văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, June 2, 2013

TRẦN YÊN THẢO & LÂM HOÀNG LÂN * lộ tuyến nam của con đường tơ lụa Chương VI.

Rời Đôn Hoàng theo hướng Tây Nam ra Dương Quan, men theo “Lưu Sa Cổ Đạo” (giữa sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can và núi Côn Luân), đi về hướng Tây. Đó là Lộ tuyến Nam của “Con đường tơ lụa”. Con đường này hầu như vĩnh viễn là những trận gió cát tàn bạo. Trời luôn luôn có màu chiều. Người ta nói “Lưu Sa Cổ Đạo” mỗi năm chỉ nổi một trận gió, và trận gió đó chỉ kéo dài 365 ngày. Con đường này có những thành thị quan trọng như Thạch Thành trấn, Bá Tiên trấn, Vu Điền trấn và Sơ Lặc trấn. Trong đó, Vu Điền và Sơ Lặc kết hợp với Khưu Từ và Yên Kỳ của Lộ tuyến Bắc làm thành “An Tây Tứ Trấn”. Đó là những trọng trấn quân sự thuộc An Tây Đại Đô Hộ phủ đời Đường.

Giữa 2 lộ tuyến Bắc Nam của con đường Tơ lụa là sa mạc “Đồ Luân” (nay là sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can). Sa mạc này nằm vào trung tâm bồn địa Tháp Lý Mộc và chiếm hết 64% diện tích bồn địa. Phía Đông tới Bồ Xương Hải (nay là La Bố Bạc), phía Tây tới Sơ Lặc Lục Châu, diện tích 32 vạn 4 ngàn km2, so với diện tích Nhật Bản (37 vạn 7 ngàn km2) cũng không nhỏ hơn bao nhiêu. Diện tích sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can chủ yếu là những gò cát lưu động (chiếm 85% diện tích sa mạc). Gò cát thường cao chừng 100 đến 150m, cao nhất từ 200 đến 300m.
Sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can có 2 đặc điểm đáng sợ: thứ nhất là khí hậu cực kỳ khô hạn, không có cỏ nước. Thứ hai là thường nổi trận cuồng phong. Những trận gió tạo những dòng lưu sa (cát chảy) cuồn cuộn và di chuyển cả những gò cát lớn. Phía Tây sa mạc do chịu ảnh hưởng của gió Tây Bắc, những gò cát di chuyển về phía Đông Nam. Phía Đông chịu ảnh hưởng gió Đông Bắc, gò cát di chuyển về Tây Nam. Do vậy mà trong vòng khoảng 2000 năm, không biết bao nhiêu thương nhân và tăng lữ bị chôn vùi trong sa mạc mênh mông này. Đương thời người ta thường nói “Sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can là nơi có đi không trở lại”.
Từ thế kỷ thứ 4 trở về trước, sông Tháp Lý Mộc chảy qua sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can từ Đông sang Tây, hội tụ nhiều nguồn nước sông băng khác, đã tạo nơi đây một vùng ẩm ướt. Rừng Hồ Dương thiên nhiên của bồn địa Tháp Lý Mộc nằm trong sa mạc này. Nhưng những thế kỷ về sau do khí hậu ngày càng trở nên khô kiệt, những nguồn nước tắt hẳn dòng chảy, sa mạc mới trở nên khắc nghiệt.
Đoạn phía Đông của sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can (giữa la Bố Bạc và Dương Quan) là một bãi qua bích. Do những nham tầng màu hồng trầm tích từ đáy hồ, bị sức gió xâm thực qua nhiều ngàn năm mà thành. Nham tầng được bồi cao dầng thành những dãy “phương sơn” (núi vuông) cao hơn mặt đất từ 25 đến 40m, trông như những dãy “tháp nham” và “ trụ nham” (tháp và cột được thiên nhiên cấu trúc từ nham thạch). Những dãy phương sơn này trường kỳ bị những dòng lưu sa (cát chảy) tác động, uốn khúc thành hình Rồng, nên được gọi là “Bạch Long Đôi”, gọi tắt là “Long Đôi”.
Qua Bích Bạch Long Đôi là vùng mà lộ tuyến Nam của “Con đường Tơ Lụa” phải đi qua và cũng thường xuyên xuất hiện trong thi ca Biên Tái đời Đường. Những bài thất tuyệt “Tái Hạ Khúc” của Thường Kiến cũng có 1 bài đề cập đến bãi qua bích này.
塞下曲四首(其二) 常建
北海阴风動地來,
明君祠上望龙堆.
髑髏皆是長城卒,
日暮沙场飛作灰.

Aâm :
TÁI HẠ KHÚC TỨ THỦ (kỳ nhất) Thường Kiến.
Bắc hải âm phong động địa lai,
Minh Quân từ thượng vọng Long Đôi.
Độc lâu giai thị trường thành tuất,
Nhật mộ sa trường phi tác hôi.
Dịch :
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI (bài 1)
Đất động gió lùa từ Bắc Hải,
Miếu Chiêu Quân vọng xuống Long Đôi.
Trường thành bãi chiến phơi xương trắng,
Năm tháng còn bay tro bụi thôi.

Bắc Hải” (đời Đường còn gọi Tô quan hiệt gia nhĩ Hồ) tràn vào những trận gió làm rung chuyển mặt đất. Từ miếu bà Vương Chiêu Quân nhìn xuống qua bích Bạch Long, chỉ thấy xương trắng phơi đầy. Đó là hài cốt của không biết bao nhiêu chiến sĩ trận vong tử thủ Trường Thành. mặt trời khuất núi, cuồng phong trỗi dậy, bao nhiêu xương trắng hóa tro bụi cuốn theo gió chiều. “Minh Quân Từ” tức miếu thờ bà Vương Chiêu Quân. cạnh đó là phần mộ của bà (nay là thành phố Hồ Hòa Hạo Đặc, thuộc khu Nội Mông Cổ tự trị).
Phía Nam sa mạc Tháp Khắc Lạc Mã Can có không ít di tích những thành trấn thời cổ đại. Nổi danh nhất là thành Y Tuần, thành Đề Anh Mộc Cổ, thành Ni Nhã, thành Đan Đan Ô Lạc Khắc. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng, do vùng Tây Vực từ thời cổ đại chiến tranh liên miên, đất đai không trồng trọt được. Dân cư lưu tán, các thành trấn bị bỏ hoang phế. Nhưng căn cứ kết quả những khảo sát sau này thì lý do đó không thuyết phục.
Thực ra các thành trấn nổi danh trong vùng Tây Vực, do những thế kỷ về sau khí hậu thay đổi đột ngột. Cuồng phong đem những dòng lưu sa lấp kín đường sá, chôn vùi thành ốc. Khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Núi tuyết đóng cứng hơn, thảo nguyên mất hẳn nguồn nước băng tan, những con sông tắt dòng chảy, mọi nguồn nước cạn kiệt, sinh thực vật không còn điều kiện tồn tại. Dân chúng các thành trấn lần lượt bỏ xứ dời cư. Những lục châu màu xanh của Tây Vực bị sa mạc nuốt dần, rồi tất cả hóa thành sa mạc.
Thành Y Tuần là nơi dời cư của vương quốc Lâu Lan đổi tên nước là Thiện Thiện năm 77 trước Công Nguyên. Thời Đông Hán, Thiện Thiện là vương quốc hùng mạnh vùng Tây Vực. Nhưng tới cuối đời Đường Thiện Thiện bị Thổ Phồn diệt vong. Di tích thành Y Tuần ngày nay nằm về phía Đông Bắc Mễ Lan, huyện Nhược Khương (Tân Cương). Nhược Khương vào đời Đường là Thạch Thành trấn (sau khi ra Dương Quan, men theo Lộ tuyến Nam của Con đường Tơ lụa, đi về phía Tây khoảng 600km thì đến).
Tháng 10 năm 1959, đội công tác của Bác vật quán khu tự trị Duy Ngô Nhĩ (Nhược Khương, Tân Cương) đã tiến hành khảo sát cổ thành Y Tuần. Trong khi thanh lý di tích một nơi phòng ốc, phát hiện một cuộn giấy dài, hai mặt giấy đều có ghi chép văn tự A Lạp Bá và văn tự cổ Duy Ngô Nhĩ. Tới đợt khảo sát năm 1962 (cũng tại Y Tuần), phát hiện thêm một số cuộn giấy khác, 2 mặt của mỗi cuộn đều có sao chép thơ cổ chữ Hán. Trong đó có một cuộn, mặt trước chép bài “Mại Thán Ông” (ông lão bán than) của Bạch Cư Dị. Mặt sau chép 3 bài thơ Đường, tác giả là Khảm Mạn Nhĩ (người tộc Duy Ngô Nhĩ), có tựa đề “Ức Học Tự”, “Giáo Tử” và “Tố Sài Lang”, nội dung ca tụng văn hóa Hán. Ở đây chúng tôi chỉ tạm trích 2 bài sau:

敎子 坎曼爾
小子读书不用心
不知书中有黄金
早知书中黄金貴
高招明灯念五更
Âm:
GIÁO TỬ Khảm Mạn Nhĩ
Tiểu tử đọc thư bất dụng tâm,
Bất tri thư trung hữu hoàng câm.
Tảo tri thư trung hoàng kim quí,
Cao chiêu minh đăng niệm ngũ canh.

Dịch:
DẠY CON
Thiếu niên đọc sách không hết lòng,
Đâu biết trong sách có vàng ròng.
Nếu biết kinh thư đầy báu vật,
Chắc hẳn năm canh đèn còn chong.

Theo ghi chép trên những di cảo khai quật tại Y Tuần, Dòng họ Khảm Mạn Nhĩ không những nhiều đời yêu chuộng văn hóa Hán, mà còn giáo huấn con cháu đọc sách Hán (Đường triều). Bài thơ cách đây mấy ngàn năm mà đọc lên vẫn thấy xúc động. Có lẽ lớp thiếu niên Duy Ngô Nhĩ đương thời (có một số) đọc sách “không dụng tâm” cũng là một giai thoại trong phong trào học tập văn hóa Hán. Tình trạng này cũng không hiếm tại Trung Nguyên thời bấy giờ.
訴豺狼 坎曼爾
東家豺狼恶,
食吾馕,飲吾血.
五谷未离场,
大布未下机,
已非吾所有.
有朝一日,
天崩地裂豺狼死,吾却云开复見天.
Âm:
TỐ SÀI LANG Khảm Mạn Nhĩ
Đông gia Sài Lang ác,
Thực ngô nang, ẩm ngô huyết.
Ngũ cốc vị ly trường,
Đại bố vị hạ cơ.
Dĩ phi ngô sở hữu,
Hữu triêu nhất nhật,
Thiên băng địa liệt Sài Lang tử,
Ngô khước vân khai phục kiến Thiên.
Dịch:
TỐ PHƯỜNG LANG SÓI
Nhà Đông ác như Lang Sói,
Ăn bánh nướng của ta.
Uống máu ta.
Ngũ cốc chưa rời nương,
Vải lụa chưa xuống cửi,
Đã không còn của ta.
(Ước gì) một sớm mai kia,
Trời sụp đất lở lang sói chết,
Ta ngước nhìn mây tan,
Lại thấy trời.

Bài thơ mô tả một tên địa chủ tàn ác như lang sói, bóc lột nông dân Duy Ngô Nhĩ tận xương tủy. Bị cả dân tộc nguyền rủa cho diệt vong. Bài thơ có chữ “Nang”, tức một loại bánh nướng, đặc sản của dân tộc Duy Ngô Nhĩ.
Từ Thạch Thành trấn đi về phía Tây khoảng 300km, đến Bá Tiên trấn, một thành trấn được thiết lập vào đời Đường (nay là huyện Thả Mạc, Tân Cương). Khoảng niên hiệu Thiên Bảo Đường Huyền Tông, Thổ Phồn đem quân xâm nhập, An Tây Tiết Độ Sứ Phong Thường Thanh điều quân 4 trấn đánh dẹp, phá tan Thổ Phồn chiếm lại trấn Bá Tiên.
Từ Bá Tiên theo Lộ tuyến Nam của “Con đường Tơ lụa”, đi tiếp về hướng Tây khoảng 600km, đến Vu Điền trấn, một thành trấn nổi danh trong “An Tây Tứ Trấn” đời Đường. Giữa lưu vực 2 con sông Ngọc Long Ca Thập và Ca Lạp Ca Thập, hình thành một lục châu màu xanh. Trấn Vu Điền nằm ngay trên lục châu đó. đặc sản cùng này là dưa hấu, lương thực và chăn nuôi dê bò. Vào đời Tùy, một nhà thơ vô danh có viết bài “Vu Điền Thái Hoa”, vẽ được đôi nét đặc trưng về nhân văn địa lý xứ Vu Điền.

于闐采花 ()無名氏
山川虽异所
草木尚同春
亦如溱洧地
自有采花人
Âm:
VU ĐIỀN THÁI HOA (Tùy) Vô Danh Thị
Sơn xuyên tuy dị vực,
Thảo mộc thượng đồng Xuân.
Diệc như Trăn Vị địa,
Tự hữu thái hoa nhân.
Dịch:
NGƯỜI VU ĐIỀN HÁI HOA
Núi sông tuy ải thẳm,
Cây cỏ vẫn chào Xuân.
Khác đâu miền Trăn Vị,
Hái hoa trao tình nhân.

Vu Điền tuy là chốn biên ải xa xôi, núi sông cách trở. Nhưng mỗi độ xuân về cây cỏ vẫn đẹp xinh, trăm hoa nở rộ. So với vùng Trăn Thủy và Vị Thủy của nội địa, cảnh vật tuy có khác, nhưng thanh niên nam nữ vẫn đưa nhau đi chơi xuân đồng nội và hái hoa tặng nhau. Bài thơ có 2 chữ “Trăn Vị”, thiên “Trăn Vị” phần “Trịnh Phong” trong “Kinh Thi” mô tả quang cảnh đầu tháng 3 hằng năm. Thanh niên nam nữ Trịnh quốc tụ tập chơi Xuân và hái hoa tặng nhau hai bên bờ sông Trăn sông Vị. Sông Trăn sông Vị nay thuộc huyện Mật tỉnh Hà Nam (lãnh thổ nước Trịnh thời Xuân Thu).
Vu Điền trong lịch sử Trung Quốc từ cổ đại đến nay, không chỉ nổi tiếng về nông nghiệp và chăn nuôi, mà còn một đặc sản nổi danh hơn. Đó là một loại ngọc rất quí, gọi “Ngọc Vu Điền”.
Tại phía Tây Nam Mãn Thành (Hà Bắc), có một tòa lăng sơn kết tinh từ thạch hôi nham. Mùa Hạ năm 1968, người ta tình cờ phát hiện một lăng mộ rộng lớn trên núi. Qua nghiên cứu được biết, đó là lăng mộ của Sơn Trung Tịnh Vương Lưu Thắng, anh của Hán Vũ Đế, một nhân vật tiếng tăm lừng lẫy thời Tây Hán, cách đây hơn 2.000 năm. Không lâu sau, gần đó lại khai quật lăng mộ bà Đậu Oản, vợ Lưu Thắng. Người ta thu thập rất nhiều văn vật giá trị từ 2 lăng mộ này. Nhưng quan trọng và giá trị nhất là 2 chiếc áo kết ngọc trên thi thể Lưu Thắng và Đậu Oản.
Hai chiếc áo ngọc này, mỗi chiếc phải dùng trên 2.000 viên ngọc nhỏ kết thành, mỗi viên ngọc 4 góc đều có khoan lỗ nhỏ. Nghệ nhân dùng những sợi chỉ bằng vàng, xuyên qua lỗ để kết thành áo. Theo nghiên cứu thì một chiếc áo phải mất 10 năm mới hoàn thành. Thời cổ đại, chỉ có Hoàng Đế và giới hoàng tộc mới dám mặc loại áo này. Một phần cũng do đầu óc mê tín đương thời, cho rằng thi thể khi được khoác áo ngọc sẽ bảo tồn vĩnh viễn không rữa nát.
Những phương pháp nghiên cứu khoa học tinh vi đã xác định, hai chiếc áo ngọc nói trên được kết từ ngọc Vu Điền. Lưu vực sông Ngọc Long Ca Thập (Bạch Ngọc hà) và sông Ca Lạp Ca Thập (Hắc Ngọc hà) có chung đầu nguồn là sông Diệp Nhĩ Khương, (phát nguyên từ núi Côn Luân), là đất sản sinh chủ yếu của ngọc Vu Điền.
Ngọc Vu Điền sản sinh trong những tầng băng dày trên đỉnh núi Côn Luân. Người trong vùng không cách gì trèo lên đỉnh núi tuyết lấy ngọc. Phải đợi mùa băng tan, ngọc sẽ theo những dòng nước băng tan từ đỉnh núi đổ xuống đầu nguồn Diệp Nhĩ Khương, rồi chảy vào 2 sông Ngọc Long Ca Thập và Ca Lạp Ca Thập. Sau đó phải chờ những dòng sông hạ lũ, mới có thể xuống sông mò ngọc. Đây là công việc rất chuyên nghiệp và tài tình của phụ nữ và những bé gái xứ Vu Điền.
Ngọc Vu Điền có màu sắc rất đa dạng. Trong lớp bóng nhuyễn của màu trắng còn gợn lên màu mỡ Dê. Một đặc tính mà ngọc nhiều xứ khác không có. Người ta thường dùng chạm khắc những công nghệ phẩm tuyệt mỹ. Nghệ nhân thời Tây Hán đã dùng Ngọc Vu Điền chạm khắc một pho tượng ngựa nổi tiếng. Pho tượng trắng gợn lên màu mỡ Dê (Dương chi bạch ngọc Mã) rất độc đáo, ngày nay đã trở thành văn vật cổ đại trân quí.
Từ thời Tây Hán, người Vu Điền đem ngọc vào tiến cống triều đình hoặc bán cho giới quí tộc Trung Nguyên, đều phải vào Ngọc Môn Quan. Tòa quan ải này vì đó mới có tên “Ngọc Môn Quan”.

Mặt hàng tơ lụa phương Đông thời cổ đại, phải đi qua nhiều vạn dặm đường gian nan nguy hiểm trên “Con đường Tơ lụa” để đến Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, La Mã... nên giá trị còn hơn cả vàng ngọc. Nhân dân các xứ này chưa biết gì về nuôi tằm dệt lụa, trong khi tơ lụa vẫn là bí mật tuyệt đối của phương Đông. Giới cầm quyền Trung Quốc và một số thuộc quốc vùng Tây Vực thời đó nghiêm cấm gắt gao, không cho đưa cây dâu và tằm giống ra ngoài cõi.
Theo một cố sự ghi chép ở quyển 12 trong “Đại Đường Tây Vực ký” của Pháp Sư Huyền Trang: Ước muốn khám phá bí mật Dâu Tằm Tơ là khát vọng “Tâm phúc” của nhiều vương quốc vùng biên viễn. Quốc vương Cù Tát Đán (Vu Điền trấn là hóa thân của vương quốc này) thời cổ đại, nghe nói Đông Quốc có nghề nuôi tằm dệt lụa, bèn cử sứ giả tìm đến cầu học. Vua Đông Quốc quyết liệt từ chối. Ít lâu sau, vua Cù Tát Đán thay đổi sách lượt, phái sứ giả đến Đông Quốc cầu hôn. Gặp lúc vua Đông Quốc sẵn ý đồ bành trướng thế lực, xâm chiếm dần các vùng đất phía Tây, nên đồng ý gã công chúa. Sứ giả Cù Tát Đán tìm cách gặp riêng công chúa thuyết phục “Nước chúng tôi không có tơ lụa. Thỉnh cầu công chúa tìm cách đem theo giống dâu tằm để có tơ lụa may trang phục sau này”. Công chúa đồng ý. Ngày lên đường, nàng âm thầm giấu một ít tằm giống vào mũ. Tới cửa ải, sĩ binh Đông Quốc kiểm tra hàng hóa giao lưu rất chặt chẽ, nhưng tuyệt đối không dám chạm vào mũ công chúa. Thế là giống tằm Đông Quốc đã được đưa vào vương quốc Cù Tát Đán (Vu Điền trấn sau này). Theo lịch sử ghi chép, thì Đông Quốc chính là nước Thiện Thiện, hóa thân của vương quốc Lâu Lan khi dời đô đến Y Tuần năm 77 trước Công Nguyên.
Phía Nam ngoại thành Cù Tát Đán khoảng 6km, có một ngôi chùa. Trong đó trưng bày di tích về nguồn gốc dâu tằm sớm nhất tại tiểu vương quốc này. Huyền Trang (thời Sơ Đường) trên đường hành hương đến xứ Phật Ấn Độ, khi qua Vu Điền, đã từng ghé thăm ngôi chùa này, và đã nhìn tận mắt những cây dâu cổ thụ trong sân chùa.
Mùa Đông năm 1900, khi khảo sát di tích khu Đan Đan Ô Lý Khắc thuộc Vu Điền trấn (nay nằm phía chính Bắc công xã Đạt Mã Câu, thuộc huyện Sách Lặc, Hòa Điền khoảng 120km), người ta phát hiện một bức cổ họa. Mặt tranh có 4 trọng điểm: Chính giữa là một phụ nữ quí tộc đội mũ cao, bên phải là một thị nữ tay chỉ vào chiếc mũ cao của phụ nữ quí tộc. Qua nghiên cứu, phụ nữ quí tộc trong tranh là công chúa Đông Quốc với sự cố giấu tằm giống trong mũ. Ngón tay thị nữ nhằm chỉ vào chỗ bí mật. Cũng bên phải (gần công chúa hơn), là một người cầm xa quay tơ. Bên trái là một bầy tằm được thả trên mặt đất. Bức tranh nói lên toàn bộ cố sự đưa dâu tằm vào vương quốc Cù Tát Đán, qua cuộc hôn nhân của công chúa Đông Quốc.
Từ Vu Điền, theo Lộ tuyến Nam của “Con đường Tơ lụa”, đi về phía Tây Bắc khoảng 500km, sau khi qua Thích Nam Châu (nay là Diệp Thành), sẽ đến Sơ Lặc trấn (nay là thành phố Ca Thập tỉnh Tân Cương). Sơ Lặc nguyên là một tiểu vương quốc trong vùng Tây Vực (vương quốc Cù Tát Đán). Vào giữa thế kỷ thứ nhất, hơn 2.000 năm lịch sử, thế lực Hung Nô xâm nhập chiếm lĩnh Tây Vực (trong đó có Sơ Lặc). Mãi đến thời Đông Hán, triều đình phái danh tướng “ném nút tòng quân” Ban Siêu đem quân bình định Tây Vực. Ban Siêu đã nhiều lần đánh tan Hung Nô, thu hồi toàn cõi Tây Vực và trấn thủ tại đó suốt 30 năm. Tới năm 70 tuổi, ông mới xin hồi hương (Lạc Dương)
Nền ngoại thương đời Đường phát triển cực thịnh do sự thông thương của “Con đường Tơ lụa”. Sơ Lặc trấn nhờ đó cũng trở nên một thành phố phồn vinh trong cùng Tây Vực. Đường triều đã thiết lập “Sơ Lặc Đô Đốc” tại đây. Cuộc hành hương trứ danh của Pháp sư Huyền Trang cũng đã dẫm lên thành trấn này.
Di tích Sơ Lặc trấn ngày nay nằm về phía Đông thành phố Ca Thập (Tân Cương) 30km, gần một vùng đất trũng. Hiện chỉ còn lại phế tích của chùa miếu và Phật tháp. Trấn Sơ Lặc (từ đời Đường) là điểm hội tụ hai Lộ tuyến Bắc Nam của “Con đường Tơ lụa”, trước khi cùng vượt núi Thông Lãnh.