văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, June 11, 2013

TRẦN YÊN THẢO & LÂM HOÀNG LÂN * lộ tuyến nam của con đường tơ lụa Chương VI.


PHẦN KẾT

Nội dung quyển sách này chỉ giới hạn ở đoạn phía Đông của “Con đường Tơ lụa”. Tức từ kinh đô Trường An thời Hán Đường qua Hàm Dương, men theo Hành Lang Hà Tây rồi ra Ngọc Môn Quan và Dương Quan, xuyên Tây Vực để đến địa đầu vùng Trung Á Tế Á.
Thời cổ đại, các thương đội và lữ hành khi vượt hết được đoạn phía Đông của “Con đường Tơ lụa”, họ đều coi như trút được gánh nặng của hành trình. Mặc dù từ đó nhìn về các thị trường phương Tây vẫn còn một đoạn đường phía trước, tức vùng Trung Á Tế Á.

Đoạn đường này tuy tương đối khắc nghiệt về khí hậu sa mạc nhưng lại ít khắc nghiệt về địa lý nhân văn, tuy có đi qua gió cát sa mạc nhưng lại không phải qua sông vượt núi gian hiểm nhiều như đoạn phía Đông. Vùng Trung Á Tế Á là cơ địa của các vương quốc Ba Tư (nay là Iran và Irak), Đột Quyết (nay là Thổ Nhĩ Kỳ).. Những cộng đồng dân cư trên sa mạc của các vương quốc này có cự ly cách nhau không quá xa như vùng Tây Vực của đoạn phía Đông. Hơn nữa, họ cũng có quan hệ mậu dịch với Trung Nguyên, nên những thương đội Trung Quốc cũng không gặp nhiều khó khăn khi qua đây.
Đoạn phía Đông của “Con đường Tơ lụa” ngoài hai thành phố phồn vinh là Trường An và Hàm Dương, Hành Lang Hà Tây còn là yết hầu quan trọng về cả quân sự lẫn chính trị và kinh tế. Đó là một dãy dài, hẹp, có màu xanh trải từ bờ Tây sông Vị đến vùng sa mạc phía Nam cao nguyên Mông Cổ.
Các khu vực Âm Sơn, Lũng Sơn, Hà Tây Tẩu Lang và Hà Hoàng trên Hành Lang Hà Tây đều có những cứ điểm chiến lược quan trọng, làm bình phong che chắn Trung Nguyên và bảo vệ sự lưu thông của “Con đường Tơ lụa”.
Những vùng có khí hậu ôn hòa trải dài các chân núi Âm: Sơn, Lũng Sơn, Kỳ Liên Sơn (còn gọi Thiên Sơn) và Yên Chi Sơn là những vùng cỏ nước dồi dào, thu hút cư dân nhiều bộ tộc ít người, và đã hình thành những cộng đồng kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi rất trù phú.
Những thành thị nằm dọc Hành Lang Hà Tây như Thiên Thủy, Cam Châu (nay là Trương Dịch), Túc Châu (nay là Tửu Tuyền), Lương Châu (nay là Vũ Uy), Sa Châu (nay là Đôn Hoàng)... Nhờ sự lưu thông của “Con đường Tơ lụa” mà trở thành những đô thị phồn vinh và là những trung tâm giao lưu văn hóa kinh tế Đông Tây theo 2 chiều mậu dịch. Thành phố Đôn Hoàng không những là ngã rẽ và là điểm hội tụ của 2 Lộ tuyến Bắc Nam mà còn là trung tâm của 2 chiều mậu dịch Đông Tây. Mặt khác, các thương đội và tăng lữ hành hương khi dừng chân tại Đôn Hoàng để chuẩn bị xuyên Tây Vực, đều cầu Thần bái Phật phù hộ cho hành trình, nên từ rất sớm, Đôn Hoàng đã trở thành trung tâm phát triển cực thịnh của Phật Giáo.
Rời Đôn Hoàng, các Lộ tuyến của “Con đường Tơ lụa” đều phải ra Dương Quan hoặc Ngọc Môn Quan để xuyên Tây Vực. Đó là 2 tòa quan ải yết hầu của “Con đường Tơ lụa” và của cả nền an ninh Trung Nguyên. Vì muốn bảo vệ Trung Nguyên và làm chủ tình hình vùng Tây Vực nhằm giữ an toàn cho huyết mạch giao lưu Đông Tây mà, ngay từ thời cổ đại, nơi đây đã xảy ra vô số trận chiến khốc liệt. Đời Hán chiến tranh với Hung Nô và Đại Uyển, đời Đường chiến tranh với Đột Quyết và Thổ Phồn... Cho nên 2 tòa quan ải này không những đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Trung Quốc, mà còn để lại nhiều hình ảnh tuyệt vời trong thi ca Biên Tái đời Đường.
Tây Vực là vùng đất vừa hiểm ác vừa quyến rũ, vừa hoang sơ vừa thần bí mà, các Lộ tuyến của “Con đường Tơ lụa” bắt buộc phải đi qua. Đó là vùng đất đã đưa mặt hàng tơ lụa của Trung Nguyên đến các thị trường bờ Tây Thế Giới và là huyết mạch giao lưu văn hóa văn minh Đông Tây. Nhưng đó cũng là nơi chôn vùi không biết bao nhiêu hành nhân trong gió cát sa mạc.
Thời viễn cổ, Tây Vực là nơi định đô của hơn 100 tiểu vương quốc. Tới khi nhà Tây Hán thông sứ Tây Vực thì nơi đây chỉ còn 36 tiểu vương quốc, gồm khoảng 50 thành trấn lớn nhỏ, phối trí trên các Lộ tuyến của “Con đường Tơ lụa”. Nhưng qua những thời kỳ biến thiên, phần lớn diện tích Tây Vực bị sa mạc hóa, cư dân lưu tán, gió cát chôn vùi nhiều thành trấn. Tới đời Đường, Tây Vực chỉ còn lại các thành trấn: Y Châu (nay là huyện Cáp Mật Tân Cương), Đình Châu (nay là Cát Mộc Tác Nhĩ Tân Cương), Ô Lỗ Mộc Tề và Y Ninh nằm trên Lộ tuyến mới phía Bắc. Thành Yên Kỳ, Khố Nhĩ Lặc, Khưu Từ (nay là Khố Xa Tân Cương) và A Khắc Tô nằm trên Lộ tuyến Bắc. Thành Thạch Thành (nay là Nhược Khương Tân Cương), Bá TIÊN (nay là huyện Thả Mạc Tân Cương), Vu Điền (nay là Hòa Điền Tân Cương) và Sơ Lặc trấn (nay là thành phố Ca Thập Tân Cương) nằm trên Lộ tuyến Nam của “Con đường Tơ lụa”.
Bồn địa Tháp Lý Mộc chiếm gần hết diện tích của Tây Vực và sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can cũng chiếm gần hết bồn địa này. Từ sau thời kỳ đóng băng thế kỷ thứ 4 khí hậu bồn địa ngày càng khô kiệt và nhiều gió, lượng nước mưa hằng năm rất thấp, thậm chí toàn vùng gần như không có cỏ nước (trừ rừng Hồ Dương thiên nhiên tồn tại từ thời kỳ bồn địa chưa trải qua biến thiên).
Nhưng theo lịch sử ghi chép và nhất là căn cứ kết quả khai quật những cổ thành Lâu Lan, Y Tuần, Ni Nhã, Cao Xương... thì bồn địa Tháp Lý Mộc đã từng tồn tại nhiều vương quốc hùng mạnh. Chứng tỏ bồn địa đã có một thời kỳ khá dài khí hậu ôn hòa, hình thành nhiều cộng đồng quốc gia trù phú. Nhưng về sau khí hậu ngày càng khô kiệt, bồn địa mất nguồn nước băng tan và các con sông cũng tắt hẳn dòng chảy. Lượng cát trầm tích từ nhiều thế kỷ trước dần hồi bị sa mạc hóa xua đuổi cư dân, chôn vùi thành trấn. Bồn địa Tháp Lý Mộc từ đó trở thành khổ nạn cho các thương đội và lữ hành trên “Con đường Tơ lụa”.
Hồ La Bố Bạc nằm mút phía Đông của bồn địa Tháp Lý Mộc. Hồ này tích tụ nguồn nước lớn của 2 sông Tháp Lý Mộc và Khổng Tước nên từ thời cổ đại, mặt nước hồ có diện tích gần 1 vạn km2 (thủy lượng lớn thứ 2 của Trung Quốc). Nhưng cũng do ảnh hưởng các thời kỳ biến thiên, mực nước hồ cạn dần và đến nay thì khô kiệt hẳn. Bờ Tây hồ La Bố Bạc là nền xưa của vương quốc Lâu Lan, nằm giữa 2 Lộ tuyến Bắc Nam của “Con đường Tơ lụa”. Tất cả 3 Lộ tuyến đều phải đi qua bồn địa Tháp Lý Mộc, nên khu vực này đã trở thành bản lề giao thông trọng yếu của “Con đường Tơ lụa”.
Từ thế kỷ thứ 4 trở đi, kỹ thuật Dâu Tằm Tơ dần hồi được truyền bá qua một số nước vùng cực Tây Tây Vực. Những năm khai quốc Đường triều xã hội ổn định, kinh tế phát đạt, các thành thị Kim Mãn Thành (xưa là vương quốc Xa Sư Tiền Vương Đình), Vu Điền (xưa là vương quốc Cù Tát Đán) và Tây Châu (xưa là vương quốc Cao Xương) là 3 thủ phủ tơ lụa nổi danh của vùng Tây Vực. Mặt hàng tơ lụa từ các thủ phủ này chuyển đến thị trường phương Tây đã rút ngắn được Hành Lang Hà Tây và một phần đường Tây Vực. Nhưng “Con đường Tơ lụa” từ đó cũng biến thành huyết mạch giao lưu văn hóa văn minh Đông Tây.
Con đường Tơ lụa” trên lý thuyết tồn tại 17 thế kỷ, nhưng thực tế có 1 thế kỷ gián đoạn (CN 763-CN 866). Năm Thiên Bảo 14 Đường Huyền Tông (CN 755), vì loạn An Sử, triều đình điều hết quân tinh nhuệ về nội địa dẹp loạn. Thổ Phồn thừa cơ đem quân tấn công Lương Châu. Đến năm Quảng Đức thứ 2 Đường Đại Tông (CN 763), quân Thổ Phồn chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Hà Hoàng và “Con đường Tơ lụa” cũng tắt nghẽn từ đó. Năm Đại Trung thứ 2 Đường Tuyên Tông (CN 848), nhân Thổ Phồn có nội loạn, Trương Nghĩa Triều lãnh đạo nghĩa quân đánh đuổi Thổ Phồn. Cuộc khởi nghĩa kéo dài đến năm Hàm Thông thứ 7 Đường Ý Tông (CN 866), Trương Nghĩa Triều tái chiếm toàn bộ khu vực Hà Hoàng và tái khai thông “Con đường Tơ lụa”.
Con đường Tơ lụa” được khai mở từ mối lợi của các thương nhân nhưng, hoàn chỉnh trong vai trò lịch sử trọng đại. Đây không chỉ là con đường mậu dịch buôn bán Đông Tây thời cổ đại mà, còn là huyết mạch giao lưu chính trị, tôn giáo, văn hóa văn minh giữa Trung Quốc với vùng Trung Tây Á và cả các nước Châu Âu. Trong lịch sử, “Con đường Tơ lụa” ảnh hưởng sâu đậm đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây, và là tổng hợp tinh hoa, thúc đẩy phát triển văn minh nhân loại. Huyết mạch này tồn tại suốt 17 (thực tế chỉ có 16) thế kỷ, khi nhân loại chưa phát triển đường hàng hải.