văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, June 21, 2013

Viên Linh * Nguyễn Ðăng Thục (1908-1999), Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam

GS Nguyễn Ðăng Thục (1908-1999).

Ðầu Tháng Sáu, 1999, gió bão cấp 10 và 11 kéo vào thành phố Sài Gòn và các vùng lân cận với những trận mưa to gió lớn, thế nhưng tang lễ Giáo Sư Nguyễn Ðăng Thục, từ trần tại nhà riêng hôm mồng 2, đã diễn ra đông đảo, tôn kính chưa từng có.

Một nhà báo miền Nam tường thuật rằng “những người tham dự đám tang ghi nhận, đây là đám tang chiếm kỷ lục người tiễn đưa với ‘một rừng tóc bạc,’ bởi người sinh viên học giáo sư tại Ðại Học Văn Khoa Hà Nội hồi 1950 lúc này đã giữa tuổi bảy mươi, là giáo sư đại học Nguyễn Trí Tài, và người trẻ nhất, khi Ðại Học Vạn Hạnh đóng cửa năm 1975, cũng khoảng năm mươi.” (1)


Giáo Sư Nguyễn Ðăng Thục trước 1954 giảng dạy tại Ðại Học Văn Khoa Hà Nội, trước 1975 từng là khoa trưởng Văn Khoa Ðại Học Sài Gòn và khoa trưởng Nhân Văn Ðại Học Vạn Hạnh. Ông sinh năm 1908 tại làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm, Bắc Ninh, hồi trung học là học sinh Albert Sarraut Hà Nội, năm 19 tuổi ông đi du học ở Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ, học ngành kỹ nghệ và khoa học tại L'Ecole Nationale des Arts, đậu kỹ sư hóa học. Trong thời gian ở ngoại quốc ông đã nghiêng về nhân văn và đạo học, theo các lớp Triết Văn tại Ðại Học Sorbonne ở Paris, cho nên khi về nước năm 1933, ông xuất bản tờ báo Tương Lai Thanh Niên bằng tiếng Pháp: L'Avenir de la Jeunesse. Ông cũng viết cho báo khác như tờ Le Travail (Lao Ðộng). Về sở học, ông là kỹ sư trông coi nhà máy dệt Nam Ðịnh. Người ta được biết cũng trong thời gian này, ông nghiên cứu Ðạo học Ðông phương. Tác phẩm sớm sủa nhất của ông là “Tinh thần Khoa học và Ðạo học,” cái nhan đề sách ấy cho thấy tác giả Nguyễn Ðăng Thục đã song hành tôi luyện sở học từ phương Tây và tâm hồn Việt Nam trong cuộc sống. Sau năm 1954 tại Sài Gòn, tờ tạp chí nổi tiếng nhất thời ấy, và giá trị còn tồn tại tới bây giờ, là Tạp chí Văn Hóa Á Châu do giáo sư chủ trì. Giáo sư cũng được mời làm trưởng tiểu ban Văn Hóa UNESCO Việt Nam.

Thời gian kháng chiến bùng nổ, Giáo Sư Nguyễn Ðăng Thục trông coi công binh xưởng ở Liên Khu Ba (Thanh Hóa). Có lẽ với liên hệ này đã khiến ông quen biết một số nhân vật khác lý tưởng, và tương tự nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, ông có cảm tình phần nào với họ, nên đã bị liên hệ trong một vận động của Tả phái hồi giữa thập niên 60, và phải rời Ðại Học Văn Khoa một thời gian. Một mặt, hoạt đồng cùng lúc trong cả hai phần thực dụng và nghiên cứu, và trong cái rủi có cái may, Nguyễn Ðăng Thục dồn nhiều nỗ lực cho công việc trước tác, ông đã cho xuất bản những tác phẩm nghiên cứu vừa công phu, vừa theo các phương pháp chuẩn mực của Tây phương, để lại cho đời sau một kho tàng văn triết quan trọng, có thể kể:

-Dân Tộc Tính (Văn Hóa Vụ, 1956), Triết Lý Văn Hóa Khái Luận (Văn Hóa Á Châu, 1956), Triết Học Ðông Phương Nhập Môn (Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1958), Văn Hóa Việt Nam và Ðông Nam Á (1961), Lịch Sử Triết Học Ðông Phương, nhiều tập (1958-1964), và nhất là Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, in nhiều lần, nhiều tập, từ 1967 cho tới sau này. (2)

Nội dung bộ sách này như thế nào?

Trước khi nói đến Tư Tưởng Việt Nam, người đọc đã có thể thấy tác giả Nguyễn Ðăng Thục ngay từ tuổi ba mươi, đã tìm học Triết học và Tinh thần Phương Ðông như thế nào qua những tác phẩm của ông. Sau một thời gian trước tác khoảng hai mươi năm, ông nghiên cứu và viết về Dân Tộc Tính Việt Nam. Khoảng mười năm sau nữa, từ những gì đọc và tìm hiểu, tác giả Nguyễn Ðăng Thục đã hệ thống hóa các kiến thức và tài liệu, suy luận, đi đến hình thành một tập đại thành có căn bản: Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam. Nói ông là một học giả, một giáo sư, một khoa trưởng là cách nói quá sơ sài, và phiến diện. Người ta không gọi ông là một triết gia, có lẽ Nguyễn Ðăng Thục không bao giờ vận dụng tới ngôn ngữ một cách cầu kỳ, mà dùng những tiếng, những chữ giản tiện, để ai cũng có thể hiểu được.

Ông không sáng tác ra những danh từ ghép nhiều hàm xúc kiểu Hán Việt, mà dùng những tiếng dung dị bình dân. Giống như trên văn đàn, một cây bút mới thường có tật tung ra những chữ những tiếng ngổn ngang góc cạnh, nghe tưởng tân kỳ, trong khi cũng thi sĩ ấy vài chục năm sau, nếu còn thấy trên văn đàn, đã dung dị hơn nhiều. Nhà tư tưởng Nguyễn Ðăng Thục ngay từ đầu đã là nhà tư tưởng, văn phong ông không nổi bật vẻ khai phóng, chỉ nổi bật vẻ quảng bá, không phải một đám khói, mà là một vầng mây. Ngay câu đầu của “Lời Mở Ðầu” năm 1963, tác giả Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam đã cho thấy thực trạng qua một câu hỏi của một vị “đại trí thức:” “Việt Nam cũng có tư tưởng ư?” Câu ấy được nêu lên đầu tiên trên đầu sách, cũng hàm ý rằng tác giả Nguyễn Ðăng Thục không nằm trong “giới đại trí thức đó.” Ông chỉ trả lời: “Ngớ ngẩn!”

Những câu viết tiếp theo cho thấy những gì ông phơi bày trong sách đến từ cuộc sống, từ truyền thống, trong một “triết lý vĩnh cửu.” Triết lý vĩnh cửu không do một cá nhân nào đặt ra được, phát minh ra được. Triết lý vĩnh cửu đến từ truyền thống của một cõi nhân sinh. Sách ông viết cũng ít chú thích viện dẫn, nếu bộ “Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam” cũng viện dẫn chú thích dầy đặc, thì với 3000 trang sách, chỉ đọc chú thích viện dẫn cũng đủ đui mù.

1. Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, tập 1, dầy 484 trang.

Tiêu đề chính: Ý thức Thần thoại và Triết học;

Tiêu đề thứ hai: Hai nguồn gốc Tư tưởng Việt Nam. Các tiết mục: Văn minh Ðông Sơn, Văn minh Lạc Trường, Tư tưởng Bình Dân, Phật Giáo Bình Dân, Từ Vật Linh đến Tam Giáo.

2. Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, tập 2, 448 trang.

Tiêu đề chính: Thời Bắc thuộc và thời Ðinh Lê (Từ thế kỷ II trước CN đến thế kỷ X). Bối cảnh Văn hóa Việt Nam trước thời Tần Hán. Ảnh hưởng Ấn Ðộ với Phật giáo Giao Chỉ. Thiền học Việt Nam với Văn hóa giao lưu.

3. Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, tập 3, dầy 360 trang.

Thời Lý. Vạn Hạnh. Từ chùa Một Cột tới Thiền học Thảo Ðường. Ý thức Ðại Việt.

4. Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, tập 4, 600 trang.

Tư tưởng Việt Nam thời Trần. Quốc học, tinh thần Quốc gia với Trần Thủ Ðộ. Trần Thái Tông với Quốc học. Trúc Lâm Yên Tử. Ðạo làm tướng với Binh pháp đời Trần.

5. Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, tập 5, dầy 270 trang.

Tư tưởng Việt Nam thời Hồ. Nho Phật xung đột. Tư tưởng Pháp trị của Hồ Quí Ly. Nghĩa sĩ với Ý thức Dân tộc.

6. Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, tập 6, dầy 310 trang.

Nguyễn Trãi và Khủng hoảng Ý thức hệ. Tam giáo trong Lâm Tuyền Kỳ Ngộ.

7. Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, tập 7, dầy 180 trang.

Tư tưởng tổng hợp của Lê Quí Ðôn. Triết học biện chứng lý khí. Nhân sinh quan - Ðạo đức Chính trị học.
Với 3,000 trang sách được viết trong nhiều năm, Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam trước hết là lịch sử truyền thống của dân tộc ta; cụ thể và thu nhỏ, đó là triết học nhân văn được sưu tập và phân tích, hệ thống hóa của nhà tư tưởng Nguyễn Ðăng Thục. Nhân ngày giỗ của vị giáo sư bậc thầy của ba phần tư thế kỷ môn sinh triết học Việt Nam, Nguyễn Ðăng Thục, người viết bài hôm nay xin được dùng những trang viết sơ khai này như ba nén nhang, thắp lên trong phòng sách, để kính cẩn tưởng niệm người. (12.6.2013)



Chú thích:
(1) Theo bài báo của phóng viên Cao Sơn, Việt Nam Mới, Seattle, June 1999.
(2) Theo Từ Ðiển Văn Học, Ðỗ Ðức Hiểu chủ biên, Thế Giới, 2000.