văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, June 13, 2013

VIÊN LINH * huyền thoại và sự thật

Trần Tuấn Kiệt

Trong văn nghệ có nhiều giai thoại, mà giai thoại là những chuyện đẹp, (giai là đẹp, như trong hai chữ giai nhân, giai phẩm). Người có nhiều giai thoại đáng kể là nhà thơ Trần Tuấn Kiệt, có lẽ vì ông là thổ công Sài Gòn, ngày ngày đi từ phố báo tới phố văn, gặp nhiều, quen nhiều, và cứ gặp là kéo nhau vào quán chuyện trò.

Trần Tuấn Kiệt không làm một nghề gì phải ngồi trong văn phòng nhiều giờ, cho nên nếu có làm báo nào, thì giờ làm việc của ông phần lớn cũng là nói chuyện với các văn nghệ sĩ, rồi viết ra những cuộc nói chuyện ấy. Nhưng kể lại, đúng hay sai, lại là chuyện khác. Nhiều khi kể cho vui; hay nói như một câu thơ của Vương Ngư Dương: “Nói láo mà chơi, kể láo chơi...” [Ðúng ra: Nói láo mà chơi, nghe láo chơi.]

Cách đây bẩy tám năm, Trần Tuấn Kiệt nhân viết một bài về nhà thơ Hoàng Trúc Ly, đã kể ra nhiều chuyện rất thú vị. Trong trí nhớ của tôi, Hoàng Trúc Ly cũng không làm một việc gì phải ngồi văn phòng 6, 7 tiếng một ngày, nên nếu hai người này rủ nhau đi nhậu, thì họ có thể nhậu hết quán này qua quán khác, từ sáng tới chiều, cho nên giai thoại họ kể họ nghe với nhau hẳn là nhiều lắm. Trong bài vừa nói, Trần Tuấn Kiệt rào trước đón sau:

“Thật sự đã từ lâu lắm rồi, tôi quên bẵng nhiều điều, nhiều người bạn thân, thỉnh thoảng nghe ai nhắc đến tên người đó, tôi chợt nhớ ra mang máng mơ hồ, y như là một giấc mộng, hình ảnh, giọng nói mơ mơ ngang ngang dường như chẳng có một quan điểm, một thái độ nào bộc lộ ra đối với lịch sử hay cuộc đời... tôi nhớ về Hoàng Trúc Ly như thế đó.”

Câu mở đầu như thế là bảo đảm rồi. Người nghe tin hay không tin là chuyện của người nghe, còn người nói cứ nói thôi:

“Nhớ lúc 'cải tạo' về, tôi quên cả con đường đi về nhà, và cứ đi luôn về hướng khác và cũng không cần thiết phải về sau gần mười năm ‘tù cải tạo’, vì chuyện bá láp không đâu. Một hai ngày sau tôi nhớ tôi ghé nhà H. [người chép lại xin viết tắt] xin một bộ đồ để mặc... thật sự là để bán lấy chút tiền uống café, còn đi đâu ở thành phố tôi chỉ mặc bộ đồ 'cải tạo' ấy cho đến khi mục rã ra... Tôi ghé H. vì trước đây cậu ta hay đến nằm lại nhà tôi gần chợ Vườn Chuối. Tình nghĩa anh em xưa mà! Bấy giờ thì tôi thấy hơi là lạ. Gặp H. tôi lại nhớ tới Phạm Công Thiện, bây giờ Thiện ở Mỹ. Qua Phạm Công Thiện tôi lại nhớ tới Hoàng Trúc Ly và Tam Ích. Tôi cũng quên rằng trước đây lúc làm báo Phổ Thông của Nguyễn Vỹ, gặp thường hai người này. Tôi cũng mơ hồ không biết Thiện nói nhiều về Hoàng Trúc Ly, hay ngược lại... Còn Hoàng Trúc Ly thì viết như thế này, tôi chỉ ghi mấy vần thơ trong ký ức thôi.

Còn tập thơ Hoàng Trúc Ly đã chung số phận với các tác phẩm Văn Học Miền Nam, bị nấu cháo cả rồi.”

Thơ rằng:

 
Những người xưa đi rồi không về nữa
Một mình anh lại gặp một mình em
Chiều lửng lơ nghe nắng rụng bên thềm
Em cúi mặt mắt buồn ươn ướt đỏ

Nhà anh nghèo anh đau tim anh yếu phổi
Ðời lạnh lùng bốn hướng gió và mưa
Ta lạc nhau từ em còn bé nhỏ
Anh thương em câm nín đến bao giờ.

Bởi vì đâu da em xanh giá rét
Nắng rưng vàng lên mái tóc mồ côi
Ngày giặc giã quê hương mình mỏi mệt
Mười năm qua hình ảnh có ngậm ngùi

Nhà anh nghèo anh đau tim anh yếu phổi
Em bềnh bồng anh phiêu lãng về đâu
Không dĩ vãng cho đêm dài đợi sáng
Không mai sau cho nước chảy qua cầu

Em bảo anh người đi không trở lại
Nấm mồ ai như giọt lệ chưa tan
Ngọn gió nào mang anh vào mộng mị
Em giang hồ làm tiếng hát lang thang

Ta đến bên nhau sao chùng bước mỏi
Lời sắp xé môi sao bỗng nghẹn lời
Anh nhớ em: núi cao càng hiu hắt
Anh thương em, máu vọt bốn phương trời.
[VL: TTK nhớ sai nhiều chữ, tôi chép lại từ sách theo bản in đầu]
Nhắc tới Hoàng Trúc Ly tôi nhớ lại Tam Ích, người thầy dạy tôi làm thơ và Pháp Văn ở trường Tân Thanh cũ, xóm Bàn Cờ.” Ðại khái thế, cứ từ người này thi sĩ nhớ tới người kia, nhớ cho tới khi nào đủ... 5 trang giấy thì thôi!

Nhưng như thế không phải là dở. Như thế mà lại hay, vì rồi tự dưng có chuyện thú vị xảy ra. Các giai thoại kế tiếp là chuyện Hồ Hữu Tường diễu cộng sản. (“Cộng sản chủ trương Tiến Hóa theo thuyết Darwin, nhưng không chấp nhận các học thuyết khác, như thế là phản tiến hóa. Nói như thế chắc linh hồn ông Karl Marx sẽ mỉm cười! Nhưng ông Karl Marx đâu có linh hồn, thì chúng ta cười thay ông vậy.”) Tới khi giai thoại bắt qua Bùi Giáng thì Trần Tuấn Kiệt cho biết một chi tiết rất hay.

Với tôi sách Hồ Hữu Tường viết cũng như Bùi Giáng, cả hai đều là hai cây triết gia đại thụ cả, tôi lên Ngã Bẩy, thấy Bùi Giáng tả tơi vác cái lồng sắt, có mấy con chồn đi bán, ông nói bán được lắm. Sau này không thấy ông bán chồn nữa mà thấy ông gầm gừ, nạt nộ xe qua đường. Thiên hạ bảo ông điên, gặp ông tôi kéo ông vào quán café, gần Ngã Bẩy cùng uống café hỏi thăm sức khỏe ông và hỏi: “Ông thấy tư tưởng Martin Heidegger bây giờ thế nào?” Bùi Giáng nói: “Ðương thời mình viết còn không hiểu, bây giờ thì làm thế nào mà hiểu được!” Rồi ông vừa nói với tôi vừa cười hề hề:

“Mấy câu mình viết cho Kim Cương đó... là nói về 'Kinh Kim Cương' chứ không phải cô Kim Cương đâu.”

Câu văn này thật là quan trọng. Lâu nay giai thoại văn nghệ thường nhắc tới những mối tình một chiều, mà “mối tình một chiều nào cũng đều đẹp cả.” Tây gọi là tình yêu lý tưởng (l'Amour platonique), như Hoàng Trúc Ly chiêm ngưỡng Thanh Thúy hay Bùi Giáng chiêm ngưỡng Kim Cương. Nếu Trần Tuấn Kiệt viết đúng, nghĩa là Bùi Giáng quả có nói thế, thì làm sao kiều nữ Kim Cương lại tới đưa đám thi sĩ “Mưa Nguồn”? Có một sự hiểu lầm đẹp, nên cho hiểu lầm luôn? Hay Bùi Giáng quả có yêu Kim Cương, không mong gì hơn là nàng tới đái lên mộ mình? Nhiều giai thoại chẳng thể tìm hiểu, vì nếu giai thoại là chuyện đẹp, chúng ta cũng nên có càng nhiều chuyện đẹp càng hay.

Yêu nhau nhiều lúc cũng liều
Hào quang phụ nữ diễm kiều mà ra
Tại người đâu phải tại ta?
Tại người như thế thành ra điên rồ.
(Bùi Giáng, Tình Yêu, Như Sương, tr.61)