văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, June 4, 2013

VĂN QUANG * Thượng bất chính, hạ tắc loạn

(kỳ 1)
Trong khi Quốc hội VN đang thảo luận sôi nổi về các vấn đề lớn và chuyện lấy phiếu tín nhiệm chưa diễn ra, người dân vẫn lặng lẽ chờ đợi xem cái gì sẽ xảy ra với những chuyện ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi thiết thân của mình như nhà đất của mình có thật sự là của mình không hay chỉ là của... nhà nước, chuyện hộ khẩu và nhập cư vào thành phố được giải quyết ra sao, chuyện tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí là những quyền căn bản của con người sẽ được quy định rõ ràng như thế nào...
Những buổi họp quan trọng của các ông bà đại biểu sẽ được truyền hình trực tiếp cho dân chứng kiến, chắc chắn sẽ có nhiều ông bà “nghị” phát biểu rất hăng, rất “hùng hồn” để chứng tỏ năng lực và tài “kinh bang tế thế” của mình. Tuy nhiên những ý kiến “hùng hồn” đó có được thực hiện hay không lại là việc khác, phải chờ đến cuối kỳ họp mới biết được. 


Người dân bây giờ khôn lắm, họ tin vào kết quả chứ không tin vào lời hứa dù cho có “hùng hồn” đến đâu cũng cần phải xem sự thực hiện thế nào.
Trong khi đó, hiện tượng xã hội có quá nhiều thứ để người dân hãi hùng, trước hết là chuyện thực phẩm nào cũng bị tẩm chất độc, điều đáng nói là những thứ hàng độc đó không chỉ là hàng của Trung Quốc mà là của chính bà con ta sản xuất ra, buôn bán tràn lan từ thành phố đến đồng quê. Đó chính là thứ bà con ta đầu độc lẫn nhau, mình tự hại mình.
Những chuyện đó xin để nói sau. Có một chuyện tưởng như là “chuyện tất nhiên,” người dân ai cũng biết, nhưng... may quá, mãi đến nay mới thấy một “cơ quan nghiên cứu” công bố rộng rãi cho nhân dân được biết! Thôi thì “có còn hơn không,” hãy tạm căn cứ vào những số liệu này để thấy được tình hình quan chức và doanh nghiệp (DN) bắt tay nhau “chặt chẽ” như thế nào.


Những mối quan hệ đen
Lần đầu tiên Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học về mối quan hệ không bình thường của cán bộ, đảng viên có chức quyền với doanh nghiệp để trục lợi. Những cú bắt tay đó được gọi là “quan hệ đen.”
Theo thống kê, từ năm 1986 đến nay, nạn tham nhũng của quan chức tăng lên rất nhanh, trong đó có hơn 31,5% liên quan đến doanh nghiệp (DN). Chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập, tình trạng quan chức thông đồng với DN vụ lợi xuất hiện ngày càng nhiều, có dấu hiệu ngày càng trầm trọng hơn trong tất cả các lĩnh vực.
Các ông chủ DN tạo quan hệ 2 chiều trong việc quan chức dàn xếp để DN nhận được ưu đãi. Ngược lại, DN đóng góp vào sự phát triển của địa phương để làm nổi bật thành tích của quan chức hoặc là cung cấp cho bản thân quan chức các phương tiện để có thể leo cao hơn hoặc để lo lót, chạy chọt khi DN phạm sai lầm và cung phụng cho những người thân thiết của quan chức.
Kết quả khảo sát của Thanh tra nhà nước trong năm 2012 cho thấy:
Những con số đáng giật mình
- 24.7% cán bộ công chức được hỏi thừa nhận có hiện tượng quan chức nhận tiền hoặc quà biếu để giải quyết công việc có lợi cho người đưa tiền, quà.
- 20.3% thừa nhận có chuyện DN mời quan chức đi du lịch, vui chơi, ăn uống để vụ lợi.
- 13.6% thừa nhận có hiện tượng bao che, bảo lãnh cho người có hành vi sai phạm để vụ lợi.
Ngoài ra, theo kết quả khảo sát xã hội học do Thanh tra Chính phủ chủ trì trong năm 2012, có sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, 50% DN được hỏi cho rằng nhóm các DN có quan hệ với quan chức có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ đến hoạch định chính sách. Nói rõ hơn là DN bàn kế để quan chức có quyền lực ban hành những chính sách, những nghị định, lệnh lạc có lợi cho DN và nhóm cùng làm ăn với mình.
Cuộc khảo sát năm 2012 của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy khi được hỏi trong 12 tháng qua, DN có nhận được các dạng yêu cầu vụ lợi của cán bộ công chức hay không, 5% số DN thừa nhận là có nhận được đề nghị bán, cho thuê và chi tiêu cá nhân; 15% DN gặp tình trạng cán bộ công chức lợi dụng quyền lực để gợi ý DN tặng quà.
Đó là những con số đã được “kiểm chứng,” tất nhiên còn những con số chưa được kiểm chứng bằng các cuộc “nghiên cứu,” “hội thảo” nằm ở phía sau, con số chắc còn cao hơn nữa.


Bảo kê và buôn lậu
Bảo kê của những người có chức, có quyền cho DN buôn lậu cũng khá phát triển trong thời gian qua thể hiện không chỉ qua các vụ án đã xét xử (như vụ Tân Trường Sanh, vụ án Hang Dơi, vụ án Nguyễn Thị Ngọc Liên ở Công ty Thiên Lợi Hòa...) mà còn chứng minh bằng thực tế hàng lậu được bày bán trong nước. Việc bảo kê có khi rất công nhiên (như trường hợp Nguyễn Ngọc Kiên, nguyên phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai, ký 14 văn bản cho phép các DN nhập khẩu thuốc lá lậu vào Việt Nam), có khi rất tinh vi như che giấu dưới hình thức tạm nhập tái xuất. Theo cơ quan phòng chống buôn lậu, hằng năm, Việt Nam thất thu ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng do nạn buôn lậu. Đây là một thí dụ điển hình:

Xe biển xanh chở hàng ngàn gói thuốc lá lậu của VP tỉnh ủy Bến Tre
Mới trong tuần này, ngày 28-5 vừa qua, Công an TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã tạm giữ hình sự tài xế lái chiếc xe biển xanh (số xe của nhà nước) chở thuốc lá lậu.
Công an TP. Cao Lãnh phối hợp cùng lực lượng CSGT trên QL30, đoạn đi qua xã Mỹ Tân, (TP. Cao Lãnh) đã kiểm soát chiếc xe hơi mang bảng số: 71A - 000.13 do tài xế Trần Trúc Lâm (SN 1983, ở tại xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) lái xe.
Trên xe, CA đã phát hiện chở hơn 6,000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Ngay trong đêm, cảnh sát đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số tang vật nói trên. Tài xế Lâm đã thừa nhận vận chuyển thuê số thuốc lá lậu này từ Thị xã Hồng Ngự về tỉnh Bến Tre tiêu thụ.
Sáng 28-5 vừa qua, xác nhận với PV báo chí, cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, chiếc xe biển xanh 71A - 000.13 bị Công an Đồng Tháp bắt giữ khi chở thuốc lá lậu có nguồn gốc từ cơ quan này. Tất nhiên anh tài xế chỉ là người lái thuê hoặc thừa lệnh một quan chức nào đó trong VP tỉnh ủy. Cho đến giờ này chúng ta chưa biết vị quan chức nào sử dụng chiếc xe này hoặc có quyền ra lệnh cho chiếc xe này “đi công vụ.”
Có lẽ nhiều bạn nghĩ rằng quan chức nào chơi bạo như thế. Thật ra chuyện này không phải là chuyện lạ, nó có thể xảy ra ở nhiều nơi nên nó trở thành “chuyện bình thường.”
Nhưng lại cũng có thể anh tài xế hoặc một anh cấp lằng nhằng nào đó sẽ trở thành “kẻ hy sinh” cho “chính chủ.” Đó cũng là “kịch bản” vẫn thường xảy ra. Cho nên chúng ta thường chỉ thấy mấy anh “vớ vẩn” phạm trọng tội chứ ít khi thấy quan lớn phạm tội.
Một thí dụ khác ngày 30-5 vừa có thông tin: Trần Thị To ở Tiền Giang lừa đảo 11 tỷ đồng ($524,000 Mỹ kim) của 13 người cùng tỉnh. Các nạn nhân đã trình báo, “Trong hầu hết các vụ lừa đảo của Trần Thị To bao giờ cũng có sự xuất hiện của một vị cán bộ lãnh đạo cao cấp tỉnh Tiền Giang. Vì tin tưởng vào uy tín của người này, nhiều người dân đã giao tiền và tài sản của mình cho To vay mượn để rồi lâm vào cảnh “tiền mất tật mang.” Chưa biết rõ danh tính vị “lãnh đạo” này. Chỉ cần quan to có mặt đã đủ cho bà chủ DN lừa được rồi. Thế mới biết quen quan to có lợi như thế nào.
Trên đây là vài hình ảnh điển hình cho những vụ quan buôn lậu lẻ tẻ, chưa nói tới những vụ hợp tác làm ăn quy mô lớn với các tay tổ DN kết thành những “nhóm lợi ích” ăn chia còn đậm hơn.


Ba nhóm lợi ích phá hoại kinh tế
Ông Nguyễn Thế Bình, Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương, cho rằng tác hại của “mối quan hệ không bình thường” là vô cùng lớn, nó không chỉ làm chậm phát triển kinh tế, làm giảm sút lòng tin mà còn là cội nguồn, là cái gốc của tham nhũng. Ông Bình cũng chỉ ra 3 nhóm “quan hệ không bình thường” mà ông cho rằng rất nguy hiểm.
- Thứ nhất là nhóm chung lợi ích. Nhóm này thực chất họ đã bắt tay với DN để biến lợi ích của Nhà nước, nhân dân thành lợi ích của nhóm. Nhóm này gây ra tác hại vô cùng lớn, sẵn sàng bỏ đi hàng chục ngàn tỉ đồng để mua tàu cũ nát như trong vụ án Vinashin, Vinalines...
- Nhóm thứ 2 là nhóm nhũng nhiễu, gây khó cho DN để trục lợi, buộc DN phải bôi trơn, đưa hối lộ như vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ trong dự án đại lộ Đông Tây.
- Nhóm thứ 3 là nhóm đe dọa trắng trợn, có tính chất cưỡng đoạt tài sản của DN. Tài sản tuy không lớn bằng 2 nhóm trên nhưng nó gây phẫn uất của DN và xã hội.
Những chuyện này không xa lạ với người dân Việt và cả với bạn đọc ở nước ngoài. Nó chỉ “mới” khi một “Ủy Ban ” bây giờ mới “nghiên cứu” và công bố những con số cụ thể, người dân chẳng có cách nào thống kê được tuy rằng họ biết từ lâu và biết rất rõ. Biết mà chẳng làm gì được, những cảnh ấy vẫn ngang nhiên tái diễn.
Thế nên “thượng bất chính, hạ tắc loạn” là chuyện tất nhiên. Quan tham buôn lậu, kết bè kết nhóm thì dân buôn bán cũng “học tập” theo đó mà lộng hành.
(Xem tiếp kỳ 2)