Trong thời gian gần đây có rất nhiều quy định và dự thảo quy định của các Bộ Ngành từ Trung Ương đến địa phương đưa vào để lấy ý kiến người dân hoặc các cơ quan khác, nhưng chỉ được dăm bữa nửa tháng, gặp nhiều phản ứng gay gắt lại phải đưa ra. Cho nên người dân mỗi khi thấy một cái quy định mới lại nghi ngờ, “Đưa vào rồi lại đưa ra mấy hồi.”
Không phải là các quan chức VN rảnh việc quá, ngồi “sáng tác” ra những nghị định lạ đời rồi lại “lắng nghe ý kiến nhân dân” ngồi sửa lại hoặc bỏ luôn. Các vị ấy làm thế để có cớ chứng minh rằng chúng tôi làm việc hết mình, tôn trọng ý kiến nhân dân. Như thế các vị quan chức ấy được tiếng là cần mẫn vì dân, không bị liệt vào loại 30% “sáng lái ô tô con đi tối lái về.” Nhưng cũng có những vị ngồi hì hục làm chính sách căn cứ vào mấy cái báo cáo, mấy cái nhận xét “vô tư” nhưng chẳng hiểu gì về tình hình thực tế ngoài xã hội diễn ra như thế nào. Thế nên chính sách của các vị này chỉ là loại “đi mây về gió.” Chữ nghĩa trong văn hóa VN trở nên mung lung, tối nghĩa, làm anh dân ngẩn ngơ, đáng sợ thật.
Phạt hay không phạt?
Một thí dụ gần nhất, cụ thể như quy định cấm người đồng tính kết hôn. Ngay sau đó lại đề nghị bãi bỏ. Trong khi nhiều cơ quan, đơn vị ủng hộ việc hợp pháp hóa kết hôn đồng giới thì UBND TP Hà Nội và Hội LHPN Việt Nam phản đối. Cứ lằng nhằng như thể nên đến cũng chưa biết “em về đâu đêm nay.”
Còn khá nhiều vấn đề quẩn quanh như thế, tôi sẽ bàn đến những chuyện này sau. Ở đây chỉ xin tường thuật về cái nghị định phạt hay không phạt xe không chính chủ. Một vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống hàng ngày của người dân vào giữa tháng 4 này, đã gây ra quá nhiều “bão tố” trong dư luận từ vài tháng nay. Bởi hai bộ Giao Thông Vận Tải và Bộ Công An có những ý kiến khác biệt nhau, bộ này đòi bãi bỏ quy định, bộ kia nói “vẫn áp dụng.”
Trước đó, tại cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về quy định xử phạt xe không chính chủ, Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng cho rằng, quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã có, song sau một thời gian thực hiện cho thấy tính khả thi không cao nên đề nghị không đưa vào dự thảo. Trong khi đó, đại diện Bộ Công An lại khẳng định, quy định về xử phạt xe không sang tên đổi chủ trong Thông Tư 11 đã nêu rất rõ, nên bắt đầu từ ngày 15-4 cảnh sát giao thông sẽ vẫn áp dụng theo quy định. Trên nhiều tờ báo, như Tiền Phong, ngày 15-4 vừa qua nêu bật hàng tít vedette:
“Từ hôm nay, phạt xe không chính chủ.”
Thế nên bạn Dân Tri phát biểu trên Báo Người Lao Động, “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, hư thực, thực hư, phạt, không phạt, không biết đường đâu mà lần, ôi nhức cái đầu quá!”
Bạn Robert bực mình, nổi sùng, “Phạt thì phạt luôn đi, nhức cái đầu quá rồi!!! Cái vụ phạt xe chính chủ này nó giống như Quan nắm con chim trong tay hỏi thằng dân là con chim sống hay chết vậy mà. Quyền quyết định là ở quan chứ dân làm gì có quyền quyết định. Thu phí và phạt nhiều như vậy đủ bù lỗ cho mấy cái VINA chưa nhỉ?”
Đấy chỉ là hai trong hàng ngàn, hàng vạn ý kiến thể hiện sự bất bình của người dân. Kết cục, như thường lệ, Bộ Công An vẫn thắng cuộc. Có thể nói, cho đến lúc này Bộ Công An đã bảo vệ thành công quan điểm xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Dẫu rằng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều vẫn còn sức nóng để tranh luận, nhưng việc áp phạt của Bộ này không vì thế mà lùi thời hạn hoặc xem xét lại.
Khi chính phủ yêu cầu các bộ hợp sức “tháo gỡ,” không làm khó người dân thì Bộ Công An đã ban hành Thông tư 12. Nhiều người dân khấp khởi vì chỉ còn chờ Bộ Tài chính ban hành quy định giảm phí sang tên, đổi biển số nữa là họ sẽ đưa xe đi làm thủ tục đổi chủ.
Tuy nhiên, theo một quan chức C67 (Cục CSGT đường bộ, đường sắt - bộ Công An), người dân hầu như không có “cửa” nào để đi đăng ký chính chủ phương tiện mà không bị xử phạt. Dù tự làm thủ tục đăng ký hay bị giữ phương tiện vì vi phạm giao thông, gặp tai nạn thì từ ngày 15-4 đến 30-6, người sử dụng xe không chính chủ vẫn thường trực nỗi lo bị phạt 6-10 triệu đồng đối với ô tô và 800,000 - 1.2 triệu đồng ($38 - $57 Mỹ kim) với xe máy.
Cho nên người dân nháo nhào đi xin đổi tên làm chủ xe và có biển số xe mới.
Không cò đố mày làm nên
Theo luật lệ ở nước nào cũng vậy, mua xe thì phải sang tên. Ở VN cũng không khác, nhưng việc thay tên đổi chủ ở VN lại phức tạp hơn rất nhiều. Bị làm khó dễ, bị hành lên hành xuống mất nhiều thì giờ mà chưa đổi được tên, chưa gắn được cái biển số xe mới. Cần phải có “cò” mọi chuyện mới được giải quyết nhanh chóng. Hơn thế, dân lao động kiếm được chút tiền hoặc phải vay nợ mới mua được cái xe cũ đi làm, cứ thế là đi, cầm cái “cạc vẹc” là hoàn toàn yên tâm. Nhưng theo thời gian rồi thay xe cũ này lấy xe cũ khác, chưa sang tên thì ông chủ xe cũ “lặn mất tăm,” ông thì chết, ông ra nước ngoài, ông vào tù... chẳng biết đường nào mà kiếm, thế là tình trạng cái xe trở nên lằng nhằng. Vợ con lấy xe đi cũng chẳng biết tên chủ xe là ai.
Nay bỗng dưng bị “hạch hỏi” ngang xương, anh nào cũng rối tinh rồi mù lên lo ngay ngáy. Ông cảnh sát giao thông mà thổi “tu huýt” thì chắc chắn móc túi ra nộp phạt, không tội này cũng vi phạm kia, đố anh nào tránh khỏi, trừ phi là con ông cháu cha. Nay lại thêm cái giấy xe “chính chủ” nữa mới là phiền. Đúng dịp này được nhà nước “mở lòng gỡ rối” nhiều thủ tục rườm rà nên anh nào cũng muốn nhanh chân đi sang tên đổi chủ trước ngày quy định được áp dụng là 15-4-2013. Có người mang cả valy giấy tờ đi sang tên đổi chủ vì nhà tuốt ở tỉnh xa, phải sẵn sàng mọi thứ giấy tờ khi bị hỏi đến.
Chỉ tình riêng xe hơi tại Hà Nội, từ đầu tháng 4 tới nay số người đến làm thủ tục sang tên đổi chủ tăng rất nhanh. Phòng Cảnh Sát Giao Thông đường bộ - đường sắt (PC67), Công An TP Hà Nội cho biết, trong 12 ngày đầu tháng 4, số lượng xe hơi tại Hà Nội đã được sang tên đổi chủ là 3,223 chiếc, tăng gấp 4 lần so với 12 ngày trước đó.
Nhờ vậy trong dịp này các “cò mồi” kiếm ăn rất bộn bạc. Không có “cò” thì kể như chờ dài người vẫn chưa đến lượt, chưa biết chừng còn bị hạch hỏi lôi thôi. Cho nên trước đây câu ngạn ngữ “không thầy đố mày làm nên” được cải biên thành “không cò đố mày làm nên,” câu này đúng trong rất nhiều trường hợp đến bất cứ quan nào có quyền xin cho.
Cò được lệnh của ai ra giá khủng
“Trọn gói” 6 triệu đồng/xe, cà số khung số máy 500,000 đồng/xe, lắp biển số 400,000 đồng/xe... Đó là những con số đã được giới “cò” mồi “định giá” ngay tại các điểm “đăng ký phương tiện” tại Hà Nội nhiều ngày nay. Đó là thứ lệnh lạc “bí mật.”
Ghi nhận của một phóng viện cho thấy, các tay cò mồi hoạt động công khai và có tổ chức theo nhóm, bởi thế các mức giá đã được “quy định” chung để tránh những trường hợp “phá giá” làm ăn lẻ.
Phóng viên đóng vai người đi đăng ký xe hơi đến điểm 1234 đường Láng, được cánh cò mồi săn đón và mời chào nhiệt tình, khảo qua các mức giá đều ghi nhận những con số rất cao. Một tay cò tên Vĩnh cho biết, giá “trọn gói” lo thủ tục đến khi bấm biển là 6 triệu đồng/xe, cà số khung số máy 500,000 đồng/xe, lắp biển số 400,000 đồng/xe, v.v.
Theo Vĩnh, có nhiều lý do để định giá cao như vậy. Thứ nhất là đang thời giancao điểm vì sắp đến ngày xử phạt, nếu không làm nhanh thì “khổ chủ” khi bị bắt lỗi sẽ bị phạt nặng; thứ hai là số lượng người muốn sang tên đổi chủ cho xe quá đông nên muốn được “ưu tiên” thì phải chấp nhận giá cao; và thứ nữa là họ không thể làm một mình mà phải hoạt động theo nhóm nên sau đó phải chia chác mỗi người một ít. Vĩnh nói:
“Mỗi ngày cũng làm được khoảng đôi chục xe, kiếm tiền chục triệu là đủ ấm rồi.”
Chia chác cho ai?
Anh Mạnh (ở quận Hoàn Kiếm) đến ghi tên ở 86 Lý Thường Kiệt cho biết, “Mình dừng xe là có người đến hỏi luôn xem muốn sang tên đổi chủ hay đăng ký mới. Họ cũng nói rằng thủ tục rất phức tạp nếu không có mối quan hệ thì sẽ mất nhiều thời gian đi lại, còn giao cho họ thì chỉ một lúc là xong và họ có thể lo từ A-Z.”
Cũng theo anh Mạnh, ban đầu anh muốn tự làm, nhưng khi đưa xe đến điểm đăng ký thì do quá đông, đến phần cà số khung số máy công an chỉ ra làm ở ngoài nên đành phải “nhờ” giới “cò” cà số khung số số máy. Anh Mạnh kể:
“Cà số chỉ mất 2 phút là xong với tiền phí là 500,000 đồng/xe, tôi cũng mặc cả nhiều nhưng họ bảo đó là giá chung rồi, không có ai cà số khung số máy rẻ dưới 500,000 đồng cả, tiền này còn phải chia nữa.”
Chia cho ai, chẳng cần phải trả lời, ai cũng biết. Nhưng ông Đinh Thanh Thảo - Đội trưởng Đội Quản lý phương tiện, Phòng CSGT Hà Nội xác nhận việc có “cò” mồi tại các điểm đăng ký. Song ông Thảo khẳng định không có chuyện công an móc nối với cò mồi. Ông nói, “Về thông tin có chia chác với cò chúng tôi sẽ kiểm tra lại, nếu phát hiện hành vi này sẽ xử lý nghiêm.”
Chỉ cần suy luận rất giản dị rằng nếu các quan làm ở bàn giấy không bắt mối với cò thì sao có người làm quá nhanh, có người làm quá chậm? Không bắt mối làm sao có “cò”? Khi đổ bể, các quan chức “cải chính” rất long trọng và “cương quyết” với bài ca cũ “sẽ xử lý nghiêm,” người dân đã thuộc lòng!
Tạm thời xin ngưng chuyện “chính chủ” này, hãy chờ xem những ngày sắp tới, người dân sẽ gặp những phiến toái gì và đối phó như thế nào với các loại xe chưa “chính chủ.”
Xin bàn đến một chuyện “ngoài luật” cũng đang gây ồn ào tại VN. Đó là chuyện đi xin danh hiệu cho một nghệ sĩ già vừa qua đời. Đây là một việc làm “ngoài luật” vì luật không cho phép mấy ông nghệ sĩ VN nằm dưới lòng đất mà vẫn được phong cái danh hiệu “ưu tú” hay “nhân dân.” Bởi các ông này làm sao ngồi bật dậy, cầm bút xin cái danh hiệu “ưu tú” hay cao hơn nữa là “nghệ sĩ nhân dân” được. Phải có “đơn xin” này mới được “ủy ban cứu xét.” Mấy ông còn sống nhăn ký đơn xin là ngoài luật.
(Xin đọc tiếp bài này trong kỳ sau)