văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, April 17, 2013

Trần Yên Thảo & Lâm Hoàng Lân * Chương III - HÀNH LANG HÀ TÂY TRÊN CON ĐƯỜNG TƠ LỤA [tiếp theo]


3. KHU VỰC HÀ TÂY TẨU LANG TRÊN HÀNH LANG HÀ TÂY

Từ Lan Châu (Kim Thành của khu vực Lũng Sơn), đi về hướng Tây, sau khi vượt Ô Tiêu Lãnh, lữ khách tiến vào địa phận Hà Tây Tẩu Lang. Phía Nam vùng này là ngọn Kỳ Liên Sơn quanh năm tuyết phủ, phía Bắc là Lũng Thủ Sơn và Thái Sơn (cũng còn gọi Bắc Sơn). Hà Tây Tẩu Lang nằm trên một vùng đất dài, hẹp và bằng phẳng, phía Đông lên đến Ô Tiêu Lãnh, Tây đến biên giới giữa Cam Túc và Tân Cương. Bao gồm cả Cam Châu, Túc Châu, An Tây và Đôn Hoàng. Đó là những thành thị trải dài trên 1200 km, rộng hơn 100 km. Vì nằm ở phía Tây Hoàng Hà nên gọi “Hà Tây Tẩu Lang”. Vào thời cổ đại, đây là yết hầu của Con đường Tơ lụa.
Lương Châu vào đời Đường còn có tên Cô Tàng (châu trị nay là huyện Vũ Uy Cam Túc). Lương Châu đương thời là một thành thị phồn hoa. Nhà thơ Đường Lý Ích đã từng trong quân 10 năm, trường kỳ sinh hoạt nơi biên tái. Ông thường làm thơ ngay cả lúc vung đao trên ngựa, lúc uống rượu trong quân doanh hoặc trên biên tái vắng vẻ. Cho nên thơ ông từ ngôn ngữ đến nội dung đều nói lên ý chí khẳng khái. Khi Đến Lương Châu Lý Ích có viết bài thất tuyệt “Biên Tứ”:
遍思 李益
腰悬錦帶佩吳鈎
走馬曾防玉塞秋
莫笑關西將家子
只將詩思入凉州
Âm:
BIÊN TỨ (Lý Ích)
Yêu huyền cẩm đái bội Ngô Câu,
Tẩu mã tằng phòng Ngọc Tái thu.
Mạc tiếu Quan Tây tương gia tử,
Chỉ tương thi tứ nhập Lương Châu.
Dịch:
NGHĨ VỀ BIÊN TÁI
Lưng đeo đai gấm tay vung đao,
Vó ngựa tung hoành Quan Ải thu.
Đừng cười con cháu Quan Tây địa,
Chỉ đem thi tứ đến Lương Châu.

Bài thơ như một chân dung tự họa của Lý Ích. Lưng đeo đai gấm, tay cầm đao Ngô Câu, phi ngựa ra quan ải phòng thủ biên tái. Xin đừng cười ta là con nhà tướng đất Quan Tây mà chỉ đem thi tứ đến Lương Châu. Lý Ích là nhà thơ người Lương Châu, nên dù vung đao trên ngựa nơi biên ải cũng không rời bản chất thi nhân.
Từ Lương Châu đi về phía Tây hơn 200 km sẽ đến Cam Châu (nay là Trương Dịch Cam Túc), một thành phố thương mại trên Con đường Tơ lụa. Đây cũng là điểm hội tụ hai tuyến Bắc Nam của Con đường Tơ lụa, kể từ lúc rẽ đôi khi ra khỏi Hàm Dương. Trung Quốc trước Tùy Đường khoảng 300 năm, do nội địa chiến tranh không ngừng nghỉ, vấn đề mậu dịch tại một số nơi không tiến hành được, phải di dời hết tới Cam Châu. Liên tục tới đời Đường Cam Châu vẫn là một thành phố thương mại phồn thịnh.
Phía Đông Nam Cam Châu là tòa núi trứ danh Yên Chi Sơn (còn có tên Yến Chi Sơn). Trên núi sản sinh một loài thực vật gọi “Hồng Lam Hoa”, người xưa dùng nhựa của loài hoa này, trộn thêm phụ gia, chế thành mỹ phẩm cho phụ nữ. Núi Yên Chi từ đầu Tây Hán đã từng bị Hung Nô chiếm giữ. Sau này Hán Vũ Đế cử tướng Hoắc Khứ Bệnh đem quân đại phá Hung Nô, chiếm lại Yên Chi Sơn. Do đó người Hung Nô có sáng tác một bài dân ca “Hung Nô Ca”:

匈奴歌 民歌
失我焉支山
令我婦女無顏色
失我祁連山
使我六畜不藩息
Âm:
HUNG NÔ CA (Dân Ca)
Thất ngã Yên Chi Sơn,
Linh ngã phụ nữ vô nhan sắc.
Thất ngã Kỳ Liên Sơn,
Sử ngã lục súc bất phiên tức.
Dịch:
BÀI CA CỦA NGƯỜI HUNG NÔ
Mất núi Yên Chi,
Khiến phụ nữ ta không nhan sắc.
Mất núi Kỳ Liên,
Khiến súc vật ta tiêu tán hết.

Kỳ Liên Sơn nằm về Nam bộ Hà Tây Tẩu Lang. Tiếng Hung Nô “Kỳ Liên” là trời (Thiên), do đó Kỳ Liên Sơn cũng còn được gọi Thiên Sơn. Vì đỉnh Kỳ Liên Sơn quanh năm tuyết phủ nên cũng được gọi Tuyết Sơn hay Bạch Sơn. Những vùng đất dưới chân Kỳ Liên Sơn nhờ nguồn nước tuyết tan trên đỉnh chảy xuống nên cỏ nước dồi dào, thích hợp phát triển nghề chăn nuôi. Kỳ Liên Sơn từ đầu Tây Hán cũng bị Hung Nô trường kỳ chiếm lĩnh, về sau cũng do tướng Hoắc Khứ Bệnh đem quân đánh dẹp Hung Nô thu hồi lại, cũng như đã thu hồi Yên Chi Sơn. Do vậy mà người Hung Nô mới có bài dân ca than oán sầu não này.
Tại phía Tây Y Châu (nay là Cáp Mật Tân Cương), cũng có dãy Thiên Sơn (nằm ngang Trung bộ Tây Vực), chỉ trùng địa danh chứ không cùng địa phương với Thiên Sơn (Kỳ Liên Sơn). Do người xưa chưa hiểu rõ địa lý nên cứ tưởng lầm hai nơi là một. Hình ảnh Thiên Sơn xuất hiện trong tác phẩm của nhiều nhà thơ đương thời, hầu hết, là tên gọi thứ hai của Kỳ Liên Sơn chứ không phải Thiên Sơn của Tây Vực.
Nhà thơ Lý Ích khi hành quân qua Cam Châu cũng có viết hai bài thất tuyệt bất hủ, mô tả cảnh tượng thiên nhiên và chiến tranh về Kỳ Liên Sơn, đầu tiên là bài “Tòng quân Bắc chinh”:

從軍北征 李益
天山雪厚海風寒
橫笛偏吹行路難
磧里征人三十萬
一時回首月中看

Âm:
TÒNG QUÂN BẮC CHINH (Lý Ích)
Thiên Sơn tuyết hậu hải phong hàn,
Hoành địch thiên xuy hành lộ nan.
Thích lý chinh nhân tam thập vạn,
Nhất thời hồi thủ nguyệt trung khan.
Dịch:
THEO QUÂN ĐI CHIẾN ĐẤU PHƯƠNG BẮC
Gió biển lùa vào, núi Tuyết tan,
Sáo đâu đưa khúc “Hành Lộ Nan”.
Ba chục vạn binh nơi sa mạc,
Ngoảnh nhìn quê cũ một đêm trăng.

Hơn 10 năm trong quân, Lý Ích chưa từng tới Tây Vực, do đó từ “Thiên Sơn” trong bài thơ cũng phải hiểu là “Kỳ Liên Sơn” chứ không phải “Thiên Sơn” của Tây Vực. Còn từ “Hải phong” tức gió từ hồ Thanh Hải thổi vào Kỳ Liên Sơn. Bài thơ tả cảnh tuyết tan trên Kỳ Liên Sơn và những cơn gió lạnh thấu xương từ hồ Thanh Hải thổi vào. Tiếng sáo trong quân chợt trỗi lên khúc “Hành Lộ Nan” buồn bã, khiến cho 30 ngàn quân sĩ trên sa mạc cùng vọng về cố hương trong một đêm trăng.
Trong bài thất tuyệt thứ hai, Lý Ích mượn sự tích các danh tướng Hán Đường, đã lập nhiều chiến công hiển hách bảo vệ biên cương, để diễn tả lòng dũng cảm của sĩ binh Đường triều nơi biên tái, bài “Tái Hạ Kúc”:
塞下曲 李益
伏波惟愿裹尸還
定遠何須生入關
莫遣只輪歸海窟
仍留一箭射天山
Âm:
TÁI HẠ KHÚC (Lý Ích)
Phục Ba duy nguyện khỏa thi hoàn,
Định Viễn hà tu sinh nhập Quan.
Mạc khiển chỉ luân qui hải quật,
Nhưng lưu nhất tiễn xạ Thiên San.
Dịch:
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI
Phục Ba nguyền bọc thây da ngựa,
Ban Siêu còn trở lại Ngọc Quan?
Chớ cho địch lũi về hang ổ,
Mũi tên còn lại gởi Thiên San.

Bài thơ mượn cố sự các danh tướng Mã Viện, Ban Siêu và Tiết Nhân Quí. Mã Viện, một danh tướng nhà Đông Hán, từng được phong “Phục Ba tướng quân”. Thời trai trẻ họ Mã đã nói: “Hiện nay Hung Nô đang quậy phá khắp vùng Bắc bộ biên cảnh, ta chỉ mong được triều đình phái tới đó thảo phạt. Nam tử Hán phải chết trên chiến trường mượn da ngựa bọc thây”. Mấy từ “Khỏa thi hoàn” (bọc xác đem về) là ý đó. “Định Viễn” chỉ danh tướng thông Tây Vực Đông Hán “Định Viễn hầu Ban Siêu”. Họ Ban đã chiến đấu anh dũng tại Tây Vực hơn 30 năm. Khi về già chạnh nhớ quê, thỉnh nguyện triều đình, xin được trở lại Ngọc Môn Quan để hồi hương. Mấy từ “Sinh nhập Quan” (sống trở lại Ngọc Môn Quan) là ý đó.
Nhất tiễn xạ Thiên Sơn” (một mũi tên bắn lên Thiên Sơn) chỉ cố sự Tiết Nhân Quí. Họ Tiết là danh tướng Đường triều suốt hai đời vua (Đường Thái Tông và Đường Cao Tông). Thời kỳ họ Tiết đương chức Tổng quản Thiết Lặc đạo, Đột Quyết (phía Bắc sa mạc Á Châu tức Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) thống lãnh hơn 10 vạn binh của 9 họ, định vượt Thiên Sơn (Kỳ Liên Sơn) xâm nhập Trung Nguyên. Tiết Nhân Quí đem hơn 10 kỵ binh mở đường, không ngờ chạm trán quân địch. Đột Quyết thấy quân ông ít, chỉ điều vài chục kỵ binh tinh nhuệ giao chiến. Tiết Nhân Quí hét lớn “Hãy xem phép bắn cung của ta”. Liền hai mũi tên bay ra, hai kỵ binh Đột Quyết rớt ngựa tại chỗ. Địch quân hoảng sợ không dám tiến, chỉ trố mắt nhìn cung tên trên tay Tiết Nhân Quí. Lần này họ Tiết chỉ bật giây cung làm động tác giả, quân địch sợ hãi tránh né tứ tán. Ông cười nói lớn: “Thật là vô dụng, ta chưa bắn mà đã hoảng sợ, bây giờ ta sẽ lựa một người nhiều râu gởi một mũi tên”. Tên tướng có râu trong quân Đột Quyết nghe nói hoảng sợ quày đầu ngựa định chạy, đâu ngờ mũi tên đã ghim trúng y, rớt ngựa tại chỗ. Lúc đó đại quân Đường triều cũng vừa kéo tới. Đột Quyết đầu hàng toàn bộ. Tiết Nhân Quí còn một mũi tên trong tay, bèn giương cung gởi tặng Thiên Sơn (Kỳ Liên Sơn). Quân Đường cất tiếng hát vang “Tướng quân tam tiễn định Thiên Sơn, chiến sĩ trường ca nhập Hán quan” (Tướng quân ( Tiết Nhân Quí) chỉ cần 3 mũi tên đã ổn định quân Đột Quyết tại Thiên Sơn. Chiến sĩ ca vang kéo quân trở về quan ải). Những nhà thơ sau này khi đi qua Kỳ Liên Sơn, làm thơ thù tạc vịnh cảnh, cũng không quên nhắc tới giai thoại “Nhưng lưu nhất tiễn xạ Thiên Sơn” (Còn một mũi tên bắn gởi Thiên Sơn) của Tiết Nhân Quí.
Rời Cam Châu, đi về phía Tây khoảng 200 km, đến Túc Châu (nay là Tửu Tuyền Cam Túc). Túc Châu có một địa danh nổi tiếng Thế Giới, đó là Gia Dụ Quan, quan ải cuối của Vạn Lý Trường Thành, một cửa ngõ xung yếu thông về 3 hướng. Từ Gia Dụ Quan, theo Con đường Tơ lụa đi về hướng Tây sẽ đến Tây Vực, hướng Nam đến Thanh Hải, hướng Bắc đến cổ thành Cư Diên. Túc Châu từ xưa đến nay là một thành phố thương mại phồn thịnh của khu vực Hà Tây Tẩu Lang, nay thuộc tỉnh Cam Túc (tỉnh Cam Túc do Cam Châu và Túc Châu hợp lại mà thành).
Túc Châu, do một đoạn truyền thuyết dân gian, còn có tên Tửu Tuyền. Thời Hán Vũ Đế, Hung Nô thường xâm nhập cướp phá biên cảnh. Hán Vũ Đế phái phiêu kỵ tướng quân Hoắc Khứ Bệnh đem quân đánh dẹp. Hoắc tướng quân đã đánh tan quân Hung Nô tại Hà Tây. Hán Vũ Đế phái sứ giả từ Trường An, đem đến bang cho Hoắc Khứ Bệnh một bình Ngự Tửu (rượu vua bang). Hoắc tướng nghĩ, một bình Ngự Tửu không thể nào chia xẻ đủ cho đại quân. Ông bèn đem bình rượu đổ xuống một dòng suối gần đó và ra lệnh toàn quân cùng xuống uống nước suối, coi như mọi người cùng được uống rượu vua ban. Từ đó dòng suối có tên “Tửu Tuyền” (suối rượu). Vì đoạn suối này nằm vào địa phận Túc Châu, nên Túc Châu cũng được gọi “Tửu Tuyền”. Hiện nay trong công viên Tửu Tuyền (Cam Túc) có một giếng nước, tương truyền đó là nơi Hoắc Khứ Bệnh đổ rượu.
Truyền thuyết vẫn chỉ là truyền thuyết. Theo sự thực lịch sử thì chuyện Hoắc Khứ Bệnh đổ rượu xuống suối không đáng tin. Vì Hoắc tướng qua đời vào năm Nguyên Thú thứ 6 Hán Vũ Đế (117 TCN), trong khi quận Tửu Tuyền được thành lập vào năm Nguyên Đỉnh thứ 6 Hán Vũ Đế (111 TCN). Theo những ghi chép ngày nay thì, nước suối này “Ngọt và thơm như rượu” nên có tên “Tửu Tuyền”. Nhưng sự kiện tướng Hoắc Khứ Bệnh đánh tan Hung Nô, Hán triều tái kiểm soát khu vực Hà Tây Tẩu Lang để khai thông Con đường Tơ lụa, vẫn là sự thực lịch sử.

Nhà thơ Thịnh Đường Vương Xương Linh khi hành quân qua Túc Châu (Tửu Tuyền) có viết một bài thất tuyệt (bài thứ 2 trong đề tài “Tòng Quân Hành”), nhà thơ mô tả đôi nét đặc trưng về cảnh vật và con người vùng biên tái này.
從軍行 (其二) 王昌齡
琵琶起舞換新聲
總是關山舊別情
撩亂邊愁彈不盡
高高秋月照長城
Âm:
TÒNG QUÂN HÀNH (bài 2) Vương Xương Linh
Tỳ bà khởi vũ hoán tân thanh,
Tổng thị quan san cựu biệt tình.
Liêu loạn biên sầu đàn bất tận,
Cao cao thu nguyệt chiếu Trường Thành.
Dịch:
BÀI HÁT THEO QUÂN
Tì bà ôm múa hát thêm lời,
Đều khúc chia ly chốn diễn khơi.
Bối rối sầu xa đàn chẳng dứt,
Trường Thành cao ngất bóng trăng chơi.
Lê Nguyễn Lưu dịch

Diễn tả nổi buồn của những sĩ binh trấn thủ biên cương bằng thủ pháp hết sức độc đáo. Một đêm trăng, chiến sĩ tề tựu nhảy múa theo điệu đàn Tì Bà. Khung cảnh tưởng chừng rất vui, nhưng nội tâm mỗi người là một nỗi buồn không giải được. Tiếng Tì Bà cứ tái đi tái lại khúc nhạc buồn “Quan San Nguyệt”. Những chiến sĩ từ lâu nơi quan ải chưa được về nhà càng thêm tâm sầu ý loạn, trong khi vầng trăng thu vẫn chiếu xuống từ Trường Thành cô quạnh.
Từ đời Hán trở đi, Túc Châu là vùng biên tái chiến tranh không bao giờ dứt. Khoảng giữa Cam Châu và Túc Châu có con sông Quý Tiết Hà (còn gọi Nhược Thủy hoặc Ngạch Tế Nạp Hà) phát nguyên từ Kỳ Liên Sơn chảy về hướng Bắc. Nhược Tủy thời cổ đại có một truyền thuyết khá lý thú. Nói là dòng sông không có sức nổi (phù lực), ghe thuyền không đi được, thậm chí lông hồng lá cỏ ném xuống đó cũng chìm. Sự thực vì dòng Nhược Thủy quá cạn, ghe thuyền không đi được rồi người ta nhân đó thêu dệt thêm.
Nhược Thủy thời cổ đại chảy về hướng Bắc nhập vào Cư Diên Hải, làm thành một hồ lớn trong lục địa. Từ đời Đường hồ bị bồi lấp nhỏ dần, hiện nay trên bản đồ chỉ còn lại một hồ nhỏ. Nhược Thủy tiếp tục chảy về Bắc còn nhập vào hồ Tô Cổ Nặc Nhĩ và hồ Ca Thuận Nặc Nhĩ, trong nội địa. Vị trí địa lý cho thấy hai hồ này là bộ phận của Đại Cư Diên Hải. Nhưng từ đời Đường cũng bị bồi lấp, chỉ còn lại Cư Diên Hải nhỏ. Nếu không có hồ Tô Cổ Nặc Nhĩ và hồ Ca Thuận Nặc Nhĩ, thì nơi này chỉ còn là một ao trì khô cạn. Sau này Nhược Thủy được cải tạo, tích thủy lại thành hồ lớn.
Hạ lưu Nhược Thủy và hai hồ phụ cận do có nguồn nước sinh sống, hình thành một vùng đất có màu xanh lục giữa sa mạc Ngạch Tế Nạp. Tiếng Mông Cổ “Ngạch Tế” là mẹ. Yù nói vùng đất màu xanh giữa sa mạc này thương yêu con người như tình mẹ bao la.
Trên 2.000 năm trước (Tây Hán), vùng xanh Ngạch Tế Nạp đã được khai khẩn thành nông điền. Vương triều Tây Hán vì muốn bảo vệ sự thông suốt của Con đường Tơ lụa (khu vực Hà Tây Tẩu Lang), nên đã thiết lập Cư Diên Thành ở phụ cận Lục Châu, xây dựng tường thành, doanh trại, các thiết bị quân sự và cử một Cư Diên Đô Úy quản lý. Di tích Cư Diên Thành còn lại ngày nay bên bờ Nhược Thủy là những mẫu tường thành đứt đoạn và 200 nơi Phong Hỏa đài, mỗi Phong Hỏa đài cách nhau từ một đến hai dặm. Tưởng tượng mỗi khi có cảnh báo địch nhập xâm, cả 200 Phong Hỏa đài đều đốt lửa, cảnh tượng thật trang nghiêm và rực rỡ.
Vùng Lục Châu và Cư Diên Thành nhiều thế kỷ về sau, khí hậu ngày càng khô kiệt, còn lại cơ hồ toàn sa mạc, hiếm thấy một làn khói bếp. Nhưng trong đất cát, khoảng giữa những mẫu tường thành sụp đổ, còn chôn vùi vô số văn vật thời cổ đại. Trong vòng mấy chục năm, người ta đã đào được vô số tư liệu văn vật giá trị được ghi chép trên “Cư Diên Hán giản” (Giản là phiến gỗ hoặc thẻ tre, thời cổ đại dùng để ghi chép văn tự). Hằng vạn “Cư Diên Hán giản” đào được trong lần khai quật này, hiện đang lưu giữ tại thư viện Quốc Hội Mỹ. Trong vòng 70 năm đầu thế kỷ 20, những đội công tác khảo cổ Trung Quốc còn đào thêm được hơn hai vạn “Cư Diên Hán giản” khác. Trong đó phát hiện một Giản ghi chép rõ lộ trình (có cả vị trí các dịch trạm) từ Trường An đến Cư Diên Thành. Tư liệu này rất có ý nghĩa cho việc nghiên cứu cụ thể các lộ tuyến của “Con đường Tơ lụa ”.
Thời Võ Tắc Thiên, Đô đốc Kim Huy châu Phó Cố Thủy không nghe lệnh triều đình, sách động bộ hạ âm mưu tạo phản. Năm Thùy Củng thư 2 (CN 686), Võ Tắc Thiên mệnh cho Tả Báo Thao Vệ tướng quân Lưu Kính Đồng đem kỵ binh Hà Tây theo ngã Cư Diên Hải đi thảo phạt, và đặc mệnh Tả Bổ Khuyết Kiều Tri Chi tạm thay thế Thị Ngự Sử Hộ Binh.
Nhà thơ Sơ Đường Trần Tử Ngang, năm 28 tuổi, gia nhập quân đội theo Kiều Tri Chi ra quan tái. Tháng tư Âm lịch đại quân kéo đến bờ Nhược Thủy, tháng 5 vượt Cư Diên Hải. Phía trước là vùng biên tái sa mạc, khí hậu giá buốt. Nhà thơ ngẫu nhiên nghe tiếng Oanh hót trong vòm cây, lòng nhớ quê trỗi dậy, họ Trần đã viết bài ngũ luật “Cư Diên Hải thụ văn Oanh đồng tác”, kết hợp nỗi lòng với những sự tình quá khứ còn in hằn quanh đây.
居延海樹聞鶯同作 陳子昂
邊地無芳樹
鶯聲忽聽新
間關如有意
愁絕若懷人
明妃失漢寵
蔡女沒胡塵
坐聞應落淚
況忆故园春
Âm:
CƯ DIÊN HẢI THỤ VĂN OANH ĐỒNG TÁC (Trần Tử Ngang)
Biên địa vô phương thụ,
Oanh thanh hốt thính tân.
Gian quan như hữu ý,
Sầu tuyệt nhược hoài nhân.
Minh phi thất Hán sủng,
Sái nữ một Hồ trần.
Tọa văn ưng lạc lệ,
Huống ức cố viên xuân.
Dịch:
VIẾT KHI NGHE OANH HÓT TRONG VÒM CÂY TẠI CƯ DIÊN HẢI
Biên thùy cây cối hiếm,
Oanh hót ghẹo chinh nhân.
Quan san chừng biết ý,
Nhớ ai sầu xé gan.
Chiêu Quân hờn Hán thất,
Bụi Hồ nhốt Sái Văn.
Nghe hoài rơi nước mắt,
Nhớ lắm, cố hương xuân.

Miền biên ải khí hậu khắc nghiệt ít cây cối. Tiếng Oanh hót ngẫu nhiên khơi dậy trong lòng nhà thơ nỗi buồn viễn xứ, kéo theo mối hoài niệm về những sự tình xa xưa của Vương Chiêu Quân và Sái Văn Cơ. Hai mỹ nhân đời Hán đã đem thân vào đất Hồ.
Vương Chiêu Quân còn có tên Minh Quân hoặc Minh Phi, được tuyển vào cung thời Hán Nguyên Đế. Thời đó những cô gái mới vào cung không được diện kiến Hoàng Đế mà phải do họa công vẽ chân dung trình lên, nhà vua sẽ căn cứ chân dung để lựa chọn. Do đó các cung nữ tranh nhau hối lộ họa công để có gương mặt đẹp. Vương Chiêu Quân vì tự tin vào tài sắc của mình nên từ chối hối lộ. Kết quả bức chân dung khó coi đã đẩy bà ra lãnh cung. Vài năm sau, Thiền Vu Hung Nô Hô Hàn Nha đến Trung Nguyên triều kiến Hoàng Đế và xin cầu hôn. Vương Chiêu Quân nghe tin liền thỉnh nguyện xin đi và được Hán Nguyên Đế chấp thuận. Khi ra mắt Hoàng Đế trước lúc lâm hành, Hán Nguyên Đế sững sờ trước sắc đẹp của Vương Chiêu Quân, có ý hối tiếc, nhưng lời hứa của đấng quân vương khó nuốt, đành để Vương Chiêu Quân rời cung Tử Đài, theo Hô Hàn Nha vào biên tái đất Hồ. Theo nói lại thì sau đó, Hán Nguyên Đế tra xét ra thủ phạm bức chân dung xấu xí của Vương Chiêu Quân và đã hạ lệnh chém đầu họa công Mao Diên Thọ.
Sái Văn Cơ là con gái Sái Ung, nhà văn học nổi danh cuối đời Hán. Bà học rộng, giỏi văn chương và sành cả âm nhạc. Khi chồng qua đời bà về ở với mẹ. Sau vì thiên hạ loạn lạc, Sái Văn Cơ bị quân Hung Nô bắt đem vào đất Hồ, bị ép làm vợ Tả Hiền Vương Hung Nô và bị giam thân suốt 12 năm trên đất Hồ. Tới thời Tam Quốc, Tào Tháo bạn thân của Sái Ung, biết được Sái Văn Cơ còn sống. Ông đã phái sứ giả đem vàng lụa châu báo đến Hung Nô, xin đón Sái Văn Cơ trở về Trung Nguyên.
Có thể vùng biên tái Cư Diên Hải, nơi nhà thơ Trần Tử Ngang hành quân qua, cũng là đất mà đời Hán, Vương Chiêu Quân và Sái Văn Cơ từng đặt chân tới, nên mới gợi cho nhà thơ những sự tình buồn thảm của một thời.

4. NGÃ RẼ ĐÔN HOÀNG TRÊN HÀNH LANG HÀ TÂY

Rời Túc Châu, theo Con đường Tơ lụa, dọc Hà Tây Tẩu Lang khoảng 400km thì tới Đôn Hoàng, một kho báu nghệ thuật Phật giáo lừng danh Thế Giới.
Đôn Hoàng là một kiến trúc dựa theo tự nhiên, rất toàn hảo. Một Lục Châu nhỏ có màu xanh, giữa những bãi Qua Bích và sa mạc, nằm về Tây Bộ của khu vực Hà Tây Tẩu Lang, một yếu lộ giao thông đường bộ từ thời cổ đại. Từ Tây Hán (206 TCN - CN 8) trở đi, Đôn Hoàng là nơi Con đường Tơ lụa phải đi qua. Ra khỏi Đôn Hoàng, Con đường Tơ lụa lại rẽ đôi hai tuyến Nam Bắc. Tuyến Nam ra Dương Quan, men theo phía Nam bồn địa Tháp Lý Mộc rồi đi về hướng Tây. Tuyến Bắc ra Ngọc Môn Quan, men theo phía Bắc bồn địa Tháp Lý Mộc rồi cũng đi về hướng Tây. Đời Đường lại hình thành thêm một lộ tuyến mới phía Bắc, tức cũng ra Ngọc Môn Quan, nhưng đi qua Y Ninh, men theo chân núi phía Bắc Thiên Sơn rồi đi về hướng Tây. Hai tuyến Bắc Nam của Con đường Tơ lụa sẽ hội tụ tại Sơ Lặc Trấn để cùng vượt núi Thông Lãnh, tiếp tục theo hướng Tây để đến Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, La Mã... Trong khi các thương đội từ nước ngoài đến Trung Quốc, dù theo lộ tuyến Nam hay Bắc, cũng phải hội tụ tại Đôn Hoàng, trước khi theo Hành Lang Hà Tây đến Trung Nguyên. Do đó Đôn Hoàng là một thành phố rất phồn thịnh và đông đúc dân cư.
Con đường Tơ lụa” vào những thời kỳ thông suốt nhất, thì lộ trình vẫn còn nhiều gian nan nguy hiểm, do khí hậu khắc nghiệt và những trận bảo cát thường trực trên sa mạc mênh mông. Nơi đây đã vùi lấp không biết bao nhiêu sinh mạng của những thương nhân, những nhà sư hành hương và cả những đoàn thám hiểm thời cận đại. Lữ khách trước khi ra Dương Quan hoặc Ngọc Môn Quan để xuyên Tây Vực, đều dừng lại Đôn Hoàng, cầu Thần bái Phật cho hành trình được bình an. Đây là lý do, mà từ rất sớm, Đôn Hoàng đã trở thành trung tâm phát triển cực thịnh của Phật Giáo.
Đương thời có không ít Hòa Thượng từ Trung Nguyên tìm đến Tây Vực, hoặc lưu cư truyền bá Phật Giáo, hoặc theo con đường phía Nam Tây Vực, tìm đến quê hương đầu nguồn Phật Giáo (Ấn Độ) nhằm trau dồi Phật Pháp và thỉnh kinh điển. Cuộc hành hương của Pháp Sư đời Đường Huyền Trang (theo Con đường Tơ lụa, đi qua nhiều Tiểu Vương Quốc vùng Tây Vực) đến xứ Phật Ấn Độ, cũng đã để lại nhiều giai thoại trứ danh. Người đời sau đã căn cứ những sự tích này (có hư cấu thêm) sáng tác bộ tiểu thuyết thần quái độc đáo “Tây Du Ký”.
Theo ghi chép đọc được trên các văn bia đời Đường, năm Thái Hòa thứ nhất Đông Tấn Phế Đế (CN 366), Cao Tăng Lạc Tôn Hòa Thượng theo Con đường Tơ lụa đi về phía Tây, khi đến vùng Tam Nguy Sơn (phụ cận Đôn Hoàng) thì trời đã ngã chiều. Ông nhìn những tia nắng chiều le lói trên đỉnh Tam Nguy Sơn, một vầng hào quang đập vào mắt, lộ rõ kim thân Đức Phật. Nhà sư men theo sườn núi tìm lên tới nơi, chứng kiến một thạch thất với vô số Phật tượng và bích họa. Đó là kho báu nghệ thuật Phật Giáo đầu tiên được phát hiện tại Đôn Hoàng.
Tới đời Đường, thạch động được phát hiện có trên 1.000 nơi. Do gió cát trường kỳ xâm thực và những dòng lưu sa vùi lắp, từ đời Thập Lục Quốc tới đời Nguyên, chỉ còn bảo tồn được 492 thạch thất. Trong đó gồm 45.000m2 bích họa, khoảng 2.000 Phật tượng và một số lớn mộc giản có ghi chép tư liệu. Đó là những kho báu nghệ thuật Phật Giáo lừng danh nhất Thế Giới.
Khoảng hơn 2.000 năm trước, vào thời Tây Hán, vì muốn bảo vệ cửa ngõ giao thông trọng yếu Hà Tây Tẩu Lang, nhằm duy trì sự thông suốt của Con đường Tơ lụa, người ta đã thiết lập tại phía Tây Đôn Hoàng hai tòa quan ải là Ngọc Môn Quan và Dương Quan. Đến thời Lục Triều, do ngã An Tây (Cam Túc) thẳng tới Y Châu là con đường gần và thuận tiện hơn, đa số lữ khách đều đi theo lối này, nên Ngọc Môn Quan được di dời tới huyện Tấn Xương (Qua Châu, tức vùng phụ cận Song Tháp Bảo, phía Đông huyện An Tây tỉnh Cam Túc ngày nay). Thời Sơ Đường, Ngọc Môn Quan được chính thức đặt tại đó.
Ngọc Môn Quan và Dương Quan là hai tòa quan ải trọng yếu trên Con đường Tơ lụa. Từ cổ đại, mọi giao thông Đông Tây đều phải qua hai quan ải này. Do đó, hình ảnh Ngọc Môn Quan và Dương Quan thường xuất hiện trong tác phẩm các nhà thơ biên tái (đời Đường). Trong đó phải kể trước tiên là bài thất tuyệt “Tòng Quân Hành” (bài 4) của Vương Xương Linh và bài thất tuyệt “Lương Châu Từ” của Vương Chi Hoán.

從軍行 (其二) 王昌齡
青海長雲暗雪山
孤城遙望玉門關
黃沙百戰穿金甲
不破摟蘭终不還
Âm:
TÒNG QUÂN HÀNH (Vương Xương Linh)
Thanh Hải trường vân ám Tuyết San,
Cô thành diêu vọng Ngọc Môn Quan.
Hoàng Sa bách chiến xuyên kim giáp,
Bất phá Lâu Lan chung bất hoàn.
Dịch:
BÀI HÁT THEO QUÂN
Thanh Hải mây đùn phủ Tuyết San,
Cô thành trông vói Ngọc Môn Quan.
Hoàng Sa trăm trận không rời giáp,
Không về, nếu chưa diệt Lâu Lan.

Những người yêu thích thơ Đường, gần như, đều biết bài thơ này, nhưng vị trí nhà thơ đang đứng (đối với Ngọc Môn Quan) cho tới cận đại, vẫn là một nghi án tồn tại. Mắt của bài thơ hoàn toàn nằm ở câu thứ hai: “Cô Thành” và “Diêu vọng”. Có phải Cô Thành là Ngọc Môn Quan hay một thành trấn khác, và vị trí ở đâu? Có phải từ một thành trấn khác vọng về Ngọc Môn Quan hay từ Ngọc Môn Quan vọng ra ngoài? Câu hỏi này đã làm thành những giải dịch bất đồng qua suốt hằng ngàn năm.
Cho tới bây giờ, người ta đã thống kê được 5 cách giải thích: (1) Cô Thành là Ngọc Môn Quan. Tác giả từ đó, vọng hướng Đông Nam nhìn về Kỳ Liên Sơn. (2) Cô Thành là Ngọc Môn Quan. Tác giả từ một nơi nào đó, phía Tây, vọng về Ngọc Môn Quan, đồng thời cũng nhìn thấy Kỳ Liên Sơn. (3) Cô Thành cũng là Ngọc Môn Quan, nhưng tác giả đứng từ phía Tây Bắc Kỳ Liên Sơn nhìn qua. Câu thứ nhất tả cảnh sắc Kỳ Liên Sơn mà tác giả nhìn thấy từ hướng Đông Nam. (4) Cô Thành ở trên đỉnh hoặc dưới chân Kỳ Liên Sơn. Từ Cô Thành, hướng Tây Bắc, nhìn về Ngọc Môn Quan. (5) Cô Thành nằm ở phía Tây Bắc, rất xa, nhìn về Ngọc Môn Quan. Nhiều người cho rằng, cách giải thích thứ (4) tương tự cách thứ (5) và cách này thuyết phục hơn cả.
Vị trí Ngọc Môn Quan đời Đường (chưa chuẩn xác) là một vùng sa mạc đồi cát mênh mông, nằm ở phụ cận Song Tháp Bảo (nay là phía Tây huyện An Tây tỉnh Cam Túc). Phía Đông Nam Ngọc Môn Quan không ngoài 100km là Kỳ Liên Sơn. Phía Đông Nam Kỳ Liên Sơn khoảng 600km là Hồ Thanh Hải. Theo nhiều nhà khảo chứng sau này, nhà thơ Vương Xương Linh lúc đó khoảng 26 – 27 tuổi, đã từng theo quân đến Hà Tây, Lũng Hữu, Thanh Hải và ra Ngọc Môn Quan. Ông từ nội địa ra Ngọc Môn Quan, dọc Hà Tây Tẩu Lang không biết bao nhiêu ngày tháng. Một ngày mây đen che khắp Kỳ Liên Sơn, họ Vương từ chân núi phía Tây Bắc nhìn về Ngọc Môn Quan mờ mờ ảo ảo, lòng chợt thấy hưng phấn mới viết câu “Hoàng Sa bách chiến xuyên kim giáp, bất phá Lâu Lan chung bất hoàn” (Hoàng Sa trăm trận không rời giáp, không về, nếu chưa diệt Lâu Lan). Bài thơ “Tòng Quân Hành” không chỉ nói lên sĩ khí của nhà thơ, mà còn biểu đạt lòng dũng cảm của những sĩ binh thời Thịnh Đường.
Đầu mùa Xuân năm Thiên Bảo thứ 9 hoặc thứ 10 Đường Huyền Tông, nhà thơ Sầm Tham lần thứ nhất đến Tây Vực nhậm chức tại An Tây Đô Hộ Phủ, khi đi qua Phong Hỏa đài Mục Túc (gần Ngọc Môn Quan), có viết bài thất tuyệt “Đề Mục Túc Phong ký gia nhân”, biểu lộ lòng nhớ quê của người biên tái:
題苜蓿 烽寄家人 岑参
苜蓿烽邊逢立春
胡蘆河上淚沾巾
閨中只是空相忆
不見沙場愁殺人
Âm:
ĐỀ MỤC TÚC PHONG KÝ GIA NHÂN (Sầm Tham)
Mục Túc Phong biên phùng lập xuân,
Hồ Lô hà thượng lệ triêm cân.
Khuê trung chỉ thị không tương ức,
Bất kiến sa trường sầu sát nhân.
Dịch:
THƯ NHÀ VIẾT TỪ PHONG HỎA ĐÀI MỤC TÚC
Xuân chạm Hỏa Đài Mục Túc Phong,
Qua bến Hồ Lô lệ ướt ròng.
Phòng khuê da diết tràn mong nhớ,
Đâu biết sa trường trĩu nhớ mong.


Mục Túc Phong là Phong Hỏa đài cực Bắc của 5 Phong Hỏa đài phía Tây Bắc ngoài Ngọc Môn Quan. Sông Hồ Lô (nay là Quật Long Hà) phát nguyên từ đất Hồ Lô Câu (phía Đông Song Tháp Bảo, thuộc huyện An Tây, Cam Túc), chảy vào Sơ Lặc hà. Theo những ghi chép của Tuệ Lập, đệ tử Pháp Sư Huyền Trang: “Sông Hồ Lô đời Đường dưới đáy rộng, trên mặt hẹp, sóng vỗ rất gấp, độ sâu không thể dò. Từ quan ngoại muốn vào Ngọc Môn Quan phải qua con sông này”.
Ý thơ, Sầm Tham khi qua Sông Hồ Lô, tình quê trỗi dậy nước mắt đẩm khăn. Vợ con quê nhà giờ này chắc đang nhớ thương ta. Đâu biết tình nhà của ta còn trĩu nặng bội phần.
Bài thất tuyệt “Lương Châu Từ” của Vương Chi Hoán cũng là một kiệt tác về Ngọc Môn Quan.
凉州詞 王之涣
黄河遠上白雲間
一片孤城萬仞山
姜笛何須怨楊柳
春風不度玉門關
Âm:
LƯƠNG CHÂU TỪ (Vương Chi Hoán)
Hoàng Hà viễn thướng bạch vân gian,
Nhất phiến Cô Thành vạn nhận san.
Khương địch hà tu oán “Dương Liễu”,
Xuân phong bất độ Ngọc Môn Quan.
Dịch:
BÀI HÁT LƯƠNG CHÂU
Giữa vầng mây trắng Hoàng Hà,
Cô Thành đứng lặng non xa chất chồng.
Gió Xuân khó thấu Ngọc Môn,
Trỗi chi sáo Rợ khúc hờn “”Chiết Dương”

Bài thơ còn có tựa “Ngọc Môn Quan thính xuy địch”. “Lương Châu Từ” là “Lương châu xướng ca từ”. Hoàng Hà (tưởng chừng) chảy đến từ những vầng mây trắng (thời Tây Hán, Hán Vũ Đế mệnh cho Trương Khiên đi khảo sát đầu nguồn Hoàng Hà. Sau chuyến đi nhiều ngày, họ Trương trở về trình lên Hoàng Đế một tấu chương có nội dung: Sông Hoàng Hà phát nguyên từ dãy Ngân Hà trên Thượng giới. Ông ta nói đã đích thân tìm tới bờ Ngân Hà và được Tiên Nữ tặng cho viên đá. Do đó người Trung Quốc (thời cổ đại) tin là Hoàng Hà phát nguyên từ trời).
Từ bờ Hoàng Hà nhìn về hướng Tây, giữa sa mạc mênh mông, chỉ có Ngọc Môn Quan và tòa Cô Thành trơ trọi. Xa hơn nữa là trùng trùng những ngọn núi cao ngất. Tiếng sáo Rợ Khương, không biết từ đâu, trỗi lên khúc nhạc bi thương “Chiết Dương Liễu”, như oán trách ngọn gió Xuân, từ cổ chí kim, chưa hề thổi qua Ngọc Môn Quan. Khí hậu bên ngoài Ngọc Môn Quan rất khô kiệt, gần như không có nguồn nước sinh sống, thảo mộc hiếm hoi. Có lẽ đó là lý do mà Vương Chi Hoán cho rằng, gió Xuân chưa hề đi qua Ngọc Môn Quan.
Cùng thời với Vương Chi Hoán (cùng phái Biên Tái), nhà thơ Cao Thích cũng có bài thất tuyệt “Tái thượng thính xuy địch”, mô tả cảnh tượng bên ngoài Ngọc Môn Quan.

塞上聽吹笛 高適
雪凈胡天牧馬還
月明姜笛戍樓間
借問梅花何處落
風吹一夜滿關山
Âm:
TÁI THƯỢNG THÍNH XUY ĐỊCH (Cao Thích)
Tuyết tịnh Hồ thiên mục mã hoàn,
Nguyệt minh Khương địch thú lâu gian.
Tá Vấn Mai hoa hà xứ lạc,
Phong xuy nhất dạ mãn quan san.
Dịch:
TRÊN QUAN ẢI NGHE TIẾNG SÁO
Ngựa về tuyết lặng trời Hồ,
Sáo Khương réo gọi trăng vô chiến hào.
Mai Hoa Khúc” dạt về đâu,
Khắp quan ải một đêm thâu gió lùa.

Buổi chiều tuyết tan trên biên ải, bò dê từ thảo nguyên trở về. Trăng đã lên, những trận gió quét tràn. Tiếng sáo của người Khương từ lầu canh chiến hào vọng xuống khúc “Mai Hoa Lạc”. Câu “Tá Vấn Mai hoa hà xứ lạc” ý nói khúc “Mai Hoa lạc” không biết sẽ bị gió dạt về đâu? Chứ không phải hoa Mai rụng trên biên ải sẽ bị gió cuốn về đâu?
Bài thứ 5 trong đề tài “Tái Hạ Khúc lục thủ” của Lý Bạch cũng có đề cập một số cố sự thời Tây Hán, liên quan độc đáo tới Ngọc Môn Quan.
塞下曲六首 (其五) 李白
塞虜乘秋下
天兵出漢家
將軍分虎竹
戰士卧龍沙
邊月随弓影
胡霜拂劍花
玉關殊未入
少婦莫長嗟
Âm:
TÁI HẠ KHÚC LỤC THỦ (Bài 5) (Lý Bạch)
Tái lỗ thừa Thu há,
Thiên binh xuất Hán gia.
Tướng quân phân hổ trúc,
Chiến sĩ ngọa Long Sa.
Biên nguyệt tùy cung ảnh,
Hồ sương phất kiếm hoa.
Ngọc Quan thù vị nhập,
Thiếu phụ mạc trường ta.
Dịch:
BÀI HÁT DƯỚI ẢI (Bài 5)
Giặc ải nhân Thu xuống,
Binh Trời đất Hán ra.
Tướng quân chia Hổ trúc,
Chiến sĩ ngủ Long Sa.
Trăng ải vành cung tỏ,
Sương Hồ ánh kiếm pha.
Ngọc Quan chưa trở lại,
Thiếu phụ chớ kêu ca!
Lê Nguyễn Lưu dịch

Giặc từ ngoài ải lợi dụng mùa Thu ngựa béo, đem quân xâm nhập Trung Nguyên. Hán triều phái binh đi đánh dẹp. Tướng quân chia binh phù, quân sĩ tiến vào sa mạc (Long Đôi tức sa mạc Bạch Long Đôi, nay thuộc cảnh nội Tân Cương). Địch tình khẩn cấp, sĩ binh ngày đêm tiến quân không ngừng nghỉ. Ánh trăng biên cương soi bóng trên cung tên, sương quan ải rơi trên đao kiếm như những đóa hoa. Chiến tranh chưa kết thúc, binh sĩ lâu ngày chưa được trở lại Ngọc Môn Quan. Mong thiếu phụ nơi khuê phòng chớ than vãn.
Trong bài thơ có từ “Hổ Trúc”, tức Binh Phù, một bằng chứng điều binh thời cổ đại. Đó là một tấm đồng hoặc tre được chạm hình Hổ rồi cắt thành hai mảnh. Nửa phải giữ lại triều đình, còn nửa trái giao cho tướng soái cầm binh. Khi nào cần thay đổi tướng cầm binh, người thay thế sẽ cầm nửa mảnh còn giữ ở triều đình đến quân doanh. Tướng soái tại quân doanh sẽ ráp hai mảnh với nhau, nếu ăn khớp mới trao binh quyền.
Ở đây Lý Bạch có sử dụng một điển cố đời Hán. Năm Thái Sơ thứ nhất (104 TCN), Hán Vũ Đế mệnh tướng Lý Quảng Lợi đem mấy vạn quân đến Tây Vực thu thập ngựa quí (danh mã). Bị vua Đại Uyển từ chối dẫn tới đánh nhau. Do chiến tranh bất lợi, quân Hán bị cầm chân ở Tây Vực suốt nửa năm, số thương vong khá lớn. Lý Quảng Lợi dâng thư lên Hoàng Đế xin bãi binh. Hán Vũ Đế nổi giận phái sứ giả đến “Ngọc Môn” truyền lệnh: “Quân sĩ dám trở vào ải, chém”. Lý Quảng Lợi nghe sợ, tạm thời trú quân tại Đôn Hoàng. Hán Vũ Đế tăng viện cho 6 vạn binh, Lý Quảng Lợi tấn công Đại Uyển lần thứ 2, giết vua Đại Uyển thu được mấy chục danh mã gọi “Hãn huyết Mã” (Ngựa có mồ hôi đỏ như máu). Quân Hán kéo về Ngọc Môn Quan chỉ còn hơn 1 vạn.
Sự kiện Hán Vũ Đế phái sứ giả đến “Ngọc Môn” truyền thánh chỉ, nhiều người cho đó là Ngọc Môn Quan (đương nhiên là Hán Ngọc Môn Quan). Nhưng Hán Ngọc Môn Quan nằm phía Tây Đôn Hoàng. Lịch sử ghi chép Lý Quảng Lợi tạm trú quân ở Đôn Hoàng có nghĩa là ông đã đem quân vào Ngọc Môn Quan, rồi mới xin bãi binh. Xem lại bản đồ địa lý của “Con đường Tơ lụa” thì đây là huyện “Ngọc Môn” đời Hán, nằm phía Đông Đôn Hoàng (nay là Xích Kim Bảo, phía Tây Bắc thành phố Ngọc Môn tỉnh Cam Túc). Khi Hán Vũ Đế phái sứ giả đến huyện Ngọc Môn truyền thánh chỉ tức ông cũng đã biết Lý Quảng Lợi rút quân vào Ngọc Môn Quan rồi. Chẳng qua Hán Vũ Đế chỉ phủ đầu cho tướng sĩ khỏi để tiêu trầm ý chí chiến đấu. Bằng chứng ông không những không thực hiện thánh chỉ mà, còn tăng cho 6 vạn quân viện. Hơn nữa, các vương triều phong kiến trong lịch sử Trung Quốc cũng đã có lệ: tướng soái ngoài quan ải đôi khi cũng không cần theo mệnh vua.
Dương Quan” cũng là một quan ải thường xuất hiện trong thơ của các thi nhân phái “Biên Tái” đời Đường, nhưng xuất sắc nhất là Vương Duy. Ngoài bài thất tuyệt “Tống Nguyên Nhị sứ An Tây”, ông còn bài ngũ luật “Tống Lưu Tư Trực phó An Tây” mô tả sâu sắc và độc đáo nhiều hình ảnh và sự kiện liên quan tới cả trong lẫn ngoài Dương Quan.
送劉司直赴安西 王維
絕域陽關道
胡烟與塞塵
三春時有雁
萬里少行人
苜蓿随天馬
蒲萄逐漢臣
當令外國惧
不敢覓和亲
Âm:
TỐNG LƯU TƯ TRỰC PHÓ AN TÂY (Vương Duy)
Tuyệt vực Dương Quan đạo,
Hồ yên dữ tái trần.
Tam Xuân thời hữu Nhạn,
Vạn Lý thiếu hành nhân.
Mục Túc tùy Thiên Mã,
Bồ Đào trục Hán thần.
Đương linh ngoại quốc cụ,
Bất cảm mịch hòa thân.
Dịch:
TIỄN QUAN TƯ TRỰC HỌ LƯU ĐI AN TÂY
Đường Dương Quan cuối vực,
Khói Hồ bụi quan san.
Trời Xuân Nhạn qua ải,
Vạn dặm vắng hành nhân.
Mục Túc theo chân ngựa,
Bồ Đào tiễn sứ thần.
Ngoại tộc đều khiếp sợ,
Hết nuôi mộng cầu thân.

Tư Trực là một chức quan hàng lục phẩm trở lên. An Tây chỉ An Tây Đô Hộ phủ đời Đường, mạc phủ tại Tây Châu (nay là Thổ Lỗ Phiên, Tân Cương), về sau di dời đến Khưu Từ, (nay là Khổ Xa, Tân Cương). Hành trình sau khi ra Dương Quan là con đường thăm thẳm không thấy chân trời. Đây đó rải rác một vài làn khói bếp của dân Hồ và cát bụi mù trời sa mạc. Mùa Xuân chỉ có những đàn Nhạn bay qua ải, sa mạc mênh mông hiếm khi gặp lữ hành. Theo chân những đoàn danh mã đưa vào Trung Nguyên thời Hán Vũ Đế (mượn Hán chỉ Đường) là cỏ Mục Túc, đem theo từ Tây Vực làm thức ăn cho ngựa. Những sứ giả khi rời Tây Vực trở về Trường An đều mang theo Bồ Đào (trái Nho), một đặc sản rất hiếm ở Trường An. Uy quyền của Hán triều theo chân sứ giả đến Tây Vực khiến các tiểu vương khiếp sợ, không dám nghĩ đến chuyện cầu thân. Bài thơ có từ “Hòa thân”, là mục đích chính trị của các vương triều phong kiến Hán Đường. Tức chọn con gái trong hoàng tộc gã cho thủ lĩnh các dân tộc ít người vùng quan ngoại, nhằm tạo quan hệ để bành trướng thế lực về phía Tây.
Trong thơ “Biên Tái” thường xuất hiện hình ảnh Dương Quan, Hán Ngọc Môn Quan và Đường Ngọc Môn Quan. Nhưng những di tích đó nằm chuẩn xác ở địa phương nào ngày nay? Vấn đề còn nằm trong những cuộc khảo sát và nghiên cứu không ngừng.
Di tích Ngọc Môn Quan đời Hán, theo một số tư liệu có được qua những kết quả nghiên cứu từ đầu thế kỷ 20: Tại một bãi Qua Bích (bãi đá sỏi nổi lên giữa sa mạc) cách phía Tây Bắc Đôn Hoàng khoảng 80km, có một tòa thành nhỏ gọi “Tiểu Phương Bàn Thành”. Đó là một tòa thành hình vuông xây bằng đất, tường thành cũng được đắp bằng loại đất vàng. Thành có chiều dài Đông Tây 24m, Nam Bắc rộng 26m. Tường thành ngày nay còn lại cao khoảng 10m. Người ta thường phát hiện trong thành này số lớn mộc giản đời Hán, trong đó có một giản đọc thấy dòng chữ “Ngọc Môn Đô Đốc”. Vì vậy mới xác định đây là di tích Ngọc Môn Quan đời Hán.
Ngọc Môn Quan đời Đường tới nay vẫn chưa phát hiện được di tích chuẩn xác. Có người cho rằng, tại chính Nam Song Tháp Bảo (nay thuộc huyện An Tây, Cam Túc), còn phế tích của một tòa cổ thành gọi “Khổ Dục Thành”, và cho đó là di tích của Đường Ngọc Môn Quan. Nhưng kết quả những nghiên cứu sau này đã xác định, đó là thành Tấn Xương, châu trị của Qua Châu đời Đường. Không phải di tích Đường Ngọc Môn Quan. Thành này vốn có từ rất xưa, nằm giữa vùng Dược Trấn Dương nên cũng gọi Trấn Dương Thành. Ngoài ra cũng có người cho rằng, di tích Đường Ngọc Môn Quan tại trung tâm Thủy Khố của Song Tháp Bảo (phía Đông huyện An Tây, Cam Túc), nhưng chưa được nghiên cứu xác minh.
Cách Tây Nam Đôn Hoàng 70 km, có sa mạc “Cổ Đổng Than”. Nơi đây trường kỳ xưa nay, cứ mỗi cơn gió lớn đi qua, từ lớp cát đá lộ ra nhiều vật phẩm thời cổ đại như tiền đồng, đầu tên và những mảnh vỡ gươm đao... Nhiều cuộc nghiên cứu xác định đây là di tích Dương Quan.
Năm 1972, qua cuộc khai quật của đội công tác Văn Vật Tửu Tuyền (Cam Túc), đã xác định đúng di tích của Dương Quan. Vị trí không xa phía Tây sa mạc “Cổ Đổng Than”. Hiện còn lưu lại nền tường và nền phòng thất, tiếp giáp với di tích những mẫu trường thành giữa Dương Quan và Ngọc Môn Quan. Do những thế kỷ về sau khí hậu trở nên khô hạn, những nguồn nước cạn kiệt, dân cư lưu tán. Dương Quan từ đó cũng bi gió cát sa mạc tàn phá chôn vùi.
Từ ngã rẽ Đôn Hoàng, lữ khách nếu muốn theo lộ tuyến Nam của “Con đường Tơ lụa” thì ra Dương Quan. Nếu muốn theo lộ tuyến Bắc thì ra Ngọc Môn Quan.

5. KHU VỰC HÀ HOÀNG TRÊN HÀNH LANG HÀ TÂY

Hà Hoàng” chỉ Hoàng Hà và Hoàng Thủy. Hoàng Thủy phát nguyên từ hồ Thanh Hải, chảy về hướng Đông, đến vùng phụ cận Lan Châu (Cam Túc) thì nhập vào Hoàng Hà, gọi chung là Hà Hoàng. Từ đời Đường, lưu vực giữa Hoàng Hà và Hoàng Thủy tức Hà Tây (nay là Hà Tây Tẩu Lang, Cam Túc) đến Lũng Hữu (từ Lũng Sơn đổ về Tây) là khu vực Hà Hoàng.
Từ Công Nguyên 663, sau khi Thồ Cốc Hồn bị Thổ Phồn diệt vong, lực lượng Thổ Phồn ngày càng lớn mạnh, đe dọa vùng Hà Tây và Lũng Hữu. Đường Triều thiết lập hai Tiết Độ Sứ Hà Tây và Lũng Hữu với quân số hùng hậu, phòng ngự Thổ Phồn nhập xâm.
Năm Thiên Bảo thứ 14 Đường Huyền Tông (CN 755), xảy ra loạn An Sử. Triều đình điều hết quân tinh nhuệ của Hà Tây Lũng Hữu về nội địa dẹp loạn, biên phòng gần như bỏ trống. Thổ Phồn thừa cơ đem quân công chiếm các châu huyện thuộc 2 trấn, sau cùng chiếm toàn bộ Hà Tây và Lũng Hữu (tức khu vực Hà Hoàng). “Con đường Tơ lụa” từ đó gián đoạn. Quan hệ giữa Đường triều và Tây Vực bị cắt đứt.
Tháng 4 năm Quang Tự thứ 25 đời Thanh, trong một thạch động nhỏ tại Đôn Hoàng, người ta phát hiện một kho báu văn hóa tầm cỡ Thế Giới. Trong đó có 2.500 quyển sách chép tay từ thời Ngũ Đại trở về trước, bao gồm Phật kinh, thi và từ do người thời Ngũ Đại sao chép, cùng một số tiểu thuyết và biền văn.
Trong những văn vật phát hiện tại thạch thất Đôn Hoàng lần này, có không ít thơ và từ đời Đường bị thất lạc. Đặc biệt hơn nữa là phần cuối quyển thượng của “Đường Nhân thi tập” (cũng sách chép tay trong số văn vật này) ghi chép: tại Cam Châu (nay là Trương Dịch, Cam Túc) và Sa Châu (nay là Đôn Hoàng, Cam Túc) có hai nhà thơ Đường bị Thổ Phồn cầm tù và lưu đày. Tác phẩm của họ chưa từng có trong “Toàn Đường thi”
Khi Thổ Phồn xâm nhập tấn công khu vực Hà Hoàng, quân dân Cam Châu và Sa Châu đã kiên trì chiến đấu gian khổ bảo vệ thành được 11 năm. Cuối cùng vào năm Kiến Trung thứ 2 Đường Đức Tông (CN 781), cả hai châu trước sau đều bị Thổ Phồn chiếm lĩnh.
Cam Châu đương thời chiến đấu rất dũng cảm, giữ thành được hơn 10 năm mới bị phá. Trong khi tình huống Sa Châu có khác hơn. Khi mới bị bao vây, thứ sử Châu Đỉnh chỉ huy dân quân cố thủ được 1 năm. Sau vì viện binh không đến, ông ra lệnh thiêu hủy thành trì và mở vây tháo chạy. Bộ hạ của ông phản đối kịch liệt. Không lâu sau, các bộ hạ giết Châu Đỉnh rồi tự điều động quân dân tử thủ Sa Châu được thêm 10 năm. Tới khi lương thực và binh khí kiệt quệ không còn cố thủ được, đành phải đưa điều kiện đầu hàng với Thổ Phồn: Không được áp giải quan binh và dân chúng đi khỏi Sa Châu. Thổ Phồn đồng ý, nhưng khi Sa Châu mở cửa thành thì họ nuốt lời, đem toàn bộ quan binh Sa Châu đày đi những nơi xa. Đương nhiên, thân phận Cam Châu cũng không ngoại lệ.
Phần cuối quyển thượng của “Đường Nhân thi tập” (sách chép tay nói trên) có sao chép 72 bài thơ của 2 tác giả đời Đường bị quân Thổ Phồn cầm tù và áp giải dọc “Con đường Tơ lụa”. Đó là những bài thơ hai nhà sáng tác trên đường lưu đày. Một nhà bị áp giải từ Sa Châu mà “Đường Nhân thi tập” không ghi tên họ nên chỉ tạm gọi “Dật danh thị” (giấu tên họ). Còn một nhà bị áp giải từ Cam Châu tên Mã Vân Kỳ.
Theo những nghiên cứu mới nhất, Dật Danh Thị là người Ô Lạp Đặc Tiền Kỳ (nay là khu Nội Mông Cổ tự trị). Vì quê hương ông cũng bị Thổ Phồn chiếm lĩnh nên ông rời quê phiêu bạt nay đây mai đó. Về sau Dật Danh Thị đến Sa Châu (Đôn Hoàng) nương nhờ người thân. Ở đây Dật Danh Thị thường giao du với các nhà văn học và quan viên sở tại. khi Thổ Phồn bao vây tấn công Sa Châu, ông có tham gia bảo vệ thành trì. Thứ Sử Châu Đỉnh quyết định đốt thành thoát vây, ông đứng về phía phản đối. Mùa Đông năm Kiến Trung thứ 2 Đường Đức Tông, thành Sa Châu bị chiếm. Dật Danh Thị (và cả quan binh sở tại) bị bắt áp giải khỏi Đôn Hoàng. Ông chịu đày ải gian khổ qua nhiều nơi dọc Con đường Tơ lụa suốt gần 2 năm. Cuối cùng bị giam giữ tại thành Lâm Phiên (nay là vùng phụ cận Đa Ba Trấn, phía Tây thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải).
Mã Vân Kỳ khả năng là người Quan Trung (nay là Trung bộ tỉnh Thiểm Tây). Vào khoảng năm Đại Lịch thứ 6 Đường Đại Tông (CN 771) ông đến nhậm chức tại Mạc Phủ Trưởng quan chủ quản Cam Châu. Khi Thổ Phồn công hãm Cam Châu, họ Mã cũng đã tham gia chiến đấu. Năm Kiến Trung thứ 2 thành Cam Châu vỡ, Mã Vân Kỳ bị bắt áp giải khỏi Cam Châu. Mùa Hạ năm Kiến Trung thứ 3 ông cũng bị đưa tới giam tại thành Lâm Phiên.
Lộ trình 2 nhà thơ bị áp giải, qua bản đồ, có thể thấy:
Dật Danh Thị rời Sa Châu (Đôn Hoàng) đi qua Hung Môn (nay là Đương Kim Sơn Khẩu), Mặc Ly Hải (nay là Hồ Tô Can), Tây Đồng (nay là Đại Đài Sán), Hồ Thanh Hải, vượt Xích Lĩnh (nay là Nhật Nguyệt Sơn). Cuối cùng bị giam tại thành Lâm Phiên. Thời gian hành trình là 1 năm 8 tháng.
Mã Vân Kỳ rời Cam Châu vượt qua Đạm Hà, Kim Nga Bác, Kim Kỳ Liên, Kim Cương Sát và rồi cũng bị giam tại thành Lâm Phiên.
Lộ trình lưu đày của 2 nhà thơ cho tới khi bị giam tại Lâm Phiên, qua mỗi nơi họ đều viết những bài thơ mô tả xuất sắc từng sự việc. Hoặc nói về thân phận bi lương thống khổ của kiếp tù. Hoặc nói về những tình cảnh tự thân đã trải qua. Hoặc vẽ lại khung cảnh chiến tranh đời Đường, từ Đôn Hoàng đến Hồ Thanh Hải. Hoặc vị trí địa danh và nguyên nhân của mỗi sự tình. Hoặc mô tả cảnh sắc núi sông cùng sự biến hóa bất thường của khí hậu... Tất cả đều là những dấu ấn sâu sắc đáng ghi trong lịch sử Đường triều.
Mùa Đông năm Kiến Trung thứ 2 Đường Đức Tông (CN 781), Dật Danh Thị bị áp giải khỏi Đôn Hoàng. Từ một vùng phụ cận Dương Quan đi về phía Tây, vượt qua Đương Kim Sơn Khẩu, đến bờ Mặc Ly Hải, ông đã viết một bài ngũ luật “Chí Mặc Ly Hải Phụng hoài Đôn Hoàng tri kỷ” diễn đạt mối xúc cảm trước cảnh tình thân chứng và nhớ về đất cũ Đôn Hoàng.
至墨离海奉懷敦煌知己 佚名氏
朝行傍海涯
暮宿幕爲家
千山空皓雪
萬里盡黄沙
戎俗途將近
知音道已賒
回瞻雲岭外
揮涕獨咨嗟
Âm:
CHÍ MẶC LY HẢI PHỤNG HOÀNG HOÀI ĐÔN HOÀNG TRI KỶ (Dật Danh Thị)
Triêu hành bàng Hải nha,
Mộ túc Mạc vi gia.
Thiên sơn không hạo tuyết,
Vạn lý tận hoàng sa.
Nhung tục đồ tương cận,
Tri âm đạo dĩ xa.
Hồi chiêm vân lĩnh ngoại,
Huy thế độc tư sa.
Dịch:
ĐẾN MẶC LY HẢI CHẠNH NHỚ BẠN BÈ ĐÔN HOÀNG
Sớm bên bờ Ly Hải,
Chiều mái cỏ thay nhà.
Núi núi trùm tuyết trắng,
Cát vàng muôn dặm xa.
Bước kề phong tục Rợ,
Bằng hữu càng chia xa.
Ngoảnh nhìn mây núi cũ,
Lệ ướt chỉ riêng ta.

Buổi sớm, từ bờ Mặc Ly Hải đi về phía Tây, qua những miền hoang vu không một làn khói bếp. Chiều tối kết cỏ Bồng làm mái qua đêm. Bốn phía toàn những tòa núi tuyết trắng phau trùng điệp. Cát vàng trải dài trên sa mạc không bờ. Mỗi bước chân càng vào sâu trong phong tục Rợ (Thổ Phồn), bằng hữu tri âm theo đó càng biền biệt. Quay nhìn phía Bắc (đất cũ Đôn Hoàng) mây đen đùn khắp núi. Còn một mình ta, những dòng nước mắt tha hồ rơi.
Dật Danh Thị bị giam giữ tại Mặc Ly Hải không bao lâu, dân du mục Thổ Phồn cũng tụ về đây căng lều trú Đông cho qua thời kỳ giá rét. Mùa Hạ năm Kiến Trung thứ 3 (CN 782), ông từ Mặc Ly Hải tiếp tục bị áp giải về phía Tây. Nguyên vì quân Thổ Phồn không biết xử trí tù nhân Đường triều ra sao, việc này phải do Tán Phổ (vua Thổ Phồn) đích thân quyết định. Họ cứ tưởng Tán Phổ lúc đó đang ở Thanh Hải, không ngờ ông đang ở La Ta (nay là Lasha, kinh đô Tây Tạng). Họ phải tạm giam tù nhân tại một dịch trạm gần khu Cách Nhĩ Mộc để chờ chỉ thị. Thời cổ đại giao thông rất khó khăn nên thời gian chờ đợi, dù là tạm, cũng phải trên dưới một năm. Tại dịch trạm này, vào mùa Đông năm Kiến Trung thứ 3, Dật Danh Thị có viết bài ngũ luật “Đông nhật dã vọng”, mô tả cảnh Đông sầu khổ tại bồn địa Cách Nhĩ Mộc.
冬日野望 佚名氏
出户過河梁
登高試望鄉
雲随愁處斷
川逐思弥長
晚風吹叢草
遙山落夕陽
徘徊噎不語
空使淚沾裳
Âm:
ĐÔNG NHẬT DÃ VỌNG (Dật Danh Thị)
Xuất hộ quá hà lương,
Đăng cao thí vọng hương.
Vân tùy sầu xứ đoạn,
Xuyên trục tứ di trường.
Vãn phong xuy ti thảo,
Diêu sơn lạc tịch dương.
Bồi hồi ế bất ngữ,
Không sử lệ triêm thường.
Dịch:
NGÓNG VỀ, TỪ MỘT NGÀY MÙA ĐÔNG
Qua sông lìa đất cũ,
Lên cao ngóng quê nhà.
Cảm sầu mây đứt nối,
Sông chuyển nhớ thương qua.
Gió chiều lùa nội cỏ,
Non Tây khuất bóng tà.
Bồi hồi không cất tiếng,
Khăn áo đẩm lệ sa.

Xuất hộ”, ý nói rời Đôn Hoàng ra Hung Môn (Đương Kim Sơn Khẩu) trên đường bị áp giải về phía Tây. Tác giả từ chỗ cao nhìn về đất cũ Đôn Hoàng, chỉ thấy những vầng mây đứt nối như chia xẻ lòng người. Dòng sông lặng lẽ trôi, kéo dài thêm nỗi buồn viễn xứ. Gió chiều quét lạnh qua đồng cỏ. Lòng khách bồi hồi nghẹn ngào không cất tiếng, chỉ thấy nước mắt đẩm áo khăn.
Mùa Thu năm Kiến Trung thứ 4 (CN 783), Dật Danh Thị bị áp giải tới bờ sông Hắc Mã Hà bên Hồ Thanh Hải. Nhà thơ đã cách Đôn Hoàng một cự ly rất xa. Không cầm được cảm xúc, ông đã viết bài ngũ luật “Thanh Hải vọng Đôn Hoàng chi tác”.
青海望敦煌之作 佚名氏
西北指流沙
東南路轉遐
独悲留海畔
歸望阻天涯
九夏呈芳草
三時有雪花
未能刷羽去
空此羨寒鸦
Âm:
THANH HẢI VỌNG ĐÔN HOÀNG CHI TÁC
(Dật Danh Thị)
Tây Bắc chỉ lưu sa,
Đông Nam lộ chuyển hà.
Độc bi lưu hải bạn,
Qui vọng trở thiên nha.
Cửu Hạ trình phương thảo,
Tam thời hữu tuyết hoa.
Vị năng loát vũ khứ,
Không thử tiễn hàn Nha.
Dịch:
VIẾT TỪ THANH HẢI NGÓNG VỀ ĐÔN HOÀNG
Cát chảy tràn Tây Bắc,
Đông Nam đường càng xa.
Sầu bên bờ Thanh Hải,
Phương về trời bao la.
Cỏ xanh suốt mùa Hạ,
Vào Xuân tuyết trổ hoa.
Hận mình chưa chắp cánh,
Làm kiếp Quạ bay xa.

Từ Tây Bắc nhìn về Đôn Hoàng qua những dòng lưu sa (cát chảy) cuồn cuộn trên sa mạc. Đường càng đi càng xa đất cũ Đông Nam (Đôn Hoàng). Ta một mình sầu tư bên bờ Thanh Hải, tưởng chừng không có ngày về. Cỏ xanh trải dài thảo nguyên từ Hạ sang Đông. Vào Xuân cũng chỉ toàn hoa tuyết bay đầy trời. Ta hận vì không chắp được đôi cánh, thà như kiếp quạ để tha hồ xa chạy cao bay.
Cuối mùa Thu năm Hưng Nguyên thứ nhất Đường Đức Tông (CN 784), nhà thơ Mã Vân Kỳ cũng bị áp giải tới Lâm Phiên. Rất có thể, hai nhà thơ đã có một khoảng thời gian gặp gỡ tại đây. Tháng 4 năm Kiến Trung thứ 4, tại Sa Châu (Đôn Hoàng), Thổ Phồn đã phóng thích 800 tù nhân Đường triều. Ít lâu sau, tại vùng phụ cận Hoàng Thủy (tức từ hồ Thanh Hải đến thành Lâm Phiên và Tây Ninh đổ về phía Đông), Thổ Phồn phóng thích thêm một số Đường tù nữa, cho về Cam Châu (nay là Trương Dịch, Cam Túc) và Sa Châu (nay là Đôn Hoàng, Cam Túc). Có thể Dật Danh Thị do buồn phiền vì tới giờ này vẫn còn bị giam cầm, nên đã viết bài ngũ tuyệt “Hữu hận cửu tù”.
有恨久囚 佚名氏
人易千般去
余嗟独未還
空知泣山月
宁觉鬓苍斑
Âm:
HỮU HẬN CỬU TÙ (Dật Danh Thị)
Nhân dị thiên ban khứ,
Dư ta độc vị hoàn.
Không tri khấp sơn nguyệt,
Ninh giác mấn thương ban.
Dịch:
HẬN CHƯA HẾT KIẾP TÙ.
Biết bao người phóng thích,
Riêng ra chưa trở về.
Rơi lệ nhìn trăng núi,
Thương tóc trắng lê thê.

Bao nhiêu tù nhân Đường triều lần lượt phóng thích, riêng Dật Danh Thị còn bị giam cầm. Ông chỉ biết rơi lệ nhìn vầng trăng đầu núi và tự thương cho đầu tóc bạc.
Những bài thơ Dật Danh Thị viết về mỗi địa phương trên đường lưu đày, không bài nào ông không tỏ lòng thương nhớ Đôn Hoàng. Có lẽ vì quê hương ông (Ô Lạp Đặc Tiền Kỳ, nay là khu Nội Mông Cổ tự trị) đã mất trong tay Thổ Phồn. Sau thời gian phiêu bạt đó đây, nhà thơ đã dừng chân tại Đôn Hoàng. Ông đã có nơi đây nhiều kỹ niệm và tình cảm sâu đậm cùng những ngày xả thân tử thủ thành trì, nên ông đã coi Đôn Hoàng là quê hương. Cuối năm Hưng Nguyên thứ nhất, tức hơn 1 năm bị giam tại thành Lâm Phiên, Dật Danh Thị được Thổ Phồn phóng thích cho về lại Đôn Hoàng.
Khi Thổ Phồn chiếm thành Cam Châu, nhà thơ Mã Vân Kỳ bị bắt cầm tù. Mùa Hạ năm Kiến Trung thứ 3 (CN 782), ông bị áp giải rời Cam Châu. Trên đường lưu đày nhân vì nhớ con gái và hoài niệm Đường triều, Mã Vân Kỳ có viết bài ngũ tuyệt “Đồ trung ức nhi nữ chi tác”.
途中忆儿女之作 马云奇
发爲思鄉白
形因泣泪枯
儞曹应有梦
知我斷腸無
Âm:
ĐỒ TRUNG ỨC NHI NỮ CHI TÁC (Mã Vân Kỳ)
Phát vị tư hương bạch,
Hình nhân khấp lệ khô.
Nhĩ tào ưng hữu mộng,
Tri ngã đoạn trường vô.
Dịch:
VIẾT TRÊN ĐƯỜNG KHI NHỚ CON
Nhớ quê đầu hóa bạc,
Lệ tuôn trào khó ngăn.
Con thử tìm trong mộng,
Biết bố đoạn trương chăng.

Tóc hóa trắng vì thương nhớ quê nhà, lại càng không ngăn nổi dòng nước mắt bi thương. Các con thử tìm trong chiêm bao, may ra biết được ruột gan ta đứt đoạn.
Mã Vân Kỳ bị áp giải từ Cam Châu đi về phía Tây, không lâu sau đến bờ Bắc Hồ Thanh Hải, tức cuối Xuân đầu Hạ năm Kiến Trung thứ 4. sau cùng cũng bị giam tại thành Lâm Phiên. Trong những ngày này, nhà thơ viết bài ngũ luật “Bị Phồn quân trung câu hệ chi tác”, mô tả tình huống những nơi đi qua, cùng biểu đạt tâm tư đau xót khi hồi tưởng cảnh thành Cam Châu bị vỡ.
被蕃军中拘系之作 马云奇
何事逐漂蓬
悠悠過鑿空
世窮途運蹇
战苦不成功
泪滴东流水
心遥北翥鴻
可能忠孝节
长遣困西戎
Âm:
BỊ PHỒN QUÂN TRUNG CÂU HỆ CHI TÁC (Mã Vân Kỳ)
Hà sự trục phiêu bồng,
Du du quá tạc không.
Thế cùng đồ vận kiển,
Khổ chiến bất thành công.
Lệ trích Đông lưu thủy,
Tâm diêu Bắc trứ Hồng.
Khả năng trung hiếu tiết,
Trường khiển khốn Tây Nhung.
Dịch:
VIẾT LÚC BỊ GIAM TRONG QUÂN THỔ PHỒN
Duyên cớ nào trôi dạt,
Giam thân kiếp bềnh bồng.
Vận cùng đường hết lối,
Khổ chiến được công không.
Nước mắt xuôi Đông chảy,
Bắc phương phó Nhạn Hồng.
Ôm tấc lòng khí tiết,
Chịu khổn bởi Tây Nhung.

Tác giả tự thán cho thân phận lưu đày, trôi dạt đến những nơi thâm sơn dị tục. Vận nước không còn, trăm điều không thuận. Khổ chiến tử thủ Cam Châu ngót 10 năm rồi cũng rơi vào tay Thổ Phồn. Ta chỉ biết gởi nước mắt theo dòng nước xuôi Đông để nhớ về Trường An. Còn tự thân, mặc cho cánh Nhạn Hồng dạt xô đến chân trời Bắc. Ôm tấc lòng khí tiết với Tổ Quốc Đường triều mà chịu giam cầm lưu đày trong tay bọn Tây Nhung (Thổ Phồn). Số phận nhà thơ Mã Vân Kỳ cuối cùng ra sao? Không thấy ghi trong sách chép tay “Đường Nhân thi tập”.
Khu vực Hà Hoàng bị Thổ Phồn chiếm lĩnh chưa tới vài thập kỷ, hầu hết thanh thiếu niên Hán tộc đua nhau chạy theo phong tục, nếp sinh hoạt và cả ngôn ngữ Thổ Phồn. Truyền thống Hán tộc gần như bị lớp trẻ quên lãng, thậm chí không còn biết mình là người Hán. Tuy nhiên những bậc phụ lão vẫn canh cánh bên lòng mối hoài niệm cố quốc Đường triều. Bất nhẫn trước tình cảnh này, nhà thơ Đường Tư Không Đồ đã viết bài thất tuyệt “Hà Hoàng hữu cảm”

Lộ trình hai nhà thơ bị áp giải dọc con đường tơ lụa.
河湟有感 司空图
一自箫关起战尘
河湟隔断异乡春
汉儿尽作胡儿语
却向城头駡汉人
Âm:
HÀ HOÀNG HỮU CẢM (Tư Không Đồ)
Nhất tự Tiêu Quan khởi chiến trần,
Hà Hoàng cách đoạn dị hương Xuân.
Hán nhi tận tác Hồ nhi ngữ,
Khước hướng thành đầu mạ Hán nhân.
Dịch:
CẢM THƯƠNG HÀ HOÀNG
Từ độ Tiêu Quan lâm bụi chiến,
Hương Xuân cách biệt nẻo Hà Hoàng.
Trẻ Hán đua nhau học Hồ ngữ,
Quay lại thành đầu mắng cố hương.

Chiến tranh xâm lược của Thổ Phồn bùng nổ từ Tiêu Quan (Nguyên Châu), cho tới khi Thổ Phồn chiếm trọn khu vực Hà Hoàng, đất này tưởng chừng không còn mùa Xuân. thời gian chưa tới vài thập kỷ, con cháu Hán tộc đua nhau học theo phong tục và ngôn ngữ Hồ (Thổ Phồn). Thậm chí còn quay lại đầu thành mạt sát đồng bào Hán của mình.
Sau khi khu vực Hà Hoàng lọt vào tay Thổ Phồn, Đường triều không những không còn khả năng thu phục mà Đường Đức Tông còn mặc nhiên công nhận sự hợp pháp của Thổ Phồn trên những vùng đất chiếm lĩnh. Lực lượng Thổ Phồn ngày càng mạnh, thường xuyên xâm nhập đánh phá những khu vực còn lại của nội địa.
Như đã trình bày ở phần trên, trong loạn An Sử, triều đình điều hết quân tinh nhuệ ở biên giới về nội địa. Biên phòng gần như bỏ trống bằng những lực lượng yếu kém. Mặt khác, tướng lãnh chỉ huy biên phòng không những bất tài, mà còn gây ly tán nhân tâm trong những bộ tộc ít người vùng quan ngoại. Họ không những tránh né đối mặt địch quân chiến đấu giữ đất, mà lúc nào cũng chực hờ lùi dần về phía Đông, trong khi vẫn thường xuyên báo công về triều đình. Tướng lãnh phòng thủ biên tái như vậy mà trông cậy họ thu phục lại Hà Hoàng, quả là điều vô vọng. Ngay cả vùng Lương Châu bị Thổ Phồn chiếm từ năm Vĩnh Thái thứ 2 Đường Đại Tông (CN 766) đến năm Bảo Lịch thứ nhất Đường Kính Tông (CN 825) vẫn chưa thu phục được, thì nói chi toàn bộ khu vực Hà Hoàng.
Trong khu vực thống trị của Thổ Phồn, con dân Hán đều phải trút bỏ trang phục truyền thống để mặc quần áo Thổ Phồn. Chỉ đến dịp Nguyên Đán mỗi năm mới được mặc trang phục Hán để tế tự. Tế xong phải cởi nộp lại cho đến Nguyên Đán năm sau. Người dân Đường triều trong khi mặc trang phục Hán, hầu hết đều quay về phương Đông khóc thầm, hoài niệm cố quốc.
Năm Kiến Trung thứ nhất Đường Đức Tông (CN 821), sứ giả Đường triều Vi Luân từ Thổ Phồn về Trường An, hành trình có đi qua khu vực Hà Hoàng. Lão bá tánh đầu kết cỏ Bồng, chia nhau từng đoạn đường lén gặp sứ giả. Họ đã rơi lệ quay về phương Đông bái lạy. Có người kín đáo đưa thư báo cáo tình hình hư thực của Thổ Phồn và bày tỏ tâm tư mong đợi quân Đường trở lại.
40 năm sau, năm Trường Khánh thứ nhất Đường Mục Tông (CN 821), sứ giả Đường triều Lưu Nguyên Đỉnh lại sang sứ Thổ Phồn, khi đến thành Long Chi (phụ cận Thiền Châu, nay là phía Nam huyện Lạc Đô tỉnh Thanh Hải), có hàng ngàn phụ lão đón gặp Lưu Nguyên Đỉnh và khóc bái. Họ vấn an Thiên Tử và thổ lộ tâm tư không bao giờ quên Tổ Quốc Đường triều. Không biết triều đình có nhớ tới họ không? Nói xong lại khóc nhưng không dám khóc lớn. Lưu sứ giả cũng kín đáo hỏi thăm lại, và được biết hầu hết bá tánh là người quê Phong Châu.
Bị giam giữ trong những phần đất Thổ Phồn chiếm lĩnh, lão bá tánh người Hán bị cưỡng bức rập khuôn theo phong tục và nếp sinh hoạt ngoại tộc. Tuy bề ngoài họ không dám tỏ ra khác biệt. Họ vẫn choàng áo da, vẫn trát son lên má, vẫn lấy vợ sinh con... Nhưng trải qua nhiều thập kỷ, họ vẫn tâm niệm mình là con dân Đường triều. Họ lúc nào cũng giữ kín trong lòng mối hoài niệm cố quốc.
Cũng có người Hán thoát được lưới canh Thổ Phồn tìm về nội địa. Nhưng họ đều bị tướng sĩ Đường triều nơi biên phòng bắt giữ và báo về triều đình là bắt được tù binh Thổ Phồn. Mặc dù những người này đã dùng tiếng Hán, nói rõ mình là con dân Đường triều thoát ách Thổ Phồn tìm về Tổ Quốc, nhưng bọn tướng sĩ bất chấp cả lòng ái quốc của đồng bào. Bọn họ không dám đối mặt chiến đấu với kẻ thù tái chiếm lãnh thổ. Họ chỉ bán rẻ lòng yêu nước của đồng bào để lập công. Tàn ác hơn nữa, bọn tướng sĩ này còn đày những con dân Hán xuống tận vùng Thấp Nhiệt, Giang Nam (gọi là tù binh Thổ Phồn), để bịt miệng nhằm bảo vệ chiến công dối trá của mình. Lão bá tánh Đường triều sống trong vùng Thổ Phồn chiếm đóng đã chịu nhiều khổ nhục, nhưng những ai đào thoát tìm về cố quốc, sẽ gánh chịu tủi nhục hơn, dưới tay bọn tướng sĩ Đường triều hèn mạt nơi biên cảnh.
Khu vực Hà Hoàng bị chiếm đóng hơn 80 năm thì Thổ Phồn có nội loạn. Thế nước ngày càng suy, không đủ sức trấn giữ những khu vực chiếm lĩnh. Năm Đại Trung thứ 3 Đường Tuyên Tông (CN 849), lão bá tánh tại Tần Châu, Nguyên Châu, An Lạc Châu (nay là huyện Trung Vệ, tỉnh Ninh Hạ) và Thạch Môn, tự động thoát ly Thổ Phồn tìm về Đường triều. 3 châu huyện phái hàng ngàn đại biểu đến Trường An. Đường Tuyên Tông ngự giá đến lầu thành Hi Môn tiếp kiến. Bá tánh bị đày ải dưới ách Thổ Phồn gần thế kỷ nay mới được trở về cố quốc. Tại hiện trường họ đồng loạt trút bỏ y phục Thổ Phồn, thay đổi áo mủ Đường triều và hoan hô nhảy múa. Khách bên đường đều cảm động lớn tiếng tung hô vạn tuế.
Năm Đại Trung thứ 2 Đường Tuyên Tông (CN 848), Trương Nghĩa Triều người Sa Châu, thừa cơ nội bộ Thổ Phồn tranh quyền gây nội chiến đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi binh tướng Thổ Phồn thu phục lại Sa Châu (Đôn Hoàng) và Tấn Xương (nay là huyện An Tây, Cam Túc). Khoảng giữa năm Đại Trung thứ 4 và thứ 5, Trương Nghĩa Triều đem quân đánh Thổ Phồn thu lại Y Châu, Cam Châu (nay là Trương Dịch, Cam Túc), Thiền Châu, Hà Châu (nay là Lâm Hạ, Cam Túc), Mân Châu (nay là huyện Mân, Cam Túc), Khuếch Châu (nay ở phía Tây Hóa Long, tỉnh Thanh Hải) và Lan Châu.
Năm Đại Trung thứ 5 (CN 851), Trương Nghĩa Triều phái bào huynh Trương Nghĩa Đàm đem bản đồ và hộ tịch 11 châu huyện thuộc Hà Tây và Lũng Hữu, đến Trường An dâng lên triều đình. Đường Tuyên Tông quyết định lập đại bản doanh Nghĩa Quân tại Sa Châu và mệnh Trương Nghĩa Triều giữ chức Nghĩa Quân Tiết Độ Sứ. Sau đó Trương Nghĩa Triều đem quân tấn công nội địa Thổ Phồn và Hồi Cốt (Hồi Hột), nhằm gây bất an nội địa đối phương, để hậu phương có thời gian ổn định những châu huyện mới tái chiếm. Làm cho quân đội 2 nước này phải khổ chiến hơn 10 năm.
Năm Hàm Thông thứ 4 Đường Ý Tông (CN 863), Trương Nghĩa Triều đem hơn 7 vạn quân Đường tái chiếm Lương Châu. Năm Hàm Thông thứ 7 (CN 866), ông thu phục luôn Tây Châu, giải phóng toàn bộ khu vực Hà Hoàng trên Hành Lang Hà Tây của “Con đường Tơ lụa ”.
Sau khi Trương Nghĩa Triều tái chiếm Lương Châu, nhà thơ Đường Tiết Phùng đã viết bài thất tuyệt “Lương Châu Từ”, ca tụng chiến công của ông.

凉州词 薛逢
昨夜蕃兵报国仇
沙州都护破凉州
黄河九曲今歸汉
塞外纵橫战血流

Âm:
LƯƠNG CHÂU TỪ (Tiết Phùng)
Tạc dạ phiên binh báo quốc cừu,
Sa Châu đô hộ phá Lương Châu.
Hoàng Hà Cửu Khúc kim qui Hán,
Tái ngoại tung hoành chiến huyết lưu.
Dịch:
BÀI HÁT LƯƠNG CHÂU
Đêm qua lâm trận báo thù nước,
Sa Châu đột kích phá Lương Châu.
Hoàng Hà Cửu Khúc nay về Hán,
Ngang dọc biên cương ngập máu đào.

Trương Nghĩa Triều vào một đêm tối đem quân tái chiếm Lương Châu, trút mối quốc thù bị Thổ Phồn chiếm lĩnh ngót thế kỷ. Toàn bộ khu vực Hà Hoàng từ nay trở về Hán (Đường triều). Hoàng Hà Cửu Khúc chỉ tỉnh Thanh Hải và Cam Túc ngày nay, thời cổ đại gọi chung là khu vực Hà Hoàng (nằm giữa lưu vực Hoàng Hà và Hoàng Thủy). Trận tái hiếm Lương Châu, chiến trường để lại ngổn ngang thây giặc, máu thù chảy ngập vùng biên tái.
Năm Hàm Thông thứ 8 (CN 867), Trương Nghĩa Triều đến Trường An triều kiến Hoàng Đế và qua đời tại kinh đô Năm Hàm Thông thứ 13 (CN 872). Nhân dân đời Đường tôn xưng ông là bậc “Hết lòng vì nước”, là “Bảo hộ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”, và là “Anh Hùng khai thông Con đường Tơ lụa”. Người ta dùng biền văn (phối hợp thi ca và tản văn, biên soạn thành thông tục cố sự), viết thành sự tích của ông. Điển hình là đoạn biền văn dưới đây của một tác giả Vô Danh.
張义潮变文 (摘录) 无名氏
河西淪落百余年
路阻箫关雁信稀
赖得將軍开旧路
一振雄名天下知
Âm:
TRƯƠNG NGHĨA TRIỀU BIỀN VĂN (Trích lục) Vô Danh Thị
Hà Tây luân lạc bách dư niên,
Lộ trở Tiêu Quan Nhạn tín hi.
Lại đắc Tướng Quân khai cựu lộ,
Nhất chấn hùng danh thiên hạ tri.
Dịch:
BIỀN VĂN CA TỤNG TRƯƠNG NGHĨA TRIỀU
Hà Tây trôi nổi ngót trăm năm,
Cách Tiêu Quan, tin Nhạn biệt tăm.
Nay được Tướng Quân khai đường cũ,
Thiên hạ lưu truyền nức tiếng tăm.

Hai câu đầu của đoạn biền văn mô tả cảnh tượng hoang lương bi thảm của đất Hà Tây sau gần 100 năm chiếm đóng. Tin tức từ ngoài ải Tiêu Quan đến Trường An hoàn toàn bít kín. Hai câu sau nói về chiến công anh dũng của Trương Nghĩa Triều, tái chiếm Hà Tây, khai thông “Con đường Tơ lụa”, được thiên hạ ca tụng, xứng đáng bậc anh hùng cứu nước của vương triều Đường.
Trong số bích họa tại những thạch thất Đôn Hoàng, hiện còn lưu giữ bức “Trương Nghĩa Triều Thống Quân Xuất Hành Đồ”. Bức họa dài 8m rộng 1m, trong đó gồm hơn 200 người. Phía trước là đội quân nhạc và Nghi trượng. Phía sau là đội vũ nhạc đang ca múa. Trương Nghĩa Triều cưỡi ngựa giữa đám quan viên tùy tùng đang từ trên cầu xuống. Bức tường đối diện phía Bắc, còn một bức bích họa khác, kích cỡ y như bức trên: “Tống Quốc Phu Nhân Xuất Hành Đồ”. Tống Quốc Phu nhân là vợ Trương Nghĩa Triều, Bức họa vẽ bà đứng giữa bối cảnh hồi sinh của “Con đường Tơ lụa ”.
Con đường Tơ lụa” bị gián đoạn từ khi Thổ Phồn chiếm Lương Châu, khống chế toàn bộ khu vực Hà Hoàng (năm Quảng Đức thứ 2 Đường Đại Tông – CN 763) cho tới ngót 100 năm sau mới được Trương Nghĩa Triều tái chiếm và khai thông.
[Còn tiếp]