văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, April 3, 2013

Văn Quang * Bắn giết ngư dân Việt Nam, Trung Quốc cho là hợp lý!



Trước những hành động man rợ và những câu trả lời hỗn xược đầy tính du côn thách thức của Trung Quốc, Việt Nam sẽ làm gì?
Đó là một câu hỏi của hầu hết người Việt Nam trong lúc này. Bởi không thể phủ nhận một thực tế là Hải Quân Việt Nam bây giờ còn yếu trước sức mạnh của Trung Quốc. Và cũng vịn vào sức mạnh ấy, Trung Quốc nghênh ngang, tàn bạo đối với tàu thuyền của Việt Nam trên biển Đông. Nhưng không phải bất cứ một quốc gia hùng mạnh nào cũng nhe nanh múa vuốt toan tính nuốt chửng những nước láng giềng. Như thế thì còn gì là công pháp Quốc Tế, làm gì còn là lương tâm, còn gì là nhân loại, làm sao mơ đến chuyện hòa bình trên toàn thế giới này. Con người chỉ biết tranh giành cắn xé lẫn nhau, con mạnh ăn thịt con yếu thì chỉ còn là loài dã thú!
Dân đã sẵn sàng hy sinh cho danh dự tổ quốc
Người Việt Nam chúng ta, qua bao thăng trầm trong lịch sử, đất nước hàng ngàn năm đô hộ giặc Tàu rồi cũng vùng dậy, đòi quyền sống, quyền tự do cho dân tộc của mình. Đó là tinh thần bất khuất của dân Việt, hẳn Bắc Kinh vẫn chưa quên. Lúc này chính là lúc tinh thần quật cường bất khuất đó trỗi dậy mạnh mẽ. Tung Quốc đừng dại dột thử lòng yêu nước của dân tộc Việt.
Nhưng nói thế chưa đủ, phải chứng tỏ bằng hàng động thiết thực hơn, phải bằng mọi cách ngăn chặn ngay bàn tay máu man rợ của kẻ thù.
Phản đối không xong, hội nghị này hội nghị kia, đề nghị đàm phán song phương, đa phương đều chẳng mang lại mảy may kết quả nào, vậy cách cuối cùng là gì? Chỉ còn cách chống trả, quyết liệt chống trả. Còn một người cũng đánh, thua cũng đánh, đánh tới cùng, đánh cho chúng phải lập tức ngưng ngay những hành động tàn ác của chúng lại. Không ai muốn chiến tranh, nhưng giặc đến nhà cướp bóc, chém giết chủ nhân, không đánh trả chỉ còn mỗi việc là xin làm nô lệ.
Hãy tự hỏi, bọn xâm lược TQ còn điều gì tàn ác, man rợ nhất đối với người Việt Nam mà chúng chưa làm? Từ tẩm độc thực phẩm đến phá hoại kinh tế ngấm ngầm bao lâu nay tại nông thôn, xuất cảng lao động sang Việt Nam, phá hoại đời sống của người dân từ biên giới đến đất liền, tấn công giết người cướp của tại vùng biển Việt Nam... Chúng đã buộc người Việt Nam phải xả thân chiến đấu chống lại.
Thưa bạn, đó cũng là ý nghĩ trung thực nhất của mọi người dân Việt Nam hiện nay. Có thể họ không nói thành lời, nhưng từ trong tận cùng ý thức của người dân là như thế. Tuy nhiên, cụ thể Việt Nam sẽ phải làm gì, người dân vẫn còn chưa biết, còn chờ đợi vào chính phủ. Hơn bao giờ hết, người dân Việt đã rất sẵn sàng hy sinh tất cả để giữ gìn giang sơn, nêu cao danh dự của dân tộc, bảo vệ đời sống của hơn 80 triệu dân.
Trong bài tuần trước, tôi đã tường thuật về “Trung Quốc ngày càng hung hãn trắng trợn hơn tại biển Đông” thì ngay đầu tuần này, Trung Quốc lại hung tợn, tàn bạo hơn, chúng đã bắn tan hoang tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Có lẽ nhiều bạn đọc đã biết tin này, nhưng tôi không thể không lên tiếng, ở đây tôi tường thuật chi tiết hơn và vạch trần những toan tính cùng hung cực ác của bọn “tân thổ phỉ” này, cùng những câu trả lời hống hách đểu cáng của chúng sau khi bị phản đối vì bắn bừa bãi vào tàu các của ngư dân Việt Nam.

Chạy trối chết tránh hai gọng kìm của tàu sắt Trung Cộng
Trong lúc hành nghề khai thác thủy sản ở vùng biển Hoàng Sa, ngày 20/3, tàu cá của ông Bùi Văn Phải quê ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi bị tàu của Trung Quốc rượt đuổi và nổ súng
Thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh kể lại: Ngày 28-2, chiếc tàu QNg 96382 TS (105CV) cùng 9 ngư dân xuất bến hướng ra Hoàng Sa đánh bắt. Đến ngày 13-3, khi các ngư dân đang lặn ở đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thì bị 2 tàu sắt màu trắng của Trung Quốc mang số hiệu 262 và 263 uy hiếp. Ngay lập tức, các ngư dân lên tàu nhổ neo bỏ chạy. Thế nhưng, do tàu của ngư dân công suất nhỏ, 2 tàu sắt nhanh chóng đuổi kịp và “kẹp” vào giữa rồi dùng vòi rồng xịt vào mạn tàu.
Anh Thạnh kể, “Cố nhấn ga, luồn lách, tàu cá của chúng tôi mới thoát được gọng kìm của 2 tàu sắt và bỏ chạy. Khi ra cách đảo Linh Côn khoảng 6-7 hải lý, 2 tàu Trung Quốc mới không đuổi nữa.”

Lần thứ hai chạy không thoát, bị tàu TQ chặn đầu và liên tục nã đạn
Chiều cùng ngày, tàu QNg 96382 TS tiếp tục quay trở lại đảo Linh Côn đánh bắt. Vì tàu đi nghề lặn, không gặp được luồng cá nên tàu anh Thạnh phải ở lại nhiều ngày sát đảo Linh Côn. Đến khoảng 10 giờ ngày 20-3, khi 9 ngư dân đang lặn ở đảo Linh Côn lại phát hiện tàu tuần tra màu trắng của Trung Quốc mang số hiệu 786 tiến lại gần.
Cũng giống lần trước, anh Thạnh bất chấp nguy hiểm, vội kéo các ngư dân đang lặn ở dưới đáy biển lên nhưng vẫn không cho lên khỏi mặt nước (vì đang lặn ở dưới sâu kéo lên đột ngột dễ dẫn đến tử vong) và nhổ neo cho tàu chạy chậm để đối phó. Khi đó, tàu Trung Quốc vượt lên phía trước, ép đầu tàu của các ngư dân và bắn liên tiếp 4 phát súng vào tàu khiến anh em đi trên tàu hoảng loạn. Trước tình thế bất lợi, anh Thạnh ra lệnh mọi người ra phía mũi tàu, còn anh và một ngư dân ở lại cabin để điều khiển tàu và gỡ thiết bị máy dò định vị giấu đi.
Bị trúng đạn từ tàu Trung Quốc, cabin bốc cháy dữ dội, để lộ ra bốn bình gas lớn. Sợ bình gas phát nổ, các ngư dân trên tàu lao vào dùng nước biển dập lửa. Sau khoảng 30 phút, lửa trên tàu được dập tắt nhưng toàn bộ áo quần, mền, chiếu của ngư dân bị cháy rụi. Lúc này, tàu Trung Quốc cũng bỏ đi.
Ngư dân Lê Thu, đi trên tàu, kể thêm, “Khi tàu Trung Quốc đuổi theo và kẹp mạn tàu cá, một số lính trên tàu lăm lăm tay súng không nói không rằng liên tục nã đạn, mặc cho lúc đó anh em chúng tôi đã tập trung trên mũi tàu.”

Hành vi giết người vô cùng nham hiểm
Bạn đọc Tư Đào phân tích, “Ngoài việc ngang ngược cố hữu, Trung Quốc còn thể hiện là một quốc gia hết sức nhẫn tâm và vô nhân đạo. Tàu tuần tra của họ trang bị hỏa lực đầy đủ và thản nhiên bắn thẳng vào tàu đánh cá của ngư dân không một tấc sắt, trong khi chín ngư dân đang ngậm ống thở lặn sâu dưới làn nước biển. Đây là hành vi giết người thực sự vì chỉ cần tàu đánh cá chạy nhanh thì những ngư dân đang lặn sẽ bị mất ống thở hoặc trồi lên nhanh quá sẽ bị chết hoặc nghẽn máu não gây tàn phế. Với những quốc gia có một chút lòng nhân đạo thì chắc chắn tàu tuần tra của họ sẽ không có hành động độc ác như thế.”

Tàu và máy bay Trung Cộng thường xuyên truy đuổi bắn phá, cướp phá tàu cá Việt Nam
Vụ truy đuổi và bắn tàu cá Quảng Ngãi vào ngày 20-3 không phải là hành động đơn lẻ của Trung Quốc. Theo Hội Nghề Cá Việt Nam, trong hai tháng đầu năm nay thôi, Trung Quốc đã gia tăng việc cản trở, xua đuổi tàu cá của Quảng Ngãi với ít nhất 5 vụ nghiêm trọng được báo cáo.
Trưa 28-1, một tàu cá khác của Quảng Ngãi cũng bị tàu của Trung Quốc bắn vào cabin làm vỡ hai tấm kính và cháy quần áo của thuyền viên. Các ngư dân bị cướp 200 mét dây câu và đuổi ra khỏi khu vực Hoàng Sa. Nhiều tàu cá khác bị tàu Trung Quốc, thậm chí cả trực thăng, rượt đuổi.
Hội Nghề Cá cho biết, khác với việc bắt giữ như các năm trước, tàu Trung Quốc chuyển qua các hành động vũ lực. Khi đến sát được tàu cá Việt Nam thì cướp, phá tài sản... Từ đầu năm nay, khu vực Hoàng Sa bị Trung Quốc phá sóng nên các máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh (GPS) không thể liên lạc được với các trạm bờ nên không phản ánh kịp thời tình hình đang xảy ra.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết sau khi biết được thông tin hai trường hợp tàu cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc ngăn cản đánh bắt hợp pháp trên quần đảo Hoàng Sa. Ngoài tàu ông Phải còn có tàu của ông Dương Văn Giàu (ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn) bị tàu Trung Quốc quấy phá, ngăn chặn.
Cũng theo một số ngư dân ở Bình Châu, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi, việc tàu cá Trung Quốc dùng súng bắn gây cháy tàu cá của ngư dân khi đang đánh bắt hợp pháp ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã xảy ra từ lâu và nhiều trường hợp.
Ngư dân Đặng Tằm (ở tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) cho biết vào đầu năm 2013, khi tàu của ông đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu tuần tra của Trung Quốc uy hiếp và bắn cháy. Khi trở vào đất liền, tàu của ông Tằm vẫn còn dấu vết của viên thuốc cháy xoáy vào thành tàu, để lại một lỗ sâu hoắm.
Ngư dân Bùi Văn Phải kiên quyết nói, “Bây giờ ra Hoàng Sa khó làm lắm, phải cử một người ngồi trên nóc tàu quan sát như radar để canh tàu Trung Quốc tới. Nhưng dù thế nào đi nữa anh em tôi vẫn không bỏ biển Hoàng Sa.”
Tính ra từ đầu năm đến nay có 20 vụ tàu cá của Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc ngăn cản, bắn phá khi đang hành nghề ở Hoàng Sa. Hành động dùng vòi rồng, đạn lửa bắn cháy tàu cá đã diễn ra từ lâu...
Theo các ngư dân, hiện ở ngư trường Hoàng Sa, Trung Quốc có khoảng 25 -30 tàu gồm nhiều lực lượng như kiểm ngư, tuần tra, hải giám đang ráo riết hoạt động, thường xuyên uy hiếp, tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Công hàm phản đối và đòi bồi thường của chính phủ Việt Nam
Ngày 25-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc tàu nước này uy hiếp, bắn cháy tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo ông Lương Thanh Nghị, đây là sự việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Ông Nghị nói, “Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.”
Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Mỹ Patrick Ventrell, cho biết Washington rất “quan tâm” và đang tìm hiểu thêm thông tin về sự việc. Nhưng ông nhấn mạnh, “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay áp bức” trên Biển Đông.

Công hàm của Việt Nam được trả lời như thế nào?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chối bỏ việc tàu nước này bắn cháy cabin tàu cá Việt Nam. Người phát ngôn Hồng Lỗi trắng trợn khuyến cáo, Việt Nam cần yêu cầu ngư dân tránh vào vùng biển của Trung Quốc.
Họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc thẳng thừng tuyên bố rất ngang ngược, “Phản ứng của cơ quan chức năng của Trung Quốc trước một tàu cá bất hợp pháp của Việt Nam là đúng đắn và hợp lý.”
Ông này còn ngang nhiên nói rằng, “Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam tiến hành các bước nghiêm túc nhằm cải thiện việc giáo dục và quản lý ngư dân để tránh các hoạt động trái phép như vậy.”
Tuy vậy, người phát ngôn Trung Quốc lại từ chối trả lời các câu hỏi liệu có hay không việc tàu Trung Quốc bắn vào tàu cá Việt Nam và liệu tàu Trung Quốc có phải tàu chiến hay không.

Trung Quốc lớn lối, đe dọa hỗn xược thẳng thừng
Xinhua còn đưa tin, tàu Ngư Chính 46012, thuộc biên chế Tổng Đội Giám Sát Hải Dương và Nghề Cá Tỉnh Hải Nam, sáng 26-3 bắt đầu rời cảng Hải Khẩu để tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, điểm nóng về tranh cãi chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc, trên Biển Đông.
Chuyến đi lần này của tàu Ngư Chính được lên kế hoạch kéo dài đến ngày 13-4, với nhiệm vụ chủ yếu là tuần tra tại khu vực bãi cạn mà Phi Luật Tân gọi là Scarborough còn Trung Quốc gọi là Hoàng Nham trên Biển Đông.
Chuyến đi nhằm bảo vệ cái gọi là “chủ quyền và quyền hàng hải của Trung Quốc, tăng cường quản lý đối với bãi cạn, xử lý các tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải và nghề cá, đảm bảo an ninh sản xuất cho khu vực bãi cạn.”
Ngô Tráng, cục trưởng Cục Ngư Chính Nam Hải thuộc Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc, nói, “Đây là lần đầu tiên Tổng Đội Giám Sát Hải Dương Và Nghề Cá Tỉnh Hải Nam thực hiện nhiệm vụ tại bãi cạn Hoàng Nham, quãng đường rất dài và đối diện với nhiều tình huống phức tạp trên biển.”
“Trong khi tuần tra, nếu phát hiện các nước láng giềng có hành động xâm phạm lãnh hải và nghề cá thì sẽ tiến hành các biện pháp mạnh, nếu cần thiết có thể lên tàu lục soát hoặc bắt giữ.”
Ngô Tráng cho biết thêm tàu Ngư Chính 46012 có lượng rẽ nước 576 tấn, từng được điều tới Biển Đông và nhiều lần đuổi các tàu nước ngoài đi vào vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải của mình. Còn lực lượng của Cục Ngư chính Nam Hải có nhân sự hơn 4,000 người. Năm nay ngoài việc lưu tâm đến bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, đá Vành Khăn, lực lượng sẽ tăng cường tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vịnh Bắc Bộ.

Diễu võ dương oai sức mạnh của kẻ cướp
Trong khi đó Hải quân Trung Quốc lại khoe sức mạnh bằng việc bắt đầu cuộc diễn tập xa bờ trên Biển Đông và khu vực tây Thái Bình Dương với 4 tàu chiến hạng nặng.
Đội hình tham gia cuộc “diễn tập” này gồm 4 tàu chiến, 4 máy bay trực thăng và một tàu đệm khí. Tàu hộ tống Hoành Thủy 572 và tàu đổ bộ 999 Tỉnh Cương Sơn đậu tải quân cảng Tam Á trước khi thực hiện diễn tập xa bờ.
Cuộc tập trận còn có sự tham gia của tàu hộ vệ đạn đạo Lan Châu 170 và Ngọc Lâm 569 cùng 3 nhóm lực lượng, diễn tập tác chiến, bảo vệ và phản ứng nhanh trên biển.
Các tàu của Trung Quốc và với Phi Luật Tân đối đầu tại bãi cạn Scarobrough/Hoàng Nham trong nhiều tháng hồi năm 2011, căng thẳng do tranh chấp chủ quyền vẫn kéo dài đến nay. Đầu năm nay, Manila đưa tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Phi Luật Tân thể hiện mong muốn hội đồng trọng tài sẽ coi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp là sai trái.
Tuy nhiên, Trung Quốc bác bỏ vụ kiện và cho rằng nước này và từ chối cử đại diện đến tòa án trọng tài quốc tế.
Có lẽ Việt Nam cũng phải đưa Trung Quốc ra tòa án Quốc Tế. Nhưng nếu quốc tế chưa hay không có phản ứng gì hữu hiệu, Trung Quốc vẫn cướp bóc, nổ súng vào tàu cá của ngư dân Việt thì sao? Chờ được vạ má đã xưng. Việt Nam phải tự bảo vệ trước đã.

Cướp bóc bắn phá là hợp lý: Lộ mặt nguyên hình kẻ cướp
Rõ ràng Trung Quốc đã lộ mặt “côn đồ”, bất chấp lý lẽ, coi thường các nước láng giềng để thực hiện mộng bá quyền ở Biển Đông. Một tên cướp lộ nguyên hình, công khai cho rằng việc cướp bóc là “đúng đắn và hợp lý” thì chẳng còn gì để đàm phán nữa!
Tâm nguyện của người dân Việt Nam lúc này là cần phải có hành động cương quyết cứng rắn đáp trả những hành động tàn ác và tuyên bố ngang ngược của tên láng giềng thâm độc. Hải Quân Việt Nam và những lực lượng bảo vệ biển của Việt Nam đã đến lúc phải vào cuộc bảo vệ được tính mạng và tài sản của người dân. Hãy noi gương tiền nhân: thua cũng đánh, còn một người cũng đánh.

Chừng nào còn sống, tôi còn ra Hoàng Sa
Hãy nghe một ngư dân tỏ rõ quyết tâm của người sống chết với biển đảo quê hương. Ông Đặng Tự (40 tuổi, ở tại thôn Châu Thuận, xã Bình Châu) nói, “Thời điểm này ra Hoàng Sa sẽ gặp nhiều tàu Trung Quốc cản trở, bắn phá nhưng đây là ngư trường của ông cha để lại, nếu không ra thì sẽ mất. Với lại, biển của mình, sao phải sợ!”
Ông Tự đã trải qua không ít hiểm nguy, thậm chí bị phía Trung Quốc nhiều lần bắt, đánh đập, phá sạch ngư cụ nhưng ông luôn tâm niệm, “Biển Hoàng Sa đã gắn bó với máu thịt của mình rồi, không thể dứt bỏ được.” Theo ông Tự, ra Hoàng Sa trước hết là để đánh bắt, sau đó bảo vệ ngư trường, biển đảo. Ông dứt khoát bày tỏ, “Chừng nào còn sống, tôi còn ra Hoàng Sa.”
Ngư dân quyết tâm bám biển Hoàng Sa bởi vùng biển là của mình. Đừng để người dân hỏi: Khi chúng tôi bị tàu Trung Cộng cướp bóc, bắn giết, cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng biên phòng, tàu tuần tra của Việt Nam ở đâu?

Văn Quang