văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Saturday, April 20, 2013

Đỗ Hồng Ngọc * Thư gởi bạn xa xôi,


(tặng TVL, NM…)

* Hôm 12.4 được tin nhà thơ Hoài Khanh phải vào cấp cứu ở bệnh viện Đà Nẵng vì tai biến, mình đã phone ngay cho Bs Huỳnh Kim Hơn để nắm tình hình.
Không ai rõ tình hình Hoài Khanh bằng bs Hơn, vì lần nào về Quảng Nam, anh đều ở chơi nhà Bs Hơn ở Hội An dài ngày. Đêm hôm trước đó, Hơn nói đi chơi khuya về, café cà pháo mãi một lúc bỗng Hoài Khanh ú ớ rồi ngã vật xuống. Bs Hơn đưa anh vào bệnh viện Hội An cấp cứu, rồi chuyển ngay về BV Hoàn Mỹ ở Đà Nẵng. Anh còn tỉnh, chỉ yếu liệt nửa người trái. Lâu nay HK vẫn bị cao huyết áp (220/110 mmHg), khi lên khi xuống, mà không dùng thuốc đều đặn. Anh bị nhũn não (chứ không phải xuất huyết não). Năm nay Hoài Khanh đã 82, sức khỏe cũng có phần yếu. Sau đó, mình cũng đã liên hệ với Lâm, con trai anh HK để biết thêm chi tiết.
Hôm qua thì bệnh tình Hoài Khanh khả quan hơn, tỉnh táo, nhưng còn bị viêm phổi, trên cơ địa bệnh lao cũ. Sáng nay bs Hơn cho biết đã bớt sốt, nhưng vẫn còn nhiều đàm. Bơm ngày 6 cữ thức ăn qua ống sonde vào dạ dày, ba bữa chính với ba bữa gạo lứt mè đen.
Nói chung tiến triển tốt.

  • Quán Văn 14: số đặc biệt Đinh Cường
THIỆP MỜI
Quán văn số 14
ra mắt lúc 9 giờ ngày Chúa nhật 21-4-2013
tại CHIÊU CÀ PHÊ – SÁCH
169A Ba Vân – P. 14 – Q. Tân Bình – Sài Gòn

Nói đến Quán Văn không thể không nhắc Nguyên Minh, người phụ trách. Chưa thấy ai mê làm báo “văn học nghệ thuật” như Nguyên Minh. Thời trẻ, Nguyên Minh cùng nhóm bạn say mê làm tờ Ý Thức, nay tuổi đã ngoài 70, lại tiếp tục hăng say làm Quán Văn. Nhà văn Phan Triều Hải con Lữ Quỳnh nói phục mấy bác hết sức, thiệt là “lỳ lợm”!
Khi ra mắt Quán Văn số đầu tiên, manchette ghi “QUÁN VĂN Số 001”, Nguyên Minh bảo anh ghi “ba con số” là với hy vọng Quán Văn sẽ ra được ít nhất 999 số. Lúc đầu mỗi 2 tháng một kỳ, nay thì mỗi tháng một kỳ và có lúc chỉ mới vài ba tuần lễ đã thấy xuất hiện một số Quán Văn mới! Sức làm việc của một nhà văn “nhỏ con” như Nguyên Minh thật là đáng nể. Anh nói già rồi, làm mau mau đi chứ! Đâu có biết ngày nào!
Đến nay Quán Văn đã ra số 14, đặc biệt Đinh Cường, với tiêu đề “thi sĩ của hoài niệm” với nhiều bài viết của Huỳnh Hữu Ủy, Đỗ Long Vân, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Doãn Quốc Sĩ, Đặng Tiến…
Người ta biết nhiều đến Đinh Cường họa sĩ, mà quên Đinh Cường nhà thơ. Tranh của anh cũng toàn thơ. Mình nhớ thời khó khăn, năm 1984, Đinh Cường đã có một cuộc triển lãm tranh “bỏ túi chui” tại phòng mạch của bác sĩ Thân Trọng Minh ở quận 5. Mình và các bạn đều ngẩn ngơ trước những bức tranh nho nhỏ như thơ của ĐC. Lần đó, mình cũng “rinh” về được một bức, vẽ những gộp đá ở Đèo Cả và những con chim tung tăng… Năm 1993, khi mình đang ở Boston, phone nói chuyện với Đinh Cường ở DC, anh gởi liền mấy bức minh họa cho tập thơ mình, trong đó có “Đỗ Nghê qua trí nhớ”, kèm mấy dòng thư: “Mỗi lần đến thác Niagara, nhìn xuống vực sâu, moa chỉ muốn gieo mình xuống như câu hát của Trịnh Công Sơn: con diều bay cho vực thẳm buồn theo…”. Những lần anh về sau này thường có dịp gặp nhau, khi thì ở quán Faifo của Huy Tưởng, khi thì quán café gần Phòng tranh Tự Do của Sơn-Hà... Nhưng một kỷ niệm khó quên là hôm nọ, mình đến dự buổi ra mắt thơ ở nhà sánh PN, tình cờ ngồi gần một cô bé rất xinh, tóc thề dáng cũ, suốt buổi toàn nói về Đinh Cường mới lạ! Cô gọi mình bằng “chú” đầy… kính mến mà nhất định gọi Đinh Cường bằng anh thân thiết. Thì ra đã là nhà thơ thì không có tuổi!

* À mà này, bạn còn nhớ nhà thơ “quận chúa” Tôn Nữ Hỷ Khương không? Chị là tác giả của nhiều tập thơ từ hơn nửa thế kỷ nay, và có những câu thơ gần như đã trở thành ca dao mà người ta không còn nhớ tác giả: Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/ Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/ Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời… Những câu thơ mộc mạc như lời nói đó nhưng lại đã nói thay được cho bao nỗi lòng. Năm nay chị đã có tuổi và dĩ nhiên có… bệnh. Bệnh đủ thứ! Có ít nhất 4 bác sĩ đang chữa bệnh cho nhà thơ mà ai cũng quý mến. Cách đây vài tháng, chị đột ngột bị điếc tai phải. Chữa khắp nơi, vào ra bệnh viện, phòng mạch liên tục, rồi châm cứu, rồi tiêm thuốc qua màng nhĩ… Làm đủ các xét nghiệm huyết học sinh hóa tim mạch não bộ… các thứ!
Sau một thời gian vật vả như thế chị suy sụp thực sự, mất ăn mất ngủ, kêu ăn cái gì cũng như ăn đá! Thấy tình hình nghiêm trọng, mình đến thăm, xem xét kỹ toàn bộ bệnh án, tìm hiểu bữa ăn giấc ngủ, sự chăm sóc…: Các kết quả xét nghiệm đều nằm trong giới hạn bình thường. Chị kiệt sức vì lo lắng quá, sợ hãi quá, mệt mỏi quá, không chấp nhận mình… già, và tai hại hơn, ngoài gần 20 món thuốc của các bác sĩ, chị còn uống quá nhiều thứ thuốc bổ từ Pháp, Mỹ, Thụy sĩ bà con bạn bè thương mến gởi về… đến nỗi ăn cái gì cũng đều như… đá!
Chị kêu: Tôi mệt quá, tôi muốn chết...! Mình nói: Thế nào chị cũng chết mà! Đừng lo! Đã là người thì ai chẳng chết! Chị cũng U 80 rồi, già thì phải bệnh chứ! “Ai biểu già chi?”. Sanh lão bệnh tử chứ! Chị cứ uống cà đống thuốc bổ thế này, ăn làm sao vô được nữa. Tổng calori thu nhập chỉ có 300 calo, trong khi nhu cầu năng lượng của chị phải tối thiểu 1200! Kiệt sức là phải rồi, như xe chạy bằng nước lã vậy! Thuốc men đặc trị bác sĩ cho thì không nói làm gì, thuốc bổ, sữa bột các thứ làm sao còn có sự thèm ăn! Bỏ hết đi. Phở, hủ tiếu, bún bò Huế đi, chè hạt sen, chè đậu ngự đi… ! Còn cái vụ điếc? Cũng như mắt đã thay thủy tinh thể nhân tạo rồi, răng làm mới rồi… Cái gì xài lâu phải quá “date” chứ! Muốn mới hoài sao được!... Chỗ thân tình, mình mới dám làm một thôi một hồi như thế, và nghĩ anh chị Bá Thùy, Hỷ Khương sẽ vui, sẽ thay đổi … lối sống, hành vi!
Quả thật, tuần lễ sau, đã thấy chị vui, hẹn cafe bún bò Huế rồi! Dĩ nhiên, phải từ từ, chưa thể “đổi mới” nhanh chóng được.
Có bệnh thì phải chữa, nhưng cần chữa… toàn diện bạn ạ, chứ không thể chỉ chữa bằng thuốc là vậy!
Thân mến,

Đỗ Hồng Ngọc. - 20.4.2013