văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, April 2, 2013

Trần Yên Thảo & Lâm Hoàng Lân * HÀM DƯƠNG ĐIỂM DỪNG CHÂN ĐẦU TIÊN TRÊN CON ĐƯỜNG TƠ LỤA - Chương II


Từ thời Hán Đường, những ai khởi hành từ kinh đô Trường An, dẫm lên con đường tơ lụa đi về hướng Tây khoảng 20km là đến Hàm Dương. Một thành phố lớn hàng đầu của Trung Quốc vào thời đó. “Hàm Dương”, cứ theo chiết tự mà giải thì “Hàm” là bao gồm, “Dương” là phía mặt trời, ý nói hướng dương. Từ đó mới nói, trong khu vực này, Cửu Tông Sơn ở phía Nam, sông Vị Hà ở phía Bắc, đều quay về hướng mặt trời, do đó có tên là Hàm Dương.
Hàm Dương là kinh đô nước Tần thời Xuân Thu Chiến Quốc, dân số khoảng một triệu, Tần Thủy Hoàng trong cuộc chiến tranh gồm thâu lục quốc (Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Tề, Sở). Mỗi lần tiêu diệt một nước, ông ta ra lệnh lấy mô hình cung điện nước đó xây dựng tại Hàm Dương gọi là “Lục quốc cung điện”. Lục quốc cung điện được xây dựng trên một vùng hoàng thổ phía Bắc thành Hàm Dương, cung thất tổng cộng có tới 145 chỗ. Trong đó tàng trữ những chiến lợi phẩm, những nghệ nhân và cả những cung phi mỹ nữ của mỗi nước. Tương truyền chỉ riêng cung nữ của sáu nước cũng đã tới hàng vạn. Cho thấy “lục quốc cung diện” là một công trình kiến trúc khá vĩ đại.
Cho tới đời Đường, nhà thơ Lý Thương Ẩn, khi đi qua Hàm Dương, hồi tưởng một thời xa xưa của lịch sử, có viết bài “Hàm Dương”, một bài thất tuyệt mô tả lại những cung điện nguy nga của một thời.

咸陽 李商隱
咸陽宮殿郁嵯峨
六國樓臺艶綺羅
自是當時天帝醉
不關秦地有山河
Âm:
HÀM DƯƠNG
Hàm Dương cung điện uất tha nga
Lục quốc lâu dài diễm ỷ la
Tự thị đương thời thiên đế túy
Bất quan Tần địa hữu sơn hà.
Lý Thương Aån

Dịch:
HÀM DƯƠNG
Hàm Dương cung điện nguy nga
Lâu đài lục quốc dời qua phương này
Ngọc Hoàng chếnh choáng men say
Phải đâu Tần địa cao dài núi sông.

Bài thơ dù mô tả sự nguy nga tráng lệ của cung Hàm Dương và lục quốc cung điện nhưng ý tưởng sâu xa cho rằng, do Ngọc Hoàng say rượu nên mới để cho nhà Tần bạo ngược diệt vong sáu nước chứ đâu phải nhờ sông núi hiểm trở của đất Tần. Ý tưởng hơi buồn cười nhưng cũng rất đáng để suy nghĩ.
Tần Thủy Hoàng tuy có rất nhiều cung điện, nhưng dục vọng xây cất của ông ta vẫn chưa giới hạn. Sau khi thống nhất thiên hạ, ông ra lệnh xây dựng cung “A Phòng”, một công trình vĩ đại nhất trong các vương triều kể từ nhà Tần trở về trước. Nghe nói diện tích lên đến 300 km2, 5 bộ một lầu, 10 bộ một gác (mỗi bộ tương đương năm thước ngày nay) trên 2.000 năm trước, phải nói đây là một công trình ngoài sức tưởng tượng, không biết đã tiêu phí biết bao nhiêu nhân tài vật lực. Khi Tần Thủy Hoàng chết, cung A Phòng vẫn chưa hoàn tất. Tần Nhị Thế (Hồ Hợi) tiếp tục xây dựng.
Sau này, khi Sở Bá vương Hạng Vũ đem quân vào Hàm Dương, đã phóng hỏa thiêu rụi mọi cung điện. Theo lịch sử ghi chép lại thì ngọn lửa cháy ba tháng mới tắt hẳn. Tất cả những cung thất tráng lệ nhất từ cung Hàm Dương, lục quốc cung điện và cả cung A Phòng đều thành tro bụi cả.
Sau ngày giải phóng, những di tích của kinh đô Hàm Dương cũ (cách phía Đông thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây ngày nay 10km) đã được khai quật. Căn cứ những di vật đào được cộng với tư liệu lịch sử ghi chép, người ta đã vẽ lại được đồ hình kiến trúc (phục nguyên đồ) của cung Hàm Dương đời Tần.
Kinh đô Hàm Dương, từ thời Tây Hán được cải danh Vị thành. Giữa Trường An và thành Hàm Dương có con sông Vị Thủy chắn ngang, trên sông có một cây cầu cũng gọi Vị kiều. Những ai qua lại giữa Trường An và Hàm Dương đều phải ngang qua cây cầu này. Do đó đương thời cây cầu Vị Kiều này rất nổi tiếng, thường xuất hiện trong tác phẩm của các nhà thơ, nhất là đời Đường. Nhà thơ Đổ Phủ trong bài “Binh xa hành” đã có câu “Gia nhương thê tử tẩu tương tổng. Trần ai bất kiến Hàm Dương kiều” (Vợ con cha mẹ theo đưa tiễn. Bụi mù che khuất cầu Hàm Dương).
Cầu Hàm Dương tức Vị Kiều. Nhà thơ Lý Bạch trong đề tài “Tái hạ khúc” cũng đã nói tới cây cầu này trong một bài ngũ luật mô tả quân đội nhà Hán tây chinh:
塞下曲六首(其三) 李白
駿馬似風飆
鳴鞭出渭橋
彎弓辞漢月
揷羽破天驕
陣解星芒盡
營空海雾消
功成画麟閣
獨有霍嫖姚
Âm:
TÁI HẠ KHÚC (bài 3) Lý Bạch
Tuấn mã tự phong tiêu
Minh tiên xuất Vị Kiều
Loan cung từ Hán nguyệt
Sáp vũ phá thiên kiêu
Trận giải tinh mang tận
Doanh không hải vụ tiêu
Công thành họa Lân các
Độc hữu Hoắc phiêu diêu!

Dịch:
BÀI HÁT DƯỚI ẢI
Ngựa hay như gió quét
Cầu Vị thét roi rời
Cung gỗ từ trăng Hán
Tên lông phá giặc trời.
Trận tàn, sao sáng tắt
Dinh vắng biển mù vơi
Công lớn ghi Lân các
Phiêu diêu chỉ một người
Lê Nguyễn Lưu dịch

Ý của bài thơ: tướng sĩ ra roi, ngựa phi như gió qua cầu sông Vị hướng về biên tái, đem theo cung tên, nhìn vầng trăng Hán từ giả Trường An. Đao kiếm bay múa đánh bại quân xâm lăng Thiên Kiêu (Thiên Kiêu chỉ Thiền Vu, thủ lãnh Hung Nô). Chiến tranh kết thúc, quân sĩ rã rời như khách tinh của chinh binh sợ màu trắng. Quân doanh vắng vẻ như sương biển tiêu tan. Đoàn quân đem chiến thắng trở về, Hoàng đế hạ lệnh vẽ chân dung công thần trên gác Kỳ Lân, nhưng chỉ vẽ một mình tướng Hoắc Khứ Bệnh. Ý hai câu cuối của bài thơ, thắng lợi trên chiến trường là công lao và xương máu của toàn bộ sĩ binh, nhưng công trạng cuối cùng chỉ qui về một mình chủ tướng, ám chỉ sự bất công của các vương triều phong kiến thời bấy giờ.
Nhà thơ đời Đường Lệnh Hồ Sở viết đề tài “Thiếu niên hành”, cũng có một bài thất tuyệt mô tả những đoàn quân rời Hàm Dương Tây chinh:
少年行 令狐楚
弓背霞明劍照霜
秋風走馬出咸陽
未收天子河湟地
不拟回頭望故鄉
Âm:
THIẾU NIÊN HÀNH (Lệnh Hồ Sở)
Cung bối hà minh kiếm chiếu sương
Thu phong tẩu mã xuất Hàm Dương
Vị thu thiên tử Hà Hoàng địa
Bất nghĩ hồi đầu vọng cố hương.
Dịch:
BÀI HÀNH TUỔI THIẾU NIÊN
Cung sáng đeo lưng kiếm ánh sương
Gió thu quất ngựa rời Hàm Dương
Nếu chưa thu lại Hà Hoàng địa
Thề chẳng quay đầu ngóng cố hương.

Bài thơ mô tả những đoàn quân thúc ngựa rời Hàm Dương về biên tái phía Tây. Chuyến hành quân này nếu chưa thu phục lại những vùng đất trong khu vực Hà Hoàng, do quân Thổ Phồn chiếm đóng (Đông Nam bộ Cam Túc và Hà Tây Tẩu Lang), thề quyết không quay đầu nhìn lại quê hương.
Tất cả lữ hành từ Trường An, theo con đường tơ lụa về phía Tây, đều phải dừng chân tại Hàm Dương một thời gian ngắn. Những đoàn thương nhân cũng dừng chân tại đây để chuẩn bị hành lý và súc vật cho cuộc hành trình xa thăm thẳm.
Những quan viên đi công cán Tây Vực cũng được bằng hữu đưa chân tới đây để làm tiệc tiễn hành. Những đoàn quân Tây chinh cũng phải dừng chân ổn định quân lữ trước khi xuất chinh chiến đấu.
Ra khỏi Hàm Dương, đi về phía Tây, con đường tơ lụa phân thành hai lộ tuyến, men theo hai bên sườn hành lang Hà Tây.
Lộ tuyến Bắc đi qua Lễ Tuyền, Nguyên Châu, Hội Châu rồi đến Cam Châu. Lộ tuyến Nam đi qua Vũ Công, Lũng Châu, Thiền Châu rồi cũng hội tụ với lộ tuyến Bắc tại Cam Châu. Từ đó, hai lộ tuyến sẽ đi cùng đường cho đến Sa Châu (Đôn Hoàng) mới rẽ đôi trở lại.