văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, June 11, 2013

HÀ THÚC SINH * Las Vegas: Xu Sau Cùng.

Las Vegas, Đô Thị Ánh Sáng Không Bao Giờ Ngủ! Mở Cửa 24 Giờ Một Ngày, 365 Ngày Một Năm!”

Kinh đô đổ bác lớn nhất thế giới ấy có thể mánh mung xạo sự chuyện gì chứ riêng chuyện quảng cáo bên trên nó nghiêm chỉnh không ai bằng. Về mặt lịch sử nó đã có đó từ những năm 1700s, nhưng chỉ chính thức trở thành một thành phố vào năm 1905 với dân số 800 người, và mức gia tăng chỉ nhanh chóng khi cuộc đại khủng hoảng kinh tế xảy ra với những sòng bạc đầu tiên được cấp giấy phép vào ngày 19-3-1931. Ngày nay, Las Vegas là một trung tâm du lịch, giải trí, cờ bạc, và kỹ nghệ quốc phòng. Dân số hơn 1 triệu người sống toàn bằng những nghề có liên quan tới việc phục vụ một lượng du khách hàng năm từ khắp năm châu đổ đến lên tới 37 triệu.


Có năm nó đã lên tới 37 triệu lẻ vài người ấy là khi người viết có bạn bè phương xa ghé đến và sẽ đi làm tour guide cho họ vài ngày. Đến nơi chia cánh ra, ai thích bài bạc cứ việc, còn ai thích đi coi shows, uống vanh Napa, ăn xì tếch kiểu Nữu Ước chính hiệu, và coi người ta... đánh bạc thì tiếp tục đi theo sự chỉ dẫn của tour guide này.

Vâng, lang thang coi người ta đánh bạc cũng là một cái thú. Chỉ ở sòng bạc, và chỉ với người đứng ngoài quan sát mới thấy ra được điều này: từ một cô thợ móng tay đến một bà chủ xưởng may, từ một ông giáo đến một ông du đãng, từ một cô ca sĩ đến một ông tu sĩ, từ một ông nhà báo đến một bà nhà bếp, vân vân và vân vân, sẽ từ từ lộ ra hết bản chân diện mục: rộng rãi, ti tiểu, cao thượng, thấp hèn, thận trọng, hung hăng, xi măng cốt sắt hay bán trời không văn tự. Không có gì có thể che giấu giúp họ được nữa những thứ họ không thật sự sở hữu khi họ đã ngồi vào sòng bạc! Nhưng thú nhất vẫn là được nhìn những bộ mặt của kẻ chuyên nghề tháu cáy, thứ bộ mặt dù mang màu da nào cũng đều giống nhau ở một điểm: họ nhìn mà làm như không thấy. Họ ngó mà thực thì chả ngó ai. Mặt cứ giả bộ thộn ra như kẻ lấy ráy tai.

Xem một lát rồi mình cười chơi một phát, rồi mình lại đi ăn, đi uống, đi coi shows. Bạn hỏi lý do tại sao đi Las Vegas mà không đánh bài thì cứ thật thà trả lời vì không biết đánh. Còn giật máy thì đã lỡ có thiên kiến mất rồi. Dù sao một trong những bài toán thống kê đầu tiên về phép xác xuất là bài “Ném Đồng Cắc” có phần liên hệ đến vụ giật máy rất khó quên. Cứ mỗi lần đến Las Vegas nó lại lồm cồm thức dậy  trong trí nhớ. Nó chứng minh giật máy giống như mình ném lên đồng bạc cắc, mới đầu có sấp có ngửa, ném mãi chỉ còn một mặt; cũng thế, giật mãi, cái câu ca dao của ta “cờ bạc canh đỏ canh đen; nào ai có dại đem tiền vứt đi” sẽ đến lúc tự chứng tỏ nó sai bét, và kết quả đồng bạc sau cùng trong túi của ta nhất định sẽ vào nằm yên ngủ trong máy của chủ sòng. Cái này được chứng minh bằng toán, mà đi cãi nhau với toán thì hơi... kỳ. Không nên.

*
Vả lại nói là sòng bạc nhưng không phải cái loại sòng bạc Kim Chung của tướng Bảy Viễn đâu. Nó không phải là nơi để cãi nhau dù là cãi nhau với... bài toán thống kê. Nó là nơi an toàn, cực kỳ vui vẻ cho những tay chơi lương thiện và không vi luật, chẳng hạn gian lận, chụp ảnh, để con cái dưới 18 tuổi đụng vào những chỗ đã bị cấm đụng như máy giật vân vân đều rắc rối pháp lý hoặc bị đuổi khỏi sòng. Về cơ sở thì sòng nào cũng nguy nga, tráng lệ. Thật khó mà nói ở Las Vegas sòng nào hơn sòng nào về mặt tiện nghi và các phương tiện giúp cho con người vui chơi những ngày nghỉ dài trong năm, hoặc sau một thời gian làm việc quá căng, đi giải trí đôi ba ngày cho nó nhẹ mình. Nhưng cho dù ta vốn là người bị dị ứng nặng với hai trường hợp mất tiền “oan,” một là vì lơ đãng bị cảnh sát nó nhét vào tay một tờ giấy phạt đau đớn, và hai là tự nhiên tạt ngang để thua một mớ tiền lãng xẹt cho cái máy chết tiệt, ta cũng không nên quên rằng lòng tham con người (vốn tưởng là lạ mặt với ta) cũng giống như một món ăn ta vốn tưởng là ta không thích. Mà món ăn thì, như một câu tục ngữ Pháp nói, “Sự ngon miệng sẽ đến trong khi ta ăn,” cũng thế, lòng tham sẽ đến khi ta bắt đầu... thắng. Đang nhâm nhi ly cổ-nhắc, tơ lơ mơ ngồi xem anh bạn thân giật máy, đùng một cái anh đứng lên, để lại một đống tiền, bảo: “Ê, giật cho đỡ buồn tay bạn hiền, đi toa-lét cái đã.” Mươi phút, có thể nửa tiếng sau không chừng, bạn mới trở lại. Thấy hết tiền bạn vô tư kéo mình sang trò chơi khác. Bạn nào biết “một tiền bạn thêm vạn tiền mình” đã chui vào nằm trong cái hòm sắt ấy một cách... chẳng dại nào giống cái dại nào!

Chuyện đời khôn dại là chuyện khó luận, nhưng khi dẫn bạn sang chơi Las Vegas, người viết cũng hay được hỏi ý kiến, thí dụ: bước vào thế giới không bao giờ ngủ ấy ta cần... cảnh giác gì chăng? Thường câu hỏi đại loại bạn hiền chỉ được trả lời một cách gián tiếp: sòng đầu tiên được dẫn đến là sòng Caesar Palace. Mặt tiền nó tráng lệ lắm. Một tượng Julius Caesar hùng tráng như lúc ông còn là tướng trận tiền bên Gaul, quyết vượt sông Rubicon về lại Ý để làm lịch sử chứ không phải nhão ra như sợi bún lúc chui ra khỏi giường loan của Cleopatra sau này. Nhưng đó, bạn hiền có thấy gì đặc biệt ở tượng Caesar không? Không? Xin bạn nhìn kỹ lần nữa đi trước khi trả lời. Vẫn không? Thôi được, thế bạn có thấy Caesar mặt khó đăm đăm, một cánh tay cương quyết giơ thẳng ra phía trước không? Thấy! Thế có nghĩa là gì? Chắc là chào khách theo kiểu... Quốc Xã! Ồ không, Caesar sinh ra chẳng muốn chào ai mà chỉ muốn người ta chào mình thôi, thế nên sau này mới chết thảm về tay bọn Brutus đấy bạn. Việc Caesar chỉ tay ra đường nơi sòng bạc thật rất giản dị và dễ hiểu. Ông ấy đang quát: “Ê, mấy tên đã cháy túi kia, cút ra ngay!”.

Vâng, bài học cảnh giác vỡ lòng ở Las Vegas, có thể như thế, là đừng để cháy túi và nếu lỡ cháy túi rồi thì cút thôi. Caesar có vẻ sỗ sàng, anh chị, nhưng nghĩ cho cùng trong lão có thể còn sót tí chữ nhân. Để cho cánh cháy túi chàng ràng ở đó thêm một lát, rồi ngứa ngáy, rồi moi thẻ nhựa ra là coi như rồi đời (vợ) chồng con (Thống kê cho biết hiện nay cánh chị em chiếm 67% quân số trong lực lượng liên minh nam nữ thường xuyên tham chiến trên lãnh thổ Las Vegas!)

Một huyền thoại đáng nghe về Las Vegas.
Lẽ tất nhiên giữa các bố già Las Vegas và các tay chơi có khác biệt gì chăng nữa nhưng sau cùng họ vẫn có một nhận thức giống nhau, dù một bên sớm một bên muộn, rằng thì là: đến Las Vegas để bỏ tiền lại chứ không phải để đem tiền đi. Vì nếu khách đến đó để đem tiền đi thì thật giản dị đã không còn Las Vegas. Và hơn thế, nó không thể nào trở thành một kỹ nghệ thu vào 40 tỷ USD mỗi năm với đủ món ăn chơi  mà chỉ riêng cờ bạc các bố già đã bỏ túi số tiền lên tới hơn 7.5 tỷ USD. Con số chính xác theo thống kê năm 2000 là 7.673.134.268 USD (*). Và nếu sòng bạc không là cái máy hút tiền của đám tín đồ thần đổ bác, nước Mỹ không có hiện trạng này: ngày nay đã có 48 trên 50 tiểu bang hợp pháp hoá việc cờ bạc. Trừ Hawaii và Utah.

Sau này, trong thập niên 90 cũng có vài thiên tài điện toán, những kẻ muốn làm ngược lại định luật bên trên là... không chịu bỏ tiền lại nhưng nhất định đem tiền đi. Cánh này, do đó, đã dùng một loại remote control đặc biệt chỉnh được hệ thống máy giật và kéo thắng cả triệu đô, nhưng sau khi thắng lớn, có lẽ anh linh tổ tiên hiện về khuyên bảo, họ tự nguyện xin vào gặp các bố già thú thật “chúng em chơi dại, dè đâu chuông nó báo, tiền nó chảy, chúng em dập đầu xin lỗi, xin các đàn anh ban phép cho chúng em được an toàn ra khỏi Las Vegas về với vợ con, và xin thề hứa không bao giờ dám trở lại đất này nghịch ngợm làm phiền lòng các đàn anh nữa.” Đại khái thế.

Nhưng trong lịch sử Las Vegas từng có một kẻ lấy được tiền của các bố già và ra khỏi Las Vegas hiên ngang, an toàn, dù sau đó anh ta có còn hiện diện trên mặt đất nữa không thì không ai biết. Chuyện thế này:

Một khách trung niên ăn mặc sang trọng nhưng trông mệt mỏi. Lý do anh đã trải qua nhiều đêm thức với sòng tài xỉu tuy không hề đặt tiền. Những tay chơi dần dần quen mặt anh. Cứ mỗi lần mấy con súc sắc được ném anh đều theo dõi gần như nín thở, và nét mặt thay đổi sự vui buồn rõ đến nỗi những người chung quanh bắt đầu phải ngạc nhiên, lưu ý. Một nửa khuya, khi mấy con súc sắc được ném ra, tự dưng anh hét lên: “Trời ơi!” Khách chơi không hiểu chuyện gì, hỏi han, thì anh ôm đầu buồn khổ nói: “Tôi căn mấy ngày nay, đoán biết chắc đến 95% là lần ném vừa rồi phải là lẻ, nhưng 5% còn lại không chiều tôi, nó ra chẵn, và ôi thôi, thế là toi 100 ngàn!” Ai cũng ngạc nhiên vì có thấy anh đặt tiền đâu. Nhưng anh đã rút tập chi phiếu ra, ký trả số tiền đúng 100 ngàn và đưa cho người điều khiển sòng bạc. Anh nói: “Vì danh dự của tôi, xin anh nhận chi phiếu này.” Ai cũng cho là anh ta không điên cũng không bình thường. Nhưng anh vẫn một mực đòi trả vì “Xin đừng để tôi sống như một kẻ tự làm mất danh dự.” Lịch sử  Las Vegas làm gì đã có trường hợp tương tự! Người điều khiển tất nhiên phải thỉnh sếp đến, và qua hai ba cấp sếp không giải quyết được, sau cùng bố già xuất hiện. Bố già nghĩ bụng, “Mẹ cha thằng điên này muốn trả thì ông cho trả!” Rỗi lão vui vẻ bảo bộ hạ xem xét tình trạng tấm chi phiếu thế nào, kế tuyên bố: “Vì danh dự của ông, sòng chúng tôi chấp nhận món tiền này!” Nói xong bố già lạnh lùng quay gót, và anh ta cũng buồn buồn lui bước. Hai ngày kế khách chơi chỉ thấy “thằng điên” ngồi uống rượu li bì. Cho đến một chiều kia, đúng 6 giờ, anh ta lại ghé ngồi vào sòng và lặng lẽ nhập trận trở lại.

Vào đúng nửa khuya, khi mấy con súc sắc vừa ném ra và đã nằm yên, khách chơi một lần nữa muốn vỡ tai vì một tiếng thét xem ra còn kinh hơn tiếng thét lần trước: “T... r... ời... ơ.... ơ....i....!” Thật là một tiếng thét đứt ruột. Tất cả bàng hoàng chưa kịp có phản ứng thì anh ta đã nhảy dựng lên, reo tiếp: “Thắng rồi, thắng một triệu rồi!”

Từ đó, nghe nói suốt một thời gian dài các sòng bạc đều có treo những tấm biển nhỏ đề hàng chữ mạ vàng: “No Mind Gambling!” Cấm đánh bạc tưởng.

*

Nhưng dân nước nào đánh bạc kinh nhất? Mỹ điển hình qua Las Vegas? Thưa không, cứ tính theo tỉ lệ dân số thì chức vô địch phải dành cho Úc. Dân số Úc có 19 triệu người, tức chỉ quãng 2/3 so với dân số tiểu bang California hoặc quốc gia Canada, nhưng tỷ lệ đánh bạc thì cả nước Mỹ cũng thua. Theo thống kê, người Mỹ trung bình chỉ có quãng 50% đánh bạc 1 năm 1 lần. Trong khi đó, theo tài liệu chính thức của thủ đô Canberra đưa ra, 80% người Úc (trong có vô số Mít ta) đánh bạc ít nhất 1 năm 1 lần, 40% 1 tuần 1 lần. Úc chiếm 1/5 tổng số máy đánh xì phé của cả thế giới. Trời ơi, quốc gia gì mà tuần nào cũng có gần một nửa nước lũ lượt kéo nhau đi đánh bạc!

Chỉ riêng điều này chẳng biết Úc có hơn Mỹ không, nói rõ hơn là có hơn Las Vegas không, đó là lòng yêu của các bố già bày tỏ với những con mòng của họ. Vâng, cuộc vui nào cũng chóng tàn, dù bài bạc hay không bài bạc, tất cả cũng đến lúc lên máy bay rời Las Vegas để trở về với đời sống cày cuốc. Lúc ngồi đợi máy bay ở phi trường, bạn còn váng vất trong cơn mê giật? Đừng lo, sẽ có cơ hội sau cùng cho bạn giật. Vâng, máy giật ở phi trường Las Vagas có cả trong... phòng vệ sinh. Ở đây không có máy giật lớn, nhỏ thôi. Của đáng tội các bố già biết cả, túi còn nặng đâu nữa mà to với không to. Thường máy giật ở đây lớn nhất là 25 xu và nhỏ nhất là... 1 xu. Thế đấy, các bố già luôn luôn theo bạn bén gót và sẽ bày tỏ lòng ưu ái cái túi của bạn đến phút chia tay cuối cùng.

*

Las Vegas, chữ Tây Ban Nha có nghĩa là những cánh đồng cỏ. Và khi “nhẹ huẫng” ngồi trên máy bay bay về tổ ấm, nhìn xuống lúc đó người ta mới bừng tỉnh, chẳng thấy đâu những cánh đồng cỏ xanh rờn hứa hẹn, chỉ thấy toàn thể là một vùng sa mạc hoang vu, có sức nóng mùa hè giống một thứ hoả ngục nung nấu mà trong lịch sử hơn một lần nhiệt độ đã lên tới 117 độ Fahrenheit = 47.2222222 độ Celsius như vào ngày 19-7-2005 chẳng hạn.

Bạn sẽ đi Las Vegas vào mùa hè năm nay? Không chúc bạn may mắn mà chỉ xin nhắc bạn, đặc biệt quý bà quý cô, nếu có máu mê, làm ơn mặc giùm nhiều nhiều quần áo ª

(*) 2000 là năm cao điểm. Những năm gần đây, vì ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những lợi tức trên bị tụt dốc và Las Vegas đã phải khép mình đứng sau Macao.