văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, April 12, 2013

TRANG LUÂN * CÁT BỤI BAY VỀ


Sau đám tang, tôi mới cảm thấy tương đối nhẹ nhõm, nguôi ngoai được phần nào. Đám tang bố tôi đã hoàn tất và hoàn tất trong tốt đẹp. Đấy là điều làm cho ba anh em chúng tôi yên tâm. Yên tâm! Bởi vì mọi việc đều diễn ra trôi chảy, thông suốt từ đầu cho đến cuối, mà chẳng có điều gì thiếu xót, đáng tiếc xảy ra. Tất cả đều mang lại kết quả mỹ mãn như ý chúng tôi hằng mong muốn. “Như vậy là quí lắm rồi.” Ai nấy cũng đều nói với chúng tôi như thế. Tuy nhiên, không khí trong gia đình vẫn còn bao phủ nặng nề bởi lớp sơn buồn phiền, ủ rũ, tím ngắt, vây kín ở chung quanh.
Liên tiếp, cả tuần lễ thức trắng, túc trực bên linh cửu bố tôi. Cả tuần lễ mệt mỏi, rã rời. Anh tôi đề nghị, ba anh em nên luân phiên, xen kẽ với nhau cho đỡ mệt. Nhưng tôi nhận thấy tình trạng sức khỏe của anh tôi lại quá yếu, còn em tôi thì cũng chẳng hơn gì! Vì thế, tôi nói với anh:
“Anh cứ để việc đó cho em.”
Ròng rã, suốt cả ruần lễ bận rộn với công việc tiếp khách. Khách ra vào liên tục. Khách đến để thăm viếng, để chia buồn. Tối đến, từng hội đoàn còn lần lượt kéo tới để đọc kinh, cầu nguyện cho linh hồn bố tôi sớm được về miền vĩnh phúc. Một tuần lễ mệt mỏi, rã rời. Một tuần lễ bị vây hãm, nồng nặc, bởi cái không khí ngột ngạt của hương khói, của mồ hôi, của hơi người, trộn lẫn với cái sức nóng oi bức, khắc nghiệt của Hạ đỏ, đã để lại ở trong tôi những cảm giác choáng váng, ngầy ngật, khó chịu. Tôi thấy mình nên đi ngủ để bù lại thì tốt nhất. Chỉ có đi ngủ mới mong lấy lại được sự quân bình cho thể xác và lẫn cả về mặt tinh thần. Anh tôi khuyên tôi nên đi nghỉ cho lại sức. Mọi người trong gia đình cũng đều nói với tôi như thế. Tôi biết điều ấy. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn không tài nào giỗ được giấc ngủ. Có lẽ, vì thời tiết về mùa hè quá cay nghiệt chăng! Hay tại nguyên nhân hoặc lý do nào khác! Về sự ra đi đột ngột của bố tôi không biết chừng! Chán nản, tôi ngồi bật dậy, uể oải, lững thững bước xuống cầu thang. Mấy đứa cháu đương loay hoay, cắm cúi dọn dẹp. Mọi cờ xí đều được gỡ xuống và bàn ghế tuần tự được chở đi để hoàn trả lại cho hàng xóm. Căn nhà trở nên trống trải, thoáng khí hẳn ra. Tôi ném tầm mắt nhìn ra phía ngoài phòng khách, vào vị trí mà bố tôi thường ngồi, rồi tự nhiên thấy nhơ nhớ một thứ âm thanh quen thuộc nào đó. Thứ âm thanh rót xoáy vào tai tôi nghe thật ray rứt, bi ai, não nùng làm sao ấy! Thứ âm thanh ấy như có ma lực ném tôi vào những cảm giác rụng rời, tê điếng. Tôi nhíu mày suy nghĩ. Thì ra là tiếng kèn. Tiếng kèn đồng réo rắt trổi lên, kể từ khi tôi bước chân ra khỏi chiếc taxi, buồn bã bắt tay mọi người, rồi quay gót tiến thẳng vào trong nhà, kính cẩn, nghiêng mình trước linh cửu của bố tôi. Tiếng kèn ấy nói lên từng ‎ý‎ nghĩa sâu xa về ơn nghĩa sinh thành, cùng công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Công lao ấy cao ngất như Thái Sơn và ngọt ngào như nước trong nguồn chảy ra. Càng nghe tôi lại càng thấy thấm thía vô cùng. Tôi chết lịm trong cơn sóng thủy triều âm thanh ấy. Bố tôi nằm bất động trong áo quan. Hai mắt ông nhắm nghiền và đôi môi ông mím chặt lại như còn khắc khoải, trông ngóng một điều gì thật xa vắng. Chắc ông linh thiêng, nghe rõ được từng bước chân của đứa con xa trở về, ngổn ngang với nỗi buồn thâm tím, đặc quánh ở bên trong. Tôi thắp lên nén hương rồi cúi xuống trước bàn thờ nghi ngút của bố tôi. Tấm hình màu bán thân, đã được em tôi đem đi phóng lớn và được đóng khung lại một cách thật ngay ngắn, trông có vẻ trang trọng, uy nghi, đạo mạo, tươi tắn hẳn ra. Tấm hình ấy bố tôi đã chụp cách đây hơn ba năm, kể từ khi có tin tôi gọi về, cho biết số chuyến bay, cùng ngày giờ mà tôi sẽ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Bố tôi vui hẳn lên và ước ao có tấm hình mới toanh để lưu giữ trong gia đình. Tấm hình ấy chính là đề tài hấp dẫn, sống động, mà em tôi đã kể lại cho tôi nghe thật tỉ mỉ, từ nguyên nhân cho đến bất cứ mọi chi tiết nhỏ mọn nào khác. Câu chuyện ấy kéo dài trên suốt cả đoạn đường từ phi trường về cho đến tận nhà tôi:
Tính bố thì như anh cũng biết! Từ trước đến giờ bố ghét nhất là chụp hình, chụp ảnh! Cứ mỗi lần nhắc đến, thì y như lần nào bố cũng vùng vằng, ngụ ý là không bằng lòng, và sau đó còn hỏi ngược lại mình: Chụp để làm gì! Lắm khi, bố còn gắt lên, biểu lộ sự tức bực, nóng nảy một cách vô cớ nữa chứ! Em chẳng hiểu tại sao cả! Bỗng dưng, lần này bố lại đột nhiên đổi ý. Bố cứ khăng khăng bắt em phải chở đi chụp cho bằng được. Em ngạc nhiên vô cùng. Thoạt đầu, thú thực với anh là em không nghĩ ra! Nhưng sau vài phút định thần, bóp trán để suy nghĩ, thì em đã đoán ngay ra được cái đáp số một cách dễ dàng. Cái đáp số ấy, không ai khác hơn, chính là anh, là sự trở về của đứa con trai lâu ngày, lưu lạc, bôn ba nơi xứ lạ quê người… Từ cái chi tiết nhỏ mọn ấy, nó bắt em phải nghiền ngẫm, suy nghĩ, để rồi từ đó, em mới thấu hiểu được, biết bao nhiêu là yêu thương dạt dào, mà bố đã vun trồng, chăm bón cho các anh nói riêng và cho tất cả con cái ở trong nhà nói chung, quả thật là quá bao la và sâu đậm vô ngần. Những yêu thương đó cứ trải dài, chồng chất theo thời gian, tiếp nối từ năm này sang năm khác, thì anh em mình làm sao mà có thể kể ra cho xiết được! Giá như có anh Nguyện cùng về với anh trong chuyến này, thì bố mình còn vui biết chừng nào.”
Lúc ấy, tự nhiên tôi thấy đầu óc mình tĩnh lặng lạ thường, và trên đôi môi, tự động phát ra lời thì thầm với bố tôi.
Con đã về! Rồi anh con cũng sẽ về! Bố cứ thanh thản mà ra đi. Đừng vướng bận gì cả! Cầu chúc cho bố được mọi sự bình yên trên vùng trời quê hương mới. Quê hương của vĩnh cửu, của hoan lạc. Quê hương với đầy đủ mọi ý nghĩa trọn vẹn về hai chữ hạnh phúc cao cả và đích thật của nó.”

Đám tang ở Việt Nam thì khác hẳn với bất cứ đám tang nào ở bên Mỹ. Nó chất chứa, thể hiện bằng thứ tình cảm dạt dào, chân thật của hàng xóm, của láng giềng. Thứ tình cảm đó cứ tiếp nối, phát triển không ngừng và thăng hoa, kết trái trong tâm tư của mỗi người Việt Nam. Tôi không khi nào quên được buổi sáng di quan bố tôi ra nhà thờ. Hôm ấy trời chưa sáng hẳn. Người ta tự động xếp thành hàng lối ngay ngắn, lặng lẽ đi theo linh cửu của bố tôi. Tôi nhớ đến giây phút cảm động nhất ở ngoài nghĩa trang, khi cỗ áo quan đang chuẩn bị chờ đưa xuống. Người ta bao quanh kín mít bên chiếc huyệt xinh xắn dành cho bố tôi. Đấy là ngôi nhà mới mà bố tôi sắp sửa đi xuống. Ngôi nhà của một đời kế tiếp bất tận. Yên lặng. Tất cả đều yên lặng. Chung quanh tôi, mọi người đều lắng xuống sự im lặng tột cùng. Rồi linh cửu của bố tôi từ từ hạ xuống, thấp dần, thấp dần, rồi cứ thế và cuối cùng thì nằm im lìm, bất động dưới lòng đất. Tôi khom người cúi xuống, nhướng cặp mắt ngây dại, thờ thẫn nhìn bố tôi lần cuối. Mọi tế bào trên thân thể tôi đều co rúm lại. Tôi xúc động vô ngần. Trên khóe mắt sâu hút, hai dòng nước mắt tự động tuôn ra. Và hôm đó, cũng là ngày mà tôi ghi dấu mãi ở trong đời, tôi thật sự khóc nhiều hơn lúc nào hết.
Người được mô tả là đau buồn, ray rứt nhất, phải nói đến, chính là anh tôi. Lúc nào tôi cũng thấy anh tôi đăm chiêu, tư lự. Tôi biết, anh tôi buồn! Tôi biết, anh ấy xót xa! Tôi hiểu điều đó. Anh tôi dự định sẽ về thăm bố vào năm tới, sau mười lăm năm biền biệt, phiêu bạt, lê gót trên xứ người. Mười lăm năm tính từ ngày anh ấy bước chân xuống chiếc ghe Thái Lan, âm thầm từ biệt quê hương để ra đi. Bất chợt có tin bố tôi mất. Đột ngột và bất ngờ. Vì thế, anh tôi mới ân hận. Tôi hiểu anh tôi hơn ai hết. Anh tôi có nỗi khổ riêng. Nỗi khổ về gia đình. Về hai chữ hanh phúc bị gẫy đổ, xụp xuống. Nó chẳng khác nào như nhát chém nghiệt ngã, đau nhói, nhức nhối triền miên ở tim anh. Một chứng bệnh nan y bất trị, dày xéo, hành hạ lên thể xác anh ấy từ năm này sang năm khác. Anh tôi không muốn gặp lại người vợ cũ. Hai đứa con trai mà trước đây từng về hùa với mẹ chúng nó, đang tâm, ruồng rẫy, xua đuổi anh tôi vào giữa lúc nửa đêm. Anh tôi kể cho tôi nghe rất nhiều. Về nỗi cay đắng, nhục nhằn mà anh ấy phải cố cắn răng để chịu đựng. Những câu chửi mắng phủ đầu, kèm theo những lời hằn học, đe dọa hầu như chẳng bao giờ nguôi. Ngày nào cũng gây gỗ. Ngày nào cũng cãi nhau. Anh tôi còn kể, tệ hại hơn nữa, trong lý lịch xin đi làm, người chị dâu cũ còn tráo trở khai rằng: Cuộc hôn nhân giữa chị ấy với anh tôi là cuộc hôn nhân mang nặng tính chất gượng ép và bắt buộc. Nhiều đêm thức khuya, anh tôi tâm sự:
“Vì thế! Anh rất ngại về đây. Đành rằng trên danh chánh ngôn thuận, thì giữa anh và chị ấy đã ly dị, sòng phẳng với nhau về mặt pháp lý. Đấy! Em cũng thấy! Anh đâu có thiết bất cứ một thứ gì! Ngay đến căn nhà cũng vậy. Anh nhường lại tất cả cho mẹ con chúng nó và bước ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng! Dù rằng trên nguyên tắc anh có quyền thừa hưởng một nửa của căn nhà đó. Nếu xét về mặt lý thì như thế. Nhưng nếu đứng về mặt tình thì lại khác. Mọi người sống ở quanh đây đều không hiểu cho anh. Thể nào họ cũng xầm xì, bàn tán. Nào là thằng này bỏ bê vợ con, chạy theo vợ bé, vượt biên ra nước ngoài. Nào là thằng này có mới quên cũ, có trăng quên đèn. Quên đi nghĩa cũ tình xưa. Họ đâu có biết rằng: Ngay từ khi anh bước chân ra đến ngoài Bắc, thì chị ấy đã cắm ngay cái sừng lên đầu của anh rồi. Bao nhiêu tiền bạc đều tiêu tan theo mây khói. Chẳng bao giờ chị ấy đoái hoài đến anh, chứ đừng nói chi tới hai chữ ra thăm. Lâu lâu chị ấy còn viết thư ra hăm dọa, cảnh cáo anh đủ điều. Trắng trợn hơn nữa, chị ấy còn nhẫn tâm viết ở trong thư: Nếu sau này có may mắn được nhà nước trả tự do, thì hãy khai địa chỉ cư trú về dưới này. Cũng may mà còn có chị Thúy, chứ không thì đời anh đã tiêu tùng kể từ lâu lắm rồi. Còn hai thằng con trai của anh! Cho dù chúng nó có bạc đãi anh đến chừng nào đi chăng nữa! Nhưng hằng năm anh vẫn không quên dành dụm gửi về cho chúng nó. Trách nhiệm, bổn phận, anh chỉ lo có đến thế mà thôi! Chứ anh đâu có thể lo hơn được nữa! Bằng tuổi này, anh đâu có còn nhanh nhẹn, bươn trải như những người khác được! Chúng nó phải hiểu cho anh điều đó chứ!”
Tôi cất giọng vỗ về:
“Thôi! Anh! Kệ họ muốn nói gì thì nói! Miễn sao mình sống cho đúng với lòng mình là được rồi. Theo em thì họ nói chán rồi cũng thôi. Còn đối với chúng nó thì anh đã quá đầy đủ với hai chữ bổn phận rồi còn gì nữa! Đương nhiên chúng nó phải hiểu cho anh điều đó chứ! Vả lại, bây giờ chúng nó cũng đều lớn khôn hết cả rồi. Đã đến lúc mà chúng nó phải hồi tâm nhìn lại, đồng thời có những ý nghĩ đúng đắn và chín chắn hơn.”
Cứ vài đêm anh tôi lại nhắc đến chuyện này. Tôi lại tiếp tục lựa lời an ủi. Anh tôi tròn xoe đôi mắt nhìn đăm đăm vào khoảng trống, rồi đột nhiên buông nhẹ lên tiếng thở dài ngao ngán. Tôi đem ý nghĩ về bố tôi, về cuộc đời. Cuộc đời là phù du, là sương khói. Cuối cùng rồi tất cả cũng đều tan biến vào cõi hư vô, cuốn trôi về với cát bụi. Đấy là một định luật bất di, bất dịch mà ai nấy cũng đều phải đi qua. Tôi xoay lưng, quay mặt vào trong tường. Đêm nào cũng giông như đêm nấy. Đêm nào anh em chúng tôi cũng cảm thấy trằn trọc, khó ngủ. Thức khuya, chuyện vãn rồi tự động im bặt, thao thức với những ý nghĩ riêng tư của chính mình.
“Bác có uống cà phê không! Cháu pha.”
Đứa cháu gái lên tiếng hỏi. Tôi quay sang lắc đầu.
“Bác có muốn đi đâu không! Cháu chở bác đi.”
Tôi ngần ngừ:
“Bác chẳng thiết đi đâu cả! Chỉ có ngày mai, bác muốn ra thăm mộ ông, xem họ xây đến đâu rồi!”
Dáo dác nhìn xuống nhà dưới, tôi nói vừa đủ nghe:
“Bác Nguyện và bố cháu đi đâu rồi!”
“Hình như bố cháu chở bác lên hãng máy bay! Nghe đâu bác muốn điều chỉnh vé để về Úc thì phải!”
“Chắc bác ấy lại nóng ruột, muốn về sớm chứ gì!”
“Cháu cũng không biết! Chỉ nghe bác ấy kêu: Ở đây về mùa này nóng quá. Chịu không nổi!”
Tôi buông mắt, lơ đãng nhìn ra bên ngoài. Nắng tản cư đi nơi khác tự lúc nào, chỉ còn trơ lại lũ bông giấy nằm ngơ ngác, phơi mình trên chiếc cổng bằng xi măng màu xám ngắt. Có tiếng sấm chuyển động từ đằng xa, và trên cao, từng lũ mây đen cuồn cuộn, hung hãn, ùn ùn kéo tới. Tôi buột miệng:
“Trời sắp mưa rồi.”
Đứa cháu gái phụ họa theo:
“Cơn mưa này lớn lắm đấy bác.”
Nghĩ ngợi giây lát. Nó lộ vẻ vui mừng:
“Kể ra đám tang của ông mình hên lắm bác nhỉ! Vừa mới mở cửa mả vào buổi sáng, thì tối đến trận mưa lớn ào ạt trút xuống.”
Tôi gật đầu:
“Tóm lại đám của ông mình cái gì cũng may hết. Như mộ phần của ông chẳng hạn. Được nằm gần bà, mà lại còn gần đường, nên rất tiện cho việc thăm viếng của con cháu. Hơn nữa thời tiết lại khô ráo và quang đãng. Nói dại, chứ mấy hôm ấy mà mưa xuống thì chẳng biết tính sao!”

Cháu tôi nói đúng! Chung qui mọi việc đều thuận lợi, đều may mắn. Bố tôi để ở trong nhà suốt cả một tuần lễ. Hơn nữa, Sài Gòn đang bước vào mùa mưa. Những cơn mưa ào xuống thật nhanh chóng, thật bất ngờ. Mấy đứa cháu còn nói với tôi. Mới cách đấy vài ba hôm, thì thành phố này ngày nào cũng mưa. Mưa đến nỗi có nhiều chỗ ngập lênh láng, chẳng khác nào như con lạch nhỏ, gây trở ngại cho việc giao thông rất nhiều. Ai cũng nói đám tang bố tôi thật hiếm thấy. Cả tuần lễ trong sáng và nắng ráo. Rồi đây con cháu sẽ làm ăn nên. Phát đạt và sung túc. Điều ấy thì tôi không biết! Nhưng có điều là đám tang bố tôi không đến nỗi lạnh lẽo cho lắm. Tất cả những gì mà ông mơ ước cho cuộc ra đi, thì chúng tôi đều thực hiện đầy đủ cho ông. Ông chỉ có mỗi giấc mơ duy nhất, là sau khi ông xuôi tay, nằm xuống, gĩa biệt khỏi đời sống này, có đầy đủ ba đứa con trai, và bên tai, có tiếng kèn đồng nhịp nhàng, rộn rã đưa tiễn ông đi. Ông thường nói với đứa em tôi khi ông còn sống:
Đám tang mà không có kèn Tây thì quả thật là một điều thiếu xót to lớn.”
Đám tang bố tôi phải thay đổi chương trình đến hai lần. Thoạt đầu, anh tôi báo tin không về được. Lý do đơn giản là anh ấy chưa có hộ chiếu. Hai ngày sau, anh tôi gọi về, bảo chờ, bởi vì mọi thủ tục về giấy tờ đều xong xuôi. Chính vì thế mà lịch trình đành phải hoãn lại.
Nhiều đêm tôi vẫn thao thức, suy nghĩ về bố tôi. Chắc bố tôi rất là hài lòng khi đi về với thế giới ở bên kia. Ba đứa con trai đều có mặt đầy đủ, bùi ngùi tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Giấc mơ ấy bố tôi vẫn ao ước từ lâu và ông thường thủ thỉ với em tôi:
“Bố chỉ có mỗi một điều mơ ước duy nhất, là sau khi bố nhắm mắt lìa khỏi cõi đời này, có đầy đủ ba anh em chúng con là bố mãn nguyện lắm rồi.”


Bố tôi mất! Cái tin em tôi báo sang qua hệ thống điện thoại từ Việt Nam. Tin ấy lại rơi đúng vào chiều thứ bảy. Thứ bảy thì tôi phải đi làm. Cái ca thật oái oăm đối với nước Mỹ này. Hầu hết ai nấy đều không thích đi làm vào những ngày cuối tuần. Cuối tuần là thời gian để ngơi nghỉ, để đi ăn. Để cho đầu óc được thảnh thơi đôi chút. Để coi TV. Để thưởng thức các trận đấu thể thao đầy ngoạn mục, gay cấn. Cuối tuần là ngày dành riêng cho gia đình, cho bạn bè, cho họ hàng thân thuộc. Quan niệm ấy cũng có cái đúng của nó. Nhưng ngược lại, thì tôi cho rằng: Cuối tuần cũng chẳng khác gì ngày thường. Cuối tuần thì lợi tức được tăng thêm chút đỉnh vào đồng lương hàng tháng của tôi. Vì thế, tôi làm liên tiếp, ròng rã suốt cả sáu, bảy năm trời. Sáu giờ chiều thì bắt tay đi vào công việc và đúng sáu giờ sáng thì tan ca để về nhà. Mười hai tiếng cho một đêm. Rồi cứ thế! Từ năm này sang năm khác. Đều đặn. Liên tục và không bao giờ thay đổi.
Tôi biết tin bố tôi mất vào lúc mười giờ tối. Đứa con trai lái xe vào hãng báo tin cho tôi hay. Tôi bàng hoàng, sửng sốt trước cái tin sét đánh ngang tai. Bố tôi qua đời. Sao chẳng thấy em tôi nói đau yếu gì cả! Bao nhiêu câu hỏi cứ lần lượt, đổ xô về bủa vây kín mít ở tâm tư tôi. Tôi nhăn mặt thờ thẫn. Cách đây hai tuần, tôi còn nghe rõ giọng bố tôi trong điện thoại:
“Chừng nào thì anh cho mấy cháu về chơi!”
Tôi đáp để cho bố tôi yên lòng:
“Sang năm con sẽ thu xếp cho mấy cháu về thăm ông.”
“Nhớ cố gắng cho mấy cháu về thăm lấy một chuyến. Dạo này tôi cũng yếu lắm rồi. Anh cứ hình dung ra mà xem, tôi chẳng khác nào như ngọn đèn dầu leo lét ở trước gió. Không biết cháy giờ nào, tắt giờ nào! Sống được ngày nào thì biết ngày nấy, chứ chẳng biết đâu mà tính trước được.”
“Bố cứ an tâm và ráng giữ gìn sức khỏe. Năm tới, con sẽ cho các cháu về thăm bố.”
“Anh nhớ đấy nhé!”
“Vâng.”
Bây giờ thì bố tôi không còn nữa! Mấy đứa con tôi cũng chẳng có dịp nào để gặp lại người ông của chúng nó. Mãi mãi và mãi mãi. Bố tôi đã ra đi, từ giã khỏi đời sống này, để đi về với thế giới mờ ảo, xa xăm. Cái thế giới của hư vô, của bất tận. Xúc động, tôi rươm rướm nước mắt. Chợt nhớ có đứa con trai đang đứng ở sau lưng, tôi cố giữ giọng bình tĩnh:
“Thế chú có nói gì thêm không!”
Con tôi buồn bã:
“Chú chỉ nói vắn tắt: Ông vừa mới mất nên vội báo tin cho bố biết, xem bố có thu xếp về được không! Con chỉ nghe tới đó, liền trao điện thoại cho mẹ, rồi vội vàng lái xe vào đây để báo tin cho bố biết.”
Tôi quả quyết:
“Dĩ nhiên là bố phải về để thọ tang. Dù mọi giá bố cũng phải về để lo cho ông. Bố từng hứa với ông ba năm về trước. Cho dù bố không hứa đi chăng nữa thì bố cũng phải về. Bởi vì đấy là bổn phận, là trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ. Để về nhà rồi cha con mình sẽ tính sau. Bây giờ con cứ về trước đi. Bố phải vào văn phòng để xin phép rồi bố sẽ về sau.”
Con tôi tỏ vẻ ái ngại:
“Con chỉ sợ bố bị chi phối nên thiếu sự bình tĩnh khi đi đường. Hay con đợi bố ở ngoài parking rồi sẽ về luôn thể.”
Tôi xua tay:
“Bố không có sao đâu! Đừng lo lắng gì cả!”
Con trai tôi lưỡng lự chốc lát rồi lặng lẽ bước ra ngoài. Còn lại một mình, tôi xoay lưng đi dọc theo phía hành lang rồi tiến thẳng về hướng văn phòng.

Tôi lái xe như điên dại trên con đường trống trải, vắng lặng. Mấy ngọn đèn đường lung linh, nhòe nhoẹt, nhảy múa ở đằng xa. Tự nhiên, tôi thấy đầu óc bị căng thẳng và choáng váng lạ thường. Hoảng hốt, tôi cố lấy lại bình tĩnh, buông nhè nhẹ chân ga, rồi thận trọng bẻ tay lái cho chiếc xe ép sát vào lề đường. Tắt máy. Tôi thò tay xuống phía dưới, bấu mạnh vào chiếc tay cầm, quay nhẹ cho tấm cửa kính từ từ hạ xuống. Gió đêm từ bên ngoài thổi vào, mơn trớn trên từng thớ thịt, gây liền cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu ở trong tôi. Tôi nhướng cặp mắt nhìn sang phía bên kia. Xuyên qua bóng đêm, hàng cây đen đứng lầm lì, thầm lặng. Đêm tĩnh mịch lạ thường. Có tiếng lá cựa mình trên khóm cây. Tiếng côn trùng rả rich phát ra tận cái gò đất ở gần đấy. Xa xa, lãng đãng, mơ hồ tôi nghe như có tiếng thổn thức, trầm buồn của giọng ca quen thuộc nào đó. Tôi ngả đầu vào thành ghế và dần dần thấy tỉnh táo trở lại. Tôi thương bố tôi vô ngần. Suốt cả đời ông phong trần, gian khổ. Suốt cả đời người chưa tìm thấy được hai chữ bình yên cho nội tâm. Cuộc đời ông biểu lộ bằng hai chữ tận tụy, hy sinh, chăm bón cho ba anh em chúng tôi nên người. Đời ông gắn liền với binh nghiệp. Đó là cái nghiệp dĩ. Cái nghiệp dĩ đeo đuổi vào đời ông. Nhờ đấy, ba anh em chúng tôi mới vươn mình, trưởng thành rồi tung cánh bay vào cuộc đời. Bao nhiêu kỷ niệm xưa cũ cứ lần lượt hiện về. Chuỗi ngày tháng vàng óng ở Thái Bình. Đêm êm đềm, lung linh bên bờ hồ Hoàn Kiếm ngoài Hà Nội. Lênh đênh trên chuyến tàu ray rứt vào Nam. Chuỗi ngày tháng đầm ấm ở Hội An cùng các xuất hát bội về khuya rộn ràng, sinh động. Bao nhiêu cái Tết đơn độc, lẻ loi ở ngoài Huế. Chỗ nào cũng có kỷ niệm. Nơi đâu cũng đầy ắp, chất ngất. Những kỷ niệm ấy cứ sống mãi với thời gian và quyện chặt trong lầu son ký ức của ba anh em chúng tôi.
Bây giờ thì bố tôi không còn nữa! Ông thật sự đã ra đi vào cái tuổi chín mươi ba. Chín mươi ba năm trong thân phận làm người. Chín mươi ba năm trải qua biết bao nhiêu những thăng trầm nơi cuộc sống. Bao nhiêu biến cố trong đại đi qua đời ông. Từ cuộc cách mạng mùa thu năm bốn mươi lăm, cho đến cuộc di cư lịch sử năm một nghìn chin trăm năm mươi tư. Và cuối cùng thì ông chua xót nhìn ba đứa con trai mình lặng lẽ đi vào nhà tù.
Trước đây, em tôi vẫn thường hay viết thư gửi sang, ngụ ý là muốn hai anh em chúng tôi về thăm. Tôi vẫn còn nhớ từng giòng chữ thật cảm động mà em tôi đã cô đọng ở trong đấy:
Bây giờ thì bố mình đã luống tuổi quá rồi. Nhãn quan lẫn thính giác mỗi ngày mỗi suy mòn, yếu dần theo thời gian. Đầu óc, lý trí chẳng còn minh mẫn, thông suốt như ngày nào. Niềm an ủi duy nhất đối với người lớn tuổi ở cuối đời là con cháu. Con cháu chẳng khác nào như liều thuốc bổ, là nguồn vui, là sự vỗ về vào đời sống héo hắt còn lại. Nhìn vào bối cảnh của gia đình mình, tình từ năm bảy mươi lăm đến nay, với biết bao nhiêu biến cố dồn dập cuốn tới. Những biến cố đó chẳng khác nào như cơn lốc xoáy mòn vào tâm tư người. Nhiều khi em thấy bố cứ tha thẩn, dõi mắt nhìn về tận chốn xa xăm với nỗi buồn vô hạn. Em biết, bố đang thả luồng tư tưởng về các anh, về những đứa con đương lưu lạc tại phương trời xa thẳm. Giữa lúc ấy, em cảm thấy đau lòng vô cùng. Em chỉ cầu mong, sao cho hai anh về thăm bố lấy một chuyến, để cho em được nhìn thấy niềm vui thắp sáng lên khuôn mặt người. Dù chỉ một chuyến thôi! Cho bố tạm thời quên đi được hai tiếng thở dài vào nhũng buổi chiều khép kín, cô quạnh. Những buổi chiều làm cho căn nhà trở nên thê lương, ảm đạm vô cùng…”
Lá thư ấy em tôi viết thật dài và đấy cũng là động lực mãnh liệt, thúc đẩy cho tôi đi đến quyết định dứt khoát là trở về.
Lần ấy, bố tôi vui hẳn lên. Ông ôm ghì lấy tôi và tôi có cảm giác như sống lại cái thời kỳ còn thơ ấu. Trên khóe mắt nhăn nhúm, tôi đọc thấy được hai giọt nước mắt từ từ chảy ra, đồng thời bố tôi đã khóc trong sự sung sướng tột cùng.
Tối hôm đó, gia đình tôi quây quần xung quanh chiếc bàn gỗ hình chữ nhật, kèm theo những món ăn hải sản, bầy la liệt, ngổn ngang, đầy ắp ở trên đấy. Tôi rót bia vào ly, rồi gắp thức ăn bỏ vào chén cho bố tôi.
“Bố ăn đi chứ!”
“Anh cứ để mặc tôi. Hôm nay thế này là tôi ăn nhiều lắm đấy. Cả như mọi khi thì chỉ có lưng chén, chứ không có hơn được nữa!”
Bố tôi nâng ly bia rồi nhắp một hớp nhỏ. Ông đưa mắt nhìn tất cả mọi người rồi cất cao giọng:
“Nhà mình chưa khi nào vui như thế này. Giá có anh Nguyện cùng toàn thể các cháu về đầy đủ thì còn vui biết mấy.”
Tôi nói cho bố tôi yên lòng:
“Thể nào rồi cũng có một ngày bố ạ.”
Bối tôi khẽ bật lên tiếng thở dài:
“Anh nói vậy, chứ tôi thấy khó lắm.”
Có tiếng mưa lộp độp rơi trên mái tôn, hòa trộn với tiếng gió rít xoáy vào nhau, tạo thành chuỗi âm thanh dồn dập, hỗn độn. Đứa cháu gái chợt kêu lên:
“Mưa bắt đầu rồi đấy bác.”
“Ừ! Bác cũng mong mưa xuống cho dễ ngủ.”
Nhìn sang tôi, nó đột ngột hỏi:
“Chừng nào thì bác về lại Mỹ!”
Tôi đáp hờ hững:
“Năm ngày nữa.”
“Nhanh quá bác nhỉ! Có hai bác về thì còn thấy vui vui! Chứ hai bác đi rồi thì nhà cháu vắng vẻ và buồn tẻ biết chừng nào.”
Buông mắt nhìn ra bên ngoài. Mãi sau, nó mới đổi giọng buồn buồn:
“Cháu nghe mẹ cháu nói: Ông mất rồi, không biết hai bác có còn về nữa không!”
Tôi đáp không cần suy nghĩ:
“Về chứ! Vài năm bác lại về. Nếu bác không về được thì cũng cho mấy anh chị ấy về.”
“Thật! Hở bác!”
“Thật! Chứ bác đâu có nói chơi.”
Đứa cháu gái ngồi lặng thinh không nói. Tiếng mưa gõ đều xuống mái tôn, tuôn xối xả xuống mặt đường, tạo thành con nước cuồn cuộn, đổ xô, chen lấn nhau, cuốn trôi về cuối ngõ.

Buổi trưa. Tôi đứng giữa không khí cô quạnh, hoang vắng bên phần mộ của bố tôi. Phần mộ vừa mới xây xong vào buổi sáng ngày hôm qua. Nén hương vẫn còn cháy âm ỉ, tỏa ra nghi ngút. Ngay dãy trên, cách đây vài ba bước là phần mộ của người mẹ kế tôi đang nằm. Ngôi nhà ấy, chúng tôi cũng vừa chỉnh trang, làm mới lại. Tôi có linh cảm, vong hồn của bố tôi đang luẩn quất ở quanh đây. Ông muốn nghe tôi nói. Thầm thì với ông về những điều mà tôi muốn nói. Tôi nhích môi nói vừa đủ nghe:
Bố hãy ngủ yên. Giấc ngủ thật êm đềm, thật mộng mị. Giấc ngủ sẽ đưa bố đi vào thiên thu. Bên cạnh còn có mẹ. Bố sẽ không còn cảm thấy cô đơn như ngày bố ở trần thế. Bố hãy quên đi mọi muộn phiền, đắng cay ở cõi trần gian tạm bợ, phù phiếm này. Quên đi nghe bố! Trước mắt bố hiện gìờ là cả khoang trời rạng ngời, tươi sáng. Ở đấy có đồi núi chập chùng. Có cỏ non xanh mướt cùng hoa nở bốn mùa ngạt ngào, rực rỡ, và bên tai bố, réo rắt tiếng nhạc khúc trầm bổng, thánh thót, tấu lên bản trường ca bất tận.”

TRANG LUÂN