DNM & NLU |
Báo
chí miền Nam viết nhiều, nói nhiều về Dương Nghiễm
Mậu và đều dành cho ông những tình cảm đặc biệt và
một vị trí xứng đáng trong dòng văn học Việt Nam trong
giai đoạn từ năm 1954 trở lại đây (ngoại trừ thằng
Gù bên hông nhà thờ Đức Bà).
Với
21 tác phẩm, gồm truyện ngắn, truyện dài và những đoản
văn, bút ký… người đọc đã nhìn thấy trọn vẹn thái
độ và trách nhiệm của ông với ngòi bút của chính
mình trước người đọc, xã hội và cả một khúc lịch
sử ngắn ngủi bị xé toạc, tơi tả.
Trên
bán nguyệt san Thời Tập, số cuối cùng, số 23 tháng
4.1975, khi mà ông chủ bút Viên Linh chưa thấy được mặt
mũi “đứa con út”, thì ở đó, Dương Nghiễm Mậu đã
có bài trả lời ngắn về những lý do tại sao ông không
chịu di tản ra nước ngoài: “Có
người đến hỏi tôi: Có đi ra ngoại quốc không? Tôi đã
trả lời dứt khoát: Tôi sống và chết tại nơi này.
Người ấy hỏi: Anh chấp nhận sống chung với người
Cộng Sản? Tôi nói: Tôi không phải là một con chó để
nay sống với chủ này, mai sống với chủ khác chỉ vì
miếng xương chúng liệng ra. Tôi tin tưởng con đường
tôi đi. Có một nơi là lẽ phải và ánh sáng. Có một
nơi là lẽ trái và bóng tối. Có trắng và đen không thể
nhập nhằng được. Nếu tôi có chết chăng nữa, điều
ấy tôi không ân hận. Lịch sử đã chứng minh rằng:
Nhiều khi cái chết là một điều tốt hơn là sống. Chết
đi cho người khác sống, cho lẽ phải và sự thực, sống
chết như thế cần thiết. Tôi bình tĩnh với quyết tâm
đó”.
Thái
độ chọn lựa của Dương Nghiễm Mậu cũng chính là thái
độ của chàng Kinh Kha với con chủy thủ trên đất Tần
bất trắc, một truyện ngắn mà ông đã rút cả máu, cả
ruột gan để viết. Ông để Kinh Kha qua sông Dịch. Ông
ném đoản đao vào tay Kinh Kha. Chàng cầm chặt, kề vào
cổ Tần Vương, nhưng thay vì run sợ, Tần Vương lại
ngửa cổ cười khan, sảng khoái. Và chàng hiểu ra tất
cả: Tần Vương này chết sẽ có một Tần Vương khác,
vài ba Tần Vương khác… đánh đổ một chế độ độc
tài này thì tức khắc sẽ có một chế độ độc tài
khác mọc lên.
Đó
là sự thất bại cay đắng của trí thức, một thất bại
nhục nhã của lòng yêu chuộng tự do, hoà bình. Và hình
ảnh chàng Kinh Kha lầm lũi quay lui trong một cung điện
nguy nga, tráng lệ tội ác vẫn là nỗi đau đớn không
cùng của chính ông, như một dự báo cho ngày hôm nay.
Tại
sao như vậy? Những kẻ tọc mạch luôn muốn biết “tại
sao” như một căn bệnh sổ mũi kinh niên. Và không để
cho những kẻ đó khốn khổ mò mẫm trong bóng đen suy
diễn, ông dốc tuột sự thật đang diễn ra từng ngày
từng giờ, mà ai cũng nhìn thấy những cảnh tượng đau
lòng này nối tiếp những đau thương khác dồn dập đổ
ập trên quê hương: “Những chiếc xe như súc vật,
những xác nguời nằm như lá khô, pháo kích không ngừng,
những bà mẹ, đứa bé bò trên mặt đường và chiếc
bình sữa… Trong cồn cào của thời sự, những sự việc
làm tôi chóng mặt. Tôi tự hỏi: có phải đã tới lúc
mà mình phải cầm lấy mũi nhọn, phải, chỉ có thế
trong chọn lựa một khi cơn lốc đến. Tôi không thể có
một chọn lựa đầu hàng để sống như trâu chó. Tôi
chỉ thương hai tấm con thơ… Có thể một cơ sự như
thế sẽ đến không?” (sđd) .
Những
cảnh tượng kinh hoàng, xám xịt màu đen tối kia, không
phải chỉ đến những ngày cuối cùng chúng ta mới nhìn
thấy, ông mới nhìn thấy. Đã từ rất lâu, khi mới là
chàng thanh niên ngoài 20, ông đã thấy và hiểu tất cả,
tạo thành vật nhọn đâm thẳng vào tâm hồn ông, đau
nhói. Ông đã nhìn thấy và ông đã viết ra. Trong bối
cảnh xã hội đang vật vã, hấp hối, với tư cách của
một phóng viên chiến trường, ông đã lặn lội đến
tận nơi các đơn vị hành quân trên khắp 4 vùng chiến
thuật, sống dưới đạn bom gào rú trong các trận đánh,
những bãi chiến trường xác chết ngổn ngang. Nhưng bi
thảm nhất, đọng lại trong tâm trí ông là những cảnh
tượng hãi hùng: Đó chính là những xác chết, những nấm
mộ lấp vội ven đường, trong vườn nhà của những
người dân vô tội, không có lấy một tấc sắt trong tay
để tự vệ trong biến cố Mậu Thân ở Huế. Sự điên
cuồng dã man đã đẩy hàng ngàn người dân vô tội chết
tức tưởi, chết không nhắm mắt mà không hiểu tại sao
mình phải chết! Trong bút ký Đi Trên Những Xác Chết
đăng trên bán nguyệt san Văn số 104 phát hành ngày
15.4.1968, sau này in lại trong tập Địa Ngục Có Thật ,
có đoạn ông ghi lại: “Ở trong nhà mọi người vẫn
sinh hoạt bỗng nghe tiếng nổ, rồi một người đàn bà
kêu lên ở ngoài sân, chạy ra thấy bà ta ngã xuống chết.
Hết sức kinh hoàng, cũng như phía sau nhà đó, bảy người
cùng chết, những ngày đó chẳng ai chết mà có được
quan tài. Người ta lo đào một cái huyệt vùi xuống cho
xong. Tội nghiệp, một bà vợ ở xóm trên này, ông chồng
bị bắt đi bị bắn chết, bắn chết trước mặt, rồi
trận đánh tới, bà vợ chỉ còn đủ thì giờ kéo xác
ông chồng về bỏ trong buồng, đóng cửa lại rồi dắt
con chạy loạn…”
Một
đoạn khác, cũng ở bài bút ký này: “Những ngày đầu
tiên, ngay sau khi tiếng súng ngừng nổ, người ta đã đổ
xô tới đó nhìn mặt những người chết đã nát, nhiều
xác chết để bừa bãi, mặt che bằng những tàu lá
chuối, bằng những tờ báo, những con chó quanh quẩn,
những người bao khẩu nhìn ngó… Những cái xác
nào bị đào lên dập xuống nhiều lần. Những đồng bạc
được đếm trên những xác người sình thối… Hai
ngàn, rồi năm ngàn… Những xác chết đã thành tiền cho
những người nào đó…”.
Đó
là những gì ông đã tận mắt nhìn thấy ở khu vực cầu
Gia Hội, Huế trong những ngày Mậu Thân.
Vâng,
Từ Gia Hội qua Phú Cam, lên Thừa Phủ, đến sân nhà thờ
Chánh toà và cả sân trường Đồng Khánh… nơi nào cũng
xác chết, cũng tan hoang, cũng thù hận và chém giết và
máu và xương trắng và khăn tang... Chính lũ người mọi
rợ mang trong đầu cái học thuyết hoang tưởng và ngu
xuẩn nhất trần gian đã đẩy cả ngàn người dân vộ
tội vào tử lộ. Và, chúng ta hỏi, họ là ai? Không ai cả
mà cũng chính là họ, những người trí thức, những kẻ
mô phạm, những tên cuồng tín. Ông đã đưa ra hình ảnh
một cô gái Huế mỹ miều, mấy năm liền thi rớt y khoa
ở Sài Gòn, sau trở về Huế học văn khoa, bỗng dưng một
ngày kinh hãi nổ ra, cô ta xuất hiện trên chiếc mobylette
như một mụ phù thuỷ gớm ghiếc đu trên chiếc chổi
cùn… “Đến lúc biến cố mọi người thấy cô ta
mặc quần jean đeo súng và chạy cùng khắp trong thành
phố, nhiều người bị cô ta chỉ vào mặt và tất nhiên
sau đó nhiều hậu quả đã xảy ra…”.
Không
chỉ chừng đó cảnh tan hoang nheo nhóc. Ở tận cùng đất
nước: Cà Mau rồi ngược ra Tây Nguyên, những Pleiku,
Kontum, Nha Trang, Phan Rang… Quảng Ngãi, Đà Nẵng… đâu
đâu, nơi nào cũng có “những anh em du kích lẻn về
phá rối đời sống dân chúng”.
Không
chỉ nghe. Không chỉ nhìn thấy, tận mắt chứng kiến mà,
hơn hết, như ông nói là phải có trách nhiệm với ngòi
bút, nên ông đã ghi lại một cách trọn vẹn. Đó cũng
là trách nhiệm với bản thân ông, trách nhiệm với xã
hội bằng giọng văn đặc hữu: Tỉnh táo đến độ khô
khốc như những cơn gió Nam cồ Nam mái trên dãi đất
miền Trung, xoáy tung những mái tranh nghèo xơ xác, nhấn
chìm những phận người như bọt bèo, nhưng không thấy ở
ông, những dòng chữ nơi ông sự bi thiết hay hằn học.
Có
lẽ chính điều này đã giữ cho tâm hồn ông được
thăng bằng, bởi trong bút kỹ đã dẫn, ông trích lại
vài trường canh trong ca khúc của Phạm Duy ẩn hiện đâu
đó trong ký ức ông. Đó là những ca từ và giai điệu
đẹp để cuộc đời này đẹp hơn chút, trên đống
hoang tàn đổ nát: “Buổi sáng nay thức dậy, nghe tin
em gục ngã nơi chiến trường, nhưng trong vườn anh, đoá
trà mi vẫn nở thêm một đoá, tôi vẫn sống tôi vẫn ăn
và tôi vẫn thở… biết bao giờ…”.
Viết
về Dương Nghiễm Mậu lúc này giống như đang ngồi trước
tủ sách trống rỗng của ông: Một nỗi niềm xót xa cay
đắng của một nhà văn luôn đặt trách nhiệm về thiên
chức và nhân cách lên hàng đầu, như là điều xác tín:
“Với riêng tôi, nhìn lại quá
khứ từ 15 năm trở lại đây tôi có thể hài lòng để
nghĩ rằng mình đã làm hết, đóng góp hết những gì có
thể làm, có thể đóng góp. Lập trường dứt khoát của
tôi đã hơn một lần được xác định trên những giòng
chữ viết. Ở đó bao hàm một phấn đấu không cùng”
(trả lời trên Thời Tập).
Tôi
nhớ trên tuần báo Khởi Hành năm 1969, đã đặt câu hỏi
về những suy nghĩ của nhà văn về tuổi 20, ông đã nói,
đại ý: “Với lương tri…
người trẻ tuổi nào cũng mong tìm thấy cho mình và cho
mọi người một đời sống đáng sống. Bộ mặt thực
của thế hệ 20 ở Việt Nam năm 1969 không phải do cái bề
mặt giả hình của nó, mà nhiều người trẻ tuổi khoác
lên mình hay người ngoài nhìn vào thấy. Có thể nói bộ
mặt đó bi quan nhưng rất tin tưởng”.
Còn
trên tuần báo Nghệ Thuật, khi đọc tác phẩm Đêm Tóc
Rối, Viên Linh đã có nhận xét: “Nhân vật của Dương
Nghiễm Mậu là những người trẻ tuổi bị đè nặng bởi
quá khứ về mặt tinh thần, và bởi tương lai về mặt
trách nhiệm… Nhân vật Dương Nghiễm Mậu là người tù
giam lỏng”.
Khoảng
năm 1972, trên tuần báo Khởi Hành có loạt bài thăm dò
độc giả bây giờ thích nhà văn nào, tại sao? Và tôi
nhớ có một độc giả viết như sau: “Về Dương
Nghiễm Mậu, ta bắt gặp hình ảnh của những kẻ sĩ bó
tay trong một xã hội băng rã. Phong thái nhân vật của
ông nửa anh hùng, nửa ăn cướp. Dương Nghiễm Mậu hiểu
được phần nào tâm trạng của những người trẻ tuổi
ưa suy nghĩ, thích hành động nhưng sớm chán nản trước
thời cuộc”.
Trước
1975, độc giả vẫn đón đợi ở ông những suy tư ray
rứt từ những nhân vật. Và bây giờ cũng vậy, đó là
lý do tại sao nxb Văn Nghệ (Sài Gòn) và công ty văn hoá
Phương Nam cho tái bản 4 tập truyện ngắn của ông (Đôi
Mắt Trên Trời, Cũng Đành, Nhan Sắc, Tiếng Sáo Người
Em Út) đã khiến thằng Gù
phải dở giọng cay độc như đã từng, hồi đầu những
năm 75,76: “Những tác phẩm
này giá trị ra sao, đa số bạn đọc sống ở miền Nam
trong thời chống Mỹ đều đã biết rõ. Bởi lẽ, những
quyển sách này không chỉ là các sản phẩm văn hóa mà
vốn là những vũ khí độc hại về mặt tinh thần…
…Hơn
ba mươi năm trôi qua, những thứ sản phẩm, gọi rằng
văn hóa, rất độc hại ấy đã được xếp xó cùng với
bao khối bom, mìn, súng ống đủ loại từng gây chết
chóc, thương tật cho những con người yêu nước và tưởng
rằng sự yên nghỉ ngàn thu của các sản phẩm như thế
là chuyện lịch sử đã an bài rồi. Và các tác giả - là
Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên - sống lại ở thành phố
này vẫn được đối xử bình đẳng, không hề gặp phải
bất cứ sự quấy phiền nào. Những nỗi khổ đau và
những sai lầm đã được xếp vào dĩ vãng, được khuyên
khép lại, quên đi để cùng nhìn vào thực tại, hướng
về tương lai…
…Vì
những lẽ đó, rất nhiều bức xúc, phẫn nộ của các
bạn đọc khi thấy Công ty Phương Nam ấn hành sách của
ông Dương Nghiễm Mậu. Các bạn đọc này gồm nhiều
thành phần: vị tướng đã từng xông pha trên các chiến
trường chống Mỹ, nhà giáo dạy văn, một cựu sĩ quan
quân đội, nhà thơ, nhà báo... Đem những vũ khí độc
hại ra sơn phết lại, rêu rao bày bán là một xúc phạm
nặng nề đối với danh dự đất nước” (SGGP số
ngày …/4/2007).
Đọc
lại những truyện ngắn trong 4 tập này, không biết thằng
Gù tìm ở đâu ra những dòng chữ và các nhân vật lẫn
lời thoại trong đó là những vũ khí độc hại về
mặt tinh thần… rồi thì: là một xúc phạm nặng
nề đối với danh dự đất nước.v.v. Thằng Gù chỉ
nói vu vơ mà không chỉ ra được độc hại và xúc
phạm danh dự đất nước nằm ở chỗ nào trong 4
tập truyện trên? Có phải vì trước đây, trên tuần báo
Nghệ Thuật (hay Khởi Hành?) có loạt bài phỏng vấn Độc
gải bây giờ thích nhà văn nào? Và thằng Gù thì không
có tên trong những nhà văn được độc giả ưa thích
nhất: Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Trùng Dương, Nguyễn
Đình Toàn, Viên Linh, Nhã Ca… nên ông cay cú mãi tới tận
ngày hôm nay? Hoá ra ông ta chỉ là tay chạy chợ, một kẻ
xum xoe theo lối chính trị hoá văn học giảo hoạt không
hơn kém!
Trong
khi đó, một cách công tâm, nhà phê bình văn học miền
Bắc Phạm Xuân Nguyên đã có cái nhìn sắc sảo của một
nhà phê bình chính thống, không vị nể, kiêng kỵ: “Đọc
văn Dương Nghiễm Mậu là đọc những trăn trở, hoài
nghi, lo âu, dằn vặt trước những hoàn cảnh có thể
biến con người thành chuột, hạ cấp nhân tính thành thú
tính (“Những chuột”), trước sự bạo hành của cái
ác có thể khiến con người dửng dưng với nỗi đau của
đồng loại (“Lấy máu”). Tính biểu tượng của truyện
“Những chuột” buộc người đọc từ hoảng sợ đến
thức tỉnh.
Đọc văn Dương Nghiễm Mậu là đọc những day dứt lựa chọn của người trí thức, người sĩ phu trước một hiện tại lịch sử: xuất xử hay hành tàng, hành động hay không hành động, hành động vì cái gì, hành động theo hướng nào. Cả tập Nhan sắc gần như có thể nói là được viết cho đường hướng tư tưởng này, bằng những truyện dã sử và giả sử. Từ Hải, Kinh Kha, Hồ Quý Ly, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huệ, Phạm Thái khi trở thành nhân vật của Dương Nghiễm Mậu đã được nhà văn đặt vào những tình thế lựa chọn, và họ đã phải lựa chọn theo cách của con người hiện đại muốn ở họ. Họ phải lựa chọn để không ngừng đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. “Phải sống. Sống không phải là nương theo những điều đã được định sẵn. Sống là tìm kiếm, lựa chọn, đương đầu...”, do đó, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về những quyết định của mình
Đọc văn Dương Nghiễm Mậu là đọc những tình cảm bình thường, giản dị, mà chân thành, xúc động, đưa đến những đồng cảm, sẻ chia giữa những con người cùng ở trong một tình thế sống (“Lời chúc cho kẻ phản bội”). Văn đó không hề hạ thấp con người, ngược lại, nó buộc mỗi người phải bận tâm với chính mình trong tư cách con người. (Phạm Xuân Nguyên, Truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu, Thể Thao & Văn Hoá, số ra ngày 13/4/2007)
Đọc văn Dương Nghiễm Mậu là đọc những day dứt lựa chọn của người trí thức, người sĩ phu trước một hiện tại lịch sử: xuất xử hay hành tàng, hành động hay không hành động, hành động vì cái gì, hành động theo hướng nào. Cả tập Nhan sắc gần như có thể nói là được viết cho đường hướng tư tưởng này, bằng những truyện dã sử và giả sử. Từ Hải, Kinh Kha, Hồ Quý Ly, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huệ, Phạm Thái khi trở thành nhân vật của Dương Nghiễm Mậu đã được nhà văn đặt vào những tình thế lựa chọn, và họ đã phải lựa chọn theo cách của con người hiện đại muốn ở họ. Họ phải lựa chọn để không ngừng đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. “Phải sống. Sống không phải là nương theo những điều đã được định sẵn. Sống là tìm kiếm, lựa chọn, đương đầu...”, do đó, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về những quyết định của mình
Đọc văn Dương Nghiễm Mậu là đọc những tình cảm bình thường, giản dị, mà chân thành, xúc động, đưa đến những đồng cảm, sẻ chia giữa những con người cùng ở trong một tình thế sống (“Lời chúc cho kẻ phản bội”). Văn đó không hề hạ thấp con người, ngược lại, nó buộc mỗi người phải bận tâm với chính mình trong tư cách con người. (Phạm Xuân Nguyên, Truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu, Thể Thao & Văn Hoá, số ra ngày 13/4/2007)
Tạm bỏ qua chuyện thằng Gù, chúng ta hãy trở lại câu hỏi: Tại sao độc giả lại thích truyện Dương Nghiễm Mậu? Vì khoảng trước năm 1963, như lời kể của Mai Thảo trên tạp chí Văn, Caliornia số tháng 12 năm 1984 thì thiên truyện đầu tay của Dương Nghiễm Mậu gửi đến toà soạn (không nói rõ tạp chí nào) và bị vất bỏ. Mai Thảo nhặt được, đọc nó và cho đăng (trên Sáng Tạo?). Thiên truyện này được Võ Phiến nhắc lại trong bộ Văn Học Miền Nam có tựa Rượu Chưa Đủ: “Chuyện xảy ra ở một thành phố… Nhân vật chính thường ngày đến công viên, gặp người này người nọ, làm chuyện nọ chuyện kia .v.v., công viên nào vậy? Tác giả không thèm đặt cho những nơi chốn đó lấy một cái tên” (Võ Phiến, VHMN, trg 709).
Cũng
theo những tiết lộ của Võ Phiến, trong những truyện
ngắn đầu tay và những tập truyện xuất bản đầu tay
như Cũng Đành, Gia Tài Người Mẹ… độc giả chừng như
không mặn nồng đón đợi gì nhiều ở ông, có lẽ do
cách viết “không giống ai” ở ông. Dương Nghiễm Mậu
chấp nhận điều này, xem như một lối đi riêng của
mình và buộc độc giả phải chấp nhận. Quả vậy, độc
giả đã “đầu hàng” và dần hồi tìm thấy ở ngòi
bút của ông một phong cách riêng, rất độc đáo, không
lẫn với văn phong của ai khác; ngay chính trong nội dung
và những vấn đề ông đặt ra cho từng nhân vật nhận
lấy trách nhiệm, hành động cùng những suy tư cũng kiến
độc giả phải “giật mình”. Nói giật mình, bởi ông
đứng hẳn về phía cái mới, từ cấu trúc ngôn ngữ,
xây dựng nhân vật để chuyển tải những nội dung ông
đặt ra, thường là những câu hỏi “không hỏi”, để
cho người đọc tự xoay xuể, tìm câu trả lời theo cách
riêng của từng người. Ông chỉ đặt ra các vấn đề
mà không giải quyết vấn đề? Về vấn đề này, trên
Bách Khoa số 154 ngày 1.6.1963, Đặng Tiến có nhận xét:
“Tất cả các nhân vật của Dương Nghiễm Mậu đều
nghèo túng. Xã hội của Dương Nghiệm Mậu là xã hội bị
chiến tranh tàn phá, ở đâu cũng còn vết tích của rạn
vỡ: Trong thành phố, trên cơ thể, trong tâm hồn. Một xã
hội con lạc cha, vợ lạc chồng, anh em hầm hè nhau như
hổ đói, người với người xem nhau như súc vật. Nhưng
truyện của Dương Nghiễm Mậu không phải là truyện xã
hội…, Vấn đề đặt ra ở đây, không phải là làm thế
nào mang lại cơm áo cho những người đói rách, nhưng vấn
đề là tạo ta trong mỗi người đang đói rách một ý
thức về những giá trị siêu việt trầm tích trong tâm
hồn họ… Vấn đề ở đây là một vấn đề siêu hình,
thuộc về định mệnh ” (Võ Phiến, sđd, trg 708).
Điều
mà nhà phê bình Đặng Tiến nhìn thấy ở Dương Nghiễm
Mậu cách đây non nửa thế kỷ có lẽ khá chính xác đối
với toàn bộ tác phẩm của nhà văn Dương Nghiễm Mậu,
bởi sau 1975, ngoài thời gian bị tù đày, làm sơn mài
kiếm sống, hầu như ông không viết gì, hiếm khi tiếp
xúc với những “kẻ lạ mặt”. Duy nhất độc giả
chỉ mới được đọc tập truyện vừa ở dạng ebook
trên mạng có tựa Lênh Đênh Trên Cửa Thần Phù và ở
đó, trong truyện này, ông cũng đã tạo ra trong mỗi
người đang đói rách một ý thức về những giá trị
siêu việt trầm tích trong tâm hồn họ. Cũng lại là
vấn đề siêu hình và thuộc về định mệnh!
Cái
định mệnh khốc liệt ấy, không phải do ông tạo ra,
ông không có quyền dựng lên. Nó chỉ là cái hiển nhiên
của xã hội đã đẻ ra nó, để những đứa con xác xơ
Chí Phèo bị quăng ra giữa đời, để những Xuân tóc đỏ,
những chị Dậu… buộc phải hiện hữu trong thời hiện
đại rất đỗi ma quỷ. Thời đại đang có sự lẫn lộn
giữa thiện và ác, giữa quỷ và người. Và ông, với
thiên chức của nhà văn đã ghi lại trung thực.
Điều
đáng tiếc duy nhất ở phía người đọc trong nước bây
giờ, giống như tủ sách trống không của ông, chúng ta
không còn có quyền giữ lại một tác phẩm nào của các
nhà văn miền Nam để nhẩn nha đọc lại, để có cái
nhìn chính xác hơn về nhân vật, về nội dung sau bao
nhiêu năm bị đóng kín sau “khung cửa hẹp”. Dẫu không
còn tác phẩm trong tay, nhưng những gì chúng ta đã được
đọc trong 21 tác phẩm ông để lại cho đời là những
dự báo, là những cơn đau quặn thắt cho mỗi chúng ta,
những người còn chút lương tri, dẫu ở trong hay ngoài
nước, như blog Bút Chì đã viết, được Dân Luận trích
đăng và dẫn sau đây:
“Em
lớn lên, em nhìn xung quanh, em học và suy nghĩ, có bao giờ
em nhìn thấy gì, nghe thấy gì ngoài những băng rôn khẩu
hiệu khoa trương trống rỗng, những lời lẽ sáo mòn vô
nghĩa, những bài học khô khan buồn ngủ? Em lớn lên, em
xem ti-vi và đọc báo, em có bao giờ thấy những con người
béo tốt đang tự giao cho mình trọng trách cầm lái cho
đất nước dám đứng lên nói một cái gì không cần cầm
mảnh giấy, nói một cái gì không làm em buồn ngủ, nói
một cái gì mới trong suốt từng ấy năm? Và giả như có
lúc nào họ nói không dùng giấy, hoặc thậm chí nói với
sự chuẩn bị kĩ lưỡng trước khán giả nước ngoài,
có phải em sẽ nhận ra ngay sự ngu dốt, ấu trĩ, độc
ác và chết chóc trong từng hơi họ thở? Làm sao em có
thể mơ đến việc họ có thể kể cho em nghe về những
hy sinh mất mát của tiền nhân, về những khó khăn đau
khổ của hiện tại, về việc tiếp nối một truyền
thống nào và hướng đến một tương lai ở đâu. Không,
họ không kể với em gì cả. Họ luôn xuất hiện chớp
nhoáng sau những chiếc mặt nạ rồi nhanh chóng lủi đi
mất”
Tôi
không dám chắc chủ blog này đã có đọc Dương Nghiễm
Mậu hay chưa? Nhưng hơn hết, có lẽ anh (chị) chủ blog
này thuộc thế hệ trẻ, thế hệ có lương tri, có suy
nghĩ, thao thức, dằn vặt về vận mệnh dân tộc. Những
ray rứt trên kia, có phần nào giống với các nhân vật
của Dương Nghiễm Mậu từng băn khoăn, ray rứt và bất
lực?
Và,
ông Mậu bây giờ cũng có những chiếc mặt nạ ma quỷ,
nhưng không phải để treo lên tường như một cách làm
dáng thường thấy ở loại nhà văn rởm, cung đình, mà
làm ngay trên mặt ghế đẩu, bằng sơn mài để ông ngày
ngày kê đít lên, bạn bè tới thăm kê đít lên.
“Dù
vũ trụ có đè bẹp con người, con người vẫn lớn hơn
những gì đã huỷ diệt nó. Người ta nhớ lại câu nói
đó của Pascal khi đọc Dương Nghiễm Mậu” (Đặng Tiến,
Vị trí con người dưới mắt Dương Nghiễm Mậu, Bách
Khoa số 154).
hững
nhân vật của Dương Nghiễm Mậu, kể cả chúng ta đang
bị “đè bẹp” và chúng ta “vẫn lớn hơn những gì
đã và đang huỷ diệt nó”.
Đó
là thái độ của kẻ sĩ.
Sống
tự do hay là chết.
Đó
là cách chọn lựa của kẻ sĩ bất lực!
(Udon
Thani tháng 12/2012)