Hãy cố gắng ghi lên cát những gì mình bị tổn thương và khắc lên đá những điều mình chịu ơn.
Chiều
thứ hai tuần rồi, trên đường đến phi trường Houston,
Texas để lên máy bay trở lại Los Angeles, chiếc xe của
người bạn đưa chúng tôi đi thình lình bị nổ bánh
trên xa lộ. Phải nói đây là lúc bối rối và lo
lắng nhất, vì giờ máy bay cất cánh đã gần kề mà
việc thay bánh xe trên freeway là một chuyện rất nguy
hiểm. Bạn tôi đành gọi về nhà nhờ các con anh lên
tiếp tay lo cho cái xe cũng như đưa chúng tôi đến phi
trường, nhưng tôi nghĩ là thời gian đã quá trễ, thế
nào đêm nay chúng tôi cũng phải nằm lại phi trường để
chờ chuyến bay kế tiếp về nhà.
Thế
rồi một chiếc xe Sequoia tấp vào lề, sau chiếc xe của
chúng tôi, trên xe bước xuống một thanh niên người Nam
Mỹ, mặc đồng phục của một hãng sửa xe. Anh tỏ ý
muốn giúp chủ nhân chiếc xe bể bánh thay bánh xe và
ngoài vợ anh, trên xe còn ba đứa con nhỏ, đưa chúng tôi
đến phi trường cho kịp giờ phi cơ cất cánh. Thật là
một vị cứu tinh đến với chúng tôi đúng lúc, nhưng
thật là ngại ngùng, vì nếu một chiếc xe tow hay xe taxi
lại là khác, ở đây lại là một người qua đường sẵn
lòng giúp đỡ mà không đặt một điều kiện nào. Người
thanh niên nói với chúng tôi đem hành lý sang xe, để vợ
anh sẽ đưa chúng tôi lên phi trường cho kịp giờ, còn
anh sẽ ở lại với bạn tôi. Trong khi chúng tôi đang ngần
ngại, anh ta nói: -"Tôi muốn giúp ông bà, tôi là
người Thiên Chúa giáo".
Lúc
đến phi trường, chúng tôi cố dúi vào tay người đàn
bà tốt bụng một số tiền trả ơn, nhưng nhất định
bà ta không nhận. Tôi thoáng có ý nghĩ là để tiền trên
nệm xe, nhưng kịp nghĩ lại, đó là một điều bất nhẫn
sẽ làm cho người ra ơn phẫn nộ, và họ sẽ không có
được một buổi chiều thư thái trong lòng sau khi đã
giúp đỡ được một việc hữu ích cho người khác.
Chúng tôi là những hành khách vào phi cơ cuối cùng, yên
tâm trở lại nhà đúng chuyến bay nhưng đầu óc vẫn
nghĩ đến hai vợ chồng tốt bụng mà tôi đã may mắn
gặp giữ đường rất đúng lúc. Cũng tối hôm đó, bạn
tôi ở Houston điện thoại cho biết người thanh niên sau
khi thay bánh xe cho bạn tôi trên xa lộ, đã không nhận
một đồng tiền công nào, mà chỉ yêu cầu để cho anh
lái xe vào một tiệm Mac Donald gần đó để gọi vợ anh
ta đến đón về. Lắm lúc chúng ta cầu nguyện Quán Thế
Âm nhưng Ðức Mẹ lại cho một người đến giúp và nước
Mỹ vẫn còn ấm áp tình người biết bao nhiêu.
Có
một câu chuyện trả ơn như thế này: "Một buổi
chiều nọ, trên đường phố một thanh niên có lòng tốt
đã giúp một thiếu phụ sang trọng qua đường chữa cho
chiếc xe hơi tắt máy của bà. Xong công việc, mặc dầu
bà năn nỉ trao cho thanh niên một số tiền trả công,
nhưng nhất định người này không nhận. Anh chỉ nói tóm
tắt:- Giúp bà là bổn phận của tôi. Nếu được, có
dịp bà giúp đỡ cho người khác là quý rồi.
Một
này nọ, người thiếu phụ này vào một quán ăn nhỏ, bà
thấy một người đàn bà đang chùi dọn trong nhà hàng.
Người đàn bà này có vẻ tiều tuỵ, mệt nhọc và đang
có bầu. Ðộng lòng trắc ẩn, bà gọi người ấy ra góc
quán ngỏ lời thăm hỏi và giúp đỡ cho người này một
trăm đồng bạc. Người đàn bà quét dọn trong quán ăn,
buổi chiều về nhà kể câu chuyện này cho người chồng
nghe và mô tả hình ảnh người thiếu phụ này. Nhận ra
đây là thiếu phụ mình đã giúp đỡ ngoài đường phố
mấy tháng trước, anh chỉ mỉm cười và nói với vợ:-
Thôi em hãy giữ lấy số tiền này, có dịp chúng ta sẽ
san sẻ lại cho người khác."
Thái
độ muốn trả ơn vội vàng là một thái độ vô ơn.
Nhiều người được người khác cho một món quà, muốn
đi mua một món quà khác cho lại để khỏi phải mang ơn.
Nhiều gia đình được bạn mời cơm, chưa đầy một tuần
sau đã cố nài nỉ bạn lại nhà mình để trả lại một
bữa cơm khác. Tâm lý chung là chúng ta thường nghĩ mình
không hề mắc nợ ai và không muốn mắc nợ ai, nhưng
thật ra chúng ta mắc rất nhiều món nợ mà chúng ta vô
tình không biết. Chính vì vô tình không biết nên chúng
ta thường là những kẻ vô ơn, mà lòng vô ơn thường đi
theo lòng tự cao, tự đại. Nếu khi chúng ta nhìn xung
quanh, thấy ai cũng là kẻ ra ơn cho mình, và mình mắc
nợ rất nhiều người, thì hẳn lòng ta đã ấm áp trở
lại và cảm thấy thương yêu tất cả mọi người. Tôi
không biết giữa người bác sĩ và bệnh nhân của ông,
ai phải mang ơn ai đây, nếu hai người cùng chịu ơn
nhau, mối giao hảo sẽ rất bình đẳng và cộng đồng sẽ
đối xử với nhau như anh em.
Có
những việc mà ngày xưa chúng ta đã có dịp giúp người
khác, mà thời gian làm cho chúng ta quên bẵng đi, ba bốn
mươi năm sau, người được giúp đỡ có dịp gặp gỡ
và nhắc lại. Cũng như trong đời, chúng ta đã mang ơn
một vài người, vẫn nhớ và đi tìm họ, nhưng có những
món nợ không bao giờ trả nổi. Chúng ta quanh quẩn chuyện
mang ơn và ra ơn. Ra ơn thì không bao giờ nhớ hết, mà
mang ơn thì trong lòng canh cánh không quên, như lời Chu Tử:
"Thi huệ vô niệm, thọ ân mạc vong- Làm ơn đừng
nghĩ tới, mang ơn chớ khá quên."
Tôi
đã có lần giúp đỡ cho một vài người quen thuộc,
nhưng được trả lại bằng sự vô ơn. Tôi buồn bực vì
biết rõ những người ấy, nhưng nếu tôi giúp cho
ai đó mà tôi chẳng hề biết đến họ, coi như giúp
cho một kẻ qua đường, có lẽ lòng sẽ thanh thản hơn.
Có thể tôi cũng đã mang ơn ai đó, ở xa hay gần, trong
quá khứ hay mới đây thôi, mà vô tình không hề biết
hay đã lãng quên để lòng người ra ơn cũng không vui như
vậy. Có ai nói được rằng, trên đời này mình chưa hề
chịu ơn ai!
Về
chuyện ân và oán, tôi xin ghi lại một câu chuyện mà tôi
đã đọc được đâu đó: "Hai người bạn cùng đi
băng qua một sa mạc. Một ngày nọ họ cãi nhau và một
trong hai người bị người kia đấm vào mặt. Người bị
đánh không nói một lời, anh viết trên bãi cát gần đó:-
Hôm nay người bạn thân nhất của tôi đã đánh vào mặt
tôi.
Họ
tiếp tục đi và một ngày kia họ đến một hòn đảo
nhỏ và họ quyết định xuống tắm, chẳng may người bị
đánh hôm qua bị lún sâu vào một hố cát nhưng được
bạn mình cứu thoát. Ra đến nơi an toàn, người được
cứu dùng dao khắc lên đá:- Hôm nay bạn tôi đã cứu
tôi! Người bạn kia bèn hỏi:- Sao lúc tôi đánh anh, anh
ghi vào cát, mà chuyện tôi cứu anh, anh lại khắc vào đá?
Người
bạn kia đáp:- Khi ai làm tổn thương bạn, hãy ghi vào cát
và để gió cuốn đi, ra khỏi ký ức bạn. Khi ai đó làm
điều tốt cho bạn, thì hãy tạc lên đá để thời gian
còn giữ lại mãi.
Bạn
hãy cố gắng ghi lên cát những gì mình bị tổn thương,
và khắc lên đá những điều mình chịu ơn. Người ta
nói cần một phút để tìm xem ai là người đặc biệt,
một giờ để thấy người ấy đáng quý, nhưng hết một
đời đâu dễ đã quên!