muốn nói với anh như vậy, nhưng tôi lại chỉ vỗ vai anh nhè nhẹ và cười với anh ra vẻ thông cảm.

Tôi đứng dịch ra lề cỏ hút thuốc, ngắm bãi bể Nam Ô nước xanh ngắt, sóng ngầu bọt trắng xóa liên tiếp lùa vào bờ, đổ xuống ì ầm không ngớt. Màu xanh của mặt bể mênh mông trải rộng khiến tôi cảm thấy những cơn gió Lào tháng Năm thổi hơi núi đá nung về giảm bớt sức nóng. Tôi hít vào phổi từng hơi dài. Biển bao giờ cũng lôi cuốn tôi, như hương hoa đối với bướm ong. Ôi! Biển! Biển tàn bạo nhưng biển cũng bao dung dịu dàng dường nào. Nhưng dù lúc nâng niu ta trong êm ái hay khi vùi dập ta tan thây, ta vẫn muôn đời yêu dấu biển. Những con sóng bạc đầu nhô cao lên, thoát ra khỏi một chân trời mờ phẳng - nơi những cánh buồm ngà bềnh bồng im lặng. - cuồn cuộn, hùng dũng tiến vào bờ. Bãi cát không dấu vết. Những con chim lông xám tro chân vàng nhảy nhót, tung bay trên bọt sóng trắng… Một mặt bể phẳng lặng, ta định tĩnh. Một mặt bể ngầu sóng ta cởi trên đầu những con sóng thần bọt sôi sục lướt đi trong phong ba… Một bãi bể không bóng người, ta dứt bỏ mọi ràng buộc, lạc bước đến chốn hoang vu đó, nằm ngủ trên cát dưới một đêm sao vằng vặc trong tiếng ru của sóng réo thiên thu. Mặt trời đỏ chói như một chiếc cồng nung rải ánh sáng vàng cam lấp lánh trên muôn trùng con sóng lưỡi búa…
- Bà con cô bác, lên xe giùm đi, chạy!

Anh tài xế mời khách, chùi tay vào một miếng giẻ nhuộm dầu đen. Giọng nói oang oang của anh làm tan cơn mộng mơ của tôi.
- Chiếc xe báo đời quá, anh nói như để phân trần với hành khách, bà con cảm phiền lần này. Chớ tui làm ăn, muốn đi đến nơi về đến chốn cho mau mắn, ai ưng làm chậm trễ cô bác chi.
Hành khách lên xe. Vừa rồi lần lần họ đã xuống hết, chỉ còn một người đàn bà khoảng ba mươi tuổi, mặc một chiếc áo bà ba ny-lông màu dưa cải ngồi lại. Chị ngồi im lặng, bế một đứa trẻ còn đỏ, nó đang ngủ thiếp trong tay chị. Từ lúc lên xe chị chưa hề mở miệng. Chị lắng nghe những mẩu đối thoại, nhưng không góp chuyện. Đôi mắt không buồn không vui luôn luôn nhìn thẳng, trông chị có vẻ tách rời khỏi đám hành khách huyên náo, như cái bóng yên lặng chìm vào một thế giới riêng tư.

Tôi lên ngồi ở băng tài xế, bên cạnh cô gái khoảng mười lăm mười sáu tuổi, ý chừng là nữ sinh trường Đồng Khánh về Đà Nẵng nghỉ lễ, nay ra học lại. Máy xe đã nổ đều, nhưng còn đợi bảng trắng.

Tôi mời anh tài xế điếu thuốc. Tôi không nôn nao. Được bốn mươi tám tiếng phép vào Đà Nẵng thăm người anh bị pháo kích gãy một chân, bây giờ trở về, quí hồ đến nơi được yên ổn thì thôi còn lúc nào cũng được.

Anh tôi là giáo viên, bị gọi nhập ngũ khóa Thủ Đức cùng với tôi. Khi mãn khóa, anh được về làm ở trại X… một đơn vị hậu phương. Anh có vợ năm con, sinh năm một.

Tôi vào nhà thương thấy bà chị dâu ốm xanh, mắt thâm quầng, ôm đứa con mới sinh hai tháng, đã ngồi suốt mấy đêm ngày liền bên giường anh, sau khi anh được  giải phẫu.
"Còn đủ chân thì còn làm việc, tôi nghĩ, cụt chân, chắc chắn anh được giải ngũ. Không biết rồi đây anh làm gì để nuôi ngần ấy đứa con?"

Tôi chia cho chị phân nửa số lương mới lãnh. Chị bảo "chú để dành mà tiêu". Tôi im lặng dúi vào túi áo chị. Không chia cho chị, rồi đi ngủ đò sông Hương vài đêm cũng hết. Nghe chị kể lể, tôi không biết an ủi chị thế nào. Nói đến số mệnh ư? Tôi không thích phỉnh phờ người khác và tự tìm kiếm niềm an ủi cho mình một cách tiêu cực khốn khổ như vậy. Số mệnh gì mà cay nghiệt, độc ác, đày đọa cả một dân tộc suốt hơn một phần tư thế kỷ như vậy?

Tôi về nhà chị, mấy đứa cháu mặt mũi, áo quần nhớp nhúa đeo lấy, mừng rỡ kêu "chú, chú". Vắng mẹ, trông chúng giống một lũ con hoang đầu đường xó chợ. Đứa con gái đầu, hơn năm tuổi cũng nhem nhuốc không kém gì thằng bé lên một. Thấy tôi đến, nó vội chạy đi lấy khăn lau mặt rồi lau cho mấy đứa em, dáng vẻ hơi bẻn lẽn, ý chừng sự có mặt của tôi nhắc nhở cho nó nhớ lại bổn phận chị cả của nó mà có lẽ từ sáng sớm lúc mẹ nó ra khỏi nhà đã căn dặn và nó cảm thấy đã làm không đầy đủ đối với lũ em.

Tôi hỏi nó:
- Mẹ cho các cháu ăn gì?
- Dạ, ăn đủ thứ. Nó hăng hái trả lời, xôi, khoai lang, cơm nguội…

Buổi sáng, trước khi vào nhà thương, mẹ chúng nấu một nồi cơm lớn, tiện thứ gì chị mua thứ ấy để lại, dặn con bé đầu cho lũ nhỏ ăn suốt ngày, đến chiều tối chị mới về.

Tôi mua cho chúng ít quà bánh, dắt ra đầu hẻm cho ăn bún bò. Thấy chúng nhảy lên reo mừng mà tôi ứa nước mắt. Trong khi chờ đợi đến phiên, đứa này nhìn đứa kia ăn, mắt hau háu, miệng há theo, nuốt nước miếng. Tôi đút cho thằng bé nhỏ nhất.
- Cháu ăn hai tô. Con bé lớn nói.
- Cháu ăn ba tô. Mấy đứa còn lại nhau nhau lên đòi.
- Xí, tụi bây còn nhỏ, ăn ít. Con bé chị mắng át lũ em. Tao lớn, chú cho tao ăn nhiều. Chú nghe, nó nói, ngước mắt van lơn lên nhìn tôi.

Thằng em nó cãi:
- Chị lớn rồi, không cần ăn nhiều nữa. Tụi em nhỏ, ăn nhiều cho mau lớn bằng chú.
- Chú cho con ăn tha hồ. Thôi đừng cãi nhau nữa. Tôi dàn hòa. Ăn bể bụng ra thì thôi.
- Sướng!  Sướng! Chúng reo lên. Chú nói cho tụi mình ăn đã đời!
Bà hàng bún nhìn tôi rồi nhìn lũ cháu, cười hỏi:
- Con ai mà đông rứa cậu?

Tôi cười thay câu trả lời. Tôi nhìn lũ cháu ăn sì sụp, nghe chúng nói chuyện, cãi vã. Chúng còn ngây thơ quá, chưa biết mùi đau khổ mà những bậc cha mẹ chúng đã nếm trải. Chỉ biết đói là khóc đòi ăn, được ăn thì mừng rỡ sung sướng. Chúng chưa biết được thế nào là sự khổ tâm, chỉ vì miếng ăn mà người ta đôi khi phải cắn răng cam chịu trăm điều nhục nhã cay đắng. Cha mẹ chúng là những người hiền lành, rồi đây sẽ khó khăn để bon chen kiếm sống trong một xã hội miệng chưa mở tay đã giật. Nhất là chị PH. hiền lành quá, đến gần như nhút nhát. Ngoài tấm lòng yêu chồng, thương con và chăm lo công việc gia đình, hầu như chị không còn làm được việc gì khác nữa. Dạo trước đang còn đi học, mười bảy tuổi cha mẹ bắt về lấy chồng. Lúc mới về nhà cha mẹ tôi, trông chị ngờ nghệch mà tội nghiệp. Dáng người chị đã nhỏ nhắn, lại sinh năm một, ăn uống thiếu thốn, bây giờ chị gầy hẳn đi và xanh mét.

Phần anh, khi có lệnh cho giáo chức biệt phái, chị có nhắc anh làm đơn xin, nhưng anh không có vẻ hăng hái. "Đời sống dân sự dẫu sao cũng dễ thở cho mình hơn, chị nói với chồng, anh có nhiều thì giờ gần gũi các con mà dạy dỗ chúng. Nhà binh cứ đi đi về về, nay trực mai gác, chẳng mấy khi ở nhà nhìn cho rõ mặt vợ mặt con". "Xin về bây giờ, anh trả lời uể oải, dễ gì có trường ở thành phố như chỗ làm hiện tại. Nếu chẳng may về nhận cái trường quận xa thì chẳng khác nào đem thân vào đất Thục".

Anh nhớ lại dạo mới ra trường về dạy ở X…, một ngôi trường nhà dột cột xiêu, đầy tường  dấu bom dấu đạn. Ngày thì khẩu hiệu bên này, tối khẩu hiệu bên kia. "Chống Mỹ cứu nước"… "Đả đảo Mỹ Ngụy"… "Quyết tâm tiêu diệt bè lũ Cộng sản"… Học trò thì một lũ mặt xanh nanh vàng, áo quần vá chằng vá đụp. Lớp học ba chục đứa nghỉ hết mười lăm. "Thưa thầy mai cho em ở nhà chăn bò"… "Tưới rẫy"… "Cắt cỏ"… "Cắt lúa"… Thỉnh thoảng lại nghe, "thầy ơi, thằng A, thằng B… Nẫu đi du kích rồi, nhảy núi rồi"… Giờ công dân đang dạy có người vào xin dạy thế. "Các em phải nghe theo lời Bác và Đảng…". "Chúng ta phải tiêu diệt bọn tay sai và đế quốc Mỹ"… Cột cờ ngoài sân đã có ai thay vào đó lá cờ khác rồi… Buổi chiều, mới bốn giờ đã ba chân bốn cẳng lên Quận ngủ.

"Thôi hãy nán lại ít lâu xem sao đã. Anh dỗ dành vợ. Thời bây giờ là thời của lính tráng mà. Áo ka- ki mạnh, em à" Anh gượng cười, miệng méo xẹo. "Còn như công việc nhà binh thì chỗ nào cũng vậy. Ăn cơm chúa phải múa tối ngày. Được làm chỗ yên lành này kể đã may mắn rồi. Người ta đi đánh giặc, chết lên chết xuống thì sao!".

Chị PH. xót xa nhìn chồng, thấy anh không nói ra cái ý nghĩ trung thực mà anh cố dấu không thổ lộ. Anh làm trưởng quày hàng Quân tiếp vụ đơn vị, nhờ đó, mỗi tháng anh kiếm thêm được ít sữa, đường, đồ hộp để cung ứng cho nhu cầu thực phẩm gia đình. Mà với số lương cò đói của anh - dầu lương sai biệt - không làm sao chi dùng cho đủ trong tình trạng vật giá đắt đỏ này. Thấy vợ mới sinh mà phải ăn uống thiếu thốn, không có chút gì gọi là "tẩm bổ", ngày càng gầy gò ốm yếu mà anh đau lòng. Mới ngoài hai mươi tuổi mà trông chị như một người đàn bà ba mươi. Mấy con đang ở tuổi cần ăn nhiều để lớn, nhưng lấy đâu ra thức ăn cho chúng? Đứa nào đứa ấy xanh xao, lúc nào cũng tỏ vẻ thèm ăn. Thấy ai ăn chúng cũng đứng nhìn một cách thèm thuồng. Không phải chúng "đói con mắt", thật ra vì nhu cầu thể xác còn thiếu thốn… Mỗi tháng anh đem về cho con mấy hộp thịt, sữa - kể ra cũng không chính đáng lắm - mà anh cảm thấy áy náy.

"Ăn xới ăn bớt của lính tráng đang đánh giặc thì thật là khốn nạn. Anh nghĩ. Nhưng đâu có phải một mình anh, anh tự an ủi. Thứ anh là thứ tép riu, vặt vãnh. Người ta còn cướp cơm chim một cách khốn nạn hơn anh nữa kìa, ăn xương máu của lính. Vậy thì tội vạ gì để lương tâm nó… gậm nhấm cho khổ cái thân". Tuy nghĩ vậy mà anh cũng không yên lòng cho được.

Nhưng bây giờ thì hết rồi, và không cần xin giải ngũ, biệt phái anh cũng vẫn được mời về. Cụt một chân, kể là tàn phế trăm phần trăm rồi, biết Bộ Giáo dục còn thu dụng anh không, hay là họ cũng xếp anh vào hạng phế thải? Về luôn thì anh làm gì với một cái chân què để nuôi lũ con nhóc tì đây?!

Tôi thò tay ra ngoài ném mẩu tàn thuốc. Xe đang leo dốc, sắp sửa lên đèo Hải Vân. Con đường chạy ngang một bãi đất trống, chỗ đổ rác Mỹ. Tôi thấy mươi người vừa đàn bà trẻ con, kẻ bưng một cái thúng, một thùng giấy, người xách một bọc ny-long, đang cắm cúi bươi nhặt những món đồ thừa thãi. Một mùi hôi nồng phảng phất trong không khí oi bức. Hành khách bịt mũi, nhăn mặt.
Máy xe vẫn nổ tốt. Anh tài xế hài lòng nhìn qua tôi mỉm cười, cho xe sang số một:
- Tui đã nói mà, chiếc xe ni ngon lành lắm, khi hồi tại trong bình xăng có nước nên mới bị nghẹt. Nói xong anh nhấn ga cho xe vọt mạnh.
- Vừa vừa thôi, bác tài ơi! Giọng bà cụ người Bắc the thé. Về nhà chứ không phải về âm phủ đâu.
- Tui lái xe bà con khỏi lo mà. Anh tài xế trấn an hành khách. Tui cũng có vợ con, bộ không sợ chết  răng. Chạy kha khá một chút, đến bến có xe cho bà con kịp về nhà.

Đột ngột, anh hãm bớt tốc độ cho xe nép sát vào lề đường. Trong kính chiếu hậu, tôi thấy ba chiếc xe nhà binh đang xả hết ga chạy tới, bóp còi inh ỏi.
- Phải né mấy ông nội này mới được. Anh tài lo lắng nói, tụi nó lái ẩu có hạng. Tránh voi chẳng  xấu mặt nào.

Ba chiếc xe nhà binh Mỹ trong một thoáng đã vượt qua. Trên xe sau cùng, mấy gã lính Mỹ mình trần, mồ hôi tuôn nhễ nhại trên lớp da rám nắng đỏ hồng, đang ngất ngưởng uống bia. Một gã giơ cao lon bia lên, ngúc ngắc cái đầu trần, mớ tóc vàng hoe bay giạt  về phía sau. Có kinh nghiệm, anh tài xế vội giảm bớt tốc độ xe gần như ngừng hẳn lại, nhưng không còn kịp. Đúng như dự đoán của anh, "nó muốn mời bà con mình uống bia đó", lon bia đã rời khỏi tay gã lính Mỹ bay thẳng vào tấm kính chắn gió. Theo phản ứng tự nhiên, mọi người trong xe đều nghiêng người tránh. Tôi cũng vội cúi đầu xuống. Miếng kiếng vỡ toang, miểng lẫn với nước bia văng tung tóe. Chiếc xe lảo đảo suýt đâm xuống vực. Gã lính Mỹ, trước cảnh tượng đó, khoái chí cười rung cả người.  Anh tài cho xe ngừng nép lề. Một mảnh kính ghim vào má trái anh, giòng máu chảy xuống khóe mũi. Tôi thấy rát ở trán, sờ lên mới hay mình cũng bị thương. Hành khách trên xe được một phen mất vía!
- Bà con có ai bị thương tích chi không?

Anh tài mặt tái nhợt, quay ra sau hỏi. Anh mỉm cười, đầy vẻ nhẫn nhục:
- Hắn mời bà con mình uống bia lấy thảo đó. Cũng may tui phanh kịp, chứ không xe xuống vực, bà con mình về chầu Diêm vương hết cả rồi.

Anh lấy mảnh kính ghim ở má ra, chùi vết máu, bẻ đôi điếu thuốc đưa cho tôi một nửa:
- Thiếu úy đắp thuốc cho cầm máu. Làm cái nghề ni thời chừ khổ vì mấy chiếc xe Mỹ. Có ngày chắc cũng đến bỏ vợ bỏ con.

Tôi để điếu thuốc vào vết thương, lấy khăn tay buộc quanh đầu.
- Mới hôm qua đây, anh tài tiếp lời, cả một chuyến đi chầu Diêm chúa hết. Xe ủi đất như bò mộng mà cán lên "trắc xông" con bọ hung ni thì còn chi?

Tai nạn nầy tôi cũng vừa nghe. Một chiếc xe ủi đất của Công binh Mỹ cán đè lên một chiếc xe đò hiệu An Lợi, bẹp dí. Tài xế và mười hành khách trên xe chết liền tại chỗ. Chiếc xe chở năm sinh viên y khoa năm thứ sáu vừa xong thời gian thực tập ở bệnh viện Đà Nẵng, trở về trường Đại học Y khoa Huế. Ba sinh viên Luật và một nữ sinh trung học.

Nghỉ một lúc, xe lại khởi hành. Gió từ chỗ kính vỡ lùa vào trong xe mang theo bụi, hơi nhựa đường làm hành khách ngột ngạt khó thở. Anh tài lấy kính râm che mắt, giọng trách móc:
- Từ ngày có mấy cha nội đó, tụi tui lái xe như có treo án tử hình Thiếu úy ơi. Mình đã sợ, né rồi chớ phải không na, mà cũng bị như thường. Nghe nói bên nước họ văn minh ghê lắm, mà răng qua đây thấy toàn dân ba trợn rứa không biết.
- Văn minh thì cũng có người thôi chớ. Chị bạn hàng hằn học trả lời. Bộ cả nước văn minh hết răng. Văn minh "chạy xe" chớ phải văn minh "học thức" na. Ở mô mà không có hạng người mất dạy.
- Chơi chi mà thất nhơn ác đức rứa không biết. Lỡ người ta chết thì răng.
- Thì nhăn răng chớ răng, lạ chi mà hỏi nữa. Một người nào đó, giọng ồ ồ hóm hỉnh đáp lại.

Bà cụ người Bắc lại cất cái giọng the thé lên:
- Có khi thấy đàn bà con gái đi đường, họ rờ đít rờ mông, nắm tóc kéo lôi đầu đập vào thành xe chết tươi.
- Rứa có oan mạng người ta không chớ?
- Nghe nói chính phủ họ thường tiền nhiều lắm mà? Chị bạn hàng hỏi trổng.
- Ờ, có chớ. Cái giọng đàn ông ồ ồ lúc nãy lại mai mỉa, thủng thỉnh cất lên. Điều tra lên điều tra xuống, hàng mấy năm trời sau mới thí cho được mấy chục ngàn. Bạc triệu cũng không thèm nữa. Bộ mấy chục ngàn làm cho con người ta sống lại được răng?

Một bà cụ nói giọng Quảng Nam than thở:
- Ối, dân mình bây chừ thiệt khổ đủ điều. Chết súng chết đạn chưa đủ, còn thêm nạn xe Mỹ cán nữa. Răng chính phủ mình không can thiệp cho họ bớt ẩu tả đi?
- Hơi sức mô bà, người đàn ông thở hắt ra theo sau câu nói. Còn những việc quốc gia đại sự người ta phải lo lắng, chết mấy người dân đen, dân ốm nầy là chuyện nhỏ nhặt. Ai mà mất công đi lo những việc tầm thường như rứa?

Ông cụ ngồi bên cạnh người đàn ông lau đôi mắt đỏ, phàn nàn:
- Cái thời dân vi quý chừ coi bộ hết rồi eng nờ. Bây chừ, cái gì vi quí chẳng biết chớ dân mình thì rẻ mạt.
"Ý hẳn ông cụ muốn nói "dân vi khinh" chăng? Tôi lơ mơ nghĩ, nghe cơn buồn ngủ đến làm váng vất khó chịu. Tôi tựa đầu vào nệm sau xe nhắm mắt lại một chút.
Trên xe bỗng nhiên mọi người cũng im bặt đi. Gió Lào tháng Năm thổi về từ bên kia dãy Trường Sơn nóng hầm hập, thứ gió làm cho môi khô nứt và cây lá héo. Quần áo mặc nghe như có hơi lửa, da thịt lúc nào cũng nhâm nhấp mồ hôi.

Vết thương ở trán tôi bắt đầu sưng lên, những mạch máu căng ra giật từng hồi theo nhịp tim đập.
Lúc tôi mở mắt ra xe đã đến đỉnh đèo. Một đám mây thấp bay qua, bóng che rợp. Nhìn lại phía Đà Nẵng nắng sáng rực. Ngoài khơi, đoàn thuyền đánh cá buồm trắng ngà đứng yên, nhỏ li ti trông như những cánh buồm giấy xếp thả trên mặt ao rộng. Xe chạy chầm chậm, anh lính gác uể oải khoác tay cho xe đi thẳng khỏi vào trình giấy.

Trước đây, đèo còn lên xuống một chiều, hành khách phải dừng lại đợi ở đỉnh đèo. Người ta có thể vào ngồi nghỉ, ăn uống trong những hàng quán lúc nào cũng nhộn nhịp.

Đứng từ đỉnh đèo Hải Vân, phong cảnh núi rừng trùng điệp, mơ hồ chìm khuất trong mây khói và cảnh trời nước bao la của biển cả làm cho lòng người ngây ngất. Tình yêu quê hương nếu có vì cuộc sống bon chen làm cho quên lãng sẽ có dịp bừng dậy mãnh liệt cùng với lòng kiêu hãnh sáng ngời.

Lần đầu tiên đến đó, tôi bị thiên nhiên mê hoặc.
Đứng im dưới gốc một cây thông nhỏ, tôi lắng nghe âm điệu vi vu trầm bổng của tiếng gió lùa qua lá thông như tiếng sáo diều văng vẳng. Những đám mây bay qua che phủ cả người. Tôi giơ tay lên với, thấy những sợi mây lẫn trong sương mù chảy qua kẽ tay.

Xa xa trên núi, sau màn mây mỏng, những giòng suối trắng chảy xuống giữa khe đá mòn. Dưới vực sâu, bờ bể với bãi cát vàng ngà vẽ một đường cong dịu dàng cạnh bờ đá sóng đổ xuống, tung bọt trắng xóa, âm thanh vang lên ì ầm.

Ẩn hiện trong màn lá cây tiếp nối, đường đèo uốn lượn như một con rắn khổng lồ hiền lành, cõng trên lưng những con bọ rầy đủ mầu đang bò chậm chậm.

Con tàu suốt Sàigòn - Đông Hà chạy trên thiết lộ xuyên Việt thoát ra từ cửa một hầm đá, phun khói đen nghịt, huýt còi vang, lao đi vùn vụt… Những ngày bình yên đó bây giờ đã xa.

Xe xuống đèo một lúc, đột ngột, một cơn mưa rào tuôn xuống xối xả. Mưa tạt vào khoảng kính vỡ, hành khách cố nép mình, tưởng như có thể tìm được một chỗ nấp, nhưng làm gì có, thế là mọi người đành ngồi chịu trận, chẳng mấy lúc quần áo ướt đầm, trong xe nước ngập lõng bõng như một khoang thuyền thủng. Cô gái ngồi giữa anh tài xế và tôi mặc chiếc áo dài lụa trắng nước thấm ướt dán sát vào da. Cô nhìn tôi thẹn thùng, tôi cũng ái ngại cho tình cảnh của cô. Tôi muốn có một cái khăn quàng cho cô mượn, nhưng ngoài bộ áo quần mặc trên người từ một tuần nay chưa thay, tôi chẳng mang theo thứ gì khác. Có những trường hợp người ta phải chịu nỗi ân hận vì không thể bày tỏ thiện ý của mình.

Cơn mưa đột ngột trái mùa ngớt dần. Không khí oi nồng dịu lại, nhưng luồng gió lọt vào từ chỗ kính vỡ làm cho hành khách bị lạnh. Ông cụ ngồi ở băng giữa đã bắt đầu sổ mũi, ông nói:
- Về tới nhà chắc bị cảm lạnh, nằm liệt giường đa, coi chừng đi luôn cũng nên.
Giọng ông trở nên khàn khàn. Ông liên hồi hỉ mũi vào chiếc khăn tay, bẩn một màu khó tả. Trong xe nghe thoảng mùi dầu Nhị thiên đường.

Cây cối hai bên đường được rửa rạch, xanh lên tươi mát. Những suối nước từ sườn núi giăng mây đổ xuống ào ạt, trắng xóa. Hơi mưa còn che mờ các khoảng cây trên  đồi xa.

Nắng rực trở lại, mặt đường trơn trợt bốc hơi nghi ngút. Anh tài giữ tay lái cẩn thận cho xe chạy chậm lại khiến hành khách an tâm. Họ không còn tỏ vẻ nôn nóng nữa. Thà ngủ lại một đêm ở Huế rồi còn ra được Hải Lăng, Quảng Trị hay Đông Hà, hơn là ngủ giấc muôn đời ở dưới vực, lổn ngổn đá tảng ven bờ bể. Một người nào đó đã bày tỏ ý nghĩ của mình như vậy.

Ở giữa đoạn đường xuống đèo, núi lở làm hư một khoảng lộ, Công chánh đang sửa chữa lại. Chỗ đất mới đổ đá dăm, sau cơn mưa thấm nước, những xe qua trước làm trũng xuống một bãi lầy. Anh tài xế cho xe sang số một để vượt, nhưng chiếc xe già không qua nổi, bánh lún xuống phân nửa, thùng xe sà sát mặt đất. Anh yêu cầu hành khách xuống cho xe nhẹ bớt, rồ máy nhiều lần, nhưng bánh xe chỉ xoay tròn tại chỗ, bắn tung tóe bùn và đá, chiếc xe chẳng nhích tới được một phân.

Những xe đến sau bị chắn lối phải đậu lại. Lúc đầu người ta đứng hút thuốc phì phà, nhìn anh tài xế hì hục làm việc một mình. Nhưng sau thì họ nóng lòng, thấy rõ sự liên đới, nên xúm nhau lại đẩy. Chiếc xe xê dịch được mấy tấc, nhưng bánh vẫn còn ngập trong bùn.
- Không khéo phải ngủ lại đêm ở đây cả đám. Quãng này không có đồn lính, đêm đến họ có thể xuống dắt lên núi học tập lắm.

Một vài người nói ra nỗi lo lắng chung, rồi cùng nhau thở vắn than dài.
Đứng ngoài nắng một lúc, áo quần hành khách bốc khói. Ông lão và cô gái than chóng mặt, mở cửa xe định lên ngồi. Anh tài liếc thấy vội lên tiếng năn nỉ:
- Trời ơi! Tội nghiệp quá. Cô bác chịu khó ở dưới chút xíu đi mà. Xe bị lún còn lên ngồi cho nặng thêm thì làm răng mà chạy cho nổi!

Ông lão định trả lời, nhưng vừa mới mở miệng đã gập người xuống nôn thốc tháo. Anh tài trông thấy, lắc đầu. Cô gái cũng bị gió, mặt mày xanh ngắt. Người ta xúm lại thoa dầu, cạo gió cho hai người.
Anh tài xế loay hoay, hết cúi xuống xem xét chỗ bánh xe lún, lại lên rồ máy thử, áo vừa khô nước mưa đã thấm ướt mồ hôi.
- Tháng này có cúng tổ đàng hoàng, anh tài la lên bực dọc, răng mà xui quá rứa không biết. Chắc tổ hết độ rồi.

Xe đã dừng lại hơn hai giờ. Cuối cùng, một tài xế xe khác có ý kiến hay, anh mang mấy tấm ván đến, chêm sát hai bánh xe trước. Anh tài xế lên rồ máy cho xe chạy, còn chúng tôi tiếp đẩy. Sáng kiến đó thành công, nhưng phải khó khăn chiếc xe mới vượt qua được vũng lầy. Những xe sau phải vòng vào sát chân núi để tránh chỗ lún.

Tôi tuy không gấp, nhưng khi lên xe ngồi trong lòng cũng thấy nhẹ. Đã đi thì ai không mong đến nơi đến chốn?  Có điều, nhà tôi ở tại Huế, trong Thành nội, gần cửa Đông Ba, xe đến lúc nào cũng được. Bến xe An Lợi cũng gần quán cà phê Lạc Sơn, tôi ghé đó uống ly cà phê, hút vài điếu thuốc, nhìn các cô gái tóc thề dạo phố một lúc rồi thả bộ về nhà, qua ngả Hàng Bè hay Gia Long cũng đều tiện đường.

Cụ già và cô gái được cạo gió thoa dầu đã khá, nhưng khi xe chạy được một lúc, cô lấy trong túi xách ra bọc ny-lông, kín đáo nôn vào đó, mặt cô trở nên trắng bệt, mệt nhọc. Xe đang đổ đèo, qua nhiều khúc quanh ngặt chắc cô bị chóng mặt.

Bãi biển Lăng Cô đã thấy thấp thoáng với đám nhà dân chài. Đó là một bãi biển nhỏ, quanh năm sóng bạc đầu đưa những chiếc lưỡi bọt trắng mềm mại liếm lên bãi cát vàng ngà, mịn màng như làn da căng của thiếu nữ mới lớn.

Đã nhiều lần, từ khúc quanh trên đèo, tôi trông thấy bãi biển và mầu trắng của những bọt sóng tan tràn lên bờ cát uốn những đường cong dịu dàng lôi cuốn tôi. Hình ảnh đó mang đến cho tôi một cảm giác êm ái vỗ về làm tôi ngây ngất. Sự lôi cuốn thúc bách mãnh liệt đến nỗi, tôi ao ước được trầm mình ở bãi biển đó, thân xác tôi sẽ tan ra thành nước thành cát và hồn tôi còn vương vất thiên thu trong từng khoảng không nhỏ bé của muôn vàn bọt sóng…

Ngay khúc quanh đổ dốc, tấm bia đá dựng lên lưng con  rùa - cũng bằng đá - ghi lại tên tuổi viên kỹ sư người Pháp làm con đường đèo Hải Vân, biến thành cái đích cho tầm súng của mấy anh lính Mỹ, lính địa phương quân buồn tay, thử tài thiện xạ. Mặt bia vỡ lỗ chỗ, nham nhở dấu đạn, không còn đọc được chữ, mình con rùa cũng không còn nguyên vẹn.

Xuống hết đèo, xe phải dừng lại một lúc trước khi qua phá Lăng Cô. Cầu cũ đã bị mìn đối phương làm sập, công binh Mỹ đang xây cầu mới. Tạm thời xe qua phá bằng cầu nổi đi một chiều, nên phải đợi đến phiên.

Trước khi qua cầu, ông lão bị trúng gió có mua một lon cô-ca uống. Đến giữa cầu, ông ném vỏ xuống nước, thế là xe bị giữ lại hơn nửa giờ. Luật lệ qua cầu, tuyệt đối không được ném bất cứ gì ra khỏi xe, để đề phòng trường hợp vật ném ra có thể là một trái bộc phá.

Gã lính Mỹ gác cầu ra dấu cho xe dừng lại và bắt anh tài xế lội xuống nước vớt cái vỏ cô-ca lên. Anh tài nhăn nhó. Cũng may, khoảng nước chỗ chiếc lon đang nổi lềnh bềnh chỉ sâu đến đầu gối nên công việc cũng không vất vả gì.

Mặc lại áo quần, anh đến bên gã lính Mỹ trổ tài ngoại giao. Tôi đứng xa không nghe anh nói gì, chỉ thấy anh chỉ trỏ vào chiếc xe rồi hất mặt về đám hành khách đứng ngồi mỏi mệt, đang hướng về phía anh để xem kết quả cuộc điều đình. Thỉnh thoảng những tiếng "YOU" và "OK" vượt cao lên tôi nghe được. Anh lính Mỹ chỉ mỉm cười, bước thong thả tới lui không chú ý. Anh tài thì cứ chạy theo án ngữ trước mặt y, nằn nì, mỗi lần như thế gã lính Mỹ lại đổi hướng. Lũ trẻ con miền bể - da cháy nắng nám đen nám đỏ bán kẹo cao su, thuốc lá, nước ngọt và hàng quà vặt - bu theo coi, cười rộ lên từng hồi. Một đứa lớn tiếng thông ngôn lại cho anh tài xế biết, "hắn nói giữ xe lại nửa giờ vì tội xả rác".

Năn nỉ không xong, anh tài chán nản ngồi bệt xuống lề đường, lấy thuốc lá ra hút. Hành khách càu nhàu kẻ vô ý, nhưng vì là một cụ già đáng tuổi cha chú nên người ta không nỡ nặng lời. Ông lão bối rối ra mặt, hết nhìn người nầy đến nhìn người kia, đôi mắt áy náy tội nghiệp. Ông phân trần và xin lỗi anh tài có ý cho hành khách trong chuyến xe cùng nghe:
- Tui mệt quá eng nờ, mua lon cô-ca uống cho đỡ nhợn cổ họng. Thiệt là chẳng có biết luật lệ cấm như rứa. Eng đừng phiền.
- Thôi mà bác. Anh tài nhả ngụm khói, trả lời nhã nhặn. Không cho đi thì được ngồi nghỉ xả hơi một chút chớ có răng mà lo. Bác thấy trong người đỡ chưa?
- Khá rồi eng. Bị đám mưa khi hồi tui chóng mặt dữ, tưởng mô nằm rệp rồi. Già cả thiệt khổ quá eng ơi.

Tôi đứng cách hai người vài bước, ngắm xóm nhà của một họ đạo, làm nghề chài lưới, từ khúc quanh, đổ dốc trên đèo trông như một mô hình nổi… Biển khuất sau những mái tranh xám đen, phủ rợp bóng lá hàng dừa thấp. Ở những khoảng cách, biển trông thấy màu tím và lục nhạt, trong vắt như thạch đông. Ngôi nhà thờ nhỏ tọa lạc trên một thế đất cao, vươn khỏi hẳn những nóc nhà với chiếc thập tự trắng chói nắng, nổi bật lên.

Phía đất liền, dãy Trường Sơn nằm cách Quốc lộ chỉ một khoảng ruộng hơn trăm thước. Những tảng đá to, tựa cheo leo bên sườn núi hay xếp thành từng đống, mốc đen nổi bật lên trên lớp cỏ non bao phủ những triền đồi thấp thoai thoải. Lưng chừng núi còn mờ hơi mưa, mây mỏng giăng từng đợt như những khăn lụa trắng… Tôi bỗng có ao ước được biến thành những tảng đá vô tri nằm ở một xó rừng – tôi mơ ước thiết tha được thành đá, thật vậy, hay là được bốc hơi tiêu tán đi mất biệt khỏi cõi đời khốn khổ, cái địa ngục mà tôi luôn luôn cố nghĩ, cố nói thành lời, là nó rất thân thiết và rất yêu dấu – nhưng bây giờ xó rừng cũng không phải là nơi yên ổn nữa, muốn làm kiếp đá cũng không được.
- Tui ở Đồng Hà lận eng nờ, tiếng ông lão tâm sự với anh tài. Còn lên trên Cùa nữa, ngoài vỹ tuyến.

Anh tài chắc lưỡi, lấy một điếu thuốc còn cầm ở tay, vội kêu:
- Chu cha! Xa dữ rứa! Chắc đêm ni bác phải ngủ lại Huế rồi. Mai mới về ngoài nớ được.
- Ở Huế có chỗ mô ngủ đỡ không eng? Ông lão lo lắng hỏi.
- Có chớ. Anh tài nhanh nhẩu trả lời. Về đó bác hỏi thăm phòng ngủ Hương Bình ở đường Trần Hưng Đạo, gần bến xe. Bác đi mô về rứa, đi một mình à?
Anh vừa hỏi vừa mồi lửa điếu thuốc. Ông lão im lặng một lúc như để lựa lời, rồi lên tiếng:
- Đi với mụ tui nớ eng.

Tôi quay lại nhìn, ông lão hất mặt về phía một bà cụ khoảng ngoài sáu mươi, đang ngồi một mình, vòng hai tay lên gối xem mấy người lính Mỹ khiêng bao cát xây một lô cốt nhỏ bên cạnh bờ nước. Tóc bà cũng đã bạc trắng như tóc của ông cụ.

Bên kia cầu nổi, hai chiếc GMC đang chầm chậm đi qua. Xe chở hai cỗ quan tài có phủ cờ vàng ba sọc đỏ. Trên mỗi xe mươi thân nhân ngồi uể oải, đưa mắt buồn rầu nhìn xuống đám hành khách đứng rải rác hai bên đường. Ở một xe, người đàn bà mặc áo tang hai tay ôm lấy và nằm gục trên cỗ quan tài, bất động. Tiếng khóc nho nhỏ, lạc khàn, nghe văng vẳng như từ cỗ áo quan bay ra. Mấy đứa trẻ đầu chít khăn tang, ngồi bên cạnh nhìn ngó lớ ngớ.

Khi xe qua khỏi, ông lão nhìn theo, hỏi:
- Chắc lính eng hử? Không biết chết trận mô rứa? Tội nghiệp mấy đứa nhỏ tê quá.
Anh tài nín lặng một lúc, mắt anh cũng nhìn theo hai chiếc xe. Giọng anh cố làm ra vẻ cứng cỏi, nhưng nỗi trắc ẩn không che dấu ai được, hiện rõ trên nét mặt anh:
- Ối! Hơi mô mà buồn, bác. Thời buổi ni người chết như ăn cơm bữa, mạng con người ta có ra chi mô. Cứ để tâm mà thương mà khổ giùm, mãi hoài rồi đến mình cũng còm cõi chết theo. Ngó lơ mà sống cho qua buổi, bác nờ.
- Tui cũng mới đi chôn thằng nhỏ về đây chớ

Anh tài nhìn ông cụ sững sờ:
- Rứa à?! Rứa bác mới đi… Anh mất khi mô? Lính à?
- Thì lính, ông cụ xác nhận với giọng không có vẻ gì là lạ. Nó đi lính chi chi ở tận dưới Cà Mâu.

Tới nơi đâu có được nhìn thấy mặt mũi nó. Nghe nói nó bị đạn A, đạn B bốn năm mươi chi đó, cháy đen cháy đỏ, ba bốn ngày mới đem xác về được, người ta phải liệm liền trong hòm thiếc. Cũng may còn thấy cái hòm ở nhà xác. Mụ tui ôm cái hòm té chết giả… Đó là thằng Út của tui. Hai thằng anh nó cũng đi lính, đóng trên Dakto. Từ ngày đi tới lúc chết, nó chỉ gởi về một lá thư… Tui đau đớn lắm chớ, mà già quá rồi, khóc con không còn nước mắt nhỏ cho nó một giọt. Bà tui cứ biểu mang xác nó về quê cha đất tổ. Eng nghĩ coi, từ Cà Mâu mà na cái hòm về tới ngoài vỹ tuyến thì hai cái thân già này chắc cũng đến theo nó luôn. Ở mô cũng là đất nước của tổ tiên mình. Lúc sống không lo lắng được gì cho con, khi chết rồi còn kể số chi. Xương thịt rồi cũng tan ra thành đất. Nay mai đây vợ chồng già ni xuống Âm phủ cũng gặp lại nó.
- Hai bác đi mấy hôm rồi? Ê nhỏ, đem ít cái bánh lại ăn coi. Anh tài xế hỏi, lớn tiếng gọi thằng bé bán bánh ú.
- Bác ăn cái bánh với cháu cho vui. Anh mời ông cụ.
- Cảm ơn eng. Ông cụ cầm lấy một cái. Hôm được tin nó chết, ông kể tiếp, vợ chồng tui bỏ rẫy bỏ ruộng đi liền. Có hơn hai tuần lễ rồi. Nói nghe tội, có biết đường biết xá chi mô eng, hỏi thăm lần lần rứa thôi. Ở bến xe, mụ già đem theo mấy ngàn bạc, lộn trong lưng bị móc hết. Cũng tội, ông chủ quán tử tế bỏ qua, chứ không chắc ở tù rồi. Khi về, nhờ mấy anh em trong đơn vị nó, kẻ ít người nhiều góp lại cho mới có mà về được tới đây.

Ông lão bóc vỏ chiếc bánh, đưa lên miệng cắn. Răng ông đã rụng hết, hai bờ lợi màu đỏ nhàn nhạt, nhẵn thín, nhai trậm trầy trậm trật.
- Còn eng chắc đã đi lính rồi? Ông vừa trệu trạo miếng bánh vừa hỏi.
- Dạ, không bác nờ. Anh tài đưa bàn tay phải lên. Cháu bị cụt ngón tay trỏ ni nên họ chê.
Tôi thấy ngón tay trỏ phải anh cụt mất hơn phân nửa.
Cháu chặt dừa, bác à. Anh vội giải thích, vô ý chặt văng luôn ngón tay. Lúc đi trình diện họ làm lôi thôi lắm. Họ nói cháu tự hủy hoại thân thể để trốn lính.

Ông lão ngạc nhiên:
- Cụt có một ngón tay mà hủy hoại thân thể nỗi chi?!
- Dạ… Cụt ngón tay ni thì… hết bóp cò bắn súng được.

Giọng nói thiếu tự nhiên và vẻ bối rối trên gương mặt anh tố cáo điều tôi nghĩ về trường hợp anh là đúng.
- Cháu bị ở tù mấy tháng đó bác à. Anh tài kể tiếp, mới được thả ra hồi đầu năm đó chớ.
- Thôi cũng được eng nờ. Ông lão tán đồng. Thời ni có tật là được phước. Hồn ông bà nhập vô con dao khiến cho eng chặt dứt ngón tay, chớ không phải khi không mô. Mà nì, chớ răng bắn súng có ngón tay trỏ thôi à?
- Dạ không, ngón trỏ là để bóp cò. Anh tài vội vàng trả lời rồi nhỏm dậy. Gã lính Mỹ đã khoát tay cho xe đi. Thôi mình lên xe đi bác. Lần này cầu trời về thẳng một mạch.

Hành khách lại lục tục lên xe, uể oải hơn mấy lần trước. Đã trót lỡ rồi, nhanh nhẹn thêm một chút cũng chẳng ích gì.
Một đám mây bay qua che khuất mặt trời. Nắng dịu hẳn, tuy nhiên gió Lào vẫn không ngớt thổi về nóng rát mặt.

Trước khi xe lên đèo Phú Gia, nhìn về phía bên trái, chỗ một thế đất dốc, hành khách lại trông thấy bãi rác Mỹ chiếm một vùng rộng lớn. Nào vỏ bia hộp, lon cô-ca, trăm ngàn thứ vặt vãnh khác, chất cao lên như một quả đồi thấp.

Trong đống rác khổng lồ đó, những kẻ bươi, nhặt di động chậm chạp dưới ánh nắng lửa, chỉ là những chiếc bóng nhỏ nhoi.

Đột nhiên một tiếng nổ phát ra, vang lên trong không khí oi bức, âm thanh chát tai, lạc điệu. Một cột khói đen nghịt bốc lên ngay chỗ mấy người bươi rác. Hành khách mục kích rõ rệt, thấy họ đồng loạt ngã rạp xuống, liền sau đó có mấy người trở dậy, chạy quàng xiêng. Một người đi cà nhắc rồi quị xuống. Những người khác lảo đảo. Tiếng kêu khóc vẳng đến.
- Lựu đạn rồi, trời ơi! Tội tình chưa! Trong xe hành khách thảng thốt lêu lên.
Một trái M79”, tôi nghĩ.

Mọi người nhốn nháo:
- Tội nghiệp quá. Không biết có ai chết không!?
- Thiệt là khổ. Ông tài ơi, ngừng lại xem.
- Lượm chi mấy thứ đồ hôi thúi nớ cho khổ cái thân rứa hả trời.
- Dân mình khổ quá mà. Bà lão vợ ông cụ lên tiếng. Loài chó đói còn biết đi kiếm cứt mà ăn, huống chi con người. Khi đói thì việc gì mà không làm. Mấy thứ người ta vất đi, rứa chớ mót về bán cũng có tiền.

Xe tới nơi. Anh tài xế dừng lại. Tôi và anh xuống xe, hối hả chạy vào. Một vài hành khách cũng xuống, nhưng còn ngần ngại đứng ở lề đường nhìn vào.

Ba người đàn bà từ trong đống rác đi lê ra, máu me đầy người. Một bà cụ già ôm vai, một người bụm mắt, mặt đầy những vết thương lấm tấm, máu chảy xuống từng dọc, một chị đàn bà khác ôm đầu gối.

Thấy chúng tôi họ kêu khóc thê thảm:
- Bà con cô bác ơi, cứu chúng tôi với… Còn mấy người nằm trong tê.
Tôi vội tháo chiếc khăn tay băng trên đầu xuống cột cho người đàn bà bị thương ở mắt, máu tuôn ra như xối. Những hành khách vừa vào cũng lấy khăn, áo quần băng cho mấy người còn lại. Bà cụ bị thương nơi vai đã ngất xỉu.

Làm răng chừ đây? Nhà thương gần đây không? Ông cụ cũng đã xuống xe, chạy vào, bối rối hỏi.
- Ở đây làm gì có nhà thương mà gần với xa. Một người trả lời. Kêu đồn lính trên đèo tề. Họ có đồ băng bó.
- Anh tài chạy xe lên cho đồn lính hay đi!

Tôi nói rồi tiến nhanh đến một đứa bé trai khoảng tám chín tuổi, bị gãy chân đang nằm rên rỉ. Máu chảy vung vãi chung quanh chỗ em nằm. Cạnh nó, một đứa bé gái lớn hơn vài tuổi, bị một vết thương ở bụng, mắt nó nhắm nghiền, mặt và đôi môi nhỏ đã tái xanh. Tôi lật người em lại, thấy vết thương trổ ra sau lưng. Tôi đặt em nằm xuống. Em hé mở đôi mắt dại ra nhìn tôi, gọi “Má ơi! Má ơ,… ơ, ….”. Em hơi rùng mình, đập tay và chân nhè nhẹ. Tôi đặt một bàn tay lên mình em bối rối kêu lên:
- Bé ơi! Em bé! Cưng ơi… cưng… Tôi lắc nhẹ người em như cố gắng đánh thức một ngươi say ngủ, nhưng vô ích. Em đã trút linh hồn. Tôi vuốt mắt cho em, chùi vội mắt mình, rồi cởi áo xoay qua băng vết thương cho đứa bé trai. Nó rên nho nhỏ liền miệng gọi: “Chị Hai… Chị Hai ơi…”.

Tay nó còn giữ chặt một chiếc bao ny-lông đựng mấy hộp “ra-xông” đã tróc sơn, rỉ sét… Có lẽ chúng nó là hai chị em.

Lính trên đồn nghe nổ, xuống đến nơi. Một anh Trung sĩ đứng chống tay bên hông nhìn tôi đang băng cho đứa bé, mặt đầy vẻ bất mãn. Anh nói:
- Khổ thân tụi mầy. Giọng anh gần như rít lại, nói xong anh chửi thề. Một ngày đuổi năm bảy lần mà tụi tay có nghe đâu. Muốn chết thì tao để cho tụi bay chết.
Tuy miệng nói vậy. Vừa xong anh quay ra phía đường gọi lớn:
- Vô băng cho thằng nhỏ nầy đi.

Tôi bồng đứa bé chạy luôn ra chỗ anh y tá đang loay hoay làm việc.. Gã Trung sĩ cũng theo ra. Trông thấy cái lon trên áo băng ở chân đứa bé, anh ta ngước mắt lên nhìn tôi dò hỏi:
- Cái áo này… Anh ta ngập ngừng.
- Của tôi đó, Trung sĩ. Tôi đáp.
- Thật khổ đó Thiếu úy à. Giọng gã dịu lại. Vụ này nữa là thứ năm hay thứ sáu gì đó từ khi có đống rác ác hại nầy. Tụi tui rầy la, mắng chửi, dọa nạt đủ điều mà họ không nghe. Riết rồi tụi tui cũng chán, thôi để thây kệ, họ muốn làm gì thì làm. Kể thì cũng tội nghiệp, họ nghèo, bươi quào thế nầy mỗi ngày kiếm ba cọc ba đồng thêm vô quỹ gia đình cũng đỡ. Mà không la rầy thì nông nổi như vậy đó, Thiếu úy thấy. Anh lắc đầu, vẻ chán nản. Còn mấy ông nội Mỹ, đổ rác thì đổ, còn đổ luôn lựu đạn vào đó nữa để làm chết con người ta.

Anh đưa mắt nhìn qua mấy người bị thương một lượt – họ đang nằm ngồi la liệt – nói:
- Chưa kịp ăn mớ đồ hư thúi đã ngã ra chết hết, cho đáng kiếp.
Nói xong anh quay mặt đi, thoáng bối rối.
- Thiệt đó ông. Một bà hành khách đang đứng xớ rớ, góp chuyện. Ở gần nhà tui trong Hội An kìa, bà kể, họ ăn cả thịt bò sình. Cả nhà bị ói mửa, ỉa chảy thiếu điều chết. Ai đời thịt thúi người ta đã đem chôn rồi, còn ráng đào lên mang về ăn. Tụi Đại Hàn giáng báng súng lên đầu phun máu, rứa mà cũng không tởn. Hễ thấy chiếc xe chở rác là chạy theo rần rần như ruồi bu theo cứt vậy.
Tất cả những nạn nhân đã được băng bó cấp cứu, họ nằm cạnh lề đường. Câu chuyện trao đổi chưa lâu thì chiếc trực thăng Mỹ do đồn lính gọi đã đến. Máy bay đảo một vòng rồi đáp xuống bãi đất trống bên kia đường. Chúng tôi khiêng và dìu những nạn nhân lên. Máy bay cất cánh trở lại Đà Nẵng.

Gió cánh quạt cuốn theo những chiếc nón lá, mũ, giấy vụn và bụi cát.
Tôi mặc lại chiếc áo bết máu của em bé đã khô.
Lên xe, người ta còn bàn tán, trao đổi nhau những mẫu chuyện về đề tài rác Mỹ. Câu chuyện được khơi rộng ra từ những người nghèo khổ tới những ông tai to mặt lớn, nhờ rác Mỹ làm giàu… Mãi lâu không khí mới yên lặng trở lại.

Qua khỏi đèo Phú Gia, gặp chiếc xe bạn cùng hãng chạy từ Huế vào, hai bên bóp còi chào nhau. Chiếc xe ở Huế vào chạy chậm lại, anh tài thò đầu ra khỏi xe, chỉ bằng ngón tay cái về đoạn đường anh mới qua, cho tin có chuyến tàu hỏa Đà Nẵng – Huế vừa bị mìn lật ở chân đèo Phước Tượng, thuộc quận Phú Lộc.
- Xe còn rộng không? Anh ta hỏi. Chở thêm vài người nữa kiếm tiền xài chơi.
Anh tài xe tôi cười đại khái, đưa bàn tay ra lắc qua lại làm dấu cho biết xe đã hết chỗ.
Đến Thừa Lưu nước ngọt, đám hành khách ngủ gà ngủ gật lại có dịp xôn xao. Ở đó, một cánh quân Mỹ mới hành quân về. Quân trang, súng ống còn dính đầy bùn đất để bừa bộn bên lề đường. Dưới bến sông, gã lính Mỹ áo quần nhem nhuốc đang tắm giặt.
Những đứa bé trai, gái đeo theo bán thuốc lá, nước ngọt ướp lạnh… Người ta cũng thấy những cô gái trang điểm phấn son cẩu thả đang cười đùa chớt nhả với mấy lính Mỹ khác trên ca-bin của năm, sáu chiếc GMC đậu dọc theo vệ đường. Cả một quang cảnh náo nhiệt, sống động dậy lên hai bên đầu cầu. Nhưng điều làm cho các hành khách chú ý và xúc động không phải việc đó, chính là hơn chục cái xác người, áo quần ướt sũng nước, bùn đen – có xác không có áo quần hay chỉ mặc quần cụt – trắng nhợt, chẳng ra làm sao, được xếp song song một hàng bên cạnh bờ ruộng, đầu hướng ra quốc lộ.

Tôi lướt nhìn qua rồi vội vàng quay đi.
- Ngó không được con mắt đến.
Chị bạn hàng thò đầu ra nhìn, vội rụt ngay vào, nét mặt biến đổi như của người vừa mới phạm tội.
- Còn trẻ hết, chị nói tiếp, không nhìn ai. Cỡ mười sáu mười bảy tuổi. Nghĩ thiệt tội, bằng tuổi con cháu mình. Không biết con cái nhà ai… Nhọc công nuôi từ thuở lọt lòng cho tới lúc lớn khôn, để rồi…

Nói xong, chị ta dường như thấy sự bày tỏ cảm tình có phần không được hợp pháp, nên đưa mắt nhìn ngang nhìn ngửa. Thấy không ai để ý chị ta mới yên tâm.
- Biết có phải Việt cộng không chớ? Ông lão đi thăm con chết từ lâu giữ im lặng, bỗng lên tiếng. Có khi chỉ là dân mần ăn.
Ông phát ngôn có phần bừa bãi, không cần e dè.
- Ở chỗ tui, tụi nhỏ mười lăm mười sáu trốn chui trốn nhủi hết. Bên ni về thì nói theo bên tê. Bên tê về thì nói bên ni. Mà có theo bên nào, chỉ là ở trên đất ông bà, lo việc ruộng rẫy để sống. Nên bên mô cũng sợ hết ráo. Người Việt Nam mình thì ai cũng giống ai chớ. Da vàng vàng, mũi xẹp xẹp, làm răng biết được ai là Việt Cộng, ai là Việt không cộng. Hễ ai nói răng thì dân thành ra rứa. Ráng mà chịu. Họ có cây súng. Họ mạnh hơn mình. Mấy eng Mỹ thì hễ thấy ai mặc đồ đen là cứ Việt Cộng ráo, cứ bắn bừa. Chớ bộ đi cày phải mặc đồ lớn, thắt cà-ra-quách răng?
Không ai góp lời ông cụ, nhưng họ chăm chú nghe và nét mặt lộ vẻ đồng tình.

Bà cụ người Bắc xen vào:
- Tụi Đại Hàn cũng không thua gì đâu. Còn tàn ác hơn Mỹ nữa. Đi hành quân, hễ làng nào có mấy ông du lích làm mấy ổng bị thương hay chết thì họ lôi cả làng đó ra bắn hết. Già trẻ lớn bé không cần biết.
- Hết chỗ nói! Ai đó, đưa ra một lời tán thán. Còn thì hành khách cũng giữ thái độ như khi nghe câu chuyện ông cụ vừa rồi, biểu lộ sự đồng tình bằng ánh mắt.

Xe rời mặt đường chính rẽ xuống con đường đất chạy vòng qua thửa ruộng lúa chín, mới đắp tạm thay thế chiếc cầu bắc qua con rạch nhỏ bị sập.
- Mấy ổng mới giật hôm qua đó Thiếu úy. Anh tài nhìn tôi nói.
Dưới bờ ruộng, một chiếc xe đò lật ngửa, đầu máy hư nát. Trên nền sơn vàng một bên hông, hai chữ “Phúc Hưng” rực lên đỏ chói một cách khôi hài. Chung quanh còn rơi rớt nào quần áo, dày dép lẫn những nén nhang tàn, gạo trắng vung vãi, tro than giấy tiền vàng bạc… Một cái miễu nhỏ mới được dựng lên, gỗ thông ván thùng đạn pháo binh còn mới. Bên trong đặt bình hoa ny-lông và một bát nhang bằng cây chuối cắt khúc.
Cứ mỗi vụ mìn nổ lập một miếu thờ, trên đoạn quốc lộ này có lẽ rồi đây cứ trăm thước có một cái miễu”. Tôi lơ mơ nghĩ.
- Hai chục mạng vừa ngủm vừa bị thương, anh tài kể tiếp, thấy mà lạnh mình. Cũng may đem được đi hết chớ có khi để cả tuần. Hôi thối không chịu nỗi.
- …?
- Chính quyền địa phương không lo vấn đề vệ sinh sao?
- Có lẽ là cũng có, nhưng hơi chậm.
- Còn thân nhân?
- Thân nhân có hay biết gì chuyện người đi. Khi hay tin đến nơi chỉ còn bộ xương trắng… Đoạn này còn đỡ đó, qua khỏi đèo Phước Tượng rồi kìa, mới kinh hồn. Đi như đi trên dây tử thần.

Thiệt là đổi mạng kiếm cơm, đổi máu ăn tiền.
Anh châm thuốc hút, cười khan rồi tiếp lời:
- Thằng “Tư mái nhà” lái chiếc Phúc Hưng đỏ, mới lấy vợ, ở An Cựu.
Anh lại cười khan nữa. Tôi nghe khó chịu vì giọng cười khô của anh. Thà anh ta khóc còn hơn.
- May mà đi đứt, anh nói, chớ không con vợ nó chắc rầu thúi ruột. Nổ làm răng mà văng mất cha nó đi bộ đồ nghề của hắn!

Tôi nhìn ra ngoài. Xe đang đi qua một xóm nhà mới dựng của dân “tỵ nạn Cộng sản”. Tôi biết nhờ tấm bảng viết nguệch ngoạc dựng ở lề đường.

Thực ra đó chỉ là những chiếc chòi nhỏ – mọc lên giữa một bãi đất hoang rậm cỏ – ra vào phải cúi khom người, được cất bằng đủ thứ vật liệu góp nhặt từ những đống rác Mỹ – rác Mỹ đối với dân Việt Nam, đủ mọi tầng lớp, có muôn ngàn công dụng – vừa đủ để một cái giường. Tối đến, vợ chồng, con cái chui rúc lên ngủ – ban ngày họ ít ở vì phải tứ tán đi kiếm ăn, vả cũng không ở nổi vì hơi nóng như lửa từ mái tôn tỏa ra tựa một cái lò hấp. Thường ban ngày, nếu không đi làm, họ ra ngồi trước cửa nhà ngóng những cơn gió hiếm hoi – cho qua đêm. Những cái chòi mong manh, hứa hẹn rất nhiều, một hôm nào đó, chỉ cần một cơn gió thoang thoảng cũng đủ bốc đem đi. Trẻ con trong xóm mặt bủng da chì, bụng ỏng, tay chân khẳng khiu, ngồi bài tiết trên mô cát trắng chạy dài ven đường, nóng bỏng lên dưới nắng – mọc lơ thơ mấy bụi xương rồng còi cọc – nhìn những chuyến xe qua lại trên quốc lộ làm trò tiêu khiển.

Đời sống của đám dân ở đó ra sao tôi không rõ, khi họ phải rời bỏ nhà cửa ruộng vườn? Mỗi ngày một người được mười hai đồng tiền cấp dưỡng, một lon gạo mà hàng sáu tháng chưa được lãnh chăng? Hình ảnh những ngôi nhà bị phóng hỏa, đám dân chỉ biết sống nhờ vào ruộng vườn bị lùa lên xe chở đi trong những cuộc hành quân bình định hiện lên trong trí tôi. Nhìn những mái chòi chơ vơ giữa khoảng đồng hoang vu, tôi bỗng đâm ra tức giận vu vơ…

Tao nhớ một lần có việc đến nhà một ông nọ ở Sàigòn… Ngôi nhà tọa lạc trong một khuôn viên rộng, xanh tươi hoa lá. Khi đứng ở ngưỡng cửa, tao ngần ngại không dám bước vô vì thấy nền nhà được lót thảm hoa rực rỡ”. “Có phải bỏ giày ở ngoài không?” Tao tự hỏi như vậy. Ông ta phải mời “anh cứ vào tự nhiên” mấy lần tao mới dám e dè bước vào. Căn phòng khách làm tao bàng hoàng như lạc vào động thiên thai. Máy lạnh giữ nhiệt độ trung bình, không khí trong phòng mát rượi. Tất cả đồ đạc đều quý giá. Trên tường treo tranh nguyên tác của các danh họa quốc tế, la liệt những kỷ vật sưu tập từ các quốc gia trên thế giới… Tao được dẫn đến quày rượu “dùng một ly nhỏ”. Ông ấn một nút điện, bức tường gỗ bóng láng tự mở ra. Rượu đủ các thứ, sắp từng tầng có đến mấy trăm chai. Ly pha lê đủ các kiểu, mỗi kiểu dùng riêng cho một thứ rượu… Ông dẫn tao đi xem các phòng ngủ với những chiếc giường đồng kiểu Hồng Kông sáng ngời. Rồi phòng học con cái, phòng đọc sách, phòng nghe nhạc, phòng chiếu phim riêng... Đâu đâu tao cũng thấy những đồ vật lạ mắt và không biết dùng để làm gì nữa. Ở nhà xe, ba chiếc xe du lịch ba màu dùng cho sáng trưa chiều – ông ta nói vậy – và một chiếc kiểu sì-po ông mua cho đứa con trai còn đang du học bên Pháp, chờ kỳ nghỉ va-căng của hắn. Ông ta muốn cho tao có một khái niệm về gia cảnh ông để vẽ đề án xây ngôi biệt thự nghỉ mát ở Vũng Tàu. Dạo đó tao mới ra trường kiến trúc.
- Tao chịu hết nổi. Nó kết luận như vậy.

Tôi cũng chịu hết nỗi. Không phải tôi không có cái hân hạnh được vào ngôi nhà sang trọng của ông nào đó ở Sàigòn, mà vì tôi vừa trông thấy những căn chòi thiểu não kia và nhớ lại lời bạn.
Lúc xe đổ dốc đèo Phước Tượng, từ xa người ta đã trông thấy quang cảnh nhốn nháo chỗ chuyến xe hỏa bị mìn. Đầu máy ngã chúi xuống con lạch nhỏ, những toa sau trật đường rầy, lật nghiêng sang một bên, vài toa văng hẳn xuống ruộng. Các nạn nhân đã được đem đi. Hành khách trên chuyến tàu đang khiêng hành lý, dắt díu, bồng bế, băng qua một thửa ruộng thấp ngập nước, ra đứng lố nhố suốt một khoảng đường, thêm dân chúng quanh vùng đến xem làm con đường bị tắt nghẽn. Xe lam đến rước khách nổ máy vang trời, khói xăng un lên mù mịt. Người ta chen lấn, xô đẩy giành nhau lên xe, tạo nên một cảnh tượng vô cùng hỗn độn.

Phải khó khăn một lúc anh tài mới cho xe qua khỏi quãng đường đó. Trong lúc xe chạy chầm chậm, một người đàn bà ẵm con nằn nì cho chị “ngồi chật ngồi chội” về Huế, nhưng anh tài từ chối vì không biết nhét chị vào đâu nữa. Khi xe qua khỏi, chị ta chửi với theo:
- Mụ cha cô bà tổ nó. Mình đi trả tiền chớ phải xin xỏ chi na. Cái đồ “cô độc”, làm bộ làm tịch thấy mà phát ghét, có ngày súng đạn cũng ăn nó.
Nghe chị ta chửi mà ai cũng tức cười. Anh tài nói:

Thấy chưa Thiếu úy, ở đời làm vừa lòng thiên hạ cũng khó khăn lắm, chớ dễ gì. Chắc bà nội nớ muốn ngồi trịn khu lên đầu tui quá.

Trên đường, mươi anh lính nghĩa quân uể oải vác súng trở về đồn, sau một ngày nằm đường giữ an ninh. Mặt trời đã ngả bóng. Dãy núi Bạch Mã phủ mờ hơi đá có màu tím nhạt. Dãy núi hùng vĩ biết bao. Những năm trước lên đến cây số bốn “họ thịt liền”, dân trong vùng nói vậy.
Bắt đầu từ Cầu Hai, anh tài xế luôn luôn cho xe chạy giữa đường, bất kể gò cao hay ổ gà sâu lút mắt cá nhân. Chiếc xe vồng lên xồng xộc.
- Họ hay chôn mìn hai bên lề, anh tài giải thích, đất mềm dễ đào. Nhưng cũng nhờ trời, nói dại, nếu họ chôn giữa đường thì mình cũng lãnh đủ. Máy dò mìn có khi tìm không ra. Họ bọc nếp trái mìn lại, mấy ông lính dò mìn nói rứa.

Trên đoạn đường chưa đầy một cây số, tôi đếm thấy bốn lỗ mìn mới nổ, dấu đất còn mới tinh. Một chiếc xe đò hiệu “Phước Tường” và một xe Doge còn nằm dưới ruộng.
Trên xe, từ lúc nào, hành khách đã ngồi yên như những phỗng đá. Mặt họ se lại, nhỏ thó, chỉ còn những đôi mắt mở to ra, nhưng như lại nhìn vào một thế giới vô hình nào, trân trối, chờ đợi… Có lẽ họ không dám nghĩ đến điều họ chờ đợi, nhưng chính điều đó đã chi phối cả thể xác lẫn tinh thần, khiến cho họ trở nên đờ đẫn vô hồn. Tôi nghe có tiếng niệm Phật Quan Thế Âm và giọng cầu kinh xin Chúa ban phúc lành. Trong kính chiếu hậu, tôi thấy hai bà cụ cùng đang lần xâu chuỗi, chuỗi Bồ Đề và chuỗi Mân Côi!.
- Chết có số Thiếu úy à. Anh tài xế nói, cố giữ cho giọng được bình thường. Nổ chết biết liền, hơi mô lo cho mệt. Tôi lái đường này mỗi ngày hai chuyến, xe trước xe sau bị, còn tui ở giữa êm ru.
Đám hành khách nghe anh tài nói cứng, nhưng nét căng thẳng tột độ hiện rõ trên từng khuôn mặt mà lòng tin và ước vọng được che chở bởi quyền lực của đấng vô hình dường như không trấn tĩnh họ được. Vẻ xao xuyến trên mặt họ lắc lư run rẩy như ngọn đèn dầu trước cơn gió lạ, còn cố gắng thoi thóp. Từng tiếng động, từng sự rung chuyển nhỏ nhặt nhất, từ mặt đường truyền qua khối sắt được họ ghi nhận một cách tinh tế, và cũng như khối sắt, thân thể lẫn tâm hồn họ cũng đắm chìm trong cơn run rẩy. Mỗi lần chiếc xe vồng lên vì sụp ổ gà, tất cả mọi người đều giật nẩy mình như trải qua một tai biến, sau đó họ thấy mình còn sống sót, lấy lại chút lòng can đảm luôn luôn bị phản bội.

Riêng tôi, thật khó tả lại cái trạng thái bàng hoàng, ngất ngư, kéo dài trên suốt quãng đường đó. Trên quãng đường mà cội nguồn sự chết nằm khiêm tốn chỉ trong một vài tấc vuông đất, được giấu kín ở một nơi vô định mà sự xê dịch tay lái của người tài xế cũng quyết định một phần lớn số mệnh chúng tôi trong đường tơ kẽ tóc. Có thể nó có đó hay không - im lặng ẩn mình dưới bộ mặt hiền lành của mặt đất, của một bụi cỏ xanh mởn ngụy trang – nhưng nỗi sợ hãi thì hiện diện ở từng tế bào da thịt trong thân thể tôi. Ngồi trên băng xe, nhưng lúc nào tôi cũng triền miên trong cảm giác nhẹ hẫng của sự bay bổng, sự tan biến thành vô tri. Tôi không nhớ là tôi có chuẩn bị hay không – trong trạng thái bềnh bồng của tâm trí đó – để đón tiếp cái giây phút trở nên hư vô, nhưng tôi ghi nhận một cảm giác lan man, nhầy nhụa, u tối thật kinh tởm. Và tôi có một ước vọng không rõ ràng: dầu là trong hoàn cảnh nào, tôi không muốn trở thành một thương binh – đúng hơn, một kẻ tật nguyền – bởi lẽ, nó có vẻ mỉa mai chua xót và khôi hài thế nào đó trong mắt nhìn thiên hạ. Thời nào cũng vậy, kẻ tật nguyền là hình ảnh thiếu sót, xúc phạm đến công trình của đấng sáng tạo. Vả chăng, thời nầy đâu có phải theo như lý tưởng của nhạc sĩ Phạm Duy: “có anh thương binh chống nạng cày bừa” và “có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ”, rồi được cưới “vợ hiền lành”!

Mà nó có vẻ bất đắc dĩ rất đáng thương! Gánh chịu một thiệt thòi lớn lao về phương  diện thẩm mỹ đối với cơ thể mình, sự nản lòng của tha nhân trong cuộc giao tiếp. Phương chi lại trở thành thương binh trong trường hợp không chiến đấu, không có chút tự vệ này! Tôi có cảm tưởng mình là một tử tội đã bị bịt mắt trong giờ hành quyết, còn nuôi một hy vọng mỏng manh những họng súng đang chĩa vào người chưa được lắp đạn, hoặc những viên đạn đã bị thối!
Anh tài xế chỉ cho tôi coi chỗ mặt đường mới được sửa chữa:
- Tuần trước đó. Anh nói, giọng hơi lạc đi. Mới đầu một chiếc xe lam bị, đi bốn mạng. Chiếc xe nhà binh Mỹ tới không dám qua, gọi xe dò mìn. Nhưng đến nơi chưa kịp dò đã cán nổ một trái nữa, đi thêm năm con, vị chi là chín con cả thảy. Mấy giờ rồi Thiếu úy?
- Năm giờ. Tôi xem đồng hồ và trả lời.
- Còn ngoài ba mươi cây nữa, chạy thẳng về tới bến sáu giờ, trời cũng còn sáng. Anh tài tiên đoán.
- Chỗ Đá Bạc bữa ni ra sao? Tôi hỏi.
- Anh tài lưỡng lự:
- Cũng hên xui rứa thôi. Làm răng biết chắc được. Giờ này cũng hơi ngại đây.
- Bị kẹt dám chạy luôn không?
Anh tài không trả lời, chỉ lè lưỡi, co rút vai.

Xe đã sắp đến Đá Bạc rồi, chỉ còn qua một quãng đèo ngắn nữa thôi.
Chúng tôi còn nỗi lo bị quân du kích ra chận ở quãng Đá Bạc. Một mô đất hay một chướng ngại vật gì  đó. Xe dừng lại. Hành khách được “mời xuống học tập chính sách”.

Nhưng xe qua Đá Bạc bình yên. Mặt đầm phẳng lì. Những gộp đá trầm mình lô nhô trên mặt nước sáng như một tấm gương lớn. Xa gần giáp chân trời, núi Túy Vân và Voi Phục màu xám đục lẫn trong sắc trời chiều. Chuyến đò máy đưa khách từ Vinh Lộc sang vừa cặp bến. Hành khách đa số là dân chài lưới, đổ lên với những thúng cá tươi, tôm, cua biển, sò huyết… Xe chỉ dừng lại một chốc, anh tài xế vào trình diện và đóng tiền đường ở trạm kiểm soát. Chị bạn hàng và bà cụ người Bắc mua sò huyết tươi. Quang cảnh rộn rịp, vui vui như một phiên chợ chồm hổm, mọi người  lăng xăng với công việc mua bán, nỗi sợ chỉ mới mấy phút trước đây còn đầy ắp cả tâm hồn, giờ đây đã lùi xa. Trong ánh mắt, giọng nói cười không còn in lại chút gì dấu vết của niềm kinh hãi đó.
- Chỉ còn một chút từ đây tới Truồi nữa thôi. Anh tài nói vừa khi rồ máy cho xe vọt mạnh. Qua khỏi Truồi thì bớt lo rồi.

Gương mặt mọi người như nở ra, sáng sủa tươi tỉnh. Họ trao đổi với nhau những câu bông đùa nhẹ nhàng, chế nhạo sự lo sợ vừa trải qua mà họ thấy là có phần thái quá. Bây giờ thì mọi người đều tin chắc là không còn gì đáng lo nữa, thế nào rồi cũng về được tới nhà, chỉ sớm muộn chút ít mà thôi.

Cầu Truồi đã hiện ra, chỉ còn cách khoảng vài trăm bước.
Đột nhiên một tiếng réo xé không khí rất quen thuộc bay vút qua đầu. Liền theo là một tiếng nổ xé tai chát chúa. Một đám khói đen tỏa ra trên mặt lộ cách chiếc xe không xa. Cơn sợ hãi của đám hành khách theo tiếng nổ bùng ra. Họ hốt hoảng, nhốn  nháo như một đàn gà trong chiếc bội thấy mãnh thú đến. Trong khi chúng tôi chưa rõ nguyên nhân vụ nổ, thì một tiếng rít lại đến, tiếp theo một tiếng nổ đinh tai khác.
- Pháo kích ! Tôi la to. Rời khỏi xe mau !
Anh tài xế thắng gấp, chiếc xe xốc lên dữ dội. Những trái đạn pháo kích tiếp tục bay tới và nổ liên tục. Hành khách nhào ra khỏi xe. Họ bò lăn bò càng nằm men theo bờ ruộng. Anh tài xế và tôi nấp chung chỗ, sau một mô đất.
Mãi một lúc lâu mới nghe tiếng súng phản pháo của pháo đội ở Phú Lộc và tiểu đoàn pháo binh ở Phú Bài.

Nhưng đó mới là đợt pháo thứ nhất.
Khoảng mười phút im tiếng, trong khi người ta đang lo di tản những người bị thương, đợt pháo kích thứ hai xảy đến, ngoài sự ước tính của mọi người. Lần này những quả đạn rơi trúng đích, nhằm vào cầu Truồi và đồn lính nghĩa quân canh cầu. Bỗng nhiên tôi nghe một tiếng rít rất gần, rồi tiếng kêu xè xè phát  ra. Do kinh nghiệm, tôi thu mình cúi gầm đầu sát đất. Quả nhiên một tiếng nổ bưng tai, chát óc phát ra làm ngực tôi tức ran, hai tai ù lên. Đất  đá bay rào rào như có một trận mưa sạn. Bụi, cát lẫn với cỏ, lá cây phủ lên khắp người. Mùi thuốc đạn tỏa khét lẹt. Tôi định thần, lắng nghe cảm giác đau đớn, nhưng thấy người vẫn bình thường. Để được chắc chắn, tôi sờ soạng khắp người, không thấy chỗ nào chảy máu, tôi yên tâm. Đó là trái đạn cuối cùng của đợt pháo kích.

Tôi quay sang anh tài xế, thấy anh vẫn còn nằm  úp mặt xuống đất, bất động. Tôi ái ngại nên với tay lay lay vai anh.
- Có hề gì không ? Anh không trả lời. Tôi lặp lại câu hỏi và lay mạnh hơn.
- Chắc không. Còn sống. Thiếu úy ra răng. Anh vừa hỏi tôi vừa đưa tay sờ từ đầu tới chân. Không bị thương tích gì cả, anh nhìn tôi hớn hở nói. Thiệt phước đức ông bà phò hộ. Nổ ở đâu gần rứa thiếu úy ?

Chúng tôi nghe tiếng kêu khóc của những người bị thương gần đó, nhưng chưa dám đứng  lên. Đồn pháo binh tiếp tục phản pháo. Hai chiếc trực thăng UTT lên, phóng rốc-kết  xuống dãy núi.
Lâu sau, khi hai chiếc trực thăng đã trở về, chúng tôi nghe trên đồn lính có tiếng người nói, tiếng chân chạy tới lui. Họ gọi nhau chữa một đám cháy phía trong chợ. Có lẽ đợt  pháo kích đã chấm dứt. Tôi kéo anh tài xế :
- Dậy đi, chắc hết thật rồi.

Tôi vội vàng chạy đến chỗ phát ra tiếng kêu khóc. Chung quanh chỗ trái đạn rớt cảnh tượng thật tang thương. Xác người nằm ngổn ngang. Máu trộn với bụi đất, gạch đá và áo quần rách nát. Mọi người  hãy còn nằm yên chưa biết ai sống ai chết. Tôi phải đến xem từng người một.

Trái đạn định mệnh nổ ngay chỗ các hành khách nằm dồn cục, khiến không một người nào thoát hiểm. Anh tài trông thấy liền ôm mặt kêu trời. Quả thật là anh đã lái nhằm chuyến xe tổ trác!
Sau khi xem xét băng bó cho mọi người xong, chúng tôi đếm tới lui vẫn thấy thiếu mất một người. Chị bạn hàng và bà cụ người Bắc tử thương, năm người khác bị thương – trong số có vợ chồng ông lão đi chôn con về và cô gái ngồi bên cạnh tôi  - kể cả anh tài xế và tôi là chín người. Chuyến xe lúc khởi hành có mười người.
- Còn một người nữa lạc ở mô hè ?

Anh tài xế chạy tới chạy lui tìm kiếm. Mãi sau mới tìm thấy người hành khách thứ mười còn ngồi trên băng sau xe, nhờ có tiếng trẻ con khóc, chính là người đàn bà trẻ vẫn giữ im lặng trên suốt chuyến đi. Chị bị mảnh đạn ở đầu, máu tuôn thắm ướt cả khoảng ngực hở: chị đã chết. Chị bị thương trong khi cho con bú, đầu ngã nghiêng trên nệm tựa lưng, đứa bé rớt xuống nằm  dưới sàn xe. Lúc khiêng xác chị ra khỏi xe người ta mới hay chị bị cụt một chân lên tới quá gối và chị phải đi bằng nạng – làm sao chị bế con? Tôi tự hỏi. Chiếc nạng gỗ của chị cũng bị ghim đầy mảnh đạn, còn nằm nguyên chỗ chị gác trên băng sau. Có lẽ vì cớ đó nên chị không xuống xe được. Đứa con trai chị mới sinh chừng hai tháng, da còn đỏ, chưa sổ sữa.

Trong giấy tờ của chị, chúng tôi tìm thấy bức thư của người chồng, hiện là tân binh quân dịch đang thụ huấn tại Trung tâm Huấn luyện Đống Đa ở Phú Bài. Anh ta viết rằng, anh muốn nhìn tận mặt đứa con trai hằng mong mỏi mà vợ anh vừa sinh cho anh: “Em đem con đến cho anh thấy mặt nó. Anh gần ra trường, sợ đi đánh giặc luôn, lỡ ra có chết thì không được nhìn thấy mặt con. Chắc nó giống anh lắm, phải không em?”

Một bà lão trong số người đến xem nhận giữ giùm đứa bé để trao lại cho cha nó.
Rồi anh ta sẽ được trông thấy mặt con và cả mặt vợ anh nữa, nhưng với một đôi mắt nghìn đời khép kín. Quê cả hai vợ chồng cùng ở Quảng Nam.

Chiếc xe bị mảnh đạn ghim lỗ chỗ như một cái mặt bị lên đậu mùa. Lốp trước  rách một lỗ lớn. Tôi phụ với anh tài thay chiếc lốp xơ-cua may mắn còn lành lặn. Xong việc thì mặt trời gần khuất núi. Nắng nhuộm cảnh vật một màu vàng úa.

Những người bị thương và tử nạn đã được đưa đến bệnh xá quận. Lúc xe khởi hành những người đến xem cũng đã ra về hết. Tôi lên ngồi lại chỗ cũ, bên cạnh anh tài. Thế là chuyến xe mười người chỉ còn lại hai người về bến và tôi là một hành khách độc nhất còn sót lại ! Anh tài nhấn hết ga cho xe lao đi vùn vụt.
- Về cho kịp, kẻo mấy cổng đồn đóng mình năn nỉ mệt lắm.

Tôi không trả lời, mặc anh ta muốn làm gì thì làm. Bây giờ giá như chuyến xe có lạc tay lái đâm xuống vực tan tành tôi cũng chẳng quan tâm đến nữa. Con đường từ Truồi về Huế bình yên, nếu qua khúc Dạ Lê Hạ, Dạ Lê Thượng không bị mấy ông du kích về sớm thử súng AK vào xe!

Trạm kiểm soát Việt Mỹ ở Phú Bài chận lại xét. Anh tài xế nhờ tôi nhận vơ mấy món đồ Mỹ anh đã mua ở chợ trời Đà nẵng. Tôi nói của tôi mua về xài. Gã quân cảnh Mỹ mỉm cười nói OK.
Xe về đến bến. Mấy chiếc xích lô chạy đến giành mối, nhưng thấy xe trống ngạc nhiên bỏ đi.
Tôi và anh tài cùng xuống xe. Không nói không rằng, a lại bắt tay nhau, siết chặt thật lâu, nhìn nhau, nhưng không ai nói lời nào. Cuối cùng, cả hai cùng mỉm cười rồi chia tay.

Thành phố đã lên đèn. Trên phố Trần Hưng Đạo, những mái tóc thề óng mượt, những tà áo lụa phẳng phiu của các cô gái phất phơ trong gió đầu đêm. Hiệu ăn tấp nập người ra vào. Rạp Tân Tân chiếu phim “Giăng Gô phục hận”, vừa mãn xuất, người ta đổ ra đầy nghẹt cả một khoảng đường.

Tôi xuống bờ sông Hương ở bến Thương Bạc rửa sơ tay chân mặt mũi. Mấy bà chủ đò mời, nói cậu xuống chơi, có con nhỏ mới ở đưới quê lên. Tôi lắc đầu mỉm cười, hẹn “để khi khác”. Tôi đến tiệm giặt ủi  thay một bộ đồ hồ thẳng nếp. Mấy người trong tiệm giặt nhìn tôi có vẻ tò mò.
- Thì mới đánh lộn, chớ có chi lạ mà nhìn ? Tôi cười, nói nửa đùa nửa thật. Dành gái, bị đánh phun máu đầu.

Mấy người thợ giặt cười có vẻ thông cảm. Tôi cười lại rồi ra quán Lạc Sơn tự khao mình một dĩa mì xào dòn lớn, uống một chai 33. Ăn xong nhấp tách cà phê nóng. Gọi đứa bé đánh bóng đôi giày để mai thứ hai chào cờ. Vài người bạn đi qua thấy tôi, khen hôm nay tôi diện kẻng, “Thiếu úy đẹp trai quá”. Tôi cười tươi để làm vui lòng bạn, rồi lững thững ra về.

Lúc đến đoạn đường rẽ vào nhà, tự nhiên tôi cảm thấy nôn nao ham muốn. Tôi đi thẳng lên động Mụ Bé, ở ven hồ Tĩnh Tâm để gặp Hoa, cô gái chơi quen thuộc có một thân thể nẩy lửa. Khi về đến nhà đã gần chín giờ. Bà cụ hỏi tôi về chuyến xe thứ mấy mà giờ đó mới đến.
- Con ăn cơm chưa, mẹ dọn ?
- Con về từ lúc trưa, bận đi chơi với người bạn. Con ăn cơm rồi.
Tôi trả lời bà cụ rồi thay áo quần đi tắm.

Ngày mai tôi lại vào trại làm công việc của tôi : vẽ trên những tờ truyền đơn hình ảnh mấy người lính bên kia ốm o gầy còm, có chua những chữ “BỆNH” - “ĐÓI” - “CHẾT THÊ THẢM”... Vẽ những chiếc đầu lâu đội mũ bọc vải nhựa có gắn cái huy hiệu ngôi sao. Và viết một bản văn chiêu hồi, bắt đầu bằng dòng chữ: “Hỡi các bạn cán binh CS...”./.