“Thầy thuốc là để cứu người.
Nhà văn là để cứu đời”
(Nglu)
Với hơn 30 tác phẩm đã xuất bản từ năm 1967 đến nay, gồm nhiều thể loại: Thơ, tuỳ bút, tạp văn, y học và cả Phật học… không biết nên xếp Đỗ Hồng Ngọc vào hàng ghế nào cho thật chuẩn. Nhà thơ, thầy thuốc, nhà nghiên cứu, nhà văn? Đối với ông, vị trí nào cũng chính xác. Bởi những gì ông viết, đã xuất bản và đến tay độc giả đều tròn đầy, khiến họ thích thú đến bất ngờ, vì ngoài cốt cách văn chương, những suy nghĩ của ông về các vấn đề xã hội, đời sống, không xa vời; nó gần gũi, quanh quẩn, ẩn núp đâu đó quanh ta mà ta chưa thể nhìn thấy; chỉ đợi khi ông viết lên, đọc lại, ta mới thấu lẽ, à lên một tiếng, vài ba tiếng, tùy theo tâm trạng mỗi người kèm với không gian, thời gian của người đọc: nó có đấy mà sao ta không thể nhìn thấy, ta không hề nghĩ ra được nhỉ? Những điều bình thường cũ rích, trong đời sống, qua ngòi bút của ông hoá ra quá đỗi mới lạ; nói theo ngôn ngữ Đỗ Hồng Ngọc là ngòi bút ông đã hoá giải, đã khải thị giúp ta từ những cách nhìn, nghĩ một cách hạn hẹp, quanh co cạnh ta thành rộng ra để ta “như thị”?
Từ những bài tuỳ bút cho đến thơ, ông không hề đùa cợt với chữ nghĩa, thổi phồng mọi sự vật… để nhắn gửi cho mọi người, cho mai sau. Ông cẩn thận quan sát những hiện tượng quanh mình, trong chính cuộc đời mình y như người thầy thuốc chẩn đoán căn bệnh cho bệnh nhân. Mà đúng vậy, ngay trong quyển Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (NTBTTTLTHT), La Ngà xuất bản năm 1972, ông đã giải mã những băn khoăn thắc mắc của lứa tuổi dậy thì, nào là phòng ngừa cận, viễn, loạn thị, trĩ, táo bón, đái dầm... bệnh biếng học cho tới những vấn đề tâm sinh lý thầm kín khó chia sẻ với cha mẹ... như thể tất cả những thứ tật bệnh ấy ông đã từng nếm trải, rồi tập hợp lại thành một kinh nghiệm sống cho các cô cậu ở tuổi học trò? Đã đành ông là bác sĩ nhi khoa, nhưng ngôn ngữ diễn đạt không phải là ngôn ngữ của một ông thầy thuốc khám bệnh, kê đơn mà là ngôn ngữ của một chàng nghệ sĩ vừa bóc tách sự thật trần trụi vừa xoa dịu nó bằng một thủ thuật của tiếng gió luồn lách trong những bụi tre buổi xế trưa. Hãy nghe ông viết về bệnh biếng học và cách điều trị: “... nếu có một ngày nào đó, em bổng nhiên thấy mình làm biếng kinh khủng, không còn muốn ngó ngàng gì đến sách vở, thì em hãy nghĩ ngay đến điều này: phải chăng em chán ngán sách vở, bài học vì đã “ứ” đến tận cổ? Vì trí óc em đã “saturé” không còn có thể nhồi nhét gì thêm... Tình trạng biếng học “cấp tính” này sẽ qua rất mau, với một thứ thuốc rất hiệu nghiệm – không phải là cà phê, trà lipton đâu nhé – mà là vứt sách vở đi, rong chơi ngoài đường một buổi chiều, câu cá cũng được, đá banh càng tốt... Sau đó ngủ một giấc cho đầy. Tỉnh dậy bảo đảm sẽ “ghiền” học trở lại”. (NTBTTTLTHT, trg 213-214, La Ngà, SG 1972).
Cũng trong tập này, ở chương 17, nói về Chiều cao, cân nặng, ông mở đầu còn hơn cả một đoạn thơ xuôi: “Tới một tuổi nào đó, ta quan tâm rất nhiều đến thân thể mình. Ta lắng nghe cơ thể mình phát triển như chú dế mèn lắng nghe tiếng cỏ mọc trong đêm khuya” (Sđd, trg 142). Điều này khiến người đọc không cảm thấy chán ngán, trái lại, tạo sự tò mò, dù tiếp sau đó là những con số thống kê, biểu đồ, toán học! Có đến 8 đầu sách ông viết cho tuổi mới lớn, mà quyển nào cũng bổ ích, cũng thiết thực trong đời sống của “lũ trẻ”.
Tôi đã nhận những quyển sách ông tặng về đề tài này và đọc. Đọc một mạch, đọc với bao điều thích thú và sau đó “té ngửa” ra rằng mình hồi nhỏ cũng có lắm điều sai phạm với chính cơ thể mình! Hèn chi ngay cả học giả Nguyễn Hiến Lê, trong một bài tựa cho quyển NTBTTTLTHT của Đỗ Hồng Ngọc, đã viết: “Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”.
Với những người bạn nhỏ, ông đã chăm chút như thể chúng là người ruột thịt, còn với người lớn thì sao? Ông cũng sẻ chia, đưa ra một vài nhận xét nho nhỏ nhưng lại chính xác đến từng li mét. Lướt qua những tập Già ơi… Chào bạn, Thư gửi người bận rộn hay Gió heo may đã về… người đọc sẽ thấy được tấm lòng chân thật của ông. Những điều ông viết ra, có thể đúng với người này, hơi đúng đúng với người kia và hơi sai sai với người nọ, vì cảnh sống có khác nhau, ý thích khác nhau, suy nghĩ không mấy giống nhau, nhưng tựu trung vẫn là những gì ta có thể nhìn thấy một chút hình bóng của chính mình ẩn hiện đâu đó trong từng câu, từng đoạn. Ngay từ lời ngỏ trong quyển Gió heo may đã về (nxb Văn Nghệ Tp HCM, SG 1997), ông đã có lời thưa trước: “Vậy, hỡi những người bạn yêu quý của tôi, xin hãy vui với những dòng chữ chân tình này, và nếu có bực mình thì cứ tự nhủ làm gì có, hù doạ đó thôi… còn nếu có bắt gặp hình ảnh chính mình trong những dòng chữ này thì cũng hãy mỉm cười mà thứ lỗi… Vì sáng hôm nay, một chút gió heo may đã về, những chiếc lá vàng đã rơi lác đác trên những con đường thành phố, một mùi gió bấc quen thuộc đã len vào giữa những hàng cây…” (Sđd, trg 7).
Ông viết những gì trong đó đến nỗi khiến ta phải “bực mình” hay “mỉm cười” khi mở từng trang sách? Thưa ngay, ông viết đủ điều, đủ loại, từ tâm lý, tình cảm đến vật chất, sinh lý.v.v. nghĩa là những “thứ” nó bắt đầu bám vào cái tuổi không còn “hườm hườm” mà đang trong thời kỳ “gió heo may đã về”, tức thị một phần tư chân ở bên mép “bất hoặc”, còn lại là những dấu hiệu sắp gặp gỡ, chung sống trong “thế giói đại đồng” dưới 3 thước đất! Cái thế giới ấy, nhìn chung rất hiếm người muốn gặp, dẫu là “đại đồng”, nhưng đọc để biết trước vẫn là điều hăm hở, thu hút; cũng chẳng phải vì tò mò mà, hơn hết là để biết đó có phải là sự thật hiển nhiên không. Tuổi “heo may” ấy, khốn nỗi không ai có thể cưỡng chống được. Phải chấp nhận như một qui luật tất yếu. Chúng ta hãy đọc thử một đoạn ngắn, khi ông cảm nhận một cách nhẩn nha mà thấu lý ở tuổi già cận kề: “Tuổi chớm già, ấy là tuổi của chuyển tiếp, của lúng túng, hoang mang, tuổi của những stress, của những lo âu và phiền muộn, của những mối hiểm nguy rình rập về sức khoẻ, về quan hệ gia đình, xã hội… dồng thời tuổi chớm già cũng là tuổi của thành tựu, của thành đạt… Cái người ta dễ thấy nhất là những thay đổi sinh lý: hết khả năng sinh sản, giảm đời sống tình dục. Rồi luyến tiếc dĩ vãng, nhớ cái thuở trẻ trung, cái thời nhan sắc. Một nỗi buồn man mác chợt đến dù không nói ra, dù gắng gượng quên đi…” (Sđd, trg 18).
Bạn không đồng ý với cách nhìn nhận về tuổi chớm già của Đỗ Hồng Ngọc ư? Sai sót chăng? Khiên cưỡng chăng? Trái lại và trừ phi các bậc thiền sư chân chính mới có phản biện, nhưng chưa hẳn đã là tuyệt đối. Nhưng để giải quyết một cách rốt ráo cho vấn đề vừa nêu trên, ông cũng chừa vài đoạn gọi là “lại quả”, ấy là: “Ở đàn ông còn thấy có hiện tượng “vùng lên”, vớt vát, tìm kiếm những cuộc tình dễ dãi, “bồ nhí”, “bia ôm”… để chứng minh chút nam tính còn sót lại của mình… Ở phụ nữ không phải là không có một giai đoạn gần như vậy, người ta vẫn thường gọi đó là tuổi “hồi xuân” (Sđd, trg 51).
Ngày trước đọc Bonjour tristesse của F. Sagan trong bối cảnh chiến tranh lan rộng, tàn khốc, là đọc để giải toả những phiền muộn qua nhân vật nữ, là một cô gái thông minh, hoà nhập vào nếp sống hiện đại, thời thượng mang nhiều yếu tố hiện sinh, buồn chán, nó biểu tỏ một thái độ của một cá nhân trước xã hội, rộng ra là thời đại. Nay được đọc Đỗ Hồng Ngọc, cũng “chào” nhưng lại là Già ơi… chào bạn, ở một thái cực khác: từ ngạc nhiên đến vui vẻ chấp nhận cái quy luật muôn thuở đến với con người một cách thanh thản, không thắc mắc, vướng bận. Có lẽ, do ông hiểu rất rõ những gì xảy ra với mình trong thời gian nằm ở bệnh viện An Bình sau khi mổ sọ não do tai biến mạch máu não, nên không băn khoăn đặt câu hỏi “tại sao” hay thế này thế nọ, như các nhà văn phương Tây. Đây cũng là thời kỳ ông “ngộ” ra lắm điều, dẫn đến việc ông nắm bắt được phần nào các bộ kinh Phật, đặc biệt là Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh và chuyển cái sự hiểu đó đến người đọc, dẫu cho có nhiều chỗ cần phải bàn lại. Nhưng cốt lõi, theo ông: “Tôi thấy nó phóng khoáng, nó “lật đổ” tất cả những quan niệm hẹp hòi, đố kỵ; nó có khả năng hoà đồng, khả năng giúp cho mọi người có trách nhiệm hơn với chính mình, thương người, thương cuộc sống, biết thưởng thức … cuộc sống với một chất lượng cao hơn… có hạnh phúc hơn; biết tha thứ, biết buông xả… nó có thể giúp cho những người đang mang mặc cảm tội lỗi thoát ra khỏi chính mình…” (Nghĩ từ trái tim, trg 8 nxb tổng hợp tp. HCM, SG 2003).
Trong chúng ta, những con người luôn chạy đua với áo cơm, mấy ai thấu triệt nghĩa lý Tâm Kinh chứ chưa nói là thực hành, mặc dù chỉ có vỏn vẹn 260 chữ?
Chỉ có vậy, không hơn, nhưng một khi đã “hành trì” vào Tâm Kinh, quán triệt nó đến tận cùng thì mới thấy vẻ đẹp uyên áo, những thâm hậu vi diệu của nó, bởi nó như một ngọn roi quất vào chỗ u nhược, làm đảo lộn mọi suy nghĩ hời hợt, phủ định mọi thành kiến về Phật, Thập nhị nhân duyên… như ông hiểu và nói ra.
Với Tâm Kinh thì, không phải để “tri” mà để “hành”. Nhưng “ hành” như thế nào để “đáo bỉ ngạn” là điều không phải ai cũng “hành’ được. Khó và khó vô cùng. Nơi ai cũng muốn đặt chân đến và bỏ chân ra là thiên đàng và địa ngục. Có hai thế giới này thật không, nó ở đâu? Từ chiếu kiến ngũ uẩn giai không, Đỗ Hồng Ngọc đã chỉ ra: “Niết bàn hay địa ngục là do ta tự tạo ra cho mình, nó ở ngay trong ta thôi: Giận dữ, ngờ vực, sợ hãi, lo âu… tiêu hao của ta rất nhiều năng lượng, đốt cháy ta từ tầng này đến lớp khác chẳng phải là hình ảnh của địa ngục ư? Còn niềm vui, an lạc, hạnh phúc, vô uý… làm ta như chấp cánh bay lên, quên cả thời gian, không gian, chẳng phải là hình ảnh của thiên đàng, niết bàn ư?” (NTTT, trg 132).
Đọc Nghĩ từ trái tim, gấp sách lại, ta thấy như mình vừa được kéo ra khỏi bóng tối lùng nhùng, đến nỗi GS. Trần Văn Khê cũng phải thốt lên: “Tâm kinh không chỉ đọc hiểu không thôi mà phải hành. Đỗ Hồng Ngọc nhờ tổng hợp được những yếu tố đó mà viết ra được quyển Nghĩ từ trái tim như thế này thì tôi cho đây là một tuyệt tác, nắm được tinh hoa của đạo Phật giảng ra một cách dễ hiểu, dễ dàng để cho người ta tìm thấy được mỗi chuyện làm ở trong đời…”
Những điều ở bên ngoài đời sống, Đỗ Hồng Ngọc đã một phần nhìn ra giá trị của cái tầm thường, như câu chuyện ngày trước, một nhà sư khi nhìn thấy núi, thấy sông vẫn cứ là núi là sông, sau nhờ có bậc tri thức khai mở huệ nhãn thì thấy núi chẳng phải núi, sông chẳng phải sông, đến lúc thể nhập chốn tĩnh mịch, u nhàn, lại thấy núi là núi, sông là sông. Nói chung là ông đã “như thị”.
GS. Trần Văn Khê đã đưa ra nhận xét: “Người bác sĩ này có cả tâm hồn hướng về con người nên đã viết cho trẻ con, cho những người già, người sản phụ, tìm hiểu căn bệnh để trừ bệnh, để giúp cho người ta bớt bệnh bớt khổ. Tâm tư đó là tâm từ đi tới bi. Người bác sĩ đó có được một tinh thần phóng khoáng, một tâm từ, còn là một nhà văn dí dỏm, một nhà thơ mộc mạc dễ thương nên hiểu được Tâm kinh như thế”.
Hoá ra và bởi vì Đỗ Hồng Ngọc có được một tinh thần phóng khoáng, một tâm từ, còn là một nhà văn dí dỏm, một nhà thơ mộc mạc dễ thương nên hiểu được Tâm kinh như thế. Vậy thì chúng ta thử bước vào thế giới văn chương của ông:
Ông làm thơ trước khi viết văn. Tôi đọc những bài thơ đầu tiên ông đăng trên Bách Khoa năm 1960, chưa hề đọc một truyện hay một tuỳ bút, đoản văn nào của ông, mãi cho tới tận sau này (Ông có một truyện ngắn duy nhất, tựa là Người Thứ Hai, đăng trên báo Mai, 1965, sau này in chung trong tuyển tập truyện ngắn Cuộc đi dạo tình cảm, cùng với Lữ Quỳnh, Lữ Kiều, Hồ Thủy Giũ… nxb Trẻ, 1998; nhưng tôi cũng chưa hân hạnh được đọc!). Nhưng dẫu ông có viết ở thể loại nào, thì câu văn vẫn cứ mượt mà chất thơ, kiểu “văn trung hữu thi” vậy.
Viết về Lữ Kiều, người bạn đồng môn của mình, Đỗ Hồng Ngọc có cái nhìn của một cụ đồ tài hoa: “Chàng nắn nót, nâng niu, đưa ngọn bút lông lên ngang tầm mắt, ngắm nghía từng sợi nhỏ, xoay tới xoay lui đôi ba bận một cách thuần thục mà ngập ngừng, rồi thè lưỡi liếm nhanh mấy cái như vót cho các sợi lông bút quấn quít vào nhau, cho nhọn hoắc lại như gom nội lực vào nhất điểm; rồi thận trọng, nhẹ nhàng chàng nhúng bút sâu vào nghiên mực đã mài sẵn, ngập đến tận cán, rút nhanh ra rồi chắt vào thành nghiên, ấn ấn xoay xoay lúc nặng lúc nhẹ cho mực túa ra nức nở, ào ạt rồi thưa dần, đến lúc sắc nhọn vừa ý, chàng phết nhẹ một nét lên tờ giấy đợi chờ, như để đo độ đậm nhạt, hít một luồng chân khí, định thần, lim dim, phóng bút…” (Tôi cũng tin vậy…, trg 61, Như Thị, nxb Văn Nghệ, SG 2007). Dẫn đoạn này, tôi chỉ muốn dẫn đôi dòng, nhưng không làm sao ngắt được. Cái mạch văn ấy cứ tuôn chảy, róc rách đẹp hơn suối reo, không ngăn được. Và liên tưởng ngay đến Chữ của người tử tù và Chén trà trong sương sớm của Nguyễn Tuân. Đỗ Hồng Ngọc viết về người bạn nhưng cứ như chàng hoạ sĩ làm thơ!
Còn đoạn này nữa: “Cứ một dòng chữ viết tay nắn nót (bản thảo chép tay) lại hiện lên trong tôi sông ngòi biển cả, rừng núi ao hồ, trưa hè nắng cháy nhảy ùm xuống sông Dinh, đập đá Dựng, những ngày mưa lũ, nước cuốn trôi phăng cả nhà cửa trâu bò. Tôi cứ để lòng mình nhảy ùm như thế, cuốn trôi như thể khi đọc Biển Hát. Cả một dĩ vãng xưa ùa sống lại” (Biết bao điều thì thầm, trg 203, Như Thị). Xem ra Đỗ Hồng Ngọc đâu chỉ có tâm hồn trong sáng mà còn có cả tấm lòng, như Cao Huy Thuần nhận xét: “Anh nói những chuyện giản dị. Nhưng mầu nhiệm không nằm ở đâu khác hơn là trong chính những câu chuyện giản dị đó. Một đôi bài của anh khá đơn sơ, nhưng hồn nhiên là cái duyên của anh, anh làm thơ trước khi viết văn, cho nên đó cũng là những bài thơ” (lời trích ở bìa 4 Như Thị).
Đỗ Hồng Ngọc làm thơ khi còn là học sinh trung học, mãi đến năm 1967, ông mới cho in tập thơ đầu tay Tình người, lúc đang là sinh viên trường Y. Những bài thơ này xuất hiện trên Bách Khoa (từ năm 1960) và Tình Thương (1964) do SV đại học Y khoa Sài Gòn chủ trương, trong đó có nhiều bài thơ theo trường phái Phi Phi (Phi Thi?) . Tôi đọc chúng (thơ phi phi) nhưng chẳng hiểu gì. Và vì vậy, khi vớ phải những câu chữ gần gũi của Đỗ Hồng Ngọc với những cảm xúc chân thật, mộc mạc tôi cảm thấy như có cái gì đó quen quen, như khói củi trong bếp lửa buổi sáng sớm chớm đông. Sau đó, khi tạp chí Ý Thức dời về 666 Phan Thanh Giản, cùng viết chung trên đó tôi mới gặp ông bằng xương bằng thịt và quen nhau. Gần cuối năm 1974, từ toà soạn Ý Thức, ông mời tôi đi ăn bò vò viên chỗ xế bên rạp Đại Đồng trên đường Cao Thắng và tặng tập Thơ Đỗ Nghê do Ý Thức xuất bản. Trong đó đáng chú ý là bài thơ Tâm sự Lạc Long Quân. Có lẽ do nội dung của bài thơ này, bị kiểm duyệt nên cơ sở Ý Thức không thể in công khai tại Sài Gòn, mà lại in (lậu) trên Đà Lạt do Lữ Kiều coi sóc rồi mang lộn ngược về Sài Gòn. Năm 2010, ông muốn đưa lại bài này vào tập Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác, nhưng cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự như trước 1975, nghĩa là Tâm sự Lạc Long Quân vẫn là bài thơ không có “hộ khẩu”, lang thang trong tập Thơ Đỗ Nghê “phổ biến hạn chế trong vòng thân hữu” (thiếu 2 năm nữa là chẵn 40 năm dài). Những thao thức, băn khoăn, tấm lòng thành ông gửi gắm trong bài đã bị chối bỏ, là chính trị thời trước và thời sau không chấp nhận tấm lòng thành của ông xuất phát từ trái tim, nghĩ từ trái tim của ông.
Khi ta đưa các con 50 người xuống biển
Và vợ ta đưa 50 đứa lên rừng
Lòng ta đã rất đỗi băn khoăn
Có một điều gì khiến ta linh cảm trước
(…)Nhưng bây giờ mọi sự xảy ra
Các con đều đã rõ
Những vết ô nhục trong lịch sử chúng ta
Các con đều đã rõ
(…)Đã cùng sinh ra trong một bọc
Thì hãy nghe ta
Đốt hết sách vở, xé hết cờ xí đi
Rồi đứng ôm nhau mà khóc
Nước mắt sẽ làm tươi lại cỏ cây
Nước mắt sẽ làm phì nhiêu mảnh đất
(Tâm sự Lạc Long Quân, Thơ Đỗ Nghê, trg 5-7, Ý Thức xb, 1974).
Bài thơ này ông viết từ năm 1965, trong bối cảnh đất nước tương tàn! Nội dung bài thơ không mang ý thức phản kháng, gào rống mà, xuất phát tự trái tim ông, réo gọi tình đồng bào và thơ ông bật lên từ tấm lòng chân thật đó. Nhưng những kẻ làm chính trị thì không thể chấp nhận cái tấm lòng ấy, vì phe phía nào cũng tự nhận là chính nghĩa, bóp nát những mơ ước, hoài mong của tầng lớp thanh nên, trí thức. Chúng biến cái tinh thần dân tộc của giới trẻ trở thành hành vi phản trắc, biến lòng yêu đồng loại, nghĩa đồng bào thành tư tưởng phản bội! Sự dồn nén và ẩn ức ngày mỗi dày thêm, cao thêm:
Rất nhiều đêm rất nhiều đêm
Tôi vỗ về tôi thủ thỉ
Ngủ đi con ngủ đi con
Ngày mai rồi khôn lớn
Cầm súng với cầm gươm
Ngủ đi con ngủ đi con
Ngày mai rồi khôn lớn
Giết bạn bè anh em
Ngủ cho ngoan ngủ cho ngoan
(Lời ru, Thơ Đỗ Nghê, trg 14)
Thời ấy, khi đọc bài thơ này, tôi tưởng tượng cảnh bà mẹ quê ôm đứa con thơ vào lòng, giữa đêm khuya, nức nở than khóc người chồng là anh lính Việt Cộng hay Quốc Gia vừa chết trận. Âm thanh trong bài thơ không thịnh nộ, cứ ưu uất, nghẹn ngào, nức nở gây một ảo giác như chính bản thân ta đang chịu đựng cảnh khổ nhục đó vậy. Nó cứ rờn rợn như âm thanh trong bài Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy trong đêm bão!
Một bài thơ khác, Đoá hồng mùa xuân tuổi thơ, ông viết tặng con sắp chào đời cũng mang một tâm trạng u uẩn không kém, có thể coi là nỗi lòng của giới trẻ lúc bấy giờ:
Có những người không có cơm ăn
Có những người không có áo mặc
Có những cánh đồng cháy đen
Có những xác người chồng chất
Con sẽ vô cùng ngạc nhiên
… Làm gì có Việt Nam đánh giết Việt Nam
Làm gì có đất nước hai miền
(Đoá hồng mùa xuân tuổi thơ, Thơ Đỗ Nghê, trg 66).
Thực tế oan nghiệt đó đã bóp nát trái tim rất nhiều người, trong đó có ông. Vì vậy, có thể xem, Thơ Đỗ Nghê là một sự chọn lựa đúng đắn, là thái độ của của một thanh niên trí thức mẫn cảm trước thời cuộc và xã hội lúc bấy giờ. Đó là nỗi đau không cùng của những người chân chính, đúng như Lữ Kiều viết trong lời bạt cuối sách: “Đã đến lúc chúng ta nghiêm trang đặt những vấn đề, với lịch sử. Ví dụ bài “Điệp khúc” (Thơ Đỗ Nghê, trg 57, ghi chú của người viết bài này) là những câu hỏi thẳng thắn với đàn anh chúng ta thời 45. Những Bài vè thứ nhất, Bài vè thứ hai (Sđd, trg 48 và trg 52, nt) đặt vấn đề với thế hệ hiện tại, với những người mà ta gọi là Đồng Minh. Có lẽ, bây giờ sự thể đã khác đi, nhưng tôi nghĩ, trong tình thế ấy, đặt những câu hỏi như vậy là một thái độ can đảm, nằm trong thái độ nghiêm túc của anh” (Thơ Đỗ Nghê, trg 76, nt).
Bài thơ Thư cho bé sơ sinh nơi trang 39 ông viết năm 1965 khi còn là SV thực tập tại bệnh viện Từ Dũ, sau này ông cho in lại trong tập Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác (nxb Văn Nghệ, SG 2010) được Phat’s blog chuyển ngữ sang tiếng Anh tháng 11/2006, như là sự mở đầu tâm cảm của ông, nhìn về thế giới bên ngoài bằng trái tim chân thật, bằng cả tấm lòng của cá nhân có trách nhiệm trước một cá nhân khác. Bài thơ chỉ có hai nhân vật: anh và em. Anh là chàng SV năm 3 y khoa và em chỉ là đứa bé mới chào đời. Ông đã khắc hoạ sự tương phản ngược chiều trong thế giới đa cực của cuộc sống ồn ào, đầy dẫy những cạm bẫy, lo toan, mưu tính… Đó là tiếng khóc và nụ cười, mắt thực và tối đen, cô đơn và êm ấm, là cái bé nhỏ vô cùng và rộng lớn cũng vô cùng. Bài thơ cũng chính là tâm trạng của anh chàng sinh viên ngành y lần đầu tiên làm công việc đưa một sinh linh ra ánh sáng cuộc đời sẽ có nhiều ngọt bùi lẫn cay đắng chờ đón phía trước.
Tính chất của bài thơ, trước hết là giải bày tâm trạng, bởi đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy và nhận ra bản thể của mình qua hình hài bé bỏng kia, rồi nó sẽ phải trải qua những đoạn đường mà ông và bao con người đã bước qua cuộc đời có nhiều những khổ đau và hạnh phúc, của nụ cười và nước mắt, nói chung là “đời nhiều nhãn hiệu”.
Bài thơ không mang hơi thở ngôn ngữ bóng bẩy của thơ ca. Nó là những lời thầm thì, chia sẻ, là tâm tình của một con người với một con người trong mối quan hệ bình đẳng của người ra đời trước và người vừa chào đời sau; của người đã bị trói vào “đời” và người sắp bị “đời” trói chặt. Ông sử dụng ngôn ngữ nói, mộc mạc đến dung dị để chuyển tải nội dung lời thơ là thân phận làm người, mà rất nhiều các triết gia, học giả, nhà văn cả Tây lẫn Đông từng mang ra mổ xẻ. Vấn đề của Đỗ Hồng Ngọc đặt ra không rộng, không gian là phòng sinh, thời gian là một giờ khắc nào đó trong ngày. Ông chỉ ghi lại những cảm xúc và tâm trạng đối với công việc của mình trước một em bé vừa chào đời, bắt đầu cùng ông, gia nhập vào đời sống mà ông đang nếm trải, không hề thấy có một triết lý nào cao xa, chỉ nêu lên những sự việc có thật đang xảy ra và sắp sửa xảy ra với bé, bắt đầu tham dự vào “cõi người ta”.
Khi anh cắt rún cho em
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ
(Thư cho bé sơ sinh&những bài thơ khác, trg 6).
Nhiều người, khi đọc bài thơ này, cho rằng nhà thơ đã gửi đi một thông điệp cho mọi người hiện hữu trong đời sống muôn màu muôn vẻ. Tôi thì nghĩ, ông không hề có ý làm một công việc to tát đến vậy, mà hơn hết là từ tấm lòng, từ trái tim, là cái nhìn thấu triệt lẽ đời mà ông đã trải nghiệm, như một người đi trước, không phải là kẻ dẫn đường hay đưa đò.
Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận
Con người…
Ý hướng đích thực trong bài thơ là 3 câu cuối cùng này. Hai nhân vật anh và em sẽ hoà vào mẫu số chung: số phận con người! Và tinh tế hơn cả, là ông ngắt câu ở nhịp hai như một cú rơi từ trên cao, không có sự chọn lựa.
Đỗ Hồng Ngọc sống nhiều, đi nhiều, viết nhiều. Văn thì viết như thơ. Thơ thì như văn và thơ náu mình trong thơ. Đó là những gì tôi nhìn thấy, đọc ra từ cảm tính, rất chủ quan của mình. Ví dụ như mấy câu trong bài Mũi Né:
Em có về thăm Mũi Né không
Mùa xuân thương nhớ má em hồng
Nhớ môi em ngọt dừa xứ Rạng
Nhớ dáng thuyền đi trong mắt trong
(Mũi Né, Thơ Đỗ Nghê, trg 8)
Hay như thời gian tu nghiệp ở Pháp, ông nhớ nhà, nhớ quê, nhớ gia đình, bạn bè… Nỗi nhớ găm vào từng thớ vải. Câu thơ xếp đặt như câu nói, nhưng lại lột tả đến tận cùng nỗi nhớ nhung khói củi, đến nao nức:
Anh hôn đằng sau/ Anh hôn đằng trước/ Anh hôn phía dưới/ Anh hôn phía trên/ Chiếc áo của em/ Món quà em tặng/ Chiếc áo lạ lùng/ Có mùi biển mặn/ Có mùi dừa xiêm/ Có mùi cát trắng/ Có mùi quê hương…
(Món quà, Thư cho bé sơ sinh…, trg 143).
Ông có quãng đời niên thiếu sống ở La Gi, tắm mình trong mùi gió biển, thiên nhiên hoang sơ với những đồi núi chập chùng, những dãi cát trắng, sóng biển rì rào… đã ru ông, nuôi dưỡng tâm hồn ông để có được một Đỗ Hồng Ngọc có một cái Tâm trong veo như bầu trời không gợn chút khói mây.
Ông nhìn nhận cảnh quan theo vẻ đẹp mẫn tuệ nơi ông đã đành, nhưng đến những cảnh huống mà nhiều người nhìn thấy là xấu, khi lọc qua tâm hồn ông bỗng sáng rực như ánh sáng ban mai; ngôn ngữ diễn đạt cứ như những hạt sương long lanh trên cành lá biếc xanh. Ví dụ, từ trang 74 đến trang 80 là các bài La Ngà và La Ngà 1 đến La Ngà 5, là diễn tả tâm trạng và cảm xúc của ông trước cái chết của đứa con gái yêu quý, nhưng lời thơ không hề bộc lộ chất bi luỵ, đau thương. Ngược lại, cứ trong suốt như pha lê:
“Mỗi năm/ Mỗi người/ Thêm một tuổi/ Chỉ mình con/ Mãi mãi tuổi đôi mươi” (La Ngà 3, Thư cho bé sơ sinh…, trg 78). Và bài kế tiếp: “Ba vun gốc trường sanh/ Mẹ đặt chùm vạn thọ/ Lên mộ con/ Giữa ngày mùng Một Tết”
(La Ngà 4, Thư cho bé sơ sinh…, trg 79).
5 bài thơ viết về La Ngà thực chất là viết về “nỗi mất”, là nỗi đau không cùng của các bậc cha mẹ. Nhưng cả 5, lời thơ vẫn bình thản chấp nhận, không u oán. Chỉ có những người đã tiếp cận với Thiền học, đã “thị” được ngũ uẩn giai không, thả những cảm xúc tâm linh chạm gần đến ngưỡng như Đỗ Hồng Ngọc mới có được cốt cách và phong thái của các hành giả phương Đông trên đường bước vào mép rìa của cái Đẹp.
Ông đã từng thú nhận trong phần dẫn nhập và một chút lịch sử, ở ngay phần đầu Nghĩ từ trái tim, rằng “Viết với tôi là một bức xúc, là một cách “xả”! Tôi thấy nhẹ nhàng sảng khoái hơn khi được viết ra. Đó cũng là một cách tự chữa bệnh cho mình” (trg 9). Và: “Tôi nhớ hồi mới lên mười, trọ trong chùa, đêm đêm cũng nghe cô tôi tụng “ Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha!” tôi chỉ thấy êm tai, ngủ ngon lành mà thôi” (trg 20). Như vậy, rõ ràng Thiền học đã thấm đẫm tâm hồn ông từ tuổi thơ, như chuyện thấy núi thấy sông của nhà sư viết ở đoạn trên. Chính vì vậy, nên ông mới có những câu thơ như thế này:
Hội An còn ngái ngủ
Mái chùa ôm vầng trăng
Giật mình nghe tiếng chổi
Gà gáy vàng trong sương (Hội An, Thư cho bé sơ sinh…, trg 99).
Hay:
Lắng nghe hơi thở của mình/ Mới hay hơi thở đã nghìn năm xưa/ Một hôm hơi thở tình cờ/ Dính vào hạt bụi thành ra của mình/ Của mình chẳng phải của mình/ Thì ra hơi thở của nghìn năm sau
(Thở, sđd, trg 196).
Và một bài nữa:
Đất động ta cũng động/ Sóng thần ta cũng sóng/ Giật mình chợt nhớ ra/ Vốn xưa ta là đất!
(Đất, sđd, trg 197).
Nếu làm công việc như các ông Đặng Tiến và Cao Huy Khanh thì có thể xếp dòng thơ Đỗ Hồng Ngọc vào dòng thơ Thiền được chăng? Tôi không mấy rõ, chưa thể biện biệt, kiến giải; chỉ thấy và hơn hết là cảm được rằng, thơ ông xuất phát từ Tâm Cảm, vượt trên những triền phược. Nó thô mộc mà sáng long lanh; lột tách những vết bụi bám; cũng đứng chung những “số phận thơ”, cũng sần sùi meo mốc như lát sắn mì để quên trong khạp, nhưng lại toả ra chút mùi thơm dịu dàng lấp lánh. Đó cũng là nét rất riêng, rất cốt cách của thơ Đỗ Hồng Ngọc.
Tôi đã từng nghĩ: “Làm thầy thuốc là để cứu người; làm nhà văn là để cứu đời”, xem ra lại rất đúng, một cách trọn vẹn, với trường hợp Đỗ Hồng Ngọc: cứu người và cứu đời!
Đỗ Hồng Ngọc còn có bút danh khác là Đỗ Nghê
Sinh năm 1940 tại Phan Thiết. Quê nhà: Lagi-Hàm Tân- Bình Thuận.
Tốt nghiệp Tiến sĩ y khoa quốc gia, Y khoa Đại học đường Saigon, 1969
Bác sĩ chuyên khoa Nhi
Tu nghiệp Y tế công cộng tại Đại học Harvard Hoa Kỳ (1993) và Giáo dục sức khỏe tại CFES, Pháp (1997).
Đã cộng tác với các báo: Bách khoa, Mai, Văn, Ý thức, Tuổi Ngọc, Mây Hồng
Tuổi trẻ, Phụ nữ, Thanh niên, Mực Tím, Áo trắng, Doanh nhân Saigon cuối tuần, Sài gòn Tiếp thị, Văn hóa Phật giáo, Giác Ngộ, Kiến thức ngày nay…
Tác phẩm đã xuất bản:
Tạp văn, tùy bút:
Gió heo may đã về (1997)/ Già ơi…Chào bạn! (1999)/ Nghĩ từ trái tim (2003)/ Những người trẻ lạ lùng (2001)/ Thầy thuốc & Bệnh nhân (2001)/ Như ngàn thang thuốc bổ (2001)/ Cành mai sân trước (tuyển tập, 2003)/ Thư gởi người bận rộn (2005)/ Khi người ta lớn (2007)/ Như thị (2007)/ Chẳng cũng khoái ru?(2008)/ Gươm báu trao tay (2008)/ Nhớ đến một người (2011)/ Thư gởi người bận rộn 2 (2011)
Thơ
Tình Người (1967)
Thơ Đỗ Nghê (1973)
Giữa hoàng hôn xưa (1993)
Vòng quanh (1997)
Biển của một thời (in chung, 1999)
Sương mù một thuở (in chung, 2001)
Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác (2010)
Viết cho Tuổi Mới Lớn:
Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (1972)/ Nói chuyện sức khỏe với tuổi mới lớn (1989)/ Bệnh ở tuổi hoc trò (1990)/ Viết cho Tuổi mới lớn (1995)/ Với tuổi mười lăm (1997)/ Bỗng nhiên mà họ lớn (2000)/ Bác sĩ và những câu hỏi của tuổi mới lớn (2003)/ Tuổi mới lớn (tuyển tập, 2005)/ Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (1974)/ Săn sóc con em nơi xa thầy thuốc (1986)/ Nuôi con (1988).