văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, April 18, 2013

Cung Tích Biền * Nghiệp Chưa Hề An Nghỉ


Lời ghi: Đây là một truyện ngắn được vẩn vơ sáng tác. Gò Dưa, Cô Bảy, gã đàn ông “tao thù con đĩ ngựa”, tất cả đều là hư cấu.

 
Trong tháng ngày thơ thẩn đó đây tìm mộ người thân quen, tôi nhận ra trên xứ sở này có khá nhiều mộ hoang. Mỗi hoang mộ một kiểu dạng tuy chỉ lẻ loi một nắm đất vùi.

Quê nhà mướt máu qua cuộc tương tàn dài dặt. Họ hàng nào cũng lâm vô chỗ bất trắc, lưu lạc. Bao cái chết đau, chết tình cờ xa lạ. Người không đâu một chiều vác cái xẻng đào cái lỗ đất, chôn một cái xác thủng bể không thân quen. Rồi thôi. Tháng ngày chim rừng thăm viếng. Mộ hoang loại này đôi khi thế gian gọi là mồ vô chủ. Hồn này cô hồn. Đồng điệu trong thập loại.

Một dạo về thăm lại núi đèo Tư Yên nơi tôi theo gia đình tản cư lên đó tuổi lên mười. Dọc con suối cạn, nước trong vắt một dòng len qua những khe đá trơn, tôi sửng sốt trước hai nấm mộ nhỏ bên cái bờ xanh cỏ.

Không có bia mộ. Không rõ nắm xương khô dưới này của xưa kia là già hay trẻ. Nhưng lạ, hai cái nấm đất rực rỡ những đóa hoa rừng trong nắng núi óng vàng. Xa hơn về phía tây là sương mù. Buồn. Cái đẹp đìu hiu. Như hình bóng sót lại một giấc mộng ngỡ ngàng khi ta thức giấc về sáng. Đỉnh đèo Tư Yên nay là cái bờ đê cao ngang núi của hồ nước Phú Ninh. Lòng hồ xưa kia là một thung lũng bốn bề núi rừng dựng. Nay là một biển nuớc trắng ngập từ lưng chừng núi này qua vách núi kia.

Một cụ già đi thơ thẩn chỗ bờ suối. Cụ là người bản địa chừng ngoài tám mươi, râu tóc cước. Cụ hỏi tôi: “Anh đi tìm mộ người bà con không may trong thời chinh chiến hà? Tôi quen tình cảnh này lắm.” Tôi ngồi chỗ cái mỏm đá thòi ra dòng. Một cây đa nhiều bóng mát. Thần linh nào bảo cụ thổ lộ tâm tình cùng tôi; chỉ ngón tay về phía hai nấm đất hoa rừng cụ nói:
“Ở nơi đèo heo khỉ gió này nhưng tôi gặp hoài những nguời tha hương tìm mộ. Tôi chỉ dẫn nhiều, thường là trúng phóc. Hai cái mộ hoa dại này đã trên nửa thế kỷ không hề thấy người thân quen thăm viếng. Đây là mộ chôn cất hai đứa con còn nhỏ của một gia đình tản cư từ miền xuôi đến đây. Năm 1947 thời chống Pháp. Tôi trai trẻ xưa kia tôi chôn hai ngôi mộ này mà. Không có áo quan, chỉ bó một tấm chiếu cói thay quan tài. Hồi mới chôn có cắm một cây trụ gỗ khắc tên họ hai đứa nhỏ làm tấm bia. Lâu rồi mà, bia gỗ mối mọt ăn hòa bụi.”
Cụ già thở dài một thôi, thắp nến dĩ vãng, rối tiếp:
“Hồi ấy khốn nạn cơ cực lắm, thuốc men thiếu thốn, lại đủ thứ dịch bệnh. Đau nhất, giết người nhiều nhất không phải đạn bom mà sốt rét rừng. Nước độc, muỗi dữ. Cứ vàng da, sốt lạnh một thời gian rối cái bụng phình chương lên, củ trướng ăn hết ruột, là đi đoong. Bây chừ gọi đó là ung thư gan. À mà này, cậu tên họ là gì vậy, xin lỗi, tôi hỏi vì tôi biết rõ tên họ hai em bé trong mộ này. Hai nấm mộ hoang nhưng lũ này hên lắm, năm mươi năm cứ đến tháng chạp là tôi khói hương. Lũ trẻ chưa tội tình, nên nằm hoang cũng nhẹ nhàng.”

Nghe cụ già nêu tên xương tàn trong mồ mả, tôi lặng người. Đó chính là mộ hai em tôi. Nước lòng suối trong veo. Nắng núi vàng mơ. Hơn bốn mươi năm trước, lúc sinh tiền mẹ thường nhắc nhở: “Các con còn hai người em chôn cất dưới chân đèo Tư Yên”. Rồi chinh chiến tràn lan. Mẹ qua đời. Chúng tôi ra đi kẻ bắc nguời nam. Không kịp lo gì cho những cái chết xa xứ.
Trong những đêm vắng về sau, tôi thầm mang ơn tấm lòng dân giả của con người miền Nam. Non sáu mươi năm, một cụ già đã âm thầm chăm sóc cho hai ngôi mộ không bà con ruột rà.

2
Mộ hoang trên non còn có thiên nhiên làm áo. Có hoa dại. Đó đây bước chân con hươu con nai. Bụi sạch. Lá cỏ. Tiếng ru suối, gió rừng. Cái hoang ngay giữa phố thị phồn vinh mới đau. Bị bỏ quên giữa những tiếng hát cười. Bị phân liệt mộ ta mả thù. Bị rắp tâm san bằng. Nó hiển thị một tàn phá luơng tri. Nó cái ung buớu nguy nan di căn.
Một thời không xa, đất nước đã thống nhất, lòng người tạm an bình, nhưng một bộ phận người không nhỏ do thù hận, do máu sôi đỏ hơn máu con tim bình thường, đã nhất tề trả thù cả đến những bộ xương cốt nằm yên trong mộ. Xỉ vả, đục bia, phá tường, cào bằng xóa dấu những nấm cỏ. Tận diệt cái hơi hướng có thể còn trong bia đá. Mộ người bị cách ly hương khói, cự tuyệt tưởng niệm. Sự an nhiên trong lòng đất mỗi nhân phận bị bới ra, dày xéo, bôi đen.

Tôi nhìn thấy cái Hoang ấy đã nhiều năm. Tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, Sài Gòn. Gò Dưa hôm nay là một thành phố mộ. Nhấp nhô dưới nắng mênh mông mộ. Vô cùng màu sắc sặc sỡ. Mỗi ngôi mộ một cõi riêng. Lớn bé đơn sơ hay huy hoàng là tùy vào tấm lòng và tiền của con cháu kẻ qua đời bỏ ra. Mộ hai tầng tráng lệ bốn bên tường vách như một lăng tẩm, do bà con kiều bào từ nước ngoài về xây cất. Mộ khác tuy nhỏ, nhưng hoa tươi quanh năm. Mộ đá hoa cương. Mộ bia khắc cả bài thơ tưởng niệm dài dặc. Mộ có hai câu đối chữ Hán trên trụ đồng sáng bóng. Mộ nhạc sĩ thời danh rộng thênh, tượng đài chân dung, bãi cỏ xanh, lối đi rải đá cuội.

Trong cái biển chết mà lai láng những phô trương, trong cõi ma đầy hoa tươi này có một ngôi mộ hoang, tàn phai. Đúng một lãng quên. Một nỗi Hoang thời thế. Một vết chàm khắc trên trán lưu đày từ văn hóa và đạo lý Tần Thủy Hoàng.

Rác rưởi, đồ phế thải, phân súc vật. Đất cát lấp kín cả diện tích chưa đầy ba mét vuông chỗ xương nằm. Các trụ gạch xây bốn góc bị ai đó đập gãy. Bốn đài hoa sen bằng xi măng trên đầu trụ ngã đổ, bể vỡ nằm lăn lóc. Tấm bia bể một mảng lớn, hình như bị phạng bởi nhiều nhát búa. Phần đỉnh tấm bia cát vùi từ nhiều năm bày ra lờ mờ một cái chóp nón cát kết, loại nón sĩ quan võ bị xưa kia. Mộ khá nhỏ, lại bị lấn chiếm bốn phía để người đời chôn thêm những mả mới chung quanh.

Đất nghĩa địa bây giờ rất khan hiếm, tăng giá từng ngày. Sau khi một nhơn bị tiêu tán đường, phần nhiều thiêu ráo, xác già trẻ lớn bé ngắn dài mập ốm cháy rụi trong lò thiêu. Nhưng vẫn không đủ đất chôn người. Do còn nhiều thân nhân muốn chôn cất kẻ qua đời trong một phầnmộ yên vắng, để con cháu lui tới nhìn nấm đất mà nhớ tới người.
Xưa kia Gò Dưa chỉ một nhóm mộ nhỏ trên đỉnh đồi lưa thưa cây. Từ đây nhìn xa xa qua cánh đồng, sình đen bèo xanh chen ruộng, là ngoại ô Sài Gòn. Xa lộ Đại Hàn rộng thênh giải băng nhựa xám kéo qua thinh không. Chia cắt bên kia nội ô phồn vinh với bên này là vùng An Phú Đông. Màu sắc chiến tranh bên này là tiếng cầm ca vũ trường, suy tư bốn vùng chiến thuật, “anh về với em rồi mai lại đi…” Bên kia xa đầm lầy là nhồi thuốc súng, không phải vào nòng súng, mà vào óc não người.

Hôm nay là chín triệu con người nhung nhúc, Sài Gòn phình ra, đã vượt ruộng lầy. Nhà lầu đường phố kéo tới vây quanh bốn bề nghĩa địa Gò Dưa. An Phú Đông mật khu xưa đã có cửa hàng ăn, quán nhậu, karaoké, hớt tóc ôm. Xa trung tâm quậy càng dữ. Tiếng cười mùi rượu phả vào gáy mồ mả. “Lũ chết, chúng mày biến mẹ đi cho chúng tao lấy đất phát triển đô thị”

Kẻ chết đâu thua cuộc. Dần dà, đầy những mộ chí ngùi ngụt tỏa ra từ đỉnh Gò Dưa tràn lan xuống chân đồi, chiếm cả những thửa ruộng xa. Cả đại đoàn nghĩa địa bày binh bố trận ngày đêm lấn đất. Ngày nào cũng năm bảy đám tang, tiếng kinh mõ, tiếng cầu Chúa. Thiếu đất chôn, ban quản trị bèn có sáng kiến bán cả những con đường trong nghĩa địa cho lũ quan tài tới sau. Tất đất tất vàng mà. Con đường xưa kia rộng đầy bóng mát xe tang chạy thong dong, nay trở nên hẹp, có nơi chi vừa một xe gắn máy lọt qua. Mộ chí cái nằm ngang cái dọc theo lối đi, thật chẳng còn trang nghiêm chút nào.

Mỗi lần thăm mộ người thân quen, tôi thường cắm trên ngôi mộ hoang bị một thời đập phá tan nát này ba cây nhang. Lại thẫn thờ nhìn bờ tường thấp vỡ, bia mộ lờ mờ hình cái cát két sĩ quan không rõ mặt người bên dưới. Nhiều lần tôi định bới đất cát xem tên tuổi người nằm trong mộ, nhưng rất ngại ngùng. Lại thầm trách nguồn cơn vắng cha mẹ anh em, người bà con họ hàng. Tất cả lưu lạc nơi nào? Mà đây vùi nông một nấm. Một dấu chấm khô héo trên một cõi đất thiếu máu, cạn tình.

3
Lâu rồi quen, tôi nghĩ phần mộ này có thể là mộ của mình. Xưa kia tôi cũng từng đội cái nón sĩ quan loại này. Nó chụp lên đầu trai trẻ một thời, chụp chinh chiến, nỗi hoang mang cùng cái chết láu lỉnh thập thò. Nhà văn, nhiều khi mình vẽ ra được cái chết của mình. Mình tả cảnh tả tình một cách đậm đà hôm mình nằm chèo queo trong áo quan. Xưa kia…cái nón trong mộ này. Là khơi khơi biểu trưng một hiện thực không biết phần còn lại như thế nào, ra sao. Nó là một vinh hạnh mà về sau, biến tan nhanh như một ánh sao băng. Phần còn lại của thế giới trong tôi là tự hủy. Tôi chôn mình hơn ba mươi năm trong ánh Sao. Tôi ngắm mình chết từ từ như bia đá không còn khả năng tự biện. Tôi đây – Mộ này, mỗi hoang phế theo mỗi cách chịu chơi thời thế.

Mộ hoang ở Gò Dưa rất nhiều, đếm không xuể. Nhưng có cái gì cảm thiêng giữa tôi và nhóm xương đen có bia đá nát vỡ mắt mũi bị đục thủng mặt mồ rác rưởi lông gà xương mèo bao ni lông áo quần cũ vất bừa này. Nắm xương này xưa kia, đã từng thủ chắc AR16 bắn trả từng tràng đạn thoát ra từ AK47; có thể từng đẩy quả đạn 105 ly trong khuya khoắt bắn trả cuộc pháo kích từ đạn 122 ly; đã ngồi trong M113 quần thảo với địa đạo dày mo; có thể xương tàn đã từng mặc bộ đồ trận được may từ nước Mỹ, bần thần đọc lá thư viết trên trang giấy được sản xuất từ Trung quốc; thư Trường sơn được móc ra từ túi áo một tử thi mang tên Việt Nam; có thể hài cốt trong mộ này – cũng như tôi – trong năm tháng miền Nam, từng hát nhịp nhàng “Này bao hùng binh tiến lên…” những ngày đầu bị động viên vào quân trường.

Nghĩa địa Gò Dưa Sài Gòn có âm vang âm khí, cái điệu đời nghêu ngao,cái ngất ngưỡng riêng nó. Có bóng ma đi rao giữa ban ngày hô hào đoàn tụ. Ma hát lời thịnh nộ. Ma hưu trí già nua bảo thủ rị mọ, hoặc buồn phiền hối lỗi bèn tức tốc dạy cho xấp nhỏ sau này biết ỉa đái vào lịch sử. Ma xuân thì tóc xanh ung thư gan. Mới được bác sĩ khám phá cục bướu tổ chảng một tháng sau chết lìền. Ma yên hùng vỡ sọ não do tốc độ nơi xa lộ. Ma ngồi vắt vẻo thổi xắc xô Biển nhớ. “Mỗi ngày tôi chọn một…hồn ma.” Ma xì ke phi một phát dài hơi buồn não khi biết mình đã vào lưỡi liềm cắt ngọt của sida. Nắng tháng tư trắng chuyển mùa. Trời mất máu. Bia đá đổ mồ hôi.
Mấy con gà con chiu chít trong cái lồng tre bự đặt ngay trên mộ có cái cát kết nón sĩ quan khuôn mặt bị bôi lọ đen.

Lần này tôi quyết xem cho rõ mộ bia bị vùi lâu năm bên dưới đất lấp. Trước mộ, tôi gỡ cái nón đội đầu xuống, đã quen thành kính. Cài lại cúc áo. Thành tâm thắp ba cây nhang. Ba đóm lửa như ba con kiến đỏ khói bay. Tôi ngậm ngùi vái van:
“Gò Dưa nghĩa địa. Thủ đức quận. Sàigòn thành phố. Cộng hòa cựu quốc. Hôm nay 30 tháng 4 năm Hai không không bảy. Nhằm ngày 14 tháng Ba năm Đinh Hợi. Tôi, kẻ ngất ngưỡng dương trần, thành kính cung thân khấn xin thần hoàng thổ địa, các tay chơi bá chấy thuở sinh tiền, bá vạn hồn linh, thập chủng cô hồn, hãy phù hộ cho tôi làm một việc động thổ…”

Tôi đằng hắng một cái, rồi tà tà vái tiếp:
“ Người anh em an nghỉ trong đất mẹ yêu mến. Không cái lăng tẩm nào cả. Anh ngủ khá lâu dưới chưa đầy ba mét vuông đất Gò này. Anh được trang hoàng rất thời thượng bên trên là bãi rác, phế liệu, lông gà. Không cỏ xanh không hoa lá. Một cái mả bị triệt để trần trụi hóa. Hồ hởi, phấn khởi hạ bệ… Xin phép người anh em cho tôi bới mộ ra xem tên tuổi quê quán, ngày sinh tháng tử, mặt mày anh trên bia đá thử nào. Lâu quá đi, chỉ thấy cái chóp mũ thôi. Tha lỗi nghe người anh em. Cũng là đồng điệu. Cũng là “Ngày bao hùng binh tiến lên” chỗ quân trường chưa mang chân gỗ.”

Ngay chỗ ngã ba trước mộ có một cái chòi tranh của bọn cai quản mộ. Một cái bàn gỗ bày bán những bó hoa vạn thọ, cúc vàng, nhang đèn, thuốc lá, hộp quẹt, mấy chai nước ngọt. Có cả cà phê. Uống nghe mùi thum thủm vì giếng nước nghĩa địa. Hai đứa bé bụng ỏng đít teo chạy long nhong. Một đứa ra chỗ mả hoang định tè chợt thấy tôi lom khom van vái nó bịt cu bỏ đi. Chỗ góc lều có cắm một lá cờ.

Lều đông nguời và rất ồn ào. Bọn phu phen tụ tập chờ nhận dịch vụ chôn người, sửa mộ, làm cỏ, cả dẫn đường tìm mộ, tất cả đều phải được trả thù lao hậu hĩnh khi xong việc. Chỗ nền đất, trải một chiếc chiếu, quây quần hai gã đàn ông với vài mụ đờn bà ngồi vừa đánh tứ sắc vừa văng tục.

Tôi gọi một gã cởi trần:
- Này anh Ba, anh bới dùm cái mộ này tôi gởi tiền uống cà phê.
- Bới là bới làm sao? Đào ra làm mộ mới, hay chỉ làm sạch sẽ mộ?
Tôi từ tốn:
- Bới rác rến cát bụi cho tôi xem rõ hình người và mấy dòng chữ trên mộ bia. Sau đó nhờ anh hốt rác rến đất cát đổ đi chỗ khác, dọn cho sạch sẽ. Mộ gì thảm quá.

Thằng chả vận quần đùi ở trần, giữa ngực có xâm hàng chữ: “Tao thù con đĩ ngựa” mới mười giờ sáng đã nồng nặc mùi rượu, nhìn tôi rồi nhìn mộ than thở:
- Ông thầy cho bao nhiêu?
- Một trăm nghìn.
- Trời đất cái mộ ông sĩ quan này, tôi biết mà, đã hoang phế ba mươi năm. Bây giờ dọn một ngày chưa xi nhê chi. Ông thầy cho đàn em hai trăm nghìn đi. Bao năm mới bươi bới một lần mà.
- Được, làm đi. Vui vẻ. Xin cảm ơn.
Thằng “tao thù con đĩ ngựa” nhìn vào quán gọi lớn:
- Ê con mụ Bảy ra thanh lý mấy con gà với cái lồng gà của mày, dẹp cái dây treo áo quần dơ, cho ông làm việc. Thấy mà ghê.

Con mẹ sồn sồn được gọi là mụ Bảy ném nắm bài tứ sắc, xả cái quần vén tới bẹn bước ra nhìn gã đàn ông phân bua:
- Mộ này tôi trông coi bao năm ai cho anh đến nhận làm?
- Mày trông coi nỗi gì mà cứt chó cứt gà giẻ rách thế này? Nói nghe? Con xạo que.
Mụ vén quần tới bẹn thịnh nộ:
- Nó hoang phế nhưng là địa phận tôi trông nom. Đây là mối của tôi.
- Tranh giành tao đập bỏ mẹ. Tao mới là đại diện ban quản trị phường đây này.
Tôi van lơn:
- Xin quý anh chị bớt nóng. Ai làm cũng được. Hay là cùng làm tôi trả thù lao cùng giá ấy cho mỗi người. Giúp tôi đi.
Thằng “tao thù con đĩ ngựa” cầm cái xẻng hươi hươi, nhìn mụ Bảy rồi nhìn tôi, nói bâng quơ:
- Cái mộ này vô chủ. Mộ ngoài chính sách. Là con hoang từ bao năm. Con mẹ Bảy này thuộc loại ác ôn mà thầy Hai. Nó lấy cái chổi chà quét sơ qua một cái mộ là lấy tiền người bà con thăm mộ hai chục nghìn đồng. Gặp Việt kiều thì ngon ơ. Ngày kinh nguyệt đỏ lòm nó cũng lội ngang dọc trên mộ người. Mỗi ngày cái chổi chà của nó công tác có đến vài chục lần. Nó thu là bao tiền. Thầy coi, mộ người ta mà nó đổ rác rưởi nuôi gà qué thế này đây. Nó mất cha nó khả năng bức xúc. Nó tiêu dênh rồi cái cục xấu hổ. Đồ bất nhơn.
- Câm cái lồn mẹ mày đi. Mới có hai trăm nghìn mà hết lời nịnh nọt thầy hai thầy ba. Đồ bợ giái. Thầy gì đó ơi, thầy cho thêm một trăm nghìn rồi thầy ỉa ra cái thằng phường dỏm này cũng ăn cứt thầy ngon ơ cho coi.
- Mày nói ai con mẹ thối mồm?
- Tao nói cái thằng người đêm hôm chuyên đào những ngôi mộ mới chôn hôi của chôn theo. Tao chửi cha cái thằng phường dỏm.
Thằng “tao thù con đĩ ngựa” tưởng hung hăng hóa ra nó cười trân tráo, hạ nghị quyết:
- Con mẹ Bảy này sắp trật quần bày hĩm ra rồi. Thôi nhịn cho yên bề. Chạy voi đâu xấu mặt.
Tôi năn nỉ:
- Thôi tôi lạy các người, tôi không có thời giờ. Làm giúp ngay cho.

4
Lồng gà được dời đi. Bầy gà lúc nhúc được lùa vào một ngôi mộ kế cận có thành chắn. Lá cây, rác rưởi, giẻ rách. Gạch vụn vôi vữa cát sạn thừa người ta xây các mộ kế cận cũng được thải vào đây. Dọn một chặp, thành mộ bày dần ra. Gạch tường bể nát từng mảng. Tôi bần thần thắp thêm mấy cây nhang. Lòng buồn rượi nghĩ tới chỗ nằm của mình sắp bày ra. Tôi sẽ biết ngay tên tuổi, ngày tháng qua đời của mình ngay trên cái bia mộ không màu. Đúng ra một màu xám cũ, buồn phiền và lẻ loi dưới nắng vàng Gò Dưa. Phía dưới kia là mộ Bùi Gíáng.

Một thằng nhỏ cố khom xuống trong bụi mù, dùng cái lưỡi dao nhỏ cạo dần đất bám trên mặt bia. Nó nói nhỏ với tôi:
“Lát thầy Hai cho con mấy chục con mua ba cái đồ lặt vặt. Đưa cho mấy người đó họ không cho con cắc nào…này, lòi cả cái mũ cát két ra rồi, cái mặt đây rồi…ông này chắc còn trẻ…ôi mà ai đục nát cái mặt ông sĩ quan ra rồi…thầy ráng chờ…con cạo nốt cái phần chữ bên dưới đây này…”

Một vành nón sĩ quan còn nửa vành. Một khoản đá đen bia mộ trở nên trắng nõn vì không còn nửa vành nón màu phía sau. Một con mắt còn. Một đường đục khoét sâu vào nền bia từ nửa vừng trán bên trái xuống, xuyên mất một con mắt trái, vạt luôn cái sống mũi. Một đường rìu đục khác lấy mất cái miệng. Nhiều đường hờn căm khác ngang dọc băm mặt. Một phần bia bên dưới bị vỡ. Nhiều nhát búa. Tiếc rằng tôi không mang theo máy hình để chụp cái tác phẩm mang tính siêu thực này.

Thằng nhỏ moi tiếp. Phải bới rất sâu trong đất lấp kín nhiều năm. Mọi người phải khom. Như mộ bia trong đường hầm. Nắng trắng mờ hòa với bụi mù. Tôi ho sặc sụa. Những hàng chữ mờ nhòe bên dưới từ từ hiện ra. Lúc đầu đọc chữ được chữ mất. Thằng nhỏ nói “Để con lấy nước con rửa. Ông phường dỏm nhận tiền của thầy làm có một chút rồi giao cho con, ổng đi nhậu rồi”.
Mặt mộ bia đá cẩm thạch. Thường người ta sơn màu những dòng chữ trên tấm bia. Lâu quá, đất ăn mất màu. Đến đá chừng như cũng mỏi lòng, biến dạng. Một khuôn mặt không màu, trên đầu một nửa vành nón, mỗi con mắt, không rõ miệng cười, cần cổ nửa đen xám nửa trắng nhạt. Hình mặc đồ đại lễ, thắt cà vạt đen. Thọat đầu nhìn lờ mờ cái cát két màu tôi tưởng người trong mộ là sĩ quan cảnh sát. Không phải. Cảnh sát không mặc trang phục này. Rất hiếm sĩ quan cảnh sát ăn đạn đại liên ở trận tiền.

Khi mộ bia được cạo xuống tận dưới, tôi cố nheo mắt đọc:

Nơi an nghỉ
Cố Thiếu úy THÁI VĨNH NGHIỆP
Sinh ngày 4.8.1954
Tử trận ngày 11 tháng 3.1975

Người lập mộ là cha mẹ? Vợ con? Hay đồng đội? Không hề thấy đề tên trên bia mộ. Cũng chẳng thấy ngày lập mộ.
Sinh 1954, năm hiệp định Genève chia đôi đất nước. Nam Ngô Bắc Hồ.
Chết 1975 năm đất đai núi biển đường đi phố chợ bắc nam cu hĩm được vui vầy đoàn tụ. Nhưng não người lại kịch liệt chia cắt theo một bi phận khác. Nguy nan và âm thầm. Nhứt đau trợn ngược trong khuya khoắt.

Nghiệp của 21 tuổi. Hai mươi mốt năm tuổi thọ của các ông: Diệm, Minh, Sửu, Thiệu, Hương rồi lại ông Minh đầu hàng, một nửa nước thừa dư mọi tấn tuồng. Trẻ quá. Nhanh quá đi. Một cái ánh chớp sáng lòa vừa đủ giựt mình, rồi tối đen bần thần dị dạng.
Theo bia mộ ghi, Nghiệp tử trận tháng ba? Tháng khởi đầu bại binh từ thành phố Buôn Ma Thuột. Muộn màng quá một cái chết cho khởi đầu hạ màn.

Tử trận vào những ngày cuối cuộc nội chiến, những ngày không thanh thản, từng giọt máu tháo chạy, nhưng Nghiệp được an táng đàng hoàng. Lúc chưa bị đập phá thì mộ Nghiệp là một ngôi khang trang. Vậy anh không cô đơn, không là vô thừa nhận. Sao trên bia đá không có tên người đứng ra lập mộ? Lúc ấy chắc là cha mẹ hãy còn? Rồi bà con thân thích? Sao hơn ba mươi năm nay mộ chí lại đìu hiu? Nếu thân nhân còn ở nước ngoài phải một người nhớ tới mộ. Hay vượt biên chết ráo biển đông? Hay còn đâu dưới gầm trời man mác nhưng chưa nguôi ngoai thù hận, lòng chẳng hoài cố hương? Một đám mây bay rất xa. Gió tháng tư đầu mùa mưa miền nam thổi về sao có cái nóng xa vắng trên lớp mộ hiu hắt này.

Tôi khom người xuống cái khoản đất moi sâu. Rất xa lạ mà rất anh em. Mùi nghĩa địa thơm một trùng phùng. Thời gian cao dần, nên mộ thấp xuống. Hay đôi mắt tôi đã hoa nắng. Ngỡ ngàng mộ chí chính mình, một chuẩn sĩ quan mang cầu vai alpha quân trường xưa kia trên đồi Tăng Nhơn Phú. Những buổi sáng thức dậy rất sớm. Rời khỏi giường cá nhân từ năm giờ sáng. Một ổ bánh mì kẹp thịt được nhà thầu ném trên nóc mùng. Một bộ đồ trận, ba lô lên lưng, khẩu súng carbin M2, những kỷ niệm học đường bỏ sau, trước mặt là đoạn đường chiến binh, những bài học địa hình, những cách đi hàng ngang tránh tràng đạn thù bắn trực diện xâu táo. Những đồi trọc nắng Thủ Đức, xa xa một dãy hình bia người trường bắn. Nhắm súng kỹ, nhắm bắn thẳng vào hình nộm người. Bắn trúng nhiều mục tiêu điểm thưởng càng nhiều. Chiến trường cũng thế thôi. Nhưng là bắn gục càng nhiều chúng-ta-có-thật-không-là-hình-bìa-cạt-tông-trường-bắn càng đỏ ngực huân chương.

Nghiệp tử trận 11 tháng 3 một chín bảy lăm. Ngày ấy ngày gì? Ngày Tiệc ly Chúa xơi thuốc chuột? Thằng thối hoắc nào bỏ vào bát cơm bần tăng một con cá nóc?
Lịch sử? cái đĩa CD Tom với Jerry rượt đuổi chí mạng. Hết đĩa. Thay băng. Trên sân khấu thủy tinh lỏng, của sử và lịch, lại hiện ra một bầy chuột dị dạng diễn xướng. Một lũ vịt chỗ Disney’s tung hê cạp cạp, tán dương lũ chuột hề mút mùa độc diễn. Nhưng đây không là “land” của thần tiên thơ ngây. Dĩa còn quay. Chưa cúp điện mà con. Sẽ chơi tới bến.

Lúc này Gò Dưa có một đám ma đang tới. Một xe thầy cúng áo vàng. Một đàn tiếng khóc cùng lời ai niệm, than vãn. Một huyệt mả được mua từ đất lề đường. “Thế đó, người ta bán cả đất con đường nghĩa địa”. “ Nhưng mà giá đấu có rẻ, mấy chục triệu đồng hơn hai mét vuông đất gò”. “Ngôi mộ ông Trịnh to rộng gấp hai chục lần mộ thiếu úy Thái Vĩnh Nghiệp.” Tôi can gián: “Thôi, đừng bàn tán chuyện của người”. Nắng có hoa.

Xương của Nghiệp dưới này chắc đã hóa đen rồi. Thịt của Nghiệp chảy theo nguồn nuớc ngầm dưới kia rồi. Trong ly nước hằng ngày chúng ta uống chắc có nước cốt từ xương thịt những Vĩnh Nghiệp, những Thùy Trâm, do đất Mẹ hầm nhừ lâu ngày.
Đất Mẹ sáng. Bàn tay Mẹ lành. Nhận tất. Thịt con thiu ôi chiến trường năm ba ngày chưa kịp chôn; xương sấy khô bỏ ba lô quân tình nguyện Campu [không có chia] mang về; hồn cá mập nhai; mũi mắt phình húp trong bao đông lạnh bệnh viện quân y chờ nhận diện; xác phàm những quân ma chó được thời ngồi bàn độc, bàn tay vượn óc não cáo; Mẹ rộng lòng nhận tất. Không cần thủ tục rườm rà. Chôn cũng tốt mà thiêu cũng hay. Có quan tài đàng hoàng Mẹ mừng, mà bó chiếu trần, rách nát Mẹ càng thương. Không được thiêu chẳng được chôn, bỏ mặc thịt rã từng phần, chim bọ ăn thừa, xương trời rửa mưa, phần còn về với đất, Mẹ sẽ chan hòa. Về thôi. Chúng mày chỉ một.
Nghiệp tử trận nơi đâu. Bị mìn, pháo, đâm lụi, đánh lén, mảnh đạn xuyên vào nơi nào ngay cái sống? Có phải chết đi là mãi mãi tiêu vong. Không sờ đâu hiện thực một phận người. Cầu mong được du lịch Niết bàn, ngao du với Chúa? Tôi cúi xuống sờ, phủi bụi để nhìn rõ hàng chữ. Ở đây còn Thật. Là sự Thực. Là đinh đóng định mệnh. Thái Vĩnh Nghiệp một khuôn mặt rất trẻ rất thanh tú, bị đục khoét bởi những đường búa. Vẫn còn một con mắt xa xăm trên bia đá. Vẫn một cái gì rất riêng bên dưới phần đất Mẹ, mà trên mặt đời đầy cát bụi rác rưởi phân gà xương chó.

Nghiệp nạn nhân của búa liềm. Liềm tử thần và Búa thời đại.
Nhưng anh có là mãi mãi tiêu vong? Đâu thể vĩnh viễn xóa tên. Có một điểu hiện rõ đến hiển linh: “Nghiệp chưa hề đúng nghĩa một An nghỉ trên quê hương luôn hô hào hãy bỏ qua quá khứ, hãy nới rộng vòng tay hòa hợp này.”

5
Lạ thay, con mụ sồn sồn quần vén ngang bẹn, ăn nói vong mạng buổi sáng, mà anh phường dỏm “tao thù con đĩ ngựa” gọi là “Mụ Bảy ác ôn mất tiêu khả năng bức xúc”, bây giờ cô ta có một vẻ gì lạ lạ.

Cô đã hiện ra một con Người. Cô tỉnh táo nhìn tôi và mộ Nghiệp từ lúc bắt đầu dọn dẹp cỏ rác. Cô thở ra dưới bóng nắng. Cô trở vào rửa mặt, thay một bộ áo quần tươm tất. Chải tóc, dọn một cuộc mình sạch sẽ. Tay cầm một bó nhang, đôi mắt cô sáng, thoáng buồn. Bảy nhẹ nhàng đến ngồi cạnh bên tôi, cô nói:
- Thắp thêm nhang cho anh Nghiệp, thầy Hai.
Tôi vừa sững sờ vừa ngây dại hỏi:
- Có thật cô muốn thắp một nén nhang thành kính? Buổi sáng cô làm tôi hãi quá.
Bảy nói tỉmh queo, như một tâm sự từ lâu mới được thổ lộ:
- Úi dà em cũng học xong cấp tú tài chớ bộ. Thầy coi, sống trên cái xứ ma mị này, mở con mắt ra là thấy tứ bề bọn lưu manh lừa đảo hung hãn chụp giựt, dối cha lừa chú. Tối ngủ quanh đây là mả mồ ma hiền ma dữ ma đói ma giàu ma ác ôn ma nghệ sĩ. Nhiều đêm trăng nhờ nhờ người ta la hét vây bắt bọn ma túy, hãm hiếp, giết người. Sáng ra, đọc báo hằng ngày thấy nghìn vụ việc nước non thời sự còn thối hoắc hơn cái xác phàm chết hai ba ngày chưa khâm lịm. Thầy hươi, không mất dạy cũng thành mất dạy. Không hung dữ tranh giành chúng cướp cạn ngay cái sống của mình.

Bất ngờ cô Bảy lại phom phom, đi một đường nhại Kiều:
- Thật là “Bắt phong trần phải phong trần…Không lưu manh cũng xí phần lưu manh”

Cô lột vỏ bao nhang lấy mớ giấy châm hộp quẹt cho tôi cầm bó nhang đốt đỏ trong nắng trắng tháng ba Gò Dưa. Có tiếng tụng kinh gõ mõ phía đám tang đưa lại. Cô đưa tay vén tóc. Lau mấy giọt mồ hôi trán. Nhìn thoáng tôi thấy cô rất có duyên, một vẻ đẹp rất…nghĩa địa. Bóng cây cổ thụ chỗ đầu đường ma đã đứng bóng trưa.

Cô bỗng dưng ngậm ngùi:
- Em có lỗi thầy Hai ơi. Bao năm em không thắp nhang cho mộ anh Nghiệp này. Người ta bảo mộ này là mộ của thằng giặc. Mà có phải giặc không thầy? Mà giặc làm sao?
“Thôi đừng nói chuyện giặc giã nữa cô ơi.”
- Thật mà thầy, giải thích cho em nghe thế nào là giặc.
“Cô Bảy, tôi bảo đừng nên biết những gì xa hơn chỗ cô ngồi.”
- Em ở nơi này từ lúc chín tuổi. Bây giờ em bốn mươi.
“Thôi đừng kể lể tuổi thơ tuổi già.”

Bảy khá cứng cổ, cô lên gân tâm sự:
- Một bữa em tuổi nhỏ em thấy người ta vác đục búa người ta đập phá những mộ thế này. Rồi không hiểu sao người ta đục mặt mày anh Nghiệp. Mấy chả giận dữ hò la.
“Thôi đừng nói chuyện đập mộ phá chùa đốt nhà thờ chiếm ruộng đất chôn tập thể được không cô Bảy. ”
Bảy ngồi chùm hum. Hai tay vòng qua hai đấu gối chụm. Cô tửng hay sao cô lại hát nho nhỏ lời một bài nhạc của Trần Thiện Thanh: “Anh không chết đâu anh nguời anh hùng mũ đỏ tên Thương..”
Đôi mắt cô ánh lên cái niềm vui mờ mịt, hoang dại. Cô tâm tình :
- Em chắng biết anh Thương mũ đỏ là ai. Cách mạng hay Việt Kiều hả thầy.
“Cô đừng nói bao la thế giới mũ xanh mũ đỏ mũ công an được không cô Bảy.”
- Mà thầy coi, anh Thương mũ đỏ Cách mạng hay Việt kiều có ăn nhằm chi. Có chết thằng tây nào đâu. Bây chừ tụi em hát toàn loại nhạc “anh Thương” không hà. Hay chết mẹ. Thằng nhỏ phân bua:
- Chị Bảy đây thích nhạc xưa lắm thầy Hai. Toàn Duy Khánh Nhật Trường không hà. Lại thích băng Thúy Nga, coi thâu đêm.

Bảy nổi máu Gò Dưa:
- Sao cái chi chi ngày xưa cũng hay. Bây chừ thúi hoắc.
“Thôi đừng nói thơm thúi nữa được không cô Bảy. Thắp cho tôi hai cây đèn cầy xem nào.”
Hai ngọn lạp lung linh, què rạp trong gió đồi. Tôi vái Nghiệp:
“Thắp nhang cho Nghiệp đây. Cũng là thành tâm. Sẽ tìm cách nào đó để mộ người anh em được trùng tu.”
Bảy đột nhiên nói với thằng nhỏ:
- Mày ra mua cho chị bó hoa tươi. Hoa của tao héo mẹ rồi.
Thằng nhỏ chạy đi. Nhìn cái lồng gà mấy con gà chiu chít, Bảy nói:
- Rồi em cũng dẹp mấy con gà này đi, cho cái mộ nó sạch. Mà nghe nói có cúm gà chết người hả thầy. Tụi em nuôi gà trên mộ anh Nghiệp rồi ăn tía lia có chết thằng tây nào đâu.
“Thôi đừng nói chuyện của gà qué bò lở mồm long móng heo tai xanh nữa được không cô Bảy.”

Thằng nhỏ mang về bó hoa tươi. Bảy lấy một cái cái lọ. Ngắt tỉa hoa gọn, bỏ vào lọ, đặt ngay trước mộ bia Thái Vĩnh Nghiệp. Cô nghiêng mình vái ba bái.
Cô lại sai thằng nhỏ:
- Mày lấy cái xẻng khỏa cho bằng phẳng chỗ đất trước mộ này đi.
- Làm chi vậy chị?
- Để tao bày đồ cúng ông Nghiệp.

Cô trải trên nền đất tạm bằng phẳng một tấm khăn ni lông. Một đĩa trái cây. Cam ổi, mấy trái nho rụng khỏi chùm, hai trái xoài. Mấy lá vàng bạc. Cô lấy hai cái chung nhỏ rót một ít rượu đế.
Thằng nhỏ thấy đồ cúng lôi thôi nó la hoảng:
- Trời đất hươi sao chị lấy đồ đã cúng mả mồ người ta đem cúng ông Nghiệp. Mang tội chết.
Bảy sừng sộ, nói tỉnh queo:
- Thì đã sao. Tao cúng bằng lòng dạ tim gan tao đã sao.
Cô vái lâm râm gì đó. Chắp tay bái Nghiệp ba bái. Lại cười, chỉ tay vào hai chung rượu trắng, sai bảo tôi:
- Đây là hai ly rượu tình. Thầy uống với anh dưới mồ mỗi người một ly đi. Cụng ly thử em có nghe cốp cốp không.
Cô này ngộ. Bảy đột nhiên khuyên nhủ tôi, rất thành tâm:
- Thầy làm sao chứ cái mộ anh Nghiệp này không thọ lâu đâu.
Tôi bàng hoàng hỏi:
“ Vì sao?”
- Vài tháng trước, em biết, người ta bàn với nhau là sẽ đào mộ anh Nghiệp, hốt cốt xương bỏ vô lọ sành.
“Thờ phụng ở đâu?”
- Úi dà mấy cha này cần mẹ chi thờ phượng. Thầy ngây thơ quá. Mấy chả đào bà xương cốt lấy đất bán. Vớ bở. Mấy chục triệu đồng một huyệt mộ này chớ bộ. Chia đất, chia quyền, chia thịt người đã đời, rồi chia xương.
“ Thôi đừng nói chuyện thịt xương chia chác cô Bảy.”
Bảy lại than thở:
- Có nhiều mộ như hoàn cảnh mộ anh Nghiệp này lắm. Hồi ấy sao lạ kỳ người ta vác búa phang đập mộ chí. Phong trào mà.
“Thôi đừng nhắc tới phong trào phong triệt cô Bảy.”
- Mà sao kỳ, có nghĩa địa người ta đập phá mộ lại đập tan hoang luôn cái tượng người lính buồn buồn ở cổng vào. Hằng hà mộ như mộ ông Vĩnh Nghiệp này. Bia mộ cái nghiêng cái ngã. Gạch đá tường thành lăn lóc. Bao năm chẳng ai hương khói. Có nơi có lòng hương khói cũng không được phép. Người ta nhốt đầu cho. Sao kỳ vậy thầy. Mắc mớ chi xác đã nằm yên trong đất mà cái nên lăng cái nhất trí san bằng?
“Thôi đừng nói chuyện trong đất giữa đời xương cốt nhục vinh cô Bảy.”
- Thằng cháu của em nó đánh lộn với người ta bị đui một con mắt cũng chuyện đập mộ cha nó như mộ Nghiệp này.
“Thôi đừng nói chuyện đánh lộn dập đầu lủng ruột lòi tròng trắng tròng đen trên mả mồ nữa cô Bảy.”
- Thầy mà lo cho mả mồ này có ngày người ta cũng gom nhốt đầu Thầy.
“ Thôi đừng nói chuyện vào tù khám nữa cô Bảy. Đầu tôi tôi lo.”
- Sao cái chi thầy Hai cũng thôi đừng thôi đừng? “Thôi mà.”