văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, June 24, 2013

VĂN QUANG * Nông dân điêu đứng vì ruộng đất


Vào buổi chiều ngày thứ Hai 17-6-2013, tôi đã dành thì giờ theo dõi kỳ họp của Quốc Hội (QH) VN được trực tiếp truyền hình cho cả nước xem trên đài VTV1. Bởi đây là vấn đề hết sức quan trọng đã từng gây ra nhiều dư luận, nhiều cuộc tranh cãi, nhiều cuộc khiếu kiện kéo dài thậm chí đổ máu như các vụ Tiên Lãng, Nam Định.... Với quá nhiều thực trạng đau lòng và quá nhiều tình tiết hết sức tế nhị, giữa luật pháp và quyền hành, giữa tình cảm và lý trí. Quyền lợi thiết thân của người dân mà lâu nay cứ đụng đến là có phiền toái, có nhiều mặt của vấn đề. Tôi đã cố gắng theo dõi những bài phát biểu của các ông bà “đại biểu” nêu lên.

Mỗi ông, mỗi bà đều có những ý kiến riêng, trình bày những hoàn cảnh riêng. Nhưng tựu trung có thể gom lại là: “Đất thuộc quyền của ai, của nhà nước hay của người dân?”
Khái niệm mơ hồ đó khiến cho khi bị trưng thu, bị giải tỏa vì sự cần thiết của quốc gia hay của các nhà đầu tư làm kinh tế, nảy sinh mâu thuẫn trầm trọng. Giải pháp nào chấn chỉnh tình trạng này cho vào khuôn phép để người dân không bị thiệt thòi.” Bên cạnh đó là tình trạng khốn đốn của người nông dân hiện nay, càng làm ra bao nhiêu lúa gạo càng thua lỗ.


Hầu hết những bài phát biểu của các ông bà “nghị” được viết sẵn, có ông bà “nghị” đọc rất xuôi, có ông bà đọc ngắc ngứ vì lý do nào chẳng biết, có lẽ tại những gì nêu ra quá hóc búa, đọc sai một ly đi một dặm nên cứ cẩn tắc vô áy náy, đọc nguyên xi cho chắc ăn. Tuy vậy, đôi khi ngắt câu, ngắt quãng không đúng cũng phải đọc lại cho rõ nghĩa. Chắc các vị này đã quá biết câu chuyện ngày xưa khi quan huyện muốn ăn tiền của cả 2 bên đi kiện. Nhiều bạn đọc thừa biết, ở đây tôi kể lại sơ lược chuyện tạm gọi là chuyện “chấm phẩy” này.


Cho mày về nhà lấy chồng....
Có một anh nông dân đi lính lâu ngày, ở nhà cô vợ trẻ xin quan cho đi lấy chồng. Quan huyện nhận lễ vật rồi phê vào đơn và dõng dạc đọc:
“Cho mày về nhà lấy chồng/ không được về nhà chồng cũ.”
Bất ngờ anh lính trở về, làm đơn đòi lại vợ. Quan lấy lại tờ đơn rồi đọc:
“Cho mày về nhà/ lấy chống không được/ về nhà chồng cũ”!


Hồi đó chữ nghĩa không có chấm phẩy nên đọc thế nào cũng được, nhưng rõ ràng hai kiểu đọc được hiểu trái hẳn nhau.
Khi đọc cũng vậy, kể cả các xướng ngôn viên của các đài truyền thanh truyền hình cũng phải “chấm phẩy” theo lối đọc của mình. Có ai đọc “chấm phẩy” bao giờ đâu. Cho nên khi ngắc ngứ các ông bà “nghị” phải đọc lại cho “thông suốt” cũng chẳng có gì lạ, kẻo rồi đất của ông thành đất của tôi, nó phiền ra.


Trong bài này, tôi chỉ nhấn mạnh đến mảnh đất quan trọng như thế nào đối với người nông dân. 70% dân VN sống bằng nông nghiệp, đất chính là cuộc đời, là “lẽ sống còn” của người nông dân VN. Thế nên bàn đến vấn đề này cần phải có kinh nghiệm thực tế, có tâm huyết với người nông dân chứ không thể chỉ là những ý kiến loanh quanh, không thật sự đi sát với tâm trạng người dân, không đưa ra được giải pháp nào mới mẻ khả dĩ có thể thực hiện được trong hoàn cảnh này.
Trước khi bàn đến những ý kiến của các ông bà “nghị,” xin kể với bạn đọc một câu chuyện hết sức đau lòng, một chuyện rất thật, điển hình cho những tranh chấp đất đai trong phạm vi gia đình ruột thịt. Đôi khi tôi cũng đọc được vài chuyện trong gia đình tranh chấp đất đai, tài sản đưa nhau ra tòa. Nhưng ở VN thì tình trạng này nhiều hơn và chỉ cần một cái nhà nhỏ, ba thước đất cũng đủ thành một cuộc “đại chiến” rồi.


Thuê luật sư đưa mẹ vào tù
Trong thời “bão giá” đã xảy ra vụ tranh chấp đất đai giữa bà Nguyễn Thị Cải 81 tuổi, với vợ chồng con trai là anh Hoàng Văn Đích và con dâu là chị Nguyễn Thị Thưởng, ở tại xã Xuân Lai, Xuân Thu, H. Sóc Sơn, Hà Nội.
Khoảng 8 giờ ngày 23-12-2011, bà Cải cầm búa đinh đến để đập tường công trình phụ nhà anh Đích vừa mới xây xong với mục đích đòi đất. Khi bà Cải tới thì chị Thưởng chạy đến giằng búa, đẩy bà Cải về phía sau, làm bà ngã xuống nền nhà. Bà Cải hô hoán thì các con gái, con dâu chạy sang. Thấy bà Cải bị ngã còn chị Thưởng tay cầm búa đinh, tưởng chị Thưởng đánh bà Cải nên cả 5 xông vào giằng co búa đinh với chị Thưởng, đánh chị Thưởng phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Bắc Thăng Long.
Sáng 25-12-2011, bà Cải lại cầm theo gậy tre cùng các con đến nhà chị Thưởng, anh Đích để đập phá tiếp. Các con dâu, con gái bà Cải đã đẩy đổ tường và kéo sập mái chuồng ngựa nhà anh Đích.


Sau đó vợ anh Đích tức con dâu bà Cải làm đơn kiện. Ngày 27-5-2013 vừa qua, Tòa án Thành phố Hà Nội đưa các bị cáo là một bà già 81 tuổi và 5 người con dâu, con gái ra trước vành móng ngựa. Bị hại (tức người đi kiện) trong phiên tòa lại chính là con trai, con dâu của bà cụ đã gần đất xa trời! Sau khi nghe đối chất, tòa tuyên phạt cụ Nguyễn Thị Cải 9 tháng tù treo; 5 người con trai con dâu là Bạch, Tập, Thực, Hành, Vân, mỗi bị cáo 6 tháng tù treo. Tòa sơ thẩm buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại hơn 8 triệu đồng.
Khi nghe tòa tuyên phạt án treo, vợ chồng anh Đích kháng án yêu cầu xử tù mẹ chồng và các anh chị em. Chị Thưởng “nhảy dựng” lên và thề sẽ kháng cáo để đẩy mẹ vào tù bằng được chứ không chịu thua.


Ngày xưa nghèo lắm
Cụ Cải tai điếc, mắt mờ sống trong căn nhà tuềnh toàng, cụ chậm chạp kể lại “sự tích” của miếng đất này. Cụ có tất cả 7 người con (4 trai, 3 gái) nhưng chẳng ai được ăn học đến đầu đến đũa, thậm chí có người còn chưa được đến trường ngày nào. Cậu con trai thứ tư Hoàng Văn Đích (46 tuổi) được đi học nhưng trình độ cũng chỉ ở dạng thoát mù chữ. Nhà cụ trước ở trong làng, nhưng sau này ra ven bờ đê lấp ao dựng nhà, tất cả được hơn 300m2.

Cụ Cải thở dài não nuột kể: “Ngày xưa nghèo lắm, tôi phải cho hai đứa con gái đi ở cho người ta. Thương con đứt ruột nhưng đành vì nếu ở nhà có khi chết đói cả.”
Năm 2006, sau khi cất xong ngôi nhà ba gian cho anh Đích, cụ Cải gọi anh em họ hàng đến chứng kiến việc cụ chia cho vợ chồng anh Đích mảnh đất hơn trăm mét vuôngỞ giữa nhà cụ và nhà anh Đích còn một mảnh đất vài chục mét nữa chưa xây dựng và đây chính là nguyên nhân khiến mẹ con, bà cháu không nhìn mặt nhau, ai cũng nhận mình có công đầu

.
Thằng con sinh ra từ... củ chuối
Theo lời chị Thưởng (vợ anh Đích) thì khi lấy anh Đích, vợ chồng chị cũng phải gánh đất lấp ao nhiều ngày tháng mới cất thêm thành căn nhà năm gian, nhưng năm 2007 cụ Cải phá mất hai gian. Từ đó, mối quan hệ giữa hai bên bắt đầu căng thẳng. Căng thẳng đến nỗi họ không nhìn nhau, không chào nhau, không hỏi nhau, như người dưng nước lã. Anh Đích không nhận mẹ, rêu rao với mọi người là mình sinh ra ở gốc chuối, tự lấy vợ, tự làm nhà. Đám cưới hai cô con gái của anh Đích và chị Thưởng (tức cháu nội cụ Cải) làm cỗ linh đình bên này, nhưng chỉ cách vài bước chân, bà cụ Cải ngồi bó gối trước sân không được mời dự lễ.

Mâu thuẫn ngày càng gay go, khi vợ chồng anh Đích xây trên mảnh đất tranh chấp này một cái chuồng ngựa. Thấy con trai mang đổ vật liệu trước nhà, cụ Cải đoán được mưu toan và đã cảnh báo: “nếu xây sẽ đập đổ.” Bất chấp, anh Đích vẫn thuê người xây khu công trình phụ. Điên máu, cụ Cải cầm búa đinh xông lên đập tường và bị con dâu xô ngã. Từ phía sau, phe của cụ Cải xông lên đánh tới tấp kẻ dám xô ngã mẹ mình.


Luân lý suy đồi đến hồi báo động đỏ
Theo lời anh N. - một người cháu của cụ Cải, vài ngày sau khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, anh Đích đã cầm gáo nước tiểu định hắt vào chăn chiếu của cụ Cải nhưng bị anh trai phát hiện. Bên kia, vợ chồng anh Đích thì tố, ngay tối hôm đi xử về, anh Đích bị mấy người anh trai vào nhà dùng điếu cày đánh vào chân, đến giờ vẫn còn đau.
Dù chưa có tiền sơn tường cho căn nhà cấp bốn mới xây nhưng vợ chồng anh Đích sẵn sàng bỏ ra số tiền không nhỏ để thuê luật sư buộc tội mẹ mình trong phiên tòa phúc thẩm. Trước khi rời phiên tòa, chị Thưởng vẫn nói chắc như dao chém đá: “Chúng tôi sẽ làm đến cùng, sẽ kháng án.” Và tất nhiên đến nay vợ chồng anh con trai thứ tư của cụ Cải vẫn cố hết sức để đưa mẹ vào tù!


Ban đọc nghĩ sao về cuộc tranh chấp mất hết luân thường đạo lý này cũng chỉ vì ba thước đất?
Điều này cũng cho thấy đạo đức xã hội xuống cấp, luân lý suy đồi đến hồi báo động đỏ. Và cũng từ đó cho thấy mành đất có giá trị như thế nào đối với người nông dân.