Lâm Triết |
Sau
mấy ngày bay nhảy ở vùng biển Nha Trang, tôi bị người
đẹp chân dài tên Nhã, từ Lạng Sơn bay vào Sàigòn trốn
nắng, khích tướng: “Sao anh không tiếp tục làm chuyến
xuôi ra miền Trung ghé thăm xứ ‘nẫu’ ở cách xa đây
không quá một ngọn đèo”?
Ôi
trời! Đáng ngạc nhiên chưa, con gái ở tận vùng cao biên
giới phía Bắc, biết đến xứ “nẫu” mới là chuyện
lạ? Theo dân địa phương “nẫu” là tiếng nói đặc
trưng của họ dùng để chỉ người ta ( nẫu = người
ta). Cũng như xứ nẫu, dùng để chỉ miền đất nằm dọc
theo ven biển Nam Trung Bộ, mang tên Tuy Hòa - Phú Yên; đặc
biệt, còn là nơi đón ánh bình minh sớm nhất trên đất
liền, nằm về phía cực Đông của đất nước.
Theo
địa phương chí, ngay sau khi tái lập tỉnh Phú Yên tách
ra từ tỉnh Phú Khánh thì, thành phố Tuy Hòa vốn tưởng
lạ mà quen, sơ ngộ mà thâm giao; bỗng trở thành điểm
đến quan trọng trên bản đồ du lịch nổi tiếng khắp
cả nước. Bởi đây là vùng đất được tạo hóa ban
tặng cho một hệ thống cảnh quan thiên nhiên vô cùng
hùng vĩ, thơ mộng, độc đáo nhờ có núi non, cao nguyên,
đồng bằng châu thổ, sông, suối, hồ, ao, vịnh, hải
đảo . . . làm say đắm bao hồn người qua các địa danh
núi Nhạn, Chóp Chài, vịnh Vũng Rô, đầm Ô Loan, ghành đá
Đĩa . . .
Chỉ
nghe qua thôi đủ thấy hấp dẩn; huống chi tận mắt
chứng kiến thành phố xinh đẹp yên bình, chưa phải vội
vã bon chen vì cuộc sống, ăn các món hải sản tươi rói,
uống ly cà phê pha chế với công thức bí truyền ở
Tùng, Thanh Lâm hay Cổ Gia Trà. . để thấy cuộc sống
đáng sống hơn.
Bị
tự ái dồn dập, tôi đi lấy xe rồi hối Nhã ngồi lên
yên sau, chạy ào qua Đại Lãnh, thưởng thức món cháo
mực ngon tuyệt cú mèo, trước khi leo đèo Cả dài 12 cây
số không mấy hiểm trở so với những cung đường mù
sương đầy cua tay áo trên vùng Đông-Tây bắc. Vậy mà,
không hiểu vì sao các tay lái phía Nam gọi đó là sự
thách thức?
Đang
phom phom chạy lên đèo, tôi nghe tiếng Nhã cảnh báo từ
phía sau lưng:
-
Anh! Coi chừng có biển báo đoạn đường nguy hiểm.
-
Yên chí, chẳng phải em từng gọi anh là “tay lái lụa
Saigòn” sao, nếu sợ cứ mượn tạm cái bụng anh, không
phải trả tiền thuê đâu mà sợ.
Chúa
ơi, không phải nhắc tới lần thứ hai, đã thấy Nhã
vòng tay ôm lấy bụng tôi. Khỏi phải nói, chắc bạn
thừa biết cảm giác sướng rơn trong tôi như thế nào
rồi. Quả là tuyệt vời. Nhờ chút hơi ấm từ người
đẹp, tôi bất chấp đoạn đường đèo nguy hiểm, với
một bên là vách đá dựng đứng một bên là vực sâu,
lao tới. Cùng lúc, phát hiện trên đỉnh núi xa xa hòn đá
to mọc trên đỉnh núi mang hình ngón tay chỉ trời, được
các nhà hàng hải phương Tây gọi Ledoigt de dieu; người
Champa gọi vật thiêng Lingaparvata; dân địa phương gọi
Hòn Vọng Phu. Thực tế, có tới hai hòn đá hoa cương ở
canh nhau, dân chúng nhìn vào đó mà thi vị hóa thành người
mẹ bồng con đứng chờ chồng đi chinh chiến trở về,
hoặc có người gọi đó là núi Ông hay Thạch Bi Sơn, hay
núi Đá Bia trong chuyện vua Lê Thánh Tông khi tiến quân
đến đèo Cả, đã sai quân lính lên núi khắc hàng chữ
“ Chiêm Thành quá thử binh bại quốc vong. An Nam quá thử
tướng trụ binh chiết”, đánh dấu ranh giới giữa hai
nước Đại Việt và Chiêm Thành (*)
Chạy
được một lúc, Nhã kêu tê chân, năn nỉ tôi dừng xe
nghỉ một lát. Tôi tìm chỗ an toàn, thả cô xuống chỗ
mấy bác tài đang tận dụng nguồn nước đổ từ trên
núi xuống, rửa xe tẩy trần mọi dơ bẩn. Nhìn quanh, tôi
thấy tấm bảng phân chia địa giới cắt ngang qua dãy núi
Đại Lãnh, nơi được chọn làm điểm cắm mốc phân
chia hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.
Vừa
bước xuống xe, Nhã làm quen với anh thanh niên đứng cầm
vòi xịt nước trên tay:
-
Anh ơi! Trên núi cao có cả giếng nước ngầm ư?
Anh
thanh niên vốn là “hai lúa” chính hiệu, hồn hậu trả
lời:
-
Nước thiên nhiên từ trên núi đổ xuống, bọn tôi chỉ
việc nối các ống ngầm là có nước để rửa xe. Đặt
biệt, nước ở đây ngọt mát, không tin cô rửa mặt và
uống thử vài ngụm sẽ biết.
Nhã
bước tới, khum khum hai bàn tay hứng lấy nguồn nước
uống, rửa mặt, rồi khen .
-
Quả thật nước ngọt mát như lấy từ tủ lạnh ra.
Anh
thanh niên chỉ tay lên phía trên nói:
-
Cô đi quá lên vài chục mét cũng sẽ gặp một số vòi
nước giống như ở đây vậy.
-
Sao người ta không nghĩ tới chuyện tiết kiệm nguồn
nước nhỉ?
-
Để làm gì? Không dùng cũng bỏ thôi.
Trong
khi Nhã bận “tám” với anh thanh niên, tôi đứng quan
sát cái vịnh tuyệt đẹp nằm ở hướng Đông Nam. Từ
trên đèo cao nhìn xuống, vịnh như một hồ nước xanh
ngắt được che chắn bởi bán đảo hình đầu chim đại
bàng cùng với chiếc mỏ khoằm nhô lên trên mặt nước.
Nghe kể, trước đây nơi này mọc ken dày cây cóc kèn, ô
rô, nên giới bình dân gọi luôn là vịnh Vũng Rô. Ngày
nay, sau chiến tranh, vịnh được phát triển thành nơi
nuôi trồng tôm hùm, được giới nhà giàu rất ưa chuộng.
Thích quá, vì chưa biết tôm hùm như thế nào, tôi bèn
chở Nhã chạy quá lên 3 cây số, tới ngã ba có tấm bảng
chỉ đường rẽ vào cảng Vũng Rô. Tưởng gần, hóa ra
tôi phải chạy thêm 12 cây số đường ngoằn ngoèo bên
những rừng thông lẫn khi hậu mát mẻ không thua gì Đà
Lạt.
Kia
rồi, cái quán hải sản thiết kế một phần nhô ra biển
như gọi mời. Đúng là một nơi chốn tuyệt vời để
thưởng thức món ốc “vú nàng” nướng trên vĩ than
hồng sực nức mùi mỡ hành, kể cả món tôm hùm quí tộc
nướng bơ tỏi thơm điếc mũi . Theo sự PR của cô chủ
quán, tôm hùm được nuôi bằng những chiếc lồng sắt
cở 3x3x1,4 mét, được phủ sơn để tránh hàu con đeo
bám. Lồng phải đặt trên mặt cát hay san hô, nơi ít tàu
thuyền qua lại. Hằng ngày tôm được cho ăn 2 bữa sáng,
tối với thức ăn là tôm tép nhỏ, cá, cua vụn tươi
sạch. Vừa nói cô vừa chỉ tay về phía những chiếc
lồng chưa dùng đến, vất bỏ rải rác ven đường.
Ăn
xong món tôm hùm béo ngậy bơ, tôi tiếp tục chở Nhã
chạy theo con đường lớn, về Mũi Điện hay mũi Đại
Lãnh hay Cap Varella, ở cách xa chừng vài cây số. Nghe nói,
đến Tuy Hòa mà không ra Mũi Điện là một thiếu sót
lớn, giống như ăn gà luộc thiếu lá chanh vậy?
Đến
nơi, tôi gửi xe vào quán cơm duy nhất gần đó, để sau
khi leo núi xuống, có chỗ nghỉ ngơi ăn uống. Đặt tạm
vài món thức ăn ghi trong thực đơn xong, tôi dắt Nhã
vượt qua chiếc cổng có cây chắn bỏ chỏng trơ thay cho
người canh gác. Cô tỏ ra ái ngại khi nhìn thấy tấm
biển hù dọa “không được phép vượt qua “. Thế
nghĩa là sao? Cuối cùng cô cũng lấy hết can đảm theo
tôi bước qua hàng trăm bậc thang xi măng, dẩn lên một
bên là rừng dứa dại cao lêu nghêu trên đầu, một bên
là Bãi Môn rực rỡ màu nắng và màu cát trắng bên dưới.
Những tưởng, khi lên đến Mũi Điện sẽ chẳng gặp một
bóng người, nào ngờ ở trên núi đã có rất nhiều du
khách đến trước, đang chờ các anh lính biên phòng hướng
dẩn leo lên chiếc thang xoắn trôn ốc lên thăm tháp hải
đăng. Tôi và Nhã ngại leo cao, chỉ đi loanh quanh ở khu
nhà làm việc, chờ đám khách tham quan tháp trở xuống,
cùng lội bộ ra cột mốc đánh dấu nơi cực Đông Tổ
Quốc.
Đường
đi ra Mũi Điện hiểm trở, vì phải men theo lối mòn dốc
lên dốc xuống với đầy đá tảng chắn ngang lối đi.
Tôi có cảm tưởng như vừa đì vừa bị bàn tay vô hình
ai đó, đẩy từ phía sau lên phía trước, nếu không chú
ý quan sát dễ bị ngã bổ vào nhau như chơi. Nhờ đươc
cảnh giác truớc, Nhã bám sát theo tôi như hình với bóng.
Vậy mà chỉ trong một lúc sơ sẩy, cô bị mất đà ngã
chúi vào người tôi từ phía sau. Chưa kịp tận hưởng
hết mùi thơm da thịt con gái, tôi đã nhìn thầy cái
ghềnh đá nhô ra tận biển cùng cái cột ốp đá ceramit
màu đỏ, với đôi cánh bay hương lên trời, mang dòng
chữ: Mũi Điện ( Mũi Đại Lãnh ) - Nơi đón nhận ánh
bình minh trên đất liền đầu tiên ở cực đông Tổ
Quốc.
Trong
lúc mọi người tranh nhau tạo dáng đứng ghi hình bên cột
mốc, tôi đưa Nhã đến ngổi nghỉ chân ở ngôi nhà hình
bát giác, lắng nghe tiếng gió thổi vù vù làm rối tung
mái tóc. Nhân tiện lấy ra 2 chai nước mang theo, một đưa
cho cô còn một của tôi. Hết mệt, Nhã tươi cười ghé
tai tôi rủ: “Mình mau trở xuống Bãi Môn chiếm lĩnh bãi
tắm tuyệt vời, trước khi số đông người kịp xuống
làm náo động. Như thế, chúng ta mới được tự do vẫy
vùng trong làn nước tinh khiết, chờ đến khi cơn đói
cồn cào đến ăn mới thấy ngon”.
Tắm
biển, cơm nước xong xuôi, tôi chở Nhã chạy tiếp theo
cung đường mới mở Hòa Hiệp - Phước Tân - Bãi Ngà về
thị xã Tuy Hòa. Cung đường tuyệt đẹp nhờ những bãi
cát trắng phau nối đuôi nhau trải dài qua các bãi biển,
cụm dân cư giàu có một thời Đà Nông, về tới khu công
nghiệp Nam Tuy Hòa. Một trọng điểm kinh tế của tỉnh
Phú Yên, hứa hẹn sẽ mang lại mùa sống phong phú cho
người lao động nghèo khó, có công ăn việc làm nuôi
sống gia đình. Tuy nhiên, công việc xây dựng dù chưa
hoàn tất nhưng cây cầu thứ 3 bắc qua cửa sông Ba hiền
hòa nối vào trung tâm thành phố, đã được đưa vào xử
dụng từ lâu, và được xem là niềm tự hào chung của
người dân thị xã; nhất là đêm đêm có nhiều đôi
thanh niên nam-nữ ghé về đây sinh hoạt vui chơi đông như
đi trẩy hội.
Và
đây rồi, trước mắt tôi là con đường Trần Hưng Đạo
rộng thênh thang, vắng xe cộ lẫn bóng người qua lại,
làm nổi bật 2 ngọn núi Nhạn, núi Chóp Chài trên trần
mây. Được biết, đây là biểu tượng đáng yêu của
“xứ nẩu” Tuy Hòa - Phú Yên.
Trao
đổi với Nhã xong, tôi quyết định chọn con đường đi
vào trung tâm thành phố ghé về Núi Nhạn; thay vì chạy
dọc theo đường Độc Lập, rợp mát những hàng phi lao
xanh ngút ngàn.
Từ
dưới chân núi tôi và Nhã lội bộ trên con đường nhựa
ngoằn ngoèo, mất hơn nửa giờ đồng hồ mới lên tới
đỉnh. Đang đổ mồ hôi ướt đẳm sống lưng, nhưng vừa
trông thấy mảng cây cối xanh mởn quanh đây, khiến cho
cái nóng trong tôi tự nhiên biến đi đâu mất tiêu. Ở
trên đây, ngoài những bóng cây tạo bóng mát ra, khu di
tích cổ Champa là ngọn tháp duy nhất còn hiện diện trên
đất Tuy Hòa. Ngọn tháp chia làm 4 tầng, mỗi tầng khi
xây lên cao hơn được thu nhỏ thêm ở phần chóp, nhìn
rất giống với lối kiến trúc của tháp Ponaga ở Nha
Trang. Cấu trúc tháp có hình tứ diện, tọa lạc sừng
sửng trên đỉnh núi bằng phẳng, mang đầy tính nghệ
thuật trong diêu khắc và kiến trúc cổ Champa. Để tìm
hiểu, tôi bước hẳn vào bên trong quan sát, nhưng đảo
mắt nhìn quanh chẳng thấy bệ thờ hay tượng thờ gì
cả. Nghe kể: “ tàu chiến thực dân Pháp chạy ngoài
biển, nhìn thấy ngôi tháp cứ tưởng là pháo đài nên
đã nả pháo vào đất liền làm đổ cả 3 góc trên phần
đỉnh”, do đó có nghi vấn cho rằng việc bắn phá dẩn
tới việc làm biến mất bệ thờ và tượng thờ?
Trên
đường trở xuống tới lưng chừng núi Nhạn, tôi chỉ
Nhã cây cầu sắt dài nhất miền Trung có tên Đà Rằng,
do Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ 20, gồm 21 nhịp, chạy
song song với đường xe lửa Bắc-Nam. Cây cầu được bắc
qua đôi bờ sông Ba, kết hợp với núi Nhạn tạo nên
quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng trên dãi đất
miền Trung.
Rời
núi Nhạn, tôi chạy xe ra quốc lộ 1A, hướng về ngọn
Chóp Chài cách xa thành phố Tuy Hòa 4 cây số. Từ xa, tôi
đã phát hiện ra cột anten của đài truyền hình Tuy Hòa
nằm trên đỉnh núi Chóp Chài, chắn lấy lối đi trước
mặt. Tôi chợt nhớ câu ca dao “Chóp Chài đội mũ/ Mây
phủ Đá Bia/ Ếch nhái kêu lia/ Trời mưa như đổ”. Thì
ra núi Chóp Chài hay còn gọi Nựu Sơn, là một trong hai
đài khí tượng tự nhiên nằm cạnh cánh đồng lúa phì
nhiêu Tuy Hòa.
Nhanh
chóng gửi xe ở quán nước dưới chân núi, tôi dắt tay
Nhã dung dăng dung dẻ đi lên, đến lưng chừng núi chúng
tôi ghé thắp nhang ở chùa Hòa Sơn, Minh Sơn, Khánh Sơn,
Bảo Lâm rồi đi tiếp lên hang dơi Trai Thủy. Đây là một
cái hang rộng và sâu, thích hợp cho việc xây dựng ngôi
chùa Hang khá độc đáo, bằng cách biến những tảng đá
lớn dựng đứng làm vách, cái bằng phẳng làm mái che,
che luôn phần hành lang dẩn tới chánh điện.
Hòa
trong tiếng chuông ngân nga, tôi bước tới quì cạnh Nhã
trước bàn thờ Phật, cố ý khấn to cho cô nghe: “Nam Mô
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Xin ngài cho con với cô gái
đang quì bên con, yêu nhau cho đến lúc răng long đầu
bạc“. Kết quả là tôi bị xô ngã cùng với giọng nói
thẹn thùa “Không dám đâu em còn phải học bài” (**).
Rời
Chóp Chài đã đến giờ nghỉ ngơi ăn cơm chiều rồi,
tôi vội phóng xe chạy về bờ kè Bạch Đằng. Nơi dân
sính ăn, khen không tiếc lời về các món hải sản tươi
ngon mà giá cả lại khá mềm.
Đảo
một vòng thăm dò tình hình, cuối cùng tôi ghé vào quán
có đông thực khách nhất, kinh nghiệm dạy tôi “quán
nào đông khách ngồi ăn uống chắc chắn ngon mà không sợ
bị ăn đồ cũ, đổ thừa”.
Trong
lúc chờ Nhã “quần thảo” chán chê trên thực đơn,
tôi lơ đảng nhìn những chiếc thuyền đánh cá neo đậu
san sát trên bến. Nghe đâu, chúng có khả năng đánh bắt
xa bờ đến 200 hải lý, ở những vùng biển sâu tận
ngoài đảo Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc . . . mỗi năm
mang về cho Phú Yên hàng ngàn tấn cá ngừ đại dương.
Loại “cá bò gù” cõng trên lưng chiếc gù và thịt đỏ
như thịt bò; ngoài ra, Phú Yên còn được biêt là nơi
khởi đầu nghề câu cá ngừ đại dương. Theo các lão
ngư, nghề câu xuất phát do ngư dân tình cờ vớt được
những đoạn dây câu bị đứt trôi dạt vào bờ. Khi kéo
dây lên tìm hiểu, thấy có mấy con cá bò gù bị mắc
câu. Từ đó, các ngư dân cải tiến rồi làm ra những
vàng câu dài hàng chục hải lý, gắn từ 600-800 lưỡi
câu. Mới đầu, cá bò gù thu hoạch không được người
dân ưa chuộng, vì trông giống cá ông linh thiêng mà người
dân vùng biển rất tôn thờ. Sau đó, đi tìm hiểu trên
Internet mới biết loại cá ngừ này rất được thế giới
ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, xuất khẩu thu về
nhiều ngoải tệ..
Qua
câu chuyện này, tôi nhớ anh bạn từ nước ngoài đi du
lịch Tuy Hòa về kể lại. Nghe nhà hàng giới thiệu đặc
sản cá “bò gù” chấm mù tạt xanh, cá bò gù nướng
chấm muối ớt, lườn cá bò gù xào sa tế, đầu cá bò
gù nấu cháo, lòng cá bò gù làm gỏi, mắt cá bò gù
chưng cách thủy . . . hấp dẩn quá, anh bạn gọi thử món
cá bò gù tươi chấm mù tạt. Khi món ăn được dọn lên
bàn, anh mới biết món này ở Mỹ người ta gọi là
Yellowfin tuna, Bleufin hay còn gọi là cá ngừ đại dương.
Có điều, ở Mỹ người ta chỉ ăn phần thịt phi lê,
còn đầu đuôi, lòng gan đều bỏ đi. Người Việt có
tuổi nghề đi biển, đã lợi dụng phần bỏ đi này mang
về chế biến ra những món ngon vào loại quốc hồn quốc
túy: đầu cá ngừ nấu lẩu, mắt cá ngừ tầm thuốc
Bắc, gỏi lòng cá ngừ . . . chỉ dành đãi bạn bè thân
thiết.
-
Cho một bình rượu Quán Đế. Tôi quay qua nói với cô
tiếp viên xinh đẹp đứng chờ.
-
Đó là loại rượu gì ạ? Cô tiếp viên ngây người ra
hỏi.
-
Ủa! Dân Tuy Hòa mà không biết rượu Quán Đế mới lạ?
-
Em là dân Nha Trang mới ra đây làm thôi.
Đây
là rượu mà cánh lái xe đường dài Bắc-Nam, mỗi khi
dừng chân nghỉ ngơi ăn uống ở đoạn mười lăm cây số
trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận thị xã Sông Cầu,
hay còn gọi “ngã ba sung sướng” truyền tụng nhau. Theo
tiết lộ, ở Phú Yên không chỉ có món cá ngừ đại
dương, mà còn có nhiều loại hải sản quí hiếm như sò
huyết Ô Loan, chất lượng dinh dưỡng cao, giúp quí ông
mau phục hồi sức khẻo; riêng món cá ngựa Sông Cầu nổi
tiếng không đâu sánh bằng, vì ở đây có nhiều vịnh,
gành, đầm, phá, thuận tiện với môi trường sinh sống
của loài này. Theo kinh nghiệm dân gian, cá ngựa, lá dâm
dương hoắc, 7 con bửa củi nướng chín, ngâm chung với
rượu, cho ra loại thần dược dành cho quí ông. Ngược
lại, dân Phú Yên có bài thuốc cổ truyền mang ngâm
chung với rượu Quán Đế, cho ra loại rượu dân lái xe
quen gọi “ông uống bà khen”?
Lai
rai xongmấy món nướng -chiên -xào, nhà hàng dọn tiếp
dĩa rau ghém thái sợi cùng hai cái thố rờ nóng đến
bỏng tay. Lạ. Mở nắp thố, ngửi thây mùi cá lẫn trong
vị thuốc bắc thơm ngào ngạt. Nhìn bên trong thấy nguyên
con mắt đen to cở trái banh tennis. Tôi cầm muổng húp
từng ngụm nước dùng, nghe cay nồng đầu lưỡi, ăn tiếp
miếng sụn nghe kêu sừn sựt dưới răng, cảm nhận vị
béo ngậy tứa ra trong miệng của món “đèn biển”.
Thảo nào, cậu học sinh cấp ba nghe giới thiệu món mắt
cá ngừ ngon-bổ-khỏe, chơi liền một hơi hết 3 thố
ngon ơ, đêm về bị nổi ngứa khắp người, phải gọi
xe chở đi bệnh viện cấp cứu.
Khuya.
Có người mách tôi nên đưa Nhã đến vui chơi ở vũ
trường Thuận Thảo hoặc đi thang máy lên tầng 17 khách
sạn Cendeluxe uống cà phê, ngắm vẻ đẹp thành phố ở
trên cao. Cám ơn, bọn tôi ai nấy đều đã thấm mệt sau
một ngày rong chơi, nên chỉ ghé ra quảng trường 1 tháng
4 hóng gió, ăn thịt xiên que, nghe tiếng sóng biển vỗ rì
rào cho tới tận khuya lơ khuya lắc mới quay về khách sạn
ngủ. Hẹn sáng hôm sau thức dậy sớm, chạy đến ghành
đá Đĩa chụp ảnh, tắm biển Long Thủy, thưởng thức
sò huyết Sông Cầu, rượu gạo Qui Hậu nức tiếng Phú
Yên . . . trước khi kết thúc chuyến đi biển lần này.
Đúng
hẹn, ăn sáng xong tôi lấy xe chạy ra quốc lộ 1A, xuôi
hướng Bắc đến thị trấn Chí Thạnh, tình cờ phát
hiện nhà thờ Mằng Lăng nằm cuối con hẻm cụt. Mừng
hết biết, vì trước khi ra Phú yên tôi nghe nói nhiều về
nhà thờ cổ nhất-nhì đất nước, do cha Joseph de Cassagne
làm giáo xứ đầu tiên. Sở dĩ nhà thờ có tên Mằng
Lăng do trước kia ở đây mọc rất nhiều loại cây có
hoa nở thành chùm màu tím, giống như hoa bằng lăng nên
dân địa phương gọi luôn là Mằng Lăng. Nhà thờ xây
dựng vào năm 1892 theo lối kiến trúc Gothique, gồm nhiều
hoa văn trang trí giản dị nhưng không thiếu phần tôn
nghiêm. Ngày nay, sau hơn 120 năm, nhà thờ từ màu trắng
đã chuyển sang màu xám rêu phong cổ tích. Điểm cao nhất
nhà thờ là 2 tháp chuông, bảo vệ cho cây thập tự giá
ở chính giữa thấp hơn so với gác chuông. Từ ngoài cổng
bước vào, là một khuôn viên thoáng mát với nhiều bóng
cây xanh. Trên mô đất cao nằm về phía tay trái có tượng
thánh André Phú Yên, mà ngay bên dưới là một hầm mộ
nhân tạo xây dựng rất công phu. Bước vào trong hầm,
thấy treo nhiều hình ảnh nhà thờ trong thời kỳ đầu
xây dựng, những bức phù điêu nói về Á Thánh André
Phú Yên, tử nạn khi mới 19 tuổi (1625-1644), chân dung
giáo sĩ Đắc Lộ - Alexandre de Rhodes (1593 – 1660), quyển
giáo lý “Phép Giảng 8 Ngày” in tại Roma bằng chữ quốc
ngữ, gìn giữ trang trọng trong chiếc lồng kính.
Rời
nhà thờ, tôi chạy xe đến làng An Thạch ngắm đập Tam
Giang dài 800 mét, chắn ngang sông Ngân Sơn hay sông Cái.
Đây là công trình thủy lợi quan trọng, cung cấp nước
cho cả đồng bằng rộng lớn Tuy An.
Đến
nơi, tôi dựng xe bên đường trong khi Nhã đứng khen cái
nhà thờ nằm lẻ loi bên kia đập đẹp như tranh vẽ,
quên chứng kiến cảnh người ta chạy xe qua lại trên mặt
đập trơn trợt như làm xiếc. Không dấu được sự tò
mò, Nhã men theo bờ dốc đi xuống dưới đập, dõi theo
bóng người đàn ông đang lom khom, lật lên từng bụi lá
tìm kiếm thứ gì đó. Thấy lạ, tôi hỏi người dân
đứng sát bên:
-
Anh ta tìm gì vậy?
-
Săn cá chình giống.
-
Chình sông hay biển?
Người
này giải thích:
-
Hàng năm, cứ mùa mưa đến, cá chình từ sông bơi ra cửa
biển đẻ, sau đó chình con vượt lũ lên đầu nguồn
sinh sống. Ban ngày, cá chình nằm yên dưới bùn hay trong
hang, đêm đến chúng mò ra kiếm ăn bằng cách bơi ngược
dòng lên đầu nguồn, gặp sự cản trở từ chiếc đập
chúng tập trung lại thành từng đàn, chờ con nước lớn
sẽ vượt qua. Nắm bắt qui luật ấy, cứ đến mùa mưa
dân chúng tập trung về đây đông như ngày hội.
-
Mùa nào mới là mùa của chình?
-
Bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch, thời gian
đó cá nhiều vô kể, mỗi đêm người ta thu về đôi ba
triệu đồng là thường. Vì thế, dân chúng quanh vùng lôi
kéo nhau về đây có lúc lên đến 300-400 người. Cá chình
to cở cây kim biết cử động, có khi to bằng đầu đủa.
Dụng cụ xúc cá rất đơn giản, ít tốn kém, chỉ cần
một tấm lưới mùng dài 2 mét, ngang 1 mét, hai đầu được
đính vào hai thanh gỗ tròn do 2 người kéo căng 2 đầu.
Khi xúc cá, một người khom một đầu lưới xúc cá rồi
kéo lên, người còn lại chỉ việc soi đèn pin, thấy có
cá thì dùng chiếc vợt nhỏ xúc bỏ vào thùng.
Nghe
thú vị, Nhã đòi ở lại đêm để cùng tham gia đi xúc
cá chình ở đập Tam Giang. Tôi khuyên cô không nên bỏ lở
chuyến đi tiếp đến ghành đá Đĩa, ngắm vẻ độc đáo
cùng sự kỳ thú của những khối đá bị xô lệch bởi
bàn tay tạo hóa, sau đó qua Long Thủy tắm biển kẻo hết
ngày.
Phải
năn nỉ mãi, Nhã mới chịu rời đập Tam Giang trong sự
tiếc nuối, đi ra ghành Đá Đĩa ở cách đấy không xa.
Mua
vé qua cổng, đi bộ một quảng ngắn đã đến gành Đá
Đĩa. Đứng từ trên nhìn xuống bên dưới, thấy xuất
hiện nhiều cột đá đen bóng hình tròn, hình lục giác
xếp chồng khít bên nhau, nhìn chẳng khác những chồng
đĩa được sắp xếp cẩn thận. Để khám phá sự kỳ
thú, tôi dắt tay Nhã lần theo đường mòn dốc đứng
xuống tận bên dưới để cảm nhận cho hết vẻ đẹp
của thiên nhiên. Bất ngờ, cô bị trượt chân bên những
lõm nước đọng lại thành trũng, ngã vào vòng tay tôi
đang dang ra đón chờ. Ôi! Chưa có hạnh phúc nào tuyệt
vời hơn bằng lúc này. Mùi ngai ngái mặn mòi hương vị
biển, mùi da thịt thơm tho con gái, thay nhau xộc lên mũi
làm đảo điên tâm hồn kẻ si tình.
-
Cám ơn anh. Nhã nói trong khi hai má ửng hồng.
Tôi
đùa:
-
Cám ơn gì chứ. Lời cầu xin ở chùa Hang của anh đã
được Đức Phật nghe thấy?
Nhã
vừa mắc cở vừa nhéo mạnh hông tôi một cái, nói:
-
Quỉ tha ma bắt nhà anh đi.
Chưa
kịp lấy lại sự thăng bằng, Nhã vừa quay lại đã thấy
một con sóng to ập đến ngay dưới chân. Sợ quá, cô ôm
chặt lấy tôi cho khỏi bị ngã, đồng thời tránh những
giot nước tung tóe bắn lên người.
Tôi
giữ lấy thân hình cháy bỏng của Nhã trêu:
-
Thấy chưa, ông trời muốn em rời Lạng Sơn vào Saigòn
làm dâu nhà anh đó.
Để
chửa thẹn, Nhã bạo gan hỏi:
-
Dám không? .
Bỏ
qua sự ngượng ngùng trước đó, Nhã vui vẻ đứng tạo
dáng bên vách đá đen tuyền, cho tôi chụp vài tấm ảnh
để cô mang về khoe với gái Hà Nhì, có búi tao cao như
quả đồi con trên đỉnh đầu trông thật ngộ nghĩnh.
Theo
các nhà địa chất học, ghành Đá Đĩa là hiện tượng
phun trào từ đá bazan của núi lửa cao nguyên Vân Hòa
cách nay 200 triệu năm. Trước tiên, nham thạch trào ra
biển, thình lình gặp nước lạnh đông cứng lại; đồng
thời xảy ra sự ứng lưu gây những nứt rạn theo cả
chiều dọc lẫn chiều ngang, tạo cho Phú Yên một cảnh
quan kỳ thú và độc đáo về địa chất ở Việt Nam.
Để
kết thúc chuyến đi thăm xứ “nẩu” Tuy Hòa - Phú Yên,
tôi đưa Nhã chạy theo cung đường rợp bóng dừa xanh đến
bãi biển Long Thủy hay còn gọi là Mỹ Á. Một bãi biển
nguyên sơ tìm ẩn biết bao điều thú vị đang chờ đợi
con người phám phá.
“Ai
về Mỹ Á chi lâu.
Để
em ôm chiếc thuyền câu đợi chờ”.
Ôm
chiếc thuyền câu đâu chẳng thấy, chỉ thấy mấy chiếc
ghế bố du lịch bỏ trống nơi bãi vắng. Nhã không đợi
dừng xe lại, cô lao nhanh đến chiếc ghế bố đôi, ngã
người ra tận hưởng những cơn gió mang hương vị biển
thổi rạt rào trên mái che bằng lá, nhấm nháp từng ngụm
dừa ngọt lịm không đâu bằng dừa Long Thủy.
Tôi
nằm cạnh Nhã, nhắm hờ đôi mắt và duỗi dài đôi chân
trên cát. Loáng thoáng nghe bên tai tiếng chào mời mua bánh
tráng Hòa Đa, nước mắm Ghành Đỏ, cá ngựa Vũng Lắm,
mực khô Phú Câu . . . mang về làm quà.
Không
biết Nhã thế nào, riêng tôi gọi món sò huyết đầm Ô
Loan, ghẹ Sông Cầu, cháo hàu Tuy An . . . uống với ly rượu
gạo Qui Hậu để nhớ mãi cái “xứ nẫu” thân thương
qua chuyến đi này. /.
MINHNGUYỄN
(*)
Sách NNPY của NĐT
(**)
Nhạc NVH